GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 9/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.
__________________
NGÀY 6 THỨ HAI |
Bài Giảng của ĐTC GPII trong Lễ tôn phong Ba Tân Chân Phước của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân ở Lôreto Nước Ý ngày 5/9/2004
Đúng như dự định, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào lúc 8 giờ 30 sáng Chúa Nhật XXIII Thường Niên 5/9/2004 đã được trực thăng mang đến Loreto. Một tiếng sau, vào lúc 9 giờ 30, Ngài đã đến Trung Tâm Giới Trẻ ‘Gioan Phaolô II’ ở Montorso Loreto. Sau đó Ngài được xe hơi chở đến vùng đồng bằng duyên hải Montorso để cử hành Thánh Lễ phong Chân Phước cho 3 vị, đó là cha Tarrés i Claret (1905-1950), Alberto Marvelli (1918-1946) và Pina Suriano (1915-1950) vào lúc 10 giờ sáng. Sau Thánh Lễ, 12 giờ trưa, Ngài ban huấn từ truyền tin. Ngài lại được xe chở về Trung Tâm Giới Trẻ trước đây để dùng bữa trưa lúc 1 giờ chiều, rồi nghỉ ngơi cho tới 5 giờ thì lên trực thăng về lại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo của Ngài, tới nơi lúc 6 giờ tối. Sau đây là nguyên văn bài giảng phong chân phước của Ngài.
(bằng Ý ngữ)
1. “Con người làm sao có thể biết được ý muốn của Thiên Chúa?” (Wis 9:13), Vấn nạn này được Sách Khôn Ngoan đặt ra đã có câu giải đáp, đó là Người Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã hóa thân làm người trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ Maria, là Đấng có thể mạc khải cho chúng ta biết dự án của Thiên Chúa. Chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô mới biết được cách thức để “đạt được sự khôn ngoan của cõi lòng” (Đáp Ca) cũng như đạt được bình an và ơn cứu độ.
Vậy cách thức này như thế nào? Ngài đã nói với chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay: Đó là con đường thập tự giá. Những lời của Người đã rõ ràng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi không thể làm môn đệ của Tôi” (Lk 14:27).
“Vác thập giá theo Chúa Giêsu” nghĩa là sẵn sàng thực hiện bất cứ một hy sinh nào vì yêu mến Người. Nghĩa là không đặt bất cứ sự gì hay bất cứ ai trước Người, cho dù là những người thân yêu nhất của chúng ta, thậm chí cả chính sự sống của chúng ta.
2. Anh chị em thân mến, những người đang qui tụ nơi “đồng bằng Montorso tuyệt vời” này, như được diễn tả bởi ĐTGM Comastri, vị Tôi xin thành thật cám ơn về những lời lẽ nồng hậu ngỏ cùng Tôi. Cùng với ngài, Tôi xin chào các vị hồng y, các vị tổng giám mục và các vị giám mục hiện diện; Tôi xin chào các vị linh mục, tu sĩ, tận hiến; đặc biệt Tôi xin chào anh chị em thuộc phần tử của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân Công Giáo, do Đức ông Francesco Lambiasi tổng phụ tá và Tiến Sĩ Paola Bignardi chủ tịch toàn quốc dẫn đầu, vị chủ tịch Tôi xin cám ơn về những lời chào thắm thiết ngỏ cùng Tôi, đã muốn qui tụ lại đây, dưới ánh mắt của Đức Mẹ Loreto để lập lại quyết tâm của mình muốn trung thành gắn bó với Chúa Giêsu Kitô.
Anh chị em biết đó: gắn bó với Chúa Kitô là một chọn lựa gay go đòi phải cố gắng. Không phải tự nhiên Chúa Giêsu lại nói về “thập tự giá”. Tuy nhiên, Người đã xác định rõ ràng liền ngay sau đó là “theo Tôi”. Đây là một sứ điệp quan trọng, ở chỗ, chúng ta không vác thập giá một mình. Người bước đi trước chúng ta, mở đường bắng ánh sáng của gương Người làm cũng như bằng sức mạnh của tình Người yêu thương.
3. Thập giá, được yêu thương chấp nhận, là những gì làm phát sinh tự do. Thánh Tông Đồ Phaolô đã cảm nghiệm được điều này, “một con người già nua giờ đây đã trở thành một tù nhân vì Chúa Giêsu Kitô”, như thánh nhân nói về mình trong bức thư gửi cho Philemon, nhưng lại hoàn toàn tự do trong tâm hồn. Đó chính là điều nổi bật trong đoạn vừa được công bố: Thánh Phaolô bị xiếng xích, nhưng tâm can của ngài lại thanh thản, vì nó tràn đầy tình yêu Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao, từ trong cái tối tăm của ngục tù phải chịu vì Chúa, thánh nhân đã có thể nói về tự do cho một người bạn ở ngoài tù ngục. Philemon là một người Kitô hữu ở thành phố Colosê: Thánh Phaolô xin ông hãy giải thoát Onesimô, một con người vẫn còn là nô lệ theo luật của thời bấy giờ, nhưng lại là một người anh em bởi bí tích rửa tội. Khi từ bỏ người khác là sở hữu của mình, Philemon sẽ lãnh nhận được một người anh em như một tặng ân.
Bài học từ đoạn sách này đã rõ ràng, đó là không có tình yêu nào hơn hơn tình yêu của thập tự giá; không có tự do nào cao cả hơn tự do của tình yêu; không có tình yêu huynh đệ nào trọn vẹn hơn tình yêu phát xuất từ thập giá Chúa Kitô.
(bằng Tiếng Tây Ban Nha)
4. Ba vị chân phước vừa được công bố đã biến mình thành những người môn đệ khiêm hạ và là những chứng nhân anh dũng của thập giá Chúa Giêsu.
Pedro Tarrés i Claret, đầu tiên là một bác sĩ sau trở thành một vị linh mục, đã dấn thân làm việc tông đồ giáo dân nơi thành phần giới trẻ của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân ở Barcelona, một tổ chức sau đó ngài trở thành một phụ tá. Trong việc thi hành nghề y khoa, ngài đã dấn thân đặc biệt chăm sóc cho thành phần bệnh nhân nghèo khổ nhất, với niềm xác tín rằng “bệnh nhân là biểu hiệu cho một Chúa Kitô khổ đau”.
Khi trở thành linh mục, ngài đã bạo dạn dấn thân thực hiện những công việc thuộc thừa tác vụ của ngài, trung thành với quyết tâm ngài đã tự nhủ vào áp ngày thụ phong linh mục: “Lạy Chúa, con chỉ có một mục đích duy nhất đó là trở thành một vị linh mục thánh bất chấp mọi giá”. Ngài đã tin tưởng và anh hùng nhẫn nại chấp nhận một chứng bệnh khủng khiếp, một chứng bệnh đã khiến ngài phải qua đời vào năm mới 45 tuổi. Mặc dù khổ đau, ngài thường lập lại rằng: “Chúa thiện hảo dường bao đối với tôi!” “Tôi thật sự là hạnh phúc”.
(bằng Ý ngữ)
5. Alberto Marvelli, một con người trẻ mạnh mẽ và tự do, một người con trai của Giáo Hội Rimini và của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân, đã sống trọn cuộc đời ngắn ngủi 28 năm như là một tặng ân của tình yêu đối với Chúa Giêsu cho thiện ích của anh chị em mình. Ngài đã viết trong nhật ký của mình rằng: “Chúa Giêsu đã bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Tôi chỉ thấy có một mình Người, tôi chỉ nghĩ tưởng đến một mình Người mà thôi”. Alberto đã biến Thánh Thể hằng ngày thành trung tâm điểm của đời sống mình. Trong nguyện cầu, ngài cũng tìn thấy hứng khởi cho việc dấn thân về chính trị của mình, với niềm xác tín rằng con cái Chúa cần phải sống trọn vẹn trong lịch sử để biến lịch sử thành một câu truyện cứu độ.
Trong giai đoạn khốn khó của Thế Chiến Thứ II, một cuộc chiến tranh gieo chết chóc và đầy những bạo tàn và khổ đau, Chân Phước Alberto đã sống một đời sống thiêng liêng thiết tha, một đời sống làm phát sinh tình yêu Chúa Giêsu khiến ngài liên lỉ quên mình để vác thập giá của kẻ nghèo.
6. Chân Phước Pina Suriano, một người thổ dân ở Partinico, thuộc giáo phận Monreale, cũng mến yêu Chúa Giêsu bằng một tình yêu tha thiết và trung thành đến độ có thể viết một cách hết sức chân thành rằng: “Tôi không làm gì khác ngoài việc sống cho Chúa Giêsu”. Nữ chân phước này đã nói với Chúa Giêsu với con tim của một vị hôn thê: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho con thuộc về Chúa hơn bao giờ hết. Lạy Chúa Giêsu, con muốn sống và chết với Chúa và cho Chúa”.
Là phận gái, ngài là một phần tử của Nữ Giới Trẻ của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân, một tổ chức về sau ngài đóng vai lãnh đạo ở giáo xứ của mình, và đã tìm thấy nơi hiệp hội này một kích thích tố quan trọng cho việc phát triển về nhân bản và văn hóa trong một bầu khí đầy tình huynh đệ. Ngài đã từ từ chín chắn tiến đến một ý muốn đơn sơ nhưng mãnh liệt là hiến cuộc sống trẻ trung của mình cho Thiên Chúa như một lễ dâng yêu thương, nhất là cho việc thánh hóa và bảo trì các vị linh mục.
7. Anh chị em thân hữu của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân thân mến qui tụ ở Loreto từ Ý, Tây Ban Nha và nhiều nơi trên thế giới! Qua việc phong chân phước ba vị Tôi Tớ Chúa đây, Chúa muốn nói với anh chị em hôm nay rằng: Thánh thiện là quà tặng quí hóa nhất anh chị em có thể hiến dâng cho Giáo Hội và thế giới.
Anh chị em hãy mang trong lòng mình những gì Giáo Hội đang ấp ủ trong lòng Giáo Hội: đó là mong muốn thấy có những con người nam nữ trong thởi đại chúng ta đây được Chúa Kitô thu hút; đó là Phúc Âm của Người lại chiếu sáng như là một thứ ánh sáng hy vọng cho thành phần nghèo khổ, bệnh nhân, cho những ai đói khát sự công chính; đó là các cộng đồng Kitô hữu càng linh hoạt hơn, cởi mở hơn, thu hút hơn; đó là các phố thị trở thành nơi đón tiếp và đáng sống cho tất cả mọi người; đó là nhân loại biết đi theo đường lối hòa bình và huynh đệ.
8. Thật là xứng hợp với anh chị em là thành phần giáo dân trong việc làm chứng cho đưcùc tin bằng những nhân đức riêng biệt của anh chị em, đó là đức trung thành và chăm sóc trong gia đình, là việc chuyên cần làm việc, sự kiên trì phục vụ công ích, tình đoàn kết nơi các mối liên hệ xã hội, sự sáng tạo trong việc thi hành các hoạt động có ích lợi cho việc truyền bá phúc âm hóa và phát triển nhân loại. Cũng thật là xứng hợp với anh chị em, trong mối hiệp thông chặt chẽ với những vị chủ chăn, chứng tỏ rằng Phúc Âm là những gì hợp thời, và đức tin không làm cho tín hữu tách khỏi lịch sử mà làm cho họ chìm sâu vào lịch sử hơn nữa.
Hãy can đảm lên, hỡi tổ chức Tông Đồ Giáo Dân! Xin Chúa hướng dẫn cuộc hành trình canh tân của anh chị em!
Trinh Nữ Vô Nhiễm Loreto đồng hành với anh chị em bằng mối quan tâm dịu dàng của Mẹ; Giáo Hội tin tưởng trông đợi nơi anh chị em; Vị Giáo Hoàng này chào mừng anh chị em, hỗ trợ anh chị em, và ban cho anh chị em phép lành chân thành của Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
Sứ Ðiệp ÐTC gửi đại hội quốc tế lần đầu tiên của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân tại Đền Thánh Mẫu Loreto dịp mừng tân ba chân phước được tuyên phong vào Chúa Nhật 5/9/2004Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến thăm Loreto vào những năm 1979, 1985, và năm 1994 để khai mạc 700 năm đền thánh mẫu này, và năm 1995 để kết thúc cuộc mừng 7 trăm năm ấy. Ngày Thế Giới Bệnh Nhân Thứ Sáu cũng được tổ chức ở đây vào ngày 11/2/1998.
Đền thánh mẫu ở Loreto này được xây cất chung quanh ngôi nhà theo truyền thống là nơi Trinh Nữ Maria nhận tin được làm mẹ Thiên Chúa và là nơi Thánh Gia đã sống ở Nazarét. Ngôi nhà Thánh Gia này, cũng theo truyền thống, lạ lùng được chuyển đến Loreto vào đêm 9-10/12/1294, và đã trở thành một trung tâm hành hương và biệt tôn Thánh Mẫu qua nhiều thế kỷ cho tới nay. Đền thờ Loreto được bắt đầu xây cất từ năm 1469.
Năm 1993, trong bức thư viết cho ĐTGM Pasquale Macchi bấy giờ làm đại diện tòa thánh ở đền thánh mẫu này, ĐTC đã mong muốn Ngôi Nhà “đã từng tích cực tham dự vào đời sống Kitô hữu trong hầu hết ngàn năm qua, tiếp tục trở thành một trong những bục giảng Thánh Mẫu nổi nhất của Kitô Giáo”.
Vào ngày 10/12/1994, trong bài giảng mừng 7 trăm năm đền thánh mẫu này, trước sự tham dự của 200 vị hồng y, tổng giám mục và giám mục thuộc các giáo phận ở Ý với đông đảo tín hữu, Đức Thánh Cha đã nói rằng ngôi nhà nazarét này “là nơi mà ‘giáo hội tại gia’, đầu tiên được Thánh Gia hình thành, tụ họp… Ở Loreto đây ngày nay, chúng ta một lần nữa muốn ký thác cho Mẹ Chúa Cứu Thế các gia đình thuộc tất cả mọi dân tộc và mọi quốc gia. Chúng ta dâng cho Mẹ nhất là những gia đình đang bị khốn khó và khổ đau nhất”.
Trở lại đền thánh mẫu này vào dịp kết thúc hồi tháng 9/1995, Đức Thánh Cha đã chào các trẻ em và gia đình của họ: “Ngôi Nhà của Mẹ Maria đã từng là nơi được tôn kính 7 thế kỷ ở Đền Thánh mẫu Loreto, nhắc nhở chúng ta về đời sống Thánh Gia Nazarét. Chúng ta có thể mường tượng thấy trẻ Giêsu trong hoàn cảnh sống hằng ngày của Người: khi thì chạy chơi gần nhà, khi thì ngủ hay ngồi ăn uống với cha mẹ… Ai biết đâu được bấy giờ ở Nazarét cũng có một ngôi trường? Nhưng có lẽ đây là điều anh chị em không nghĩ đến nhất là trong những ngày cuối cùng của cuộc lễ đây. Tuy nhiên, ngay cả đối với Chúa Giêsu chăng nữa, ngôi trường thực sự đầu tiên của đời sống đó là gia đình riêng của Người: ở chỗ, Người đã học từ nơi Thánh Giuse và Mẹ Maria những điều quan trọng nhất, như lòng khiêm nhượng, đức trung thành, đời cầu nguyện, công việc làm”.
Nhà Đức Mẹ ở Loreto, tuy nguồn gốc của nó còn đang trong vòng tranh luận, tuy nhiên, kích thước (31 x 13 bộ) và các chất liệu của nó hợp với những ngôi nhà ở Nazarét, hoàn toàn khác với những gì ở Ý.
Ngôi nhà này đã là nơi hành hương của các vị thánh như Thánh Ignatius Loyola, Francis Xavier, Philip Neri, Francis de Sales, John Capistrano, Clement Hofbauer, Alphonsus de Liguori, Louis de Montfort, John Bosco, Thérèse, Maximilian Kolbe, Francis Cabrini và Gianna Beretta Molla.
Ở Vatican, Đức Mẹ Loreto được cho là đã phục hồi sức khỏe cho các vị Giáo Hoàng Piô XII, Phaolô II và Piô IX. Hơn 50 vị giáo hoàng đã chứng thực tính cách đích thực của ngôi nhà Loreto này, và vào năm 1669, Kinh Cầu Loreto đã được Giáo Hội chuẩn nhận để được sử dụng trong Thánh Lễ, một trong 5 kinh cầu được chuẩn nhận sử dụng chung.
Trong năm 2004, trước khi đến để phong chân phước cho 3 tôi tớ Chúa thuộc tổ chức tông đồ giáo dân, Đức Thánh Cha cũng đã gửi cho hội nghị quốc tế lần đầu tiên 5 ngày của tổ chức này tại đền thánh mẫu ấy một sứ điệp. Đề tài của đại hội quốc tế đầu tiên này được lấy từ những lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ những vị đại diện của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân vào năm 2002: “Duc in Altum, hỡi tổ chức Tông Đồ Giáo Dân, Hãy Can Đảm Trước Tương Lai!”.
Trong sứ điệp cho hội nghị quốc tế đầu tiên của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân này, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ họ là, hoàn toàn không phải là một thứ chọn lựa tùy ý, “can đảm trước tương lai” là một “thái độ bao gồm tính cách nhất trí và phấn khích từ việc nhớ đến tặng ân quí giá của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân từ khi được thành lập.
Tổ chức Tông Đồ Giáo Dân, như Ngài nhận định, “đã từng là một lực lượng phát triển, kiến tạo và phát động của một trào lưu hiện đại phát động thành phần giáo dân được Công Đồng Chung Vaticanô II trân trọng xác nhận”.
Thật vậy, Ngài xác nhận, “nơi tổ chức này, các thế hệ tín hữu đã trưởng thành ơn gọi của mình trong cuộc đào luyện Kitô hữu dẫn họ đến chỗ hoàn toàn nhận thức được việc họ đồng trách nhiệm xây dựng Giáo Hội, tác động lòng hăng say làm việc tông đồ trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống. Hôm nay đây, Tôi cần phải lập lại một lần nữa là: Giáo Hội cần đến tổ chức Tông Đồ Giáo Dân!”
Ngài khích lệ tổ chức Tông Đồ Giáo Dân hãy “luôn là và ngày nay phải là một nơi đào luyện tín hữu, thành phần mà, được hướng dẫn bởi học thuyết xã hội của Giáo Hội, dấn thân đi tiên phong trong việc bênh vực tặng ân linh thánh sự sống, trong việc bảo toàn phẩm giá của con người, trong việc thực hiện quyền tự do giáo dục, trong việc cổ võ ý nghĩa thực sự của hôn nhân và gia đình, trong việc thực thi đức bác ái đối với những ai thiếu thốn nhất, trong việc tìm cầu hòa bình và công lý bằng cách áp dụng những nguyên tắc phụ trợ và đoàn kết nơi những trường hợp xã hội khác nhau có liên hệ với nhau”.
Theo Ngài, việc nhớ lại quá khứ không bao hàm tính cách nhung nhớ mà là việc nhận thức “về một tặng ân quí hóa Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội, một di sản được kêu gọi để tác động những hoa trái mới thánh đức và hoạt động tông đồ vào lúc rạng đông của ngàn năm thứ ba đây”, bằng việc lan rộng hiệp hội này “tới các Giáo Hội địa phương khác ở những quốc gia khác”.
Hiện nay tổ chức Tông Đồ Giáo Dân này đã có những phần tử của mình được Giáo Hội tôn phong, trong đó có 60 vị thánh và chân phước, chưa kể 3 vị vào ngày 5/10/2004. Đức Thánh Cha đã gọi cacùc vị là “những mẫu gương sống động về việc gắn bó sống Phúc Âm”.
Đức Thánh Cha kêu gọi tổ chức Tông Đồ Giáo Dân là “đã đến thời điểm bắt đầu lại những gì được anh chị em hết sức nỗ lực để làm chứng”. Vì có “nhiều dấu hiệu khiến cho người ta tin tưởng nơi ‘kairos’ (thời điểm thuận lợi) cho một mùa xuân mới của Phúc Âm”.
Tuy nhiên, “trách nhiệm trọng đại” này cần phải có “một ý thức về việc được bảo trì bởi sức mạnh hiện diện của Thần Linh”. Nó là một “công việc cao cả” bao gồm “tất cả mọi tín hữu giáo dân, thành phần nhận thức được ơn gọi rửa tội của mình và ba trách vụ bởi đó mà ra, đó là tr1ch vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả”.
Tổ chức Tông Đồ Giáo Dân bắt đầu từ năm 1867, khi mà hai người trẻ thiết lập Hội Giới Trẻ Công Giáo Ý theo chiều hướng “Cầu Nguyện, Hoạt Động, Hy Sinh”. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã châu phê hiệp hội này vào năm 1868. Nó được thiết lập với tên gọi và cấu trúc hiện nay bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI năm 1931.
Tông Đồ Giáo Dân là một tổ chức Công Giáo lớn nhất ở Ý (trên 400 ngàn phần tử) và có các chi nhánh ở gần 50 quốc gia trên thế giới. Tân thánh nữ bác sĩ nhi đồng chết cho đứa con là Gianna Beretta Molla vừa được phong thánh ngày 16/5/2004 cũng là một phần tử của tổ chức này. Sở dĩ Đức Thánh Cha đến đền thành mẫu Loretô để phong ba tân chân phước của tổ chức này là vì lời mời của họ, nơi họ tổ chức một tuần lễ hội nghị quốc tế lần đầu tiên.
ÐTC bày tỏ cảm thương và lên án hành động khủng bố tấn công vào một Học Đường ở Nga
Trong Thánh Lễ phong chân phước ở Đền Thánh Mẫu Loreto cho ba vị tôi tớ Chúa thuộc tổ chức Tông Đồ Giáo Dân vào Chúa Nhật 25/9/2004, với 250 ngàn người tham dự, có một lời cầu nguyện giáo dân “cho dân chúng Nga bị thảm nạn, cho tất cả những người đã chết cũng như cho nhiều nạn nhân vô tội”.
Ngay đầu lễ, ĐTGM Angelo Comistri cai quản giáo phận Loreto đã cho biết rằng tổ chức Bảo Vệ Dân Sự Ý Quốc sáng nay đã bay sang Nga, mang theo những thứ cứu thương và thuốc men cho thành phần thương nạn ở Beslan. Tại Nga, hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba, mùng 6 và 7/9/2004 là ngày toàn quốc để tang thương khóc.
Chiều Thứ Sáu, theo vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh, thì khi hay tin thê thảm về kết quả của cuộc khủng bố bắt giữ con tin ở Nga xẩy ra từ Thứ Tư, Đức Thánh Cha đã đi cầu nguyện cho những ai bị chết và bị thương.
Vào ngày Thứ Bảy, qua vị đại diện của mình là ĐTGM Antonio Mennini, Ngài đã gửi một sứ điệp để bày tỏ “niềm cảm mến của Ngài đối với nhân dân Nga đang gặp lúc buồn đau thương thảm”.
Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nhân danh Đức Thánh Cha gửi một điện tín bày tỏ cuộc khủng bố tấn công này như là “một cuộc tấn công hết sức tồi bại và tàn bạo phạm đến trẻ em và các gia đình”. Đức Thánh Cha đã “phó dâng cho tình thương của Đấng Tối Cao những nạn nhân vô tội trong thảm trạng này hầu họ được an nghỉ muôn đời. Một lần nữa, Đức Thánh Cha bài bác tất cả mọi hình thức khủng bố và hy vọng là cơn lốc hận thù và bạo lực thôi khuấy động. Xin Trinh Nữ Rất Thánh rất được Kitô Hữu Nga tôn kính hãy tác động tâm can của tất cả mọi người những tư tưởng khôn ngoan cùng với những ý hướng hòa bình và hòa giải”.
Sáng Thứ Tư 1/9/2004, khoảng 9 giờ, một nhóm võ trang đã nhào vô một trường học ở phía nam nước Nga, bắn chết 4 người, 9 người bị thương và bắt làm con tin 100 người (có nguồn tin cho biết lên tới 300 người, hơn một nữa là trẻ em). Trẻ em, phụ huynh và thày cô đang tham dự lễ nghi khai trường đã bị nhóm này dồn vào trong trường để bắt giữ làm con tin hầu uy hiếp chính quyền với lời đe dọa sẽ giết hại các em nhỏ: nếu chính phủ giết một người trong họ thì đổi lại 50 mạng các em, và nếu làm cho một người trong họ bị thương thì các em phải bù lại 20 mạng.
Theo văn phòng An Ninh Vụ Liên Bang Nga cho biết thì có khoảng 15 tay khủng bố võ trang nhào vô một trường học (tuổi học sinh từ 7 tới 17) ở tỉnh Beslan thuộc Miền Bắc Ossetia, một số có đeo thắt lưng đeo đầy chất nổ như thành phần nổ bom tự vẫn. Hầu hết nhóm khủng bố là phụ nữ. Nhóm này yêu cầu phải thả hơn hai tá tù nhân bị bắt đi vào dịp lùng bắt những người Chechen ở miền nam Nước Nga vào Tháng 6/2004, cũng như yêu cầu Nga phải rút hết lực lượng của mình khỏi Chechnya. Beslan là nơi cách Vladikavkaz 19 dặm (30 cây số) về phía bắc, vùng ranh giới Chechnya. Nhóm này cũng cho số điện thoại lưu động của mình và danh sách những nhân vật họ muốn nói chuyện với, bao gồm những vị lãnh đạo ở Ossetia và Ingushetia, nhất là vị bác sĩ đã dính dáng đến cuộc thương lượng trong biến cố khủng bố chiếm bắt con tin ở một rạp đang trình diễn văn nghệ hồi tháng 10 năm 2002.
Cuộc khủng bố tấn công bắt giữ con tin ở trường học này xẩy ra ngay sau một ngày vụ một phụ nữ ôm bom tự tử ở một trạm xe lửa ngầm ở phía đông bắc Moscow, đã sát hại chính mình cùng 9 người khác và làm thương tích cho 51 người. Trước đó, vào ngày 24/8, những cuộc khủng bố tấn công cùng một lúc hai chiếc máy bay hàng không Nga được cho rằng do hai phụ nữ Chechen ôm bom tự sát gây ra, khiến 89 người tử nạn. Theo Tổng Thống Putin thì những cuộc khủng bố tấn công vừa xẩy ra có liên quan đến những tay phản loạn Chechen và tổ chức al-Qaeda.
Vào ngày hôm sau, Thứ Năm 2/9, tin tức cho biết có 26 con tin (bao gồm phụ nữ và trẻ em) được thả ra. Tổng Thống Putin cho biết trên đài truyền hình toàn quốc là phải chú trọng tới vấn đề an toàn của thành phần con tin, nhất là trẻ em: “công việc chính của chúng ta là cứu sống và sức khỏe của những ai bị bắt làm con tin”. Ông Valery Andreyev, lãnh đạo ngành an ninh FSB ở Miền Bắc Ossetia cho hãng thông tấn Reuters biết rằng: “Trong lúc này không có vấn đề dùng võ lực. Sẽ thực hiện một tiến trình điều đình lâu dài và nghiêm trọng”. Trong cuộc khủng bố tấn công 10/2002, chính phủ cũng tuyên bố những lời tương tự, nhưng cuối cùng cũng bí mật sử dụng hơi khí để triệt hạ những người ở bên trong rạp hát trước khi tấn công giải tỏa cuộc khủng bố.
Lần này, ở bên ngoài trường học bị nhóm khủng bố tấn công chiếm bắt con tin đã bị quân đội sử dụng xe tăng và các loại xe võ trang bao vây. Bên trong không có nước và đồ ăn. Những người ở bên trong đã không ăn 35 tiếng đồng hồ. Vị bác sĩ nhi đồng Leonid Roshal được nhóm khủng bố yêu cầu tiếp gặp đã bay từ Moscow đến. Tuy nhiên, nhóm khủng bố lại đã không mở điện thoại lưu động để nghe nữa.
Trưa ngày Thứ Sáu cuộc đụng độ bất ngờ bùng nổ khi nhóm khủng bố bắt đầu bắn vào đám trẻ em và nhân viên giải cứu. Lực lượng của chính quyền bắn vào nhà chơi, nơi con tin bị bắt giữ, để mở những lỗ hổng cho con tin thoát thân và cho lính có lối nhào vô trong. Mái nhà đã sụp xuống trên những người ở bên trong. Kết quả là đã có 323 con tin bị chết, trong đó có 156 em học sinh, còn bên khủng bố, có 26 tay (trong đó có 10 người thuộc các nước Ả Rập) tử nạn, và về phía chính quyền có ít là 10 người lính Nga đã bỏ mạng. Hơn 700 bị thương tích. Tối Thứ Bảy vẫn còn 448 người nằm trong bệnh viện địa phương, trong đó có 248 trẻ em, 69 người ở trong tình trạng trầm trọng.
Hầu hết những người bị chết là do bom nổ trong nhà chơi, nơi nhóm khủng bố giam giữ con tin. Còn những người bị bắn chết thường bị bắn ở đằng sau lưng vì muốn tẩu thoát. Tổng Thống Putin đã bay đến hiện trường sáng Thứ Bảy, viếng thăm các bệnh viện và gặp gỡ các viên chức địa phương. Nhiều tử thi đã bị cháy không còn nhận ra hình thù, cần phải thử nghiệm bằng DNA. Có khoảng 79 đã được nhận diện.
Một viên chức an ninh trong vùng cho biết nhóm khủng bố này có thể đã giấu khí giới của họ và chất nổ ở trong trường vào thời gian xây cất mùa hè. Bởi thế có một con tin thoát nạn đã cho biết rằng thấy một số tên khủng bố quen thuộc trong nhóm xây cất nhà trường. Một số em học sinh thoát nạn cho biết các em không được ăn uống gì và phải cởi hết quần áo ra vì nóng. Có những em khát quá phải uống lại nước tiểu của mình.
Tổng Thống Putin nói ở hiện trường rằng: “Nga đang khóc thương dân chúng ở Bác Ossetia. Không ai muốn dùng võ lực cả. Một trong những gì được thành phần khủng bố theo đuổi thực hiện đó là làm bùng lên hận thù chủng tộc…”