GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

 

__________________

 NGÀY 8 THỨ TƯ, LỄ SINH NHẬT ÐỨC MẸ

  

Cảm Nhận của Đức Hồng Y Walter Kasper về Biến Cố Hoàn Trả Bức Ảnh Trinh Nữ Kazan

 


Trước khi lên đường trở về Rôma ngày Thứ Hai 30/8/2004, Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo đã được Tiến Sĩ Victor Khroul, chủ bút tờ tuần san Công Giáo Nga là “Svet Evangelia” phỏng vấn về cảm nhận của ngài đối với biến cố này.


Vấn:     Thưa Đức Hồng Y, ngài đã ở Nga 6 tháng trước đây, vào Tháng 2/2004. Ngài có nhận thấy có cái gì khác trong bầu khí giữa cuộc viếng thăm lần trước và lần này hay chăng? Giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Công Giáo có tiến bộ gì chăng về mối liên hệ?


Đáp:     Cuộc viếng thăm của tôi hồi tháng 2 là một cái gì mở đường: bấy giờ đôi bên vẫn còn một số e dè, ngờ vực liên quan đến tính cách chân thành là những gì khó lòng thắng vượt. Tôi nghĩ rằng, từ Tháng 2 tới giờ, chúng tôi đã tiến bộ nhiều. Giờ đây bầu khí nồng hậu hơn và thân ái hơn.


Lý do chính đối với sự kiện này cũng là do chính Đức Thánh Cha tỏ ra nâng đỡ cuộc viếng thăm; Ngài muốn thấy cuộc viếng thăm xẩy ra và Ngài luôn ở bên chúng tôi về tinh thần.


Bởi thế chúng tôi thực sự đã đạt được tiến bộ. Bầu khí cởi mở hơn để thực hiện những bước tiến xa hơn; đó là những gì rất quan trọng đối với tương lai của hai Giáo Hội chúng tôi, tương lai của tương lai Âu Châu cũng như của thế giới.


Vấn:     Có dấu hiệu tỏ tường nào về sự tiến bộ này hay chăng? Riêng Ngài cảm thấy ra sao?


Đáp:     Cuộc gặp gỡ Đức Thượng Phụ Alexy II hoàn toàn khác hẳn với cuộc gặp gỡ rất lạnh lùng giữa tôi và ngài hồi Tháng Hai. Giờ đây chúng tôi đã hợp ý với nhau. Chính ngài đã đề ra việc hai phái đoàn đại biểu gặp gỡ nhau nhiều hơn. Ngài nói: “Bao giờ các thứ rắc rối xẩy ra chúng ta cần phải giải quyết chúng ngay lập tức, bằng không chúng sẽ trở thành trầm trọng thêm”.


Vấn:     Đức Thượng Phụ quả thực đã nói điều ấy?


Đáp:     Phải, ngài đã nói như thế. Lần này ngài rất chú trọng đến việc thực hiện những nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề. Vào Tháng 2, chúng tôi đã quyết định thiết lập một ủy ban ở tầm cấp địa phương để giải quyết các vấn đề cụ thể, và vào Tháng Năm ủy ban này đã họp lần đầu tiên ở Moscow.


Vấn:     Như thế có nghĩa là ủy ban này sẽ làm việc nhiều hơn nữa sau cuộc gặp gỡ lần thứ hai của ngài với đức thượng phụ?


Đáp:     Đúng thế, cuộc họp lần tới của ủy ban này sẽ xẩy ra vào Tháng Chín. Và trong ủy ban này, Đức Thượng Phụ đề nghị rằng cần phải bàn luận về cơ hội có thể thực hiện các cuộc họp thường xuyên ở cấp độ cao hơn.


Vấn:     Ở cấp độ giữa Đức Thượng Phụ và Đức Giáo Hoàng, hay ở mức độ các vị giám mục?


Đáp:     Ở cấp độ các vị hồng y, các vị tổng giám mục (Chính Thống Giáo) và các vị giám mục.


Vấn:     Các vị giám mục Công Giáo địa phương ở Nga cũng có được tham gia chăng vào tiến trình thương thảo này?


Đáp:     Dĩ nhiên là có, bao gồm cả các vị giám mục địa phương và vị tổng giám mục ở Moscow nữa. Tôi cũng đề nghị rằng, nếu đồng ý, chúng tôi có thể sẽ mời phái đoàn thượng phụ Moscow sang Rôma để gặp gỡ chúng tôi cũng như các phân bộ của chúng tôi.


Chúng tôi đã bàn luận một số vấn đề, nhưng hiện nay vẫn chưa có quyết định nào cả, vì điều ấy không có trong chương trình nghị sự của chúng tôi.


Vấn:     Ngày gặp gỡ của ủy ban hỗn hợp này đã được ấn định chưa?


Đáp:     Rồi, nó được ấn định vào cuối Tháng Chín và sẽ được thông báo sau.


Vấn:     Viễn ảnh về mối liên hệ sau này giữa hai Giáo Hội ra sao?


Đáp:     Chúng tôi sẽ tiến hành, tôi hy vọng rằng Đức Mẹ sẽ giúp chúng tôi. Mẹ là nhân vật chính trong cuộc họp này, chứ không phải chúng tôi. Mẹ biết cách để làm cho sự việc thành đạt. Mẹ sẽ giúp cho chúng ta đạt được một tương lai sáng lạn nhất cho hai Giáo Hội của chúng ta.


Tuy nhiên, cần phải đến với nhau ở cấp độ của mình. Tôi nghĩ rằng đây là điểm khác nhau chính giữa cuộc gặp gỡ hồi Tháng Hai và cuộc gặp gỡ Tháng Tám. Bức Ảnh Đức Mẹ Kazan đã tác động tâm can con người, tâm can của con người bình thường. Bởi thế cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc gặp gỡ có tính cách ngoại giao. Tôi hy vọng tình hình này sẽ có nhiều thay đổi.


Vấn:     Cám ơn Đức Hồng Y về Thánh Lễ ngài đã cử hành ở vương cung thánh đường Moscow. Tuy nhiên, có một số người Công Giáo địa phương nói với tôi sau Thánh Lễ rằng họ cảm thấy không hài lòng mấy vì bức ảnh này đã không được mang đến Vương Cung Thánh Đường cho dân chúng cầu nguyện vào tối Thứ Sáu. Họ rất mong được thấy bức ảnh và cầu nguyện cùng Đức Mẹ Kazan.


Đáp:     Đúng thế, tôi thật sự hiểu được những điều muốn được giành riêng và tiếc xót này. Tuy nhiên, bức ảnh được ủy thác cho tôi để trực tiếp trao lại cho đức thượng phụ; chúng tôi không thể làm gì khác hơn được hết. Chúng tôi có thể làm như vậy song đã quyết định thôi như một dấu hiệu tỏ lòng tôn trọng Giáo Hội Chính Thống Nga.


Tôi hiểu được nỗi tiếc xót của tín hữu Công Giáo, tôi muốn đáp ứng lắm, nhưng chương trình đã được ấn định bởi Đức Thánh Cha, vị thượng phụ và tòa khâm sứ ở Moscow.


Vấn:     Những người Công Giáo địa phương cũng phàn nàn rằng các người Công Giáo ở Rôma thì có cơ hội để thấy được bức ảnh Đức Mẹ Kazan và cầu nguyện cả ngày ở Đền Thờ Thánh Phêrô, còn những người Công Giáo ở Moscow không được cơ may như thế; có một số người lấy làm nhức nhối.


Đáp:     Dĩ nhiên là tôi hiểu được điều này, thế nhưng quí vị cũng cần phải hiểu rằng chúng tôi phải tôn trọng tính cách tế nhị của bên kia nữa. Điều này cũng có nghĩa là những người Công Giáo Nga đúng là phải hy sinh. Tôi xin các tín hữu Công Giáo ở Nga hãy hy sinh, hãy thông cảm, để không một việc thứ tha, vì không một việc hòa giải nào lại không cần phải hy sinh. Đó là cuộc sống của Giáo Hội.


Vấn:     Trong cuộc viếng thăm của ngài vào Tháng hai vừa rồi, chủng viện và học viện Chính Thống Moscow đã xin ngài ủng hộ việc cải tổ thư viện và thực hiện một số những dự án khác. Việc nâng đỡ này đã được thực hiện cho những người anh em Chính Thống Giáo của chúng ta hay chưa?


Đáp:     Việc hỗ trợ này đã được tổ chức “Renovabis” hứa hẹn, và sẽ có một phái đoàn đại biểu do tổ chức ở Đức này sẽ đến Nga vào tuần tới. Tôi cũng hứa gửi sách vở tới từ Rôma. Chúng đã tới Moscow rồi. Chúng tôi sẽ còn giúp cho chủng viện và học viện này dụng cụ về điện tử nữa.


Tôi hy vọng rằng việc trao đổi giáo sư và sinh viên cũng sẽ thành công tốt đẹp cho cả đôi bên. Các tu sĩ dòng Salesian và Augustinian ở Rôma sẵn sàng tới đây để dạy học; chỉ còn vấn đề về ngày giờ và kỳ hạn mà thôi. Sau cuộc viếng thăm của tôi hồi Tháng 2 đã có 4 sinh viên Chính Thống Giáo tới Rôma học.


Bởi thế chúng tôi đã thấy được những hoa trái đầu tiên của các cuộc nói chuyện của mình. Chúng ta không được coi thường môi trường, coi thường bầu khí nơi mối liên hệ của chúng tôi, ở chỗ, từ đầu đã có vấn đề không tin tưởng nhau, giờ đây đã khá hơn nhiều. Chúng ta cần nhẫn nại để làm cho tình trạng này trở nên nồng hậu hơn và thân tình hơn.


Vấn:     Cách đây ít lâu Vatican đã thông báo rằng ĐTGM Giovanni Lajolo, một viên chức của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh đã được bổ nhiệm làm Thư Ký của Ủy Ban Liên Phân Bộ Thường Trực Đặc Trách Giáo Hội Ở Đông Âu. Như thế có nghĩa là ủy ban này sẽ làm việc nhiều hơn nữa, nhất là trong vấn đề hợp tác với Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo?


Đáp:     Chúng tôi là bạn hữu với ĐTGM Lojolo. Trước đây ngài là sứ thần tòa thánh ở Đức. Ngài là một con người rất thông minh, cởi mở, tôi hy vọng chúng tôi sẽ hợp tác với nhau rất nhiều.


Vấn:     Đức hồng ý đã bàn với ngài về một số vấn đề gì chưa?


Đáp:     Chúng tôi đã có một cuộc họp rất tốt đẹp. Sau cuộc viếng thăm lần này của mình, tôi hy vọng là chúng tôi sẽ gặp nhau một lần nữa để xem những gì đã được thực hiện và những gì sẽ làm.


Vấn:     Hội đồng của đức hồng ý và ủy ban này đã nỗ lực ra sao trong việc cập nhất hóa bản văn kiện 12 tuổi về vấn đề đại kết, một văn kiện được ban hành bởi vị lãnh đạo ủy ban này bấy giờ là ĐTGM Lajolo?


Đáp:     Cho đến nay vẫn chưa có dự định gì về vấn đề này cả. Việc làm này có thể tạo nên những ngờ vực, do đó cần phải thận trọng. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm những giải pháp khác.


Vấn:     Thưa Đức Hồng Y, ngài có hiểu những lời lẽ của vị thượng phụ và Cha Vsevolod Chaplin về những việc làm cụ thể và quan trọng Vatican cần phải làm theo lòng mong đợi của tòa thượng phụ Moscow hay chăng? Những việc làm này phải chứng tỏ cho bên Chính Thống thấy được ý hướng mau mắn của chúng ta trong việc cải tiến về liên hệ. Tôi đã nói với Cha Chaplin về vấn đề này, nhưng câu trả lời của ngài rất bao quát, chẳng đi sâu vào chi tiết gì cả. Ngài có hiểu được những điều yêu cầu của họ hay chăng?


Đáp:     Tôi hiểu rằng ủy ban chúng tôi thiết lập cần phải bàn luận đến những điều phàn nàn của họ về vấn đề được gọi là “dụ giáo” của chúng ta. Chúng tôi yêu cầu nêu lên những dữ kiện cụ thể để chúng tôi điều tra cái xác thực của chúng, và sẽ thay đổi nếu quả thực là như thế. Đó là những việc làm cụ thể duy nhất có thể thực hiện.


Một vấn đề khác được gọi là “Tái hiệp nhất (của một số Giáo Hội Chính Thống Đông Phương với Giáo Hội Công Giáo Rôma)”. Đây là một vấn đề rất khó khăn, vì chúng tôi cũng đã nhìn nhận những quyết định của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Thế nhưng, tạm thời Đức Thánh Cha đã tuyên bố rất rõ ràng về vấn đề này, đối với Đức Thánh Cha nó không phải là vấn đề dễ dàng.


Vấn:     Đôi khi chúng tôi nghe thấy những yêu cầu phải rút ra khỏi Nga các dòng tu và các hội dòng, phải đóng cửa các trung tâm trẻ em do người Công Giáo quản trị. Tòa Thánh Rôma có thể chấp nhận những đòi hỏi này hay chăng?


Đáp:     Cho đến nay chúng tôi chưa chính thức nhận được những đòi hỏi nào như thế cả. Nếu chúng tôi đang chăm sóc cho các trẻ em bụi đời thì chúng tôi không thể nào lại đẩy chúng trở lại phố chợ; điều ấy không thể nào xẩy ra được. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm đó là tái khẳng định với Giáo Hội Chính Thống rằng chúng tôi không muốn bắt ép người ta trở thành người Công Giáo. Ở vào trường hợp nào cũng có thể tìm thấy giải pháp khả chấp cho cả đôi bên. Chẳng hạn trường hợp ở Moscow là nơi các nữ tu Công Giáo đưa trẻ em đến các nhà thờ Chính Thống Giáo vào mỗi ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng, và xin các vị linh mục Chính Thống giúp các em dọn mình lãnh nhận các phép bí tích.


Vấn:     Thưa Đức Hồng Y, ngài đã có ngày ấn định cho chuyến viếng thăm Nga tới đây chưa?


Đáp:     Chưa, chúng tôi chưa có. Vấn đề này tùy thuộc rất nhiều ở hoạt động của ủy ban hỗn hợp Công Giáo – Chính Thống ở Moscow.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch từ Zenit 8/2004
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ