GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 13/10/2005,

NGÀY THÁNH THỂ

 

?  Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI với ĐTC Biển Đức XVI – Ngài gặp riêng từng vị Giám Mục

   Phụng Vụ Thánh Thể - Phần Dâng Lễ

? BÃO LỤT Ở VIỆT NAM 9/2005: TƯỜNG TRÌNH VỀ CÔNG TÁC CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO LỤT SỐ 7 và PHƯƠNG HƯỚNG CỨU TRỢ NẠN NHÂN VÀ TÁI THIẾT CÁC VÙNG BÃO LỤT

?   Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI với ĐTC Biển Đức XVI – Ngài gặp riêng từng vị Giám Mục

 

Qua Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI lần này, Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức có cơ hội thấy được và hiểu được tình hình Giáo Hội trên khắp thế giới (đặc biệt liên quan đến việc tôn sùng Bí Tích Thánh Thể và Phụng Vụ).

 

Thật thế, từ khi bắt đầu vào Chúa Nhật mùng 2/10/2005, ĐTC đã tham dự mỗi ngày ít là hai lần, một vào Buổi Họp Chung (mỗi nghị phụ đều lần lượt phát biểu tối đa 6 phút) và một vào buổi họp 1 tiếng (từ 6 đến 7 giờ) ban chiều được tự do phát biểu ý kiến (trong vòng 3 phút) về bất cứ vấn đề gì của cuộc thượng hội này.

 

Theo Isidro Catela, một phát ngôn viên của cuộc thượng nghị cho Zenit biết, trong giờ nghỉ sau buổi họp ban sáng, ĐTC đến nói với các vị giám mục được chia thành từ nhóm ngôn ngữ. Có những cuộc họp giữa các nhóm làm việc với ĐTC được diễn ra hằng ngày ở một phòng gần hội trường chính của Sảnh Đường Phaolô VI. Khoảng chừng 40 vị tham dự những cuộc gặp gỡ này.

 

Mỗi một nghị phụ đều chào ĐTC và nói với ngài khoảng chừng 1 phút. Vị phát ngôn viên trên cho biết: “ĐGH quan tâm đến từng người cũng như đến đời sống của các vị. Ngài chú trọng đặc biệt đến từng vị trong những giây phút ấy”. Về phần mình, các vị nói với ngài về tình trạng sinh hoạt ở giáo phận của các vị.

 

Hiện nay, ban sáng giữa 10:30 đến 11 giờ, các vị nghị phụ nghỉ ngơi, và ban chiều cũng có một buổi nghỉ ngơi nữa. Trong giờ nghỉ ngơi này, các vị nghị phụ có thể sử dụng máy điện toán được đặt gần phòng họp của thượng nghị.

 

Linh mục John Bartunek, dòng Đạo Binh Chúa Kitô, một phát ngôn viên của thượng nghị đã cho thành phần ký giả nói tiếng Anh biết rằng “chắc chắn là các cvị sẽ đọc những gì anh chị em viết”.

 

Cũng trong giờ nghỉ ngơi này, các vị có thể mua những bức ảnh của các phiên họp thượng nghị và các cuộc cử hành khác như Thánh Lễ khai mạc tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Chỉ có một tờ báo duy nhất được phổ biến trong giờ nghỉ này của các vị là tờ L’Osservatore Romano của Tòa Thánh Vatican.

 

Trong cuộc phát biểu của các nghị phụ ở sảnh đường thượng nghị, tên của vị giám mục ngỏ lời cùng hội nghị xuất hiện trên một màn hình lớn, kèm theo bản đồ thế giới chỉ điểm giáo phận của vị giám mục phát biểu ấy. Có 4 màn hình nhỏ hơn chung quanh phòng họp cho thấy hình ảnh của vị phát biểu.

 

Có 6 ngôn ngữ được dùng trong cuộc thượng nghị là Đức, Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Latinh. Nhiều vị giám mục sử dụng máy thính thị để nghe chuyển dịch cùng một lúc thứ ngôn ngữ mình muốn nghe.

 

Cũng có những trình chiếu về thính thị trong các giờ nghỉ ngơi liên quan đến những biến cố, như Ngày Giới Trẻ Thế Giới hay các cuộc tông du của ĐTC GPII.

 

Theo lời yêu cầu của thượng nghị, việc chầu Thánh Thể một tiếng cũng được thực hiện trong ngày, cả ban sáng lẫn ban chiều, ở một nguyện đường của sảnh đường thượng nghị.

Hầu hết các nghị phụ ở tại Domus Sanctae Marthae (Nhà Thánh Matta, nơi các vị hồng y đã ở trong mật nghị hồng y bầu giáo hoàng vào tháng 4 vừa rồi), hay ở the Child Mary Institute. Cả hai nơi này đều thuộc lãnh thổ Vatican.

 

Có 252 đấng bậc trong giáo hội tham dự cuộc thượng nghị. Bốn ghế trống là các ghế giành cho những vị giám mục Trung quốc không được phép chính phủ cho tham dự.

 

“Các dự thảo” của thượng hội sẽ được bắt đầu viết vào những phiên họp làm việc Thứ Năm 13/10. Để rồi, sau khi được bàn luận và điều chỉnh trong cuộc họp chung, các dự thảo ấy sẽ được cho vào những điều đúc kết của thượng nghị. Sau hết, các dự thảo ấy sẽ được trình lên ĐTC để ngài soạn thảo một Tông Huấn hậu thượng nghị, như đã từng thực hiện cho các thượng nghị giám mục thế giới thường lệ hay theo châu lục trước đây trong thời Đức Gioan Phaolô II.

 

 

TOP

 

 

   Phụng Vụ Thánh Thể - Phần Dâng Lễ

Về sự liên hệ mất thiết giữa hai phần chính yếu của Thánh Lễ là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể, trong Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”, ở khoản số 60, Giáo Hội đã tái khẳng định như sau:

• “Trong việc cử hành Thánh Lễ, Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể được liên kết mật thiết với nhau, và làm thành một tác động thờ phượng duy nhất. Đó là lý do không được phép tách biệt những phần này ra khỏi nhau và cử hành những phần ấy vào những lúc hay những nơi khác nhau (Cf. S. Congregation for Divine Worship, Instruction, Liturgicae instaurationes, n. 2b: AAS 62 [1970] p. 696). Cũng không được phép thực hiện các phần riêng biệt của Thánh Lễ ở những lúc khác nhau trong cùng một ngày”.

Tại sao? Như trên đã cảm nhận:

“Thật vậy, phần Lời Chúa là phần để sửa soạn cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể. Bởi vì, nếu chúng ta không chấp nhận Lời Chúa, như thành phần môn đệ bỏ đi sau khi nghe xong bài giảng về Bánh Hằng Sống (x Jn 6:60,66), thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận Thánh Thể của Người, có thể tin rằng Bánh Người ban là chính thịt của Người và phải ăn thịt của Người mới được sự sống (x Jn 6:51), và một khi đã không tin tưởng, không chấp nhận Lời Người, chúng ta cũng sẽ không đời nào lên rước lấy Người.

“Ngoài ra, chính Lời Chúa còn có tác dụng thanh tẩy nữa (x Jn 15:3), vì Lời Chúa như ‘ánh sáng sự sống’ (Jn 8:12) xua tan bóng tối tội lỗi và sự chết trong tâm hồn của chúng ta. Hơn nữa, Lời Chúa giúp chúng ta nhận biết Người, một nhận biết là yếu tố bất khả thiếu và tối quan trọng trong việc nhận lãnh Người trong Bí Tích Thánh Thể”.

Đó là lý do, kết thúc phần Phụng Vụ Lời Chúa, (trước Lời Nguyện Cộng Đồng nếu có), vào các Ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, cộng đồng dân Chúa cần phải tuyên xưng đức tin của mình bằng Kinh Tin Kính, một tác động đã được bản văn kiện Hướng Dẫn trên đây của Thánh Bộ Phượng Tự vá Bí Tích đã cẩn thận nhắc nhở ở khoản số 69 như sau:

• “Trong Thánh Lễ cũng như trong các cuộc cử hành Phụng Vụ Thánh khác, không được sử dụng một Kinh Tin Kính hay Bản Tuyên Xưng Đức Tin nào khác ngoài những sách phụng vụ đã được chuẩn nhận xứng hợp”.

Với đức tin ấy, cộng đồng dân Chúa tham dự Thánh Lễ tiến vào phần Cực Linh hay Cực Thánh của Thánh Lễ. Đúng vậy, nếu Nhà Tạm trong Cựu Ước được chia ra làm hai phần, Phần Cung Thánh và Phần Cực Thánh (xem Hebrew 9:2-3) thế nào, thì (không kể phần Thống Hối Đầu Lễ có thể được coi như là phần Tiền Đường của Đền Thờ Giêrusalem), Thánh Lễ cũng có 2 phần chính yếu như vậy, đó là phần Phụng Vụ Lời Chúa được coi như Phần Cung Thánh của Nhà Tạm xưa, và phần Phụng Vụ Thánh Thể là Phần Cực Thánh với việc Dâng Lễ, Hiến Lễ và Hiệp Lễ.

Phần Dâng Lễ

Phần Phụng Vụ Thánh Thể được bắt đầu bằng việc dâng của lễ. Ở đây, chúng ta có thể đặt vấn đề về ý nghĩa của bánh và rượu, về lý do tại sao lại là bánh miến và rượu nho mà không phải là những lễ vật khác, cũng như về mối liên hệ giữa của lễ dâng trên bàn thờ bấy giờ với “hoa mầu ruộng đất (hay) sản phẩm của cây nho và lao công của con người”.

Mỗi bí tích đều phải có đủ hai yếu tố mới hiệu thành, đó là chất thể và mô thể. Chẳng hạn nơi bí tích Thánh Thể, chất thể là bánh với rượu và mô thể là lời truyền phép. Mô thể của bí tích Thánh Thể là chính lời Chúa Giêsu phán trên bánh và chén rượu trong Bữa Tiệc Ly, lời được chính các vị chủ tế lập lại khi truyền phép Thánh Thể. Còn chất thể của bí tích Thánh Thể là bánh và rượu, hai chất thể cũng được Chúa Giêsu sử dụng ở Bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Cực Trọng này. Thế nhưng, các Phúc Âm nhất lãm trình thuật về biến cố thiết lập Bí Tích Thánh Thể này nói riêng và Bữa Tiệc Ly nói chung chỉ đề cập đến chất thể của rượu là rượu nho (x Lk 22:18), chứ không hề đề cập đến chi tiết rõ ràng về chất liệu bánh của bí tích Thánh Thể, chẳng hạn bánh không men, bánh được làm bằng bột mì hay bột nếp v.v.

Về chất thể bánh của bí tích Thánh Thể, có một chi tiết được mặc nhiên hiểu đó là bánh “không men”, vì Chúa Giêsu mừng Lễ Vượt Qua theo lệ của người Do Thái là tục lệ cần phải ăn “bánh không men” (x Ex 12:18,20), một qui lệ được chính Cha Người đặt ra cho dân Do Thái ngay từ khi họ sửa soạn cuộc Vượt Qua của họ từ miền đất nô lệ ở Ai Cập mà về Đất Hứa.

Tính chất không men của chất thể bánh làm nên Thánh Thể Chúa Kitô còn là những gì nhắc nhở thành phần muốn nhận lãnh Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, hay muốn hiệp thông với Người một cách xứng đáng và trọn vẹn, cần phải có một tâm hồn tinh khiết. Bởi vì, men thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, liên quan đến gương mù gương xấu, như “men của những người Pharisiêu và Saducê” (Mt 16:6), hay men hư hỏng và gian ác, một thứ men cần phải tránh để trở thành một thứ bánh không men thành tâm và chân thực, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ kêu gọi trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô: “Anh em hãy loại trừ đi thứ men cũ để làm cho anh em trở thành bột mới, thành những tấm bánh không men, vì Chúa Kitô là Cuộc Vượt Qua của chúng ta đã được hy tế. Chúng ta hãy mừng lễ không phải bằng men cũ, men hư hoại và gian ác, mà là bằng tấm bánh không men của lòng thành và chân thực” (x 1Cor 5:7-8).

Ngoài tính chất “bánh không men” của chất thể bánh làm nên Thánh Thể Chúa Kitô như thế, Giáo Hội Công Giáo, trong khoản Giáo Luật 924.2, còn ấn định dứt khoát chất thể bánh này là “bột mì”, chứ không phải một thứ bột nào khác, như bột nếp hay bột năng.

Bởi vì, bột mì được làm nên bởi lúa miến, mà lúa miến là chất thể được Chúa Giêsu sử dụng để ám chỉ về chính bản thân của Người là Vị Thiên Chúa Nhập Thể, Tử Giá và Phục Sinh, khi Người tiên báo về cuộc Vượt Qua của mình như sau: “Đã đến giờ Con Người được vinh hiển. Thày nói thật với các con rằng nếu hạt lúa miến rơi xuống đất không mục nát đi thì nó vẫn còn là một hạt lúa miến. Thế nhưng, nếu nó có mục nát đi nó mới sinh nhiều hoa trái” (Jn 12:23-24). Hạt lúa miến rơi xuống đất đây là biểu hiệu cho biến cố Nhập Thể của Chúa Kitô; hạt lúa miến này bị mục nát đi là hình ảnh ám chỉ cuộc Tử Giá của Người, và việc nó sinh nhiều hoa trái đây ám chỉ Quyền Năng Phục Sinh của Người.

Rượu nho cũng là một biểu hiệu liên quan đến cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô nữa (x Is 63:2), vì rượu nho được làm bởi “máy ép nho” (x Is 5:2; Mt 21:33).

Như thế, vì cả bánh miến lẫn rượu nho là hai chất thể, theo ý nghĩa mạc khải, đều liên quan đến Hiến Tế Thập Giá của Chúa Kitô là tất cả những gì nói lên ý nghĩa và bản chất chính yếu của Bí Tích Thánh Thể, mà Giáo Hội Chúa Kitô đã ấn định chọn dùng cho Phụng Vụ Thánh Thể.

Tuy nhiên, bánh và rượu là hai chất thể được biến thành Mình và Máu của Chúa Kitô trên bàn thờ sau lời truyền phép của vị chủ tế ấy không phải tự động mà có, song phải được sản xuất bởi bàn tay của con người nữa. Bởi thế, trong phần truyền phép, việc biến thể từ chất thể bánh “là hoa mầu ruộng đất” và chất thể rượu “là sản phẩm của cây nho” sẽ không thể nào xẩy ra được, nếu thiếu yếu tố “lao công của con người”. Đó là lý do trong phần dâng của lễ, yếu tố chất thể (bánh và rượu) từ thiên nhiên và tiêu biểu cho thế giới tự nhiên, cùng với yếu tố nhân bản (“lao công của con người”) tiêu biểu cho những gì thuộc về thế giới tâm linh, đều được dâng lên “Chúa là Chúa tể càn khôn”, “để trở nên bánh nuôi sống (hay) của uống thiêng liêng cho” con người chúng ta.

Trong phần dâng lễ vật, tuy bề ngoài là chất thể bánh và rượu được dâng lên, nhưng thật ra là “lao công của con người” được dâng lên. Bởi vì, chất thể đó là của Thiên Chúa Hóa Công “đã rộng ban” cho con người để trước hết nuôi sống phần xác con người. Thế nhưng, vì “con người không nguyên sống bởi bánh, mà còn bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa” (Mt 4:4; Deut 8:3), tức “sống cho Thiên Chúa” (Lk 20:38), mà những gì con người hiến dâng cho Vị Thiên Chúa Hóa Công của mình, đặc biệt trong phần dâng lễ đây, chính là tác động họ long trọng chẳng những trả về cho Ngài tất cả những gì sở hữu từ thế giới thiên nhiên được gọi là vốn liếng con người nhận lãnh từ Ngài, mà còn cả số lời từ số vốn liếng ấy nữa, đó là tất cả tấm lòng họ tri ân cảm tạ Ngài, được thể hiện qua những “lao công” họ đã thiện chí nỗ lực để canh tân và biến chế những gì thuộc về họ theo đúng như dự án của Ngài.

Như thế, trong phần dâng lễ vật, Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa Hóa Công của mình cả những gì mình có (như được Ngài ban cho từ thế giới thiên nhiên) lẫn những gì mình làm (“lao công” phát xuất từ tấm lòng tri ân cảm tạ), để chúng trở nên những gì mình là theo Thánh Ý của Vị Thiên Chúa là Cha của con người, đó là sự kiện tất cả những gì họ dâng lên đó được Thánh Thần biến đổi, đúng hơn, chính bản thân của họ được Thánh Thần biến đổi nên giống Chúa Kitô, như chất thể bánh và chất thể rượu được Thánh Thần, qua lời truyền phép của vị chủ tế, được biến thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô vậy.

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 TOP

? BÃO LỤT Ở VIỆT NAM 9/2005

TƯỜNG TRÌNH VỀ CÔNG TÁC CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO LỤT SỐ 7

Kính thưa Quý Đức cha và Quý vị,

Ngay sau khi được tin cơn bão số 7 (Damrey) tàn phá các tỉnh miền Bắc, vào ngày 27-9-2005, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN đã phát đi lời kêu gọi trợ giúp khẩn cấp các nạn nhân. Đoàn đại diện HĐGMVN và Uỷ ban đã đến tận nơi để thăm hỏi, tìm các biện pháp cứu trợ nạn nhân và tái thiết các vùng bị tàn phá sau cơn bão.

Đoàn gồm linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Thư ký thường trực của HĐGM VN kiêm Tổng Thư ký UB BAXH và anh Martinô Trần Tuấn Huy, Phó Tổng thư ký UB BAXH. Từ ngày 30-9 đến 3-10-2005, Đoàn đã đến các nơi bị thiệt hại tại các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hải Phòng từ vùng cao bị lũ đến vùng thấp bị lụt, làm việc với các Đức cha và các cha phụ trách Ban Bác ái Xã hội của 4 giáo phận này và gửi những số tiền cứu trợ khẩn cấp cho 5 giáo phận Bùi Chu 5.000 USD, Phát Diệm 70 triệu đồng, Thanh Hoá 10.000 USD, Hải Phòng 30 triệu đồng+1.500 USD và Hưng Hoá 3.500 USD. Tổng trị giá là 420 triệu đồng. Số tiền cứu trợ khẩn cấp này chủ yếu để mua gạo cứu đói cho những nạn nhân cực kỳ nghèo khổ sau cơn bão, tương đương với hơn 100 tấn gạo. Sau đây là phần trình bày chi tiết chuyến đi và một vài đường hướng cho công cuộc cứu trợ, phục hồi các nạn nhân vùng bão.

 

 

 

 

 

 

 Đoạn đê dài nhất bị vỡ ở Hải Hậu, Bùi Chu tất cả vuông tôm bị mất trắng (hình 1)

1. Ngày 30-9-2005

Đến phi trường Nội Bài của Hà Nội lúc 9g sáng, chúng tôi đi cùng với cha Tôma A. Nguyễn Xuân Thuỷ, phụ trách Văn phòng Tổng Giám mục Hà Nội và cha Gioan Lê Trọng Cung về ngay xứ Phương Chính, xã Hải Hoà và Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trước mắt chúng tôi là một con đê dài ngăn biển và đất liền nay đã bị phá nhiều chỗ, chỗ dài nhất 300-400m. Nước biển tràn vào nên các ao nuôi tôm, cua mất trắng. Các đồng lúa sắp gặt bị nước mặn ngập úng, theo dự đoán khoảng 3-4 năm nữa mới có thể phục hồi. Dọc theo con đê là những lỗ hổng lở sâu vì khi nước biển tràn vào, mặt lưng của đê không có bờ đá chắn sóng như mặt trước nên đã bị nước ngấm vào và sạt lở.

Khu nghỉ mát Thịnh Long nằm sát bờ biển bây giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Những đợt sóng biển đưa cát vào sâu trong đất liền dày tới 10 cm. Con đường xi măng dọc theo bờ  biển cho ô tô đi lại ngày nào, nay đã bị xới lên từng mảng tựa như  tấm bánh đa (tráng)  vỡ nát. Các ngôi nhà gạch sát biển, cái đổ, cái còn, những cửa gỗ và vật dụng đã bị gió giật tung chỉ còn lại căn nhà trống hơ, trống hoác.

Xã Hải Hoà và xã Hải Triều có khoảng 20 ngàn dân đang bị đói, trong đó có 8.060 giáo dân vì bão và nước biển dâng cao đã cuốn đi lương thực dự trữ. Khi nghe tin đê vỡ và có lệnh di tản, họ chỉ kịp vơ vội ít quần áo và chạy lên nhà thờ Phương Chính là điểm cao nhất để tránh con nước dữ.

Với tình hình thiệt hại trầm trọng như thế, Toà Giám mục Bùi Chu đã gọi khẩn cấp cho chúng tôi tối hôm trước khi còn ở Thành phố Hồ Chí Minh để xin 12 tấn gạo cho những người dân vùng bão. Chính quyền địa phương cũng đã kịp thời cấp chomỗi người dân 4 gói mì và nước ngọt trong 4 ngày vừa qua. Chúng tôi đã chuyển ngay số tiền cho Đức cha Bùi Chu mua 20 tấn gạo (4 triệu đồng/tấn) để giúp cho 5 xứ đạo và toàn bộ người dân ở đây không phân biệt tôn giáo.

 

 

 

 

 

 

Những người dân Hải Hoà đang ra sức phục hồi đoạn đê đã bị cơn bão phá vỡ (hình số 2)

 Hình ảnh những người dân đang vội vã đắp lại những đoạn đê trọng yếu sát làng như thúc giục chúng ta cần giúp họ phục hồi cuộc sống. Theo dự đoán phải 2 tháng nữa mới có thể hoàn thành. Nhưng đó cũng chỉ là những bao cát chắp vá tạm thời. Chỉ cần một cơn bão nhỏ với sức gió cấp 7- 8 cũng đủ phá huỷ con đê một lần nữa. Còn muốn đắp đê với kè đá như cũ đòi hỏi một số tiền hàng chục tỷ đồng thì người dân địa phương không thể có được. Chính vì thế việc tái thiết các vùng này rất cần có sự giúp đỡ, đóng góp của các cơ quan cứu trợ quốc tế.

Rời xã Hải Triều lúc 16g, chúng tôi về tới Toà Giám mục Bùi Chu ở xã Xuân Ngọc lúc 17g30. Chúng tôi nghe Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm tổng kết tình hình dân số bị ngập lụt và các thiệt hại ở Bùi Chu để tìm ra một vài giải pháp cứu trợ hiệu quả. Tối đó chúng tôi được tham dự nghi lễ làm phép các tượng đài trong công trình Đức Mẹ Mân Côi và lần hạt cầu nguyện cho đồng bào đang bị nạn. 

2. Ngày 1-10-2005, 4g30 sáng, chúng tôi dậy sớm, tham dự thánh lễ chung với các chủng sinh, 200 tu sĩ và tập sinh thuộc 4 dòng tu đang có mặt để học tập và tĩnh tâm hàng tháng tại đây.

 

 

 

 

 

 

Các vuông tôm, ao cá ở Hải Hậu, Bùi Chu đang bị ngập nước và dân nghèo đang sục tìm vài con tôm còn sót lại! (hình số 3)

       7g sáng, chúng tôi rời Toà Giám mục Bùi Chu, đi đường tắt khoảng 60 km để sang thăm đồng bào ở Phát Diệm. 9g chúng tôi gặp Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến ở Toà Giám mục và ngài kể cho chúng tôi vài nét sơ lược về tình hình bão lụt tại các nơi: phía Công giáo có 67 nhà bị đổ, 840 ngôi nhà bị tốc mái hư hại, trong đó có một số nhà thờ. Toàn tỉnh Ninh Bình có 2 người chết, 22.822 hecta đất bị ngập úng; 970 hecta đầm tôm, cá bị ngập nước , 181 ngôi nhà đổ, 8.960 ngôi nhà bị tốc mái, 12 trường học bị đổ, 315 trường bị hư hại, 350 m đê sông Đáy bị sạt lở, rất may đê Bình Minh ngăn biển không bị vỡ.

9g30 chúng tôi cùng đi với Đức cha đến xứ Cồn Thoi, xã Kim Đồng, huyện Kim Sơn. Vùng đất bồi này nằm sát bờ biển với 10 ngàn dân cư nên chịu nhiều thiệt hại hơn so với các nơi khác. Dù đê không bị vỡ nhưng nước biển đã tràn khỏi mặt đê, ngấm sâu vào vùng trồng lúa đang trổ đòng nên 60% hoa màu bị mất. 2 ngàn hộ nuôi tôm, cua bị mất trắng do nước ngập trên 1 m. Nhà cửa tuy không thiệt hại nhiều, đồ dùng vẫn còn, nhưng nhiều mùa liên tiếp sắp tới sẽ bị “thất thu” vì nước mặn ngấm vào đất màu. Chúng tôi tới thăm xứ Kim Chung vừa mới thành lập với ngôi nhà thờ tạm thời mà mái tôn bị bay mất. 12g trưa chúng tôi trở về Toà Giám mục. Sau bữa ăn trưa vội vã, 13g30 chúng tôi lại lên đường đi thăm một số xứ đạo ở vùng cao thiệt hại vì lũ sau cơn bão.

Theo quốc lộ 12, chúng tôi ngược lên vùng cao đến xứ Vô Hốt (cha Antôn Đoàn Minh Hải là quản xứ), xã Lạc Vân, huyện Nho Quan. Giáo xứ này có hơn 8 ngàn giáo dân. Một ngày trước đó đường hãy còn bị ngập không đi được. Một số nhà bị sụp đổ, 110 nhà giáo dân bị hư hại. Chính quyền mới chỉ lên danh sách nhà bị đổ và chưa trợ giúp được gì. Cơn bão kèm theo mưa nhiều đã gây ngập úng ở nhiều nơi, có nơi lên cao 2 m. Hàng chục ngàn người lâm vào cảnh đói khổ vì lúa chưa gặt kịp. Do đó, ngoài số tiền đưa cho Đức cha Phát Diệm, chúng tôi không thể đành lòng nhìn nhiều người bị đói nên đưa thêm số tiền là 20 triệu để mua 5 tấn gạo cứu trợ cấp thời. Trên đường đi, chúng tôi không nén được xúc động khi nhìn thấy những cánh đồng lúa sắp gặt bị chôn vùi trong biển nước đang dần dần hư thối. Chúng tôi lần hạt liên tục cầu nguyện để xin Chúa và Đức Mẹ an ủi các nạn nhân trong cơn thử thách này.

Xứ Vô Hốt có 16 họ lẻ, chúng tôi đi trên mặt đê để đến thăm 2 họ Tứ Mỹ và Đồng Đinh. Nhờ những người địa phương dẫn đường chúng tôi mới thấy rõ hơn những thiệt hại lớn lao do cơn bão gây nên: cả cánh đồng hàng trăm mẫu biến thành biển nước. Những thân lúa ngập sâu dưới mặt nước nên ngay cả vịt cũng không thể kiếm ăn, mùa màng mất trắng. Nhiều chỗ đường xấu phải đi bộ, có chỗ xe bị ngập sâu trong bùn, kéo đẩy mãi mới đi được.

 

 

 

 

 

 

 Cả cánh đồng lúa bao la của Họ Tứ Mỹ và Đồng Đinh, xứ Vô Hốt, Ninh Bình, giờ đây chỉ là một biển nước mênh mông (hình số 4)

 Sau khi đã vượt hơn 100km từ Nho Quan, 19g chúng tôi tới Toà Giám mục Thanh Hoá. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Sau bữa ăn tối, chúng tôi bàn luận với ngài về những khó khăn và giải pháp để cứu các vùng bị lũ, từ 20g30 đến 23g30.

Thanh Hoá là tỉnh thiệt hại nặng nề vì đây là nơi tâm bão đi qua. Báo Tuổi Trẻ ngày 1-10-2005, tr.7, thông báo trong tổng số thiệt hại là 1.797 tỷ, Thanh Hoá đã chiếm: 747 tỷ, Nam Định: 517 tỷ, Thái Bình: 178 tỷ, Ninh Bình: 150 tỷ. Nhưng tính đến ngày 3-10, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương đưa ra con số thiệt là 3.393 tỷ (Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1).

3. Ngày 2-10-2005. Sau Thánh lễ Chúa Nhật, 7g15 sáng, chúng tôi đi lên các vùng cao bị lũ quét. Sau đoạn đường hơn 60km về phía Tây, chúng tôi đến xứ Phúc Địa, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, do cha JB. Trịnh Quốc Vương quản nhiệm. Xứ đạo gồm 7.300 giáo dân và 600 người không Công giáo. Vì đê bị vỡ nên nước tràn ngập đồng ruộng khiến nhiều ruộng lúa thất thu, 600 hecta mía bị gẫy ngọn và ngập úng nên thiệt hại khá nặng nề. Có đến 70% hộ dân ở đây bị trắng tay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn an tâm vì lòng đạo và niềm tin của người dân ở đây rất mạnh. Dù đang đói khổ nhưng hơn 300 giáo lý viên trẻ vẫn đến nhà thờ để học hỏi giáo lý vào buổi sáng Chúa Nhật. Buổi chiều hơn 400 thiếu nữ và các bà mẹ trẻ kết hợp dâng hoa kính Đức Mẹ tại sân vận động xã. Nhà cửa không bị hư hại nhiều nhưng lúa và mía không còn, dân không tìm được gạo cho những tháng tới.

 

 

 

 

 

 

 Hàng trăm hecta mía ở xứ Phúc Địa, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá bị gẫy ngọn và mất trắng (hình số 5)

Về lại Thanh Hoá lúc 12 g, chúng tôi ăn trưa cùng với Đức cha Thanh Hoá rồi đi thăm các nạn nhân vùng biển. Đến giáo xứ Đa Phạn, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc cách Thanh Hoá 40km về phía Đông, chúng tôi quan sát thấy vùng này có hàng trăm mét đê ngăn mặn bị vỡ. Nước biển tràn ngập đồng lúa, ao cá, vuông tôm. Những cánh đồng sắp gặt bây giờ thả mặc cho đàn vịt đến ăn trên những thân lúa sắp hư thối. Các khoảng đất trồng khoai lang bị “cháy” vì ngập mặn. Người dân đã được sơ tán kịp thời nên không thiệt hại về người nhưng đang lâm vào cảnh đói. Chính quyền đã kịp thời cấp 3 gói mì cho mỗi người trong những ngày bị bão, công tác cứu trợ khẩn cấp cần tiếp tục trong những ngày sắp tới vì thiệt hại lớn lao.

  

 

 

 

 

 

 Đức cha Thanh Hoá với những bao gạo cứu trợ của HĐGM VN đang ngỏ lời với giáo dân Đa Phạn (hình số 6)

 HĐGM VN và UB BAXH đã gửi tới số tiền tương đương với 40 tấn gạo và chuyển ngay một số bao gạo cho những người đang đói. Đức cha Thanh Hoá và chúng tôi nghĩ đến việc ra đi của những người trẻ. Họ có thể sẽ ra Hà Nội hoặc xuôi vào Nam để kiếm việc làm. Nhưng những người nông dân trẻ ấy sẽ làm gì khi không biết một nghề nào, ngoài việc cầm cái cuốc cái cày? Có lẽ họ chỉ trôi dạt vào các thành phố lớn để làm thợ hồ cho những công trường xây dựng để mặc những người chủ thầu vắt kiệt sức trẻ của họ. Còn các thiếu nữ sẽ tìm được việc gì ngoài việc phụ bàn ở các quán ăn, giúp việc trong gia đình và nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng họ sẽ xa vào tay những kẻ buôn người khiến nhân phẩm bị chà đạp, tổn hại.

16g30 chúng tôi rời Thanh Hoá và về đến Hà Nội lúc 19g20, sau quãng đường 140km để kịp ngày mai đi thăm giáo phận Hải Phòng.

4. Ngày 3-10-2005, từ 7g-8g, chúng tôi cùng bàn luận về việc đào tạo nhân sự, nhất là cho các vùng bị lũ lụt, với Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Gp. Hà Nội. Sau đó chúng tôi đến Nhà Xuất bản Tôn Giáo làm việc với các viên chức ở đây để chuẩn bị in tập Daily Gospel cho các Bạn trẻ trong năm “ Sống Lời Chúa” của Giáo hội Việt Nam.

10g30 chúng tôi bắt đầu đi Hải Phòng cách Hà Nội 120km để gặp Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên. 12g30, chúng tôi đến Toà Giám mục và nghe Đức cha cho biết những thông tin về thiệt hại của giáo phận Hải Phòng. Nhiều vùng ven biển bị nước mặn tràn vào khi những tuyến đê bị vỡ, nhiều nhà cửa ở vùng ven biển bị đổ nát hư hại, các đồng lúa bị ngập mặn. Khi chúng tôi đến đây giáo phận chưa có con số tổng kết, vì 14g cùng ngày, đại diện các xứ đạo vùng bão mới tụ về Toà Giám mục để báo cáo tình hình. Tuy nhiên, chúng tôi phải rời Toà Giám mục lúc 13g30 để về Hà Nội cho kịp chuyến bay muộn vào lại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

 

 

  Buổi làm việc với Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên về những thiệt hại do lũ lụt tại Gp. Hải Phòng. (hình số 7)

 16g30 chúng tôi đến chào thăm Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, năm nay đã 86 tuổi, và ngài rất quan tâm đến các công việc của HĐGM VN cũng như lo lắng cho các nạn nhân bão lụt.

Chúng tôi không thể lên thăm xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được vì cách Hà Nội tới 300 km và Đức cha giáo phận Hưng Hoá lại đang ở Cần Thơ để lo tang lễ cho linh mục Antôn Nguyễn Hữu Văn. Lũ quét đã gây nên thiệt hại lớn lao với 51 người chết và một số nhà cửa bị đổ nát, ruộng vườn bị hư hại. HĐGM VN và UB BAXH đã gửi tiền cứu trợ cho Đức cha Antôn Vũ Huy Chương để giúp đỡ các nạn nhân.

21g30, ngày 3-10, đoàn về đến TP.HCM. Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho các nạn nhân, kẻ chết cũng như người sống, được Người Mẹ Mân Côi chuyển cầu đặc biệt trong tháng này.

Dù HĐGM VN không có nhiều tiền bạc hay phương tiện vật chất, nhưng với ơn Chúa, chúng ta vẫn hy vọng tìm ra những giảp pháp cứu trợ hữu hiệu và phục hồi nhanh chóng cho đồng bào thân yêu, nếu mỗi người chúng ta rộng mở tấm lòng nhân ái và bàn tay quảng đại. Những nụ cười và ánh mắt trong sáng của các em bé ở họ Phương Mộ, xứ Đa Phạn, giáo phận Thanh Hoá, như  muốn nhắn gửi chúng ta điều đó.

 

 

 

 

 Các thiếu nhi họ Phương Mộ, xứ Đa Phạn Gp. Thanh Hoá,  vẫn hồn nhiên dù gia đình các em đang gặp hoạn nạn. (hình số 8)

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

PHƯƠNG HƯỚNG CỨU TRỢ NẠN NHÂN VÀ TÁI THIẾT CÁC VÙNG BÃO LỤT

  Đứng trước những thiệt hại lớn lao về cả vật chất lẫn tinh thần do cơn bão số 7 (Damrey) gây nên, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN ý thức về khả năng có hạn của mình nên đã kêu gọi cộng đồng Công giáo hoà nhập với cả nước và cộng đồng quốc tế, nhằm tìm ra những phương hướng để cứu trợ kịp thời các nạn nhân và phục hồi nhanh chóng các vùng bị bão lụt.

1. Tổng kết các thiệt hại.

Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Phòng chống Bão lụt Trung ương, thiệt hại về vật chất do cơn bão số 7 lên tới 3.393 tỷ đồng: chủ yếu do nhà cửa bị đổ, đường xá bị phá hỏng, hoa màu hư hại, các ao đầm nuôi thuỷ sản bị vỡ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1).

 

 

 

 

 

 

Những căn nhà bị ngập nước, đổ nát ở Họ Đồng Đinh, xứ Vô Hốt, huyện Nho Quan, Ninh Bình. (hình số 1)

       Hơn 84.000 căn nhà bị đổ, trôi, ngập, hư hại; hơn 2.000 phòng học, trạm xá, bệnh viện bị hư hại hay đổ sập; hơn 300.000 hecta lúa, hoa màu bị ngập; hơn 250.000 m3 đất đá, đường giao thông bị sạt lở; trên 21.000 hecta hộ ao nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-10-2005, tr.7).

Lũ quét ở huyện Văn Chấn, Yên Bái thiệt hại khoảng 96 tỷ đồng (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1). Lũ quét sáng ngày 5-10 ở các sông Bình Thuận cũng làm nhiều nhà cửa, hoa màu bị ngập. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay cũng đã làm cho 3.907 căn nhà bị ngập, 251 km tỉnh lộ, lộ nông thôn bị ngập, hư hỏng (x. Báo tuổi Trẻ, ngày 6-10-2005, tr.3).

Số người chết trong các thiên tai này, tuy không nhiều nhưng cũng đáng chúng ta phải chú trọng đề phòng, nhất là do lũ quét: 61 người chết do cơn bão số 7 gồm 51 người ở Yên Bái, 2 người ở Hoà Bình, 2 người tại Lào Cai, 3 người tại Phú Thọ, 3 người tại Nghệ An (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 1-10-2005, tr.7). Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho 34 người chết đuối, đa số là các trẻ em, do gia đình bất cẩn (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 6-10-2005, tr.1)

2. Hướng cứu trợ và phục hồi.

2.1. Cứu  trợ hiệu quả

Đứng trước những thiệt hại nặng nề, chính quyền địa phương và trung ương đã cố gắng cứu trợ kịp thời các nạn nhân, nhất là những gia đình neo đơn, nghèo khổ để không ai bị chết đói. Trong những ngày mưa bão, không có điện, nước, các dân vùng biển đã được phát mì gói để ăn: có nơi được 4 gói/người, có nơi 3 gói/người. Nhưng với số dân hàng chục ngàn người mỗi xã, có nơi hàng trăm ngàn người mỗi huyện, số mì gói không thể nào kiếm được ngay, nên có những người dân địa phương đã bị đói. Chính tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã khiến cho những người dân biết chia xẻ cơm bánh cho nhau. Trong tinh thần đó UB BAXH/HĐGM VN đã dốc hết quỹ cứu trợ để kịp thời đem đến cho các vùng bão hơn 100 tấn gạo.

Ngày 4-10-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định số 1053/QĐ-TTg để xuất 3.070 tấn gạo dự trữ quốc gia cho các tỉnh sau: Thanh Hoá 1.380 tấn, Nam Định 850 tấn, Hải Phòng 420 tấn, Ninh Bình 120 tấn, Yên Bái 120 tấn, Phú Thọ 90 tấn, Nghệ An 30 tấn, Hà Tĩnh 30 tấn (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 5-10-2005, tr.1). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương có thực hiện đúng để đưa số gạo này đến tận tay dân nghèo, người đói hay lại bị “thất thoát” như đã từng xảy ra trong các đợt thiên tai trước đây, mà báo chí đã nhiều lần nhắc đến.

Hơn nữa khi đoàn chúng tôi đến thăm các nơi bị lũ lụt, chúng tôi có gửi một số gạo cứu trợ và đề nghị các vị có trách nhiệm không phân biệt đối xử giữa những người có đạo hay không có đạo, nhưng tất cả cần được cứu giúp như nhau, dù rằng trong một số vùng người Công giáo không được giúp đỡ như những người khác.

Để cứu trợ hiệu quả có lẽ cũng cần phân loại các nạn nhân: có những người đói thật sự cần gạo như những nông dân hoàn toàn mất trắng mùa màng, những người làm thuê, làm mướn trong các vùng nuôi trồng thuỷ sản, nhưng cũng có những người chẳng đói khổ gì vì họ là những người chủ của các ao tôm, vuông cua có giá trị hàng chục - hàng trăm triệu đồng. Họ ở các thị xã, thành phố, có tài sản,  nhưng có khi lại được cấp phát nhiều hơn do quen thân với chính quyền địa phương. Con ma tham nhũng vẫn đe doạ ngay cả trong cơn hoạn nạn và các việc làm có vẻ hoàn toàn tốt đẹp này. Chúng tôi nói lên điều này để kêu gọi công lý cho những con người thật sự đói khổ chứ không có ý bôi nhọ chính quyền. Nếu được cứu trợ hiệu quả trong tinh thần lá lành đùm lá rách của tình nghĩa đồng bào, chúng ta sẽ có thể biến những tang thương này thành một dịp tốt để đoàn kết toàn dân tộc, chẳng phân biệt lương giáo - giàu nghèo.

Hơn nữa công cuộc cứu đói này không chỉ nhất thời với dăm ngày vài tuần, mà đối với một số người có thể kéo dài hàng năm vì một khi đồng ruộng nhiễm mặn, mất mùa liên tiếp sẽ xảy ra. Thế nên, địa phương lại cần phải phân loại kỹ càng hơn các mức độ thiệt hại, chứ không thể cấp phát bình quân theo đầu người trong danh sách như một vài nơi đang làm. Chúng tôi lưu ý điều này đối với các nhân viên xã hội của giáo phận và giáo xứ.

2.2. Phục hồi nhanh chóng.

Để phục hồi các địa phương bị thiệt hại, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định trích 284 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương để hỗ trợ các công tác khắc phục thiệt hại như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, xử lý môi trường, khôi phục sản xuất… Cụ thể chia ra như sau: Nam Định 80 tỷ, Thanh Hoá 55 tỷ, Hải Phòng 30 tỷ, Yên Bái 20 tỷ, các tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hoà Bình từ 3-15 tỷ. Bộ giao thông vận tải cũng được hỗ trợ 10 tỷ đồng để khắc phục các tuyến quốc lộ bị sạt lở do bão lụt gây ra (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 5-10-2005, tr. 13). Chúng tôi cầu mong cho số tiền lớn lao này được phân phối công bình cho những người bị nạn.

 

 

 

 

 

 

Những đoạn đê hàn gắn sơ sài bằng, những bao cát kiểu này có chịu nổi, trước những cơn bão sắp tới không?  (hình số 2)

Ngoài những thiệt hại vật chất, đợt bão lụt lần này có thể gây ra những biến động về dân số, đặc biệt nhất là tại các vùng quê nghèo của giáo phận Bùi Chu, Thanh Hoá. Chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, số người bỏ vùng quê lên tỉnh hoặc di dân tạm thời đến các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. HCM và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai rất lớn. Nhiều xứ đạo vắng bóng thanh niên nên các sinh hoạt giáo lý, ca đoàn bị ảnh hưởng. Nay với cơn bão này, đồng ruộng nhiễm mặn phải mất từ 4 đến 5 năm mới hồi phục bằng lượng nước ngọt rửa mặn tự nhiên, như  thế người nông dân thường để hoang hoá. Thanh niên sẽ thất nghiệp, bỏ làng quê đi xa. Muốn giữ chân họ lại thì phải phục hồi nhanh chóng đồng ruộng bằng nhiều phương pháp, cụ thể là dùng hoá chất, nhưng phương cách này đòi hỏi chi phí rất lớn, nếu không có sự trợ giúp của chính phủ hay các tổ chức quốc tế thì người nông dân nghèo nơi đây không thể thực hiện được.

Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc trang bị những kiến thức và nghề nghiệp cho những người nông dân để họ ổn định đời sống tại chỗ. Tuy nhiên, những vùng như Bùi Chu, Thanh Hoá hầu như không có nhà máy hay xí nghiệp để thu hút công nhân. Hơn nữa người dân địa phương không quen làm nghề phụ như đan chiếu cói, làm nghề thủ công như dân cư ở vùng Phát Diệm. Bài toán phục hồi kinh tế này đòi hỏi một sự nỗ lực lớn lao của chính quyền và của người dân địa phương như  khuyến khích việc nuôi trồng thuỷ sản ở vùng gần biển và đào tạo các nghề phụ theo dạng thủ công mỹ nghệ. Các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên có thể trở thành những người cổ vũ cho các chương trình này để giúp người dân thăng tiến đời sống và phát triển cộng đồng thay vì dồn hết công của sức lực xây dựng những ngôi nhà thờ họ, chỉ cách nhà thờ chính vài trăm mét như một số xứ đạo ở vùng này.

 

 

 

 

 

 

Con đê ngăn biển ở xứ Đa Phạn, xã Hải Lộc, Thanh Hoá đang chờ được sửa sang thì hàng trăm ngàn người dân mới sống an vui. (hình số 3)

        Chúng tôi cũng nghĩ đến việc trang bị những kiến thức và nghề nghiệp cho những người muốn di cư lập nghiệp ở những vùng đất mới. Các địa phương, cụ thể là các giáo xứ, họ đạo có thể phối hợp với các giáo phận để chuẩn bị cho các người muốn di dân biết những thách đố họ phải đương đầu cũng như nguy hiểm họ phải tránh né khi vào các đô thị lớn, nhất là các thiếu nữ, để họ tránh được tình trạng bóc lột và lạm dụng, kể cả lạm dụng tình dục.

3. Giáo hội Việt Nam có thể làm gì cho các nạn nhân bão lụt.

Dù với những phương tiện nhỏ bé nhưng HĐGM VN, qua UB BAXH, đã kêu gọi mọi người cùng cộng tác giúp đỡ các nạn nhân bão lụt theo 3 cấp độ sau:

3.1. Cứu trợ khẩn cấp.

HĐGM VN đã trích hết quỹ Thứ Sáu Tuần Thánh do các tín hữu trong nước đóng góp để cứu trợ ngay những người gặp thiên tai, trong cũng như ngoài nước, nhằm nói lên tinh thần hiệp thông và liên đới. Trong tháng vừa qua HĐGM VN đã cứu trợ nạn nhân của cơn bão Katrina, ở Hoa Kỳ số tiền là 30.000 USD, lũ quét ở Buôn Ma Thuột 100 triệu đồng và hơn 100 tấn gạo (trị giá 420 triệu) cho 5 giáo phận: Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hải Phòng, Hưng Hoá. Tổng cộng là 1 tỷ đồng. Chắc chắn sẽ còn những thiên tai cũng như nhiều nạn nhân cần cứu giúp ở đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận hay ở Miền Trung trong những tháng tới theo dự báo hàng năm. Chúng ta hy vọng nhiều nhà hảo tâm sẽ đóng góp cho quỹ cứu trợ này.

UB BAXH khẩn thiết xin các Ban Bác ái Xã hội giáo phận hãy cứu giúp các nạn nhân với tinh thần quảng đại, không phân biệt lương giáo và chọn đúng đối tượng, là những người thật sự nghèo khổ nhân danh tình đồng bào và tình yêu Chúa Kitô để công việc cứu trợ đạt hiệu quả cao nhất. Uỷ ban cũng xin Hội đồng Mục vụ Giáo xứ quan tâm đặc biệt đến những hộ đói nghèo cần được cứu trợ lâu dài.

3.2. Giúp đỡ phục hồi

Đợt lạc quyên trên toàn quốc trong tháng 10-2005 và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, nếu có, sẽ được dùng để giúp đỡ các nạn nhân phục hồi đời sống. Việc này nhằm vào các công tác sau:

- Cấp phát những vật dụng cần thiết cho cuộc sống: quần áo, chăn mền, thuốc men…

- Hỗ trợ mua sắm một vài phương tiện sản xuất trực tiếp: cày, cuốc, cây giống, con giống, lưới, thuyền đánh cá nhỏ…

- Hỗ trợ xây dựng một số công trình cần thiết: nhà thờ, nhà xứ, trường học, bệnh viện, trạm xá… bị thiệt hại vì bão lụt.

 

 

   

 

 

 

              Các bạn giáo lý viên của xứ Phúc Địa, xã Quảng Phú, Thọ Xuân, Ninh  Bình. Ai trong số họ sẽ bỏ xứ ra đi khi đồng mía, ruộng lúa không còn? (hình số 4)

       - Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa cho những hộ nghèo khổ, neo đơn.

UB BAXH ước mong Ban BAXH giáo phận phối hợp với nhiều Uỷ viên xã hội của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ làm các dự án, lập danh sách các nạn nhân với mức độ thiệt hại một cách chi tiết để hỗ trợ cho bước thứ 2 này.

3.3. Hỗ trợ tái thiết và phát triển

Sự đóng góp từ cuộc lạc quyên và sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện nước ngoài gửi đến HĐGM VN, nếu có, sẽ được chi dùng cho công tác tái thiết và phát triển bao gồm:

- Đào tạo các nhân viên xã hội cho các giáo phận để các người này truyền đạt lại cho dân chúng địa phương ý thức về thăng tiến cá nhân, phát triển cộng đồng, chuẩn bị cho những người di dân kiến thức về đời sống mới, vay vốn tín dụng …

- Hỗ trợ việc đào tạo tay nghề tại các địa phương để nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, làm thủ công mỹ nghệ…

- Hỗ trợ việc đào tạo tay nghề cho người muốn di dân đến các khu công nghiệp hay vào các thành phố lớn bằng cách phối hợp với các tổ chức dạy nghề để hỗ trợ học phí, tìm chỗ ăn ở an toàn cho các bạn trẻ, nhất là thiếu nữ. Theo ước tính, nếu 1 người được hỗ trợ học phí + sinh hoạt phí khoảng 20USD/1 tháng và học trong 6 tháng thì tốn khoảng 120USD/người với các ngành như: điện công nghiệp, điện lạnh, điện dân dụng, may công nghiệp… thì họ có thể được giới thiệu cho các công ty hoặc xí nghiệp. Tuy nhiên, đây là một công trình lớn cần sự cộng tác của nhiều người và các tổ chức quốc tế. Giáo phận hay giáo xứ có thể lên danh sách những người muốn di cư thật sự thành một dự án 50 hay 100 người để xin trợ cấp.

- Hỗ trợ việc khử mặn nơi các đồng ruộng để phục hồi nhanh chóng việc sản xuất cho người nông dân như một biện pháp giữ chân họ ở lại để canh tác, hạn chế tình trạng hoang hoá. Công trình này đòi hỏi nguồn tài chính lớn lao.

- UB BAXH trung ương sẽ phối hợp với Ban BAXH giáo phận thực hiện 1 cuốn cẩm nang cho người di dân.

- Hỗ trợ các buổi sinh hoạt gặp gỡ các nhóm di dân đồng hương, đồng giáo phận hoặc cùng ngành nghề tại các giáo xứ nơi họ đến ở, để tạo sự liên đới qua việc tham vấn tâm lý, trao đổi hay tạo sân chơi giải trí (xem phim, xem sách báo…) cho các người di dân để họ tránh xa và khỏi rơi vào các tệ nạn xã hội như : cờ bạc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mãi dâm… Công việc này rất cần sự liên kết giữa các linh mục, tu sĩ ở các xứ đạo nơi có nhiều người di dân nhập cư như cho mượn các phòng sinh hoạt tại xứ đạo để các tình nguyện viên thuộc UB BAXH đến sinh hoạt với các bạn trẻ.

- Hỗ trợ những người di dân gặp khó khăn như không có việc làm, gặp tai nạn nghề nghiệp, bị hoang thai…

 

 

 

 

Đứng bên bờ đê hư hại những con ngưòi vẫn hướng về tương lai và mỉm cười với cuộc sống. (hình số 5)

Kính thưa Quý Đức cha và Quý vị,

Trên đây là bản tường trình tổng quát và tạm thời của Đoàn chúng con sau khi gặp gỡ và bàn thảo với các giáo phận bị bão lụt để đề ra một vài đường hướng cứu trợ và tái thiết. Chúng con sẽ cố gắng nghiên cứu sâu xa hơn để biến thành những hoạt động cụ thể nhằm trợ giúp và mưu ích cho các nạn nhân.

Kính chúc Quý Đức cha và Quý vị luôn an mạnh, tràn đầy ơn Chúa và cũng xin cầu nguyện cho chúng con.

Kính thư,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tổng Thư ký UB BAXH

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ