GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 15/10/2005,

NGÀY THÁNH MẪU

 

?  Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI: Phiên Họp Chung Thứ XVI về Bản Tường Trình Bán Kết sau Những Cuộc Bàn Luận

?  Cảm Nhận về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới XI của ĐTGM Ma Ní Tây Ban Nha

? Lễ Đức Bà Mân Côi: Lược Sử

 

?   Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI: Phiên Họp Chung Thứ XVI về Bản Tường Trình Bán Kết sau Những Cuộc Bàn Luận

 

Chiều ngày Thứ Tư 12/10/2005, phiên Họp Chung thứ 16 của thượng nghị này diễn ra, với 239 vị nghị phụ, để đặc biệt chú trọng tới Bản Tường Trình (Relatio post disceptationem) bán kết những phát biểu của các vị nghị phụ trong các phiên họp chung từ đầu tới bấy giờ. Bản tóm kết này được ĐHY Angelo Scola, tổng phối kết viên của thượng nghị lần này trình bày.

 

Trước hết, vị hồng ý này nhắc đến ý hướng của ĐTC GPII cho cuộc thượng nghị lần này liên quan đến Bí Tích Thánh Thể, và bài suy niệm của ĐTC Biển Đức XVI cho phiên họp chung đầu tiên. Đồng thời ngài cũng minh định rằng ngài không viết “một tổng luận, mà là một chắp nối những phát biểu, vì tính cách bao rộng của những đề tài được nói tới và tính cách tế nhị trong đó”. Theo ngài thì “nói chung, chiều hướng chính của các lời phát biểu này đó là việc thắng vượt tính cách nhị nguyên giữa tín lý và việc chăm sóc mục vụ, giữa thần học và phụng vụ”.

 

Sau nữa, về nội dung và bố cục, thì bản tường trình đúc kết tạm thời này được chia làm 2 phần: phần đầu là “Việc Giảng Dạy Cho Dân Chúa Tin Tưởng Thánh Thể”, một phần bao gồm 5 chương, và phần hai là “Tác Động Thánh Thể”, bao gồm 4 chương.

 

Năm chương của phần nhất về “Việc Giảng Dạy Cho Dân Chúa Tin Tưởng Thánh Thể” thứ tự như sau:

 

1.      Những khó khăn theo khách quan Kitô hữu ngày nay gặp phải trong việc tin tưởng và cử hành Thánh Thể, từ đó liên quan tới trách nhiệm hệ trọng của các vị mục tử trong việc truyền bá phúc âm hóa và tân truyền bá phúc âm hóa.

 

2.      Những điều thiết yếu về đại mầu nhiệm Thánh Thể, bởi thế cần phải giáo dục tín hữu có một đức tin trọn vẹn về Thánh Thể.

 

3.      Tầm quan trọng rất nhiều nơi mối liên hệ giữa Thánh Thể và 7 Bí Tích.

 

4.      Thánh Thể và thành phần dân tư tế, tức thành phần tín hữu, khi cùng nhau qui tụ lại, tái nhận thức cảm quan thuộc về Giáo Hội của mình, một cảm quan qui tụ liên quan đến “Ngày Của Chúa”, đến vai trò của từng thành phần dân Chúa là giám mục và linh mục, phó tế vĩnh viễn và thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ, các giáo xứ và cộng đồng nhỏ, gia đình, đời tận hiến và giới trẻ.

 

5.      Thánh Thể và sứ vụ: là một Giáo Hội truyền giáo cũng cần phải là một Giáo Hội sâu xa Thánh Thể.

 

Bốn chương của phần hai về “Tác Động của Thánh Thể” thứ tự như sau:

 

1.      Tác dụng tốt đẹp của việc Công Đồng Chung Vaticanô II canh tân phụng vụ mang lại cho đời sống của Giáo Hội.

 

2.      Cấu trúc của việc cử hành phụng vụ.

 

3.      Rất cần phải chú trọng nhiều hơn nữa đến nghệ thuật cử hành phụng vụ ‘ars celebrandi’.

 

4.      Việc tham dự chủ động của cộng đồng dân Chúa ‘actuosa participatio’.

 

Trong phần kết luận của bàn tường trình này, phần trước khi đề cập tới 17 vấn nạn cần phải được các Nhóm Làm Việc cứu xét, vị hồng y tường trình cho biết: “công việc mà giờ đây đang đợi chờ các vị nghị phụ là phần tế nhị nhất, phần từ đó xuất phát những dự thảo, những dự thảo được chúng ta góp phần vào sự khôn ngoan đặc sủng của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô”, vị sẽ soạn thảo bức Tông Huấn hậu Thượng Nghị và ban hành văn kiện này vào một dịp thuận tiện không lâu nào đó sau này, như Đức Gioan Phaolô II vẫn làm trước đây. 

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của Zenit ngày 13/10/2005

 

 

TOP

 

 

   Cảm Nhận về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới XI của ĐTGM Ma Ní Tây Ban Nha

Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, một cuộc phỏng vấn được phổ biến hôm 7/10/2005, ĐHY Antonio María Rouco Varela, đã cho biết cảm nhận của mình về các cuộc họp đầu tiên của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường Lệ XI như sau:

 

Vấn:     Những cảm nghiệm đầu tiên về cuộc thượng nghị trong những ngày này như thế nào?

 

Đáp:    Một mặt thì tôi thấy tính cách liên tục về hình thức và cách thức trong việc tổ chức các cuộc thượng nghị, như những cuộc thượng nghị này được cưu mang ngay sau khi kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II.

 

Tuy nhiên, đàng khác, kinh nghiệm cũng cho thấy có một số khía cạnh mới. Trước hết liên quan tới sự kiện là vị chủ sự cuộc thượng nghị lần này là một tân giáo hoàng, đó là Đức Biển Đức XVI; và đồng thời cũng liên quan tới một số thay đổi nơi phương pháp làm việc khiến cho cuộc thượng nghị có tính cách uyển chuyển nào đó.

 

Nó cũng có tính cách mới mẻ ở chỗ là biến cố kết thúc một năm cả Giáo Hội thiết tha sửa soạn, theo chiều hướng của một kinh nghiệm về giáo hội được vun trồng, sống động và đào sâu quanh chủ đề về Thánh Thể, một năm được tiên dẫn bởi bức thông điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể”, một thông điệp gắn liền với một tông thư tuyệt vời khác là “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, bức tông thư, một cách nào đó, như lời mở đầu cho cái chết thánh đức của Đức Gioan Phaolô II.


Vấn:     Ngày đầu tiên, ĐHY Angelo Scola đã đọc “bản tường trình tổng quan”, trong đó, ĐHY Scola đã đề cao những đề tài quan trọng nhất của cuộc thượng nghị lần này. Trong những đề tài ấy đức hồng y (Rouco) thấy những đề tài nào quan trọng nhất?

 

Đáp:    Trước hết, bản “tường trình” của ĐHY Scola mở đầu bằng đề tài của văn kiện làm việc “instrumentum laboris” là văn kiện được biết đến một cách rộng rãi trong Giáo Hội. Thế nhưng, dĩ nhiên là ngài đã trình bày theo kiểu của ngài. Đó là một “bản tường trình tổng quan” rất hay. Tôi xin nhấn mạnh đến 3 điểm căn bản của bản tường trình tổng quan này.

 

Điểm thứ nhất là những gì được ngài gọi là niềm ngất ngây về Thánh Thể. Vì 2000 năm, bí tích Thánh Thể vẫn được cử hành như là giây phút Giáo Hội cảm thấy ngất ngây trước một tình yêu rất cao cả, trước một tình yêu hoàn toàn bất khả thắng vượt. Và Giáo Hội sống cuộc ban tặng được hiện thực hóa bởi Chúa Kitô trên thập giá và sống lại vì phần rỗi chúng ta này, có thể nói không ngừng, trái lại, còn cảm thấy liên lỉ cần phải cử hành lại tặng ân ấy và làm cho tặng ân ấy hiện lên trước chúng ta. Nỗi ngất ngây này dĩ nhiên tiếp tục tồn tại hôm nay đây, và về phương diện mục vụ, chúng ta cần phải cố gắng, trong cuộc thượng nghị này, giữ cho nó sống động. Nó là nỗi ngất ngây cần phải thực hiện với mầu nhiệm vượt qua. Nếu Thánh Thể bị tách khỏi mầu nhiệm vượt qua, khỏi sự hiện diện chính yếu của Chúa Kitô, thì dĩ nhiên bấy giờ không còn nỗi ngây ngất này tí nào nữa, song việc cử hành Thánh Thể được biến thành một công thức thuần túy cho việc cử hành của con người, phục vụ cho các lợi lộc thuần túy loài người cho những ai tham dự vào việc cử hành ấy.

 

Điểm thứ hai tôi cần phải nhấn mạnh là tầm quan trọng được ngài gán cho Thánh Thể như là một tặng ân. Thánh Thể là một tặng ân được Chúa Kitô ban cho Giáo Hội. Thánh Thể không phải là một thứ sở hữu của các phần tử Giáo Hội, một sở hữu họ có quyền trên bất cứ những gì liên quan tới đức tin, tới lương tâm trong sạch, tới sự sống v.v., mà hoàn toàn ngược lại, Thánh Thể cần phải được lãnh nhận với một tâm hồn xứng đáng.

 

Điểm sau cùng, tôi cũng chú trọng nữa là thứ loại tự do được ngài sử dụng trong “bản tường trình tổng quan” để hiểu được cái cấu trúc của tặng ân này. Một đàng, tặng ân ấy hoàn toàn là một tặng ân nhưng không, vì Thánh Thể là tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha, Đấng đã ban Người Con cho chúng ta, là  mầu nhiệm của hiệp nhất do Thần Linh ban cho Giáo Hội.

 

Đàng khác, tặng ân ân đòi phải được tự do đáp trả, một đáp ứng cần đến quyền tự do của con người, thành phần cũng cảm thấy rằng họ được sinh ra để thể hiện bản thân mình ra nơi việc đáp ứng yêu thương, một yêu thương có cấu trúc tương đương như tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là một tình yêu hiến tế, một tình yêu tự hiến, hy hiến bản thân mình, nhờ đó đáp ứng tình yêu thương của Thiên Chúa.

 

Đó là điểm thu hút nhất nơi “bản tường trình tổng quan” này. Chính vì xúc động mà ngài không thể đọc nổi phần cuối cùng về khía cạnh Kitô học, vũ trụ và nhân loại học của Thánh Thể, thế nhưng, tôi nghĩ rằng ngài đã đưa chúng tôi một cách khéo léo vào đúng hướng đi của thượng nghị này vậy.


Vấn:     Thật vậy, một số người đọc các tờ nhật báo nhận định là có một cuộc bàn luận liên tục nơi đây về nhiều đề tài đặc biệt – như việc truyền chức linh mục cho thành phần kết hôn chẳng hạn. Phải chăng những vấn đề này đang được yêu cầu trong cuộc thượng nghị này?

 

Đáp:    ĐHY Scola đã đi sâu hơn nữa vào khoa thần học liên kết việc độc thân linh mục với vai trò làm linh mục cũng như với thừa tác vụ linh mục; vào chính loại phối ngẫu của một Chúa Kitô ban mình cho Giáo Hội, và Người muốn Giáo Hội là truyền giáo; cũng như vào việc trọn vẹn đáp ứng của con người phục vụ Giáo Hội nhân danh Giáo Hội này.

 

Những vấn đề ấy sẽ phát hiện thành chẳng hạn chương trình mục vụ về ơn gọi; thành việc truyền bá phúc âm hóa giới trẻ, phúc âm hóa Giáo Hội, là nơi mà nếu không sống đức tin thì cũng không thể nào phát sinh ra các ơn gọi được.


Vấn:     Xin nói cho chúng tôi biết về bài giảng tự phát của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hôm Thứ Hai.

 

Đáp:    Ngài đã cống hiến cho chúng tôi một bài dẫn giải về bài đọc Bức Thư Thứ Hai gửi giáo đoàn Côrintô (13:11), một bài dẫn giải ngài đã tự động thực hiện, thế nhưng, bằng một đường lối, trước hết, tuyệt vời và sâu xa về thần học, sau nữa, rất vững vàng về phương diện thích nghĩa, và thứ ba, điều làm tôi chú ý nhất, đó là một việc suy niệm thiêng liêng độc đáo nhất, không có gì là nhân tạo, không có gì là giả đạo mà là một cái gì đó rất sống động đối với cá nhân ngài.

 

Tóm lại, đó là một bài suy niệm tuyệt vời nhất. Ngoài ra, theo quan điểm giáo khoa, nó còn được bố cục chặt chẽ, được khai triển trọn vẹn, được diễn đạt một cách mạch lạc rõ ràng.

 

Đó là bức thư có năm lời huấn dụ và 1 lời hứa: “Anh em ơi hãy vui lên. Hãy ước ao đức hoàn thiện. Hãy khuyên nhủ lẫn nhau. Hãy suy nghĩ và cảm nhận như nhau. Hãy sống an bình. Để rồi Vị Thiên Chúa yêu thương và an bình sẽ ở cùng anh em”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch

 

 TOP

? Lễ Đức Bà Mân Côi: Lược Sử

Trong cuốn Thánh Mẫu Học do Brice xuất bản năm 1961, tập thứ 3, có một đoạn trình bày về Đức Bà Mân Côi của cha Juniper B. Carol, OFM, một vị linh mục quá cố đã từng nổi tiếng trên thế giới về Thánh Mẫu Học và là vị sáng lập Hội Thánh Mẫu Học Hoa Kỳ. Sau đây là đoạn về Đức Bà Mân Côi liên quan đến nguồn gốc việc thành hình Lễ Đức Mẹ Mân Côi được vị linh mục thánh mẫu này nghiên cứu biên soạn.


Những diễn tiền về lịch sử đáng ghi nhớ của ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571, Ngày Chúa Nhật đầu tháng này, đã là những gì đưa đến việc xuất hiện lễ Đức Bà Mân Côi. Thế giới Tây phương đã phải đối diện với cuộc thảm họa và tàn phá toàn diện gây ra bởi những người Thổ Nhĩ Kỳ có một hạm đội dũng mãnh đã làm chủ hầu hết Địa Trung Hải và thực sự đang đe dọa Ý quốc. Thánh Giáo Hoàng Piô V và các vị lãnh đạo Kitô giáo khác, vì tin rằng chỉ có ơn trợ giúp siêu nhiên bấy giờ mới có thể chặn đứng cuộc xâm chiếm sắp sửa xẩy ra, đã hướng mắt về trời nài van Người Mẹ thiên đình chuyển cầu cho họ. Vị Thánh Giáo Hoàng cũng xin các Hiệp Hội Mân Côi hãy gia tăng việc họ tôn sùng này vào ngày 7/10 và cử hành việc tôn sùng này một cách trọng thể hơn.

 

Thật thế, chính vào ngày này, lực lượng hải quân của liên minh Kitô giáo đụng độ hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ vững chắc của Thổ Nhĩ Kỳ ở Vịnh Lêpantô. Truyện kể rằng trong khi trận chiến hết sức quan trọng này đang gay go thì Đức Piô V, được linh cảm thiên đình, đã kêu lên “Chiến thắng! Chiến thắng!” Thật thế, hạm đội của bên địch đã hoàn toàn thảm bại làm tan rã lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Vị Giáo Hoàng này không được đặc ân cử hành cuộc mừng kỷ niệm ân huệ lớn lao này của Thiên Chúa. Ngày cùng tháng tận của ngài đã đến, nhưng không xẩy ra trước khi ngài tuyên bố hiệu thành vào ngày 17/3/1572 về việc công khai tạ ơn Mẹ Maria và sâu xa tri ân Mẹ về việc Mẹ bảo vệ chở che, một cuộc tưởng niệm đặc biệt được giành cho Mẹ vào ngày 7/10 dưới tước hiệu Đức Bà Thắng Trận.

 

Đức Grêgôriô XIII, vị thừa nhiệm của ngài, đã thay đổi tước hiệu này thành Đức Bà Mân Côi, và vào ngày 1/4/1573, đã ban sắc chỉ truyền cử hành một thánh lễ mới vào ngày Chúa Nhật đầu Tháng Mười, ban phép cử hành ở những nhà thờ có bàn thờ mang tước hiệu ấy. Một trăm năm sau, theo lời yêu cầu của Nữ Hoàng Tây Ban Nha là Mary Anne, lễ này được lan rộng khắp Tây Ban Nha, và sau đó ít lâu, đến nhiều giáo phận ở Ý và các quốc gia khác. Vào ngày 3/10/1716, như một cách công nhận cuộc chiến thắng của Hoàng Tử Eugene của Savoy đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Hung Gia Lợi vào ngày 5/8 dưới sự bảo hộ của Đức Mẹ Xuống Tuyết, Đức Clêmentê XI đã ban hành một văn kiện, một văn kiện được soạn thảo bởi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Innocentê XI, nới rộng lễ Đức Mẹ Mân Côi ra khắp Giáo Hội hoàn vũ. Đức Lêô XIII đã nâng lễ này lên bậc lễ cao hơn. Sau cùng Đức Piô X, trong tự sắc Motu Proprio ngày 23/10/1913, đã chỉ định lễ này vào ngày 7/10 hằng năm (Cf. E. Campana, Maria nel culto cattolico, Torino, 1933, Vol. I, pp. 407-413).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ