GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 18/10/2005

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 29 Thường Niên về Ngày Kỷ Niệm Được Bầu Làm Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II

?  Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI: Một Ngày Suy Niệm và Tôn Thờ, và để sửa soạn đúc kết tiến trình nghị sự

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Cuộc Phỏng Vấn Truyền Hình Balan về Vị Tiền Nhiệm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân ngày kỷ niệm 16/10

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 29 Thường Niên về Ngày Kỷ Niệm Được Bầu Làm Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hai mươi bảy năm trước đây, vào một ngày như hôm nay đây, Chúa đã kêu gọi Hồng Y Karol Wojtyla, TGM Krakow, để kế vị Đức Gioan Phaolô đệ nhất qua đời ngắn ngủi sau một tháng được tuyển bầu. Với Đức Gioan Phaolô II, một trong những giáo triều dài nhất lịch sử Giáo Hội được mở màn, một giáo triều có vị Giáo Hoàng, “người đến từ một xứ sở xa xôi”, được nhìn nhận là một thẩm quyền về luân lý, kể cả nhiều người không phải Kitô hữu và vô tín ngưỡng, như được chứng tỏ qua các cuộc biểu lộ cảm tình trước cơn bệnh của ngài và niềm thương cảm xót xa sau cái chết của ngài.

 

Trước ngôi mộ của ngài trong hầm mộ Vatican, nhiều tín hữu vẫn không ngừng tiếp tục tuốn đến kính viếng, và điều này cho thấy một dấu hiệu hùng hồn là Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã đi vào lòng người như thế nào, trước hết, là vì chứng từ yêu thương của ngài và việc ngài sẵn sàng chấp nhận khổ đau. Nơi ngài, chúng ta có thể ca tụng sức mạnh của đức tin và lời nguyện cầu của ngài, và cách ngài hoàn toàn phó thác bản thân ngài cho Đức Maria Rất Thánh, vị luôn đồng hành với ngài và bảo vệ chở che ngài, nhất là trong những lúc khốn khó nhất và bi thảm nhất trong cuộc đời của ngài. 

 

Chúng ta có thể diễn tả Đức Gioan Phaolô II như là vị Giáo Hoàng hoàn toàn hiến thân cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria, như khẩu hiệu của ngài tỏ tường cho thấy: “Totus tuus”. Ngài đã được tuyển chọn vào giữa tháng mân côi, và chuỗi mân côi, thường được ngài cầm trong tay, trở thành một trong những biểu hiệu cho giáo triều của ngài, một giáo triều được Đức Trinh Nữ trông nom săn sóc bằng mối quan tâm từ mẫu. Qua truyền thanh và truyền hình, tín hữu trên thế giới đã có thể liên kết với ngài vào một số dịp cầu loại kinh Thánh Mẫu ấy, và nhờ gương sáng cùng các giáo huấn của ngài, họ tái nhận thức được ý nghĩa đích thực của kinh nguyện này, một ý nghĩa chiêm niệm và Kitô học (xem tông thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”, các khoản 9-17).

 

Thật vậy, kinh mân côi không nghịch lại với việc suy niệm Lời Chúa và kinh nguyện phụng vụ; trái lại, kinh nguyện này còn là một thứ bổ túc một cách tự nhiên và tuyệt vời, nhất là để sửa soạn và tạ ơn trong việc cử hành Thánh Thể. Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô là Đấng chúng ta gặp gỡ trong Phúc Âm và nơi các bí tích, ở vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của Người, qua các mầu nhiệm mân côi vui, sáng, thương và mừng.

 

Nơi học đường Maria, chúng ta nhờ đó học biết liên kết bản thân mình với Người Con thần linh của Mẹ và loan báo Người bằng chính cuộc sống của chúng ta. Nếu Thánh Thể, đối với Kitô hữu, là trọng tâm của ngày sống, thì kinh mân côi góp phần một cách đặc biệt vào việc hiệp thông kéo dài với Chúa Kitrô, và kinh này dạy chúng ta sống bằng ánh mắt tâm can gắn chắt vào Người để chiếu tỏa cho mọi người và mọi sự tình yêu nhân hậu của Người.

 

Chiêm niệm và truyền giáo: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta là như thế. Ngài là thế nhờ mối hiệp nhất sâu xa của ngài với Thiên Chúa, một mối hiệp nhất hằng ngày được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể và những giây phút nguyện cầu lâu giờ.

 

Vào giây phút nguyện Kinh Truyền Tin này đây, một giây phút ngài rất yêu chuộng, chúng ta cần phải hân hoan và có nhiệm vụ tưởng nhớ đến ngài nhân dịp mừng kỷ niệm này, lập lại việc chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Giáo Hội và thế giới một vị thừa kế rất xứng đáng của Tông Đồ Phêrô. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết trân quí di sản châu báu của ngài.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của Zenit và điện thư VIS ngày 17/10/2005 

 

 

TOP

 

 

   Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI: Một Ngày Suy Niệm và Tôn Thờ, và để sửa soạn đúc kết tiến trình nghị sự

 

Theo chương trình được dự định thì Thứ Hai 17/10/2005, các vị nghị phụ dùng cả một ngày để suy niệm và tôn thờ Thánh Thể trước khi đi đến những quyết định chính yếu.

 

Thật vậy, sáng nay không có phiên họp chung như mọi ngày, để vị tổng phối kết là ĐHY Angelo Scola ở Venice, và các viên chức nghị phụ khác viết cho xong “các dự thảo” để thượng nghị trình lên Đức Giáo Hoàng.

 

“Bản liệt kê các dự thảo” sẽ được trình bày vào Thứ Ba 18/10 trong phiên họp chung ở sảnh đường thượng nghị. Bản liệt kê này sẽ được các nhóm làm việc phân tích vào cùng ngày hôm đó và hôm sau, để trình nộp những tu chính nếu có.

 

Bản dự thảo cuối cùng sẽ được trình bày vào ngày Thứ Sáu, và các nghị phụ sẽ bỏ phiếu cho bản liệt kê dự thảo đúc kết này vào ngày Thứ Bảy. Sau khi bản dự thảo được bỏ phiếu thuận, nó sẽ trở thành cơ sở cho tông thư hậu thượng nghị được Đức Thánh Cha Biển Đức viết và ban hành, thường trong vòng tối thiểu một năm.

 

Thời gian dùng để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể bao gồm việc cầu nguyện và thánh ca, việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, Kinh Tin Kính và tạ ơn.

 

Lễ nghi tôn thờ được chủ sự bởi ĐHY Francis Arinze, đại biểu chủ tịch của thượng nghị này vầlà tổng trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích. ĐTC Biển Đức cũng tham dự vào việc tôn thờ Thánh Thể và suy niệm này với các vị nghị phụ.

 

Việc hát bài thánh ca “Adoro Te Devote” được luân chuyển với những câu Phúc Âm bằng một số ngôn ngữ khác nhau. Lời ca được đọc bằng tiếng Ả Rập bởi Thượng Phụ lễ nghi Chaldean Emmanuel III Delly ở Baghdad Iraq, và bằng tiếng Ấn Độ bởi ĐHY Telesphore Toppo, TGM Ranchi, Ấn Độ.

 

 TOP

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Cuộc Phỏng Vấn Truyền Hình Balan về Vị Tiền Nhiệm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân ngày kỷ niệm 16/10

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn của Đài Truyền Hình Balan Quốc (TVP: Polish State Television) nhân dịp Ngày Giáo Hoàng, một ngày đã từng được Balan cử hành vào ngày 16/10 từ 5 năm qua.

 

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bởi vị làm đầu chương trình Công Giáo của TVP là Cha Andrzej Majewski, và được thâu tại Tông Dinh Castelgandolfo để phát hình vào chính ngày Chúa Nhật 16/10/2005. Từ 8 giờ chiều cùng ngày này, bản văn phỏng vấn đây được phổ biến trên mạng điện toán toàn cầu của Đài Phát Thanh Vatican bằng nguyên ngữ Ý quốc, với các phần chuyển dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Sau đây là bản tiếng Anh được VIS gửi đi ngày Thứ Hai 17/10/2005.

 

Vị Lm mở đầu:     Con xin cám ơn Đức Thánh Cha đã ban cho chúng con được thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn gọn này, nhân dịp Ngày Giáo Hoàng là ngày vẫn đang được cử hành ở Balan.

 

Vào ngày 16/10/1978, Đức Hồng Y Karol Wojtyla lên làm Giáo Hoàng, và từ đó, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua hơn 26 năm, đóng vai trò làm vị Thừa Kế Thánh Phêrô, như Đức Thánh Cha hiện nay, đã cùng với các vị giám mục và hồng y dẫn dắt Giáo Hội. Trong số các vị hồng y này, có Đức Thánh Cha đây, người được vị tiền nhiệm của mình cảm mến và trân trọng: một con người được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô viết trong cuốn “Đứng Lên, Nào Chúng Ta Lên Đường” – con xin được trích lại ở đây những gì Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Tôi cám ơn Chúa về sự hiện diện và hỗ trợ của Hồng Y Ratzinger. Ngài là một người bạn đích thực“.

 

Vị Lm hỏi:             Tâu Đức Thánh Cha tình bằng hữu này đã được bắt đầu ra sao và Đức Thánh Cha đã gặp Đức Hồng Y Karol Wojtyla khi nào?

 

ĐTC đáp:               Bản thân tôi đã được gặp ngài trong hai cuộc Mật Nghị Hồng Y năm 1978. Thật ra tôi đã nghe về Hồng Y Wojtyla, nhất là trong việc trao đổi thư từ giữa các vị Giám Mục Balan và Đức vào năm 1965. Các vị Hồng Y Đức nói với tôi về những công lênh và đóng góp lớn lao của vị Hồng Y ở Krakow này, và ngài là hồn sống của vấn đề trao đổi thư tín lịch sử này ra sao. Tôi cũng đã nghe thấy những người bạn đại học nói đến vị thế như là một triết gia và tư tưởng gia của ngài. Thế nhưng, như tôi đã nói, tôi được đích thân gặp gỡ ngài lần đầu tiên trong cuộc Mật Nghị Hồng Y năm 1978. Tôi yêu thích ngài ngay từ lúc đầu, và có Chúa biết, tôi tuy chẳng là gì, vị Hồng Y này lúc ấy liền làm bạn với tôi. Tôi tri ân ngài về niềm tin tưởng ngài đặt nơi tôi. Đặc biệt là khi tôi xem ngài cầu nguyện, tôi đã thấy được và hiểu được rằng ngài là một con người của Thiên Chúa. Cái ấn tượng đầu tiên của tôi về ngài thế này: ngài là một con người sống với Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa. Tôi cũng cảm phục về tình thân ái bất thành kiến trong việc ngài làm bạn với tôi. Nhân một cơ hội khác nhau, ngài đã ngỏ lời với những cuộc mật nghị hồng ý này, và nhờ thế tôi đã được dịp cảm thấy vị thế là một tư tưởng gia của ngài. Không cần phải nói nhiều, ngài cũng đã tạo được một mối liên hệ chân thành, và ngay sau khi được chọn làm Giáo Hoàng, ngài đã gọi tôi đến Rôma một số lần để nói chuyện, rồi cuối cùng ngài đã bổ nhiệm tôi làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin.

 

Vị Lm hỏi:             Như thế thì việc bổ nhiệm này và việc triệu mời về Rôma ấy không có gì là lạ?

 

ĐTC đáp:               Thật là khó xử đối với tôi, vì khi tôi được làm Giám Mục Munich, bằng một cuộc long trọng thánh hiến ở vương cung thánh đường Munich, tôi cảm thấy có trách nhiệm với giáo phận này, hầu như là một cuộc thành hôn vậy. Bởi thế mà tôi cảm thấy bị ràng buộc với giáo phận ấy. Cũng có một số vấn đề chưa được giải quyết, nên tôi không muốn rời giáo phận này trong tình trạng như thế. Tôi đã bàn tất cả những điều ấy với Đức Thánh Cha, một cách rất thẳng thắn, và ngài tỏ lòng rất từ phụ đối với tôi. Ngài đã cho tôi thời gian để suy nghĩ và ngài nói với tôi rằng ngài cũng muốn suy nghĩ nữa. Sau cùng, ngài đã thuyết phục tôi rằng đó là ý muốn của Chúa. Thế nên tôi đã chấp nhận lời mời gọi này và trách nhiệm trọng đại này, một trách nhiệm không dễ dàng và là một trách nhiệm vượt ngoài khả năng của tôi. Thế nhưng, tin tưởng vào tấm lòng nhân ái từ phụ của vị Giáo Hoàng này cũng như vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tôi đã thưa vâng.

 

Vị Lm hỏi:             cái kinh nghiệm này đã kéo dài trên 20 năm…

 

ĐTC đáp:               Phải, tôi đã đến Rôma vào tháng 2 năm 1982 và nó đã kéo dài cho tới khi vị Giáo Hoàng này qua đời năm 2005.

 

Vị Lm hỏi:             Tâu Đức Thánh Cha, theo Đức Thánh Cha nghĩ thì đâu là những lúc quan trọng nhất trong Giáo Triều của Đức Gioan Phaolô II?

 

ĐTC đáp:               Chúng ta có thể nhìn Giáo Triều này theo hai quan điểm: quan điểm hướng ngoại “ad extra” – hướng tới thế giới – và quan điểm hướng nội “ad intra” – hướng về Giáo Hội. Về khía cạnh hướng tới thế giới, đối với tôi, qua những lời lẽ của ngài, qua con người của ngài, qua việc ngài hiện diện, qua khả năng thu hút của ngài, Đức Thánh Cha đây đã tạo nên được một cảm thức mới về các thứ giá trị luân lý, về tầm quan trọng của tôn giáo trên thế giới. Điều này đã mở ra một đường hướng mới, một cảm thức mới về tôn giáo, cũng như về nhu cầu cần đến một chiều kích đạo lý nơi con người. Đặc biệt là tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma đã tăng lên quá sức. Bất chấp những khác biệt và bất kể việc không công nhận vai trò Thừa Kế Thánh Phêrô của mình, tất cả mọi Kitô hữu đều nhìn nhận rằng ngài là một phát ngôn viên của Kitô giáo. Không một ai trên thế giới này, ở tầm mức quốc tế có thể nhân danh Kitô giáo nói năng như con người này, làm cho thực thể Kitô giáo có tiếng vang và quyền lực trên thế giới ngày nay. Ngài là phát ngôn viên cho các thứ giá trị cao cả của nhân loại đối với những người không phải là Kitô hữu cũng như đối với các tôn giáo khác nữa. Ngài có thể kiến tạo một bầu khí đối thoại giữa các đại tôn giáo và một cảm quan đồng trách nhiệm mà tất cả chúng ta cần phải có đối với thế giới. Ngài cũng nhấn mạnh rằng bạo lực và tôn giáo là những gì bất tương hợp, và chúng ta cần phải cùng nhau tìm kiếm đường lối dẫn đến hòa bình, đảm nhận trách nhiệm chung đối với nhân loại. Về tình hình của Giáo Hội, tôi có thể nói rằng, trước hết, ngài biết cách để làm cho giới trẻ thấm nhập lòng nhiệt tình sống với Chúa Kitô. Đây là điều mới lạ, nếu chúng ta nghĩ đến giới trẻ của cuối thập niên sáu mươi và bảy mươi. Giới trẻ ấy đã trở nên hăng say sống cho Chúa Kitô và cho Giáo Hội cũng như cho những thứ giá trị khó khăn thách đố. Chính tư cách của ngài và cái thu hút nơi vai trò lãnh đạo của ngài đã góp phần vào việc động viên giới trẻ trên thế giới sống cho Thiên Chúa và vì mến yêu Chúa Kitô. Trong Giáo Hội, ngài đã tạo nên được một lòng kính mến mới mẻ đồi với Thánh Thể. Chúng ta vẫn còn sống trong Năm Thánh Thể là năm do ngài đầy lòng mến yêu bí tích này mở ra. Ngài đã khơi dậy một ý thức mới về sự cao cả của Tình Thương Thần Linh; và ngài hết sức tôn sùng Đức Mẹ. Nhờ đó, ngài đã hướng dẫn chúng ta tiến tới việc nội tâm hóa đức tin, đồng thời cũng tiến tới chỗ hiệu năng hóa đức tin hơn nữa. Dĩ nhiên chúng ta cần phải đề cập tới việc ngài góp phần thiết yếu vào những đổi thay cả thể trên thế giới trong năm 1989, qua việc cộng tác vào cuộc sụp đổ của xã hội chủ nghĩa.

 

Vị Lm hỏi:             Trong thời gian của những cuộc gặp gỡ riêng tư của Đức Thánh Cha và những cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha cảm thấy điều gì đặc biệt nhất? Đức Thánh Cha có thể cho chúng con  biết về những lần gặp gỡ cuối cùng của Đức Thánh Cha, có thể là trong năm nay, với Đức Gioan Phaolô II hay chăng?

 

ĐTC đáp:               Được. Tôi đã gặp ngài hai lần vào lúc cuối cùng: một lần tại Bệnh Viện Gemelli, khoảng vào ngày 5 hay 6 Tháng Hai; và lần thứ hai là ngày trước khi ngài qua đời, tại phòng của ngài. Trong lần gặp trước, vị Giáo Hoàng này thấy được là đau đớn song hoàn toàn tỉnh táo và rất ý thức. Tôi đã đến gặp ngài để bàn hỏi về công việc, vì tôi cần ngài quyết định mấy điều. Mặc dù bề ngoài trông có vẻ đớn đau Đức Thánh Cha ấy đã hết sức chăm chú tới những gì tôi nói. Ngài đã nói lên quyết định của ngài chỉ bằng mấy lời, rồi ban phép lành cho tôi. Ngài đã chào tôi bằng Đức ngữ và tỏ ra lòng ngài tin tưởng cùng thân tình với tôi. Tôi rất xúc động khi thấy ngài tỏ ra chịu đựng trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô khổ đau, cũng như việc ngài chấp nhận đau đớn với Chúa và cho Chúa như thế nào. Cuộc gặp gỡ lần sau xẩy ra vào ngày trước khi ngài chết: bề ngoài ngài rất ư là đau đớn, và được các bác sĩ cùng thân hữu vây quanh. Ngài vẫn tỏ ra rất tỉnh táo và ngài đã ban phép lành cho tôi. Ngài không thể nói được nhiều nữa. Việc ngài nhẫn nại vào lúc đớn đau ấy là một bài học quí giá cho tôi: khi tôi thấy được ngài tin tưởng rằng ngài ở trong tay Chúa ra sao và ngài đã phó mình cho ý định của Thiên Chúa như thế nào. Mặc dù đớn đau trông thấy, ngài vẫn bình thản, vì ngài ở trong bàn tay của Tình Yêu Thần Linh.

 

Vị Lm hỏi:             Tâu Đức Thánh Cha, thường trong các lời lẽ của mình, Đức Thánh Cha đề cao hình ảnh Đức Gioan Phaolô II và nói Đức Gioan Phaolô II là một vị đại Giáo Hoàng, một vị cố tiền nhiệm đáng kính. Chúng con luôn nhớ những lời Đức Thánh Cha tuyên bố ở Thánh Lễ ngày 20 tháng 4 vừa rồi, những lời quả thực là dâng kính Đức Gioan Phaolô II. Tâu Đức Thánh Cha, chính Đức Thánh Cha đã nói những lời, con xin được trích lại ở đây, là “Dường như ngài đã nắm chặt lấy tay tôi, tôi thấy được đôi mắt long lanh của ngài và nghe được những lời của ngài, những lời mà vào lúc ấy ngài đặc biệt hướng về tôi: “Đừng sợ!” Tâu Đức Thánh Cha, sau cùng là một câu hỏi hết sức riêng tư, đó là Đức Thánh Cha có tiếp tục cảm thấy sự hiện diện của Đức Gioan Phaolô II hay chăng, và nếu có thì như thế nào?

 

ĐTC đáp:               Được. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách trả lời phần đầu câu hỏi của cha. Lúc đầu, khi nói về di sản của vị Giáo Hoàng này, tôi đã quên đề cập tới nhiều văn kiện được ngài để lại cho chúng ta – 14 bức thông điệp, nhiều Thư Mục Vụ, và những thứ khác. Tất cả những văn kiện này là một gia sản phong phú vẫn chưa được Giáo Hội hấp thụ hết. Sứ vụ của riêng tôi không phải là ban hành nhiều văn kiện mới mà là để bảo đảm cho việc thấm nhuần các văn kiện của ngài, vì chúng là một kho tàng dồi dào, chúng là một thứ đích thực dẫn giải cho Công Đồng Chung Vaticanô II. Chúng ta biết rằng vị Giáo Hoàng này là người của Công Đồng, ngài đã thấm nhuần tinh thần và ngôn từ của Công Đồng này. Qua những văn kiện ấy, ngài giúp chúng ta hiểu được những gì Công Đồng ấy muốn hay không muốn. Điều ấy giúp cho chúng ta trở thành một Giáo Hội của thời đại chúng ta và cho tương lai. Giờ đây đến phần thứ hai của câu cha hỏi. Vị Giáo Hoàng này luôn gần gũi tôi qua những gì ngài viết: Tôi nghe thấy ngài và thấy ngài nói, nhờ đó mà tôi có thể tiếp tục đối thoại với ngài. Ngài luôn nói với tôi qua những gì ngài viết. Thậm chí tôi biết được cả nguồn gốc của một số những văn kiện ấy. Tôi có thể nhớ đến những cuộc bàn luận chúng tôi đã có với nhau về một số trong các văn kiện này. Bởi vậy mà tôi tiếp tục đàm đạo với Đức Thánh Cha đây. Việc gần gũi này không chỉ bị hạn hẹp vào các ngôn từ và văn bản mà thôi, vì đằng sau những bản văn ấy tôi nghe thấy chính vị Giáo Hoàng này. Một con người về với Chúa vẫn không biến mất. Tôi tin rằng một con người về với Chúa thậm chí còn gần gũi chúng ta hơn nữa, và tôi cảm thấy ngài gần gũi tôi và tôi gần gũi Chúa. Tôi cảm thấy gần gũi vị Giáo Hoàng này, và giờ đây ngài giúp tôi được gần gũi Chúa, và tôi cố gắng để đi vào bầu khí của nguyện cầu ấy, của lòng mến yêu Chúa, mến yêu Đức Mẹ, và tôi ký thác cho lời nguyện cầu của ngài. Đó là một cuộc đối thoại thường xuyên và chúng tôi gần gũi nhau một cách mới mẻ, một cách sâu xa.

 

Vị Lm hỏi:             Tâu Đức Thánh Cha, giờ đây chúng con đang đợi chờ Đức Thánh Cha ở Balan. Nhiều người đang thắc mắc là bao giờ Đức Giáo Hoàng tới Balan?

 

ĐTC đáp:               Đúng, nếu Chúa muốn, và nếu chương trình của tôi cho phép, tôi hết sức muốn tới Balan. Tôi đã nói với Đức Ông Dziwisz về ngày giờ và tôi được cho biết là Tháng Sáu là thời gian tốt nhất. Tất nhiên mọi sự vẫn còn cần phải được sắp xếp với các cơ cấu khác nhau. Dù sao cũng còn quá sớm, nhưng có lẽ vào Tháng Sáu năm tới, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến Balan.

 

Vị Lm Kết:            Tâu Đức Thánh Cha, nhân danh tất cả khán giả của đài truyền hình chúng con, con xin cám ơn Đức Thánh Cha về cuộc phỏng vấn này.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tín liệu của điện thư VIS ngày 17/10/2005.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ