GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 19/10/2005

 

?   Bản Thảo Liệt Kê 50 Đề Nghị  của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

   ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý Thánh Vịnh 121 (122) Ngày Thứ Tư 12/10/2005 về “Tôn Giáo Thánh Kinh là Men Công Lý và Đoàn Kết”

? ĐTC Biển Đức XVI – Sứ Điệp Kỷ Niệm Trăm Năm Sinh Nhật của Thần Học Gia Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar

?   Bản Thảo Liệt Kê 50 Đề Nghị  của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

 

Trong phiên họp chung hôm Thứ Ba 18/10/2005, một bản đúc kết 50 đề nghị được trình bày cho các vị nghị phụ.

 

Trong một cuộc họp với thành phần phóng viên báo chí cùng ngày, ĐHY Francisco Javier Errázuriz ở Santiago Chí Lợi, đã nói rằng bản chất của những điều đề nghị này là một “lời mời gọi trọng đại của thượng nghị này trong việc tiến vào mầu nhiệm” Thánh Thể.

 

“Việc tiến vào một ngôi nhà thờ không phải là vấn đề bái quì, đứng lên và ra về; mà là tiến vào một vực thẳm, nhờ đó đời sống riêng của người tín hữu mới tiền vào mầu nhiệm Thánh Thể” của việc Chúa Kitô hiện diện thực sự.

 

Thượng nghị hy vọng rằng đời sống của người tín hữu “sẽ là một Thánh Lễ kéo dài và Thánh Lễ sẽ chi phối cả cuộc sống của họ”.

 

Nội dung đặc biệt của những đề nghị này sẽ không được công bố chung, để bảo trì quyền tự do của Đức Biển Đức XVI khi viết bức tông huấn hậu thượng nghị này, một tông huấn được dựa trên các đề nghị của thượng nghị đây.

 

Tuy nhiên, căn cứ vào những lời nhận định của các vị hồng y và giám mục ngỏ cùng thành phần phóng viên báo chí thì các đề nghị ấy chấp nhận chủ trương của Giáo Hội về các vấn đề như vấn đề ly dị tái hôn bất giải hôn hiệp lễ.

 

ĐHY Errázuriz đã nói rằng sự thật đức tin liên quan tới nguyên tắc thần học về “tính cách bất khả phân ly của hôn nhân” thì thành phầnnày không được Hiệp Lễ.

 

“Thế nhưng những người này tỏ tường muốn thuộc về cộng đồng Giáo Hội”. Bởi thế, theo ngài cho biết, họ có thể Hiệp Lễ nếu họ sống với nhau mà không ăn nằm với nhau và không gây gương mù gương xấu.

 

Về vấn đề thiếu hụt các vị linh mục, vị hồng y chí lợi này ghi nhận những chứng từ của các Giáo Hội Công Giáo theo lễ nghi Đông Phương về những khó khăn trong việc cậy dựa vào những vị linh mục có gia đình. Vị hồng y này cho biết lý do chính yếu tại sao Giáo Hội theo lễ nghi Latinh bảo trì luật độc thân linh mục này là vì tính chất của thần học.

 

Vị hồng y cũng là chủ tịch hội đồng giám mục Mỹ Châu Latinh CELAM này cho biết thượng nghị nhấn mạmnh đến nhu cầu cần phải có một chương trình mục vụ ơn gọi và chân nhận rằng “nơi nhiều giáo phận tình hình không tốt đẹp”.

 

“Có nhiều gia đình hân hoan tham dự Thánh Thể nhờ đó phát sinh ra các ơn gọi, song vẫn không phải là một công việc đầy đủ”.

 

Có các vị nghị phụ chia sẻ về thành phần giúp lễ và “việc họ gần gũi với Chúa Giêsu như là một cách tiến đến thiên chức linh mục, như đã từng xẩy ra cho nhiều vị nghị phụ”.

 

Bản liệt kê các điều đề nghị này, được ĐHY Angelo Scola, phối kết viên của thượng nghị, soạn thảo cùng với ĐTGM Minnerath và các phối kết viên của các nhóm làm việc, và được đọc lên trước sự hiện diện của ĐTC và 244 vị nghị phụ, trong tân sảnh đường thượng nghị, bởi vị bí thư đặc biệt của thượng nghị là ĐTGM Roland Minnerath ở Dijon, Pháp quốc.

 

Chiều 18/10 và Thứ Tư 19/10, thượng nghị sẽ tiến sang phần các nghị phụ gặp nhau từng nhóm nhỏ để soạn thảo những điều tu chính chung cho các đề nghị được liêt kê và đọc lên sáng Thứ Ba 18/10. Các đề nghị được điều chỉnh sẽ được trình bày tại sảnh đường thượng nghị vào Thứ Sáu sau đó được bỏ phiếu vào Thứ Bảy, trước khi kết thúc thượng nghị vào Chúa Nhật 23/10/2005.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit 18/10/2005

 

 

TOP

 

 

  ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý Thánh Vịnh 121 (122) Ngày Thứ Tư 12/10/2005 về “Tôn Giáo Thánh Kinh là Men Công Lý và Đoàn Kết” 

 

1.         Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe và thưởng thức như một lời nguyện cầu là một trong những “bài thăng ca” tuyệt vời nhất và cảm kích nhất. Đó là bài Thánh Vịnh 121 (122), một cuộc cử hành linh động và đông đảo ở Giêrusalem, Thành Thánh là nơi đoàn hành hương tiến lên. 

 

Thật vậy, ngay ở lời mở đầu, có hai giây phút được con người tín trung sống cùng một lúc, đó là giây phút của một ngày con người ấy chấp nhận lời mời gọi “tiến lên nhà Chúa” (câu 1), và giây phút hân hoan tới “cổng” thành Giêrusalem (câu 2); bấy giờ chân của con người này cuối cùng đã bước trên mảnh đất thánh dấu yêu đó. Chính lúc bấy giờ, môi miệng bật lên bài ca hân hoan tôn kính Sion, nơi được hiểu theo ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của nó.

 

2.         “Được xây lên như một thành phố, có tường bao quanh” (câu 3), tiêu biểu cho an ninh và bền vững, Giêrusalem là tâm điểm của mối hiệp nhết 12 chi tộc Yến Duyên, những chi tộc qui tụ về nó như trung tâm đức tin và việc tôn thờ của họ. Thật vậy, ở đó, họ tiến lên “để cảm tạ thánh danh Chúa” (câu 4), ở nơi mà “lề luật của Yến Duyên” (Deut 12:13-14; 16:16) được thiết lập như là cung thánh hợp lệ và toàn hảo duy nhất.


Còn một thực tại khác ở Giêrusalem cũng là dấu hiệu của việc Thiên Chúa hiện diện nơi dân Yến Duyên, đó là “các ngôi báu của nhà Đavít” (x Ps 121[122]:5), tức là triều đại Đavít trị vì, một diễn đạt tác động thần linh nơi một lịch sử dẫn đến Đấng Thiên Sai (2Sam 7:8-16).

 

3.         “Những ngôi báu của nhà Đavít” đồng thời cũng được gọi là “những ngai tòa phán quyết” (x Ps 121[122]:5), vì vua cũng là vị thẩm phán tối cao. Bởi thế, Giêsusalem, thủ đô về chính trị, cũng là ngia tòa pháp lý tối cao, nơi cuối cùng giải quyết các cuộc tranh cãi: nhờ đó, khi rời Sion, khách hành hương Do Thái trở về với thôn làng của mình trở nên công chính và an bình hơn. 

 

Bài thánh vịnh này bởi vậy đã phán họa một bức tranh lý tưởng về Thành Thánh theo phận vụ về tôn giáo và xã hội của nó, khi cho thấy tôn giáo theo thánh kinh không phải là những gì trừu tượng hay tư riêng, mà là men công lý và kết đoàn. Mối hiệp thông với Thiên Chúa cần phải được kèm theo mối hiệp thông an hem với nhau nữa. 

 

4.         Giờ đây chúng ta sang đến lời cầu khẩn cuối cùng (x câu 6-9). Tiết điệu của lời cầu khẩn này được đánh dấu bằng tiếng Do Thái “shalom”, “bình an”, theo truyền thống được hiểu là chính tên gọi của Thành Thánh này, “Jerushalejim”, được hiểu là “thành đô hòa bình”.

 

Như đã biết, shalom là chữ ám chỉ đến mối bình an thiên sai, một mối an bình chất chứa nơi nó niềm vui, thịnh vượng, thiện hảo, phong phú. Thật vậy, trong lời tạ từ cuối cùng được khách hành hương ngỏ cùng đền thờ, cùng “nhà của Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, “sự thiện hảo” được thêm vào với thiện hảo: “Tôi sẽ tìm kiếm sự thiện hảo của Ngài” (câu 9). Như thế, chúng ta thấy trước được lời chào của dòng Phanxicô: “Bình an và thiện hảo!”. Nó là niềm hy vọng của ân phúc nơi tín hữu yêu mến Thành Thánh, nơi thực tại về thể lý tường thành và dinh thự của họ là chốn đời sống của người dân sinh động, nơi tất cả mọi anh em và bạn hữu. Nhờ đó, Giêrusalem sẽ trở nên một ngôi nhà của hòa hợp và an bình.

 

5.         Chúng ta kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Thánh Vịnh 121 (122) bằng việc suy tư được gợi ý bởi các vị Giáo Phụ là thành phần Giêrusalem cổ là dấu hiệu cho một Giêrusalem mới, cũng được “thiết dựng như một thành phố mạnh mẽ thắt chặt với nhau”. Thành phố này – Thánh Grêgôry Cả nhắc lại trong “Các Bài Giảng về Tiên Tri Êzêkiên” – “đã có kiến trúc cao cả của nó nơi những tập tục của các thánh nhân. Nơi một dinh thự, tảng đá này đỡ tảng đá kia, vì tảng đá này được đặt trên tảng đá kia, và tảng đá này đỡ một tảng đá nọ là tảng đá đỡ tảng đá khác. Chính nơi đường lối ấy mà trong Hội Thánh mỗi người nâng đỡ nhau và được nhau nâng đỡ. Việc gắn bó nâng đỡ nhau hỗ tương ấy, nhờ đó, qua họ, ngôi nhà đức ái được thiết dựng. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã khuyên nhủ rằng ‘Hãy mang lấy gánh nặng của nhau, và hãy chu toàn lề luật của Chúa Kitô’ (Gal 6:2). Nhấn mạnh đến quyền lực của lề luật này, ngài nói rằng: ‘Tình yêu là việc làm trọn lề luật’ (Rm 13:10). Thật vậy, nếu tôi không cố gắng để chấp nhận anh em như anh em là, và anh em không cố gắng để chấp nhận tôi như tôi là, thì ngôi nhà bác ái không thể mọc lên giữa chúng ta, thành phần cũng được thắt cột bằng tình yêu thương hỗ tương và nhẫn nại”. Và, để hoàn trọn hình ảnh ấy, không được quên rằng “có một nền tảng nâng đỡ toàn thể sức nặng của kiến trúc, đó là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, vị duy nhất chấp nhận hoàn toàn tất cả mọi tập tục của chúng ta. Thánh Tông Đồ đã nói về Người rằng: ‘Không có một nền tảng nào khác được ai đặt xuống hơn được cái nền tảng đã được đặt đó là Chúa Giêsu Kitô’ (1Cor 3:11). Cái nền mang những tảng đá và không được hạ sinh bởi những tảng đá; tức là, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta mang lấy gánh nặng của tất cả mọi lỗi lầm của chúng ta, nhưng trong ngài không có lỗi trong việc khoan dung” (2,1,5: "Opere di Gregorio Magno" [Works of Gregory the Great] III/2, Rome, 1993, pp. 27,29).


(Tóm Kết bằng và cho Tiếng Anh)
 

Bài Thánh Vịnh 121, chủ đề của bài giáo lý tuần này, là một trong những “bài thăng ca” được xướng lên bởi đoàn hành hương xưa kia tiến đến Thành Thánh Giêrusalem. Thánh Vịnh gia chúc tụng Giêrusalem như một thành trì kiên cố, tâm điểm cho mối hiệp nhất đức tin và việc tôn thờ của dân Yến Duyên, và là ngai tòa phán quyết của nhà Đavít. Là một thành của thánh đức, công lý và đoàn kết xã hội, Giêrusalem như thế trở thành nơi hiệp thông và an bình giữa dân Chúa.

 

Bài thánh vịnh này lên đến tột đỉnh ở lời nguyện cầu cho hòa bình ở Giêrusalem và cầu xin cho Thành Thánh niềm an bình của đấng thiên sai – shalom – một niềm an bình là tặng ân của Thiên Chúa. Truyền thống Kitô giáo, trong việc vang vọng lời nguyện cầu thành tâm này, đã thấy nơi Giêrusalem trần thế ấy hình ảnh Giêrusalem thiên đình, mầu nhiệm của Hội Thánh, được xây dựng bằng các tảng đá sống và được xây trên tình yêu cứu độ của Chúa Kitô Cứu Chuộc.
 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 12/10/2005

 

 TOP

 

? ĐTC Biển Đức XVI – Sứ Điệp Kỷ Niệm Trăm Năm Sinh Nhật của Thần Học Gia Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar

Sau đây là nguyên văn sứ điệp ĐTC Biển Đức XVI gửi thành phần tham dự viên hội nghị quốc tế với chủ đề “Một Mình Tình Yêu Là Khả Tín”, được tổ chức tại Đại Học Đường Latêranô, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của thần học gia người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar.

 

Quí Hồng Y

Chư Huynh Đáng Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục

Quí Tôn Vị Nam Nữ:

 

Thật là hân hoan được liên kết về tinh thần với anh chị em trong việc mừng bách chu niên ngày sinh nhật của Hans Urs von Balthasar, một thần học gia nổi tiếng người Thụy Sĩ, một con người tôi được hân hạnh quen biết và thường xuyên gặp gỡ. Tôi nghĩ rằng việc suy tư thần học của ông vẫn còn nguyên vẹn, cho đến này hôm nay, cái hợp thời thực sự của nó, và dẫn nhiều người vào sâu hơn nữa cái tính cách thâm thúy của mầu nhiệm đức tin, một đức tin được bảo thủ bởi một hướng đạo viên có thế giá như vậy.

 

Vào một dịp như thế này, thật là dễ theo khuynh hướng quay về với những kỷ niệm riêng tư, căn cứ vào mối thân tình chân thành đã liên kết chúng tôi cũng như vào nhiều hoạt động chúng tôi đã cùng nhau thực hiện, giải quyết nhiều những thách đố của những năm ấy. Việc thành lập tờ điểm báo Hiệp Thông, vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, tiếp tục là dấu hiệu hiển nhiên cho thấy việc dấn thân chung của chúng tôi trong vấn đề nghiên cứu về thần học. Tuy nhiên, tôi không muốn nhắc đến những kỷ niệm ấy cho bằng đến tính cách phong phú nơi khoa thần học của von Balthasar.

 

Ông đã làm cho mầu nhiệm Nhập Thể trở thành đối tượng biệt đãi cho việc nghiên cứu học hỏi của ông, khi ông thấy nơi tam nhật Phục Sinh “triduum paschale” – như ông đã lấy làm tựa đề cho một trong những bài viết của ông – hình thức hiển nhiên nhất của việc Thiên Chúa đi vào lịch sử của loài người. Thật vậy, nơi cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, mầu nhiệm về tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ hiện. Ở đây thực tại của đức tin biểu lộ “vẻ đẹp” bất khả trổi vượt của mình. Nơi “thảm kịch” của mầu nhiệm vượt qua, Thiên Chúa sống trọn vẹn nhân tính của Ngài, thế nhưng đồng thời Ngài cũng cống hiến ý nghĩa cho hoạt động của con người cùng với những gì Kitô hữu dần thân trong thế giới này.

 

Đó là cách von Balthasar thấy được “cái lý lẽ” của Mạc Khải: Thiên Chúa trở thành con người để con người có thể sống hiệp thông sự sống với Thiên Chúa. Sự thật cuối cùng và tối hậu của việc tìm kiếm ý nghĩa được từng người đặt ra đã được cống hiến nơi Chúa Kitô. Khoa thẩm mỹ về thần học, vấn đề bi kịch và lập luận, là những gì tạo nên một bộ ba, trong đó, những quan niệm ấy có được khuyếch đại và được ý thức áp dụng. Tôi có thể chứng thực là cuộc sống của ông là một cuộc chuyên chính tìm kiếm chân lý, một cuộc tìm kiếm được ông hiểu như là một cuộc tìm kiếm Sự Sống chân thực. Ông tìm kiếm các dấu vết của việc Thiên Chúa hiện diện cùng với sự thật của Ngài ở khắp chốn: nơi triết lý, nơi văn chương, nơi tôn giáo, luôn bẻ vỡ những cái vòng vo thường giam hãm lý trí ấy, hướng lý trí về những lãnh giới của cõi vô biên vĩnh hằng.

 

Hans Urs von Balthasar là một thần học gia thực hiện việc nghiên cứu để phục vụ Giáo Hội, như ông tin rằng chỉ có thần học mới có thể được giáo hội biểu thị. Thần học, như ông quan niệm và theo cách ông quan niệm, cần phải được đi đôi với tu đức nữa; chỉ có thế nó mới thực sự sâu xa và tác hiệu.

 

Khi đặc biệt suy tư về khía cạnh này, ông đã viết: “Phải chăng thần học về khoa học chỉ bắt đầu với Peter Lombard? Và dầu sao cũng có ai nói về Kitô giáo bằng một đường lối thích đáng hơn Thánh Cyrilô thành Giêrusalem, hơn Origen nơi các bài giảng của vị này, hơn Thánh Grêgôriô Nazianzus, và hơn thành phần sư phụ đáng kính về thần học, thành phần Công Nghị Viên? Ai dám chỉ trích bất cứ điều gì với một vị Giáo Phụ nào? Bởi vậy cần phải biết được kiểu cách của thần học, mối hiệp nhất tự nhiên nơi thái độ của đức tin và thái độ của khoa học mới có tính cách khách quan và kính trọng. Nếu thần học là công việc của các vị thánh thì nó là một thứ thần học nguyện cầu. Đó là lý do tại sao hoa trái nguyện cầu của nó, tính cách dồi dào nguyện cầu của nó và quyền lực phát sinh ra nó là những gì quá lớn lao bất khả tương xứng” ("Verbum Caro," "Saggi Teologici" [Theological Essays] I, Brescia, 1970, 228).

 

Những lời này khiến chúng ta một lần nữa nghĩ về vị trí xác đáng của việc nghiên cứu về thần học. Nhu cầu cần phải có tính chất khoa học không phải là những gì bị gạt bỏ khi nó được lồng vào việc lắng nghe Lời Chúa có tính cách đạo đức, khi nó sống nhờ sự sống của Giáo Hội và được củng cố bởi huấn quyền của Giáo Hội. Tu đức không làm suy giảm đi tầm quan trọng về khoa học của nó, nhưng cống hiến cho việc nghiên cứu thần học một phương pháp đúng đắn để có thể đạt đến một thứ dẫn giải vững chắc.

 

Một thứ thần học được quan niệm như thế đã khiến cho von Balthasar đến chỗ hiểu biết sâu xa hiện nay. Đó là lý do, một trong những đề tài chính yếu được ông say sưa chú tâm vào đó là việc chứng tỏ cho thấy nhu cầu cần phải hoán cải. Việc thay đổi tâm can là điểm chính yếu đối với ông; thật vậy, chỉ có thế, tâm trí mới thoát được những hạn hữu ngăn cản nó tiến tới mầu nhiệm và con mắt mới có thể gắn chặt vào dung nhan của Chúa Kitô.

 

Tóm lại, ông đã hiểu được một cách sâu xa rằng thần học chỉ có thể được phát triển bằng việc nguyện cầu là những gì có khả năng nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và ngoan ngoãn tin tưởng vào Ngài. Đó là một con đường xứng đáng để bước theo cho đến cùng. Điều này đòi phải tránh đi những con đường đơn phương một chiều là con đường chỉ có thể làm cho con người tách khỏi tiêu diểm, cũng như đòi phải thoát khỏi những kiểu cách làm phân tán việc chú trọng đến những gì thiết yếu. Trái lại, mẫu gương von Balthasar đã lưu lại cho chúng ta đó là gương mẫu của một thần học gia chuyên chính, một thần học gia đã nhờ chiêm niệm nhận thức được việc hoạt động gắn bó này thuận lợi cho chứng từ Kitô giáo trên thế giới. Trong cơ hội đầy ý nghĩa này, chúng ta nhớ đến ông như một con người của đức tin, một linh mục vâng lời và ẩn thân, không bao giờ tìm ý riêng của mình song hoàn toàn theo tinh thần của Thánh I Nhã bao giờ cũng tìm vinh danh Thiên Chúa.

 

Với những cảm thấy ấy, tôi mong anh chị em tiếp tục hào hứng và hăng say nghiên cứu học hỏi về công việc của von Balthasar, mong anh chị em tìm thấy những đường lối để hữu hiệu áp dụng nó. Tôi xin Chúa ban muôn tặng ân ánh sáng cho anh chị em và các cuộc hội họp của hội nghị này, như một bảo chứng về điều nguyện xin ấy, tôi đặc biệt ban phép lành cho anh chị em.

 

Tại Vatican ngày 6/10/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 10/10/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ