GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 23/10/2005

Tuần 30 Thường Niên

 

?  ĐOÀN TÍNH GIÁO PHẨM QUA 40 NĂM: T CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II TỚI THƯỢNG NGHỊ GIÁM MỤC THẾ GIỚI THƯỜNG LỆ XI

?  ĐTC Biển Đức XI với Thiếu Nhi Rước Lễ Lần Đầu về 7 câu vấn đáp

? ĐTC Biển Đức XVI Sứ Điệp gửi Ngày Lương Thực Thế Giới Chúa Nhật 16/10/2005

?   ĐOÀN TÍNH GIÁO PHẨM QUA 40 NĂM: TCÔNG ĐỒNG VATICANÔ II TỚI THƯỢNG NGHỊ GIÁM MỤC THẾ GIỚI THƯỜNG LỆ XI

 

T CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II TỚI…

 

Các khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI đề xướng vào thời gian gần kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), bằng văn kiện Apostolica Sollicitudo ban hành ngày 15-9-1965, với kỳ họp đầu tiên đã được bắt đầu từ tháng 9-10 năm 1967, sau Công Đồng 2 năm. Phần ĐTC GPII, từ sau Biến Cố Đông Âu, ngài đã bắt đầu các Thượng Nghị Giám Mục Châu Lục, đặc biệt là để sửa soạn cho Giáo Hội hoàn vũ cùng với các Giáo Hội ở  khắp năm châu trên thế giới long trọng mừng Đại Năm Thánh 2000.


Thượng Nghị Giám Mục Các Châu Lục:

           

Nếu chủ đề của các Thượng Hội Giám Mục Thế Giới gắn liền với Công Đồng Chung Vaticanô II, thì chủ đề của và cho các cuộc Công Nghị Giám Mục Các Châu trước Năm Thánh 2000 lại hoàn toàn hướng về Chúa Kitô, theo tinh thần và chiều hướng bức thông điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ban hành ngày 4/3/1979, một bức thông điệp chẳng những để mở màn cho giáo triều của ngài mà còn để thực hiện những gì vị Giáo Hoàng đầu tiên của thế kỷ 20, Thánh Giáo Hoàng Piô X, đã phác họa trong thông điệp đầu tiên của ngài là “phục hồi mọi sự trong Chúa KitôInstaurare omnia in Christo.

 

Thượng Nghị Giám Mục Âu Châu, với 137 vị nghị phụ, đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã diễn ra tại Rôma từ ngày 28-11 đến 14-12 năm 1991, tức theo sau Biến Cố Đông Âu sụp đổ năm 1989 và ngay trước biến cố Nước Nga trở lại ngày 25-12-1991, để lợi dụng tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản bàn về vai trò Kitô giáo trong tương lai của Âu Châu cũng như về vai trò tác hiệu của Giáo Hội Công Giáo trong việc hình thành một trật tự xã hội chân chính.

           

Thượng Nghị Giám Mục Phi Châu, với 242 vị nghị phụ, nhóm họp tại Rôma vào ngày 10/4-8/5/1994 bàn về chủ đề "Giáo Hội ở Phi Châu với sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hướng về năm 2000: 'Các con sẽ là nhân chứng của Thày'", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Africa ban hành ngày 14-9-1995, dịp ngài thăm Phi Châu.

 

Hội Nghị Đặc Biệt Chư Giám Mục Lebanon, 26/11-14/12/1995, với 69 vị nghị phụ, họp với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Vatican, về đề tài “Chúa Kitô là Niềm Hy Vọng của chúng ta: Được Thánh Thần canh tân, Chúng Ta Đoàn kết Làm Chứng cho Tình Yêu của Người”.

           

Thượng Nghị Giám Mục Mỹ Châu, với 233 vị nghị phụ, nhóm họp tại Rôma vào ngày 16/11-12/12/1997, với chủ đề "Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hằng sống: Con đường dẫn đến Hối Cải, Hiệp Thông và Đoàn Kết", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in America ban hành tại Mexicô City ngày 22-1-1999, dịp ngài thăm Mỹ Châu.

           

Thượng Nghị Giám Mục Á Châu, với 191 vị nghị phụ, nhóm họp tại Rôma vào ngày 19/4-14/5/1998, từ ngày 19-4 đến 14-5, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với Sứ Mệnh Yêu Thương và Phục Vụ của Người ở Á Châu", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Asia ban hành ngày 6/11/1999, dịp ngài thăm Á Châu ở Tân Đề Li Ấn Độ.

           

Thượng Nghị Giám Mục Đại Dương Châu, với 117 vị nghị phụ, nhóm họp tại Rôma vào ngày 23/11-12/12/1998, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô và nhân dân Đại Dương Châu - 'Đi Con Đường của Người, nói Sự Thật của Người và sống Sự Sống của Người'". được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Oceania ban hành ngày 22/11/2001, và được ngài lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội ban hành và gửi đi bằng hệ thống điện toán toàn cầu cho tất cả mọi giáo phận địa phương thuộc châu lục này.

           

Thượng Nghị Giám Mục Âu Châu, với 117 vị nghị phụ, nhóm họp lần thứ hai vào thời khoảng 1-23/10/1999 tại Rôma, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô vẫn sống nơi Giáo Hội, Nguồn Mạch Hy Vọng cho Châu Âu", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Europe ban hành ngày 28/6/2003.

Các Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới

Chủ đề của các Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới hiển nhiên nói lên rằng Giáo Hội muốn tiếp tục hay triệt để áp dụng tinh thần và đường hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II. Bởi thế chúng ta thấy các cuộc thượng nghị này hầu hết đã bàn đến những vần đề của Công Đồng thuộc thập niên 1960 trong khung cảnh hiện đại, như về vấn đề truyền giáo (kỳ họp 3 năm 1974), giáo lý (kỳ họp 4 năm 1977), gia đình (kỳ họp 5 năm 1980), giáo dân (kỳ họp 7 năm 1987), giáo sĩ (kỳ họp 8 năm 1990), tu sĩ (kỳ họp 9 năm 1994) và giám mục (kỳ họp 10 năm 2001). Trong Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin ngày 9/9/2001, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói đến chiều hướng này đối với Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường niên lần 10 như sau: “Công Đồng Chung Vaticanô II… sẽ là qui điểm chính yếu cho công việc của cuộc họp này” (số 2).

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 1, 29/9-29/10-1967, với 197 vị nghị phụ, về việc bảo trì và kiên cường đức tin Công Giáo : chuyên chính, năng lực, phát triển cùng sự nối kết của đức tin Công Giáo giữa tín điều và lịch sử.

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ thứ nhất, 11-28/10/1969, với 146 vị nghị phụ, về bản chất và ý nghĩa của giáo phẩm đoàn, về mối liên hệ của giám mục và hội đồng giám mục với giáo hoàng cũng như với nhau.

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 2, 30/9-6/11/1971, với 210 vị nghị phụ, về các vị tư tế thừa tác và sự chính trực trong thế giới.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 3, 29/9-26/10/1974, với 209 vị nghị phụ, về việc truyền bá Phúc Âm hóa trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 8-12-1975.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 4, 30/9-29/10/1977, với 204 vị nghị phụ, về việc dạy giáo lý trong thời đại của chúng ta, được đúc kết trong tông huấn Catechesi Tradendae do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16-10-1979.

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 5, 26/9-25/10/1980, với 216 vị nghị phụ, về vai trò của gia đình Kitô hữu trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Familiario Consortio do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô ban hành ngày 22-11-1981.                 

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 6, 29/9-29/10/1983, với 283 vị nghị phụ, về việc hòa giải và thống hối trong sứ mệnh của Giáo Hội hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Hòa Giải và Thống Hối Reconciliatio et Paenitenlia do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 2-12-1984.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ thứ hai, 24/11-8/12/1985, với 165 vị nghị phụ, về Công Đồng Vaticanô II, trong việc thẩm định sự áp dụng của Công Đồng 20 năm qua, cũng như trong việc tìm cách phát động sự canh tân trong Giáo Hội theo tinh thần và văn tự của Công Đồng.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 7, 1-30/10/1987, với 232 vị nghị phụ, về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới, được đúc kết trong tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân Christifideles Laici  do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 20-12-1988.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 8, 30/9-28/10/1990, với 238 vị nghị phụ, về việc đào tạo linh mục trong các hoàn cảnh của ngày hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Pastores Dabo Vobis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1992.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 9, 2-29/10/1994, với 245 vị nghị phụ, về đời tận hiến và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trong thế giới, được đúc kết trong tông huấn Đời Tận Hiến Vita Consecrata do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1996.

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 10, theo lịch trình, đáng lẽ cuộc thượng nghị này được thực hiện vào thời khoảng 1-23/10/1999, tuy nhiên đã được dời lại tới thời khoảng 30/9-27/10/2001, thời điểm không ai ngờ được là trúng ngay sau cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ 11/9/2001, và đang khi xẩy ra cuộc trừng trị khủng bố của hai nước Mỹ và Anh ở A Phú Hãn kể từ ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2001. Thượng Nghị thường lệ lần X này có mục tiêu nhắm đến giới còn lại là hàng giáo phẩm, bàn về chủ đề là "Giám mục: Tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu đối với niềm hy vọng của Thế Giới", được đúc kết trong tông huấn Mục Tử Đàn Chiên Chúa Pastores gregis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2003, ngày kỷ niệm ngân khánh 25 năm được bầu làm giáo hoàng của ngài.

 

THƯỢNG NGHỊ GIÁM MỤC THẾ GIỚI THƯỜNG LỆ XI

Chúa Nhật 30 Thường Niên ngày 23/10/2005 vừa là Ngày Truyền Giáo của Giáo Hội vừa là ngày Kết Thúc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI. Trước đây, khi Đức Gioan Phaolô II còn sống, thì Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI này được kéo dài 4 tuần lễ, từ 2 đến 29/10/2005, nhưng sang thời tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, thời gian đã được rút ngắn lại một tuần và được kết thúc vào chính Chúa Nhật Truyền Giáo, 23/10/2005, với mục đích là để nối liền Thánh Thể với sứ vụ Truyền Giáo của Giáo Hội. Thật vậy, chính Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã liên kết sứ vụ truyền giáo với Thánh Thể trong sứ điệp  mang tựa đề “Truyền Giáo: Tấm Bánh được bẻ ra cho thế gian được sống”, một sứ điệp đề ngày 22/2/2005, Lễ Kính Ngai Tòa Phêrô, và được Tòa Thánh phổ biến ngày 15/4/2005, sau khi ngài qua đời 2 tuần.

Năm Thánh Thể thực sự đã qua đi, một năm đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mở ra từ ngày 17/10/2004, ngày kết thúc Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế ở Mễ Tây Cơ, đến ngày 23/10/2005, ngày kết thúc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, với mục đích để Giáo Hội nói chung và mỗi người Kitô hữu Công giáo chúng ta nói riêng được dịp sâu sa ý thức Mầu Nhiệm Thánh Thể hơn, sốt sắng cử hành Phụng Vụ Thánh Thể hơn, và tha thiết với việc Tôn Thờ Thánh Thể hơn. Quả thực vị Giáo Hoàng này đã dẫn Giáo Hội “ra chỗ nước sâu … thả lưới bắt cá – Duc in altum”, đúng như ước nguyện của ngài trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ được ngài ban hành ngày 6/1/2001, ngày bế mạc Đại Năm Thánh 2000. Đó là lý do, trong dịp kỷ niệm được bầu làm giáo hoàng của ngài ngày 16/10/2005, ĐTC Biển Đức XVI đã phải giành trọn Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật của mình để hết lời ca tụng vị tiền nhiệm rất thân thương khả kính có một đời sống nội tâm sâu xa này.

Để tiếp nối di sản “Duc in altum” này của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI do chính ngài triệu tập và được vị thừa kế của ngài là Giáo Hoàng Biển Đức XVI chủ sự, một vị tân giáo hoàng chủ trương sống nội tâm, như được biểu hiệu qua danh hiệu Giáo Hoàng của ngài, một đời sống nội tâm theo đúng như chủ đề của Thượng Nghị Giáo Mục Thế Giới Thường Lệ XI: “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh cho Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”, một chủ đề phản ảnh nội dung và đường hướng của bức Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” của Đức Gioan Phaolô II ban hành vào chính Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003, giữa Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003). Vậy, theo tinh thần nội tâm để truyền giáo này của nhị vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI, Thượng Hội Nghị Giám Mục Thường Lệ XI với 256 vị nghị phụ (chưa k4 vị Trung Hoa vắng mặt vì chính phủ không cho phép tham dự), này đã diễn tiến ra sao?

Trước hết, chủ đề “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh cho Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội” phản ảnh nội dung và đường hướng của bức Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” của Đức Gioan Phaolô II được phản ảnh tỏ tường nơi Văn Kiện “Instrumentum laboris” Về Thánh Thể được biên soạn cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI bàn luận (xin xem Dân Chúa Âu Châu các số báo tháng 9 và 10/2005). Nội dung của văn kiện đúc kết để luận bàn dài 90 trang này là một văn kiện dựa trên văn kiện gợi ý ban đầu "Lineamenta" cùng với những đóng góp của các hội đồng giám mục, các Giáo Hội Đông Phương, các phân bộ Tòa Thánh và Hiệp Hội Chư Bề Trên Tổng Quyền hồi đáp (trên 90%) khi nhận được bản văn kiện gợi ý.  Bố cục của văn kiện đúc kết luận bàn này bao gồm lời mở đầu, lời dẫn nhập, 4 phân đoạn, mỗi phân đoạn có 2 chương, và lời kết: Phân đoạn 1 về “Thánh Thể và thế giới ngày nay”, phân Đoạn 2 về “Đức Tin của Giáo Hội vào Mầu Nhiệm Thánh Thể”; phân Đoạn 3 về “Thánh Thể trong Đời Sống của Giáo Hội”; phân Đoạn 4 về “Thánh Thể nơi Sứ Vụ của Giáo Hội”.

Trong bài giảng cho Thánh Lễ khai mạc tại Đền Thờ Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 2/10 cho thượng nghị này, Đức Thánh Cha đương kim đã bày tỏ nguyện ước của ngài ở đoạn kết như sau: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Người để trong ba tuần lễ thượng nghị này để chúng ta bắt đầu chẳng những nói những điều tốt đẹp về Thánh Thể mà chúng ta còn sống bằng sức mạnh của Người nữa. Quí nghị phụ thượng nghị thân mến, chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria cầu xin cho được tặng ân này, để nhờ dễ dạy với tác động của Thánh Linh, chúng ta có thể giúp cho thế giới được biến đồi – trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô – thành cây nho sai trái của Thiên Chúa. Amen”.

Chính vì chủ đề của cuộc Thượng Nghị Giám Mục này nhắm đến Bí Tích Thánh Thể, mà thượng nghị lần này đã động chạm tới những vấn đề sôi động nhất và nóng bỏng nhất trong Giáo Hội hiện nay, chẳng hạn như vấn đề số phận những người ly dị rồi tái hôn rước lễ, vấn đề truyền chức linh mục cho thành phần lập gia đình, vấn đề đời sống độc thân của linh mục, vấn đề rước lễ với chính trị gia phò phá thai và cử tri bầu cho họ, vấn đề rước lễ bằng tay, vấn đề giải tội tập thể, vấn đề tầm quan trọng của việc tôn thờ Thánh Thể v.v. Thế nhưng, trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày Thứ Năm 13/10/2005 sau phiên họp chung thứ XVI để tường trình tạm kết giai đoạn (10 ngày) vừa qua của Thượng Nghị, nhiều vấn đề được đặt ra bởi thành phần phóng viên báo chí và đã được các vị nghị phụ, nhất là 3 vị đồng chủ tịch, trả lời, đặc biệt nhất là hai vấn đề: hủy bỏ luật độc thân linh mục, và hiệp lễ của thành phần ly dị tái hôn bất giải hôn.

Trong tuần lễ đầu tiên, cuộc Thượng Nghị này đã chú trọng đến 7 đề tài chính, quan trọng nhất là “khía cạnh hiến tế của Thánh Thể”, một khía cạnh đã được chính ĐTC Biển Đức XVI lên tiếng đóng góp tự phát hôm Thứ Năm 6/10 ở một buổi phát biểu tự do, một chiều kích liên quan tới “những kinh nghiệm của việc tử đạo hiện đại, không phải chỉ ở nơi những người được biết tới mà còn nơi cả nỗi khổ đau hằng ngày của rất nhiều người”.

Đề tài thứ hai thường được nhắc đến là “những mục tiêu của Thánh Thể”, tức là chiều kích bề ngang hay chiều kích tâm linh của Thánh Thể, và chiều kích bề dọc hay chiều kích cộng thông của Thánh Thể, chiều kích trong một thế giới đói khát cả vật chất lẫn thiêng liêng, một chiều kích liên quan tới văn hóa trong đời sống, tới việc dấn thân của tất cả mọi Kitô hữu trong đời sống quần chúng, nhất là đến thành phần chính trị gia và lập pháp gia Công giáo. Đề tài thứ ba là các vấn đề qui tắc và các thứ lạm dụng, liên quan tới Công Đồng Chung Vaticanô II và Công Đồng Chung Triđentinô đối với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể.  Đề tài thứ tư là nghệ thuật cử hành Thánh Thể “ars celebrandi”. Đề tài này chạm đến vấn đề rước lễ bằng tay hay bằng miệng, đến việc đặt nhà tạm vào trọng tâm của các nhà thờ, và đến nhu cầu thinh lặng và tôn thờ Thánh Thể. Đề tài thứ năm là việc đối thoại đại kết và liên hiệp thông – cơ hội trao ban Thánh Thể cho các Kitô hữu thuộc các giáo hệ khác – một vấn đề khơi lên “nhiều hào hứng khác nhau ở những cuộc tự do chia sẻ”. Vị phát ngôn viên trên đây cũng cho biết là còn có các cuộc bàn luận về tình trạng tục hóa và khô đạo, về các thứ phụng vụ cần đến linh mục, và về việc sống độc thân trong Giáo Hội.  Đề tài thứ sáu là mối tương quan giữa Thánh Thể với các bí tích khác. Cũng theo cùng vị phát ngôn viên thì các vị nghị phụ muốn đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Thánh Thể và bí tích hòa giải, và một “thứ giáo lý nguyên vẹn” về mối liên hệ giữa các bí tích với nhau. Có vị nghị phụ xin mở Năm Thống Hối, vị khác hy vọng Năm Thánh Thể được kéo dài và có liên quan tới đời sống gia đình.  Đề tài thứ bảy là “việc hòa giải là những gì dẫn tới hòa bình”. Các vị nghị phụ nhấn mạnh đến việc Giáo Hội cần phải trở thành một dụng cụ cho việc hòa giải. Một số nghị phụ Phi Châu làm sáng tỏ vấn đề Thánh Thể là cuộc gặp gỡ duy nhất cho các nhóm sắc dân khác nhau và xung khắc nhau. Một số nghị phụ yêu cầu sứ điệp cuối cùng của thượng nghị bao gồm cả Giêrusalem và Thánh Địa, vì mối liên hệ của họ với Thánh Thể và lòng mong ước hòa bình.

Tất cả những đóng góp của từng nghị phụ (252 vị, còn trống 4 chỗ cho 4 vị Trung Hoa không được phép tham dự) trong suốt hai tuần lễ đầu liên tục, sang đầu tuần thứ ba, đã được tóm lại thành 50 đề nghị, những đề nghị được tường trình vào phiên họp chung sáng Thứ Ba 18/10, sau đó đã được các nghị phụ tu chính và bỏ phiếu hôm Thứ Bảy 22/10, để làm nền cho bức Tông Huấn hậu thượng nghị sẽ được Đức Thánh Cha đương kim soạn thảo đúc kết và ban bố vào một thời điểm thuận tiện thích đáng nào đó, chẳng hạn vào Thứ Năm Tuần Thánh 2006 hay Lễ Mình Máu Thánh Chúa 2006 v.v.

Chiều ngày Thứ Bảy 8/10/2005, tức vào cuối tuần lễ đầu tiên của cuộc thượng nghị giám mục thường lệ XI, có một cuộc họp chung đặc biệt để tưởng niệm 40 năm thiết lập các cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới. Theo thứ tự các nghị phụ sau đây đã ôn lại cảm nghiệm về các cuộc thượng nghị trong quá khứ như sau.

Mở đầu là ĐTGM Nikola Eterovic, tổng thư ký của cuộc thượng nghị lần này, đã nói đến vấn đề các cuộc thượng nghị giám mục thế giới như là một cách thể hiện đoàn tính giáo phẩm trong giáo hội. Các cuộc thượng nghị này “đã có công rất lớn trong việc phát triển chiều kích đồng hành của cơ cấu giáo phẩm ‘corpus episcoporum’, của việc khơi dậy đoàn tính giáo phẩm giữa các vị giám mục với Đức Thánh Cha”. Vị Tổng Thư Ký này còn nhắc lại là biến cố thượng nghị được bắt đầu thiết lập từ ngày 15/9/1965, “cho đến nay đã có 4 đời chủ tịch là Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I, Đức Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI, trong số đó vị cuối cùng đang đóng vai trò chủ sự lần đầu tiên”. Ngài tiếp, cuộc thượng nghị giám mục thế giới “được diễm phúc có hai trong các vị tổng phối kết cho các Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thường Lệ đã trở thành Giáo Hoàng là ĐHY Karol Wojtyla và ĐHY Joseph Ratzinger, một vào năm 1974 và một vào năm 1980”. ĐTGM Eterovic còn nhấn mạnh đến “dấu hiệu tỏ tường về tính cách trẻ trung của Thượng Nghị Giám Mục này” ở sự kiện là có “hơn một nửa các vị Nghị Phụ của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI tham dự vào biến cố này lần đầu tiên”.

ĐHY Jozef Tomko, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh đặc trách các Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế và là nguyên tổng thư ký của các cuộc Thượng Nghị từ năm 1979 đến 1985, và ĐHY Peter Erdo, TGM ở Esztergom-Budapest, Hung Gia Lợi, một nói đến khía cạnh thần học và một nói đến khía cạnh pháp lý của cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới. ĐHY Adrianus Simonis, TGM Utrecht, Hòa Lan, đã nói về Thượng Nghị Đặc Biệt Chư Vị Giám Mục Hòa Lan mà ngài là một nghị phụ, một biến cố được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô triệu tập và diễn tiến vào tháng 1/1980. ĐTGM Paul Verdzekov ở Bamenda nước Cameroon, nói về Thượng Nghị Đặc Biệt Các Giám Mục Phi Châu mà ngài là một nghị phụ, một biến cố cũng được ĐTC GPII triệu tập và diễn tiến vào tháng 4 và 5/1994.  ĐTGM Cyril Salim Bustros M.S.S.P, giáo phận Newton theo Lễ Nghi Melkites Hy Lạp, Hoa Kỳ, đã cho biết về thành quả của Thượng Nghị Giám Mục Lebanon mà ngài là nghị phụ, một biến cố cũng do ĐTC GPII triệu tập và diễn tiến vào tháng 11/1995. ĐHY Juan Sandoval Iniguez, TGM Guadalajara Mễ Tây Cơ, nói về hoa trái của Thượng Nghị Giám Mục Mỹ Châu mà ngài là tổng phối kết viên, một biến cố được tổ chức vào Tháng 11 và 12 năm 1997, với sự chủ tọa của ĐTC GPII. ĐHY Paul Shan Kuo-His, SJ, giáo phận Kaohsiung, Đài Loan, nói về Thượng Nghị Giám Mục Đặc Biệt Á Châu, được tổ chức vào tháng 4 và 5 năm 1998, do ĐTC GPII chủ sự, và ngài làm tổng phối kết viên. ĐTGM John Atcherley Dew ở Wellington, Tân  Tây Lan, đọc bản văn của ĐHY Thomas S. Williams, vị hồi hưu của TGP này, về cuộc Thượng Nghị Giám Mục Đại Dương Châu, được tổ chức vào tháng 11 và 12 năm 1998, dưới sự chủ tọa của ĐTC GPII và vị hồng y hồi hưu hiện nay giữ vai trò chủ tịch của biến cố châu lục ấy bấy giờ. Sau hết là ĐHY Antonio Maria Rouco Varela, TGM Ma Ní Tây Ban Nha, nói về Thượng Nghị Giám Mục Châu Âu lần thứ hai, được tổ chức vào tháng 10/1999, một biến cố mà ngài là tổng phối kết viên dưới sự chủ tọa của ĐTC GPII.

Riêng ngày Thứ Hai 17/10/2005, một ngày, sau 2 tuần chia sẻ và luận bàn về Thánh Thể, được đặc biệt giành cho việc các vị nghị phụ tôn thờ Thánh Thể. Thời gian dùng để tôn thờ (hay chầu) Chúa Giêsu Thánh Thể bao gồm việc cầu nguyện và thánh ca, việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, Kinh Tin Kính và tạ ơn. Lễ nghi tôn thờ được chủ sự bởi ĐHY Francis Arinze, đại biểu chủ tịch của thượng nghị này và là tổng trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích. ĐTC Biển Đức XVI cũng tham dự vào việc tôn thờ Thánh Thể và suy niệm này với các vị nghị phụ. Việc hát bài thánh ca “Adoro Te Devote” được luân chuyển với những câu Phúc Âm bằng một số ngôn ngữ khác nhau. Lời ca được đọc bằng tiếng Ả Rập bởi Thượng Phụ lễ nghi Chaldean Emmanuel III Delly ở Baghdad Iraq, và bằng tiếng Ấn Độ bởi ĐHY Telesphore Toppo, TGM Ranchi, Ấn Độ. Theo lời yêu cầu của thượng nghị, việc chầu Thánh Thể một tiếng cũng được thực hiện trong ngày, cả ban sáng lẫn ban chiều, ở một nguyện đường của sảnh đường thượng nghị.  

Trong phiên họp chung 19 hôm 18/10/2005, ĐTGM Nokola Eterovic, tổng thư ký của thượng nghị, đã dâng tặng ĐTC cuốn sách đầu tiên, bìa bọc trắng, tập thứ nhất của Bộ Tổng Lược Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới, được phát hành và phổ biến nhân dịp kỷ niệm mừng 40 năm biến cố thượng nghị này. Theo những chi tiết được phổ biến về riêng tập thứ nhất trong bộ sách thượng nghị này thì nó “là tổng hợp những văn kiện của các thượng nghị giám mục thế giới, ngay từ đầu cho tới năm 1988, rất ích lợi chẳng những cho các phần tử của giáo phẩm đoàn, mà còn cho thành phần nghiên cứu gia, sử gia và thần học gia, thành phần sẽ thấy nơi đó văn liệu trọng yếu đối với đời sống và sứ vụ của Giáo Hội sau Công Đồng Chung Vaticanô II. Đức Thánh Cha đã quyết định trao tặng tập sách này cho quí tham dự viên thượng nghị như là một dấu hiệu tri ân và phấn khích lòng trung thành, hiệp thông và yêu mến đối với một Giáo Hội sống mầu nhiệm Thánh Thể”.

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới XI được kết thúc với một sứ điệp đúc kết. Bản văn kiện dày 17 trang này gồm có 27 phân đoạn, được viết bằng Pháp ngữ và được chuyển dịch sang 5 thứ ngôn ngữ khác. Bản sứ điệp đúc kết này mang tựa đề “Thánh Thể là Bánh Sống cho Hòa Bình Thế Giới”. Các vị nghị phụ trong cuộc họp chung có đề nghị điều chỉnh một số chỗ trong bản văn này. Bản văn kiện sứ điệp nhằm phấn khích chương trình mục vụ về Thánh Thể trong Giáo Hội này được mở đầu bằng việc tri ân cảm tạ các vị đã tham dự hay đã phát động thượng nghị này, nhất là Đức Gioan Phaolô II, cũng như  vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Sứ điệp này cũng không quên cám ơn “anh em thuộc Các Giáo Hội Đông Phương”, với niềm hy vọng rằng “một ngày kia mối hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội được thực hiện”. Sứ Điệp diễn tả tình hình thế giới và Giáo Hội. Đối với thế giới,bản văn đề cập tới “những nỗi khổ đau trên thế giới, như đói khổ, nghèo khổ, bất công, thiên tai, chiến tranh và những hoàn cảnh khốn khó ở Phi Châu và Trung Đông”. Ngoài ra, bản văn kiện than van về tình trạng khô đạo ở Tây phương, và kêu gọi các vị lãnh đạo các quốc gia hãy quan tâm tới phẩm vị của con người, để bênh vực sự sống từ khi được thụ thai, và phát động sự tiến bộ về nhân bản và xã hội. Đối với Giáo Hội, sứ điệp nói tới một số chiều hướng tích cực, như vấn đề tái ý thức về Ngày Chúa Nhật, việc gia tăng ơn gọi linh mục và tu sĩ ở nhiều nơi trên thế giới, và việc khám phá và đào sâu đức tin nơi thành phần giới trẻ, đặc biệt liên quan tới hoạt động của những Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tuy nhiên, cũng có một số thách đố được đề cập tới, như vấn đề phục hồi bí tích hòa giải, như việc tôn trọng phụng vụ, như việc tín hữu trung thành với những gì họ tuyên xưng, như việc tích cực cổ võ ơn gọi linh mục hơn nữa, như thành phần ly dị tái hôn bất giải hôn không được hiệp lễ (điểm được điều chỉnh cho bản văn kiện sứ điệp này là chi tiết Giáo Hội nhìn nhận nỗi khổ tâm của thành phần Công giáo này, và kêu gọi họ đừng cảm thấy bị loại trừ song hãy dự lễ Chúa Nhật và lắng nghe lời Chúa).

Đoàn tính giáo phẩm thực sự được tỏ hiện qua Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI lần này, khi Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI có cơ hội thấy được và hiểu được tình hình Giáo Hội trên khắp thế giới (đặc biệt liên quan đến việc tôn sùng Bí Tích Thánh Thể và Phụng Vụ). Từ khi thượng nghị bắt đầu vào Chúa Nhật 2/10/2005, ĐTC đã tham dự mỗi ngày ít là hai lần, một vào Buổi Họp Chung (mỗi nghị phụ đều lần lượt phát biểu tối đa 6 phút) và một vào buổi họp 1 tiếng (từ 6 đến 7 giờ) ban chiều các nghị phụ được tự do phát biểu ý kiến (trong vòng 3 phút) về bất cứ vấn đề gì của cuộc thượng hội này.  Trong giờ nghỉ sau buổi họp ban sáng, ĐTC đến nói chuyện với các vị giám mục được chia thành từ nhóm ngôn ngữ. Có những cuộc họp giữa các nhóm làm việc với ĐTC được diễn ra hằng ngày ở một phòng gần hội trường chính của Sảnh Đường Phaolô VI. Khoảng chừng 40 vị tham dự những cuộc gặp gỡ này.  Mỗi một nghị phụ đều chào ĐTC và nói với ngài khoảng chừng 1 phút, về tình trạng sinh hoạt ở giáo phận của các vị.

 

Sau 40 năm, có tất cả 19 Thượng Hội Giám Mục Thế Giới: 11 cuộc thường lệ, 2 cuộc ngoại lệ và 6 cuộc đặc biệt (theo châu lục), không kể 2 lần ĐTC GPII triệu tập riêng các vị  Giám Mục Hòa Lan (1980) và Lebanon (1995). Trung bình cứ 2 năm lại có một cuộc thượng nghị, có thể nói có một tiểu công đồng, một biến cố, về hình thức, chẳng những kéo dài công cuộc của Công Đồng Chung Vaticanô II, về tinh thần, còn đặc biệt bộc lộ và  thể  hiện mối hiệp thông Giáo Hội qua đoàn tính giáo phẩm, rõ ràng chứng thực Giáo Hội của Chúa Kitô là một “Hội Thánh Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền”.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, (dịp bế mạc Thượng Nghị GM Thế Giới Thường Lệ XI ngày 23/10/2005)

 

 

TOP

 

 

   ĐTC Biển Đức XI với Thiếu Nhi Rước Lễ Lần Đầu về 7 câu vấn đáp

 

Hôm Thứ Bảy, 15/10/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gặp gỡ 100 ngàn thiếu nhi trong số 150 ngàn khách hành hương bao gồm cha mẹ và thày cô giáo lý viên của các em, đông chật cả Quảng Trường Thánh Phêrô, lan sang cả một phần của con đường Via della Conciliazione. Hầu hết tham dự viên ở Rôma, một số ở các nơi khác trong Ý quốc, song cũng có ít là một nhóm đến từ Tây Ban Nha.

 

Biến cố này là do chính ĐTC mời các em đến, tất cả những em được Rước Lễ lần đầu trong năm 2005, Năm Thánh Thể, một biến cố đầu tiên với thiếu nhi này của ngài được mở đầu bằng các màn trình diễn ca vũ nhạc, trước khi ĐTC tới, với chiếc xe dép trắng của ngài đi vòng quanh quảng trường. Biến cố này cũng đã làm sống lại tinh thần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, qua những lời lập đi lập lại về ngài của những người giữ chương trình, về một vị Giáo Hoàng đã có nhiều cuộc gặp gỡ trẻ em được phóng hình trên các màn hình lớn ở quảng trường này trước đây.

 

Phần hào hứng nhất là phần vấn đáp giữa các em với ĐTC, những em ngồi gần ngài. Sau đây là nguyên văn phần vấn đáp (7 câu) giữa các em thiếu nhi mới xưng tội rước lễ lần đầu năm 2005 với chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, thần học gia kiêm giáo sư thần học lâu năm, kiêm cựu tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin Joseph Ratzinger.

 

Câu 1.    Em Andrea: Đức Giáo Hoàng kính mến, những kỷ niệm về ngày Rước Lễ Lần Đầu của Đức Giáo Hoàng như thế nào?

 

Đức Thánh Cha đáp: Trước hết cha muốn cám ơn các con về việc cử hành đức tin các con cống hiến cho cha đây, về việc hiện diện của các con và về niềm vui của các con. Cha chào cấ con và cám ơn các con về cử chỉ ôm hôn cha đã có được từ một số trong các con, một cử chỉ ôm hôn tất nhiên có tính cách tượng trung thay cho tất cả các con.

 

Về câu hỏi này, dĩ nhiên là cha nhớ Ngày Rước Lễ Lần Đầu của cha rất rõ. Hôm đó là một Ngày Chúa Nhật trong Tháng Ba năm 1936, cách đây 69 năm. Mặt trời sáng lạn, nhà thờ đẹp đẽ, và ca hát rộn ràng… Có rất nhiều điều đẹp đẽ cha còn nhớ. Có khoảng 30 người chúng tôi, những đứa con trai con gái ở một khu làng nhỏ không quá 500 dân cư.

 

Thế nhưng, cái chính yếu của những kỷ niệm vui nhất và đẹp nhất của cha đó là kỷ niệm này – và người phát ngôn viên của các con cũng nói giống như thế: đó là cha biết được rằng Chúa Giêsu đã đi vào lòng của cha, Người đã thực sự đến viếng thăm cha. Và cùng với Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa đã ở với cha. Và cha đã nhận thức được rằng đó là món quà của tình yêu thực sự cao quí hơn tất cả những gì khác trong cuộc đời.

 

Bởi vậy mà trong ngày hôm đó, cha đã thực sự được tràn đầy niềm vui hớn hở, vì Chúa Giêsu đã đến với cha và cha nhận thấy rằng một giai đoạn mới trong cuộc đời của cha đã bắt đầu, Cha bấy giờ mới 9 tuổi, và vì thế cần phải trung thành với cuộc gặp gỡ ấy, với việc hiệp thông ấy. Cha đã cố gắng hết sức hứa với Chúa: ‘Lạy Chúa, con luôn mong ước được ở với Chúa”, và cha nguyện cầu cùng Người rằng: “thế nhưng, trước hết con mong ước được Chúa ở cùng con”. Vậy là cha đã tiến bước trong cuộc đời của cha, và nhờ ơn Chúa, Ngài đã luôn dẫn dắt cha, hướng dẫn cha ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn”.

 

Bởi thế, ngày Rước Lễ Lần Đầu của cha đã mở đầu cho một cuộc hành trình chung. Tôi hy vọng rằng tất cả các con nữa, Cuộc Rước Lễ Lần Đầu của các con trong Năm Thánh Thể này sẽ là khởi đầu cho tình thân hữu trọn đời với Chúa Giêsu, một cuộc khởi đầu cho một cuộc hành trình chung, vì khi bước đi với Chúa Giêsu chúng ta mới hành động tốt và đời sống mới trở nên thiện hảo.


Câu 2.    Em Livia: Tâu Đức Thánh Cha, con đã đi xưng tội trước ngày Rước Lễ Lần Đầu của con. Con cũng đã đi xưng tội vào các dịp khác nữa. Tôi xin hỏi Đức Thánh Cha là con có cần  phải đi xưng tội mỗi lần con Rước Lễ hay chăng, dù con tái phạm cũng những tội cũ? Vì con thấy rằng những tội ấy bao giờ cũng giống nhau thôi?

 

Đức Thánh Cha đáp: Cha muốn nói với con hai điều. Điều thứ nhất, dĩ nhiên, là con không cần lúc nào cũng phải đi xưng tội trước khi Rước Lễ, trừ khi con phạm những tội trọng cần phải xưng thú. Bởi thế, không cần phải xưng tội trước mỗi lần Rước Lễ. Đây là điểm thứ nhất. Đó là chỉ cần đi xưng tội khi con phạm một tội trọng thực sự, khi con hết sức xúc phạm đến Chúa Giêsu, là điều làm cho tình bạn của con với Người bị hủy hoại đi và con cần phải bắt đầu lại. Chỉ ở trong trường hợp đó, trường hợp con ở trong tình trạng có “tử” tội, tức là có tội trọng, mới cần đi xưng tội trước khi Rước Lễ. Đó là điểm thứ nhất cha trả lời cho con.

Điều thứ hai cha trả lời cho con đó là, như cha đã nói, cho dù không cần đi xưng tội trước mỗi lần Rước Lễ, thì vẫn rất hữu ích đi xưng tội thường xuyên.
Thật sự là chúng ta bao giờ cũng phạm những tội như thế thôi, tuy nhiên, chúng ta không thu dọn sạch sẽ nhà cửa của mình, phòng của mình, ít là mỗi tuần một lần, cho dù cái bẩn cũng luôn xẩy ra như  thế, để sống sạch sẽ, để bắt đầu lại. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ làm choi bẩn thỉu gia tăng thêm nữa, mặc dù chúng ta không trông thấy nó.

 

Linh hồn của chúng ta cũng thế, chính bản thân cha cũng thế: Nếu cha không bao giờ xưng tội, là cha lơ là với linh hồn của cha, cuối cùng, cha lúc nào cũng mãn nguyện với chính mình, không còn hiểu rằng cha lúc nào cũng cần phải chịu khó cải tiến để cha được tiến bộ hơn. Việc thanh tẩy tâm hồn được Chúa Giêsu ban cho chúng ta nơi bí tích giải tội giúp cho lương tâm của chúng ta thêm tỉnh táo, thêm cởi mở, nhờ đó, nó cũng giúp chúng ta đi tới chỗ trưởng thành về mặt thiêng liêng và nhân loại. Bởi vậy, hai điều đó là: việc xưng tội chỉ cần thiết trong trường hợp tội trọng, nhưng rất hữu ích thực hành việc xưng tội thường xuyên để duy trì tình trạng sạch sẽ và vẻ đẹp của linh hồn hầu trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đời sống. 

 

Câu 3.    Em Andrea: Trong việc dọn mình Rước Lễ Lần Đầu, giáo lý viên của con bảo con rằng Chúa Giêsu là Đấng hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Thế nhưng Người hiện diện ra sao? Con đâu có thấy được Người!

 

Đức Thánh Cha đáp: Chúng ta không thấy Người, nhưng có nhiều điều chúng ta không thấy mà vẫn có và chúng lại là những gì chính yếu. Chẳng hạn, chúng ta không thấy trí khôn của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có trí khôn. Chúng ta không thấy trí thông minh của chúng ta, nhưng chúng ta có óc thông minh. Nghĩa là, chúng ta không thấy linh hồn của chúng ta, nhưng linh hồn vẫn có và chúng ta thấy được những tác dụng của nó, vì chúng ta có thể nói năng, nghĩ tưởng và quyết định v.v. Chúng ta cũng không thấy giòng điện chẳng hạn, song chúng ta vẫn thấy nó xuất hiện, như chúng ta thấy cái máy phóng thanh này vang ra, thấy ánh sáng. Do đó, chúng ta không thể thấy được những điều sâu xa nhất, những điều thực sự duy trì sự sống và thế giới, thế nhưng chúng ta có thể thấy và cảm thấy những hiệu quả của chúng. Điều này cũng đúng với điện lực, chúng ta không thấy giòng điện nhưng chúng ta thấy ánh sáng của điện.


Chúa Kitô Phục Sinh cũng thế:
Chúng ta không thấy Chúa phục sinh bằng đôi mắt của chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giêsu ở đâu thì con người đổi thay ở đó, trở nên tốt lành hơn, được an bình và hòa giải hơn v.v. Bởi thế, chúng ta không thấy chính Chúa nhưng chúng ta thấy những tác dụng của Chúa: nhờ đó chúng ta biết rằng Chúa Giêsu hiện diện. Và như cha đã nói, chính những điều vô hình là những gì sâu xa nhất, quan trọng nhất. Nên chúng ta hãy đi gặp gỡ Vị Chúa vô hình nhưng quyền năng có thể giúp chúng ta sống tốt đẹp này.


Câu 4.    Em Giulia: Tâu Đức Thánh Cha, ai cũng nói với chúng con rằng cần phải đi Lễ Chúa Nhật. Chúng con thích đi lễ, nhưng thường cha mẹ của chúng con không đưa chúng con đi, vì các ngài ngủ vào ngày Chúa Nhật. Cha mẹ của người bạn của con thì làm việc ở một xưởng thợ, còn chúng con lại thường đi về miền quê thăm ông bà của chúng con. Đức Thánh Cha có thể nói làm sao đó cho các ngài để các ngài hiểu rằng cần phải cùng nhau đi lễ Chúa Nhật hay chăng?

 

Đức Thánh Cha đáp: Dĩ nhiên là cha cũng nghĩ như vậy, với hết lòng yêu mến và tôn trọng cha mẹ của con, vì họ thực sự là làm nhiều việc. Tuy nhiên, bằng tấm lòng trọng kính và mến yêu của một người con gái, con cũng có thể thân thưa cùng họ rằng: “Má ơi, ba ơi, ba má có biết rằng có một điều gì đó rất hệ trọng đối với tất cả chúng ta hay chăng, với cả ba má nữa, đó là việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Việc gặp gỡ này làm cho chúng ta nên tốt đẹp hơn. Nó là một điều kiện quan trọng trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta tìm một chút giờ với nhau thì chúng ta sẽ tìm thấy được dịp để làm thôi. Có thể cũng là dịp tại chỗ bà của con ở đó”.

 

Tóm lại, nếu cần, với hết lòng yêu mến và trọng kính cha mẹ của con, cha có thể nói với họ rằng “việc này không chỉ quan trọng đối với tôi, không phải chỉ có các giáo lý viên nói điều ấy, nó quan trọng đối với tất cả chúng ta. Nó sẽ là ánh sáng của Ngày Chúa Nhật cho tất cả mọi gia đình của chúng ta.


Câu 5.    Em Alessandro: Việc đi dự Thánh Lễ và Rước Lễ có lợi gì cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

 

Đức Thánh Cha đáp: Nó là trọng tâm của đời sống. Chúng ta đang sống giữa rất nhiều thứ. Va dân chúng không đi nhà thờ, không biết rằng họ thiếu hụt chính Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ cảm thấy rằng đời sống của họ thiêu thiếu một cái gì đó. Nếu Thiên Chúa vắng bóng trong cuộc đời của cha, nếu Chúa Giêsu vắng mặt trong cuộc đời của cha, thì cha đang bị thiếu mất một vị hướng đạo, một người bạn thiết yếu, thậm chí thiếu mất một niềm vui quan trọng cho cuộc đời, thiếu mất sức mạnh để lớn lên làm người, để thắng vượt tính hư neat xấu của cha và để trưởng thành làm người.

 

Bởi vậy, chúng ta không thể thấy được liên những thành quả của việc ở với Chúa Giêsu và lên Rước Lễ. Thế nhưng, theo ngày tháng trôi qua hằng tuần hằng năm, chúng ta cảm thấy càng ngày càng rõ ràng hơn việc thiếu vắng Thiên Chúa, việc vắng mặt của Chúa Giêsu. Đó là một tình trạng hụt thiếu sâu xa và hủy hại. Cha có thể nói một cách dễ dàng, ở các xứ sở nơi chủ nghĩa vô thần thống trị nhiều năm, về việc các linh hồn cũng như trái đất bị hủy hoại ra sao. Nhờ đó, chúng ta có thể thấy rằng thật là quan trọng, tôi dám nói thật là thiết yếu cần phải được Chúa Giêsu dưỡng nuôi bằng việc Rước Lễ. Chính Người là Đấng ban cho chúng ta đức khôn ngoan, hướng dẫn đời sống chúng ta, một hướng dẫn chúng ta cần đến.  

Câu 6.    Em Anna: Đức Giáo Hoàng kính mến, Đức Giáo Hoàng có thể cắt nghĩa cho chúng con biết Chúa Giêsu có ý muốn gì khi Người nói với dân chúng theo Người bấy giờ rằng: “Tôi là bánh sự sống”?

 

Đức Thánh Cha đáp: Trước hết, có lẽ chúng ta cần phải cắt nghĩa rõ ràng bánh đây là gì. Ngày nay, chúng ta có cách nấu nướng được chế biến hay ho, với rất nhiều những thứ đồ ăn khác nhau, thế nhưng, ở trong những trường hợp giản dị hơn, bánh là một phương tiện dinh dưỡng căn bản, và khi Chúa Giêsu gọi Người là bánh sự sống, thì chúng ta có thể nói, bánh đây là thứ lương thực khởi đầu, thứ lương thực tóm gọn tiêu biểu cho tất cả mọi thứ dưỡng chất.

 

Nếu chúng ta cần phải dinh dưỡng thân thể của chúng ta cho nó sống thế nào, chúng ta cũng cần dưỡng nuôi tinh thần của chúng ta, linh hồn và ý chí của chúng ta như vậy. Là con người, chúng ta không chỉ có thân thể mà cả linh hồn nữa; chúng ta là những con người biết suy nghĩ với trí khôn và lòng muốn. Chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng tinh thần và linh hồn của chúng ta nữa, để chúng có thể phát triển và thực sự đạt tới mức độ trọn vẹn của chúng.

 

Bởi thế, nếu Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh sự sống” thì có nghĩa là chính Chúa Giêsu là của nuôi cần thiết cho linh hồn của chúng ta, cho con người bên trong của chúng ta, vì linh hồn cũng cần đến lương thực. Các thờz kỹ thuật không đủ, cho dù chúng là những gì rất quan trọng. Chúng ta thực sự cần đến tình nghĩa của Thiên Chúa, một tình nghĩa giúp chúng ta thực hiện những quyết định đúng đắn, Chúng ta cần trưởng thành như là một con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu dưỡng nuôi chúng ta để chúng ta nhờ đó có thể thực sự trở nên con người trưởng thành và đời sống của chúng ta nên tốt lành.

Câu 7.    Em Adriano: Tâu Đức Thánh Cha, chúng con được bảo cho hay rằng hôm nay chúng con sẽ có buổi tôn thờ Thánh Thể. Buổi tôn thờ Thánh Thể này là gì? Buổi tôn thờ Thánh Thể này được thực hiện ra sao? Đức Thánh Cha có thể giải thích cho chúng con được không? Chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha.

 

Đức Thánh Cha đáp: Chúng ta sẽ thấy ngay việc tôn thờ này là gì và thực hiện ra sao, vì hết mọi sự đã được sửa soạn một cách thích đáng: đó là chúng ta sẽ đọc các kinh nguyện, chúng ta sẽ ca hát, bái quì, và như thế chúng ta sẽ ở trước sự hiện diện của Chúa Giêsu.

 

Tất nhiên câu hỏi của con cần phải được trả lời một cách sâu xa hơn: không phải chỉ ở cách thức thực hiện việc tôn thờ mà là ý nghĩa của việc tôn thờ này. Tôi có thể nói tôn thờ là nhìn nhận rằng Chúa Giêsu là Chúa của tôi, để Chúa Giêsu tỏ cho tôi biết đường nào phải theo, và tôi sẽ sống tốt lành nếu tôi biết được con đường Chúa Giêsu vạch vẽ cùng theo con đường Người chỉ cho tôi.

 

Bởi thế, tôn thờ là việc có ý nói rằng: “Chúa Giêsu ơi, con là của Chúa. Con sẽ theo Chúa trong cuộc đời của con. Con không bao giờ muốn mất đi mối tình bạn hữu này, mối hiệp thông này với Chúa đây”. Tôi cũng có thể nói rằng việc tôn thờ chính yếu là việc gắn bó với Chúa Giêsu bằng tâm tình: “Con là của Chúa, và con xin Chúa hãy luôn ở cùng con”.

 

Để kết thúc cuộc gặp gỡ chưa từng có này giữa vì giáo hoàng và thành phần thiếu nhi ngây thơ nhỏ bé này, Đức Thánh Cha đã nói với các em và thành phần tham dự viên rằng:

 

Các con và anh chị em thân mến, để kết thúc cho cuộc gặp gỡ rất tuyệt vời này, tôi chỉ có một lời duy nhất để nói, đó là cám ơn.

 

Cám ơn các con và anh chị em về ngày hội đức tin này.

 

Cám ơn các con và anh chị em về cuộc gặp gỡ này với nhau và với Chúa Giêsu.

 

Và không thể không cám ơn tất cả những ai đã giúp cho cuộc cử hành này được hiện thực, đó là các giáo lý viên, các vị linh mục, các Nữ Tu, cùng tất cả anh chị em.

 

Sau hết tôi lập lại những lời mở đầu cho hết mọi giờ phụng vụ để nói cùng anh chị em rằng “Bình an cho anh chị em”; tức là xin Chúa ở cùng anh chị em, để niềm vui ở với anh chị em, nhờ đó đời sống được tốt đẹp.

 

Chúc các con và anh chị em một Chúa Nhật tốt đẹp, một đêm an lành và tạm biệt tất cả mọi người trong Chúa. Xin cám ơn các con và anh chị em rất nhiều!

 

Cuộc gặp gỡ này đã được kết thúc bằng việc tôn thờ và phép lành Thánh Thể trọng thể.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/10/2005

 TOP

? ĐTC Biển Đức XVI Sứ Điệp gửi Ngày Lương Thực Thế Giới Chúa Nhật 16/10/2005

Sau đây là nguyên văn sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi vị tổng giám đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO (Food and Agriculture Organization) nhân dịp Ngày Lương Thực Thế Giới Chúa Nhật 16/10/2005.

 

Kính gửi Ông Jacques Diouf,

Tổng Giám Đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO)

 

Trong năm đánh dấu 60 năm thành lập Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, việc cử hành Ngày Lương Thực Thế Giới nhắc nhở chúng ta rằng tình trạng đói khổ và mạo dưỡng bất hạnh thay đang ở trong số những gương mù trầm trọng nhất vẫn còn chi phối đời sống của gia đình nhân loại, một gia đình nhân loại cần phải được FAO dưới quyền điều hành của ông thực hiện mọi hành động khẩn trương.

 

Hằng triệu người, với cuộc sống bị đe dọa bấp bênh, vì họ bị thiếu hụt cái tối thiểu nhất của việc dinh dưỡng cần thiết, đang kêu gọi cộng đồng quốc tế chú trọng tới họ, vì tất cả chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc anh chị em của chúng ta. Thật vậy, nạn đói không chỉ lệ thuộc vào những hoàn cảnh theo địa dư và khí hậu hay vào những trường hợp bất thuận lợi liên quan đến mùa màng. Nó cũng bắt nguồn từ chính con người và từ cái tôi của họ, những gì mang đến những thiếu hụt nơi cơ cấu xã hội, từ tính chất cứng ngắc của cơ cấu kinh tế quá thiên về chiều hướng duy lợi lộc, và cũng từ những thực hành phạm đến đời sống con người, và từ những thể chế ý hệ hạ giá con người, tước đoạt phẩm vị căn bản của họ, biến họ thành một thứ dụng cụ thuần túy.

 

Việc phát triển toàn cầu thực sự, một việc phát triển có tổ chức và toàn vẹn, một phát triển được mọi người ước mong, ngược lại, kêu gọi nhận biết một cách khách quan những trạng huống của con người, tìm ra những căn nguyên thực sự của bần cùng và cung ứng những giải đáp cụ thể, bằng việc ưu tiên huấn luyện thích đáng con người và cộng đồng. Có thế, quyền tự do và trách nhiệm chân chính mới được linh hoạt xứng với hành động của con người.

 

Đề tài cho ngày này, “Việc Canh Nông và Việc Đối Thoại của Các Nền Văn Hóa”, kêu gọi hãy coi việc đối thoại như là một dụng cụ hiệu năng trong việc thiết lập những điều kiện an ninh về thực phẩm. Việc đối thoại đòi con người và chư quốc phải hợp lực lại để phục vụ cho công ích. Việc qui tụ của tất cả mọi tác nhân, liên kết hợp tác thực sự, là những gì có thể góp phần vào việc xây dựng “hòa bình chân chính”, giúp thắng vượt những khuynh hướng xung khắc tái diễn bởi những quan điểm khác nhau về văn hóa, bởi các nhóm sắc tộc khác nhau hay bởi các mức độ phát triển khác nhau.

 

Cũng cần phải trực tiếp chú trọng tới những hoàn cảnh của con người, để gìn giữ tính cách đa diện của những mẫu thức phát triển cùng những hình thức trợ giúp về kỹ thuật, theo những điều kiện đặc biệt của từng quốc gia và cộng đồng, dù những điều kiện ấy là kinh tế hay môi trường hoặc xã hội, văn hóa và tâm linh.

 

Việc tiến bộ về kỹ thuật sẽ không thực sự hiệu nghiệm trừ phi nó có một quan điểm bao rộng hơn, lấy con người làm tâm điểm, quan tâm đến toàn thể nhu cầu và khát vọng của họ, vì, như Thánh Kinh viết, “con người không sống nguyên bởi bánh” (Deut 8:3; Mt 4:4). Điều này cũng sẽ giúp cho con người có thể kín múc được từ gia sản các thứ giá trị của mình để chia sẻ những kha tàng của mình, cả về tinh thần lẫn vật chất, cho thiện ích của tất cả mọi người.

 

Những mục tiêu đầy tham vọng và phức tạp được Tổ Chức này đề ra cho chính mình sẽ không thể nào đạt được trừ phi việc bảo vệ phẩm giá con người, một phẩm giá là nguồn gốc và là cùng đích của các quyền lợi căn bản, trở nên qui chuẩn soi động và chi phối tất cả mọi nỗ lực. Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội cũng tham dự vào những hoạt động hướng tới việc phát triển thực sự hòa hợp, trong việc hợp tác với các đồng nghiệp hiện diện ở lãnh vực này, muốn khuyến khích hoạt động và các nỗ lực của FAO, để tổ chức này phấn khích ở tầm cấp của mình một cuộc đối thoại thực sự về văn hóa, nhờ đó góp phần vào việc tăng bổ khả năng nuôi dưỡng dân chúng trên thế giới liên quan tới tính cách đa dạng về sự sống. Thật vậy, con người không được hòa hợp một cách bất khôn với việc cân bằng thiên nhiên, hoa trái của trật tự tạo thành, mà trái lại, cần phải coi chừng việc chuyển đạt cho các thế hệ tương lai một trái đất có khả năng nuôi dưỡng họ. 

 

Trong tinh thần ấy, tôi nguyện cầu cùng Đấng Toàn Năng chúc lành cho hết mọi sứ vụ cần thiết của FAO cũng như việc dấn thân của các vị giám đốc và nhân viên của nó trong việc bảo toàn bánh hằng ngày cho mỗi một phần tử của gia đình nhân loại.

 

Tại Vatican ngày 12/10/2005

 

Biển Đức XVI.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/10/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ