GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 24/10/2005 |
? ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Bế Mạc Năm Thánh Thể
? Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Truyền Giáo 23/10/2005 về Việc Bế Mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, về Việc Tuyên Phong 5 Vị Thánh Mới và về Truyền Giáo với Thánh Thể
? ĐTC Biển Đức XVI: Thư về Đời Sống Tận Hiến gửi Đại Hội của Thánh Bộ Dòng Tu ngày 26-27/9/2005
ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Bế Mạc Năm Thánh Thể
Sau đây bài giảng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bằng tiếng Ý, Balan, Ukraine và Tây Ban Nha trong Thánh Lễ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI về Thánh Thể và kết thúc Năm Thánh Thể, cũng là dịp ngài tuyên phong hiển thánh cho 5 vị chân phước.
Chư Huynh đáng kính trong hàng Giáo Phẩm và Linh Mục!
Anh Chị Em thân mến!
Trong ngày Chúa Nhật 30 Thường Niên này, việc cử hành Thánh Thể của chúng ta có nhiều lý do khác nhau thôi thúc chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Năm Thánh Thể và Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Niên cùng bế mạc một lúc, một thượng nghị về mầu nhiệm Thánh Thể nơi đời sống và việc truyền giáo của Giáo Hội, và 5 vị chân phước sẽ được phong thánh là Giám Mục Jozef Bilczewski, các vị linh mục Gaetano Catanoso, Zygmunt Gorazdowski và Alberto Hurtado Cruchaga, và tu sĩ Capuchin Felice ở Nocosia.
Hôm nay cũng là Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, một cơ hội hằng năm để tái khơi dậy động lực truyền giáo nơi cộng đồng giáo hội. Tôi hân hoan gửi lời chào đến tất cả những ai hiện diện nơi đây, trước hết là các vị nghị phụ, rồi những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau cùng với những vị mục tử của mình để mừng các vị tân hiển thánh. Phụng vụ hôm nay kêu mời chúng ta đến việc chiêm ngắm Thánh Thể như mạch nguồn thánh đức và của dưỡng nuôi thiêng liêng cho việc truyền giáo của chúng ta trên thế giới: “Tặng ân và mầu nhiệm” cao cả này biểu lộ và thông truyền mức độ viên mãn của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta.
Lời của Chúa, giờ đây vừa vang vọng trong Phúc Âm, đã nhắc nhở chúng ta rằng tất cả lề luật thần linh được tóm gọn lại thành yêu thương. Giới răn lưỡng diện mến Chúa và yêu người bao gồm hai khía cạnh của một động lực duy nhất nơi tâm can và nơi đời sống. Như thế Chúa Giêsu đạt tới mạc khải xưa kia, không thêm gì vào giới răn không bị cắn xén, song bằng việc hiện thực hóa nơi bản thân Người cũng như nơi hành động cứu độ của Người một tổng hợp sống động hai lời cao cả của cựu ước: “Các người phải kính mến Thiên Chúa là Chúa của các người hết lòng…” và “các người phải yêu thương tha nhân như chính bản thân mình” (x. Deut. 6:5; Lev. 19:18).
Nơi Thánh Thể, chúng ta chiêm ngưỡng bí tích của cái tổng hợp lề luật ấy. Chúa Kitô cống hiến cho chúng ta, cùng với bản thân Người, tất cả những gì trọn vẹn hiện thực tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em của chúng ta. Và tình yêu này của Người, Người thông đạt cho chúng ta khi chúng ta được dưỡng nuôi bằng Mình và Máu Người. Đó là những gì Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Thessalonica trong bài đọc hôm nay: “Anh chị em đã từ bỏ việc tôn thờ các thứ thần giả tạo mà trở nên thành phần tôi tớ của vị Thiên Chúa hằng sống chân thật” (1Thes. 1:9). Việc hoán cải này là khởi đầu cho con đường thánh đức Kitô hữu được kêu gọi để đạt tới trong cuộc sống riêng của mình.
Thánh nhân là người được vẻ đẹp của Thiên Chúa thu hút cũng như được sự thật toàn hảo của Ngài hấp dẫn để được sự thật ấy từ từ biến đổi. Vì vẻ đẹp và sự thật này, họ sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự, thậm chí cả bản thân của họ. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa là đủ, một tình yêu họ cảm nghiệm được nơi việc khiêm tốn và vô vị lợi phục vụ tha nhân, nhất là những ai không thể đáp đền.
Theo ý nghĩa ấy thì thích hợp biết bao ở sự kiện hôm nay Giáo Hội nêu lên cho tất cả mọi phần tử của mình 5 vị thánh mới, những vị đã được Chúa Kitô là bánh hằng sống dưỡng nuôi, những vị đã được hoán cải sống cho tình yêu này và được rập khuôn mẫu đời mình theo tình yêu này! Nơi những hoàn cảnh khác nhau và bằng những đặc sủng khác biệt, các vị đã kính mến Chúa hết lòng và tha nhân như bản thân các vị để nhờ đó trở thành “mẫu gương cho tất cả mọi tín hữu” (1Thes 1:6-7).
Thánh Jozef Bilczewski là một con người cầu nguyện.. Thánh Lễ, Phụng Vụ Giờ Kinh, suy nkiệm, kinh mân côi và các việc đạo đức khác làm nên cuộc sống hằng ngày của ngài. Ngài đặc biệt giành nhiều giờ cho việc chầu Thánh Thể. Thánh Zygmunt Gorazdowski thậm chí còn nổi tiếng vì lòng tôn sùng việc cử hành và tôn thờ Thánh Thể. Hy tế của Chúa Kitô hằng sống đã thôi thúc ngài hướng tới người bệnh tật, nghèo khổ và thiếu thốn.
Kiến thức sâu xa về thần học, đức tin và lòng tôn sùng Thánh Thể của Thánh Jozef Bilczewski làm cho ngài trở thành mẫu gương cho các vị linh mục và là chứng tá cho tất cả mọi tín hữu. Thánh Zygmunt Gorazdowski, khi thành lập Hiệp Hội Linh Mục, Dòng Chị Em Thánh Giuse và các tổ chức bác ái khác, bao giờ cũng theo tinh thần hiệp thông là tinh thần hoàn toàn được tỏ hiện nơi Thánh Thể.
”Anh chị
em phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của anh chị em hết lòng. Anh chị em phải yêu
thương tha nhân của mình như chính bản thân” (Mt 22:37-39). Đó là chhương trình
sống của Thánh Alberto Hurtado, vị muốn đồng hóa mình với Chúa và mến thương
người nghèo cũng bằng tình yêu mến Thiên Chúa ấy của ngài. Được huấn luyện nơi
Dòng Chúa Giêsu, cùng với đời sống cầu nguyện và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể,
là những gì đã làm cho ngài được Chúa Kitô chiếm đoạt, trở thành một con người
chiêm niệm trong khi hoạt động. Bằng tình mến yêu và hoàn toàn dấn thân cho ý
muốn của Thiên Chúa, ngài đã có được sức mạnh để hoạt động tông đồ.
Ngài đã thành lập Nhà của Chúa Kitô cho thành phần thiếu thốn nhất cũng như cho những ai vô gia cư, cống hiến cho họ một bầu khí gia đình đầy tình người ấm áp. Trong việc thi hành thừa tác vụ linh mục của mình, ngài chú trọng tới tính cách đơn sơ giản dị và tính cách trở nên dễ dàng thuận lợi cho người khác, trở thành hình ảnh sống động của vị sư phụ “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Vào cuối đời của mình, giữa những cơn đớn đau mãnh liệt gây ra bởi bệnh nạn của mình, ngài vẫn mạnh mẽ lập lại rằng: “con mãn nguyện, Chúa ơi, con mãn nguyện”, bày tỏ niềm vui ngài luốn có trong đời sống.
Thánh Gaetano Catanoso là một vị tôn thờ và là tông đồ của Nhan Thánh Chúa Kitô. Ngài nói: “Thánh Nhan là sự sống của tôi. Người là sức mạnh của tôi”. Bằng một trực giác hân hoan, ngài đã nuôi dưỡng việc tôn sùng lòng đạo đức đối với Thánh Thể ấy. Ngài bày tỏ mình ra bằng những lời lẽ này: “Nếu chúng ta muốn tôn thờ Dung Nhan Thực Sự của Chúa Giêsu…. Chúng ta có thể thấy dung nhan này nơi Thánh Thể thần linh, ở đó, với mình và máu của Chúa Giêsu Kitô, dung nhan của Chúa ẩn dấu dưới tấm màn trắng của Bánh Thánh”.
Thánh Lễ hằng ngày và việc thường xuyên tôn thờ Bí Tích Bàn Thờ là hồn sống cho thiên chức linh mục của ngài: bằng việc bác ái mục vụ nhiệt thành không biết mỏi mệt, ngài đã dấn thân giảng dạy, hướng dẫn giáo lý, ban phép giải tội, giúp người nghèo, người bệnh, chăm sóc ơn gọi linh mục. Ngài đã truyền đạt cho Chị Em Vêrônica Thánh Nhan được ngài thành lập tinh thần bác ái, khiêm nhu và hy sinh là những gì chi phối cả cuộc sống của ngài.
Thánh Felice ở Nicosia thích lập lại trong tất cả mọi trường hợp vui buồn rằng: “Hãy vì tình yêu mến Thiên Chúa”. Bởi thế chúng ta mới có thể hiểu rõ nơi ngài thiết tha và cụ thể ra sao cái cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện cho loài người thấy nơi Chúa Kitô. Vị tu sĩ Dòng Capuchin này, người con nổi tiếng của mảnh đất Sicily đây, con người sống khổ chế và thống hối, trung thành với những thể hiện chân thực nhất của truyền thống dòng Phanxicô, dần dần đã được khuôn đúc và biến đổi bởi tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được sống động và hiện thực nơi tình yêu thương tha nhân. Cha Felice giúp chúng ta khám phá ra cái giá trị của những sự nhỏ bé làm cho đời sống của chúng ta cao quí hơn, và ngài dạy cho chúng ta biết nắm bắt lấy ý nghĩa của gia đình và phục vụ anh chị em, khi ngài cho chúng ta thấy rằng niềm vui chân thực và bền bỉ là hoa trái của yêu thương, một niềm vui được tâm can con người mong ước.
Quí vị nghị phụ đáng kính thân mến, chúng ta đã sống với nhau ba tuần lễ trong bầu khí sốt sắng mới đối với Thánh Thể. Giờ đây, cùng với quí nghị phụ và nhân danh toàn thể hàng giáo phẩm, tôi xin gửi lời chào hỏi huynh đệ đến các vị giám mục thuộc Giáo Hội Trung Hoa.
Chúng ta cảm thấy rất buồn trước sự thiếu vắng sự đại diện của các vị. Tôi cũng xin tất cả mọi vị linh mục Trung Hoa biết rằng chúng tôi gần gũi với các vị giám mục cũng như linh mục cùng tín hữu của họ trong lời nguyện cầu. Con đường đau thương của các cộng đồng được ký thác cho việc các vị chăm sóc mục vụ đang sống động trong tâm can của chúng tôi: Nỗi khổ đau ấy không phải là những gì vô bổ, vì nó tham phần vào mầu nhiệm vượt qua cho vinh quang của Chúa Cha.
Công việc của thượng nghị giám mục này khiến chúng ta có thể đào sâu vào những khía cạnh sắc cạnh của mầu nhiệm vượt qua này, một mầu nhiệm đã được hiến ban cho Giáo Hội ngày từ ban đầu. Việc chiêm ngưỡng Thánh Thể phải là những gì thôi thúc tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, trước hết là các vị linh mục, các vị thừa tác viên Thánh Thể, hãy làm sống lại việc dấn thân đức tin của mình. Đời sống độc thân được linh mục lãnh nhận như là một tặng ân cao quí và là dấu hiệu của một tình yêu bất phân chia đối với Thiên Chúa và tha nhân, là những gì được bắt nguồn từ một mầu nhiệm Thánh Thể được cử hành và tôn thờ.
Linh đạo Thánh Thể cũng cần phải là động cơ nội tại cho bất cứ hoạt động nào đối với thành phần giáo dân nữa, và không có một sự phân chia nào khả chấp giữa đức tin và đời sống của họ nơi sứ vụ lan truyền tinh thần Kitô giáo trên thế giới.
Trong lúc Năm Thánh Thể đang tới chỗ kết thúc đây, chúng ta làm sao lại không dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về nhiều tặng ân Giáo Hội đã lãnh nhận trong thời gian này chứ? Và làm sao chúng ta lại không tiếp tục, một lần nữa, lời kêu mời của vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu là “hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô” chứ? Như các môn đệ đi về làng Emmau, những vị, với tâm hồn được ham nóng bởi những lời của Đấng Phục Sinh và được soi động bởi việc hiện diện sống động của Người, đã nhận ra nơi việc bẻ bánh, liền quay trở về Giêrusalem để loan báo việc phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta cũng phải tiếp tục lại con đường này, được tác động bởi tấm lòng thiết tha muốn làm chứng cho mầu nhiệm tình yêu ban hy vọng cho thế gian ấy.
Theo chiều hướng Thánh Thể này, Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo hôm nay cũng là dịp rất thích hợp được Vị Tôi Tớ đáng kính Gioan Phaolô II cống hiến đề tài suy niệm: “Việc Truyền Giáo là Tấm Bánh bẻ ra cho thế gian được sự sống”.
Cộng đồng giáo hội, khi cử hành Thánh Thể, nhất là vào Ngày Của Chúa, bao giờ cũng ý thức hơn nữa là hy tế của Chúa Kitô là để “cho nhiều người” (Mt 26:28), và Thánh Thể thôi thúc kitô hữu hãy trở thành “tấm bánh bẻ ra” cho kẻ khác, dấn thân mình cho một thế giới chân chính hơn và huynh đệ hơn. Ngay cả hôm nay đây, trước đám đông dân chúng, Chúa Kitô vẫn tiếp tục kêu gọi thành phần môn đệ của Người rằng: “Các con hãy tự kiếm gì cho họ ăn đi” (Mt 14:16), và, nhân danh Người, thành phần thừa sai loan báo và làm chứng cho Phúc Âm, có những lúc thậm chí hy hiến cả mạng sống của mình nữa.
Các bạn thân mến, chúng ta cần phải bắt đầu lại từ Thánh Thể. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta, người nữ Thánh Thể, để chúng ta say yêu Thánh Thể, giúp chúng ta “ở lại” trong tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu được Người làm mới lại một cách mật thiết. Đơn sơ dễ dạy với tác động của Thần Linh và chuyên chú đến các nhu cầu của con người, Giáo Hội nhờ đó sẽ trở thành dấu hiệu cao cả của ánh sáng, của niềm vui và hy vọng, hoàn toàn chiếm đạt sứ vụ của mình như “day hiệu và là dụng cụ của mối hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 1).
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
23/10/2005
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Truyền Giáo 23/10/2005 về Việc Bế Mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, về Việc Tuyên Phong 5 Vị Thánh Mới và về Truyền Giáo với Thánh Thể
Anh Chị Em thân mến!
Việc cử hành Thánh Thể hôm nay tại Quảng Trường Thánh Phêrô đây đã chấm dứt Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và đồng thời kết thúc Năm Thánh Thể là năm đã được vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta mở ra vào tháng 10 năm 2004.
Tôi xin lập lại niềm tri ân thân ái của tôi với quí nghị phụ thân yêu khả kính, những vị tôi đã được dịp làm việc hết mình chung qua ba tuần lễ trong bầu không khí hiệp thông huynh đệ. Các suy tư, chứng từ, kinh nghiệm và đề nghị về đề tài “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội” đã được thu thập để viết thành một bức tông huấn, một bức tông huấn khi chú trọng tới những thực tại khác nhau trên thế giới sẽ là những gì giúp vào việc phác họa nên gương mặt cộng đồng “Công Giáo”, một cộng đồng hướng tới việc sống liên kết, qua tính cách đa dạng của các nền văn hóa, mầu nhiệm chính yếu của đức tin, đó là mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc mà Thánh Thể là sự hiện diện sống động.
Ngoài ra, hôm nay, như các tấm hình ở mặt tiền Đền Thờ Vatican cho thấy, tôi hân hoan tuyên phong 5 vị thánh mới, vào lúc kết thúc Năm Thánh Thể, tôi muốn nêu lên những hoa trái mẫu gương của mối hiệp thông sự sống với Chúa Kitô.
Các vị đó là Jozef Bilczewski, giám mục ở Lviv lễ nghi Latinh; linh mục Gaetano Catanoso, vị sáng lập Dòng Chị Em Vêrônica Thánh Nhan; Zygmunt Gorazdowski, linh mục Balan, sáng lập Dòng Chị Em Thánh Giuse; Alberto Hurtado Cruchaga, linh mục Dòng Tên, người Chí Lợi; và tu sĩ dòng Capuchin Felice de Nicosia.
Mỗi người trong 5 vị môn đệ này của Chúa Giêsu có một đời sống nội tâm được hình thành bởi sự hiện diện thần linh là sự hiện diện được các ngài tin tưởng, cử hành và tôn thờ nơi Bí Tích Thánh Thể. Ngoài ra, mỗi vị đã sống theo những sắc thái khác nhau lòng tôn sùng con thảo dịu dàng với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô. Những vị thánh mới này, những vị chiêm ngưỡng trong vinh quang thiên quốc, mời gọi chúng ta trong mọi hoàn cảnh hãy chạy đến với việc bảo bệ từ mẫu của vị trinh nữ trong việc thăng tiến hơn trên con đường trọn lành của phúc âm, một con đường trọn lành được hỗ trợ bởi mối liên lỉ hiệp nhất với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
Có thế chúng ta mới có thể sống ơn gọi hết mọi Kitô hữu được mời gọi, tức là ơn gọi trở thành “tấm bánh được bẻ ra cho thế gian sự sống”, như Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo nhắc nhở chúng ta, ngày chúng ta đang cử hành hôm nay đây. Mối liên hệ giữa việc truyền giáo và Thánh Thể là những gì đặc biệt quan trọng. Thật vậy, việc truyền giáo và hoạt động truyền bá phúc âm hóa là việc tông đồ truyền bá một tình yêu thương có được như thể bắt nguồn từ Bí Tích Thánh.
Ai lãnh nhận Chúa Kitô nơi thực tại Mình và Máu này không thể nào giữ lấy đặc ân này cho mình, mà là được thôi thúc để chia sẻ nó ra bằng chứng từ Phúc Âm can trường, trong việc phục vụ anh chị em mình gặp cơn khốn khó, trong việc thứ tha khi bị xúc phạm. Ngoài ra, đối với một số người, Thánh Thể là hạt giống của một ơn gọi đặc biệt trong việc từ bỏ hết mọi sự để ra đi loan báo Chúa Kitô cho những người vẫn còn chưa biết Người. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ Maria Rất Thánh, người nữ Thánh Thể, những hoa trái thiêng liêng của Thượng Nghị này cũng như của Năm Thánh Thể. Xin Mẹ coi sóc đường đi nước bước của Giáo Hội và dạy chúng ta lớn lên trong mối hiệp thông với Chúa Giêsu để trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người, một tình yêu chất chứa cái bí mật của niềm vui.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/10/2005
? ĐTC Biển Đức XVI: Thư về Đời Sống Tận Hiến gửi Đại Hội của Thánh Bộ Dòng Tu ngày 26-27/9/2005
Gửi Huynh Đáng Kính
TGM Franc Rodé, C.M.
Tổng Trưởng Thánh Bộ
Các Dòng Tu Tận Hiến và Các Hội Sống Tông Đồ
Nhân dịp Đại Hội của Thánh Bộ này, tôi rất hân hoan gửi lời chào tới tất cả moị tham dự viên. Đặc biệt tôi chào huynh, vị Thư Ký và tất cả những ai làm việc trong Phân Bộ do huynh lãnh đạo.
Cùng với lời chào hỏi của mình, tôi cũng muốn tỏ lòng tri ân và niềm vui của tôi: tri ân vì huynh chia sẻ với tôi mối quan tâm và việc phục vụ cho thành phần tận hiến; vui vì qua huynh tôi biết rằng tôi đang ngở lời cùng thế giới của thành phần nam nữ sống đời tận hiến theo chân Chúa Giêsu trên con đường của những lời khuyên Phúc Âm, cũng như của đặc sủng chuyên biệt họ có do Thần Linh tác động.
Lịch sử của Giáo Hội được ghi dấu bằng những việc can thiệp của Thánh Linh, Đấng đã không những làm phong phú Giáo Hội bằng những tặng ân khôn ngoan, ngôn sứ và thánh đức của Ngài, mà còn trang bị cho Giáo Hội bằng những hình thức luôn mới của cuộc sống phúc âm, qua công việc của các vị nam nữ sáng lập là những vị đã truyền đạt đặc sủng của mình cho gia đình con cái nam nữ thiêng liêng của các vị.
Điều ấy có nghĩa là, hôm nay đây, nơi các đan viện và những trung tâm linh đạo, các đan sĩ, tu sĩ và những con người tận hiến có thể cống hiến cho thành phần tín hữu những thứ mầu mỡ chiêm niệm và các trường học nguyện cầu, việc giáo dục về đức tin và việc hướng dẫn về phần thiêng liêng.
Tuy nhiên, trên hết, thành phần tận hiền tiếp tục đại sự truyền bá phúc âm hóa và làm chứng nhân ở tất cả mọi lục địa, thậm chí ở những tuyến đầu của đức tin, bằng lòng quảng đại đến thường hy hiến mạng sống mình, cho đến chỗ tử đạo.
Nhiều người trong họ hoàn toàn dấn thân cho việc giảng dạy giáo lý, cho việc giáo dục, việc giảng dạy, cho việc phát triển về văn hóa và cho thừa tác vụ truyền thông. Họ gần gũi giới trẻ và các gia đình của họ, gần gũi thành phần nghèo khổ, cao niên, bệnh nạn và cô đơn.
Không có môi trường về nhân bản hay giáo hội nào họ không hiện diện, thường âm thầm nhưng luôn hiệu năng và sáng tạo, có thể nói là sự liên tục cho sự hiện hiện của Chúa Giêsu là Đấng đã đi khắp nơi để làm lành cho tất cả mọi người (x Acts 10:38).
Giáo Hội tri ân chứng từ trung thành và thánh đức ấy, chứng từ được xuất phát từ rất nhiều phần tử của Các Tu Hội Tận Hiến, tri ân những lời nguyện cầu chúc tụng không ngừng và chuyển cầu dâng lên bởi cộng đồng của họ, và tri ân cuộc đời họ sống phục vụ Dân Chúa.
Ngày nay, đời tận hiến, như các lãnh vực khác của đời sống giáo hội, thật sự là không thiếu những thử thách và khó khăn. Anh chị em đã nhắc lại khi kết thúc cuộc Đại Hội lần trước là “kho tàng cao cả của tặng ân Thiên Chúa được chứa đựng trong những bình sành (x 2Cor 4:7), và mầu nhiệm sự dữ cũng đe dọa cả những ai toàn hiến đời mình cho Chúa” (Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, "Starting Afresh from Christ," n. 11).
Thay vì liệt kê những thứ khó khăn đời tận hiến chạm trán ngày nay, tôi xin khẳng định với tất cả mọi con người nam nữ tận hiến về sự gần gũi, quan tâm và yêu thương được toàn thể Giáo Hội giành cho họ.
Vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ này, đời tận hiến đang phải đối diện với những thách đố kinh khủng mà họ chỉ có thể đương đầu trong mối hiệp thông với toàn thể Dân Chúa, với các vị Chủ Chiên cũng như với tất cả mọi tín hữu mà thôi. Việc chú trọng của Thánh Bộ Các Dòng Tu Đời Tận Hiến và Các Hội Sống Đời Tông Đồ hợp với chiều hướng ấy ở Đại Hội của anh chị em đây, một đại hội nói đến 3 đề tài rất chính xác.
Đề tài thứ nhất liên quan tới việc hành sử quyền bính.
Để bảo đảm một đời sống huynh đệ chân thực trong việc tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, thì đó là một việc phục vụ cao quí và cần thiết. Thật vậy, chíùnh Chúa Phục Sinh, hiện diện một cách mới mẻ giữa anh chị em qui tụ lại nhân danh Người (x Sắc Lệnh ‘Đức Ái Trọn Hảo’, 15), là Đấng vạch vẽ con đường phải theo.
Chỉ khi nào chính các vị Bề Trên nam nữ sống tuân phục Chúa Kitô và thành tâm tuân giữ luật dòng thì các phần tử trong cộng đồng mới có thể rõ ràng thấy chẳng những việc họ vâng lời Bề Trên không phản lại với quyền tự do của con cái Thiên Chúa, mà nó còn dẫn họ tới chỗ trưởng thành trong việc nên giống Chúa Kitô là Đấng vâng lời Chúa Cha nữa (x ibid., 14).
Đề tài cho Cuộc Đại Hội này liên quan tới tiêu chuẩn để nhận thức và chuẩn nhận các hình thức mới của đời sống tận hiến.
“Những ai có trách nhiệm đối với Giáo Hội cần phải thẩm định theo vai trò của mình tính cách chân thực và việc sử dụng thích đáng các tặng ân ấy”, Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân” nhắc nhở như thế khi nói tới chung chung các thứ đặc sủng, “thực sự không được dập tắt đi Thần Linh, thế nhưng phải thử tất cả mọi sự và năm giữ lấy những gì là tốt lành” (khoản 12).
Và đó là những gì cả anh chị em cũng đang tìm cách thực hiện trong những ngày này đây, những đừng quên raăng anh chị em phải thi hành công việc cao quí và tinh tế của mình theo chiều hướng tạ ơn Chúa, Đấng cho tới hôm nay vẫn tiếp tục làm phong phú Giáo Hội của Ngài bằng các đặc sủng luôn mới mẻ theo sự sáng tạo và dồi dào của Thần Linh Ngài.
Đề tài thứ ba anh chị em bàn tới liên quan đến đời sống đan viện.
Bắt đầu bằng những tình trạng tình cờ ngẫu nhiên cũng đòi phải được can thiệp một cách khôn ngoan và thực sự cụ thể, anh chị em có ý quan sát cái chân trời rộng lớn của thực tại này, một thực tại đã từng và vẫn còn rất quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội. Anh chị em tìm kiếm những đường lối thích đáng để tái bắt đầu trong ngàn năm mới cái cảm nghiệm về đan viện mà Giáo Hội ngày nay rất cần đến, vì Giáo Hội nhìn nhận nơi nó có một chứng từ hùng hồn về thượng quyền của Thiên Chúa, vị Thiên Chúa liên lỉ được chúc tụng, tôn thờ, phụng sự và kính mến bằng cả tâm can, tâm hồn và tâm trí (x Mt 22:37).
Sau hết, tôi lấy làm sung sướng nhận thấy rằng Đại Hội này đang diễn ra trong khung cảnh Phân Bộ này long trọng cử hành mừng kỷ niệm 40 năm Công Đồng Vaticanô ban bố Sắc Lệnh “Đức Ái Trọn Hảo” veê vấn đề canh tân đời sống tu trì.
Tôi hy vọng rằng những hướng dẫn nồng cốt được các Nghị Phụ Công Đồng này vào lúc bấy giờ cống hiến cho việc tiến bộ của đời tận hiến vẫn còn là nguồn hứng hôm nay đây cho tất cả những ai hiến đời mình cho việc phụng vụ Vương Quốc của Thiên Chúa.
Tôi đang nói đến chính yếu những gì Sắc Lệnh “Đức Ái Trọn Hảo” này diễn tả như “vitae religiosae ultima norma”, “tiêu chuẩn cuối cùng của đời sống tu trì”, tức là, “sequela Chirsti”. Việc tái nhận thức chân thực đời sống tu trì không thể nào thực hiện được nếu không tìm cách sống hoàn toàn hợp với Phúc Âm, nếu không đặt bất cứ suư gì trước Tình Yêu duy nhất, mà là tìm thấy nơi Chúa Giêsu cũng như nơi các lời của Người cái yếu tính còn sâu xa hơn cả bất cứ đặc sủng của vị Sáng lập nào.
Một hướng dẫn căn bản khác của Công Đồng này đó là việc hiến mình một cách quảng đại và mới mẻ cho anh chị em của mình, không bao giờ nhường bước cho khuynh hướng thu mình lại, không bao giờ thỏa mãn với việc chiếm đạt đã qua và không bao giờ ngã theo bi quan hay bạc nhược.
Ngọn lửa yêu thương được Thần Linh khêu lên trong lòng là một kích tố để liên lỉ tự vấn về các nhu cầu của nhân loại cũng như về việc làm sao để đáp ứng những nhu cầu ấy, biết rõ raăng chỉ có những ai nhìn nhận và yêu mến tối thượng quyền của Thiên Chúa mới có thể thực sự đáp ứng những nhu cầu thực sự của con người nam nữ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Tôi muốn tiếp tục một hướng dẫn khác quan trọng được các vị Nghị Phụ trình bày trong Sắc Lệnh Đức Ái Trọn hảo này: đó là việc dấn thân liên lỉ của con người tận hiến trong việc vun trồng đời sống hiệp thông chân thành (x khoản 15), chẳng những ở các cộng đồng riêng mà với toàn thể Giáo Hội, vì các đặc sủng bao giờ cũng caân phải được bảo toàn, sâu xa và liên lỉ phát triển “hợp với Thân Mình Chúa Kitô liên tục trong tiến trình tăng tiển” ("Mutuae Relationes," n. 11).
Đây là những tư
tưởng về các đề tài được cuộc Đại Hội của anh chị em bàn tới mà tôi tha thiết
muốn ký thác cho anh chị em suy tư. Tôi sẽ hỗ trợ với anh chị em trong lời
nguyện cầu của tôi, và để kêu cầu Chúa trở giúp và Đức Trinh Nữ Rất Thánh phù
trì trên anh chị em và hoạt động của anh chị em, tôi ban Phép Lành cho mỗi một
người trong anh chị em như bảo chứng tình ưu ái của tôi đối với anh chị em.
Tại Castel Gandolfo, 7/9/2005, Lễ Nhớ Thánh Vincentê Đệ Phaolô
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/10/2005