GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 25/10/2005

 

?  Những Nghị Quyết của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI được ĐTC Biển Đức XVI cho phổ biến qua bản dịch không chính thức

?  Cảm Nhận của một số nghị phụ tham dự Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

?  Thư gửi Các Vị Giám Mục Trung Hoa không thể tham dự Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

?   Những Nghị Quyết của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI được ĐTC Biển Đức XVI cho phổ biến qua bản dịch không chính thức

 

Bình thường, theo thông lệ từ trước đến nay, sau mỗi cuộc thượng nghị giám mục thế giới hay các châu lục, các nghị quyết tổng kết được các vị nghị phụ bỏ phiếu chấp thuận sẽ được đệ trình Đức Thánh Cha để ngài viết thành bức tông huấn và ban hành sau đó, như đã từng xẩy ra trong giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, sau thượng nghị giám mục thế giới thường lệ XI về Thánh Thể lần này, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI lại cho phép phổ biến 50 nghị quyết của biến cố ấy. Bản tổng kết 50 nghị quyết này được viết bằng La ngữ và được chuyển dịch bất chính thức sang Ý ngữ. Sau đây là một số chi tiết được mạng điện toán toàn cầu Zenit chuyển từ Ý ngữ sang Anh ngữ và phổ biến hôm Chúa Nhật 23/10/2005.

 

Nghị quyết 1 liên quan đến việc thượng nghị xin Đức Thánh Cha viết bức tông huấn về Thánh Thể.

 

Nghị quyết 2 liên quan tới “ảnh hưởng hữu ích nơi đời sống của Giáo Hội do việc áp dụng vấn đề canh tân phụng vụ từ Công Đồng Chung Vaticanô II”.

 

Nghị quyết 3 về tính cách mới mẻ của Mầu Nhiệm Vượt Qua.

 

Nghị quyết 4 về Thánh Thể là tặng ân của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Nghị quyết 6 nhấn mạnh đến việc tôn thờ Thánh Thể.

 

Nghị quyết 7 nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Thánh Thể và bí tích giải tội, cũng như đến “việc xứng đáng tiếp nhận Thánh Thể đòi phải ở trong tình trạng ân sủng”.

 

Nghị quyết 8 về mối liên hệ giữa Thánh Thể và đời sống hôn nhân, và khuyến khích sống linh đạo hôn nhân.

 

Nghị quyết 10 về “những tụ họp Chúa Nhật thiếu linh mục” không được nhầm lẫn với chính Thánh lễ, và “các hội đồng giám mục cần phải cung ứng việc trợ giúp xứng hợp trong việc dẫn giải ý nghĩa cử hành Lời Chúa cùng với việc cho Rước Lễ, và ban hành những qui tắc cho vấn đề ấy”.

 

Nghị quyết 11 nói tới vấn đề thách đố của tình trạng “khan hiếm linh mục”, và cho rằng phương cách truyền chức cho thành phần nam nhân đã có gia đình “viri probati” “được thẩm định là một việc làm không nên theo đuổi”. Trái lại, để giải quyết vấn đề hệ trọng này, thượng nghị yêu cấu các vị chủ chăn hãy “cổ võ ơn gọi linh mục”. Nhất là xin các vị linh mục “đừng sợ nêu lên cho giới trẻ biết tính cách đòi hỏi gắt gao của việc theo Chúa Kitô” và “cảm hóa các gia đình là nơi có những trường hợp dửng dưng lạnh lùng nếu không muốn nói là ra mặt chống đối” con cái mình theo đuổi ơn gọi linh mục. Ngoài ra, nghị quyết này còn khuyến khích việc vun trồng “vấn đề cầu nguyện cho các ơn gọi trong tất cả mọi cộng đồng và những lãnh vực của giáo hội”.

 

Nghị quyết 17 đề nghị viết một “Cuốn Tổng Lược về Thánh Thể” là cuốn “tổng hợp những yếu tố về phụng vụ, tín lý, giáo lý và đạo đức về Thánh Thể, để giúp phát triển đức tin và lòng sùng mộ Thánh Thể”.

 

Nghị quyết 23 yêu cầu cứu xét xem “việc chúc bình an có thể thực hiện ở một lúc khác của việc cử hành Thánh Thể hay chăng, bằng cách lưu ý tới cả những tập tục cổ kính và khả kính”.

 

Nghị quyết 24 yêu cầu có những công thức kết lễ mới – “Chúc anh chị em về bằng an - Ite, missa est”, cũng như công thức “ban phép lành trọng thể …. Nhấn mạnh tới sứ vụ truyền giáo trong thế giới của tín hữu là thành phần đã được tham dự vào Thánh Thể”.

 

Thoidiemmaria xin phép được tạm mở ngoặc biệt chú ở đây là, trong cuốn “Nguồn Sống Thần Linh”, Cao-Bùi xuất bản 5/2005, ở trang 87, tác giả của cuốn sách cũng là người đang chuyển dịch bản tin này đã có cùng cảm nhận như nghị quyết 24 trên đây, nguyên văn như sau:

 

“Lời chúc kết lễ (đúng hơn cuối lễ) của vị chủ tế: ‘Lễ xong, chúc anh chị em về bằng an’, đúng hơn, ‘chúc anh chị em ra đi bằng an (go in peace)’. Vì chữ ‘về’ đây cùng với chữ ‘lễ xong’ ở đây (riêng chữ ‘lễ xong’ đây không có trong Sách Lễ tiếng Anh) có một nghĩa tiêu cực, chấm dứt việc cử hành Thánh Lễ, chấm dứt một việc Thánh, để sang việc làm những gì thường nhật ở nhà, những việc làm trần gian, nếu không sống tinh thần cầu nguyện liên lỉ, dường như không có dính dáng gì đến việc sống Thánh Lễ cả. Chữ ‘ra đi’ đây, trái lại, có nghĩa mở ra, hướng về tương lai, có nghĩa tiếp tục, chứ không đóng lại như chữ ‘về’ cùng với chữ ‘lễ xong’, có tính cách hồi cố, hạn chế và khép kín. Lời chào chúc cuối cùng rõ ràng và có tính cách ‘trọn vẹn ý thức và chủ động’ trong việc cử hành Thánh Lễ cũng như tiếp tục Sống Thánh Lễ đó là lời: ‘Chúc anh chị em ra đi bằng an trong việc mến yêu Chúa và phụng sự Chúa (Go in peace to love and serve the Lord)’.

 

“Như thế, khi thưa ‘tạ ơn Chúa’, đáp lại lời chào chúc cuối lễ của vị chủ tế hay phó tế, mỗi người Kitô hữu đồng thời cũng mặc nhiên hứa quyết với lòng mình trước nhan Thiên Chúa rằng họ sẽ tiếp tục Sống Phụng Vụ Thánh Thể, với tất cả nỗ lực Sống Thánh Chứng Nhân, bằng chính ‘sự sống viên mãn hơn’ (Jn 10:10) họ đã được lãnh nhận ở phần Hiệp Lễ, qua đời sống tu đức vừa phản ảnh vừa tràn đầy Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể của họ vậy!”

 

Nghị quyết 40 chạm tới vấn đề thành phần ly dị tái hôn bất giải hôn, đã cho thấy “mối quan tâm sâu xa được nhiều vị nghị phụ bày tỏ” và “xác nhận tầm quan trọng của thái độ mục vụ và việc chăm sóc cũng như chấp nhận cần phải có đối với người tín hữu ly dị tái hôn. Theo truyền thống của Giáo Hội Công giáo, họ không thể Hiệp Lễ, vì họ ở trong tình trạng khách quan nghịch lại với lời Chúa là Đấng đã trả về cho đời sống hôn nhân cái giá trị bất khả phân ly nguyên thủy của nó”. Tuy nhiên, để khuyến khích những tín hữu này tham dự vào tất cả mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội, nghị quyết này cổ võ “tính chất mục vụ, sự hiện diện cùng với hoạt động xác đáng và quan tâm của các tòa án giáo hội cứu xét việc tiêu hôn”.

 

Nghị quyết 41 nhắc nhở rằng “Thánh Thể là biểu hiệu của mối hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội”. Bởi thế, “chúng tôi yêu cầu là các Kitô hữu không phải Công giáo hiểu biết và tôn trọng sự kiện là, đối với chúng tôi, trong việc tuân giữ truyền thống hoàn toàn hợp với Thánh Kinh, Mối Hiệp Thông Thánh Thể và mối hiệp thông giáo hội sâu xa thuộc về nhau, nên một hiệp thông Thánh Thể với các Kitô hữu không phải là Công giáo nói chung là điều bất khả. Việc đồng tế đại kết lại càng không được. Cũng thế, cần phải hiểu rõ là theo chiều hướng cứu độ từng người thì việc Kitô hữu không phải Công giáo tham dự vào bí tích Thánh Thể, bí tích thống hối và xức dầu kẻ liệt, trong những trường hợp riêng biệt từng nố, với những điều kiện xác đáng, là điều khả dĩ và thậm chí đáng làm”. Những điều kiện này được huấn quyền Giáo Hoàng và Giáo Luật rõ ràng xác định.

 

Nghị quyết 46 kêu gọi “việc các chính trị gia và lập pháp gia Công giáo gắn bó với Thánh Thể” và nhắc nhở họ về “trách nhiệm xã hội nặng nề của họ trong việc trình bày và tán thành những thứ luật lệ trái với đạo lý”. 

 

Nghị quyết 47 nói đến mối liên hệ giữa Thánh Thể và môi sinh học.

 

Nghị quyết 48 nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của Thánh Thể.

 

Nghị quyết 49 về mối liên kết giữa Thánh Thể với việc hòa giải các dân tộc xung khắc nhau.

 

Nghị quyết 50 về Mẹ Maria là “người nữ Thánh Thể”, khuyến khích tín hữu hãy có “cùng những cảm thức của Mẹ Maria”.

 

Chúng ta có thể chờ đón coi tất cả những nghị quyết này khi chúng được chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết thành một văn kiện theo huấn quyền và chính thức ban hành như một bức tông thư.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23-24/10/2005

  

 

TOP

 

 

   Cảm Nhận của một số nghị phụ tham dự Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

 

Trong biến cố Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI có tất cả 700 phóng viên báo chí thường trực, ngoài 450 người vốn trực tiếp làm việc với văn phòng báo chí của Tòa Thánh còn có 260 người khác đến Rôma cho biến cố này. Có 3 cuộc họp báo, lần thứ nhất vào Thứ Bảy 1/10, ngay trước khi mở màn cho biến cố, lần thứ hai vào Thứ Năm 13/10 sau phiên họp chung thứ 16, và lần thứ ba vào Thứ Bảy 22/10, ngay trước ngày bế mạc. Lần nào cũng có một số vị nghị phụ đại diện để tường trình và trả lời những thắc mắc của báo chí.

 

Vào lúc 12 giờ 15 trưa Thứ Bảy 22/10/2005, một cuộc họp báo đã diễn ra tại Văn Phòng báo Chí của Tòa Thánh để kết thúc công việc của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI về đề tài Thánh Thể. Thành phần tham dự trong buổi họp báo này gồm có ĐHY George Pell, TGM Sydney Úc Đại Lợi, ĐHY Marc Ouellet P.S.S., TGM Quebec Gia Nã Đại, ĐTGM Roland Minnerath giáo phận Dijon, Pháp quốc, và ĐGM Salvatore Fisichella, viện trưởng Giáo Hoàng Đại Học Viện Lateranô ở Rôma.

 

ĐHY Ouellet đã nhấn mạnh đến bầu khí huynh đệ và hiệp nhất trong đức tin là những gì làm nên đặc điểm của cuộc Thượng Nghị này, bất chấp tính cách đa dạng của các nền văn hóa; và ngài còn đặc biệt chú ý tới việc sứ điệp cuối cùng của thượng nghị không dựa vào những nghị quyết hay nhận định mà là vào Thánh Thể như điểm tựa của đời sống và hoạt động của Giáo Hội. Theo ngài, bản văn sứ điệp ấy đã nhấn mạnh đến Thánh Thể trở thành sứ vụ của Dân Chúa và tái khẳng định trách nhiệm của Kitô hữu, như các vị Nghị Phụ, trong việc “cần phải âm vang nỗi khổ đau của thế giới”, và chủ động tham gia vào các lãnh vực quan trọng như kinh tế, giáo dục và truyền thông đại chúng.

 

ĐGM Fisichella nhận định về cách thức Cuộc Thượng Nghị bắt đầu và kết thúc bằng một sứ điệp hòa bình, hy vọng và phấn khích. Ngài nói: “Sứ điệp này bàn tới nhiều bóng tối chúng ta không được bỏ qua, nhưng nó cũng chất chứa dấu hiệu sáng sủa, vì bất chấp những trục trặc vẫn có nhiều tia sáng, như việc gia tăng ơn gọi linh mục, và việc gia tăng ý thức nơi các gia đình về vai trò xã hội của họ”.

 

ĐTGM Minnerath đã cho thấy một trong những cái mới lạ của cuộc Thượng Nghị này, đó là việc Đức Giáo Hoàng đã truyền phổ biến những nghị quyết của các vị Nghị Phụ ở bản dịch tiếng Ý. Vị TGM này cũng nhấn mạnh tới bầu khí cởi mở và thông đạt làm nên đặc tính của cuộc thượng nghị, “mà không lấy đi bất cứ điều gì khỏi phương thức truyền thống”.

 

Khi các vị nghị phụ trong cuộc họp báo vừa dứt lời thì thành phần phóng viên báo chí đặt một số vấn nạn để xin các vị giải đáp, trong đó có vấn đề bỏ phiếu về sứ điệp cuối cùng của cuộc thượng nghị, vấn đề tự do của các vị giám mục địa phương đối với việc cho thành phần chính trị gia cấp tiến rước lễ, và vấn đề thành phần ly dị tái hôn bất giải hôn hiệp lễ.

 

Về vấn đề bỏ phiếu về sứ điệp cuối cùng của cuộc thượng nghị, ĐTGM Minnerath đã giải thích rằng: “Không thực hiện việc bỏ phiếu cho sứ điệp tổng kết của thượng nghị, vì những qui định của cuộc Thượng Nghị này không buộc phải bỏ phiếu, mà các vị nghị phụ chỉ cần nói lên việc ưng thuận của mình mà thôi, một việc ưng thuận trong cả phiên họp chung hôm qua (Thứ Sáu) và hôm nay (Thứ Bảy) đã cho thấy thái độ hưởng ứng nhiệt liệt của các vị”.

 

Về vấn đề tự do của các vị giám mục địa phương đối với việc cho thành phần chính trị gia cấp tiến rước lễ, ĐHY Ouellet cho biết: Thượng Nghị này không muốn cô lập bất cứ thứ loại cá nhân nào. Dĩ nhiên, tất cả mọi Kitô hữu đều có trách nhiệm về hành vi cử chỉ của mình, nhưng thành phần lập pháp có một trách nhiệm chung bắt buộc hơn và có một nhiệm vụ lớn lao hơn trong việc cần phải nhất trí. Bởi thế, các vị giám mục địa phương sẽ khôn ngoan và mạnh mẽ cứu xét từng trường hợp xẩy ra một”.

 

Về vấn đề thành phần ly dị tái hôn bất giải hôn hiệp lễ, các vị nghị phụ tham dự cuộc họp báo cho biết: “Đối với họ, chúng tôi có một hình thức chăm sóc mục vụ chuyên biệt và đặc biệt, để thấy được rõ ràng là mặc dù họ không thể hiệp lễ họ vẫn không bị loại trừ khỏi Giáo Hội”.

   

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 24/10/2005

 

 TOP

? Thư gửi Các Vị Giám Mục Trung Hoa không thể tham dự Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

Vào chiều ngày bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, các vị điều hành biến cố này đã gửi cho các vị Giám Mục Trung Hoa không được phép tới tham dự biến cố này một bức thư. Những vị ký tên trong bức thư này là các vị chủ tịch đại biểu cùng với vị tổng thư ký của thượng nghị, thứ tự như sau: ĐHY Francis Arinze, ĐHY Jaun Sandoval Iniguez, ĐHY Telesphone Placidus Toppe, và ĐTGM Nikola Eterovic. Và 4 vị Giám Mục Trung Hoa được bức thư này gửi đến là Antonio Li Duan, Xi’an; Luca Li Jingfeng, Fengxiang; Aloysius Jin Luxian S.J, Shanghai; và Giuseppe Wei Jingyi, Qiqihar.

 

Thành Đô Vatican ngày 22 tháng 10 năm 2005

 

Quí Huynh trong Hàng Giáo Phẩm rất thân mến,

 

Chúng tôi, các Nghị Phụ, tham dự Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, cùng với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, muốn gửi đến quí huynh lời chào thăm huynh đệ và thân ái của chúng tôi.

 

Việc vắng mặt của quí huynh trong công cuộc của thượng nghị này đã khiến cho tâm hồn chúng tôi cảm thấy rất buồn. Chúng tôi muốn gặp gỡ quí huynh và nghe được những kinh nghiệm cam go và thành đạt về giáo hội của quí huynh. Tất cả những điều ấy đều bất khả, nhưng chúng tôi xin bảo đảm với quí huynh cùng toàn thể Giáo Hội ở Trung Hoa rằng quí huynh và Giáo Hội Trung Hoa của quí huynh đặc biệt hiện diện nơi tâm can và lời nguyện cầu của chúng tôi.

 

Như quí huynh đều biết, Mầu Nhiệm Thánh Thể là tâm điểm của những suy tư chia sẻ của chúng ta. Về vấn đề này, chúng ta muốn nhấn mạnh là chính ở nơi Thánh Thể, nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội mà tất cả chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô cũng như với Giáo Hội hoàn vũ. Đó là lý do chúng tôi cùng với quí huynh dâng lời chúc tụng Cha Hằng Hữu là Đấng Ban Phát tất cả moị sự thiện hảo, đó là, từ tấm lòng của Ngài xuất phát một tình yêu tuôn đổ cho chúng ta qua Thần Linh của Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng làm cho chúng ta “thành một tấm lòng và một linh hồn duy nhất”.

 

Trong Chúa Giêsu, chúng tôi hy vọng rằng tất cả mọi cộng đồng giáo hội ở Trung Hoa được triển nở trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua và trong việc quảng đại phục vụ anh chị em mình. Những lời nguyện cầu của chúng tôi bao gồm cả niềm hy vọng thiết tha là sớm tìm thấy những đường lối để làm cho mối hiệp thông trở nên hữu hình hơn nữa. Chúng tôi ký thác những ước nguyện được hỗ trợ bởi việc sốt sáng cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội này cho Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Giáo Hội.

 

  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 24/10/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ