GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 27/10/2005,

NGÀY THÁNH THỂ

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 26/10/2005 - Bài Giáo Lý về Ca Vịnh Philiphê 2:6-11: “Dự án cứu độ trước hết được nên trọn nơi Người Con”.

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới”

? Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về “Tầm Quan Trọng của Việc Chăm Sóc Bản Thân, Môi Sinh và Đồng Bạn”

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 26/10/2005 - Bài Giáo Lý về Ca Vịnh Philiphê 2:6-11: “Dự án cứu độ trước hết được nên trọn nơi Người Con”.

 

1.         Một lần nữa, theo diễn tiến của Phụng Vụ Giờ Kinh Tối với những bài thánh vịnh và ca vịnh khác nhau, chúng ta đã nghe vang vọng bài thánh ca lạ lùng và thiết yếu được Thánh Phaolô cho vào Bức Thư gửi Kitô hữu Philiphê (2:6-11). 

 

Trong quá khứ, chúng ta đã nhấn mạnh rằng bài ca vịnh này bao gồm một chuyển động lưỡng diện: chuyển động đi xuống và chuyển động đi lên. Ở chuyển động đầu, Chúa Giêsu Kitô, từ ánh quang rạng ngời của thần tính là những gì thuộc về Người theo bản tính, đã chọn đi xuống cảnh nhục nhã của “cái chết trên thập tự giá”. Như thế, Người tự tỏ mình ra Người thật là người và là Đấng Cựu Chuộc, qua việc thực sự và hoàn toàn tham dự vào thực tại đau thương và chết chóc của chúng ta.

 

2.         Chuyển động thứ hai, chuyển động đi lên, cho thấy vinh quang vượt qua của Chúa Kitô, mộït vinh quang sau khi tử nạn tái bộc lộ trong ánh rạng ngời xuất phát từ thần tính uy nghi của Người.

Chúa Cha, Đấng đã chấp nhận tác động vâng phục của Người Con nơi cuộc nhập thể và khổ nạn, giờ đây “tôn vinh” Người trên tất cả mọi sự, như bản Hy Lạp dịch. Việc tôn vinh ấy được thể hiện chẳng những qua việc Người ngự bên hữu Thiên Chúa mà còn bằng việc ban cho Chúa Kitô một “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (câu 9) nữa. Vậy, theo ngôn ngữ thánh kinh, “danh hiệu” ám chỉ yếu tính thực sự và phận vụ riêng biệt của một con người; nó cho thấy thực tại sâu xa và thực sự của họ. Chúa Cha đã ban cho Người Con, Đấng đã vì yêu thương hạ mình cho đến chết, một phẩm vị khôn sánh, một “Danh xưng” cao quí nhất, danh xưng “Chúa”, xứng hợp với chính Thiên Chúa.

 

3.         Thật vậy, việc loan báo đức tin – đồng thanh nhất tiếng cả ở trên trời, dưới thế và trong lòng đất đều cúi đầu tôn thờ – là những gì rõ ràng và hiển nhiên: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (câu 11). Bản Hy ngữ xác nhận Đức Giêsu là “Kyrios”, một tước hiệu đúng là vương giả, một tước hiệu theo bản dịch Thánh Kinh Hy Lạp có liên quan tới danh xưng của Thiên Chúa đã mạc khải cho Moisen, một danh xưng linh thánh bất khả thưa thốt.

 

Như thế, một đàng là việc nhìn nhận vai trò chúa tể phổ quát của Đức Giêsu Kitô, Đấng được toàn thể tạo vật tôn kính, Đấng được thấy như là một chủ thể cần phải quì xuống dưới chân của Người. Tuy nhiên, đàng khác, việc tung hô đức tin lại tuyên xưng Đức Kitô vẫn còn thân phận thần linh, do đó cho thấy rằng Người là Đấng đáng tôn thờ.

 

4.         Nơi bài thánh ca này, chi tiết liên quan tới cái ô nhục của thập giá (x 1Cor 1:23), ngay cả trước khi nhân tính thực sự của Lời hóa thành nhục thể (x Jn 1:14), được đan kết và đạt tới tuyệt đỉnh ở biến cố Phục Sinh. Việc tùng phục hiến tế của Người Con được Cha đáp ứng tôn vinh sau đó, Đấng liên kết mình với việc tôn thờ của loài người cũng như của tạo vật. Cái đặc thù của Chúa Kitô xuất phát từ vai trò làm Chúa của một thế giới được cứu chuộc, một thế giới được trao ban cho Người vì việc trọn vẹn phục tùng của Người “cho đến chết”. Dự án cứu độ trước hết được nên trọn nơi Người Con, và tín hữu được mời gọi – trước hết trong phụng vụ – loan truyền dự án này và sống hoa trái của dự án ấy.

 

Đó là mục đích chúng ta được bài thánh ca Kitô học này dẫn tới, bài thánh ca được Giáo Hội suy tư qua các thế kỷ, được hát lên và hướng dẫn cuộc sống: “Trong anh chị em hãy có thái độ như thế trong Đức Giêsu Kitô” (Phil 2:5).

 

5.         Giờ đây chúng ta hãy lắng nghe bài suy niệm được Thánh Gregory Nazianzen đã khôn khéo viết về bài thánh ca của chúng ta đây. Trong một bài thơ tôn vinh Chúa Kitô, vị đại Tiến Sĩ Giáo Hội ở thế kỷ thứ 4 này tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô “đã không lột bỏ bản thân mình bất cứ yếu tố nào làm nên thần tính của Người, tuy nhiên, mặc dù là thế, Người đã cứu độ tôi như là một người chữa lành, vị đã cuí xuống trên các thương tích hôi thối của tôi…. Người thuộc về giòng tôhôi thối của tôi…. Người thuộc về giòng tộc của Đavít, nhưng Người lại là Đấng Tạo Thành của Adong. Người có xác thịt, nhưng cũng là một kẻ xa lạ đối với thân thể. Người được hạ sinh bởi một người mẹ, nhưng lại là một vị trinh mẫu; Người được cắt bì, nhưng cũng vĩ đại. Và Người được đặt nằm trong máng cỏ, nhưng ngôi sao lại dẫn đường cho Ba Vua, những vị đã đến dâng cho Người những lễ vật và quì xuống trước mặt Người. Là một vật tử vong Người đã đối chọi với ma quỉ, nhưng Người đã trở thành vô địch; Người làm chủ tên cám dỗ sau cuộc chiến tam diện…. Người là thí vật, nhưng cũng là vị thượng tế; Người là vật hiến tế song cũng là Thiên Chúa. Người hiến dâng lên Thiên Chúa máu của Người và nhờ đó thanh tẩy toàn thế giới. Cây thập tự giá đưa Người lên khỏi mặt đất, nhưng tội lỗi lại bị các cây đinh đâm thủng…. Người đã viếng thăm kẻ chết, nhưng đã sống lại từ âm ti và phục sinh nhiều người đã chết. Biến cố tiên khởi chính là tình trạng cùng cực của con người, thế nhưng biến cố thứ hai cho thấy cái phong phú của hữu thể vô hình… của Người Con bất tử mặc lấy thân phận trần gian, vì Người yêu thương anh chị em” (Carmina Arcana, 2: "Collana de Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts] LVIII, Rome, 1986, pp. 236-238).

Cuối buổi suy niệm này, tôi muốn nhấn mạnh hai câu cho cuộc sống của chúng ta.

 

Trước hết, câu Thánh Phaolô khuyên nhủ, đó là “Trong anh chị em hãy có thái độ như thế trong Đức Giêsu Kitô”. Hãy học tập cho có cùng một cảm thức như Chúa Giêsu, trong việc làm cho cách suy tư, quyết định, tác hành của chúng ta hợp với những cảm thức của Chúa Kitô. Chúng ta hãy đi con đường này nếu chúng ta muốn các cảm thức của chúng ta hợp với những cảm thức của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đi theo đường ngay nẻo chính.

 

Câu khác là của Thánh Gregory Nazianzen: “Người, Chúa Giêsu, yêu thương anh chị em”. Lời êm ái này là niềm an ủi lớn lao cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm cao cả, từ ngày này đến ngày kia.

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bài ca vịnh hôm nay được trích từ Bức Thư gửi Kitô hữu Philiphê. Sau khi diễn tả việc hạ mình của Con Thiên Chúa nơi việc Nhập Thể, nhất là nơi cuộc tử nạn của Người trên cây thập tự giá, bài ca vịnh liên cho thấy việc Người được tôn vinh.

Việc hy sinh phục tùng của Chúa Kitô được Chúa Cha chấp nhận, Đấng đặt Người ở bên hữu Ngài; Người được công nhận ở phẩm vị thần linh của Người, được ban cho “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và được loan báo bởi các ca đoàn thiên cung như là “Kyrios”, Chúa của thế giới được cứu chuộc.
 
Phụng vụ của Giáo Hội tiếp tục hát bài ca chúc tụng này. Chúng tôi tôn thờ Chúa Kitô, Đấng có một lối sống phục vụ thấp hèn, vâng lời và tử nạn được biến thành ánh quang rạng ngời của vinh hiển thần tính. Nơi Người, lịch sử cứu độ được hoàn toàn nên trọn.

 

Như Thánh Gregory Nazianzen đã dẫn giải: “Người đã hiến dâng lên Thiên Chúa máu của Người nhờ đó thanh tẩy toàn thế giới”. Chúng ta hãy lắng nghe lời mời gọi của bài ca vịnh này, và hãy noi gương bắt chước đức khiêm nhượng và tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, và theo Người là Chúa và Đấng Cứu Thế của chúng ta.
 
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/10/2005

 

 

TOP

 

 

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới”

Trong phiên họp chung thứ 20 hôm Thứ Sáu 21/10/2005, các vị nghị phụ đã chấp thuận Sứ Điệp của Thượng Nghị Giám Mục gửi Dân Chúa khi kết thúc biến cố Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI. Sau đây là nguyên văn bản sứ điệp này:

 

“Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới”

 

Quí huynh giám mục,

Quí linh mục và phó tế,

Quí anh chị em thân mến

 

1.         “Bình an ở cùng anh chị em!” Nhân danh Chúa Kitô là Đấng đã hiện ra tại Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem vào tối Ngày Phục Sinh, chúng tôi xin lập lại “Bình an ở cùng anh chị em!” (Jn 20:21). Chớ gì mầu nhiệm cuộc tử nạn và phục sinh của Người trở thành niềm an ủi cho anh chị em và mang lại ý nghĩa cho trọn cuộc sống của anh chị em! Chớ gì Người làm cho anh chị em được hân hoan và tràn đầy hy vọng! Vì Chúa Kitô đang sống trong Giáo Hội của Người, như Người đã hứa (x Mt 28:20). Người vẫn luôn ở với chúng ta cho tới tận thế. Người hiến mình cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể Cực Thánh, cùng với niềm vui yêu thương như Người đã yêu. Người truyền cho chúng ta tình yêu vinh thắng của Người cho anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới. Đây là một sứ điệp hân hoan chúng tôi loan báo cho anh chị em, hỡi anh chị em thân mến, khi kết thúc Thượng Nghị Giám Mục về Thánh Thể.

 

Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã qui tụ chúng ta lại một lần nữa nơi Nhà Tiệc Ly, cùng với Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta, để nhắc nhở lại tặng ân tuyệt hảo của Thánh Thể.

 

2.         Được triệu tập tới Rôma bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ, cũng như được xác nhận bởi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, chúng tôi đã đến từ 5 châu lục trên thế giới để nguyện cầu và chia sẻ với nhau về Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội. Mục đích của cuộc Thượng Nghị này là để đệ trình các nghị quyết lên Đức Thánh Cha hầu giúp ngài cập nhật và đào sâu đời sống Thánh Thể của Giáo Hội. Chúng tôi đã có thể cảm nghiệm được những gì Thánh Thể đã từng là ngay từ ban đầu, đó là một đức tin duy nhất và một Giáo Hội duy nhất, được dưỡng nuôi bởi tấm bánh sự sống duy nhất, trong mối hiệp thông hữu hình với vị thừa kế Thánh Phêrô.

 

3.         Việc chia sẻ huynh đệ nơi các vị Giám Mục, các dự thính viên, cũng như các vị đại diện đại kết, đã làm mới lại niềm xác tín của chúng ta là Thánh Thể làm sinh động và biến đổi đời sống của các Giáo Hội riêng ở Đông và Tây, cũng như của nhiều sinh hoạt của con người thuộc những hoàn cảnh chúng ta sống rất khác nhau. Chúng tôi đã cảm được niềm vui sâu xa khi trải qua mối hiệp nhất nơi niềm tin Thánh Thể của chúng tôi giữa tính cách đa dạng rộng rãi về các lễ nghi, văn hóa, và trường hợp mục vụ. Sự hiện diện của rất nhiều Anh Em giám mục đã khiến chúng tôi cảm nghiệm một cách trực tiếp hơn nữa cái phong phú của các truyền thống phụng vụ khác nhau làm cho cái sâu thẳm của mầu nhiệm Thánh Thể đặc thù được sáng tỏ.

 

Anh chị em Kitô hữu thuộc mọi niềm tin thân mến, chúng tôi kêu mời anh chị em hãy nguyện cầu thiết tha hơn nữa để ngày hòa giải và mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn của Giáo Hội diễn ra trong việc cử hành Thánh Thể hợp với lời nguyện cầu của Chúa Giêsu vào tối áp cuộc tử nạn của Người: “Để tất cả được nên một. Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, hầu họ được nên một trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn 17:21).

 

4.         Với lòng sâu xa tạ ơn Thiên Chúa về Giáo Triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cũng như về bức Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistica, sau đó là bức Tông Thư khai mở cho Năm Thánh Thể là Xin Chúa Ở Với Chúng Con Mane Nobiscum Domine, chúng tôi xin Thiên Chúa hãy sinh muôn vàn hoa trái từ chứng tá của ngài và giáo huấn của ngài. Chúng tôi cũng xin gửi lời cám ơn của chúng tôi tới toàn thể dân Chúa, những người chúng tôi cảm thấy việc họ hiện diện và kết đoàn trong 3 tuần lễ nguyện cầu và suy tư chia sẻ này. Các Giáo Hội địa phương ở Trung Hoa, và những vị giám mục ở đó không thể tham dự với chúng tôi vào công việc làm này, đã chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm tưởng và lời nguyện cầu của chúng tôi.


Nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh, xin chúc Bình An và Niềm Vui trong Thánh Thần cho tất cả anh chị em, quí giám mục, linh mục và phó tế, quí thừa sai trên khắp thế giới, quí tu sĩ nam nữ, quí giáo dân, và cả anh chị em là những con người nam nữ thiện tâm.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2005

 TOP

? Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về “Tầm Quan Trọng của Việc Chăm Sóc Bản Thân, Môi Sinh và Đồng Bạn” 

Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của vị lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh là Francis Dionisio trước Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Năm 6/10/2005, về đề tài “Chương Trình Quốc Tế cho Giới Trẻ cho đến Năm 2000 và Sau Đó”

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Phái đoàn đại biểu tôi hân hạnh được tham dự vào cuộc bàn luận quan trọng này về “Chương Trình Hoạt Động Quốc Tế cho Giới Trẻ. Có câu nói giễu cợt như sau: “Tuổi trẻ đang bị hoang phí nơi giới trẻ”; tuy nhiên, Tòa Thánh lấy làm mãn nguyện khi thấy LHQ tiếp tục đề cao cảnh giác đối với tầm quan trọng của họ.

 

Mới đây, ở một cuộc qui tụ cả hằng trăm ngàn giới trẻ ở Cologne, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã âm vang những cảm thức của giới trẻ trên khắp thế giới, khi ngài nói rằng “Chúng tôi đang quan tâm tới tình trạng trên thế giới và chúng tôi đang hỏi là ‘Chúng tôi tìm đâu ra những tiêu chuẩn để theo đó mà sống, đâu là những qui tắc chi phối việc hợp tác hữu trách trong vấn đề xây dựng hiện tại và tương lai của thế giới chúng ta đây?’”

 

Giới trẻ ước muốn trở thành cao cả. Thế nhưng, để chiếm được cái cao cả, họ cần phải nghĩ đến người khác, nhất là những ai xa lạ. Họ cũng không thể đạt được điều này một mình. Họ cần vai trò lãnh đạo và các phương tiện của chính quyền, việc chuyên chú và hợp tác của các tổ chức phi chính quyền và thiện chí cùng công khó của tất cả mọi người.

 

Theo chiều hướng của mối quan tâm ấy, phái đoàn đại biểu chúng tôi cẩn thận theo dõi những diễn tiến từ cuộc khởi sự 10 năm trước đây về Chương Trình Hoạt Động Quốc Tế cho Giới Trẻ. Mười lãnh vực ưu tiên của chương trình này để hoạt động là những gì chạm tới những vấn đề và những đề tài quan trọng ảnh hưởng đời sống của giới trẻ và thế giới của chúng ta.

 

Bản Tường Trình Giới Trẻ Thế Giới 2005 của vị tổng thư ký quay về với một số những yếu tố gây rắc rối vẫn còn chi phối tới đời sống của giới trẻ ngày nay. Nói đến một trong những quan tâm này, phái đoàn đại biểu tôi đây xin lập lại chủ trương của mình về vấn đề sử dụng việc diễn tả “sức khỏe tình dục và sản sinh”, như được chất chứa trong bản tường trình ấy. Phái đoàn đại biểu tôi đây hiểu nó như là một thứ cổ võ cho sức khỏe của nữ giới, nam nhân, giới trẻ và trẻ em. Nó không xét tới vấn đề phá thai hay phương tiện phá thai như là một khía cạnh của những từ ngữ ấy.

 

Tòa Thánh cũng tiếp tục dấn thân trọn vẹn cho vai trò của giới trẻ nơi nền kinh tế, tình trạng nghèo khố, vấn đề giáo dục và vấn đề công ăn việc làm toàn cầu. Hiện nay trên thế giới có trên 196 ngàn trường tiểu học và trung học với trên 51 triệu trẻ em và thanh thiếu niên học sinh. Ngoài ra còn có gần 1 ngàn đại học đường Công giáo và các học viện Công giáo khác, giáo dục trên 4 triệu thành phần trưởng thành trẻ tuổi. Giới trẻ đang được giúp đỡ để lãnh nhận việc giáo dục họ xứng đáng và khích lệ để trao tặng lại cho người khác. Giáo dục là một tặng ân được tiếp tục trao ban.

 

Đối với vấn đề “tuổi trẻ liên quan tới vấn đề xã hội, môi sinh, giải trí và tham dự”, qua hằng ngàn nhóm trẻ khắp thế giới, Giáo Hội Công giáo chia sẻ và cổ võ tầm quan trọng của việc chăm sóc cho bản thân, môi sinh và đồng bạn.

 

Về vấn đề “tuổi trẻ đang có nguy cơ, sức khỏe, thuốc phiện, phạm pháp và kỳ thị với thánh phần nhi nữ và thanh nữ”, có khoảng gần 12 ngàn bệnh viện và tổ chức chăm sóc sức khỏe và ngăn ngừa y tế của Công Giáo trên khắp thế giới. Những người chuyên nghiệp địa phương được huấn luyện đàng hoàng, qua các việc họ làm, hỗ trợ cho nguyên tắc là tất cả mọi sự sống của con người đều linh thánh, và một mội người đều đáng giá. Giới trẻ được hiển nhiên chăm sóc như các phần tử cao quí và mềm yếu của xã hội.

 

Thưa Ông Chủ Tịch, khả năng để hoàn tất những mục đích chuyên biệt của 10 cái ưu tiên đang làm giảm sút việc dấn thân. Vấn đề qui tụ lại bàn luận cho giới trẻ đã gọi nó là “việc thực hiện dấn thân cho vấn đề ấy”. Chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp và phiền toái, và nhiều giới trẻ biết rằng việc dấn thân ấy đòi hỏi 3 điều, đó là việc nhìn nhận nhu cầu, nhất là nơi các phần tử nghèo khổ nhất của thế giới chúng ta đây; phác họa việc đáp ứng; và thực hiện cho tới cùng.

 

Tòa Thánh xin LHQ hãy tiếp tục nhận ra những nhu cầu của giới trẻ trên thế giới, nhất là của thành phần nghèo khổ nhất và yếu kém nhất trong họ. Nó cần phái tái dấn thân hơn nữa để cùng nhau hoạt động với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện những đáp ứng tức thời và dài hạn. Việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn là một tiến trình kéo dài suốt cả một đời. Nó thường là một cuộc hành trình rất ư là dâu dài. Thế nhưng, giới trẻ nhìn nhận rằng cuộc hành trình của họ mới được khởi sự. Và chính vì tuổi trẻ của mình mà họ vẫn còn ở những bước đầu trong việc mở đường cho sự thành đạt trong tương lai. Hết mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều quan trọng khi chúng ta cùng nhau kiến thiết một thế giới an toàn và hạnh phúc cho giới trẻ.

 

Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 10/10/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ