GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 3/10/2005

 

1)   ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng cho Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI.

2) ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 27 Thường Niên 2/10/2005 liên quan tới Thượng Nghị Giám Mục về Thánh Thể

3) Kinh Cầu cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, về Thánh Thể (2-23/10/2005)

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng cho Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI.

 

Các bài đọc của Chúa Nhật tuần này, được trích từ sáqch Tiên Tri Isaia và Phúc Âm, cho chúng ta thấy một trong những hình ảnh lớn của Thánh Kinh, đó là hình ảnh vườn nho.

 

Trong Thánh Kinh, bánh biểu hiệu cho những gì con người cần cho cuộc sống hằng ngày của họ. Nước làm cho đất đai phì nhiêu mầu mỡ: Nó là tặng ân thiết yếu giúp cho sự sống được khả dĩ. Trái lại, rượu nho là biểu hiệu cho tính chất thanh tú của thiên nhiên tạo vật, nó cống hiến cho chúng ta một bữa tiệc vượt ra ngoài các hạn chế của cuộc sống hằng ngày: Rượu “làm hoan lạc tâm can”.

 

Như thế, rượu cùng với cây nho cũng trở thành hình ảnh của tặng ân yêu thương, làm cho chúng ta có một cảm nghiệm nào đó về mùi vị thần linh. Bởi vậy, bài đọc của tiên tri Isaia chúng ta vừa nghe mở đầu bằng một ca vịnh yêu thương: Thiên Chúa đã thiết lập một vườn nho, hình ảnh về lịch sử Ngài yêu thương nhân loại, về tình Ngài yêu thương dân Yến Duyên được Ngài tuyển chọn.

 

Ý tưởng đầu tiên về bài đọc hôm nay đó là: Thiên Chúa đã làm thấm nhập nơi con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài khả năng yêu thương, nhờ đó, họ có khả năng yêu mến Ngài là Hóa Công của họ. Qua bài ca vịnh yêu thương của tiên tri Isaia, Thiên Chúa muốn nói với tâm can của dân Ngài cũng như nói với mỗi một người trong chúng ta.

 

Ngài nói với chúng ta rằng: “Cha đã tạo dựng nên các con theo hình ảnh và tương tự như Cha. Chính Cha là tình yêu và các con là hình ảnh của Cha ở chỗ tình yêu rạng ngời nơi các con, ở chỗ các con yêu thương đáp ứng lại Cha”.

 

Thiên Chúa đợi chờ chúng ta. Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài: Lời mời gọi như thế lại không đánh động lòng chúng ta hay sao? Chính vào giờ khắc này đây, vào giờ khắc chúng ta cử hành Thánh Thể đây, giờ khắc chúng ta khai mạc Thượng Nghị về Thánh Thể đây, Ngài đến gặp gỡ chúng ta, Ngài đến để gặp gỡ tôi. Ngài có tìm thấy được đáp ứng hay chăng? Hay chúng ta lại giống như vườn nho được Thiên Chúa nói tới trong bài đọc của tiên tri Isaia: “Ngài mong nó sinh trái nho thì nó lại sinh nho dại”. Phải chăng đời sống của chúng ta có lẽ cũng thường trở thành dấm chua hơn là rượu? Thứ dấm chua của than van ta thán, của xung khắc tranh giành, của dửng dưng lạnh nhạt?

 

Như thế, chúng ta đi đến ý tưởng thứ hai của các bài đọc hôm nay. Ý tưởng này trước hết nói về cái tốt đẹp của việc Thiên Chúa tạo dựng cũng như về sự cao cả của việc Ngài muốn tìm kiếm và yêu thương chúng ta. Thế nhưng, ý tưởng ấy cũng nói về lịch sử xẩy ra sau đó, lịch sử về việc sa ngã của con người.

 

Thiên Chúa đã trồng những cây nho hảo hạng nhưng chúng lại sinh ra các thứ nho dại. Những trái nho dại đây là gì? Những trái nho tốt được Thiên Chúa mong muốn, theo lời vị tiên tri, là ở chỗ công minh và chính trực. Ngược lại, những thứ nho dại là bạo lực, là đổ máu và đàn áp, những gì khiến cho con người quằn quại dưới ách bất công.

 

Trong bài Phúc Âm, hình ảnh này được thay đổi: Vườn nho sinh ra những trái nho tốt, thế nhưng thành phần tá điền trồng nho lại giữ lấy những trái nho tốt này. Họ không muốn trả chúng về cho vị chủ nhân ông. Họ đánh đập và sát hại thành phần sứ giả và giết chết người con trai của vị chủ nhân ông này. Động lực thúc đẩy họ làm như thế không có gì là phứ ctạp cả: Họ muốn trở nên thành phần chủ nhân ông; họ lấy đi những gì không thuộc về họ.

 

Trong Cựu Ước, những gì thoạt tiên có vẻ vấn đề cáo trạng liên quan tới việc vi phạm về công lý xã hội, vấn đề con người khinh miệt con người. Tuy nhiên, sâu xa hơn, con người thấy rằng việc khinh thường Kinh Torah, khinh thường luật do Thiên Chúa ban bố, là khinh thường chính Thiên Chúa; chỉ vì ước vọng duy nhất là muốn hoan hưởng chính quyền lực. Khía cạnh này hoàn toàn được nổi bật trong dụ ngôn của Chúa Giêsu: Ở chỗ, thành phần tá điền không muốn chấp nhận vị chủ nhân, và thành phần tá điền ấy trở thành tấm gương cho chúng ta là con người đã chiếm quyền làm chủ thiên nhiên tạo vật đã được ký thác cho chúng ta quản trị.

 

Chúng ta muốn trở nên thành phần chủ nhân độc nhất vô nhị. Chúng ta muốn chiếm hữu thế giới và đời sống của chúng ta một cách vô giới hạn. Thiên Chúa là Đấng làm cho chúng ta ngứa ngáy khó chịu, hay chúng ta làm cho Ngài trở thành một thứ thành ngữ đạo đức thuần túy hoặc hoàn toàn chối bỏ Ngài, hoàn toàn loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống quần chúng, để nhờ đó Ngài không còn có một ý nghĩa gì nữa. Thứ khoan nhượng chỉ chấp nhận Thiên Chúa như là một thứ ý kiến riêng tư, thế nhưng lại chối bỏ Ngài ở lãnh vực công cộng, ở thực tại của thế giới và ở đời sống của chúng ta, không phải là khoan nhượng mà là giả hình.

 

Bất cứ lúc nào con người trở thành chủ nhân ông duy nhất của thế giới này và làm chủ chính mình thì không thể nào có vấn đề công lý. Bấy giờ chỉ có vấn đề thủ đoạn về quyền lực và lường gạt về lợi lộc mà thôi. Thật thế, người con có thể bị loại trừ khỏi vườn nho và bị sát hại để thành phần tá điền được hoan hưởng một cách vị kỷ những hoa trái của trái đất. Thế nhưng, bấy giờ vườn nho này lại sớm trở thành một khu vườn không được vun xới, bị giầy xéo bởi đám heo rừng, như trong bài đáp ca (x Ps 79:14).

 

Chúng ta tiến sang yếu tố thứ ba của các bài đọc hôm nay. Vị Chúa ở trong cả Cựu lẫn Tân Ước đã loan báo phán quyết về số phận vườn nho bất trung. Phán quyết tiên tri Isaia thấy trước đã được hiện thực nơi những cuộc đại chiến và lưu đầy gây ra bởi những người Assyria và Babylonia. Phán quyết được Chúa Giêsu loan báo liên quan trước hết tới việc hủy hoại của thành Giêrusalem năm 70.

 

Thế nhưng, mối đe dọa bị phán quyết cũng ảnh hưởng cả đến chúng ta nữa, một Giáo Hội ở Âu Châu, Giáo Hội của Tây phương nói chung. Qua bài Phúc Âm này, Chúa cũng la lên trong tai chúng ta những lời Ngài đã nói đến trong Sách Khải Huyền về Giáo Hội ở Êphêsô: “Ta sẽ đến với các người và sẽ lấy đi ngọn đèn của các người khỏi chỗ của nó, trừ phi các người ăn năn thống hối” (2:5). Thứ ánh sáng này cũng có thể bị lầy đi khỏi chúng ta, và chúng ta cần phải làm sao cho lời cảnh báo hoàn toàn nghiêm trọng này vang vọng trong tâm hồn của chúng ta, để đồng thời kêu lên cùng Chúa rằng: “Xin hãy giúp chúng con ăn năn cải thiện! Xin hãy ban cho chúng con ân sủng thực hiện việc canh tân đích thực! Xin đừng để ánh sáng ấy bị tắt mất nơi chúng con! Xin hãy củng cố đức tin của chúng con, đức cậy của chúng con và đức mến của chúng con để chúng con có thể sinh hoa kết trái tốt đẹp!”.

 

Đến đây, một vấn đề được đặt ra là: “Thế nhưng, có hứa hẹn hay chăng, có lời nào an ủi trong bài đọc và bài Phúc Âm hôm nay hay chăng? Phải chăng đe dọa là tất cả những gì muốn nói tới?” Không! Có một lời hứa hẹn và đó là tất cả những gì muốn nói tới, là điều thiết yếu. Chúng ta nghe lời hứa hẹn này nơi câu alleluia được trích từ Phúc Âm Thánh Gioan: “Thày là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thày và Thày ở trong họ thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (15:5).

 

Qua những lời lẽ này của Chúa Kitô, Thánh Gioan đã cho chúng ta thấy cái kết thúc cuối cùng đích thực của lịch sử vườn nho của Thiên Chúa – đó là Thiên Chúa không bị thảm bại. Cuối cùng Ngài sẽ chiến thắng – tình yêu chiến thắng. Một hình ảnh lờ mờ đã hiện lên trong bài dụ ngôn về vườn nho của bài Phúc Âm hôm nay cũng như ở những lời cuối cùng của bài Phúc Âm này. Nơi đoạn cuối này, cái chết của người con không phải là kết thúc lịch sử, cho dù nó không trực tiếp nói như thế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã diễn tả cái chết này bằng một hình ảnh được lấy từ bài Thánh Vịnh: “Chính tảng đá bị đám thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường” (Mt 21:42; Ps 117:22).

 

Sự sống đã được phát sinh từ cái chết của người con này, một dinh thự mới được thiết lập, một vườn nho mới xuất hiện. Ở Cana, Người đã biến nước lã thành rượu, Người đã biến đổi máu Người thành thứ rượu của tình yêu chân thật, nhờ đó, biến đổi rượu thành máu của Người. Ở Nhà Tiệc Ly, Người đã hướng về cái chết của Người và đã biến đổi cái chết này thành việc trao ban chính bản thân Người, một tác động yêu thương sâu xa. Máu của Người là một tặng ân, là tình yêu, và bởi thế máu đó là thứ rượu thực sự được Đấng Hóa Công mong muốn. Như thế, chính Chúa Kitô trở thành vườn nho và vườn nho này bao giờ cũng sinh ra trái tốt – đó là sự hiện diện tình Người yêu thương chúng ta, một tình yêu bất khả bị hủy diệt.

 

Những điều ấy, cuối cùng, đồng tụ lại nơi mầu nhiệm Thánh Thể, một mầu nhiệm Chúa Kitô đã ban cho chúng ta bánh sự sống và rượu yêu thương của Người, cùng mời gọi chúng ta hãy đến với bữa tiệc của tình yêu vĩnh cửu này. Chúng ta cử hành Thánh Thể với ý thức rằng cái giá của Thánh Thể là cái chết của người con ấy, là hy hiến của mạng sống Người, một hy hiến vẫn hiện diện nơi Thánh Thể. Mỗi khi chúng ta ăn bánh này và uống chén ấy là chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Người lại đến, như Thánh Phaolô nói (x 1Cor 11:26).

 

Thế nhưng, chúng ta cũng biết rằng từ cái chết này sự sống đã được phát sinh, khi Chúa Giêsu biến đổi cái chết ấy bằng cử chỉ hiến tế, biến đổi thành một tác động yêu thương, biến đổi một cách sâu xa: Tình yêu đã chiến thắng tử thần. Nơi Thánh Thể, Người đã từ thập tự giá kéo tất cả mọi con người đến cùng Người (Jn 12:32), và Người đã biến chúng ta thành những cành của cây nho là chính bản thân Người. Nếu chúng ta hiệp nhất với Người, chúng ta nhờ đó cũng sinh hoa kết trái, nhờ đó chúng ta sẽ không còn sinh ra dấm chua của lòng tự mãn, của cái bất đồng với Thiên Chúa cũng như với thiên nhiên tạo vật của Ngài, nhưng trở thành thứ rượu ngon của niềm vui Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân.

 

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Người để trong ba tuần lễ thượng nghị này để chúng ta bắt đầu chẳng những nói những điều tốt đẹp về Thánh Thể mà chúng ta còn sống bằng sức mạnh của Người nữa. Quí nghị phụ thượng nghị thân mến, những vị tôi thân ái chào thăm, chào thăm cả  các cộng đồng khác nhau là nơi qúi nghị phụ sống và đại diện  nơi đây, chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria cầu xin cho được tặng ân này, để nhờ dễ dạy với tác động của Thánh Linh, chúng ta có thể giúp cho thế giới được biến đồi – trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô – thành cây nho sai trái của Thiên Chúa. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 2/10/2005

 

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 27 Thường Niên 2/10/2005 liên quan tới Thượng Nghị Giám Mục về Thánh Thể

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Việc cử hành Thánh Thể vừa chấm dứt trong Đền Thờ Thánh Phêrô, việc cử hành để khai mạc cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thường Lệ. Các nghị phụ của cuộc họp này, đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng với các chuyên gia và thành phần đại biểu, sẽ sống trên ba tuần tới đây với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, một thời gian đặc biệt để nguyện cầu, suy tư chia sẻ về đề tài: “Thánh Thể: Nguồn Mạch và Thượng Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”.

 

Tại sao lại là đề tài này? Phải chăng nó là một lập luận tự nhiên mà có – tự nhiên mà được? Thật vậy, tín lý Công giáo về Thánh Thể, một tín lý được xác định theo thẩm quyền của Công Đồng Chung Triđentinô, là những gì cần phải được chấp nhận, sống động và truyền đạt cho cộng đồng giáo hội một cách mới mẻ hơn, thích hợp với thời đại.

 

Thánh Thể cũng được coi như là một thứ “ống kính” để liên lỉ xem xét dung nhan và đường lối của Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập để tất cả mọi người có thể nhận biết tình yêu Thiên Chúa và tìm thấy nơi Ngài sự sống viên trọn. Đó là lý do, vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta mới muốn giành cho Thánh Thể cả một năm, một năm được bế mạc chính vào ngày kết thúc Cuộc Thượng Hội này vào ngày 23/10, thời điểm cũng sẽ cử hành Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo.

 

Sự trùng hợp này là để giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thánh Thể theo chiều kích truyền giáo. Thật vậy, Thánh Thể là động lực của toàn thể hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, như con tim nơi thân thể của con người. Các cộng đồng Kitô hữu – không cử hành Thánh Thể là việc họ được dưỡng nuôi ở hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa Kitô – sẽ mất đi bản chất chân thực của mình: Chỉ ở mức độ là “Thánh Thể” các cộng đồng này mới có thể truyền đạt Chúa Kitô cho con người, chứ không phải chỉ là những ý tưởng hay giá trị, cho dù những thứ này có cao quí và quan trọng đến đâu đi nữa.

 

Thánh Thể đã khuôn đúc nên những vị tông đồ truyền giáo nổi danh ở tất cả mọi bậc sống: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân và các thánh sống đời hoạt động và chiêm niệm. Một mặt, chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Phanxicô Xaviê, vị được lòng kính mến Chúa Kitô đưa đến Viễn Đông để loan báo Phúc Âm; đàng khác, Thánh Thérèse thành Lisieux, người nữ đan tu Carmêlô trẻ trung, vị chúng ta đã thực sự cử hành lễ hôm qua, Chị đã sống trong nội vi tu viện với tinh thần tông đồ hăng say, lập công đi rao giảng, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê, làm quan thày của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.

 

Chúng ta hãy kêu xin các vị chuyển cầu cho công cuộc của thượng nghị này, cũng như việc chuyển cầu của các Vị Thiên Thần Bản Mệnh được chúng ta kính nhớ hôm nay. Với lòng tin tưởng, chúng ta hãy ký thác bản thân mình trên hết cho Trinh Nữ Maria, vị chúng ta sẽ kính tôn vào ngày 7/10 tới đây với tước hiệu Đức Trinh Nữ Mân Côi. Tháng Mười được giành cho kinh mân côi thánh, cho việc nguyện cầu chiêm niệm đặc thù là những gì, được Mẹ của Chúa ở trên trời của chúng con dẫn dắt. Chúng ta gắn chặt mắt vào dung nhan của Chúa Kitô.

 

Lời Kinh Nguyện cổ thời này đang trải qua một cuộc thăng hoa mới thuận lợi, một phần nhờ gương sáng và giáo huấn của Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta. Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại tông thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria” và mang ra thực hành những gì ngài chỉ dẫn ở tầm cấp cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chúng ta ký thác cho Mẹ Maria các việc làm của cuộc thượng nghị giám mục này: Xin Mẹ dẫn toàn thể Giáo Hội đến chỗ nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết sứ vụ của Giáo Hội trong việc phụng sự Đấng Cứu Chuộc thực sự đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 2/10/2005

 

 TOP

 

Kinh Cầu cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, về Thánh Thể (2-23/10/2005)

 

Sau đây là nguyên văn bản Kinh Cầu cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ Lần XI được Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Nghị phổ biến khi mở màn cho biến cố quan trọng này.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cha đã truyền chúng con phải lắng nghe như Người Con yêu dấu của Ngài, xin hãy chiếu sáng của Chúa trên Giáo Hội Chúa, để Giáo Hội không còn gì thánh thiện hơn là lắng nghe tiếng Chúa và theo chân Chúa. Chúa là Vị Mục Tử Tối Cao và là Đấng Làm Chủ các Linh Hồn. Bởi thế xin Chúa hãy ghé mắt trên các Vị Mục Tử của Giáo Hội qui tụ lại với Người Kế Thừa Thánh Phêrô vào những ngày này nơi cuộc thượng nghị đây. Chúng con nài xin Chúa hãy thánh hóa các vị trong chân lý và củng cố họ trong tin yêu.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa hãy sai Thần Linh yêu thương và chân thật của Chúa đến với các vị giám mục tham dự thượng nghị này, cũng như trên tất cả những ai giúp các vị hoàn thành công việc của các vị. Xin Chúa hãy làm cho họ trung thành hơn với Vị Thần Linh đang nói cùng các Giáo Hội; xin hãy khơi động các linh hồn và dạy cho họ biết sự thật bởi cũng Vị Thánh Linh ấy. Qua công việc của các vị, chớ gì thành phần tín hữu thuộc các Giáo Hội của các vị được thanh tẩy và kiên cường trong tinh thần, nhờ đó, họ có thể tiến hơn trong việc theo Phúc Âm, một Phúc Âm nhờ đó Chúa đã hoàn tất ơn cứu độ, và họ có thể làm cho họ trở thành một của lễ sống động hiến dâng lên Cha trên trời.

 

Xin Mẹ Maria, Người Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội, hỗ trợ các vị Giám Mục trong những ngày này, như Mẹ đã phù giúp các Vị Tông Đồ ở Nhà Tiệc Ly, và lấy tình từ mẫu chuyển cầu để duy trì mối hiệp thông huynh đệ nơi các vị, cho các vị được hoan hưởng dồi dào và bình an trong sự tĩnh lặng của những ngày này, và nhờ biết nhận ra các dấu chỉ thời đại, cho các vị biết cử hành sự uy nghi của Vị Thiên Chúa nhân hậu xót thương, Vị Chúa của Lịch Sử, hầu ngợi khen và tôn vinh Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 2/10/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ