GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 4/10/2005

 

1)   Tường Trình về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI về Thánh Thể

2) Lược Tóm Các Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và Các Châu Lục

3) Văn Kiện "Instrumentum laboris" về Thánh Thể cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

 

Tường Trình về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI về Thánh Thể

 

ĐTGM Nokola Eterovic, tổng thư ký của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI, hôm Thứ Bày 1/10/2005, đã phổ biến những chi tiết về biến cố này cho thành phần phóng viên báo chí như sau:

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ XI về chủ đề “Thánh Thể: Nguồn Mạch và Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”, sẽ được bắt đầu vào ngày mai, 2/10. Thượng Nghị Giám Mục này sẽ được mở màn với Thánh Thể do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ tế và khoảng 350 nghị phụ đồng tế cùng với sự hiện diện của thành phần tham dự thượng nghị này. (Phụ chú của người dịch Việt ngữ ở đây về con số đồng tế trong Thánh Lễ khai mạc này theo mạng điện toán toàn cầu Zenit cho biết là 55 hồng y, 59 tổng giám mục, 123 giám mục và 81 linh mục).

 

Thật là ý nghĩa khi Cuộc Thượng Nghị Giám Mục về chủ đề Thánh Thể này được mở đầu bằng việc cử hành Thánh Lễ. Với cử chỉ ấy, các vị nghị phụ, thành phần được tuyển chọn trong hàng giám mục của Giáo Hội Công Giáo, và bởi thế, của dân Chúa khắp nơi trên thế giới, dâng lời chúc tụng Thiên Chúa là Cha, Đấng ở trên trời, kêu cầu ân sủng của Thánh Linh, tặng ân của Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã phục sinh và đang hiện diện giữa dân Người, nhất là trong bí tích Thánh Thể. Chính trong chiều hướng đức tin, đức cậy và đức mến yêu Thánh Thể này mà các hoạt động của cuộc thượng nghị được thực hiện.

 

Cuộc cử hành Tổng Hội Thường Lệ lần thứ XI của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới này diễn ra vào dịp mừng kỷ niệm 40 năm Thượng Nghị này được hình thành, vào ngày 15/9/1965, bởi Vị Giáo Hoàng Tôi Tớ Chúa Phaolô VI, bằng tự sắc “Apostolica Sollicitudo”. Bởi thế, không lạ gì trong cuộc hội nghị tới đây sẽ có một buổi giành riêng để tưởng niệm biến cố quan trọng này của giáo hội. Cuộc Thượng Nghị Giám Mục này là một trong những hoa trái hứa hẹn của Công Đồng Chung Vaticanô II, đã chứng tỏ trong 4 thập niên qua, là một phương tiện xứng đáng để thực thi đoán tính giáo phẩm và đi sâu vào những mối hiệp thông của giáo hội.

 

Bản chất và mục đích của Cuộc Thượng Nghị Giám Mục này được rõ ràng nêu lên trong bức tông thư “Apostolica Sollicitudo” được đề cập tới trên đây. Sau đó, những đặc tính ấy đã được tập trung và diễn giải theo các khía cạnh về pháp lý ở các khoản Giáo Luật 342-348. Có lẽ không dư thừa gì khi nhắc lại rằng, ngoài việc làm kiên cường những mối tương liên với nhau giữa các vị Giám Mục cũng như với Đức Thánh Cha là Vị Giám Mục Rôma thì một trong những mục đích của Thượng Nghị này là để giúp cho Đức Giáo Hoàng Rôma trong việc bảo toàn và gia tăng đức tin cùng những tập tục cho hợp với và đúng với kỷ luật của giáo hội. Thêm vào đó, công việc của cuộc Thượng Nghị này là để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sinh hoạt của Giáo Hội trên thế giới, cũng như để đặc biệt quan tâm theo dõi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.

 

Từ khi được thành lập 40 năm trước đây, Cuộc Thượng Nghị Thế Giới đã đóng góp khả quan vào việc cổ võ tính cách đồng hành nơi Giáo Hội Công Giáo, liên quan tới những vấn đề có tầm vọng hết sức quan trọng đối với đời sống của cộng đồng tín hữu, những vấn đề hầu hết thích hợp với các chủ đề của từng cuộc thượng nghị. Về việc này thì các hội đồng thường lệ, ngoại lệ và đặc biệt thuộc Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Nghị Giám Mục đã đóng một vai trò đặc biệt qua nhiều phiên họp để sửa soạn và áp dụng, chặt chẽ liên kết với Đức Thánh Cha là đầu của cơ cấu giáo phẩm và là Chủ Tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Việc bày tỏ tính cách đồng hành đặc biệt này, tính cách làm nên chiều kích đoàn tính của nó, đã được thể hiện trong 20 cuộc thượng nghị, trong đó có 10 cuộc thượng nghị thường lệ, 2 cuộc ngoại lệ, và 8 cuộc đặc biệt. Với Cuộc Thượng Nghị Thường Lệ XI này, con số các cuộc thượng nghị giám mục lên tới 21 lần. Căn cứ vào giai đoạn 40 năm hiện hữu của mình thì trung bình cứ 19 tháng có một Cuộc Thượng Nghị Giám Mục.

 

Một số dữ kiện liên quan đến Cuộc Thượng Nghị XI

 

Có 256 vị nghị phụ thuộc 118 quốc gia sẽ tham dự cuộc thượng nghị này. Đây là con số tham dự viên cao nhất tham dự vào một cuộc thượng nghị như thế này. Chẳng hạn, chỉ có 247 vị nghị phụ trong cuộc thượng nghị năm 2001 mà thôi.

 

Trong số 256 vị nghị phụ lần này, có 177 vị được tuyển chọn, 39 vị tham dự “không chính thức”, và 40 vị được ĐTC chỉ định. Trong tổng số các vị nghị sự, có 55 vị hồng y, 8 vị thượng phụ, 82 vị tổng giám mục, 123 vị giám mục, 36 vị chủ tịch các hội đồng giám mục và 12 tu sĩ.

 

Các vị nghị phụ đến từ đủ mọi châu lục, đặc biệt có 50 vị từ Phi Châu, 59 từ Mỹ Châu, 44 từ Á Châu, 95 từ Âu Châu và 8 từ Đại Dương Châu.

 

Cũng có 32 chuyên gia và 27 kiểm viên đến từ năm châu. Việc đóng góp đáng giá đối với sự tiến triển của hoạt động này cũng được góp phần của thành phần trợ tá và thông dịch viên 6 thứ tiếng là Latinh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức.

 

Có 12 Giáo Hội và cộng đồng giáo hội đã được mời gửi thành phần đại diện của họ tới với Cuộc Thượng Nghị lần này, trong số đó, cho tới nay, có 10 nơi đã cho biết tên  tuổi của người đại diện. Những vị đại biểu huynh đệ tham dự vào biến cố này, có thể chia sẻ nhưng không thể bỏ phiếu. Quyền bỏ phiếu thuộc về 256 vị nghị phụ mà thôi.

 

Những Điều Mới Mẻ nơi Phương Pháp Làm Việc của Thượng Nghị XI

 

Sự kiện này dễ được nhận thấy nơi lịch trình hoạt động được sắp xếp cho 23 Cuộc Tổng Hội và 7 phiên họp của Các Nhóm Làm Việc.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã sẵn sàng chuẩn ý một số đổi mới nơi phương pháp làm việc của cuộc thượng nghị này, với mục đích là để làm cho cuộc thượng nghị này linh hoạt hơn, tham dự hơn, và nhờ đó có đoàn tính hơn.

 

Khi cứu xét tới vấn đề cuộc Thượng Nghị này sẽ kéo dài 3 thay vì 4 tuần lễ, và số tham dự viên cao hơn, thì vấn đề cần là giảm bớt thời gian bày tỏ của các vị nghị phụ xuống từ 8 còn 6 phút thôi, cả con số các phiên họp của Các Nhóm Làm Việc cũng thế.

 

Các vị nghị phụ được khéo léo mời gọi khi lên tiếng theo một số thứ tự theo 4 phần của bản văn kiện  làm việc “instrumentum laboris”. Đề nghị này, một đề nghị đã có trong tập “Ordo Synodi”, giúp thuận lợi hóa việc tập trung về những suy tư sẽ có một lúc đặc biệt trong các cuộc bàn luận tự do ở Sảnh Đường Thượng Nghị, vào cuối các cuộc tổng hội hằng ngày từ 6 đến 7 giờ chiều. 

 

Để việc tham dự được dồi dào hơn, các vị nghị phụ sẽ chọn 8 phần tử vào “Ủy Ban soạn Sứ Điệp”, một sứ điệp sẽ được thượng nghị chuẩn nhận và phổ biến vào lúc kết thúc biến cố này. Bốn trong 8 vị thuộc ủy ban này do ĐTC chỉ định.

 

Vì những lý do thực tế, việc bỏ phiếu bằng điện tử về những quyết định ít quan trọng sẽ được thực hiện để thí nghiệm xem sao “ad experimentum”.

 

Sảnh Đường Cuộc Thượng Nghị đã được tối tân hóa, đặc biệt với những thứ cải tiến về ánh sáng, máy điều hóa không khí và các thứ dịch vụ về việc thu chiếu hình ảnh.

 

Đó là một số những đổi mới về phương pháp làm việc, những đổi mới có thể xẩy ra theo lịch sử của việc thiết lập cuộc thượng nghị này. Thật vậy, trong 40 năm qua, phương pháp làm việc của cuộc thượng nghị này đã trải qua những tu chính khác nhau với mục đích là để làm cho sâu xa tính cách đoàn tính giáo phẩm, qua việc cống hiến những lời khuyên giá trị cho Đức Thánh Cha trong vai trò của ngài làm Giáo Chủ kế vị Thánh Phêrô vì thiện ích của Giáo Hội hoàn vũ.

 

Có lẽ chưa có một Thượng Nghị Giám Mục nào được cử hành như cuộc sắp tới đây, trong một môi trường thiết tha nguyện cầu và tham gia sốt sắng của hằng triệu tín hữu, thành phần trong Năm Thánh Thể, kêu cầu Chúa ban ơn để tìm gặp Đấng họ đã được hội ngộ khi cử hành Thánh Lễ là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, một cuộc tái hiện thực hy tế của Người, khi thông phần chung riêng vào bàn tiệc hiệp hôn cánh chung của Con Chiên bị sát tế.

 

Cái môi trường mong đợi và tham dự sốt sắng này là những gì cho thấy một niềm hy vọng vững chắc là việc nguyện cầu chung của Giáo Hội sẽ được chấp nhận của Vị Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi, và hy vọng rằng người ta có thể trông chờ từ Cuộc Thượng Nghị Giám Mục này một động lực mới trong việc loan báo Phúc Âm, loan báo tin mừng cho con người đường thời, một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa được bắt nguồn từ mầu nhiệm Thánh Thể, một việc truyền bá phúc âm hóa làm tái sinh đời sống đức tin, đức cậy và đức mến, nhờ đó, những người tín hữu, cởi mở trước tác động của Thánh Thần, sẽ biết dấn  thân chuyển biến cái sáng tạo bác ái thích hợp thành nhiều hoạt động cổ võ về nhân bản.


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 2/10/2005.

 

 

TOP

 

Lược Tóm Các Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và Các Châu Lục

Theo một công báo của Tòa Thánh hôm nay, Thứ Ba 8/7/2003, thì Hội Đồng Tổng Thư Ký Thượng Hội Giám Mục đã họp nhau lần thứ sáu vào ngày 1-2/7/2003 tại văn phòng chính của mình. Hội Đồng này gồm có ĐHY Jan P. Schotte, C.I.C.M., 6 HY, 4 TGMvà 4 phần tử của văn phòng tổng thư ký, để bàn đến Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ 11. Hội Đồng này sẽ tái họp vào Tháng 10/2003.

Nhân dịp này thoidiemmaria.net xin mời độc giả lược qua tiến trình của các Thượng Hội Giám Mục Thế Giới cũng như Hội Nghị Giám Mục Châu Lục.

Các khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI đề xướng vào thời gian gần kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng văn kiện Apostolica Sollicitudo ban hành ngày 15-9-1965, với kỳ họp đầu tiên đã được bắt đầu từ tháng 10 năm 1967, sau Công Đồng 2 năm. Phần ĐTC GPII, từ sau Biến Cố Đông Âu, ngài bắt đầu các Thượng Nghị Giám Mục Châu Lục, nhất là để sửa soạn long trọng mừng Đại Năm Thánh 2000.

Các Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 1, 29/9-29/10-1967, về việc bảo trì và kiên cường đức tin Công Giáo : chuyên chính, năng lực, phát triển cùng sự nối kết của đức tin Công Giáo giữa tín điều và lịch sử.

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ thứ nhất, 11-28/10/1969, về bản chất và ý nghĩa của giáo phẩm đoàn, về mối liên hệ của giám mục và hội đồng giám mục với giáo hoàng cũng như với nhau.

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 2, 30/9-6/11/1971, về các vị tư tế thừa tác và sự chính trực trong thế giới.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 3, 29/9-26/10/1974, về việc truyền bá Phúc Âm hóa trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 8-12-1975.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 4, 30/9-29/10/1977, về việc dạy giáo lý trong thời đại của chúng ta, được đúc kết trong tông huấn Catechesi Tradendae do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16-10-1979.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 5, 26/9-25/10/1980, về vai trò của gia đình Kitô hữu trong thế giới tân tiến, được đúc kết trong tông huấn Familiario Consortio do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô ban hành ngày 22-11-1981.                     

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 6, 29/9-29/10/1983, về việc hòa giải và thống hối trong sứ mệnh của Giáo Hội hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Hòa Giải và Thống Hối Reconciliatio et Paenitenlia do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 2-12-1984.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ thứ hai, 24/11-8/12/1985, về Công Đồng Vaticanô II, trong việc thẩm định sự áp dụng của Công Đồng 20 năm qua, cũng như trong việc tìm cách phát động sự canh tân trong Giáo Hội theo tinh thần và văn tự của Công Đồng.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 7, 1-30/10/1987, về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới, được đúc kết trong tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân Christifideles Laici  do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 20-12-1988.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 8, 30/9-28/10/1990, về việc đào tạo linh mục trong các hoàn cảnh của ngày hôm nay, được đúc kết trong tông huấn Pastores Dabo Vobis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1992.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 9, 2-29/10/1994, về đời tận hiến và sứ mệnh của nó trong Giáo Hội và trong thế giới, được đúc kết trong tông huấn Đời Tận Hiến Vita Consecrata do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1996.

           

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 10, 1-23/10/1999, với mục tiêu nhắm đến giới còn lại là hàng giáo phẩm, bàn về chủ đề là "Giám mục: Tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu đối với niềm hy vọng của Thế Giới", được đúc kết trong tông huấn Mục Tử Đàn Chiên Chúa Pastores gregis do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2003.

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ thứ 11, diễn ra vào thời đoạn 2-23/10/2005, cuối Năm Thánh Thể (17/10/2004-23/10/2005), kỷ niệm 40 năm (15/9/1965-2005) thiết lập Thượng Nghị Giám Mục này, bàn về chủ đề là "Thánh Thể là Nguồn Mạch và Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội", sẽ được đúc kết trong một tông huấn do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban hành vào một ngày nào đó trong tương lai.

 

Các  Thượng Nghị Giám Mục Châu Lục:

           

Thượng Nghị Giám Mục Âu Châu, đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã diễn ra tại Rôma từ ngày 28-11 đến 14-12 năm 1991, tức theo sau Biến Cố Đông Âu sụp đổ năm 1989 và ngay trước biến cố Nước Nga trở lại ngày 25-12-1991, để lợi dụng tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản bàn về vai trò Kitô giáo trong tương lai của Âu Châu cũng như về vai trò tác hiệu của Giáo Hội Công Giáo trong việc hình thành một trật tự xã hội chân chính.

           

Thượng Nghị Giám Mục Phi Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 10/4-8/5/1994 với chủ đề "Giáo Hội ở Phi Châu với sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hướng về năm 2000: 'Các con sẽ là nhân chứng của Thày'", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Africa ban hành ngày 14-9-1995, dịp ngài thăm Phi Châu.

           

Thượng Nghị Giám Mục Mỹ Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 16/11-12/12/1997, với chủ đề "Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hằng sống: Con đường dẫn đến Hối Cải, Hiệp Thông và Đoàn Kết", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in America ban hành tại Mexicô City ngày 22-1-1999, dịp ngài thăm Mỹ Châu.

           

Thượng Nghị Giám Mục Á Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 19/4-14/5/1998, từ ngày 19-4 đến 14-5, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với Sứ Mệnh Yêu Thương và Phục Vụ của Người ở Á Châu", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Asia ban hành ngày 6/11/1999, dịp ngài thăm Á Châu ở Tân Đề Li Ấn Độ.

           

Thượng Nghị Giám Mục Đại Dương Châu nhóm họp tại Rôma vào ngày 23/11-12/12/1998, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô và nhân dân Đại Dương Châu - 'Đi Con Đường của Người, nói Sự Thật của Người và sống Sự Sống của Người'". được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Oceania ban hành ngày 22/11/2001, và được ngài lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội ban hành và gửi đi bằng hệ thống điện toán toàn cầu cho tất cả mọi giáo phận địa phương thuộc châu lục này.

           

Thượng Nghị Giám Mục Âu Châu nhóm họp lần thứ hai vào thời khoảng 1-23/10/1999 tại Rôma, với chủ đề "Chúa Giêsu Kitô vẫn sống nơi Giáo Hội, Nguồn Mạch Hy Vọng cho Châu Âu", được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết trong tông huấn Ecclesia in Europe ban hành ngày 28/6/2003.

 

Cảm Nhận:

 

Cảm nhận thứ nhất, đó là chủ đề của các kỳ họp Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới hiển nhiên nói lên rằng Giáo Hội muốn tiếp tục hay triệt để áp dụng tinh thần và đường hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II. Bởi thế chúng ta thấy các cuộc thượng nghị này hầu hết đã bàn đến những vần đề của Công Đồng thuộc thập niên 1960 trong khung cảnh hiện đại, như về vấn đề truyền giáo (kỳ họp 3 năm 1974), giáo lý (kỳ họp 4 năm 1977), gia đình (kỳ họp 5 năm 1980), giáo dân (kỳ họp 7 năm 1987), giáo sĩ (kỳ họp 8 năm 1990), tu sĩ (kỳ họp 9 năm 1994) và giám mục (kỳ họp 10 năm 2001). Trong Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin ngày 9/9/2001, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói đến chiều hướng này đối với Thượng Hội Giám Mục Thế Giới thường niên lần 10 như sau: “Công Đồng Chung Vaticanô II… sẽ là điểm tham vấn chính yếu cho công việc của cuộc họp này” (số 2).

 

Cảm nhận thứ hai, nếu chủ đề của các Thượng Hội Giám Mục Thế Giới gắn liền với Công Đồng Chung Vaticanô II, thì chủ đề của và cho các cuộc Công Nghị Giám Mục Các Châu trước Năm Thánh 2000 lại hoàn toàn hướng về Chúa Kitô, theo tinh thần và chiều hướng bức thông điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ban hành ngày 4/3/1979, một bức thông điệp chẳng những để mở màn cho giáo triều của ngài mà còn để thực hiện những gì vị Giáo Hoàng đầu tiên của thế kỷ 20, Thánh Giáo Hoàng Piô X, đã phác họa trong thông điệp đầu tiên của ngài là “phục hồi mọi sự trong Chúa KitôInstaurare omnia in Christo.

 

Cảm nhận thứ ba, đó là thời điểm của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường niên lần thứ 10. Theo lịch trình, đáng lẽ cuộc thượng nghị này đã được thực hiện từ cuối năm 1999, tuy nhiên đã được dời lại tới nay, 30/9-27/10/2001, thời điểm không ai ngờ được là trúng ngay sau Cuộc Khủng Bố Hoa Kỳ 11/9/2001, và đang khi xẩy ra Cuộc Trừng Trị Khủng Bố của hai nước Mỹ và Anh kể từ ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2001. Với chủ đề “Giám mục: Tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu đối với niềm hy vọng của Thế Giới", cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường niên lần thứ 10 ấy, cuộc họp về vấn đề Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Công Giáo, thành phần kế thừa các Tông Đồ là những chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô, một cuộc họp lại diễn ra vào chính giữa lúc thế giới biến loạn này, phải chăng là một dấu chỉ thời đại cho thấy, nếu Chúa Kitô “là ánh sáng chiếu trong tăm tối, một thứ tối tăm không át được ánh sáng” (Jn 1:5), và nếu Giáo Hội là “ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không thể bị che khuất được nữa” (Mt 5:14), thì quả thực “Giáo Hội trong thế giới tân tiến ngày nay” là “Gaudium et Spes”, là “niềm hy vọng của Thế Giới" vậy!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nghiên cứu, sưu tầm và tổng hợp

 

 TOP

Văn Kiện "Instrumentum laboris" về Thánh Thể cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI

Nội dung của văn kiện đúc kết để luận bàn “Instrumentum laboris” (dài 90 trang) này là một văn kiện dựa trên văn kiện gợi ý ban đầu "Lineamenta" cùng với những đóng góp của các hội đồng giám mục, các Giáo Hội Đông Phương, các phân bộ Tòa Thánh và Hiệp Hội Chư Bề Trên Tổng Quyền hồi đáp (trên 90%) khi nhận được bản văn kiện gợi ý.  Cả hai văn kiện gợi ý ban đầu lẫn văn kiện đúc kết luận bàn đều được khai triển theo chủ đề của thượng nghị thường lệ XI này: «Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội». Bố cục của văn kiện đúc kết luận bàn này bao gồm lời mở đầu, lời dẫn nhập, 4 phân đoạn, mỗi phân đoạn có 2 chương, và lời kết.

Phân đoạn 1 : «Thánh Thể và thế giới ngày nay», phân tách môi trường thời điểm lịch sử của thượng nghị lần này, «một giai đoạn được đánh dấu bởi những quyền lực tương phản mãnh liệt trong gia đình nhân loại». Về tình trạng cụ thể của nạn đói trên thế giới, bản văn viết : «Tình trạng thê thảm này là một thực tại không thể nào không được đề cập đến nơi cuộc bàn luận của các vị nghị phụ, những vị, như mọi Kitô hữu ở những giờ giấc khác nhau trong ngày, nguyện cầu cùng Chúa rằng : ‘Xin cho chúng con lương thực hằng ngày’».

Tiếp theo là nhận định về tình hình của Giáo Hội khắp thế giới liên quan tới việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật «nhiều ở các Giáo Hội riêng khác nhau nơi các xứ sở Phi Châu cũng như nơi một số quốc gia Á Châu. Ngược lại là trường hợp đa số ở các quốc gia Aâu Châu, Mỹ Châu và Đại Dương Châu».

Phân Đoạn 2: «Đức Tin của Giáo Hội vào Mầu Nhiệm Thánh Thể». Phân đoạn này chú trọng tới cách thức mầu nhiệm Thánh Thể được tín hữu cảm nhận, nhấn mạnh đến sắc thái của cảm nhận này bị biến đổi theo môi trường văn hóa : «Nơi những xứ sở đang hoan hường một bầu khí nói chung an bình và thịnh vượng – thường là các quốc gia tây phương – nhiều người cảm nhận mầu nhiệm Thánh Thể thuần túy là việc chu toàn luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và là một bữa tiệc thân hữu vậy thôi. Trái lại, ở những xứ sở trải qua chiến tranh cũng như những khốn khó khác, nhiều người lại hiểu mầu nhiệm Thánh Thể trọn vẹn hơn, tức là bao gồm cả khía cạnh hy sinh».

Ngoài ra, bản văn còn nhận định về những khiếm khuyết nơi việc cử hành Thánh Thể, một cử hành «thách đố cảm quan linh thánh». Những khiếm khuyết này bao gồm cả việc coi thường việc sử dụng những áo lễ phụng vụ xác đáng, các tham dự viên mặc áo quần bất xứng, hay tính chất về điêu khắc và nghệ thuật hà tiện nơi các ngôi nhà thờ. Tuy nhiên, «tất cả những thực tại tiêu cực này, thường xẩy ra ở phụng vụ Latinh hơn là các phụng vụ thuộc các Giáo Hội Đông Phương, không được đưa tới chỗ đại báo động, vì chúng chỉ ở trong một giới hạn nào đó thôi».

Phân Đoạn 3: «Thánh Thể trong Đời Sống của Giáo Hội» là phần đi sâu vào các chi tiết cử hành một cách đúng đắn Thánh Lễ, từ các nghi thức mở đầu cho tới kết lễ, cũng như tầm quan trọng của các qui chuẩn phụng vụ, những qui chuẩn được coi là «những điều hướng dẫn để tiến vào mầu nhiệm».

Phân Đoạn 4: «Thánh Thể nơi Sứ Vụ của Giáo Hội». Phân đoạn này nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Thánh Thể như là «nguồn luân lý Kitô giáo», khi nhắc lại rằng Thánh Thể «bao giờ cũng tăng sức cho các tín hữu thực hiện những quyết định cùng với những hành vi cử chỉ về đạo lý và luân lý».

Theo chiều hướng ấy, bản văn bàn đến vấn đề liên kết giữa Thánh Thể và hòa bình, hiệp nhất và đại kết, cũng như với các vấn đề như hội nhập văn hóa và mối liên hiệp thông.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo VIS ngày 7/7/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ