GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 10/11/2005

 

?   Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới Chào Mừng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Diễn Văn Ngỏ Cùng Những Vị Đại Diện Liên Hiệp Lutherô Thế Giới

?  Việt Nam Động Đất -  Động Đất Việt Nam

 

?   Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới Chào Mừng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI 

 

Hôm Thứ Hai 7/11/2005, ĐTC Biển Đức XVI đã tiếp phái đoàn đại diện Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và được vị đại diện ngỏ lời cùng ngài nguyên văn như sau:

 

Trọng kính Đức Thánh Cha, thay mặt cho Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới, một khối hiệp thông các giáo hội với 140 giáo hội viên ở 78 quốc gia, tôi xin chào ngài. Chúng tôi rất hân hạnh nhân dịp này được chào Đức Thánh Cha trong năm đầu tiên của Giáo Triều ngài.

 

Những hình thức về cơ cấu tổ chức của Khối Hiệp Thông Luthêrô này là những gì mới được xuất phát. Thế nhưng, chính Khối Hiệp Thông này, về thần học, lại được xây dựng trên cơ sở của một đức tin chung, như được thể hiện nơi những lời tuyên xưng của người Luthêrô, những lời tuyên xưng được căn cứ vào Thánh Kinh cùng niềm tin của Giáo Hội Sơ Khai theo công thức của ba Kinh Tin Kính Công Đồng Chung. Giáo huấn của người Luthêrô về vấn đề Cải Cách là những gì hiển nhiên đã được phác họa không phải như là một cái gì “mới mẻ” mà là niềm tin của Giáo Hội ở mọi thời đại.

 

Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Khối Hiệp Thông Luthêrô tuyên xưng, theo những lời lẽ của Kinh Tin Kính Công Đồng Chung Nicene, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Mặc dù khoa giáo hội học của người Luthêrô và Công Giáo Rôma có những cái khác nhau, căn gốc của chúng ta nơi truyền thống của các vị tông đồ vẫn là những gì nền tảng cho các giáo hội của chúng ta và cần phải là căn bản cho những liên hệ về giáo hội của chúng ta.

 

Từ khi được tuyển chọn, ngài đã nhấn mạnh rằng vấn đề tối ưu tiên của ngài là việc phục vụ cho mối hiệp nhất của toàn thể giáo hội Kitô giáo. Chúng tôi muốn bày tỏ niềm chân thành cảm mến của chúng tôi đối với việc quyết tâm được mạnh mẽ bày tỏ của ngài về lãnh vực này. Trong cuộc trao đổi mới đây giữa Đức Thánh Cha và các vị giám mục cũng như các vị chủ tịch thuộc chư giáo hội Thệ Phản ở Đức, ngài đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chúng ta tiếp tục chú trọng một cách rõ ràng tới những gì thực sự là vấn đề đối với tất cả mọi giáo hội, tức là đến vấn đề hiện diện của Lời Chúa trên thế giới.

 

Như ngài đã nói, việc chúng ta cứu xét về vấn đề cơ cấu tổ chức giáo hội bao giờ cũng cần phải lệ thuộc vào Lời này. Và, như Martin Lutherô đã viết trong luận đề thứ 62 năm 1917 thì “kho tàng đích thực của giáo hội là phúc âm hiển vinh rất thánh và ân sủng của Chúa”. Là những người Luthêrô, chúng tôi thấy vấn đề này như là trách nhiệm chung của chúng ta là chư giáo hội trong việc thực hiện tất cả những gì có thể, để nhờ đó, phúc âm được trao ban theo lịch sử và sống động được thực sự làm tràn đầy sự sống và việc truyền giáo của chư giáo hội chúng ta. Và trong vấn đề này, chúng ta luôn phải nhớ đến cái tính cách liên hợp trọng yếu giữa Lời Chúa, chứng từ cho Lời này, và “regula fidei”, như Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến ở Đức.

 

Năm nay là năm kỷ niệm 40 năm các văn kiện quan trọng của Công Đồng Chung Vaticanô II, như “Unitatis Redintegratio” và “Dei Verbum”. Việc này nhắc nhở chúng ta về việc Công Đồng Chung Vaticanô II đã thành đạt biết bao, cả về phương diện đại kết nữa. Chúng tôi tri ân nhắc lại, trong số những thứ khác, đó là những liên hệ được thiết lập trong thời gian Công Đồng này đã mở đường cho nhiều cuộc đối thoại quốc tế song phương, như Ủy Ban Hỗn Hợp Nghiên Cứu Luthêrô và Công Giáo vào năm 1967.

 

Mới đây là giai đoạn thứ bốn của cuộc đối thoại quốc tế của chúng ta, Ủy Ban Luthêrô và Công Giáo Rôma dđ4 hoàn tất 10 năm làm việc và đang sửa soạn bản tường trình về đề tài “Tông Đồ Tính của Giáo Hội”. Mặc dù bản tường trình này chắc chắn sẽ cho thấy những điểm khác biệt giữa truyền thống của chúng ta nơi lãnh vực của đề tài này, hẳn nó cũng sẽ cho thấy cái phong phú của niềm tin tông truyền chung được chúng ta cùng nhau trân quí giữ gìn. Về đề tài “Tông Đồ Tính”, những lời lẽ của Giáo Hoàng Gioan XXIII hoàn toàn đúng với cả người Công Giáo Rôma lẫn người Luthêrô, đó là “những gì liên kết chúng ta còn nhiều hơn là những gì phân rẽ chúng ta” (xem Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp “Xin Cho Tất Cả Được Hiệp Nhất Nên Một”, khoản 20).

 

Tôi cũng hân hoan nhân dịp này đề cập tới việc chiếm đạt nơi cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Luthêrô ở Hoa Kỳ, một cuộc đối thoại mà năm ngoái đã hoàn tất vòng thứ 10 của mình bằng một bản tường trình về “Giáo Hội như là Cộng Đồng Cứu Độ: Các Cơ Cấu và Thừa Tác Vụ của Giáo Hội này”. Bản tường trình này tìm kiếm một đường lối mới cho mối liên hệ giữa linh mục và giám mục qua việc suy nghĩ về mối liên hệ giữa các cộng đồng được họ phục vụ là giáo xứ và giáo phận hay cơ cấu giáo hội miền.

 

Chúng tôi biết rằng năm nay là Năm đặc biệt Giáo Hội Công Giáo Rôma giành để kính Thánh Thể. Mặc dù theo lịch sử chúng tôi sử dụng những hình thức ngôn từ khác nhau để diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện trong bánh và rượu, những người Luthêrô cùng với những người Công Giáo tin tưởng rằng chính Chúa Kitô hiện diện nơi thánh thể ở bánh và rượu được thánh hiến “một cách thực sự và về bản thể” (“vere et substantialiter”), và người tín hữu đã lãnh nhận phép rửa lãnh nhận trọn vẹn tặng ân cứu độ. Được liên kết với Chúa Kitô sống động, cả nơi nước của phép rửa lẫn nơi bánh rượu của thánh thể, chúng ta biết chúng ta được chính Chúa Kitô thúc bách hướng đến mối hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội Người.

 

Cái mốc điểm quan trọng trong mối liên hệ song phương của chúng ta đó là việc Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa 6 năm trước đây ở Augsburg, Đức quốc. Chúng tôi biết rằng chính ngài, được hỗ trợ bởi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã chủ động góp phần vào việc đạt thành cái mốc điểm đại kết ấy. Những tiến hành khác nhau về việc tiếp tục Bản Tuyên Ngôn Chung này đã được tiến triển.

 

Hiện nay, Hội Đồng Methodist Thế Giới dđng sửa soạn chính thức khẳng định việc họ ủng hộ bản tuyên ngôn này bằng một hoạt động chính thức được dự trù xẩy ra vào mùa hè năm tới ở Seoul, Nam Hàn, một hoạt động mà Vị Tổng Thư Ký của chúng tôi là Tiến Sĩ Ishmael Noko dự tính sẽ tham dự cùng với Đức Hồng Y Walter Kasper. Việc diễn tiến này khiến chúng ta cảm thấy hết sức vui mừng và cho tất cả mọi người thấy rằng tín lý thánh kinh về vấn đề công chính hóa không phải chỉ thuộc về những người Công Giáo và Luthêrô thôi, mà còn thuộc về toàn thể giáo hội nữa. Nó là việc thể hiện tặng ân cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô bởi ân sủng nhờ đức tin (Eph 2:8f). Đức tin này, một đức tin được Chúa Kitô hình thành, sinh động nơi đức mến và việc phục vụ lẫn nhau. Bản Tuyên Ngôn Chung là một bức thư sống động, ghi nhận mối hiệp nhất trong cùng một đức tin.

 

Chắc chắn những người Luthêrô và Công Giáo Rôma, cùng với những người khác, cũng xem xét các vấn đề đạo lý và công lý xã hội theo chiều hướng của tín lý công chính hóa này. Là một biểu hiện của chính phúc âm, sứ điệp công chính hóa cống hiến những quan điểm quan trọng cho việc giáo hội dấn thân cho người nghèo cũng như những người bị khổ đau bởi tình trạng áp chế và lạm dụng về chính trị. 

 

Trong cuộc viếng thăm mới đây ở Mỹ Châu Latinh, viếng thăm các giáo hội Luthêrô ở đó, toô hân hoan chứng kiến thấy việc giáo hội mạnh mẽ dấn thân cho nhân quyền và phục vụ người nghèo. Là chư giáo hội Kitô giáo, chúng ta quyết tâm hợp tác đại kết trong lãnh vực nhân quyền ở tất cả mọi châu lục vào những năm tới đây. Vào lúc này đây của lịch sử, thời điểm gia đình nhân loại đang phải chịu đựng rất nhiều bởi những cuộc chiến tranh về nguồn gốc khác nhau, bởi những thiên tai, bởi những bệnh nạn và nghèo khổ, chớ gì chư giáo hội chúng ta trở thành những nhịp cầu nối của cộng đồng và việc phục vụ là những gì đã và vẫn được Chúa Kitô mong muốn thấy nơi Giáo Hội của Người.

 

Ngày nay chúng ta đương đầu với những phong trào bảo thủ tôn giáo trong chư giáo hội cũng như trong gia đình nhân loại. Vì đức tin chân thực vào Vị Thiên Chúa Ba Ngôi cấm việc thù hằn nhân danh Thiên Chúa mà các mối hiệp thông Kitô hữu thế giới có một trách nhiệm đặc biệt trong việc cổ võ niềm tương kính và cảm thông bất chấp những ngãng trở nơi các sự khác biệt về tôn giáo. Về quan điểm này, tôi rất cảm phục lời chào thân ái của Đức Thánh Cha trong ngày lễ Đăng Quang Trọng Thể của ngài gửi tới “tất cả những ai được tái sinh trong bí tích Rửa Tội nhưng chưa dđ7ợc hoàn toàn hiệp thông với (Giáo Hội Công Giáo)”, tới “anh chị em nhân dân Do Thái của chúng tôi, những người chúng tôi được liên kết bởi cùng moột đại gia sản thiêng liêng cao cả”, và tới “tất cả mọi con người nam nữ ngày nay, đến các tín đồ cũng như những người vô tín ngưỡng”.

 

Khi chúng ta tiếp tục tiến bước như là chư giáo hội theo trào lưu đại kết này, chúng ta càng ngày càng ý thức được việc khẩn trương cần phải xét tới mức độ các thứ giáo hội học khác nhau làm sao để có thể được coi như bổ khuyết cho nhau. Trong lúc Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chư Giáo Hội Chính Thống tỏ ra sẵn sàng cứu xét đến những gì người Lutherô chúng tôi gọi là một thứ “đồng thuận khác biệt” liên quan tới những hình thức hữu hình của mối hiệp thông giáo hội, chúng tôi hy vọng rằng việc đồng thuận như thế có thể góp phần vào những quan điểm phong phú hơn, toàn diện hơn về mối hiệp nhất trong nội bộ của một phong trào đại kết bao rộng hơn.

 

Trong năm đầu tiên của Giáo Triều ngài đây, chúng tôi nguyện xin Thánh Linh ở với ngài, cũng như với tất cả chúng ta, khi chúng ta cùng nhau tìm cách biểu hiện mối hiệp nhất của Giáo Hội là những gì Chúa Giêsu thiết tha nguyện cầu. Chớ gì chúng ta không ngừng tìm cách “tiến đến mối hiệp thông trọn vẹn Giáo Hội, một mối hiệp nhất trong đa dạng, vẫn còn những khác biệt, sẽ được ‘hòa giải’ và không bao giờ còn một quyền lực chia rẽ nào nữa”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/11/2005

 

TOP

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Diễn Văn Ngỏ Cùng Những Vị Đại Diện Liên Hiệp Lutherô Thế Giới

 

Hôm Thứ Hai 7/11/2005, ĐTC Biển Đức XVI đã tiếp phái đoàn đại diện Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và đã ngỏ lời cùng họ nguyên văn như sau:

 

Đức Giám Mục Hansen thân mến,

Các Bạn Lutherô thân mến,

 

Thật là vui mừng được đón tiếp quí bạn đại diện cho Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới nhân dịp quí bạn chính thức viếng thăm Rôma. Tôi tri ân tưởng nhớ tới việc hiện diện của phái đoàn đại biểu của quí bạn trong lễ an táng của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lễ đăng quang trọng thể mở màn cho thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của riêng tôi.

 

Qua nhiều năm tháng, Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới đã hoan hưởng những liên hệ chặt chẽ và tham gia vào cuộc đối thoại đại kết. Cuộc trao đổi tư tưởng này đã từng là những gì mang lại hoa trái và đầy hứa hẹn. Thật vậy, một trong những kết quả của cuộc đối thoại tốt đẹp này là Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa, một bản tuyên ngôn trở thành một mốc điểm quan trọng cho việc chúng ta cùng tiến bước trên con đường hướng đến mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn. Đó là một thành đạt quan trọng. Để để xây dựng trên cuộc thành đạt này, chúng ta cần phải chấp nhận những khác biệt vẫn còn đó liên quan tới vấn đề chính yếu của tín điều công chính hóa; những khác biệt này cần phải được giải quyết, cùng với những đường lối qua đó ân sủng Chúa được thông đạt nơi và qua Giáo Hội.

 

Như tôi đã đề cập tới trong cuộc viếng thăm mới đây của tôi ở Cologne, đó là tôi hy vọng rằng vấn đề tiến bộ sau này của việc chúng ta đối thoại về những vấn đề ấy sẽ không những liên quan tới những vấn đề “về cơ cấu”, mà còn chú trọng tới cả nguồn mạch thực sự của tất cả mọi thừa tác vụ trong Giáo Hội nữa. Thật thế, sứ vụ của Giáo Hội là làm chứng cho sự thật về Chúa Giêsu Kitô, Lời hóa thành nhục thể. Lời và chứng từ đi liền với nhau: Lời phát sinh chứng từ và hình thức hóa chứng từ; chứng từ có được tính chất chuyên chính của mình từ việc hoàn toàn trung thành với Lời, như được thể hiện và sống trong cộng đồng đức tin tông truyền theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.

 

Ủy Ban Quốc Tế Luthêrô và Công Giáo Rôma về Hiệp Nhất chẳng bao lâu nữa sẽ xong giai đoạn đối thoại thứ tư và sẽ phổ biến những nhận định của mình trong một bản văn kiện về Tông Truyền Tính của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng việc đối thoại huynh đệ của chúng ta gặp khó khăn thử thách chẳng những bởi nhu cầu cần phải chứng thực việc nhận lãnh những công thức tín điều chung này nơi những mối hiệp thông tương ứng của chúng ta, mà thậm chí còn hơn thế nữa bởi bầu khí chung của những gì là bất ổn định liên quan tới những chân lý Kitô giáo cùng những nguyên tắc về đạo lý là những gì trước đây không có vấn đề gì cả. Gia sản chung này, ở một số trường hợp, đang bị giảm sút bởi những phương sách giải thích bị đổi thay.

 

Con đường đại kết cùng nhau của chúng ta sẽ tiếp tục gặp khó khăn và đòi phải nhẫn nại đối thoại. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhiều phấn khởi trước truyền thống vững chắc của việc nghiêm cẩn nghiên cứu và trao đổi là những gì làm nên đặc tính nơi mối liên hệ giữa công Giáo và Luthêrô qua nhiều tháng năm. Chúng ta cảm thấy an ủi trước sự kiện là việc chúng ta tìm kiếm mối hiệp nhất được hướng dẫn bởi sự hiện diện của Chúa Phục Sinh cũng như bởi quyền lực vô tận của Thần Linh người “muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8). Trong khi chúng ta đang sửa soạn kỷ niệm 500 năm biến cố năm 1517, chúng ta cần phải gia tăng nỗ lực để hiểu biết sâu xa hơn những gì chúng ta có chung và những gì chia cách chúng ta, cũng như các tặng ân chúng ta cần phải cống hiến cho nhau. Bằng việc kiên trì với đường lối này, chúng ta nguyện cầu là dung nhan của Chúa Kitô được chiếu tỏa rạng ngời hơn nơi thành phần môn  đệ của Người để tất cả được nên một cho thế gian tin tưởng (x Jn 17:21).

 

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về tất cả những gì chúng ta đã đạt được cho tới nay nơi mối liên hệ Công Giáo và Luthêrô, và chúng ta hãy nguyện cầu để chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau hướng về mối hiệp nhất được Chúa mong muốn ấy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

 http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2005/november/documents/hf_ben_xvi_spe_20051107_lutheran-federation_en.html

 

 

TOP

 

 

? Việt Nam Động Đất -  Động Đất Việt Nam

 

Chiều Thứ Ba 8/11/2005, trên đường đi làm về, nghe tin tức về Viêt Nam, tôi cảm thấy hết sức bàng hoàng về biến cố động đất ở Việt Nam. Không phải vì biến cố này gây thiêt mạng và thiệt hại như ở Pakistan, mà vì trong gần 60 năm cuôc đời (27 năm ở Việt Nam) tôi chưa hề nghe thấy đất nước tôi bị động đất bao giờ, và trận động đất này lại xẩy ra sau hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam đúng 10 ngày. Nếu quả thực hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam là môt dấu chỉ thời đại thì phải chăng Việt Nam động đất chính là và phải được gọi là Động Đất Việt Nam? 

Theo nguồn tin của báo chí điện tử ở VN thì vào lúc 14 giờ 55 hôm Thứ Ba 8/11/2005, tức vào lúc 11 giờ 55 phút đêm ở California, tại Sài Gòn, Vũng Tầu, Bình Thuận, Ninh Thuận v.v. đã xẩy ra một cuộc động đất kéo dài trong vòng 5 giây đồng hồ. Cũng trong cùng ngày, vào lúc 0 giờ 5 đến 0 giờ 15 phút sáng, cũng đã xẩy ra một trận động đất tại Sài Gòn, Phan Thiết (Bình Thuận) và Vũng Tầu, nhưng nhẹ hơn lần sau.

Theo tin mới nhất của Viện Vật Lý Địa Cầu được phổ biến lúc 4 giờ 40 chiều thì cuộc động đất trước đó gần 2 tiếng ở mức 5.5, còn cuộc động đất hồi sáng sớm ở mức 5.1 

Đây là trận động đất thứ 3 trong năm 2005 ở Việt Nam, trận 1 vào tháng 8, trận 2 vào ngày 18/10 và trận 3 vào ngày 8/11.

Sau đây là những nhận định của các chuyên gia ở Việt Nam về địa chấn được tờ báo điện tử Dân Trí phổ biến ngày Thứ Tư 9/11/2005.

Động đất: Các nhà khoa học nói gì?

Sau những trận động đất sáng và chiều qua (8/11), cùng với các cơn địa chấn khác xảy ra gần đây tại vùng Đông Nam Bộ, nhiều câu hỏi đã được đặt lên bàn các nhà khoa học như: liệu còn có các trận động đất khác nữa không? VN có thể dự báo được động đất? Người dân cũng như cơ quan chức năng phải làm gì trước thiên tai?

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thủy - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu: Sẽ không xảy ra động đất mạnh hơn nữa

Chưa có dấu hiệu để nói những trận động đất (ĐĐ) trong ngày 8/11 là tiền chấn của một trận ĐĐ mạnh sẽ xuất hiện trong thời gian tới.

 

Hai trận ĐĐ trong ngày 8/11 nằm ở điểm giao giữa đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải và đứt gãy kinh tuyến 109 độ kinh đông (còn gọi là kinh tuyến 110), nhưng chủ yếu trên đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải mà ĐĐ mạnh nhất dự báo có khả năng xảy ra trên đứt gãy này chỉ là 5,5 độ Richter, tức là trận ĐĐ chiều 8/11 đã đạt cường độ cực đại theo dự báo.

 

Do đó sẽ không xảy ra ĐĐ mạnh hơn nữa. Tất nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động của ĐĐ tại khu vực này vì chắc chắn trong thời gian tới, thậm chí kéo dài tới 1-2 tháng, sẽ tiếp tục xảy ra những trận ĐĐ nhỏ hơn.

 

Thưa ông, những trận ĐĐ xảy ra liên tục tại khu vực này trong thời gian qua dường như nằm ngoài qui luật mà các nhà khoa học đã dự báo?

 

Trước năm 1991, khu vực phía Nam rất ít ĐĐ. Từ giữa năm 1991 và năm 2005 đến nay, ĐĐ xảy ra tại đây nhiều hơn nhưng không đủ cơ sở để nói sẽ xảy ra ĐĐ mạnh trong thời gian tới. Tôi khẳng định ĐĐ tại VN đang hoạt động tích cực hơn nhưng rõ ràng không có gì nguy hiểm. Người dân không vì thế mà quá lo lắng.

 

Nhưng người dân cần có những thông báo chính thức từ phía các cơ quan khoa học về việc có hay không ĐĐ mạnh xảy ra trong thời gian tới?

 

Chúng tôi tin ở bản đồ phân vùng ĐĐ và khẳng định chưa có dấu hiệu xuất hiện ĐĐ mạnh. Chỉ khi nào có ĐĐ mạnh hơn 5,5 độ Richter xảy ra trên đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải hoặc xảy ra liên tiếp ĐĐ trên đứt gãy kinh tuyến 109 độ kinh đông mới phải tính đến khả năng xảy ra ĐĐ mạnh hơn trong khu vực.

 

Tất nhiên, dự báo chính xác ĐĐ vẫn là bài toán khó đối với cả thế giới chứ không riêng gì các nhà khoa học VN. Đấy là chưa nói tới chuyện chúng ta thiếu quá nhiều cơ sở vật chất cho nghiên cứu ĐĐ. Khi có nhiều trạm quan trắc có thể ghi nhận được những trận ĐĐ nhỏ hơn và đó là cơ sở để đánh giá khả năng xảy ra ĐĐ lớn.

 

Theo ông, vì sao thời gian qua liên tục xảy ra ĐĐ tại vùng biển phía Nam?

 

Đó là do vỏ Trái đất khu vực phía đông nam của miền Nam đang hoạt động làm cho các khối đất đá chuyển động sinh ra ĐĐ. Rất khó xác định nguyên nhân vì sao vỏ Trái đất tại đây hoạt động, chỉ có thể quan sát xem sự chuyển động của nó như thế nào, xu hướng dịch chuyển ra sao để đánh giá khả năng ĐĐ trong thời gian tới.

 

GS. TS Lê Minh Triết - chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành, Viện Khoa học và công nghệ VN: Động đất ở TPHCM sẽ không quá cấp độ 6

 

ĐĐ thường xảy ra có chu kỳ, năng lượng sau khi tích tụ sẽ bùng phát và gây đứt gãy. Mặc dù từ trước đến nay khu vực phía Nam được xem là nơi tương đối ổn định, thế nhưng không phải không có ĐĐ.

 

Nếu nói khu vực phía Nam đang vào chu kỳ hoạt động mới thì có thể hơi sớm nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu vào chu kỳ, ĐĐ sẽ còn xảy ra liên tục trong một thời gian rồi mới ngưng. Trên bản đồ phân vùng ĐĐ toàn quốc, ở khu vực phía Nam có thể thấy đứt gãy diễn ra ở sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông. TPHCM cũng nằm trong vùng đứt gãy này. Tuy nhiên, ĐĐ khi xảy ra sẽ không quá cấp 6 (cấp độ gây mất thăng bằng, vỡ chén bát, làm trượt hoặc dịch chuyển vật nặng hoặc gây hư hại nhà cửa không kiên cố).

 

Những nơi khác nhau sẽ có những chấn động khác nhau. Vì vậy trong việc tính toán xây dựng cần chú ý hơn đến địa chấn của công trình (sức chịu đựng của công trình khi xảy ra rung động), đặc biệt là những công trình cao tầng, công trình ngầm như xe điện ngầm, hầm Thủ Thiêm...

 

TS Lê Tự Sơn - Trưởng phòng quan sát động đất Viện Vật lý địa cầu: VN chưa dự báo được động đất

 

Tài liệu về hoạt động đứt gãy khu vực Đông Nam bộ là không nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống quan sát ĐĐ vùng này không có. Ngoài ra, chúng tôi cũng chưa tiếp cận các tài liệu nói về các đứt gãy họat động của TP.HCM và vùng lân cận. Do đó, chúng tôi chưa thể có câu trả lời cho vấn đề này trong thời điểm hiện nay.

 

Nguồn lực VN chưa thể dự báo được ĐĐ, kể cả Chính phủ đầu tư vào một số tiền lớn. Việc định hướng cho một ngành nghiên cứu khó khăn như vậy tốn thời gian không phải chỉ một vài năm mà cần phải có thời gian một vài chục năm. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc đánh giá nguy hiểm của ĐĐ (một kiểu dự báo dài hạn) là có thể làm được.

 

Theo tôi, với các ĐĐ dưới dạng chuỗi như vừa qua thì còn có thể xảy ra. Tuy nhiên, cường độ ĐĐ sẽ không lớn hơn nhiều so với các ĐĐ đã xảy ra.

Theo Tuổi trẻ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ