GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 16/11/2005

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 9/11/2005 - Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 135 (136):1-9 “Từ Những Kỳ Công Được Tạo Dựng Người Ta Vươn Tới Sự Cao Cả của Thiên Chúa”

   Quốc Hội Ý tưởng niệm Đức Gioan Phaolô II

?  Diễn Từ của Đức Thánh Gioan Phaolô II ngỏ cùng Quốc Hội Ý ngày Thứ Năm 14/11/2002

       Tác Hiệu của những lời ĐTC Gioan Phaolô II nói với Quốc Hội Ý: Một tội phạm đã ra đầu thú

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 9/11/2005 - Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 135 (136):1-9 “Từ Những Kỳ Công Được Tạo Dựng Người Ta Vươn Tới Sự Cao Cả của Thiên Chúa”.

 

1.         Được gọi là “Bài Đại Tụng Ca”, tức là việc long trọng và uy nghi chúc tụng được Do Thái giáo vang lên trong phụng vụ vượt qua. Chúng ta đang nói về bài Thánh Vịnh 135 (136) giờ đây chúng ta nghe phần thứ nhất được Phụng Vụ Kinh Tối phân chia (x câu 1-9).

 

Trước hết chúng ta câu điệp khúc: “vì tình yêu của Ngài bền vững đến muôn đời”. Ở tâm điểm của câu này vang lên tiếng “yêu thương”, một từ ngữ thực sự là việc chuyển ngữ hợp lệ song chưa hết nghĩa theo nguyên ngữ “hesed” của Do Thái. Thật vậy, nó là một phần của thứ ngôn ngữ đặc biệt được Thánh Kinh sử dụng để bày tỏ giao ước giữa Chúa và dân của Ngài.  Từ ngữ này tìm cách diễn tả những thái độ được thiết lập trong mối liên hệ này, đó là thái độ trung thành, tín nghĩa, yêu thương và hiển nhiên là tình thương của Thiên Chúa.

 

Ở đây chúng ta có một biểu hiệu tổng hợp về mối liên hệ sâu xa và liên vị được Đấng Hóa Công thiết lập với tạo sinh của Ngài. Trong mối liên hệ này, Thiên Chúa không hiện lên trong Thánh Kinh như là một vị Chúa dửng dưng chẳng biết mủi lòng xót thương, hay là một hữu thể mờ ám và bất khả giải đoán, hay là những gì tất yếu không thể chống lại được quyền lực nhiệm mầu của nó. Trái lại, Ngài tỏ mình ra như là một ngôi vị biết yêu thương tạo vật của Ngài, Ngài canh chừng chúng, Ngài theo dõi chúng trong giòng lịch sử và chịu đựng tình trạng bất trung của dân thường nghịch lại với “hesed” của Ngài, tương phản với tình yêu nhân hậu và từ phụ của Ngài.

 

2.         Dấu hiệu hữu hình đầu tiên của đức ái thần linh này, như Thánh Vịnh gia nói, được thấy nơi thiên nhiên tạo vật. Bấy giờ lịch sử bắt đầu. Ánh mắt, đầy cảm phục và ngỡ ngàng, trước hết dừng lại trên thiên nhiên tạo vật, đó là các tầng trời, trái đất, các nguồn nước, mặt trời, mặt trăng và các tinh tú.

Ngay cả trước khi khám phá ra Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra trong lịch sử của một dân tộc thì đã có mạc khải về vũ trụ rồi, một mạc khải được Đấng Hóa Công là “Thiên Chúa chư thần”  và là “Chúa các chúa” (câu 2-3) tỏ ra cho tất cả mọi người, cống hiến cho toàn thể nhân loại.

 

Như bài Thánh Vịnh 18 (19) đã nói: “các tầng trời loan báo hiển vinh của Thiên Chúa; bầu trời công bố xảo nghệ của Đấng Kiến Tạo nên mình. Ngày này tới ngày kia chuyển đạt sứ điệp ấy; đêm này sang đêm kia truyền thông kiến thức này” (câu 2-3). Bởi thế, có một sứ điệp thần linh nhiệm mầu được in ấn nơi thiên nhiên tạo vật và là dấu hiệu của “hesed”, của việc yêu thương trung thành của Thiên Chúa là Đấng ban cho tạo sinh của Ngài hữu thể và sự sống, nước và lương thực, ánh sáng và thời gian.

 

Người ta cần phải có những đôi mắt sáng để chiêm ngưỡng mạc khải thần linh này, khi nhớ đến lời cảnh giác của Sách Khôn Ngoan kêu gọi chúng ta hãy nhận biết Đấng Hóa Công, bằng việc suy tưởng “cái vĩ đại và vẻ đẹp của những vật được tạo dựng” (Wis 13:5; x. Rm 1:20). Bấy giờ lời chúc tụng nguyện cầu tuôn chảy từ việc chiêm niệm “các kỳ công” của Thiên Chúa (x Ps 135[136]:4), những kỳ công được thể hiện nơi thiên nhiên tạo vật và được biến đổi thành một bài thánh ca hân hoan chúc tụng và tạ ơn Chúa.

 

3.         Từ các công trình được tạo dựng nên, con người nhờ thế tiến lên sự cao cả vĩ đại của Thiên Chúa, tiến tới tình thương ưu ái của Ngài. Các vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã dạy chúng ta như thế, những vị vang tiếng làm âm dội Truyền Thống Kitô giáo liên tục.

 

Vậy Thánh Basiliô Cả, ở một trong những trang đầu tiên các bài giảng đầu tiên của ngài về Hexameron được ngài dẫn giải về câu truyện tạo dựng theo chương thứ nhất của Sách Khởi Nguyên, đã dừng lại để suy nghĩ hoạt động khôn ngoan của Thiên Chúa, hoạt động dẫn ngài đến chỗ nhìn nhận nơi sự thiện thần linh cái tâm điểm đi tới của việc tạo thành. Ở đây có một số lời bày tỏ được lấy từ bài suy niệm dài của vị giám mục thánh thiện giáo phận Caesarea ở Cappadocia:

 

“’Từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất’. Lời tôi nói lặng đi bởi sự ngỡ ngàng trước ý nghĩ ấy” (1,2,1: "Sulla Genesi [Omelie sull'Esamerone]" -- On Genesis: Homily on the Hexameron -- Milan, 1990, pp. 9,11). Thật vậy, mặc dù có một số người “bị chủ nghĩa vô thần đánh lừa họ đã nghĩ rằng vũ trụ này bị thiếu hụt hướng dẫn viên và trật tự, lệ thuộc vào may rủi”, nhưng vị tác giả thánh “lập tức soi động tâm trí của chúng ta bằng tên gọi của Thiên Chúa ở ngay đầu bài trình thuật tạo dựng là ‘Từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng’ Và trật tự này có được một vẻ đẹp biết bao!” (1,2,4: ibid., p. 11). “Bởi thế, nếu thế giới này đã có khởi đầu và đã được tạo dựng, thì anh chị em phải tìm kiếm Đấng đã khơi động nó và Đấng là Hóa Công của nó…. Moisen đã sửa soạn cho anh chị em bằng việc giảng dạy của ông, in ấn vào linh hồn của chúng ta như là một dấu ấn danh cực thánh của Thiên Chúa, khi ông nói: ‘Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên’.  Cái thiên nhiên diễm phúc này, sự thiện ngoài thèm muốn này, Người là đối tượng của tình yêu nơi tất cả mọi hữu thể biết lý luận, là vẻ đẹp còn vĩ đại hơn cả bất cứ vẻ đẹp được ước mong nào, là khởi đầu của các hữu thể, là nguồn mạch sự sống, là ánh sáng của kiến thức, là đức khôn ngoan bất khôn thấu, tóm lại, Người là Đấng ‘từ ban đầu đã tạo dựng nên trời đất’” (1,2,6-7: ibid., p. 13).

 

(Ở phần kết buổi triều kiến chung, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Tôi tin những lời của vị Giáo Phụ ở thế kỷ thứ 4 này có tính cách hợp thời lạ lùng, khi ngài nói một số người “bị đánh lừa bởi chủ nghĩa vô thần đánh lừa họ đã nghĩ rằng vũ trụ này bị thiếu hụt hướng dẫn viên và trật tự, lệ thuộc vào may rủi”. Có bao nhiêu là thành phần “một số” này ngày nay đây?

 

Bị đánh lừa bởi chủ nghĩa vô thần, họ tin tưởng và cố gắng cho thấy rằng khoa học cho là hết mọi sự thiếu hướng dẫn viên và trật tự, như thể chúng xẩy ra là do ngẫu nhiên tình cờ. Qua Thánh Kinh, Chúa đang lay tỉnh trí khôn mê ngủ và nói với chúng ta rằng: Lời tạo dựng đã có ngay từ ban đầu. Từ ban đầu Lời tạo dựng – Lời này đã tạo dựng nên tất cả mọi sự, Lời đã tạo dựng nên dự án khôn ngoan này, tạo dựng nên vũ trụ hoàn cầu này – cũng là Tình Yêu. 

 

Chúng ta hãy bừng tỉnh trước Lời Chúa đây. Chúng ta hãy cầu nguyện để Ngài làm sáng tỏ tâm trí của chúng ta, hầu chúng ta có thể nhận thấy sứ điệp tạo dựng được in ấn cả trong tâm can của chúng ta nữa: Khởi nguyên của tất cả mọi sự là Đức Khôn Ngoan sáng tạo và Đức Khôn Ngoan này là tình yêu và thiện hảo: “Tình thương của Ngài vĩnh hằng”.

 

(Bao giờ cuối cùng ĐTC cũng tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Ý sang tiếng Anh như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,

 

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài Thánh Vịnh 135, một bài đại thánh ca chúc tụng làm nên phụng vụ Vượt Qua của Dân Do Thái. Chúng ta hãy để ý tới câu điệp khúc: “Vì tình thương Ngài muôn đời bền vững”. Chữ chính ở đây là “tình thương”, theo ngôn ngữ Do Thái là “hesed”.

 

Nó diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân được Ngài tuyển chọn, thành phần Ngài đã thiết lập giao ước. Ngài không phải là một Vị Thiên Chúa lạnh lùng, xa cách, mà là Vị Thiên Chúa yêu thương tạo vật và chịu đựng họ khi họ bất trung với Ngài, khi họ loại bỏ tấm lòng cảm thương từ phụ của Ngài.

 

Những dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa được thấy nơi những kỳ công thiên nhiên tạo vật cũng như nơi các đại tặng ân Ngài ban cho dân của Ngài. Các vị Giáo Phụ của Giáo Hội dạy chúng ta hãy nhận thấy nơi các sự được tạo thành sự cao cả của Thiên Chúa cũng như tình yêu nhân hậu của Ngài đối với chúng ta.

 

Thánh Basiliô, đầy những ngỡ ngàng khi suy niệm về mầu nhiệm Việc Tạo Dựng, viết rằng Thiên Chúa “đẹp đẽ hơn bất cứ những gì có thể ước mong, là khởi nguyên của tất cả mọi hữu thể, là nguồn mạch của sự sống, là ánh sáng của kiến thức, là đức khôn ngoan khôn thấu”: Vị Thiên Chúa như thế là vị Thiên Chúa “ngay từ ban đầu đã dựng nên Trời Đất”. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa, vì Ngài thiện hảo, vì tình thương của Ngài bền vững đến muôn đời.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/11/2005
 

  TOP

 

   Quốc Hội Ý tưởng niệm Đức Gioan Phaolô II

 

Theo Zenit ngày 15/11/2005, thì vào sáng ngày Thứ Hai 14/11/2005, quốc hội Ý đã cử hành một nghi thức long trọng để tưởng nhớ đến cuộc viếng thăm đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II 3 năm trước. Trong cuộc cử hành này có mục mở tấm khảm nhắc nhớ cuộc gặp gỡ của vị cố giáo hoàng này với thành phần hạ nghị sĩ và thượng nghĩ sĩ Ý ngày 14/11/2002.

 

Vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI đã gửi một sứ điệp cho vị chủ tịch của Chủ Tịch Hạ Viện Pier Ferdinando Casini. Sứ điệp của ngài đã ĐTGM Leonardo Sandri, phụ tá Tổng Vụ của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh đọc lên trong cuộc cử hành này, trong đó có những câu tiêu biểu sau đây:

 

“Việc viếng thăm của vị tiền nhiệm thân yêu của tôi tới quốc hội Ý quốc là việc chưa bao giờ có, và được khả hiện nhờ việc hiệp nhất quan điểm rõ ràng về những mối liên hệ giữa Giáo Hội và Quốc Gia; trong nhận thức – như vị Giáo Hoàng này đã nói trong bài diễn từ của ngài – về ‘những thành quả hết sức tích cực’ qua giòng thời gian được những liên hệ này mang lại cho cả Giáo Hội cũng như quốc gia Ý Đại Lợi”.

 

ĐTC Biển Đức viết tiếp: “Bởi thế, vào dịp kỷ niệm tốt đẹp này, tất cả những gì tôi cần phải làm đó là bày tỏ niềm hy vọng rằng tinh thần chân thành và việc kiên trì hợp tác càng trở nên vững chắc hơn nữa. Để bảo đảm cho việc liên lỉ dấn thân cho mục đích này, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh là Giáo Hội – ở Ý quốc, ở tất cả mọi quốc gia khác trên thế giới, và ở những tổ chức quốc tế khác nhau – không có ý định tìm kiếm cho mình bất cứ một đặc ân nào cho mình hết, mà chỉ muốn bảo đảm cơ hội để thi hành sứ vụ của mình mà thôi, một sứ vụ liên quan tới bản chất thường tình của Quốc Gia. Ngoài ra, nếu hiểu rõ vấn đề, điều này không tương phản với sứ điệp Kitô giáo, trái lại, nó còn có trách nhiệm nữa là đàng khác, như các vị học giả lịch sử văn minh quá biết”.

 

Ngài đã kết thúc sứ điệp của mình khi kêu gọi những vị lập pháp trong Quốc Hội Ý hãy nhớ đến Đức Gioan Phaolô II, “bằng cách lấy nguồn hứng từ các giáo huấn của ngài và cổ võ việc hình thành con người, văn hóa, gia đình, học đường và công ăn việc làm đầy đủ cách xứng đáng, cẩn thận chú ý tới thành phần yếu kém nhất cũng như tới những hình thức nghèo khổ tân cổ”.  

 

 TOP

 

? Diễn Từ của Đức Thánh Gioan Phaolô II ngỏ cùng Quốc Hội Ý ngày Thứ Năm 14/11/2002


Ngài Tổng Thống Cộng Hòa Ý Quốc,
Quí Vị Chủ Tịch Hạ Viện và Thượng Viện,
Vị Chủ Tịch Hội Đồng Nội Các,
Quí Vị Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ,

1. Tôi rất hân hạnh được quí vị lạ lùng tiếp đón Tôi hôm nay tại ngôi nhà chính quyền nổi bật này, ngôi nhà mà qúi vị xứng đáng làm những người đại diện cho nhân dân Ý Quốc. Tôi xin thân ái và trọng kính chào mỗi vị và hết mọi vị, với tất cả ý thức của mình về tính cách quan trọng đặc biệt quí vị đã giành cho việc hiện diện của Người Thừa Kế Thánh Phêrô tại Quốc Hội Ý Quốc đây.

Tôi xin cám ơn vị Chủ Tịch Hạ Viện và Chủ Tịch Thượng Viện của Nước Cộng Hòa đây về những lời lẽ cao quí hai vị đã dùng để bày tỏ lòng cảm mến chung của quí vị, cũng để lên tiếng thay cho hằng triệu người công dân của quí vị, những người Tôi cảm thấy hằng ngày lòng cảm mến của họ đối với Tôi nơi nhiều cuộc gặp gỡ họ. Lòng cảm mến này đã hằng ở với Tôi ngay từ những tháng đầu tiên Tôi được bầu lên Tòa Thánh Phêrô. Bởi thế, nhân dịp này, một lần nữa, Tôi muốn lên tiếng hết lòng cám ơn nhân dân Ý Quốc.

Trong những ngày còn là một sinh viên ở Rôma và sau đó trong những cuộc viếng thăm từng kỳ của Tôi ở Ý với tư cách là một vị Giám Mục, nhất là trong thời gian Công Đồng Chung Vaticanô II, Tôi đã biết cảm phục xứ sở của quí vị, nơi mà việc rao giảng Phúc Âm, được bắt đầu từ thời các Thánh Tông Đồ, đã làm trổ sinh một nền văn minh được đánh dấu bằng một kho tàng của những giá trị phổ quát và một cuộc nở hoa kỳ diệu về nghệ thuật, những thứ nghệ thuật diễn họa những mầu nhiệm đức tin nơi những tác phẩm tuyệt đẹp. Tôi đã được thực sự đụng chạm đến bằng tay của mình rất thường xuyên những dấu vết huy hoàng được Kitô Giáo in ấn trên những tập tục và văn hóa của nhân dân Ý Quốc! Điều này còn có thể được thấy rõ ràng nơi vô số Vị Thánh nam nữ, những vị mà đặc sủng của các ngài đã gây một ảnh hưởng phi thường nơi các dân tộc Âu Châu và thế giới. Chỉ cần nhắc lại Thánh Phanxicô Assissi và Thánh Catarina Sienna, những vị Thánh Quan Thày của Ý Quốc.

2. Mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Ý Quốc thực sự là sâu đậm! Tất cả chúng ta đều biết rằng mối liên hệ này đã trải qua những giai đoạn và những trường hợp hết sức khác nhau, đã phải chịu những đổi thay và xung khắc về lịch sử. Thế nhưng chúng ta đồng thời cũng phải nhìn nhận là chính vì một chuỗi những biến cố biến loạn như vậy mà đôi khi đã mang lại những thành quả hết sức tích cực, cả cho Giáo Hội ở Rôma, nhờ đó cho chung Giáo Hội Công Giáo, lẫn cho Ý Quốc thân yêu.

Việc bảo dưỡng mối gắn bó và hợp tác liên quan đến vấn đề tôn trọng tính cách độc lập và quyền tự do của nhau này đạt được một mức độ cao là do các vị đại Giáo Hoàng được Ý Quốc cung cấp cho Giáo Hội cũng như cho thế giới trong thế kỷ vừa qua. Chỉ cần nhớ đến Đức Piô IX, Vị Giáo Hoàng của Việc Hòa Giải, và Đức Piô XII, Vị Giáo Hoàng của mối an toàn cho Rôma trong Cuộc Chiến, và gần chúng ta hơn là Đức Gioan XXIII và Phaolô VI, những tên gọi mà cả Tôi lẫn Đức Gioan Phaolô I đã nhận làm danh hiệu.

3. Trong nỗ lực trình bày một cái nhìn tổng quan về lịch sử của những thế kỷ mới đây, chúng ta có thể nói thẳng là căn tính về xã hội và văn hóa của Ý Quốc, cùng với sứ vụ dân sự nước này thực thi và tiếp tục thực thi ở Âu Châu cũng như trên thế giới, sẽ hết sức khó hiểu nếu không căn cứ vào Kitô Giáo là huyết mạch của nó.

Bởi thế, xin quí vị cho phép Tôi trân trọng kính mời quí vị, những Vị Đại Diện được dân bầu lên của Đất Nước này, và cùng với quí vị Tôi xin mời toàn thể nhân dân Ý Quốc, hãy giữ lấy một lòng tin tưởng vững vàng và thiết tha vào gia sản các nhân đức cùng với các giá trị được cha ông của quí vị truyền lại. Chính nhờ lòng tin tưởng này nó mới có thể hiển nhiên đáp ứng được những vấn đề của một thời điểm phức tạp và khó khăn, thậm chí còn hơn thế nữa, khi hiên ngang nhìn về tương lai, với tư tưởng Ý Quốc còn có thể làm gì hơn nữa cho vấn đề phát triển văn minh.

Theo chiều hướng của kinh nghiệm về pháp luật có được theo giòng thời gian của các thế kỷ, bắt đầu từ một Rôma dân ngoại, người ta chẳng lẽ không thể nào lại không cảm thấy cần phải tiếp tục cống hiến cho thế giới một sứ điệp chính yếu, một sứ điệp là trọng tâm của hết mọi lãnh vực dân sự chân chính, sứ điệp đó là cần phải tôn trọng con người, cần phải tôn trọng phẩm giá của họ và cần phải tôn trọng những quyền lợi bất khả nhượng của họ? Ngạn ngữ xưa có lý nói rằng: Hominum causa omne ius constitutum est. Lời khẳng định này bao hàm niềm xác tín là có một “sự thật về con người”, một sự thật sáng tỏ xuyên qua các trở ngại về ngôn ngữ cũng như về các thứ văn hóa khác nhau.

Theo chiều hướng ấy, khi ngỏ lời tại Đại Hội của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc dịp Kỷ Niệm 50 Năm thành lập, Tôi đã nhắc lại rằng có những quyền lợi phổ quát của con người được bắt nguồn từ bản tính của họ, những quyền lợi phản ảnh những đòi hỏi khách quan của lề luật luân lý phổ quát. Rồi Tôi nói thêm: “Những quyền lợi này không phải là những vấn đề trừu tượng; trái lại, chúng nói cho chúng ta biết một điều gì đó quan trọng về đời sống thực tế của hết mọi cá nhân cũng như của hết mọi phái nhóm xã hội. Chúng cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không sống trong một thế giới vô tri hay vô nghĩa. Ngược lại, có một thứ lý lẽ về luân lý được chất chứa nơi cuộc sống con người và là một lý lẽ có thể đưa đến việc đối thoại giữa cá nhân và các dân tộc với nhau” (số 3).

4. Chăm chú theo dõi việc phát triển của Đại Quốc này một cách quí mến, Tôi đã đi đến chỗ tin rằng, để những phẩm tính nổi bật của đại quốc này được thể hiện rõ ràng hơn, nó cần phải làm sao tăng thêm tình đoàn kết và gắn bó nội bộ. Nhờ những sự phong phú của một lịch sử dài nơi đất nước này, cũng như nhờ tính cách đa diện và năng động của cơ cấu cùng với các sinh hoạt của nó về xã hội, văn hóa và kinh tế là những gì hình thành dân tộc và lãnh thổ của nó bằng những cách thức khác nhau, thực tại của một Ý Quốc thực sự là hết sức phức tạp. Nó sẽ bị suy yếu và hư hại bởi một thứ đồng nhất ép uổng.

Đường lối có thể giữ lấy và sử dụng những cái khác nhau để phát triển mà thiếu những cái khác nhau này đường lối ấy sẽ trở thành những nguồn mạch gây ra đối chọi và ngãng trở cho việc tiến bộ chung, đó là đường lối chân thành gắn bó đoàn kết với nhau. Tình đoàn kết này được đâm rễ sâu xa trong tâm trí và tập tục của nhân dân Ý Quốc, và là một trong những đường lối đang được thể hiện qua nhiều hình thức làm việc tự nguyện đáng ca ngợi. Thế nhưng, rõ ràng cho thấy là cũng cần phải có một tình đoàn kết nơi những mối liên hệ giữa các lãnh vực khác nhau của xã hội cũng như giữa những vùng đất khác nhau nữa.

Là những vị lãnh đạo về chính trị và những vị đại diện về cơ chế, chính quí vị có thể thực hiện một mẫu gương quan trọng và hiệu nghiệm đặc biệt trong lãnh vực đoàn kết này. Mẫu gương của quí vị sẽ càng có ý nghĩa hơn nữa khi những biện chứng chính trị hướng chiều hẳn về những cái khác biệt. Hoạt động của quí vị sẽ mặc lấy một tầm mức cao cả ở chỗ nó được tác động bởi một tinh thần phục vụ đồng bào của quí vị.

5. Vấn đề này quan trọng là ở chỗ tâm hồn của mỗi người cần phải hết sức ý thức đến vấn đề công ích. Giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II về vấn đề này rất rõ ràng minh bạch như sau: “Cộng đồng chính trị… hiện hữu là vì công ích: đây là tất cả lý do và ý nghĩa cùng nguồn mạch cho quyền hiện hữu đặc biệt sâu xa của nó” (Gaudium et Spes, 74).

Những thách đố một Quốc Gia dân chủ đang phải đối diện đòi tất cả mọi con người nam nữ thiện chí, bất kể khuynh hướng chính trị của họ, một sự hợp tác hỗ trợ và quảng đại trong việc xây dựng công ích cho Đất Nước đây. Tuy nhiên, sự hợp tác như vậy không thể nào không liên quan đến những giá trị luân thường đạo lý chính yếu được in ấn ngay nơi bản tính của con người. Về vấn đề này, trong Thông Điệp Rạng Ngời Chân Lý của mình, Tôi đã cảnh giác về “cái nguy cơ của một thứ liên minh giữa vấn đề dân chủ và chiều hướng tương đối đạo lý, một thứ liên minh có thể làm mất đi những qui chiếu luân lý nơi sinh hoạt chính trị và xã hội, và ở một mức độ sâu xa hơn, khiến không thể nào nhận ra chân lý nữa” (số 101). Thật vậy, như Tôi đã đề cập đến ở một Bức Thông Điệp khác, Thông Điệp Bách Niên, nếu không có một sự thật tối cao để hướng dẫn và điều khiển sinh hoạt chính trị thì “những tư tưởng và niềm xác tín có thể dễ dàng bị lạm dụng vì lý do quyền lực. Như lịch sử đã cho thấy, một nền dân chủ không có những giá trị sẽ dễ bị biến thành một thứ chuyên chế công khai hay khéo léo trá hình“ (số 46).

6. Trong một dịp trọng thể như thế này, Tôi không thể không đề cập đến một mối đe dọa trầm trọng khác đang đè nặng trên tương lai của Quốc Gia này, một mối đe dọa đang chi phối sinh hoạt và khả năng phát triển của nó. Tôi muốn nói đến vấn đề khủng hoảng của mức độ sinh sản, một tình trạng suy thoái về nhân số và tình trạng già nua trong dân chúng. Chứng cớ về thống kê bắt chúng ta phải cứu xét đến những vấn đề nhân bản, xã hội và kinh tế, những vấn đề mà cuộc khủng hoảng này không thể không gây ra cho Ý Quốc trong những thập niên tới đây. Tôi dám nói rằng, cuộc khủng hoảng này trước hết phấn khích, đúng ra bắt buộc những người công dân phải quyết tâm một cách mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa trong việc làm sao để lật ngược hẳn lại khuynh hướng này.

Việc Giáo Hội góp phần vào vấn đề phát động thái độ và văn hóa có thể làm đảo lộn khuynh hướng này là một thứ hoạt động mục vụ thiên về các gia đình cũng như về việc chấp nhận sự sống, và một cách tổng quát hơn, thiên về một lối sống mang đặc tính hiến thân cho nhau. Thế nhưng, cũng còn một khoảng rộng cho những hoạt động chính trị, những hoạt động mà, bằng việc nhìn nhận những quyền lợi của gia đình như là một xã hội bẩm sinh được thiết lập bởi đời sống hôn nhân, theo đúng Hiến Pháp của Cộng Hòa Ý Quốc tỏ bày, mới có thể thực hiện việc có con cái và việc nuôi dưỡng chúng, ít cảm thấy gánh nặng cho cả xã hội lẫn kinh tế.

7. Ở vào thời điểm thường xẩy ra những đổi thay sâu xa, lúc mà kinh nghiệm quá khứ dường như càng ngày càng lỗi thời thì con người càng cần phải được huấn luyện vững chắc hơn bao giờ hết. Thưa Tôn Vị Đại Diện nhân dân Ý Đại Lợi, đây cũng là một kỷ nguyên cần phải có sự hợp tác rộng rãi hơn nữa để bảo đảm thực hiện việc trợ giúp đầy đủ cho những trách nhiệm chính yếu của các bậc làm cha làm mẹ. Việc dạy dỗ về trí thức cũng như việc giáo dục về luân lý cho giới trẻ đối với tất cả mọi người phải là hai ‘đường lối’ thiết yếu trong những năm phát triển quan trọng của chúng, trong việc cải tiến chúng, trong việc mở rộng chân trời tâm trí cho chúng cũng như trong việc giúp chúng sửa soạn chạm trán với thực tế của cuộc đời.

Con người nam nữ sống cuộc sống con người chân chính là nhờ ở văn hóa. Qua văn hóa họ thấy được hữu thể thực sự của mình và đi tới chỗ “chiếm hữu” bản thân mình hơn nữa. Một người biết suy nghĩ hiểu được một cách rõ ràng tầm vóc nhân bản của con người là những gì họ là hơn những gì họ có. Giá trị nhân bản của mỗi một cá nhân con người trực tiếp và chính yếu liên quan đến cái là chứ không phải đến cái có. Vì lý do này mà quốc gia nào quan tâm đến tương lai của mình thì cổ võ việc phát triển những trung tâm học hỏi trong một bầu khí tự do, và hết sức nỗ lực để cải tiến phẩm chất của những trung tâm ấy, chặt chẽ hợp tác với gia đình và tất cả mọi cơ phận trong xã hội, như thực sự đang xẩy ra ở hầu hết các xứ sở ở Âu Châu.

Cũng không kém phần quan trọng đối với việc huấn luyện con người đó là một bầu khí luân lý chi phối các liên hệ xã hội, một bầu khí mà hiện nay đang bị các phương tiện truyền thông đại chúng đặt vấn đề một cách trầm trọng; cái thách đố này là mối quan tâm đối với hết mọi cá nhân cũng như gia đình, nhất là đối với những ai mang những trách nhiệm chính yếu về chính trị và pháp chế. Về phần mình, Giáo Hội sẽ không bao giờ thôi thi hành sứ vụ giáo dục vốn thuộc về bản tính của mình trong lãnh vực này.

8. Bản chất “nhân bản” chân chính của xã hội được đặc biệt chứng tỏ nơi việc chú trọng có thể hướng về những thành phần hèn kém nhất. Nếu chúng ta để ý đến việc phát triển của Ý Quốc trong gần 60 năm qua từ tình trạng đổ nát của Thế Chiến Thứ Hai, chúng ta chỉ còn biết ca ngợi mức tiến bộ khổng lồ nước này đạt được trong việc hướng tới một xã hội mà trong đó tất cả mọi người đều được bảo đảm sống trong những hoàn cảnh khả chấp. Thế nhưng cũng cần phải nhìn nhận là có một cuộc khủng hoảng trầm trọng liên tục về vấn đề thất nghiệp gây ảnh hưởng riêng cho giới trẻ, cũng như về nhiều hình thức nghèo khổ, bị bỏ rơi và sống bên lề xã hội, cả cũ lẫn mới, bao gồm nhiều cá nhân cũng như gia đình, người Ý hay di dân đến sống ở xứ sở này. Bởi thế, thật cần phải có một tổ chức tự nguyện và tổng quan hoạt động cho tình đoàn kết, một tình đoàn kết được Giáo Hội hoàn toàn dấn thân góp phần của mình.

Tuy nhiên, một thứ tình đoàn kết như vậy cần phải có khả năng trước hết tin tưởng vào sự chú trọng liên tục và chặt chẽ về phía các Cơ Quan công quyền. Về khía cạnh này, và nếu không gây tổn thương đến nhu cầu bảo toàn sự an ninh của công dân, thì cần phải chú trọng đến tình trạng nhà lao, nơi các tội phạm thường sống trong những điều kiện quá ư chật chội. Một cử chỉ thương cảm đối với tù nhân bằng việc giảm án cho họ sẽ là một chứng cớ rõ ràng cho thấy một sự cảm nhận phấn khích họ phục hồi con người của họ cho việc tái hội nhập xây dựng xã hội.

9. Một Ý Quốc tự tin và gắn bó nội bộ có thể làm giầu cho các quốc gia khác ở Âu Châu cũng như trên thế giới. Tôi muốn chia sẻ cùng quí vị niềm xác tín ấy vào lúc này đây, khi mà việc hình thành về cơ cấu của một Khối Âu Châu đang được ấn định và việc nới rộng của khối này bao gồm nhiều quốc gia ở Trung Âu và Đông Âu có thể đạt được chẳng bao lâu nữa, như nó đang hàn gắn lại cái đầu mối của một tình trạng chia rẽ ngoài ý muốn này. Tôi hy vọng rằng, cũng nhờ Ý Quốc hỗ trợ, những nền tảng mới của “ngôi nhà chung” Âu Châu sẽ không còn sợ thiếu “chất hồ” của một thứ gia sản về tôn giáo, văn hóa và dân sự đã từng làm cho Âu Châu trở thành cao cả qua các thế kỷ.

Cần phải coi chừng cái quan điểm của Lục Địa này, một quan điểm chỉ chú trọng tới những khía cạnh kinh tế và chính trị của mình, hay một quan điểm đầu hàng vô điều kiện cho những lối sống theo khuynh hướng hưởng thụ chẳng màng gì tới các giá trị thiêng liêng. Nếu muốn có một sự bền vững lâu dài nơi mối hiệp nhất mới ở Âu Châu đây, cần phải quyết tâm bảo đảm là mối hiệp nhất mới này cần phải được xây dựng trên những nền tảng đạo lý đã từng là nền tảng của nó, đồng thời cũng tạo cơ hội cho sự phong phú và tính cách đa diện của các nền văn hóa và truyền thống làm nên đặc tính của mỗi dân tộc. Trong một Cuộc Họp quí giá này đây, Tôi xin lập lại lời kêu gọi mà trong những năm gần đây Tôi đã từng lên tiếng kệu gọi các dân tộc khác nhau của Lục Địa này, đó là: “Hỡi Âu Châu, vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ, một lần nữa hãy mở cửa của mình ra cho Chúa Kitô vào!”.

10. Thế kỷ mới vừa được bắt đầu với một nhu cầu càng cần phải hòa hợp, đoàn kết và thuận thảo với nhau hơn nữa giữa các dân nước: vì đây là một đòi hỏi không thể thiếu cho một thế giới mỗi ngày một liên thuộc với nhau hơn, một thế giới gắn bó với nhau bằng một hệ thống trao đổi và truyền thông toàn cầu, một thế giới chẳng may vẫn còn tiếp tục diễn ra những tình trạng chênh lệch. Thê thảm thay, niềm hy vọng hòa bình của chúng ta bị đối nghịch một cách thương đau bởi những xung khắc kinh niên bùng dậy, bắt đầu bằng cuộc xung khắc đã gây ra cảnh đẫm máu ở Thánh Địa. Rồi những cuộc khủng bố quốc tế nữa, những cuộc khủng bố đã mặc lấy một chiếu kích mới mẻ và ghê sợ, liên quan đến một đường lối hoàn toàn làm méo mó các tôn giáo lớn. Chính vì lý do này, các tôn giáo trên thế giới đang phải cố gắng chứng tỏ cho thấy tất cả khả năng phong phú của mình trong việc xây dựng hòa bình, bằng việc hường tới và có thể nói “quay về” với việc hiểu biết hỗ tương đối với các nền văn hóa và văn minh được khởi hứng từ những tôn giáo ấy.

Trong công cuộc cả thể này, một công việc mang lại thành quả chi phối tương lai của nhân loại trong các thập niên tới đây, Kitô Giáo có một ơn gọi và trách nhiệm đặc biệt, đó là, bằng việc loan báo Vị Thiên Chúa của tình yêu, Giáo Hội cho thấy mình là một tôn giáo của lòng tôn trọng, tha thứ và hòa giải hỗ tương. Ý Quốc và các quốc gia khác, theo lịch sử, đã được cắm rễ sâu trong đức tin Kitô giáo, ở một nghĩa nào đó, vẫn đang sửa soạn mở ra cho nhân loại những đường lối mới hòa bình, không phải bằng việc coi thường cái nguy hiểm của những đe dọa hiện tại, nhưng cũng không để cho mình bị giam hãm bởi một thứ “lý lẽ” đối chọi nhau không có khả năng mang lại những giải quyết thực sự.

Thưa Quí vị Đại Diện Danh Tiếng của Nhân Dân Ý Quốc, tận đáy lòng Tôi bộc phát một lời nguyện được dâng lên từ Thánh Đô cổ kính và vinh sang này – từ “Rôma là nơi Chúa Kitô là một Người Rôma”, theo một câu nói danh tiếng của thi sĩ Dante (Purgatorio 32:102), Tôi nguyện xin Đấng Cứu Chuộc nhân loại ban ơn để Đất Nước Ý Đại Lợi thân yêu này được tiếp tục, bây giờ cũng như trong tương lai, sống một lối sống xứng với truyền thống rạng ngời của mình, và rút được từ truyền thống này những hoa trái văn minh mới mẻ và dồi dào cho sự tiến bộ của toàn thế giới về vật chất lẫn thiêng liêng. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Ý Quốc!

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Màn Điện Toán Zenit phổ biến ngày 14/11/2002).
 

TOP

 

Tác Hiệu của những lời ĐTC Gioan Phaolô II nói với Quốc Hội Ý: Một tội phạm đã ra đầu thú.

Một đầu đảng Mafia người Sicily là Benedetto Marciante, 50 tuổi, đã từng bị bản án sát nhân và tống tiền đã tự nộp mạng ở nhà tù Rebibbia hôm Thứ Năm 14/11/2002 vừa rồi sau khi nghe bài diễn từ của Đức Thánh Cha, vị luật sư của tội phạm này cho biết như thế.

Vào Tháng 5/2002, tội phạm này đã bị xử khuyết diện 30 năm tù về tội sát hại một đồng bọn Mafia khác vào năm 1982. Vào Tháng 9/2002, tội phạm này lại bị tòa xử thêm 7 năm tù nữa về những dính dáng với Mafia. Tài sản của ông đã bị tòa án ở Palermo ra lệnh tịch biên, nhưng tội phạm đã thoát thân. Sau khi nghe bài diễn từ của ĐTC, tội phạm đã gọi cho luật sư của mình mà nói ông sẽ ra đầu thú. Sau đó, tội phạm này đã cho biết là điều làm ông bị đánh động nhất là những lời Đức Thánh Cha nói về các giá trị của gia đình: “Tôi nhận ra rằng Tôi đã đi sai đường lạc lối”.

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ