GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 22/11/2005 |
? ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp về Việc Tiến Bộ nơi Mối Liên Hệ Với Chính Thống Giáo Hy Lạp
Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt án tử hình
? KINH NGHIỆM VỀ SỐNG LỜI CHÚA:Gm. GB. BÙI TUẦN
ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp về Việc Tiến Bộ nơi Mối Liên Hệ Với Chính Thống Giáo Hy Lạp
Sau đây là nguyên văn sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi cho ĐHY Jean-Louis Tauran, Trưởng Văn Khố và Thủ Thư Viện của Hội Thánh Công Giáo Rôma, nhân dịp phổ biến văn bản “Menologion of Basil II”. Thư Viện Vatican đã hợp tác với Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp để thực hiện dự án này.
ĐHY Jean-Louis Tauran,
Trưởng Văn Khố và Thủ Thư Viện của Hội Thánh Công Giáo Rôma
Tôi vui mừng được tin về việc hợp tác được thiết lập giữa Thư Viện Tòa Thánh Vatican với Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp về dịp phổ biến văn bản “Menologion of Basil II”, một bản thảo được lưu giữ ở Thư Viện Tòa Thánh Vatican, và tôi xin ngỏ lời cám ơn về việc phát triển tốt đẹp qua các giai đoạn khác nhau của dự án này.
Vì huynh sẽ đi tham dự cuộc họp ở Nhã Điển vào dịp chính thức trình bày lần đầu tiên bản sao chép văn bản này, tôi xin huynh cho tôi gửi đến Thượng Phụ Christodoulos, TGM Nhã Điển cùng Tất Cả Nhân Dân Hy Lạp, lòng cảm mến thân ái và huynh đệ của tôi, và việc tôi hết sức hài lòng về điều đạt thành quan trọng này, hoa trái của những mối liên hệ mới đã từng được đan kết sau chuyến viếng thăm Nhã Điển không thể quên được của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhân dịp chuyến hành hương năm Thánh của ngài theo vết chân của Thánh Phaolô. Nó làm cho tôi cảm thấy hết sức vui mừng khi thấy rằng việc chủ động hợp tác hơn bao giờ hết đang được phát triển giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp.
Vì lý do này tôi xin huynh hãy chuyển đến Đức Thượng Phụ Christodoulos là tôi lấy làm vui mừng được tiếp đón ngài ở Rôma để cùng nhau cho thấy một giai đoạn mới đạt được trên con đường hòa giải và hợp tác. Điều này chứng thực cho lòng tôi thành thật muốn phát tiển mối liên hệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết niềm tin tưởng và tình huynh đệ giữa chúng ta trong việc cùng nhau hoạt động trong nhiều khó khăn thử thách của việc truyền bá phúc âm hóa: Đặc biệt là chúng ta có thể mạnh mẽ hơn để giúp cho các quốc gia Âu Châu tái xác nhận căn gốc Kitô giáo của họ để một lần nữa họ tìm được nhựa sống dưỡng nuôi và làm phong phú chính tương lai họ cho thiện ích của con người và toàn thể xã hội. Nó sẽ là một đường lối cùng nhau loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho thế giới hiện đại là thế giới rất cần đến nó. Nhờ thế, chúng ta mới đáp ứng hơn bao giờ hết niềm thiết tha ước mong của chính Chúa Kitô là :Để họ được nên một” (x Jn 17:21), cho đến ngày, thời điểm Thiên Chúa muốn và theo hướng dẫn của Thánh Linh, chúng ta có thể cử hành mối hiệp thông được trọn vẹn phục hồi.
Tôi đồng thời cũng xin huynh thay tôi thân ái chào các phần tử của Thánh Nghị Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, cũng như chư huynh giám mục Giáo Hội Công Giáo, Tổng Thống Cộng Hòa Hy Lạp, cùng các vị thẩm quyền khác tụ họp lại trong dịp này.
Với cảm thức tin tưởng và hy vọng này, tôi chúc huynh được hoàn toàn thành đạt sứ vụ của huynh. Nguyện cầu Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu trên huynh, Hồng Y đáng kính, tôi ban phép lành tòa thánh đặc biệt và ưu ái.
Vatican ngày 27/10/2005
Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
17/11/2005
Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt án tử hình
Hôm Thứ Ba 15/11/2005 đã chấp thuận, với số phiếu 237-4, ‘Một Nền Văn Hóa Sự Sống và Án Tử Hình”, một bản văn kiện chủ trương rằng việc thi hành án tử là việc góp phần vào vòng bạo lực trong xã hội:
“Hình phạt tử hình là những gì vi phạm đến việc tôn trọng sự sống và phẩm giá của con người”.
“Đã đến lúc quốc gia của chúng ta cần loại trừ đi cái ảo tưởng là chúng ta có thể bảo vệ sự sống bằng việc sát hại sự sống.
“Khi quốc gia, nhân danh chúng ta và bằng thuế má của chúng ta, chấm dứt sự sống con người trong khi có những giải pháp bất sát hại khác, làm cho chúng ta thấy rằng xã hội có thể chế ngự bạo lực bằng bạo lực.
“Cần phải loại bỏ án tử hình chẳng những về những gì nó gây ra cho thành phần bị hành quyết mà còn về những gì gây ra cho toàn thể xã hội nữa”.
“Họ đáng được chúng ta xót thương, gắn bó và nâng đỡ – về tâm linh, mục vụ và cá nhân. Tuy nhiên, việc thông cảm với các gia đình của nạn nhân không thúc buộc chúng ta phải ủng hộ việc sử dụng tới án tử… Không có một hành động này, thậm chí cả việc hành quyết đi nữa, có thể trả về được một con người được mộ mến hay chữa lành những vết thương kinh hoàng. Nỗi đớn đau và cái mất mát của cái chết duy nhất không thể được tẩy trừ bởi một cái chết khác”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/11/2005
? Gm. GB. BÙI TUẦN: KINH NGHIỆM VỀ SỐNG LỜI CHÚA
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới gởi một thư chung mục vụ 2005 cho toàn thể mọi thành phần Dân Chúa.
Khi soi đời tôi vào thư đó, tôi như đọc thấy Lời Chúa viết trong đời mình.
Có thể nói, Lời Chúa thực sự đã viết trong tôi. Viết trong trí khôn, trí nhớ, trí sáng tạo. Có những Lời đã viết sâu tận tiềm thức, vô thức. Bình thường tưởng như những Lời ấy đã bị quên, nhưng thực sự chúng đã biến thành sự sống.
Lời Chúa được viết trong tôi và đã trở thành một sự sống hoán cải tôi. Bởi vì những Lời ấy không do người nào đã viết, nhưng do chính Chúa đã pha trộn vào sự sống của tôi. Lời Chúa là một sự sống. Sự sống ấy gieo vào sự sống của tôi những tiềm năng sự thiện.
Những tiềm năng sự thiện ấy đã lớn lên dần dần trong tôi theo tuổi đời tôi. Nếu muốn đưa ra cái nhìn về vài ích lợi trong muôn vàn của Lời Chúa trong đời tôi, thì tôi xin chia sẻ đôi chút như sau:
1/ Lời Chúa hướng dẫn tôi đi tìm và phát triển sự thiện
Tôi vẫn quan niệm rằng: Sự sống của tôi phải hướng về sự thiện và phát triển sự thiện. Sự thiện cho bản thân tôi và sự thiện cho mọi người, ưu tiên là cho những ai tôi có liên đới và trách nhiệm.
Để biết cái gì là sự thiện, tôi có thể hỏi lương tri, giáo dục, tập quán xã hội và dư luận. Nhưng mọi ngả ấy đều có thể cung cấp những chỉ dẫn sai lạc. Để biết chắc đâu là thiện, tôi tìm đến Chúa. Chúa trả lời tôi bằng Lời Chúa.
Có một điều tôi muốn nêu lên ở đây, đó là Lời Chúa giúp tôi yêu mến sự thiện, khát khao sự thiện, đi tìm sự thiện. Nhất là khi sự thiện tôi khao khát đi tìm với hết sức mình là chính Nước Trời.
Có lần Chúa Giêsu đã phán: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy
"Nước Trời lại giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có để mua lấy viên ngọc ấy" (Mt 13,44-45).
Khi tôi được gọi làm giám mục, tình hình đời đạo trên quê hương Việt Nam đang diễn tiến phức tạp trong khói lửa mịt mù. Lúc đó, tôi chọn cho đời mục tử của tôi Lời Chúa sau đây: "Điều răn mới". Đó là lời vắn tắt trích từ một lời dài Chúa Giêsu đã trối trong bữa tiệc ly: "Thầy trao cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 14,34).
Lời Chúa trên đây đã là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho tôi, và là nguồn sống thiêng liêng nuôi dưỡng tôi. Nhờ đó, tôi thấy rõ hướng tôi sẽ đi để phát triển cho dân tộc, cho địa phương, cho Giáo Hội, nhất là cho những người nghèo khổ.
Cũng nhờ Lời Chúa đã trở thành đường đi của đời tôi, nên tôi đã biết chống lại sự ác một cách có hiệu quả.
2/ Lời Chúa hướng dẫn tôi chống lại sự ác bằng sự thiện
Trong cuộc sống, sự ác là một thứ đồng hành không tránh được. Có muôn vàn thứ ác. Chúng mạnh và xuất hiện dưới nhiều hình thức. Để sống tốt, tôi phải chống lại chúng.
Tôi có thể chống ác bằng sự ác. Nhưng cách đó sẽ đưa tới tồi tệ. Nên, theo Lời Chúa hướng dẫn, tôi luôn chống ác bằng sự thiện.
Nhưng để sự thiện có sức thắng sự ác, tôi cần sống Lời Chúa một cách sâu xa. Nhờ vậy, tôi sẽ biết dùng sự thiện để đối phó với sự ác cách nào, lúc nào và mức nào.
Nhờ Lời Chúa dạy, đôi khi do sự thinh lặng, tôi đã thắng được một sự ác lớn, chứ không do tranh cãi ồn ào.
Nhờ Lời Chúa dạy, nhiều khi do sự cầu nguyện âm thầm, tôi đánh bại sự ác nguy hiểm, chứ không do những tranh đấu rầm rộ.
Trong mọi trường hợp đấu tranh với sự ác, tôi luôn nhớ Lời Chúa dạy qua thánh Phaolô: "Hãy đứng vững, lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an. Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho là Lời Thiên Chúa" (Ep 6,14-17).
Dùng sự thiện để chống lại sự ác. Lời Chúa dạy như vậy đã luôn ứng nghiệm trong đời tôi. Ngoài ra,
3/ Lời Chúa còn giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa đời tôi
Xin thú thực là: Điều làm sung sướng nhất trong đời, chính là tôi được làm con Chúa. Ngoài ra, điều làm tôi coi mình được vinh dự nhất, chính là được phần nào nên giống Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu, mà thánh Phaolô đã ca tụng bằng những bước xuống vì yêu thương loài người:
"Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không dành cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người huỷ bỏ chính mình, mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá" (Pl 2,6-11).
Trên đây là tấm bảng chỉ cho tôi thấy ý nghĩa đời tôi. Tôi càng đi sâu vào hướng đó, tôi sẽ càng thấy mình được là cành của thân cây nho là Chúa Giêsu (x. Ga 15,1-5).
Đời tôi cũng như đời mỗi người đều có hai chiều kích: Một là chiều kích bề ngang, hai là chiều kích bề cao. Chiều kích bề ngang là những quan hệ với các loại người, với môi trường, với vũ trụ. Chiều kích bề cao là quan hệ với Chúa.
Tôi được may mắn dùng những thời gian của tuổi già, để làm cho chiều kích bề cao mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Kitô hơn.
Thế là ý nghĩa đời tôi đã được xác định rõ. Dù với vô vàn giới hạn, đời tôi như một dòng tình yêu chảy về Biển Cả vô biên là Thiên Chúa Tình Yêu.
Trên đây là một thoáng nhìn về kinh nghiệm của tôi sống Lời Chúa. Kinh nghiệm diễn tả được vẫn nghèo so với kinh nghiệm không sao diễn tả được.
Hành trình tôi Sống Lời Chúa đã được thực hiện giữa một giai đoạn lịch sử Việt Nam không thiếu thử thách.
Hành trình này rất ẩn dật, khó nghèo, nhưng được Chúa cho cộng tác phần nào vào công trình cứu độ của Chúa. Xin tạ ơn Chúa đến muôn đời.
+ Gm. GB. BÙI TUẦN