GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 10/12/2005

 

?   Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican cho Ngày Thế Giới Chống Hội Chứng Liệt Kháng: "Giáo Hội Công Giáo tiếp tục thực hiện việc đóng góp của mình vào cả việc ngăn ngừa lẫn việc chăm sóc thành phần bị Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng..."

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế về Vấn Đề Nhân Quyền

 

 

?   Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican cho Ngày Thế Giới Chống Hội Chứng Liệt Kháng: "Giáo Hội Công Giáo tiếp tục thực hiện việc đóng góp của mình vào cả việc ngăn ngừa lẫn việc chăm sóc thành phần bị Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng..."

 

Thứ Năm 1/12/2005 là Ngày Thế Giới Chống Hội Chứng Liệt Kháng, Tòa Thánh Vatican, qua Đức Hồng Y Javier Lazano Barragán, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe đã phổ biến một sứ điệp nguyên văn như sau:

 

Ngày 1 tháng 12 năm 2005

 

Cùng Chư Hội Đồng Giám Mục, cùng các cơ cấu và tổ chức quốc gia và quốc tế, cùng các tổ chức và hiệp hội phi chính phủ tham gia vào việc ngăn ngừa và trợ giúp, cùng con người thiện tâm nam nữ.

 

1.         Ngày Thế Giới chống Hội Chứng Liệt Kháng năm nay được UNAIDS tổ chức, với câu tâm niệm là “Chặn Đứng AIDS. Giữ lời hứa”, tìm cách kêu gọi hết mọi người, nhất là những ai đang đóng những vai trò chịu trách nhiệm về ngành Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng hãy tái dấn thân và ý thức dấn thân cho việc ngăn ngừa dài lâu cho khỏi việc lan tràn dịch bệnh này, và chăm sóc cho những ai bị nó lây nhiễm, nhất là ở các nước bần cùng, nhất là ở các nước nghèo, để chặn đứng và hoán dịch chiều hướng về việc lan tràn rộng lớn của dịch vụ HIV/AIDS.

 

2.         Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Chăm Sóc Mục Vụ Về Sức Khỏe hợp cùng với các tổ chức quốc gia và quốc tế, nhất là UNAIDS, một cơ quan hằng năm tổ chức một cuộc vận động thế giới chống Hội Chứng Liệt Kháng, nhờ đó, cái sự dữ trên mặt đất đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu này được đáp ứng bởi một hoạt động có tính cách liên kết và hoàn vũ như nhau. Việc các Vị Thủ Lãnh Quốc Gia và những vị đại diện các chính quyền trong năm 2001 gắn bó với Bản Tuyên Ngôn quyết tâm chiến đấu với Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng là một thời điểm quan trọng trong việc khẳng định ý thức và quyết tâm về chính trị ở tầm mức quốc tế muốn phản ứng một cách mạnh mẽ, toàn cầu và quyết liệt của cộng đồng thế giới.

 

3.         Tình trạng lây lan truyền nhiễm của Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng tiếp tục gây ra nhiều mối quan tâm. Theo thẩm định thì trong năm 2005 có số người bị Hội Chứng Liệt Kháng là 40.3 triệu, trong đó có 2.3 triệu là trẻ em vị thành niên dưới 15 tuổi. Con số người nhiễm phải hội chứng này càng ngày càng tiếp tục gia tăng. Trong năm 2005, có 4.9 triệu người bị nhiễm Vi Khuẩn HIV, trong đó có 700 ngàn là trẻ em chưa tới 15 tuổi, cũng trong năm 2005 có 3.1 triệu người bị chết vì Hội Chứng Liệt Kháng, trong đó có 570 ngàn thiếu niên dưới 15. Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng tiếp tục gieo rắc chết chóc ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới.

 

4.         Cách chữa trị tốt nhất là ngăn ngừa cho khỏi nhiễm Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng, là những thứ chúng ta cần phải nhớ rằng được truyền lan qua ba ngã đường là qua ngả máu, qua ngả từ mẹ sang con và qua ngả giao tiếp tình dục. Về việc truyền máu cùng những hình thức khác của việc giao tiếp với máu với người bị nhiễm lây, ngày nay việc bị lây nhiễm này đã được giảm bớt đáng kể. Mặc dù thế, vẫn phải hết sức cẩn trọng để tránh bị lây lan qua ngả lối máu me này, nhất là ở những trung tâm thực hiện việc truyền máu và trong những cuộc mổ xẻ. 

 

Chúng ta cảm tạ Chúa vì việc truyền lây từ mẹ sang con đang được chế ngự một cách mãnh liệt nhờ ở những thứ thuốc xứng hợp. Việc ngăn ngừa về lãnh vực này cần phải gia tăng hơn nữa qua việc cung cấp thuốc men xứng hợp cho những người mẹ có kháng thể mạnh, nhất là bởi các cơ quan công cộng ở những quốc gia khác nhau trên thế giới.

 

Ngả thứ ba của việc lây lan – việc truyền theo đường tình dục – vẫn còn là vấn đề hết sức quan trọng. Việc truyền lan này phần lớn được nuôi dưỡng bởi một thứ văn hóa tình dục sôi nổi làm giảm giá trị của tính dục, biến nó thành một thứ khoái lạc thuần túy không có một ý nghĩa sâu xa nào khác nữa. Việc sâu xa ngăn ngừa về lãnh vực này cần phải xuất phát từ một quan niệm và việc thực hành xác đáng về tính dục, nhờ đó hoạt động về tình dục được am hiểu sâu xa như là một việc trọn vẹn và hoàn toàn thể hiện tình yêu trao ban sinh sản. Tính chất toàn vẹn này dẫn chúng ta đến chỗ chỉ thực hiện nó trong đời sống hôn nhân mà thôi, một thứ hôn nhân có tính cách đặc thù và bất khả phân ly. Như thế, việc ngăn ngừa bảo đảm trong lãnh vực này là ở chỗ gia tăng mối liên kết đời sống gia đình.

 

Đó là ý nghĩa sâu xa của Giới Răn Thứ Sáu, của lề luật Thiên Chúa, là những gì tạo nên một phương tiện cho việc ngăn ngừa đích thực đối với Hội Chứng Liệt Kháng ở lãnh vực sinh hoạt về tình dục.

 

5.         Vì nhiều quốc gia thấy mình đối diện với tình trạng khó khăn về xã hội, văn hóa và kinh tế, mà việc bênh vực và cổ võ sức khỏe chắc chắn đòi phải là một dấu hiệu của một tình yêu vô vị lợi nơi mọi người, nhất là đối với thành phần nghèo khổ nhất và yếu kém nhất, và là những gì đáp ứng các nhu cầu nhân bản của hết mọi cá nhân cũng như cộng đồng. Có thế, cần phải cải tiến những thứ luật lệ không cứu xét đầy đủ việc phân phối bình đẳng những điều kiện về sức khỏe cho hết mọi người. Sức khỏe tự bản chất là một sự thiện và chúng ta có thể nói rằng “nó đang gánh vác cái trị sản xã hội”. Bởi thế cần phải bảo đảm sức khỏe cho tất cả mọi cư dân trên trái đất này và cần phải dấn thân vào những việc nghiên cứu để sử dụng những phương tiện trong việc chiếm đạt sức khỏe cho hết mọi người, bằng việc bảo đảm việc chăm sóc và chữa trị căn bản là những gì mà đa số dân chúng trên thế giới vẫn bị khước từ. Tuy nhiên, quyền được bênh vực sức khỏe cần phải đi liền với nhiệm vụ trong việc áp dụng những hình thức tác hành cũng như trong việc theo đuổi những lối sống nhắm đến việc bênh vực sức khỏe và loại trừ đi những gì gây thương tổn đến sức khỏe.

 

6.         Giáo Hội Công Giáo tiếp tục thực hiện việc đóng góp của mình vào cả việc ngăn ngừa lẫn việc chăm sóc thành phần bị Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng cũng như gia đình của họ ở lãnh vực chăm sóc cùng trợ giúp về y khoa, và ở cả các lãnh vực về xã hội, tâm linh và mục vụ nữa. Trong số các trung tâm giành để chăm sóc liên quan tới Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng trên thế giới có 26.7% thuộc về Công giáo. Các Giáo Hội địa phương, những tổ chức tu trì và các hiệp hội giáo dân, trong yêu thương, với một cảm quan trách nhiệm và một tinh thần bác ái, đã phát động rất nhiều dự án và chương trình liên quan tới việc huấn luyện và giáo dục, việc ngăn ngừa và trợ giúp, việc chăm sóc và mục vụ giúp người bệnh.

 

7.         Ở lãnh vực thực hành, căn cứ vào tín liệu được cung cấp từ các Giáo Hội địa phương khác nhau và các tổ chức Công Giáo trên thế giới, thì những hoạt động liên quan tới lãnh vực Hội Chứng Liệt Kháng có thể được phân hạng như sau: hoạt động cổ võ những cuộc vận động về cảm quan, hoạt động về những chương trình ngăn ngừa và giáo dục cho việc chăm sóc sức khỏe, hoạt động nâng đỡ trẻ em mồ côi, hoạt động phân phát các thứ dược phẩm và lương thực, hoạt động chăm sóc tại gia, hoạt động thiết lập các bệnh viện, các trung tâm và các cộng động trị liệu tập trung việc làm của mình vào vấn đề chăm sóc và trợ giúp thành phần bị Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng, làm việc với các chính quyền, chăm sóc trong các nhà tù, mở các lớp dạy giáo lý, thiết lập những hệ thống giúp đỡ qua mạng điện toán toàn cầu, và việc thiết lập những nhóm nâng đỡ thành phần bệnh nhân. Bên cạnh nỗ lực khôn sánh và đáng ca ngợi này, vào ngày 12/9/2004, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Hội “Người Samaritanô Nhân Lành”, một tổ chức được trao cho Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe, và sau đó được Đức Biển Đức XVI công nhận, là để mang lại sự giúp đỡ về kinh tế, nhờ những đóng góp ủng hộ nhận được, cho thành phần bệnh nhân cần nhất trên thế giới, nhất là các nạn nhân của Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng. Trong năm đầu tiên hoạt động của Hội này, việc giúp đỡ về tài chính đáng kể để mua các thứ dược phẩm đã được gửi đến cho các Giáo Hội địa phương ở Mỹ Châu, Á Châu, Phi Châu và Âu Châu.

 

8.         Tôi xin cống hiến một số đề nghị ở lãnh vực hướng dẫn hoạt động cho những ai tham gia vào các phương diện khác nhau của cuộc chống Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng.

 

·        Đối với các cộng đồng Kitô hữu, xin hãy tiếp tục cổ võ việc bền vững của gia đình và việc giáo dục con cái về vấn đề hiểu biết đúng đắn sinh hoạt tình dục như là một tặng ân của Thiên Chúa giành cho việc trao ban bản thân mình một cách trọn vẹn yêu thương và sinh sản.

 

·        Đối với các chính quyền, xin hãy cổ võ sức khỏe toàn diện cho dân chúng của mình và chú trọng tới việc chăm sóc các bệnh nhân bị Hội Chứng Liệt Kháng, theo những nguyên tắc về trách nhiệm, kết đoàn và công bằng.

 

·        Đối với các ngành kỹ nghệ về dược phẩm, xin hãy dễ dàng hóa phương tiện về kinh tế liên quan tới những dược phẩm chống vi khuẩn để chữa trị Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng và những dược phẩm cần thiết để trị những thứ lây nhiễm tùy nghi.

 

·        Đối với càc khoa học gia và các cán sự chăm sóc sức khỏe, xin hãy lấy lại tình đoàn kết của mình và làm mọi sự có thể để phát triển việc nghiên cứu y sinh học nơi Vi Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng để tìm những dược phẩm mới và hiệu nghiệm có thể ngăn chặn hiện tượng này.

 

·        Đối với các phương tiện truyền thông đại chúng, xin cung cấp tín liệu một cách minh bạch, xác đáng và trung thực cho dân chúng về hiện tượng này cũng như về các phương pháp để ngăn ngừa nó mà không có bất cứ một hình thức khai thác nào.

 

9.         Tôi xin kết luận bằng những lời của Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngỏ cùng các vị Giám Mục Nam Phi trong cuộc triều kiến ngũ niên của các vị hôm 10/6/2005: “Quí Huynh Giám Mục, tôi chia sẻ với mối quan tâm sâu xa của quí huynh về tình trạng tàn phá do Hội Chứng Liệt Kháng gây ra và những chứng bệnh liên hệ. Tôi đặc biệt cầu cho các người góa bụa, cho các em mồ côi, cho các người mẹ trẻ và cho những ai có cuộc sống tan vỡ bởi cơn dịch tàn bạo này. Tôi xin quí huynh hãy tiếp tục nỗ lực của mình trong việc chiến đấu chống thứ vi khuẩn này là thứ vi khuẩn chẳng những sát hại mà còn trầm trọng đe dọa tính cách bền vững về kinh tế và xã hội của Châu Lục này nữa”.

 

Hồng Y Janier Lozano Barragán

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/11/2005

 

   

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế về Vấn Đề Nhân Quyền

 

Sáng Thứ Năm 1/12/2005, Đức Thánh Cha đã tiếp các phần tử của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế do ĐTGM William Joseph Levada lãnh đạo, vị tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin kiêm chủ tịch của ủy ban này. Trong bài nói của mình, ngài đã đề cập tới những chủ đề được ủy ban bàn luận trong cuộc họp thường niên, như đề tài trẻ em chết mà chưa lãnh nhận phép rửa liên quan tới dự án cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, vai trò chuyên nhất của việc Chúa Kitô làm môi giới và bản tính bí tích của Giáo Hội, và đề tài về luật luân lý tự nhiên. Đề tài cuối cùng này, theo ngài, “là đề tài đặc biệt quan trọng để hiểu được nền tảng của những thứ quyền lợi được bắt nguồn từ bản tính của con người, nhờ đó, xuất phát từ ý định của chính Thiên Chúa Hóa Công”.

 

“Trước bất cứ một luật lệ tích cực nào được Chư Quốc ban hành, thì những quyền lợi này là những quyền lợi phổ quát, bất khả vi phạm và bất khả chuyển nhượng, cần phải được mọi người nhìn nhận, nhất là các thẩm quyền dân sự là thành phần được kêu gọi để cổ võ chúng và bảo đảm việc chúng được tôn trọng. Mặc dù theo nền văn hóa tân tiến thì quan niệm về ‘bản tính con người’ dường như bị mất đi, nhưng sự thật vẫn là ở chỗ các quyền lợi của con người không thể nào hiểu được nếu không chấp nhận là con người, ở nơi chính hữu thể của mình, là kẻ mang những giá trị và những qui chuẩn cần phải được tái nhận thức và tái xác nhận, chứ không được sáng chế ra và đem áp đặt một cách chủ quan và độc đoán”.

 

“Việc đối thoại với thế giới của người giáo dân là một việc rất quan trọng. Cần phải làm thật sáng tỏ là việc phủ nhận nền tảng siêu hình về những giá trị thiết yếu của sự sống con người sẽ không thể nào thoát được việc đưa tới chủ nghĩa thực chứng và làm cho luật lệ tùy thuộc vào những chiều hướng tư tưởng làm chủ xã hội; bởi đó biến luật lệ thành dụng cụ của quyền lực, hơn là làm cho quyền lực phụ thuộc vào luật lệ”.

 

Thế rồi ngài nói đến tầm quan trọng của “vị thế” và các phương pháp của thần học Công giáo. Về vấn đề này, ngài nhấn mạnh đến sự kiện là “công việc của thần học gia cần phải được thi hành trong mối hiệp thông với và theo thẩm quyền của Huấn Quyền sống động của Giáo Hội. Coi thần học như là một thứ quan tâm riêng tư của thần học gia là hiểu sai về chính bản chất của nó. Chỉ trong cộng đồng giáo hội, trong mối hiệp thông với các vị chủ chiên hợp lệ của Giáo Hội mà công việc về thần học mới có ý nghĩa. Công việc này chắc chắn là đòi hỏi khả năng về khoa học, nhưng trên hết cũng cần phải có tinh thần đức tin và lòng khiêm nhượng của người biết rằng Vị Thiên Chúa thực sự và hằng sống, chủ thể của việc họ suy tư, là Đấng vô cùng trổi vượt khả năng của loài người”.

 

“Đến đây có thể đặt vấn đề là như thế thần học vẫn có thể được định nghĩa như là một khoa học hợp với lý trí hay chăng? Đúng thế. Lý trí, khoa học, và việc suy nghĩ trong mối hiệp thông với Giáo Hội chẳng những không loại trừ nhau mà còn bổ khuyết lẫn nhau. Thánh Linh đưa Giáo Hội đến sự toàn chân, Giáo Hội phục vụ sự thật và dẫn dắt con người bằng việc dạy sự thật”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 1/12/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ