GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 15/12/2005

Tuần III Mùa Vọng

 

?   Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói những gì để bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II? - Một Công Đồng Chú Trọng về Giáo Hội

   ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Giờ Kinh Phụng Vụ Tối Áp Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng 26/11/2005

?  Cuộc Diệt Chủng Người Do Thái của Nazi: Những Mồ Chôn Tập Thể với Cả Triệu Mạng Sống

 

?   Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói những gì để bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II? - Một Công Đồng Chú Trọng về Giáo Hội

 

(tiếp 13 Thứ Ba 14 Thứ Tư)

 

Chính trong một thời điểm như thế mà công đồng của chúng ta đây được tổ chức để tôn kính Thiên Chúa, nhân danh Chúa Kitô và theo sự thúc động của Thần Linh là Đấng “biết được tất cả mọi sự”, “làm cho chúng ta hiểu được các tặng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta” (x 1Cor 2:10-12), và là Đấng giờ đây đang làm tươi mát Giáo Hội, ban cho Giáo Hội một cái nhìn vừa sâu xa vừa trọn vẹn ôm ấp cuộc sống của thế giới. Quan niệm về con người và vũ trụ có tính cách thần trung và thần học này, hầu như bất chấp vấn đề bị cho là lỗi thời và không thích đáng, đã được công đồng này tái đề cao bằng những chủ trương bị thế giới thoạt tiên cho là ngu xuẩn, thế nhưng, lại là những chủ trương, chúng ta hy vọng rằng, sau này sẽ được nhìn nhận thật sự là nhân bản, khôn ngoan và bổ ích: Ở chỗ, Thiên Chúa là và, hơn thế nữa, Ngài là thực hữu, Ngài sống động, một vị Thiên Chúa cá vị quan phòng, vô cùng tốt lành; và chẳng những thiện hảo nơi chính mình mà còn thiện hảo khôn lường đối với chúng ta nữa. Ngài được chúng ta nhận biết như Đấng Tạo Dựng của chúng ta, là sự thật của chúng ta, là hạnh phúc của chúng ta; đến nỗi việc nỗ lực nhìn lên Ngài và việc chú tâm vào Ngài được chúng ta gọi là chiêm niệm là tác động cao cả nhất, là hoàn hảo nhất của tinh thần, tác động cho dù ngày nay vẫn có thể và phải là tột đỉnh của tất cả mọi hoạt động của con người.

 

Con người sẽ nhận ra rằng công đồng này chú trọng không nhiều lắm về các chân lý thần linh, trái lại và chính yếu là vào Giáo Hội – vào bản chất và cấu tạo của Giáo Hội, vào ơn gọi toàn cầu của Giáo Hội, vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội. Xã hội đạo giáo trần thế là Giáo Hội này đã nỗ lực thực hiện tác động phản ảnh về chính bản thân mình, để biết mình rõ hơn, để xác nhận mình hơn, nhờ đó, để đưa ra một cách đúng đắn những gì được Giáo Hội cảm nhận và được Giáo Hội truyền dạy. Thật đúng như vậy. Tuy nhiên, việc tự cảm nhận này tự nó không phải là tất cả, không phải chỉ đơn thuần là việc thi hành về vấn đề hiểu biết của con người hay về một thứ văn hóa thuần trần tục. Giáo Hội đã cùng nhau thu mình lại trong một nhận thức linh thiêng sâu xa, không phải để tung ra một thứ phân tích nghiên cứu về thứ triết lý đạo giáo, hay một bản tường trình về các kinh nghiệm của Giáo Hội, thậm chí cũng không phải để tái xác nhận các thứ quyền hạn của mình và giải thích về các thứ luật lệ của Giáo Hội nữa. Trái lại, chính là để tìm thấy nơi bản thân mình, những gì là chủ động và sống động, là Thánh Linh, là lời Chúa Kitô; cũng như để đào sâu hơn nữa những gì là nhiệm mầu, là dự án và là sự hiện diện của Thiên Chúa trên Giáo Hội và trong Giáo Hội; để làm tái sinh nơi chính mình cái đức tin là bí mật của những gì tin tưởng và khôn ngoan của Giáo Hội, và cái tình yêu thôi thúc Giáo Hội không ngừng hát lên chúc tụng Thiên Chúa. “Cantare anamtis est” (Bài ca là biểu hiệu của người yêu), Thánh Âu Quốc Tinh đã nói như thế (Serm. 336; P.L. 38, 1472).

 

Những văn kiện của công đồng – nhất là những văn kiện về Mạc Khải thần linh, về phụng vụ, về Giáo Hội, về linh mục, tu sĩ và giáo dân – là những gì rộng mở để thấy được ý hướng về đạo giáo chính yếu và chú trọng này, cũng như để thấy được giòng suối thiêng liêng rạng ngời, tươi mới và phong phú là chứng nào, một giòng suối thiêng liêng liên hệ với Thiên Chúa hằng sống làm vọt lên trong lòng Giáo Hội và từ Giáo Hội tuôn ra trên những hoang tàn cằn cỗi của thế giới chúng ta đây.

 

Thế nhưng, chúng ta không thể bỏ qua việc cứu xét quan trọng nơi vấn đề phân tích của mình về ý nghĩa đạo giáo của công đồng này…….

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/12/2005

 

  TOP

 

   ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Giờ Kinh Phụng Vụ Tối Áp Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng 26/11/2005

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bằng việc cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ Tối đầu tiên của Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng này, chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới. Cùng nhau hát thánh vịnh, chúng ta nâng lòng mình lên Thiên Chúa, hướng mình theo tinh thần thiêng liêng đánh dấu mùa ân sủng này, đó là tinh thần “tỉnh thức nguyện cầu” và “hân hoan chúc tụng” (x Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Mùa Vọng, II/A).

 

Lấy Mẹ Maria Rất Thánh làm mẫu sống của mình, vị dạy cho chúng ta biết sống động bằng việc thiết tha lắng nghe Lời Chúa, chúng ta hãy suy niệm về bài Thánh Kinh ngắn vừa được công bố.

 

Bài Thánh Kinh này gồm có 2 câu ở đoạn kết Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Thessanolica (5:23-24). Câu đầu diễn tả lời vị Tông Đồ chào chúc cộng đồng này: câu thứ hai thực sự cho thấy việc bảo đảm việc nên trọn của lời chào chúc ấy.

 

Niềm hy vọng được bày tỏ là mỗi một người được Thiên Chúa làm cho nên thánh và được gìn giữ cho toàn thể con người của họ bao gồm “tinh thần, linh hồn và thân xác” của họ được vô trách cứ vào cuộc đến lần cuối cùng của Chúa Giêsu Kitô; việc bảo đảm niềm hy vọng ấy được thể hiện là những gì xuất phát từ việc trung thành của chính Thiên Chúa, Đấng sẽ không ngừng làm hoàn tất công cuộc Ngài đã khởi sự nơi thành phần tín hữu.

 

Bức Thư đầu tiên gửi tín hữu Thessalonica này là bức thư đầu tiên của các thư Thánh Phaolô, được viết có lẽ vào năm 51. Trong bức thư đầu tiên đây, chúng ta có thể cảm thấy, hơn bất cứ ở các bức thư khác, con tim rung động của vị Tông Đồ này, tấm lòng yêu thương từ phụ của ngài, thực sự chúng ta có thể nói là tấm lòng yêu thương từ mẫu của ngài giành cho cộng đoàn mới này. Và chúng ta cũng cảm thấy mối quan tâm lo lắng của ngài vẫn tồn tại liên quan tới đức tin của Giáo Hội mới ấy, một giáo hội được thực sự bủa vây bởi một môi trường văn hóa có nhiều quan điểm phản nghịch với đức tin.

 

Bởi thế mà Thánh Phaolô đã kết thúc bức thư này bằng một niềm hy vọng, hay chúng ta hầu như có thể nói là bằng một lời nguyện cầu. Nội dung của lời nguyện cầu này đã được chúng ta nghe thấy là họ (tín hữu Thessalonica) cần phải thánh hảo và vô tì tích cho đến lúc Chúa tới. Chữ chính của lời nguyện cầu này là “việc đến”. Chúng ta phải tự hỏi mình “việc Chúa đến” có nghĩa là gì? Theo Hy ngữ có nghĩa là “parousia”, theo La ngữ là “adventus”, là “vọng”, là “đến”. “Việc đến” này là thế nào? Nó có liên hệ với chúng ta hay chăng?

 

Vậy để hiểu được ý nghĩa của lời này, của lời Thánh Tông Đồ nguyện cầu cho cộng đồng này và các cộng đồng trong mọi thời đại – cả cho chúng ta nữa – chúng ta cần phải nhìn đến một con người đã làm cho việc đến của Chúa được hiện thực một cách đặc biệt, đó là Trinh Nữ Maria.

 

Mẹ Maria thuộc về thành phần dân chúng Yến Duyên, trong thời điểm Chúa Giêsu, đang hết lòng mong đợi Đấng Cứu Thế tới. Và căn cứ vào những lời lẽ và tác hành được thuật lại trong Phúc Âm, chúng ta có thể thấy được cách thức Mẹ thực sự đã sống thấm nhuần các lời tiên tri; Mẹ hoàn toàn đợi trông Chúa tới.

 

Tuy nhiên, Mẹ đã không thể nào ngờ được việc đến này diễn ra ra sao. Có lẽ là Mẹ đã mong đợi một việc đến trong vinh quang. Lúc mà Tổng Thần Gabiên vào nhà của Mẹ và nói cho Mẹ biết rằng Chúa, Đấng Cứu Tinh, muốn mặc lấy xác thịt trong lòng Mẹ, muốn thực hiện việc Ngài đến qua Mẹ, chắc chắn đã là tất cả những gì làm cho Mẹ lại càng bàng hoàng ngỡ ngàng.

 

Chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi e dè của vị Trinh Nữ này. Mẹ Maria, bằng một tác động mãnh liệt của đức tin và lòng tuân phục, đã thưa “xin vâng”: “Tôi là tôi tớ của Chúa”. Nhờ đó, Mẹ đã trở thành “nơi cư trú” của Chúa, là “đền thờ” thực sự trên thế giới và là “cửa ngõ” Chúa tiến vào thế gian. 

 

Chúng ta đã nói rằng đây là một việc đến đặc thù” vì là “cái” đến của Chúa. Tuy nhiên, đây không những là việc đến cuối cùng vào ngày cùng tháng tận: Ở một nghĩa nào đó, Chúa luôn muốn tới qua chúng ta. Và Ngài ngõ cửa lòng chúng ta: Các con có sẵn lòng cống hiến cho Ta xác thịt của các con, thời giờ của các con, sự sống của các con hay chăng?

 

Đó là tiếng của Chúa là Đấng muốn tiến vào thời đại của chúng ta, Ngài muốn đi vào cuộc sống nhân loại qua chúng ta. Ngài cũng tìm kiếm một nơi cư trú sống động nơi cuộc đời cá nhân của chúng ta. Đó là việc Chúa đến. Một lần nữa chúng ta hãy học biết điều này nơi Mùa Vọng: Chúa cũng có thể đến giữa chúng ta.

 

Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng lời nguyện cầu này, niềm hy vọng này, được Thánh Tông Đồ bày tỏ, chất chứa một sự thật nồng cốt mà ngài tìm cách ghi khắc nơi tín hữu của cộng đồng do ngài thành lập ấy và là một sự thật chúng ta có thể tóm lại như sau: Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hiệp thông với Ngài, một cuộc hiệp thông sẽ được hoàn toàn nên trọn nơi cuộc trở lại của Chúa Kitô, và chính Ngài muốn bảo đảm rằng chúng ta sẽ tiến tới chỗ sẵn sàng cho cuộc hội ngộ cuối cùng và quyết liệt ấy. Có thể nói tương lai được chất chứa trong hiện tại, hay đúng hơn, trước nhan chính Thiên Chúa, Đấng trong tình yêu trung kiên của mình, không mặc thây chúng ta hay bỏ rơi chúng ta cho dù trong khoảng khắc, như người cha và người mẹ không bao giờ thôi chăm sóc cho con cái mình khi chúng đang trong thời kỳ phát triển.

 

Trước khi Chúa Kitô là Đấng sẽ tới, con người nam nữ được ấn định bằng tất cả hữu thể của mình, một hữu thể được Thánh Tông Đồ tóm lại bằng những chữ “tinh thần, linh hồn và xác thân”, do đó liên quan tới toàn thể con người như là một đơn vị với những chiều kích thể lý, tâm lý và đạo lý. Việc thánh hóa là tặng ân của Thiên Chúa và là dự án của Ngài, thế nhưng con người được kêu gọi để đáp ứng bằng tất cả hữu thể của họ mà không loại trừ bất cứ phần nào của bản thân họ.

 

Chính Thánh Thần, Đấng, trong cung lòng vị Trinh Nữ này, đã hình thành Chúa Giêsu là một con người toàn hảo, Đấng làm hoàn thành dự án diệu kỳ của Thiên Chúa nơi con người, trước hết bằng việc biến đổi tấm lòng, và từ tâm điểm này, biến đổi tất cả mọi sự khác.

 

Bởi thế, tất cả công cuộc tạo dựng và cứu chuộc, được Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, tiếp tục hiện thực, từ đầu cho tới tận cùng của vũ trụ và của lịch sử, đều được tóm lại nơi mỗi một con người. Và từ lần đến thứ nhất của Chúa Kitô ở tâm điểm lịch sử loài người và ở tận điểm là cuộc trở lại vinh hiển của Ngài, mà hết mọi cuộc hiện hữu con người đều được kêu gọi trở nên tầm vóc của Ngài – một cách mầu nhiệm và đa dạng – trong cuộc hành trình trần thế, để vào lúc Ngài trở lại, có thể được “ở trong Ngài”.

 

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Vị Trinh Nữ trung thành, hướng dẫn chúng ta trong việc làm cho thời điểm Mùa Vọng này cũng như toàn thể tân phụng niên thành một đường lối thánh hóa thực sự, để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/12/2005

 

 

TOP

 

? Cuộc Diệt Chủng Người Do Thái của Nazi: Những Mồ Chôn Tập Thể với Cả Triệu Mạng Sống

 

Đức Thánh Cha đã viết một bức thư bày tỏ nỗi xúc động sâu xa khi ngài xem trong các văn kiện tài liệu cho thấy rằng số lượng người Do Thái bị Nazi tàn sát ở Ukraine trong Thế Chiến Thứ II. Ngài đã gửi bức thư này cho ĐHY Jean-Marie Lustiger, vị TGM hồi hưu của TGP Paris, nhân dịp Cuộc Hội Ngộ Âu Châu Lần Thứ Ba Giữa Người Do Thái và Công Giáo, một cuộc hội ngộ được Quốc Hội Do Thái Âu Châu phát động.

 

Biến cố này được tổ chức tại Paris ngày 4/12/2005 với khoảng 700 đại diện Do Thái Giáo và Giáo Hội Công Giáo, trong đó có một vị đại diện của Tòa Thánh Vatican là ĐHY Georges Cottier. Trong cuộc hội ngộ này, Patrick Desbois đã tường trình thành quả của việc ông điều tra ở Ukraine về những ngôi mộ tập thể là nơi có trên 1 triệu người Do Thái bị Nazi chôn vùi sau khi họ xâm chiếm nước này vào năm 1941.

Đức Hồng Y Lustiger đã tường trình cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về những khám phá này, và đáp lại, ngài đã viết một bức thư cho vị hồng y này, đề ngày 1/12, để bày tỏ việc ngài hỗ trợ cuộc hội ngộ ấy. Sau đây là tiêu biểu một số lời ngài đã viết:

 

“Khi đọc bức thư của huynh, và những văn kiện nhận được trước đó, tôi cảm thấy nhức nhối khi nhận thấy quyền lực sự dữ đã cầm buộc dân tình của chúng ta đến mức nào, khiến nó xẩy ra một việc quá ư là quái gở, như những gì được tiết lộ trong những văn kiện ấy.

 

“Cho đến nay tôi chưa bao giờ nghe về âm mưu thảm sát có tổ chức này ở Ukraine là những gì xẩy ra trước cảnh kinh hoàng của những trại diệt chủng Do Thái.

 

“Chỉ cho tới nay tôi mới có thể tưởng tượng nổi những quyền lực quỉ quái của sự dữ, những quyền lực đã từng cai trị nhân dân của chúng tôi 12 năm trời, đã thể hiện đến mức nào, bằng cách hoàn toàn vứt bỏ tất cả những gì là trách nhiệm về luân lý cùng với việc hủy diệt lương tâm con người, cho tới độ  không thể nào tin nổi, nếu nó không được xác định bằng sự chính xác bàng hoàng.

 

Ngài kêu gọi vị hồng y “hãy đừng bao giờ thôi nguyện cầu cùng Chúa để Ngài bảo vệ chúng ta khỏi những thứ quyền lực này trong tương lai”.

 

Đồng thời ĐTC cũng nhấn mạnh đến sự kiện “an ủi” là “mẫu quốc Ukraine vào thời ấy đã có một chủ trương rõ ràng chống lại những việc làm này, và ngày nay có những vị linh mục Công Giáo nỗ lực để làm sáng tỏ sự thật ấy”.

 

Biến cố Hội Ngộ này cống hiến cơ hội để cử hành 40 năm kỷ niệm Công Đồng Chung Vaticanô II công bố tuyên ngôn “Nostra Aetate” là văn kiện đánh dấu một bước quẹo quan troọg nơi mối liên hệ giữa Do Thái và Công Giáo. Biến cố này cũng nhìn nhận công sức của Đức Gioan Phaolô II trong việc nuôi dưỡng mối liên hệ hỗ tương này.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
13/12/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ