GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 18/12/2005 Tuần IV Mùa Vọng |
? Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói những gì để bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II? - Một Công Đồng Nhân Bản nhưng Đối Thần
Tòa Thánh Vatican tại Cuộc Họp của Tổ Chức Về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu về vấn đề nhân quyền
? CHÂN TRỜI ĐẠI KẾT: Những Diễn Tiến Lạc Quan Rực Rỡ
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói những gì để bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II? - Một Công Đồng Nhân Bản nhưng Đối Thần
(tiếp 13 Thứ Ba, 14 Thứ Tư, 15 Thứ Năm, 16 Thứ Sáu và 17 Thứ Bảy)
|
Người ta có thể nói rằng tất cả những sự này và mọi sự khác được chúng tôi nói về các giá trị nhân bản của công đồng này đã lái quan tâm của Giáo Hội nơi công đồng theo chiều hướng của văn hóa tân tiến tập trung vào con người. Chúng tôi có thể nói là không phải là lạc hướng cho bằng đúng hướng. Bất cứ một quan sát viên cẩn trọng nào về chiều hướng chủ yếu của công đồng đối với các thứ giá trị nhân bản và trần thế của công đồng này đều không thể phủ nhận được rằng chính từ tính chất mục vụ mà công đồng đã thực sự thực hiện chương trình của mình, cũng như phải công nhận rằng chiều hướng này không bao giờ tách rời khỏi chiều hướng đạo giáo trung thực nhất, cho dù vì đức ái là hồn sống duy nhất của công đồng (đâu có đức ái đấy có Thiên Chúa!), hay vì những nỗ lực liên lỉ tỏ tường của công đồng trong việc liên kết các giá trị nhân bản và trần thế với những giá trị đặc biệt thiêng liêng, đạo giáo và vĩnh hằng; mối quan tâm của công đồng là những gì ở nơi con người cũng như ở nơi trần thế, nhưng mối quan tâm này lại vươn tới vương quốc của Thiên Chúa.
Tâm trí tân tiến, một tâm trí quen thuộc với việc thẩm định mọi sự theo tính cách hữu dụng, sẽ sẵn sàng nhìn nhận rằng giá trị của công đồng này lớn lao chỉ vì đã chú ý tới mọi sự có tính cách hữu dụng cho con người. Bởi thế mà không ai được nói rằng một tôn giáo như Công Giáo là đồ vô dụng, vì khi nó biết tự nhận thức nhất và có được tính cách tác hiệu nhất, như tỏ hiện nơi công đồng, thì nó tự tuyên bố mình hoàn toàn đứng về bên con người và phục vụ con người. Như thế, Công Giáo và đời sống con người tái xác nhận mối liên minh với nhau của mình, một sự kiện đồng qui vào một thực tại nhân loại duy nhất, đó là Công Giáo là tôn giáo cho nhân loại. Ở một nghĩa nào đó, Công Giáo là sự sống của nhân loại. Sở dĩ như thế là vì tôn giáo của chúng ta cống hiến một dẫn giải hết sức chính xác và cao quí về nhân loại (chắc chắc tự mình con người là một mầu nhiệm đối với bản thân họ) và cống hiến việc diễn nghĩa này theo kiến thức của mình về Thiên Chúa: một kiến thức về Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết cho kiến thức về con người như con người thực sự là, với tất cả tầm vóc trọn vẹn của con người; vì chứng cớ về điều này giờ đây chỉ cần nhắc lại lời diễn đạt nồng nàn của Thánh Catherine Siena: “Lạy Thiên Chúa Hằng Hữu, con sẽ biết được bản tính của con nơi bản tính của Chúa”. Công Giáo là sự sống của con người vì nó cho thấy bản chất và định mệnh của sự sống; nó cống hiến cho sự sống ý nghĩa thực sự, nó thiết lập một thứ luật tối hậu về sự sống và thẩm thấu sự sống bằng hoạt động nhiệm mầu mà chúng ta có thể nói là thần linh hóa sự sống.
Bởi thế, hỡi chư huynh đáng kính và tất cả anh chị em là con cái của chúng tôi qui tụ lại nơi đây, nếu chúng ta nhớ làm sao ở nơi mọi người chúng ta có thể và phải nhận ra dung nhan của Chúa Kitô (x Mt 25:40) là Con Người, nhất là khi những giọt nước mắt và buồn đau làm cho dung nhan này hiện lên rõ nét, và nếu chúng ta có thể và cần phải nhận thấy nơi dung nhan của Chúa Kitô chân dung của Cha trên trời: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9), thì chủ nghĩa nhân bản của chúng ta trở thành Kitô Giáo, Kitô Giáo của chúng ta là tôn giáo tập trung vào Thiên Chúa; như thế, chúng ta có thể nói một cách khác rằng kiến thức về con người là điều kiện tiên quyết cho kiến thức về Thiên Chúa.
Bởi vậy, không phải hay sao, công đồng này, một công đồng chính yếu chú trọng tới con người, có mục đích đề ra một lần nữa cho thế giới ngày nay cái thang dẫn họ tới tự do và niềm an ủi? Tóm lại, không phải hay sao công đồng này là một giáo huấn đơn sơ, mới mẻ và trọng thể dạy yêu thương con người để mến yêu Thiên Chúa? Chúng ta muốn nói rằng việc yêu thương con người không phải là một phương tiện mà là bước đầu tiên hướng tới đích điểm cuối cùng và siêu việt, một đích điểm là nền tảng và là căn nguyên cho hết mọi yêu thương. Bởi vậy, công đồng này có thể được tóm gọn lại nơi ý nghĩa về đạo giáo tối hậu của mình, một ý nghĩa chính là lời mời gọi khẩn trương và thân ái con người ngày nay hãy tái nhận thức nơi tình yêu thương huynh đệ Vị Thiên Chúa “là Đấng xa lìa Ngài thì gục ngã, hướng về Ngài thì phục hồi, ở với Ngài thì an toàn … về với Ngài thì tái sinh, ở trong Ngài là sống động” (Thánh Âu Quốc Tinh, Solil. I, 1, 3; PL 32, 870).
Đó là niềm hy vọng của chúng ta ở vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II này, cũng như vào lúc mở màn cho cuộc canh tân nhân bản và đạo giáo được công đồng này phác họa để nghiên cứu và phát động; đó là niềm hy vọng của chúng tôi giành cho chư huynh là các vị Nghị Phụ của công đồng; đó là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại chúng ta đã học được ở nơi đây để yêu thương hơn và phục vụ hơn.
|
Để đạt được mục đích ấy, một lần
nữa, chúng ta chạy đến với việc chuyển cầu của Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh
Giuse là những vị quan thày của công đồng chung này; của các Thánh Tông Đồ Phêrô
và Phaolô là những nền tảng và các cột trụ của Hội Thánh; và của cả Thánh
Ambrôsiô là vị giám mục chúng ta mừng lễ hôm nay, vì nơi ngài liên kết Giáo Hội
Đông Tây. Chúng ta cũng thiết tha nài xin sự bảo trợ của Rất Thánh Maria là Mẹ
của Chúa Kitô và bởi đó chúng ta cũng gọi Mẹ là Mẹ của Giáo Hội. Đồng thanh nhất
trí, chúng ta dâng lời tạ ơn và tôn vinh vị Thiên Chúa hằng sống và chân thực,
vị Thiên Chúa duy nhất và thống trị, là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches/1965/documents/hf_p-vi_spe_19651207_epilogo-concilio_en.html
? Tòa Thánh Vatican tại Cuộc Họp của Tổ Chức Về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu về vấn đề nhân quyền
Hôm Thứ Ba 6/12/2005, Đức Tổng Giám Mục Giovanni Lajolo, bí thư của Tòa Thánh Vatican đặc trách các liên hệ với chư quốc đã ngỏ lời tại cuộc họp lần thứ 13 (5-6/12/2005) của các vị ngoại trưởng thuộc 55 quốc gia phần tử của Tổ Chức Về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu OSCE (Organization for Security and Cooperation in Europe), nguyên văn như sau:
Thưa ông Chủ Tịch,
1. Tôi hân hạnh gửi đến tôn hội đồng này lời chào hỏi cùng những lời chúc tốt đẹp của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Việc ngài gửi tôi đại diện ngài tới Ljybljana, một lần nữa ngài muốn bày tỏ việc cảm nhận và việc hỗ trợ của Tòa Thánh đối với công việc đang được thực hiện bởi OSCE nơi vùng Âu Châu Đại Tây Dương này.
Hội Đồng Bộ Trưởng này đang tôn vinh một năm có nhiều kỷ niệm quan trọng: đó là 60 năm tưởng niệm Thế Chiến Thứ II chấm dứt, 30 năm kỷ niệm Đạo Luật Helsinki cuối cùng, và 15 năm kỷ niệm Hiến Chương Balê cho một Tân Âu Châu. Ngoài ra cuộc họp này được bế mạc vào một năm đầy những hoạt động với cuộc điều khiển tài khéo của vai trò chủ tịch của người Tiệp Khắc.
Qua giòng thời gian, đã xẩy ra những thay đổi nơi hoàn cảnh chính trị cũng như nơi các hiểm họa chúng ta đang đương đầu. Những điều này đã trở nên bất đối xứng và xuất phát từ hiện tượng như nạn khủng bố, tình trạng leo thang các thứ vũ khí đại công phá, các hệ thống tội ác liên quốc và việc buôn bán con người. Tuy nhiên, mục tiêu được các quốc gia tham dự theo đuổi vẫn như thế, và một trong những mục tiêu có tầm quan trọng chính yếu đó là việc củng cố hòa bình bằng cách chiếm đạt cùng một lúc tình trạng an ninh, bền vững, phát triển và tôn trọng nhân quyền.
2. Bởi thế, thật là thích hợp, thay vì tái xác định lại các công việc làm của tổ chức này, thì cập nhật hóa nó bằng việc chú trọng đặc biệt tới ba lãnh vực mà OSCE đã thực hiện được một thứ tiến bộ tương đối. Đây là tinh thần mà tổ chức này có thể nhờ đó được “tái sinh động, tái hình thành và tái cân bằng”, trong khi vẫn bảo trì đường lối xuyên chiều kích cho các vấn đề. Ý muốn chính trị, điều vẫn là cơ sở cho cuộc dấn thân như thế, cần phải được cụ thể tỏ hiện nơi việc đồng qui nơi các mục đích chính trị hợp lý của các quốc gia tham phần, nhờ đó tránh đi được những rạn nứt mới mẻ và sâu rộng ở việc chập lại trong vùng Âu Châu Đại Tây Dương.
Bản Tường Trình của Ban Những Con Người Xuất Chúng và kết quả của những cuộc tham vấn liên tục cao cấp có thể là những gì mở đường cho năm tới đây về lãnh vực này. Đặc biệt là việc củng cố OSCE để nó thực sự là mình không được mang đến một tình trạng làm suy yếu đi chiều kích về con người là cốt lõi của tổ chức này. Nhân quyền là những gì không thể điều đình thương luận.
Tòa Thánh coi nhiệm vụ chuyên biệt của mình là ở chỗ nhấn mạnh tới tầm mức quan trọng liên tục về quyền tự do tôn giáo đối với việc chung sống thuận hòa cũng như việc tôn trọng giữa các nền văn hóa khác nhau nơi những xã hội đa chủng tộc và đa văn hóa ngày nay.
Thưa Ông Chủ Tịch,
3. Năm nay Tòa Thánh đã tiếp tục ý thức tham dự vào công cuộc của OSCE trong lãnh vực khoan dung. Như được thấy ở Hội Nghị Cordoba, tình trạng kỳ thị những người Hồi Giáo và Kitô Hữu đã bắt đầu có được ít hơn những đối sử bất quân bình nơi hoạt động của OCSE. Năm tới những cơ cấu của tổ chức này và những trường hợp được thực hiện để giải quyết vấn đề bất khoan dung và kỳ thị, trong thẩm quyền hiện có của mình, là những gì cần phải mang lại những điều chỉnh hiệu lực. Một dấu hiệu cần thiết về chiều hướng này nơi các chư quốc tham phần, với việc hỗ trợ của ODIHR, đó là việc phát triển về học trình cùng với các biện pháp thích hợp khác để chống lại việc thành kiến, bất khoan nhượng và kỳ thị.
Bốn mươi năm trước đây Công Đồng Chung Vaticanô II đã ban hành tuyên ngôn Nostra Aetate, văn kiện mở ra một chân trời mới cho mối liên hệ giữa những người Do Thái và Kitô Hữu, mối liên hệ được khởi động bằng việc đối thoại và liên đới với nhau. Bản văn quan trọng này cũng quí mến nói tới các Hồi Hữu và các phần tử thuộc các tôn giáo khác. Vì phẩm vị chung của họ, Giáo Hội Công Giáo đã lên tiếng trách cứ, như là những gì xa lạ với tinh thần của Chúa Kitô, bất cứ việc kỳ thị nào phạm tới con người hay bất cứ sự phiền nhiễu nào gây ra cho họ vì vấn đề chủng tộc, mầu da, thân phận trong cuộc sống hay về tôn giáo (khoản 5). Theo cùng một tinh thần này, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã tuyên bố hôm 15/8/2005 ở Cologne là: Giáo Hội Công Giáo dấn thân cho việc khoan dung, tôn trọng, thân hữu và hòa bình giữa tất cả mọi dân nước, mọi văn hóa và mọi tôn giáo. Điều này không có nghĩa là Giáo Hội chối bỏ căn tính của mình hay quyền tự do diễn đạt những niềm xác tín của Giáo Hội, mà thật sự là Giáo Hội bày tỏ chúng và củng cố chúng.
4. Tòa Thánh hết sức cảm nhận ý hướng của chư quốc tham phần trong việc tỏ ra muốn chú trọng hơn nữa tới nạn buôn người và Tòa Thánh ủng hộ ý định muốn tán thành chấp nhận đường lối tập trung vào thành phần nạn nhân.
Về vấn đề di dân, OCSE có thể góp phần quí hóa để các chính sách của chư quốc tham phần chú ý tới mối hiệp nhất của gia đình nhân loại, cũng như của gia đình mỗi người di dân, và bảo đảm cho tình trạng thịnh vượng liên quan tới tất cả mọi người.
Về lãnh vực buôn người và di dân, những biện pháp trợ giúp cụ thể cần phải làm giảm bớt đi tình trạng khổ đau của nhiều nữ giới và nam giới, và tái thiết lập việc tôn trọng đối với nhân phẩm của họ.
5. Sau hết, tôi muốn lập lại cùng vai trò chủ tịch của Tiệp Khắc niềm tri ân của tôi về việc lãnh đạo hiệu năng được thi hành trong năm nay cũng như về việc tiếp đón ân cần giành cho chúng tôi ở Ljubljana trong những ngày này. Và tôi xin chúc thành công cho vai trò chủ tịch của Bỉ quốc tới đây.
Xin cám ơn Ông Chủ Tịch
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/12/2005
? CHÂN TRỜI ĐẠI KẾT: Những Diễn Tiến Lạc Quan Rực Rỡ
(tiếp 11 Chúa Nhật)
ĐTC Biển Đức XVI với Tiểu Ban Điều Hợp Chung về Việc Tái Đối Thoại Thần Học giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo
Thứ Năm 15/12/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp các phần tử thuộc tiểu ban điều hợp chung của Ủy Ban Quốc Tế về Việc Đối Thoại Thần Học giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo. Mở lời bài diễn từ của mình, ngài bày tỏ niềm hân hoan về việc tái diễn cuộc đối thoại sau những năm “gặp các khó khăn trầm trọng về nội bộ và ngoại bộ”.
Vào ngày 12/9/2005, Đức Bartholomew I, vị thượng phụ toàn cầu ở Constantinople, đã cho biết về quyết định của Các Giáo Hội Chính Thống muốn tái hoạt động ủy ban này, và quyết định rằng cuộc họp đầu tiên của giai đoạn mới đối thoại đây sẽ được tổ chức ở Roma từ ngày 13 đến 16 tháng 12 năm 2005.
Đức Thánh Cha đã cho thấy rằng cuộc đối thoại tái diễn này sẽ cứu xét đến hai khía cạnh: “Một mặt loại trừ những khác biệt còn tồn tại, mặt khác gia tăng ước muốn chính yếu trong việc làm mọi sự có thể để tái thiết lập mối hiệp thông trọn vẹn, một mối hiệp thông rất thiết yếu cho cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, như bản văn kiện sửa soạn cho hoạt động của quí vị đã cho thấy rõ như vậy.
“Chúng ta cần phải tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, cho dù ý muốn của Ngài không phù hợp với những dự án thuần túy loại người chúng ta. Chúng ta cần phải đạt tới mối hiệp nhất trọn vẹn của Giáo Hội và tình trạng hòa giải giữa các thành phần Kitô hữu, cho dù có phải trả giá cho việc chúng ta thuận phục ý muốn của Chúa”.
Ngài nhấn mạnh rằng, để tiến triển trên con đường hiệp nhất này, chúng ta cần phải “xin Chúa giúp đỡ… vì hiệp nhất trên hết là một tặng ân Thiên Chúa ban” và “kêu mời tất cả mọi Kitô hữu hiệp lời cầu nguyện”.
Sauk hi nhắc lại về việc Sắc Lệnh của Công Đồng Chung Vaticanô II “Unitatis redintegratio” kêu gọi vấn đề tương kiến và đối thoại, ngài đã nhấn mạnh tới việc làm cách nào để vấn đề ấy “cũng sẽ góp phần vào ‘việc đối thoại gia tăng nơi thế giới Kitô giáo khi thế giới này tìm kiếm mối hiệp nhất của mình’”.
Tiểu ban điều hợp chung này gồm có 21 phần tử: 10 Công Giáo và 11 Chính Thống Giáo. Tiểu ban này được lãnh đạo bởi các vị tổng giám mục ở Pergamo (tòa thượng phụ giáo chủ toàn cầu Constantinople) và Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, những vị này cũng là đầu của Ũy Ban Quyốc Tế Về Đối Thoại Thần Học Giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo.
ĐTC Biển Đức XVI ngỏ lời cùng Hội Đồng Thế Giới Methodist về mối hiệp thông càng ngày càng tốt đẹp
Hôm Thứ Sáu 9/12/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gặp gỡ Hội Đồng Thế Giới Methodist tại Vatican và đã ngỏ lời cùng họ nguyên văn như sau:
Giám Mục Mbang thân mến,
Quí bạn thân mến trong Chúa Kitô,
Thật là vui mừng được đón tiếp quí vị, những vị đại diện cho Hội Đồng Thế Giới Methodist, và cám ơn quí vị về cuộc quí vị viếng thăm tôi đây. Tôi vẫn lấy làm biết ơn về việc quí vị đại diện Methodist hiện diện hiệp ý cầu nguyện tại lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lễ đăng quang cho giáo triều của tôi.
Tuần này, 40 năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ngỏ cùng thành phần quan sát viên đại kết vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II. Trong cuộc gặp gỡ này, ngài đã bày tỏ niềm hy vọng là những khác biệt giữa Kitô hữu có thể được giải quyết, “một cách chậm rãi, từ từ, trung thành, và quảng đại”. Giờ đây chúng ta cần phải suy nghĩ về những mối liên hệ thân tình giữa người Công Giáo và người Methodist, cũng như về cuộc đối thoại nhẫn nại và kiên trì chúng ta tham gia. Thật vậy, có nhiều điều hôm nay đây chúng ta cần phải dâng lời tạ ơn.
Từ năm 1967, việc đối thoại của chúng ta đã bàn giải những vấn đề chính về thần học, chẳng hạn như: mạc khải và đức tin, truyền thống và quyền giảng dạy trong Giáo Hội. Những nỗ lực này là những gì thẳng thắn trong việc nêu lên những lãnh vực khác nhau. Những lãnh vực này cho thấy một mức độ đáng kể đồng qui và là những gì đáng suy tư cùng nghiên cứu học hỏi. Việc đối thoại của chúng ta cùng với nhiều đường lối được những người Công Giáo và Methodist trở thành quen thuộc hơn là những gì giúp cho chúng ta có thể cùng nhau nhìn nhận một số điều trong “các kho tàng Kitô giáo rất quí giá”. Có lúc việc nhìn nhận này khiến chúng ta có thể cùng nhau lên tiếng về các vấn đề về xã hội và đạo lý trong một thế giới càng ngày càng bị tục hóa.
Tôi lấy làm phấn khởi trước sáng kiến có thể mang các giáo hội phần tử của Hội Đồng Thế Giới Methodist tham gia Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa là văn kiện được Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận vào năm 1999. Nếu Hội Đồng Thế Giới Methodist bày tỏ ý định của mình trong việc muốn tham gia vào bản Tuyên Ngôn Chung này thì hội đồng này sẽ giúp vào việc chữa lành và hòa giải được chúng ta thiết tha mong ước, và sẽ là một bước tiến tới mục đích đã được đề ra là mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn trong đức tin.
Quí bạn thân mến, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh và tin tưởng vào Tình Thương cao cả bền bỉ của Thiên Chúa trên khắp thế giới, chúng ta hãy tìm cách nuôi dưỡng việc cùng nhau dấn thân sống Lời Chúa, làm chứng nhân và liên kết nguyện cầu. Trong lúc chúng ta dọn lòng trí đón mừng Chúa trong Mùa Vọng này, tôi xin muôn vàn phép lành của Chúa đổ xuống trên tất cả anh chị em và những người Methodist trên khắp thế giới.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/12/2005 và VIS 15/12/2005