GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 1/12/2005

Ngày Thánh Thể

 

?   Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 12/2005

   ĐTCGPII: THÁNH THỂ LÀ CỬ HÀNH VINH HIỂN THẦN LINH

?  Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghênh văn kiện của Thánh Bộ Giáo Dục Kitô Giáo về việc tuyển nhận và phong chức cho thành phần đồng tính

 

?   Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 12/2005

 

Vì trong tháng 12 này, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban Ơn Toàn Xá cho ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12 nhân dịp bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II 40 năm trước (8/12/1965), dịp ngài sẽ đích thân chủ tế ở Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 9 giờ 30 sáng, chúng ta cũng nên biết và nhớ đến ý chỉ của ngài để có thể thực hành việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá ngài ban:

 

Ý Chung: “Xin cho phẩm giá của con người nam nữ mỗi ngày được hiểu biết hơn nữa theo dự án của Thiên Chúa”

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tìm kiếm Thiên Chúa và khát khao chân lý trên thế gian này dẫn mọi người đến chỗ gặp gỡ Chúa”.

 

Nếu ai quên, xin vào trang chính (đầu tiên) của thoidiemmaria sẽ thấy mục này hằng tháng ở đó.

  TOP

 

   ĐTCGPII: THÁNH THỂ LÀ CỬ HÀNH VINH HIỂN THẦN LINH

 

(Bài Giáo Lý trong Đại Năm Thánh 2000, bài 24, Thứ Tư 27/9/2000)

 

1.         Theo chương trình được phác họa trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến Tertio Millennio Adveniente, Năm Mừng Kỷ Niệm này, năm long trọng cử hành biến cố Nhập Thể, phải là một năm “nặng về Thánh Thể” (số 55). Bởi thế, sau khi ngắm nhìn vinh quang của Chúa Ba Ngôi tỏa chiếu trên đường nẻo của con người, chúng ta hãy bắt đầu tiến đến phần giáo lý về việc cử hành vinh quang thần linh cao cả dù thấp hạ là Thánh Thể. Cao cả, vì Thánh Thể là việc Chúa Kitô hiện diện được thực sự thể hiện giữa chúng ta “mãi mãi cho đến tận thế” (Mt 28:20); thấp hạ, vì Thánh Thể được trao ban cho thành phần đơn thành, vì là những hình thức bánh rượu thường ngày, vì là thứ của ăn của uống thông thường nơi mảnh đất của Chúa Giêsu cũng như của nhiều phần đất khác. Nơi thứ bổ dưỡng thường ngày này, Thánh Thể mang lại chẳng những hứa hẹn mà còn “bảo chứng” cho vinh quang mai hậu nữa: “futurae gloriae nobis pignus datur” (Thánh Tôma Aquina, Officium de festo corporis Christi). Để thấu hiểu được tính cách cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể, hôm nay chúng ta hãy suy niệm đề tài về vinh quang thần linh cũng như về tác động của Thiên Chúa trong thế giới, một thứ vinh quang và tác động hiện nay đang được tỏ lộ qua những biến cố cứu độ cao cả, một thứ vinh quang và tác động hiện nay đang được khuất kín dưới những hình thức thấp hạ mà chỉ có con mắt đức tin mới thấy được.

 

2.         Trong Cựu Ước, từ ngữ kabód của tiếng Do Thái nói lên việc tỏ hiện của vinh quang thần linh cũng như việc hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử cùng thiên nhiên vạn vật. Vinh quang Chúa đã chiếu tỏa trên đỉnh núi Sinai, nơi mạc khải Lời thần linh (x Ex 24:16). Vinh quang Chúa hiện diện nơi lều thánh cũng như trong phụng vụ của Dân Chúa qua cuộc lữ hành nơi sa mạc của họ (x Lv 9:23). Vinh quang Chúa tràn ngập đền thờ, vị trí mà theo tác giả Thánh Vịnh nói đó là “nơi vinh quang Ngài ngự trị” (Ps 26:8). Vinh quang Chúa bao phủ toàn dân Chúa chọn như một chiếc áo choàng bằng ánh sáng (x Is 60:1), ở chỗ, theo lời của chính Thánh Phaolô, “họ là Dân Yến Duyên, thành phần chiếm được ơn làm nghĩa tử, vinh quang và các giao ước” (Rm 9:4).

 

3.         Vinh quang thần linh này, một vinh quang thần linh được bộc lộ cho dân Yến Duyên cách đặc biệt, đang hiện diện trên toàn thế giới, như tiên tri Isaia đã nghe thấy thần Seraphim loan báo vào lúc lãnh nhận ơn gọi của mình: “Chúa các đạo binh là thánh, thánh, thánh; toàn thể trái đất đầy vinh quang Ngài” (Is 6:3). Thật vậy, Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài ra cho tất cả mọi dân nước, như chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh: “Tất cả mọi dân nước được thấy vinh quang của Ngài” (Ps 97:6). Bởi thế, việc chiếu tỏa ánh sáng vinh quang là một việc làm phổ cập, để tất cả loài người có thể nhận ra việc thần linh hiện diện trong vũ trụ. Việc chiếu tỏa ánh sáng vinh quang này được nên trọn đặc biệt nơi Chúa Kitô, vì Người “phản ánh vinh quang” của Thiên Chúa (Heb 1:3). Việc chiếu tỏa vinh quang ấy cũng được nên trọn nơi các việc Người làm, như Thánh Ký Gioan đã chứng thực qua dấu lạ ở Cana: Chúa Kitô “đã tỏ vinh quang của Người ra làm cho các môn đệ tin tưởng vào Người” (Jn 2:11). Người cũng chiếu tỏa vinh quang thần linh ra qua lời thần linh của Người nữa: “Con đã ban cho họ lời của Cha, Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha, “vinh quang Cha đã ban cho Con thì Con cũng đã ban cho họ” (Jn 17:14, 22). Chính yếu hơn nữa, Người tỏ lộ vinh quang thần linh qua nhân tính Người mặc lấy khi Nhập Thể: “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha” (Jn 1:14).

 

4.         Việc vinh quang thần linh tỏ hiện trên thế gian đạt đến tột đỉnh của mình nơi biến cố Phục Sinh, một biến cố được riêng các bản văn của Thánh Gioan và Phaolô cho là Chúa Kitô vinh hiển ngự bên hữu Chúa Cha (x Jn 12:23, 13:31, 17:1; Phil 2:6-11; Col 3:1; 1Tím 3:16). Mà mầu nhiệm vượt qua, một mầu nhiệm “Thiên Chúa hoàn toàn được vinh hiển” (Hiến Chế về Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium, 7), được kéo dài nơi hy tế Thánh Thể, một tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh Chúa Kitô đã được ký thác cho Giáo Hội, Hiền Thê dấu yêu của Người (x cùng nguồn vừa dẫn, 47). Bằng lời truyền “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19), Chúa Giêsu muốn bảo đảm việc hiện hữu của vinh quang vượt qua của Người nơi tất cả mọi cuộc cử hành Thánh Thể sẽ đánh dấu giòng lịch sử nhân loại. “Nhờ Bí Tích Thánh Thể, biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô lan ra khắp Giáo Hội... Bằng việc rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tín hữu lớn lên trong việc được thần linh hóa một cách nhiệm mầu, một việc thần linh hóa Thánh Linh làm cho họ ở trong Người Con như là những người con cái của Chúa Cha” (Gioan Phaolô II và Moran Mar Ignatius Zakka I Iwas, Joint Declaration, 23/6/1984, số 6: Enchiridion Vaticanum, 9, 842).

 

5.         Ngày nay chúng ta đã có được một cuộc cử hành tuyệt vời nhất vinh quang thần linh trong phụng vụ: “Vì cuộc tử nạn của Chúa Kitô trên Thập Giá và cuộc phục sinh của Người làm nên những gì thuộc sinh hoạt hằng ngày của Giáo Hội và là bảo chứng cho Cuộc Vượt Qua vĩnh cửu của Người mà việc đầu tiên của phụng vụ là không ngừng dẫn chúng ta trở về với cuộc hành trình Phục Sinh do Chúa Kitô khởi xướng, một cuộc hành trình chúng ta chấp nhận chết đi để tiến vào sự sống” (Tông Thư Vicesimus quintus annus, 6). Giờ đây, công việc đầu tiên của phụng vụ này trước hết được thực thi qua việc cử hành Thánh Thể, một việc cử hành làm hiện thực Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô và là một việc thông đạt năng lực của cuộc khổ nạn này cho tín hữu. Như thế, việc tôn thờ của Kitô Giáo là một diễn đạt sống động nhất cuộc gặp gỡ giữa vinh quang thần linh với vinh hiển phát xuất từ môi miệng và lòng trí loài người. Đường lối chúng ta “hết lòng tôn vinh Chúa” (Sir 35:8) cần phải xứng hợp với “vinh quang Chúa tràn ngập lều tạm” (x Ex 40:34).

 

6.         Như Thánh Phaolô nhắc nhở, chúng ta cũng phải tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác của chúng ta nữa, tức là nơi tất cả cuộc hiện hữu của chúng ta, vì thân xác của chúng ta là đền thờ của Thần Linh là Đấng ngự trong chúng ta (x 1Cor 6:19, 20). Theo ý nghĩa này, người ta cũng có thể nói về một cuộc cử hành vinh quang thần linh của vũ tru nữạ. Thế giới được dựng nên, một thế giới “thường hay bị biến dạng vì tính vị kỷ và lòng tham lam”, tự mình cũng có “mầm Thánh Thể”, ở chỗ, nó “được sử dụng nơi Thánh Thể của Chúa, nơi cuộc Vượt Qua của Người, được hiện diện nơi hy tế trên bàn thờ” (Orientale lumen, 11). Thế là thiên nhiên tạo vật sẽ hợp tiếng tụng ca một cách hòa điệu đáp lại hơi thở vinh quang Chúa “ở trên các tầng trời” (Ps 113:4) và chiếu xuống trần gian để, “Thiên Chúa được tôn vinh trong mọi sự nhờ Chúa Giêsu Kitô. Nguyện cho Người được vinh quang và hiển trị cho đến muôn đời. Amen!” (1Pt 4:11).

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 4/10/2000)

 

TOP

 

? Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghênh văn kiện của Thánh Bộ Giáo Dục Kitô Giáo về việc tuyển nhận và phong chức cho thành phần đồng tính

 

Đức Giám Mục William Skylstad, giáo phận Spokane, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, đã phổ biến một bản văn liên quan tới việc Tòa Thánh ban hành văn kiện “Về các Tiêu Chuẩn để Nhận Thức các Ơn Gọi liên quan tới Những Người có Khuynh Hướng Đồng Tính Luyến Ái đối với Việc Chấp Nhận Họ vào Chủng Viện và truyền Thánh Chức”. Sau đây là những câu tiêu biểu:

 

“Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên đang bàn luận rất nhiều về vấn đề chiều hướng tình dục”.

 

Theo ngài, Giáo Hội xác nhận “phẩm vị của tất cả mọi người và việc tôn trọng cần phải tỏ ra cho tất cả mọi người bất luận xu hướng tính dục”, đồng thời Giáo Hội cũng dạy rằng “Thiên Chúa đã ban tặng ân tính dục cho nhân loại để mang lại mối liên hệ yêu thương giữa một người nam và một người nữ trong cuộc hiệp nhất trọn đời sống hôn nhân hướng về việc tạo nên sự sống mới”.

 

Vị giám mục chủ tịch này cho biết, trong văn kiện ấy, “Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đang thi hành một thứ hiện thức hóa Kitô giáo về những gì được mong đợi nơi các ứng viên làm linh mục. Tính cách hiện thực này hiểu được những thách đố của thời đại chúng ta”.

 

“Nó bày tỏ mối quan tâm vững chắc là tất cả mọi ứng viên đều cần phải tỏ ra một ‘sự trưởng thành về tình cảm’ khiến họ liên hệ một cách thích hợp như là những vị linh mục thanh tịnh, độc thân, vị có thể trung thành tiêu biểu cho giáo huấn của Giáo Hội về tính dục, bao gồm cả tính cách vô luân của sinh hoạt tình dục đồng phái tính”. 

 

“Chắc chắn là bất khả chấp trong trường hợp một ứng viên thực hành tính cách đồng tính luyến ái, hay, cho dù có chủ động hay không, trong trường hợp họ nhận mình thực sự có xu hướng hay hướng chiều về vấn đề đồng tính luyến ái”.

 

Cũng không thể chấp nhận được một ứng viên “ủng hộ ‘văn hóa đồng nam tính’ và quá chú trọng tới các vấn đề đồng tính luyến ái mà họ không thể nào thực sự tiêu biểu cho giáo huấn của Giáo Hội về dục tính”.

 

Đức giám mục 71 tuổi này nói rằng cuộc bàn luận của truyền thông về bản văn kiện này nêu lên vấn đề là “một nam nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái có thể là một linh mục tốt hay chăng”, và ngài đã cho biết như sau:

 

“Câu trả lời nằm ở nơi đời sống của những con người nam này, thành phần, với ơn Chúa, thực sự là một linh mục dấn thân, hằng ngày làm sao đừng để được phục vụ mà là phục vụ dân của mình, trung thành thể hiện bằng ngôn từ và gương sáng giáo huấn của Giáo Hội cách trọn vẹn, kể cả mạc khải của Thiên Chúa là việc bày tỏ về tình dục được ấn định xẩy ra chỉ giữa một người chồng và một người vợ trong một cuộc hôn nhân yêu thương, trung thành và trao ban sự sống”.

 

Đức Giám Mục Skylstad xin “tất cả mọi vị giám mục cũng như các vị bề trên thẩm quyền hãy lấy Bản Hướng Dẫn này làm cơ hội để bàn luận toàn diện với các vị giám đốc chủng viện cũng như các vị giám đốc ơn gọi về tính cách trưởng thành về tình cảm mà mọi vị ứng viên linh mục cần phải tỏ ra cho thấy”.

 

Vị giám mục này cũng khuyến khích một “cuộc bàn luận trong nguyện cầu và thành kính về những tiêu chuẩn được trình bày trong Bản Hướng Dẫn, giữa các vị giám mục và các bề trên có thẩm quyền với hàng tư tế của các vị, với các cộng đồng tu trì và với các ứng viên ở chủng viện”.

 

Để kết thúc, vị giám mục chủ tịch này nói rằng: “các vị giám mục và các vị bề trên thẩm quyền cần phải dễ dàng trực tiếp nói với những người anh em linh mục và chủng sinh bản thân đang phải đương đầu với những xu hướng đồng tính luyến ái”.

 

“Những cuộc bàn luận này cần phải tỏ ra vừa trung thành với sự thật về thiên chức linh mục được trình bày trong bản Hướng Dẫn này, và vừa tỏ ra tôn trọng, thương cảm, và cảm nhận là những gì Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói rằng cần phải được nới rộng cho tất cả những ai đang đương đầu với cuộc đối chọi này”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/11/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ