GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 26/12/2005

Bát Nhật Giáng Sinh

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Đêm Giáng Sinh 2005 tại Đền Thớ Thánh Phêrô

?  ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Giáng Sinh Ngày 25/12/2005 về Mầu Nhiệm Giáng Sinh với Bình An Thế Giới

?  Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: Hòa Bình Trong Chân Lý

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Đêm Giáng Sinh 2005 tại Đền Thớ Thánh Phêrô

 

“Chúa đã nói với tôi rằng: Con là Con Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Với những lời này của Thánh Vịng thứ hai, Giáo Hội bắt đầu Lễ Vọng Giáng Sinh là lễ chúng ta cử hành việc hạ sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, trong hang Bêlem. Bài Thánh Vịnh này thuộc về lễ nghi tôn vinh các vua chúa của Giud0a. Dân Yến Duyên,  vì việc được tuyển chọn của mình, đã đặc biệt coi mình là con cái Thiên Chúa, thành phần con cái thừa nhận của Thiên Chúa. Như vua là hiện thân của dân chúng thế nào thì việc lên ngôi của ông cũng được cảm thấy như là một tác động Thiên Chúa long trọng nhận làm con nuôi vậy, bởi thế mà, một cách nào đó, vị vua ấy được tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vào đêm ở Bêlem, những lời này, những lời thực sự là một biểu hiệu cho một niềm hy vọng hơn là một thực tại hiện có, đã có một ý nghĩa mới mẻ và bất ngờ. Con Trẻ nằm trong máng có thực sự là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là một Đấng chỉ vĩnh hằng quan tâm mà là mối hiệp thông yêu thương và trao hiến cho nhau. Ngài là Cha và Con và Thánh Thần.

 

Thế nhưng, chưa hết: Nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã hóa thân làm người. Chúa Cha đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha”. “Cái ngày hôm nay” vĩnh hằng của Thiên Chúa đã trở thành cái ngày hôm nay thoáng qua của thế giới này và thăng hóa cái hôm nay chốc lát của chúng ta đây lên cái ngày hôm nay đời đời của Thiên Chúa. Thiên Chúa quá lớn lao đến nỗi đã trở thành nhỏ bé. Thiên Chúa quá quyền năng đến nỗi đã trở thành mềm yếu và đến với chúng ta như một con trẻ bất khả tự vệ, để chúng ta có thể mến yêu Ngài. Thiên Chúa quá thiện hảo để Ngài có thể bỏ đi hiển vinh thần linh của mình mà đến nơi hang đá, để chúng ta có thế thấy được Ngài, để sự thiện hảo của Ngài chúng ta có thể chạm tới chúng ta, để ban phát cho chúng ta và tiếp tục hoạt động qua chúng ta. Đó là Giáng Sinh: “Con là Con Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.

 

Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta, để chúng ta có thể ở với Ngài và trở nên giống như Ngài. Như một dấu hiệu, Ngài đã chọn làm Con Trẻ nằm trong máng cỏ: Đó là cách thức Thiên Chúa là. Đó là cách thức chúng ta biết được Ngài. Và nơi hết mọi con trẻ chiếu tỏa một cái gì đó của ánh quang của “cái ngày hôm nay” ấy, của cái Thiên Chúa gần gũi mà chúng ta phải mến yêu và chúng ta phải qui phục – vì nó chiếu tỏa ra nơi hết mọi con trẻ, ngay cả nơi những con trẻ chưa được sinh vào đời.

 

Chúng ta hãy lắng nghe câu thứ hai của phụng vụ đêm thánh này, một câu được trích từ Sách Tiên Tri Isaia: “Một ánh sáng rạng ngời đã chiếu tỏa trên dân chúng đang bước đi trong tăm tối” (Is 9:1). Tiếng “ánh sáng” là tiếng tràn ngập toàn thể phụng vụ của Thánh Lễ đêm nay. Nó tái xuất hiện ở đoạn được trích từ thư Thánh Phaolô gửi cho Titô: “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện” (2:11). Lời phát biểu “đã xuất hiện”, theo nguyên ngữ Hy Lạp,  cũng có cùng một ý nghĩa với được diễn tả theo tiếng Do Thái với những lời lẽ là “một ánh sáng đã chiếu soi”: “việc xuất hiện” này – “việc hiển linh” này – là việc tỏa ra ánh sáng của Thiên Chúa trên thế giới đầy tối tăm cùng với những vấn đề nan giải. Thế rồi Phúc Âm thuật lại rằng vinh quang ấy của Chúa đã xuất hiện với các mục đồng và “chiếu tỏa chung quanh họ” (Lk 2:9). Bất cứ nơi nào vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện thì ánh sáng đều tỏa ra khắp thế giới. Thánh Gioan đã nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là ánh sáng và nơi Ngài không có tối tăm” (1Jn 1:5). Ánh sáng là nguồn sự sống.

 

Thế nhưng, trước hết, ánh sáng mang ý nghĩa hiểu biết; nó có ý chỉ về sự thật, vì nó tương phản với bóng tối tăm của sự sai lầm và vô thức. Ánh sáng ban sự sống cho chúng ta, nó tỏ cho chúng ta thấy đường đi nước bước. Thế nhưng, ánh sáng, như nguồn nhiệt lượng, cũng có nghĩa là yêu thương nữa. Đâu có yêu thương thì ánh sáng đều chiếu tỏa trên thế giới; đâu có hận thù thì ở đó thế giới vẫn còn ở trong tăm tối. Nơi hang Bêlem đã xuất hiện một ánh sáng rạng ngời đang được thế giới đợi trông. Nơi Con Trẻ năm trong hang lừa bò ấy Thiên Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài ra – một vinh quang yêu thương, một vinh quang đã bỏ mình đi, tước bỏ hết những gì là cao sang để hướng dẫn chúng ta theo con đường yêu mến. Ánh sáng ở Bêlem này đã không bao giờ bị lịm tắt. Nó đã chạm tới con người nam nữ ở mọi thời đại, “nó đã chiếu tỏa chung quang họ”.

 

Bất cứ nơi nào con người tin tưởng vào Con Trẻ ấy thì bác ái cũng được tỏa ra – một đức ái hướng về người khác, ưu ái quan tâm tới thành phần yếu kém và thành phần khổ đau, ban phát thứ tha. Từ Bêlem, một luồng ánh sáng, yêu thương và chân lý tỏa lan khắp các thế kỷ. Nếu chúng ta nhìn đến các vị thánh nhân – từ Thánh Phaolô và Âu Quốc Tinh tới Thánh Phanxicô và Đaminh, từ Thánh Phanxicô Xavier và Têrêsa Avila tới Mẹ Têrêsa Calcutta – chúng ta đều thấy cái ngập lụt thiện hảo này, một con đường ánh sáng bốc tỏa luôn mới mẻ từ mầu nhiệm Bêlem, mầu nhiệm Thiên Chúa trở thành một Con Trẻ. Nơi Con Trẻ này, Thiên Chúa đã ngăn chặn bạo lực của thế giới này bằng sự thiện hảo của Ngài. Ngài kêu gọi chúng ta hãy bước theo Con Trẻ ấy.

 

Cùng với cây Giáng Sinh, những người bạn Áo quốc của chúng ta cũng mang đến cho chúng ta một ngọn lửa nhỏ được thắp sáng từ Bêlem, như thể muốn nói rằng mầu nhiệm thực sự của Giáng Sinh là thứ rạng ngời nội tại được chiếu tỏa từ Con Trẻ ấy. Chớ gì cái rạng ngời nội tại ấy lan tỏa tới chúng ta và thắp lên trong lòng chúng ta ngọn lửa thiện hảo của Thiên Chúa; chớ gì tất cả chúng ta, với lòng mến yêu của mình, mang ánh sáng đến thế gian! Chớ gì chúng ta giữ lấy ngọn lửa tỏa sáng này cho khỏi bị lịm tắt bởi những luồng gió lạnh của thời đại chúng ta! Chớ gì chúng ta canh chừng nó cách trung thành và trao ban nó cho kẻ khác! Vào đêm hôm nay, khi chúng ta nhìn đến Bêlem, chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho nơi sinh hạ của Đấng Cứu Chuộc chúng ta cũng như cho các con người nam nữ sống và chịu khổ ở đó. Chúng con muốn cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh Địa: Ôi Chúa, xin hãy nhìn đến cái góc của trái đất này là quê hương của Chúa, một nơi rất thân thương của Chúa! Chớ gì ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trên  nó! Chớ gì nó tìm thấy được hòa bình!

 

Tiếng “hòa bình” mang chúng ta tới yếu tố thứ ba về phụng vụ của đêm thánh này. Con Trẻ được tiên tri Isaia báo trước được gọi là “Vị Hoàng Tử Bình An”. Vương Quốc của Người được nói là mợt vương quốc “an bình vô tận”. Các mục đồng trong Phúc Âm đã nghe thấy tin mừng là “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” và “bình an dưới thế…”. Có lúc chúng ta thường nói “cho người thiện tâm”. Ngày nay chúng ta nói “cho những người được Thiên Chúa thương yêu”. Việc đổi thay này có nghĩa là gì? Phải chăng thiện tâm không còn quan trọng nữa? Tốt hơn nếu chúng ta đặt vấn đề là ai là những người được Thiên Chúa yêu thương, và tại sao Thiên Chúa lại yêu thương họ? Phải chăng Thiên Chúa lại thiên vị? Phải chăng Ngài chỉ yêu thương một người nào đó thôi, trong khi bỏ rơi mặc xác những kẻ khác?

 

Phúc Âm trả lời những vấn đề này bằng việc nêu lên một số người đặc biệt được Thiên Chúa yêu thương. Đó là những con người, như Mẹ Maria, Thánh Giuse, Bà Isave, Ông Giacaria, Ông Simêon và Bà Anna. Thế nhưng, cũng có cả hai nhóm người khác nữa, đó là thành phần mục đồng và thành phần khôn ngoan Đông Phương là các “vị đạo sĩ”. Đêm nay, chúng ta hãy nhìn tới thành phần mục đồng. Họ là loại người như thế nào đây? Trong thế giới vào thời của họ thì những kẻ chăn chiên chăn bò là thành phần thấp hèn; họ được coi là không đáng tin cậy và không được làm chứng nhân tại tòa án. Thế nhưng họ thực sự là ai? Chắc chắn họ không phải là các vị đại thánh, nếu chúng ta có ý nói tới thành phần có nhân đức anh hùng. Họ là những linh hồn đơn sơ thành thực. Phúc Âm đã cho thấy một tính chất mà sau đó, qua những lời của Chúa Giêsu, mang một tầm vóc quan trọng: Họ là thành phần tỉnh thức canh chừng. Điều này thực sự là thế theo bề ngoài: Họ canh chừng đàn vật của họ về đêm. Thế nhưng nó cũng có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa: Họ đã sẵn sàng đón nhận lời Chúa. Cuộc sống của họ không phải là cuộc sống khép kín chỉ biết có mình; con tim của họ cởi mở. Một cách nào đó, tận thâm cung của mình, họ đang đợi chờ Ngài.

 

Việc họ canh chừng là một thứ sẵn sàng – một thứ sẵn sàng lắng nghe và lên đường. Họ đợi chờ một thứ ánh sáng cho họ thấy đường đi nước bước. Đó là những gì quan trọng đối với Thiên Chúa. Ngài yêu thương hết mọi người, vì họ là tạo vật của Ngài. Thế nhưng, có một số người khép kín lòng mình lại; không cởi mở để tình yêu của Ngài có thể lọt vào. Họ nghĩ rằng họ không cần đến Thiên Chúa, hay họ muốn có Thiên Chúa. Những kẻ khác, thành phần mà, theo quan điểm luân lý, có lẽ ít bất hạnh và tội lỗi hơn, ít là cảm thấy ân hận một phần nào đó. Họ đang đợi chờ Thiên Chúa. Họ nhận thấy rằng họ cần đến sự thiện hảo của Ngài, cho dù họ không rõ nó có nghĩa là gì. Ánh sáng của Thiên Chúa có thể nhập vào lòng họ, và cùng với ánh sáng này là sự an bình của Ngài. Thiên Chúa tìm kiếm những con người có thể là những thông mạch và là những con người rao giảng cho sự an bình của Ngài. Chúng ta hãy nguyện cầu để Ngài thấy không thấy tấm lòng khép kín của chúng ta. Chúng ta hãy nỗ lực để trở thành những người loan báo cho sự an bình của Ngài – trên thế giới của ngày hôm nay đây.

 

Nơi thành phần Kitô hữu, tiếng “hòa bình” đã có một ý nghĩa rất đặc biệt: Nó trở thành một danh hiệu cho Thánh Thể. Ở đó có sự bình an của Chúa Kitô. Ở tất cả mọi chỗ cử hành Thánh Thể, đều có một đại cơ cấu bình an tràn lan khắp thế giới. Các cộng đồngqui tụ lại chun g quanh Thánh Thể làm thành một vương quốc an bình trải rộng ra như chính thế giới. Khi chúng ta cử hành Thánh Thể, chúng ta thấy mình ở Bêlem, ở trong “nhà bánh”. Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta, làm như thế là Người ban cho chúng ta bình an của Người. Người đã ban bình an cho chúng ta để chúng ta có thể mang ánh sáng an bình trong lòng mình mà cống hiến cho kẻ khác. Người đã ban nó cho chúng ta để chúng ta trở thành những người đi làm hòa bình và xây dựng hòa bình trên thế giới. Và vì thế chúng ta nguyện cầu rằng: Lạy Chúa, xin  Chúa hãy làm trọn lời hứa của Chúa! Ở đâu có xung khắc xin Chúa hãy làm phát sinh an bình! Ở đâu có hận thù, xin Chúa hãy làm nẩy sinh yêu thương! Ở đâu tối tăm bao phủ, xin Chúa hãy chiếu soi ánh sáng! Xin Chúa hãy làm cho chúng con trở thành những người loan báo hòa bình của Chúa. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/12/2005

 

 

 

TOP

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Giáng Sinh Ngày 25/12/2005 về Mầu Nhiệm Giáng Sinh với Bình An Thế Giới

 

“Ta mang đến cho các người một tin rất vui mừng… vì hôm nay trong thành Đavít, một Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các người, Người là Chúa Kitô” (Lk 2:10-11).

 

Đêm hôm qua, một lần nữa, chúng ta đã nghe sứ điệp của Thiên Thần nói với thành phần mục đồng, và chúng ta đã cảm nghiệm lại một lần nữa bầu không khí của đêm thánh ấy, Đêm Bêlem, thời điểm Con Thiên Chúa hóa thân làm người, được hạ sinh trong một hàng bò lừa hèn hạ và ở giữa chúng ta. Trong đêm trọng thể này, lời loan báo của Thiên Thần này lại vang lên một lần nữa, kêu mới chúng ta, con người nam nữ của đệ tam thiên kỷ đây, hãy đón nhận Đấng Cứu Thế. Chớ gì dân chúng của thế giới ngày nay đừng lưỡng lự trong việc để Người đi vào nhà của họ, vào thành phố của họ, vào quốc gia của họ, vào tất cả mọi nơi trên thế giới!

 

Trong thiên kỷ vừa qua đi, nhất là trong các thế kỷ vừa qua, tình trạng tiến bộ vượt bực đã được thực hiện nơi các lãnh vực về kỹ thuật và khoa học. Ngày nay chúng ta co trong tay nhiều nguồn vật chất lớn lao. Thế nhưng, thành phần nam nữ của thời đại kỹ thuật chúng ta đây lại đang có cơ nguy trở thành nạn nhân của những thành đạt về trí tuệ và kỹ thuật của mình, đi đến chỗ cằn cỗi tâm linh và trống rỗng cõi lòng. Đó là lý do tại sao rất ư là quan trọng để chúng ta mở tâm trí mình ra trước Việc Hạ Sinh của Chúa Kitô, biến cố cứu độ này lầnhững gì có thể cống hiến niềm hy vọng mới cho sự sống của từng con người.

 

“Ôi con người, hãy thức dậy! Vì ngươi mà Thiên Chúa đã làm người” (Thánh Âu Quốc Tinh, bầ giảng 185). Hãy thức dậy, Ôi con người nam nữ của đệ tam thiên kỷ! Khi Giáng Sinh, Đấng Toàn Năng đã trở nên một con trẻ và xin  chúng ta giúp đỡ và bảo vệ. Đường lối của Ngài cho thấy rằng Ngài là Vị Thiên Chúa đang thách đố đường lối làm người của chúng ta. Bằng việc gõ cửa lòng chúng ta, Ngài thánh đố chúng ta và quyền tự do của chúng ta; Ngài kêu gọi chúng ta hãy xét xem chúng ta hiểu biết và sống cuộc đời của chúng ta ra sao.

 

Thời đại tân tiến này thường được coi như là một thứ bừng tỉnh của lý trí từ giấc ngủ của nó, là tình trạng khải ngộ của nhân loại sau thời tăm tối. Tuy nhiên, thiếu ánh sáng của Chúa Kitô, thì ánh sáng của lý trí vẫn không đủ để chiếu soi nhân loại và thế giới. Đó là lý do, những lời của bài Phúc Âm Giáng Sinh: “Ánh sáng thật đã chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian này” (Jn 1:9) giờ đây vang vọng hơn bao giờ hết như một lời loan báo ơn cứu độ. “Chỉ ở nơi mầu nhiệm của Lời hóa thành nhục thể mà mầu nhiệm về con người thực sự được sáng tỏ” (Vui Mừng và Hy Vọng, 22). Giáo Hội không ngừng lập lại sứ điệp hy vọng đã được tái khẳng định này bởi Công Đồng Chung Vaticanô II là biến cố đã bế mạc 40 năm trước đây.

 

Hỡi con người nam nữ ngày nay, hỡi nhân loại già đời song vẫn còn rất ư là yếu dại nơi lý trí và lòng muốn, hãy để cho Con Trẻ Belem nắm lấy tay của ngươi! Đừng sợ; hãy tin tưởng vào Người! Quyền năng ban sự sống của ánh sáng Người là một khích tố xây dựng một tân trật tự thế giới trên nền tảng của những mối liên hệ chính đáng về đạo lý và kinh tế. Chớ gì tình yêu của Ngài hướng dẫn hết mọi người trên trái đất và kiên cường ý thức chung của họ về việc họ là một “gia đình” được kêu gọi để nuôi dưỡng những mối liên hệ tin tưởng và hỗ tương. Một nhân loại hiệp nhất sẽ có thể đương đầu với nhiều vấn đề rắc rối của thời hiện đại đây: từ mối đe dọa khủng bố đến tình trạng nghèo khổ khốn cùng là tình trạng hằng bao nhiêu triệu con người đang sống, từ việc leo thang các loại vũ khí tới những nạn dịch cùng với việc hủy hoại môi sinh đe dọa tới tương lai của hành tinh chúng ta đây.

 

Chớ gì Vị Thiên Chúa làm người vì yêu thương nhân loại hãy kiên cường tất cả những ai ở Phi Châu đang hoạt động cho hòa bình, cho việc phát triển toàn diện cũng như cho việc ngăn ngừa những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn, cho việc củng cố những vấn đề chuyển tiếp về chính trị hiện nay song vẫn còn bấp bênh, và cho việc bảo vệ những quyền lợi căn bản nhất của những ai đang trải qua những cuộc khủng hoảng thê thảm về nhân đạo, như những người ở Darfur vầnhững người oơ những vùng trung Phi Châu. Chớ gì Ngài dẫn các dân ộc ở Mỹ Châu Latinh đến cuộc sống an bình và thuận thảo. Chớ gì Ngài ban  lòng can đảm cho thành phần thiện chí ở Thánh Địa, Iraq, Labanon, những nơi mà những dấu hiệu hy vọng đang thiếu hụt, cần được củng cố bằng những hành động theo tác động của sự công bằng và khôn ngoan; xin Ngài hãy ban thuận lợi cho tiến trình đối thoại ở quần đảo Đại Hàn và các nơi khác ở Á Châu, để, nhờ những ổn định các cuộc tranh cãi nguy hiểm, họ có được những đúc kết nhất trí và ôn hòa trong tinh thần thân hữu, những thành quả các dân tộc đang nao nức mong chờ.

 

Nơi Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngưỡng Vị Thiên Chúa làm người, chiêm ngưỡng vinh quang thần linh được dấu ẩn dưới cảnh bần cùng của một Con Trẻ được bọc trong khăn và được đặt nằm trong máng cỏ; Đấng Tạo Hóa của vũ trụ biến thành một Con Trẻ bất lực. Một khi chúng ta chấp nhận cái mẫu thuẫn ngược đời này, chúng ta mới khám phá ra Sư Thật giải thoát chúng ta và Tình Yêu biến đổi cuộc sống của chúng ta. Vào Đêm Bêlem, Đấng Cứu Chuộc đã trở nên một người trong chúng ta, trở nên người bạn đồng hành với chúng ta trên những con đường bấp bênh của lịch sử. Chúng ta hãy nắm lấy bàn tay Người giờ ra cho chúng ta: Đó là bàn tay chẳng tìm kiếm những gì từ chúng ta ngoài việc ban phát mà thôi.

 

Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy tiến vào hàng lừa Bêlem dưới ánh mắt của Mẹ Maria, người chứng âm thầm của việ chạ sinh huyền nhiệm này. Chớ gì Mẹ giúp chúng ta cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của Giáng Sinh, chớ gì Mẹ dạy chúng ta cách trân quí trong lòng mình mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng vì chúng ta đã hóa thân làm người; và chớ gì Mẹ giúp chúng ta làm chứng cho sự thật, tình yêu và an bình của Ngài trong thế giới của chúng ta đây.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/12/2005

 

 

TOP

 

 

? Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: Hòa Bình Trong Chân Lý 

 

Theo mạng điện toán toàn cầu VIS ngày 25/6/2005 thì đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2006: “Hòa Bình trong Chân Lý”, như thông báo của văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết.

 

Bản thông báo này loan báo đề tài này nhắc lại Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” khẳng định rằng nhân loại “không thể hoàn thành việc xây dựng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi một thế giới thực sự nhân bản hơn, trừ khi mỗi người dấn thân mình vì hòa bình bằng một nghị lực mới”.

 

Bản thông báo tiếp tục cho biết: “Hòa bình là những gì thực sự vì nó đáp lại ước vọng Tạo Hóa đã ghi khắc trong lòng tất cả mọi người…. Các thứ nhân quyền cần phải được bênh vực…. Khi sinh hoạt của con người không tôn trọng cấp trật của các sự vật (một thứ ‘văn phạm’ tự nhiên được Đức Gioan Phaolô II nói với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995), khi nó giới hạn sự sống con người và ngăn trở việc phát triển sự sống, khi nó áp đặt những thứ hy sinh bất khả chấp trên con người, thì hòa bình không thể nào hiện hữu, vì không có vấn đề tôn trọng chân lý của các sự vật”.

 

Bản thông báo cũng nhấn mạnh là “hòa bình là ‘tranquillitas ordinis’, nói cách khác, là tình trạng triển nở trọn vẹn sự thật về con người. Nỗi khao khát sự thật của con người như là mức độ trọn vẹn của con người được chuyển thành ước vọng hòa bình, ước vọng không bị lệch lạc, ước vọng hòa bình đích thực hay ước vọng sự thật hòa bình.

 

“Sự thật thật sự cũng là những gì hòa bình. Nó hòa giải, chấm dứt việc cô lập xa cách. Sự thật thì soi sáng, khiến có thể nhận thức được đường lối liên hệ nhân bản đích thực, giúp cho việc sửa chữa lỗi lầm, mang lại sự hòa giải với bản thân và tha nhân, tính cách liêm khiết nơi việc hành xử và tin tưởng những lời hứa quyết”.

 

 

Một Danh Hiệu Hòa Bình

 

1.         Trong Sứ Điệp truyền thống này cho Ngày Hòa Bình Thế Giới dịp Tân Niên, tôi xin gửi lời chào thân ái và cầu chúc tốt đẹp đến con người nam nữ khắp nơi, nhất là những ai đang khổ đau vì bạo lực và những cuộc xung đột võ trang. Lời chào chúc của tôi là lời chào chúc đầy hy vọng cho một thế giới yên hàn hơn, một thế giới có nhiều cá nhân và cộng đồng hơn dấn thân cho đường lối công lý và hòa bình.

 

2.         Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đối với các vị Tiền Nhiệm của tôi là các vị Đại Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, những vị là các phát động viên tinh anh của hòa bình. Được tác động bởi tinh thần của các Mối Phúc Đức, các vị đã nhận thấy, nơi nhiều biến cố lịch sử đánh dấu Giáo Triều đương thời của các vị, sự can thiệp quan phòng của Thiên Chúa, Đấng không ngừng quan tâm tới tương lai của loài người. Là những người hăng say loan báo Phúc Âm, các vị liên lỉ kêu gọi mọi người hãy lấy Chúa làm khởi điểm cho các nỗ lực của họ hoạt động cho tình trạng hòa thuận và an bình trên khắp thế giới. Sứ Điệp đầu tiên cho Ngày Hòa Bình Thế Giới đây là để tiếp theo đường lối giáo huấn cao quí của các vị; qua sứ điệp đây, tôi muốn lập lại quyết tâm mạnh mẽ của Tòa Thánh trong việc tiếp tục phục vụ lý tưởng hòa bình. Chính danh hiệu Biển Đức tôi đã chọn trong ngày được tuyển lên Tòa Thánh Phêrô là dấu hiệu việc cá nhân tôi dấn thân cho hòa bình. Trong việc nhận danh hiệu này, tôi muốn gợi lên cho thấy cả Vị Thánh Quan Thày của Âu Châu là vị đã khơi dậy một nền văn minh hòa bình ở khắp châu lục này, lẫn Giáo Hoàng Biển Đức XV là vị đã lên án Thế Chiến Thứ Nhất như là một “tàn sát vô ích” ("Appeal to the Heads of the Warring Peoples," [1 August 1917]: AAS 9 [1917], 423.)

 

(còn tiếp)

 

Tại Vatican ngày 8/12/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20051213_xxxix-world-day-peace_en.html

 

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ