GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 2/12/2005

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Tái Nhận Thức Một Số Văn Kiện Công Đồng Chung Vaticanô II về Lời Chúa và Vai Trò Người Tín Hữu Giáo Dân

   ĐTC Gioan Phaolô II: Hy vọng có thực sự xuất phát từ Giới trẻ?

?  Giáo Hội Hoàn Vũ – Giáo Hội Việt Nam: Một Ngày 3 Biến Cố… Tại Sao Tòa Thánh bang giao với Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam?

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Tái Nhận Thức Một Số Văn Kiện Công Đồng Chung Vaticanô II về Lời Chúa và Vai Trò Người Tín Hữu Giáo Dân

 

2005 là năm kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, một công đồng đã được kết thúc vào ngày 8/12/1965, cũng là thời điểm kỷ niệm 40 năm công đồng này đã ban bố nhiều văn kiện, trong đó, có văn kiện Nostra Aetate liên quan tới việc đối thoại liên tôn với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đặc biệt với Do Thái giáo. Biến Cố Công Đồng Chung Vaticanô II nói chung, một biến cố đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho là một Mùa Vọng dọn mừng riêng Đại Năm Thánh 2000 và chung Ngàn Năm Thứ Ba Kitô Giáo. Cả ngài và vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI đều công khai tuyên bố là các vị sẽ theo đường hướng của Công Đồng Chung này và áp dụng giáo huấn của Công Đồng ấy.

 

Đó là lý do, trong suốt mấy tuần lễ ở Tháng 10 và Tháng 11, vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta đã ban những bài Huấn Từ Truyền Tin vào các buổi trưa Chúa Nhật ở Quảng Trường Thánh Phêrô về những văn kiện quan trọng của Công Đồng này, một Công Đồng chủ trương Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium”, mang “Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes” cho thế giới tân tiến, nhưng lại là một thế giới đang bị chập chùng bao phủ bởi bóng tối mịt mù dày đặc văn hóa sự chết. Sau đây là hai văn kiện được ngài đặc biệt nói tới vào dịp kỷ niệm ban hành 40 năm trước, đó là Hiến Chế Tín Lý Lời Chúa – Dei Verbum, và Sắc Lệnh Người Tín Hữu Giáo Dân.

 

Trước hết, về Hiến Chế Lời Chúa “Dei Verbum”, trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 32 Ngày 6/11/2005 ĐTC Biển Đức XVI đã đề cập tới 5 điểm chính sau đây:

 

1) Về nội dung của Hiến Chế Lời Chúa

 

Vào ngày 18/11/1965, Công Đồng Chung Vaticanô II đã chuẩn nhận hiến chế tín lý về Mạc Khải, “Dei Verbum”, một trong những cột trụ của toàn thể toàn nhà công đồng này. Văn kiện này nói về vấn đề Mạc Khải và việc truyền đạt mạc khải, về việc linh ứng và việc giải thích Sách Thánh cũng như về tầm quan trọng của mạc khải trong đời sống của Giáo Hội.

 

2) Về vấn đề Mạc Khải

 

Thu thập những hoa trái của việc canh tân về thần học trước đó, Công Đồng Chung Vaticanô II đã đặt Chúa Kitô làm tâm điểm, trình bày Người “vừa là Trung Gian vừa là sự viên trọn của tất cả mạc khải” (khoản 2). Thật vậy, Chúa Giêsu, Lời nhập thể, Đấng đã chết và phục sinh, đã thi hành cho đến hoàn thành công cuộc cứu độ, một công cuộc cứu độ được hiện thực bằng những cử chỉ và lời nói, và biểu lộ hoàn toàn dung nhan và ý muốn của Thiên Chúa, nhờ đó, cho tới khi Người trở lại trong vinh quang, không còn phải đợi chờ một mạc khải công khai mới nào nữa (x khoản 3).

 

3) Về việc truyền đạt mạc khải

 

Các tông đồ và thành phần thừa kế các ngài là các vị giám mục là những kho chất chứa sứ điệp được Chúa Kitô ký thác cho Giáo Hội, nhờ đó sứ điệp ấy được truyền đạt cách trọn vẹn cho tất cả mọi thế hệ. Sách Thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước và Thánh Truyền chất chứa sứ điệp ấy, một sứ điệp được hiểu biết mỗi ngày một hơn trong Giáo Hội nhờ ơn trợ giúp của Thánh Thần. Truyền Thống này giúp cho con người có thể biết được toàn bổ bộ các sách thánh và làm cho các sách này được hiểu một cách xác đáng và có hiệu năng, nhờ đó, Thiên Chúa, Đấng nói với các vị tổ phụ và tiên tri, không ngừng nói với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, nói với thế giới (x khoản 8).

 

4) Về tầm quan trọng của mạc khải trong đời sống của chung Giáo Hội

 

Giáo Hội không sống bởi mình mà là sống bởi Phúc Âm và luôn căn cứ vào Phúc Âm để biết được đường đi nước bước của mình. Hiến chế công đồng “Dei Verbum” đã tạo nên một động lực mãnh liệt trong việc cảm nhận Lời Chúa, giúp đưa tới việc canh tân sâu xa đời sống của cộng đồng giáo hội, nhất là nơi việc giảng giải, giáo lý, thần học, tu đức và liên hệ đại kết.

 

5) Về tầm quan trọng của mạc khải trong đời sống của riêng Kitô hữu

 

Lời Chúa, bởi tác động của Thánh Thần, là những gì hướng dẫn người tín hữu đến chỗ toàn chân (x Jn 16:13). Trong số nhiều hoa trái của mùa xuân thánh kinh này, tôi muốn đề cập tới việc thịnh hành vấn đề “lectio divina” xưa, hay việc đọc sách thiêng liêng, đọc Sách Thánh. Việc đọc sách thiêng liêng Thánh Kinh này là ở chỗ suy niệm trọn một bài thánh kinh, đọc đi đọc lại, ở một nghĩa nào đó “nghiền ngẫm bài thánh kinh”, như các vị Nghị Phụ viết, và vắt lấy “nước cốt” của bài thánh kinh, nhờ đó bài thánh kinh ấy nuôi dưỡng việc suy niệm và chiêm niệm, để rồi, như nhựa cây, bài thánh kinh có thể thấm vào cuộc sống thực tế. Muốn thế, “việc đọc sách thiêng liêng” Thánh Kinh này đòi hỏi tâm trí phải được Thánh Linh soi động, tức là được soi động bởi chính Đấng linh ứng viết lên Thánh Kinh, và bởi thế, đặt mình vào một thái độ “sốt sắng lắng nghe”.

Sau nữa, về Sắc Lệnh Người Tín Hữu Giáo Dân, trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 33 Ngày 13/11/2005 ngài đã đề cập tới 3 điểm tiêu biểu sau đây: 

1) Tầm quan trọng của người tín hữu giáo dân đối với Giáo Hội

 

Thật vậy, Công Đồng này đã chú trọng rất nhiều đến vai trò của người tín hữu giáo dân, giành hẳn một chương cho họ, đó là chương thứ 4 ở hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” về Giáo Hội để xác định ơn gọi và sứ vụ của họ là những gì được bắt nguồn từ phép rửa và thêm sức, và hướng tới “việc tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa bằng cách tham gia vào trần thế vụ cũng như bằng cách hướng những trần thế vụ này theo dự án của Thiên Chúa” (khoản số 31).

 

2) Nội dung của sắc lệnh Người Tín Hữu Giáo Dân

 

Vào ngày 18/11/1965, các vị nghị phụ đã chấp thuận một sắc lệnh đặc biệt về việc tông đồ của người giáo dân, “Apostolicam Actuositatem”. Trước hết sắc lệnh này nhấn mạnh rằng “việc thành đạt của hoạt động tông đồ giáo dân lệ thuộc vào việc hiệp nhất sống động của giáo dân với Chúa Kitô” (khoản 4), tức là, lệ thuộc vào đời sống tu đức vững chắc, một đời sống được nuôi dưỡng bằng việc tham dự chủ động vào phụng vụ và được thể hiện nơi lối sống của các phúc đức phúc âm.

 

3) Tầm quan trọng của hoạt động tông đồ giáo dân

 

Mặc dù họ được kêu gọi riêng tư để cống hiến chứng từ cá nhân của mình, một chứng từ đặc biệt quí báu bất cứ ở nơi đâu quyền tự do của Giáo Hội gặp trở ngại, Công Đồng này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tông đồ có tổ chức cần thiết để gây ảnh hưởng tới tâm thức chung, tới những tình trạng và cơ cấu xã hội (khoản 18). Về vấn đề này, các vị nghị phụ đã khuyến khích những hội đoàn giáo dân khác nhau, đồng thời cũng nhấn mạnh tới việc huấn luyện họ cho hoạt động tông đồ này.

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

  TOP

 

   ĐTC Gioan Phaolô II: Hy vọng có thực sự xuất phát từ Giới trẻ?

 

Vấn đề được vị chủ biên Vittorio Messori, người đã phỏng vấn và xuất bản cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng năm 1994 đặt ra là: Giới trẻ chiếm được một chỗ đặc biệt trong lòng của Đức Thánh Cha, vị thường lập đi lập lại rằng cả Giáo Hội hướng về chúng với niềm hy vọng đặc biệt cho một cuộc tái bắt đầu truyền bá phúc âm hóa. Tâu Đức Thánh Cha, đó có phải là một niềm hy vọng thiết thực hay chăng? Hay thành phần người lớn chúng ta chỉ chiều theo cái ảo ảnh cho rằng mỗi một thế hệ mới đều tốt đẹp hơn thế hệ của mình cũng như tất cả mọi thế hệ trước đó?

 

Theo ngài thì giới trẻ quả thực là hy vọng của Giáo Hội và của thế giới cũng như của riêng ngài, vì hai lý do, trước hết, căn cứ vào kinh nghiệm sinh hoạt mục vụ với giới trẻ thời ngài mới làm linh mục ở Balan, và nhất là căn cứ vào chính bản chất của tuổi trẻ, thì dù ở thời nào đi nữa, họ cũng luôn có một ước vọng tìm kiếm ý nghĩa và tầm vóc viên trọn của cuộc đời, một ước vọng cần phải được hướng dẫn bởi riêng những vị hướng đạo lành nghề, thấu hiểu họ và hiệu nghiệm giúp đỡ họ, nhất là bởi chính Giáo Hội, để họ có thể gặp được Đấng duy nhất có thể thỏa đáng tất cả những gì họ tìm kiếm và khát vọng, nhờ đó, với nhiệt tình vốn là đặc tính sung sức của tuổi trẻ, họ trở thành những con người tông đồ của Chúa Kitô, xây dựng thế giới của một nền văn minh yêu thương. Đó là tóm tắt tất cả những gì được ngài chia sẻ về vấn đề được vị chủ biên trên đây đặt ra:

 

Ở đây ông đã đi vào một lãnh vực rộng lớn của cuộc bàn luận và chia sẻ.

 

Giới trẻ ngày nay giống như những gì đây, họ đang tìm kiếm những gì vậy? Có thể nói rằng họ vẫn giống như thuở nào. Nơi con người ta có một điều không bao giờ đổi thay, như Công Đồng Chung Vaticanô II nhặc lại trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng (ở khoản số 10). Điều này đặc biệt xác đáng nơi giới trẻ. Thế nhưng, giới trẻ ngày nay cũng khác với giới trẻ trước kia. Trong qua khứ, các thế hệ trẻ đã được khuôn đúc bởi kinh nghiệm đau thương của chiến tranh, của các trại tập trung, của mối hiểm nguy liên lỉ. Kinh nghiệm này đã khiến giới trẻ – tôi đang nghĩ tới mọi nơi trên thế giới, mặc dù tôi nghĩ tới giới trẻ Balan – có thể phát triển những tính chất anh hùng cao cả

 

Tôi nghĩ tới cuộc nổi dậy ở Warsaw năm 1944 – một cuộc cách mạng liều mình của các con người đương thời của tôi, những người đã hy sinh tất cả mọi sự. Họ đã bỏ mạng sống trẻ trung của mình đi. Họ muốn chứng tỏ rằng họ có thể sống cho đến tận tuyệt cái gia sản cao cả và khẩn thiết của họ. Tôi thuộc về thành phần của thế hệ này, và tôi phải nói rằng cái anh hùng của những con người đồng thời với tôi đã giúp tôi nhận định được ơn gọi của bản thân mình. Cha Konstanty Michalski, một trong những vị đại giáo sư của Đại Học Đường Jagellonian ở Kraków, sau khi trở về từ trại tập trung Sachsenhausen, đã viết cuốn sách nhan đề Giữa Đức Anh Hùng và Cái Tàn Bạo. Nhan đề của cuốn sách này nói lên được tất cả hoàn cảnh sống ở những lúc bấy giờ. Nói đến Thày Albert Chmielowski, tác giả Michlski đã nhắc lại những lời của Phúc Âm về nhu cầu “hiến mạng sống mình” (x Jn 15:13). Chính trong giai đoạn con người hoàn toàn bị khinh thường ấy, giai đoạn mà cái giá của sự sống chưa bao giờ lại bị coi rẻ mạt như vậy, thì cũng chính là lúc ấy mỗi một mạng sống lại trở nên quí hóa, khi chiếm được cái giá trị của việc tự nguyện hiến ban.

 

Về khía cạnh này thì giới trẻ ngày nay chắc chắn lớn lên ở một môi trường khác biệt. Họ không mang trong mình những thứ kinh nghiệm của Thế Chiến Thứ II. Ngoài ra, nhiều người trong họ chưa từng biết đến – hay không nhớ tới – cuộc đấu tranh chống Cộng, chống lại tình trạng độc tài chuyên chế. Họ sống trong tự do là những gì đã được người khác giành cho họ, và phần đông họ chiều theo văn hóa hưởng thụ. Nói chung thì đó là tình trạng của hoàn cảnh hiện nay.

 

Cũng thế, khó có thể nói rằng giới trẻ đã loại bỏ các thứ giá trị truyền thống, họ lìa bỏ Giáo Hội. Các kinh nghiệm của những bậc thày cô và mục tử đã xác nhận rằng, hôm nay cũng không thua gì hôm qua, lý tưởng chủ nghĩa vẫn hiện diện nơi giới trẻ, cho dù thời nay có lẽ chủ nghĩa này hầu như có khuynh hướng được thể hiện với dạng thức suy tính, trong khi đó, trước kia, nó dễ dàng được chuyển thành phận sự. Nói chung thì các thế hệ trẻ đang lớn lên trong một môi trường mang tính chất tân thực chứng, trong khi ở Balan, khi tôi còn là một đứa con trai, lại thiên về các truyền thống yêu đương. Thành phần giới trẻ tôi đã giao tiếp sau khi chịu chức linh mục là những người tin vào những thứ truyền thống ấy. Họ đã thấy được, nơi Giáo Hội cũng như trong Phúc Âm, một qui điểm giúp họ tập trung được sức mạnh nội tâm của họ, giúp họ sống cuộc sống bằng một đường lối có ý nghĩa. Tôi vẫn nhớ những cuộc trao đổi của tôi với những con người trẻ đã nói về mối liên hệ giữa họ với đức tin theo đúng những truyền thống ấy.

 

Một kinh nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong thời gian ấy, thời gian các hoạt động mục vụ của tôi ưu tiên trên hết là giới trẻ, đó là việc khám phá ra tầm quan trọng thiết yếu của tuổi trẻ. Tuổi trẻ là gì? Nó không phải chỉ là một đoạn đời tương đương với một số tháng năm, nó còn là một thời gian được Đấng Quan Phòng trao tặng cho mỗi người và trao tặng cho họ như là một trách nhiệm. Trong thời gian ấy, như con người trẻ trong Phúc Âm, họ tìm kiếm những giải đáp cho các vấn nạn căn bản của họ; họ tìm kiếm chẳng những ý nghĩa của đời sống mà còn cả một đường lối cụ thể để sống cuộc đời của họ. Đó là đặc tính trọng yếu nhất của tuổi trẻ. Mỗi giáo huấn viên, bắt đầu là cha mẹ, cách riêng là vị mục tử, cần phải nhận thức ra đặc tính này, và phải biết cách để nhận ra nó nơi mỗi một người con trai con gái. Tôi còn muốn nhấn mạnh nữa là: Họ cần phải yêu thích khía cạnh nồng cốt này của tuổi trẻ.

 

Nếu ở vào mỗi đoạn đời của mình, con người đều muốn tự làm chủ lấy mình, muốn yêu thương, thì trong thời thanh xuân của mình, họ còn muốn như thế mãnh liệt hơn nữa. Tuy nhiên, uớc muốn tự làm chủ lấy mình không được hiểu như là một thứ giấy phép được làm bất cứ cái gì, không bị hạn chế. Giới trẻ không muốn điều ấy tí nào cả – họ muốn được sửa sai, họ muốn được nói cho biết là được hay là không. Họ cần thành phần hướng đạo, và họ muốn thành phần họ cận kề ngay bên. Nếu họ hướng về các nhân vật có thẩm quyền, là bởi vì họ thấy nơi các vị cái nồng nàn dồi dào về nhân bản và có lòng sẵn sàng muốn bước đi với họ trên những con đường họ đang theo đuổi.

 

Bởi thế mà hiển nhiên là vấn đề thiết yếu của giới trẻ là vấn đề sâu xa về bản thân. Trong cuộc đời, tuổi trẻ là thời điểm chúng ta tiến đến chỗ biết được bản thân mình. Nó cũng là thời điểm của hiệp thông nữa. Giới trẻ, cho dù là nam hay nữ, cũng đều biết rằng họ cần phải sống cho và sống với kẻ khác, họ biết rằng cuộc đời của họ có ý nghĩa ở chỗ nó trở thành một tặng ân nhưng không cho kẻ khác. Đây là nguồn gốc của tất cả mọi ơn gọi – cho dù là làm linh mục hay tu sĩ, hoặc sống đời hôn nhân gia đình. Tiếng gọi sống đời hôn nhân cũng là một ơn gọi, một tặng ân Chúa ban. Tôi không bao giờ quên được một con người trẻ tuổi, một sinh viên kỹ sư ở Krakoùw, con người ai cũng biết là quyết tâm muốn nên thánh. Đó là dự án sống của anh ta. Anh ta biết rằng anh ta được “dựng nên cho những điều cao cả hơn”, như Thánh Stanislaus Kostka có lần đã diễn tả như thế. Và đồng thời anh ta cũng chắc chắn rằng ơn gọi của mình không phải là làm linh mục hay tu sĩ. Anh ta biết rằng anh ta được kêu gọi ở ngoài đời. Đam mê của anh ta là làm việc về kỹ thuật, là học ngành kỹ sư. Anh ta đã tìm kiếm một người bạn đời và đã tìm thấy nàng trên hai đầu gối, trong nguyện cầu. Tôi không bao giờ quên được cuộc đàm thoại mà, sau một ngày tĩnh tâm đặc biệt, anh ta nói với tôi rằng: “Con nghĩ rằng đây là người đàn bà chắc chắn là vợ của con, vì chính Chúa đã ban nàng cho con”. Anh ta hầu như không phải chỉ theo tiếng gọi của con tim mình mà trên hết là tiếng của chính Thiên Chúa. Anh ta biết rằng tất cả mọi điều tốt lành đều từ Ngài mà đến, và anh ta đã thực hiện một quyết định tốt đẹp. Tôi đang nói về Jerzy Ciesielski, người đã chết vì một tai nản thê thảm ở Sudan, nơi anh ta đã được mời dạy ở một Đại Học Đường. Việc điều tra phong thánh cho anh đang được tiến hành.

 

Chính ơn gọi yêu thương này khiến chúng ta tự nhiên có thể đến gần giới trẻ. Là một linh mục, tôi nhận ra điều này rất sớm. Tôi hầu như cảm thấy được sâu xa kêu gọi theo chiều hướng ấy. Cần phải sửa soạn cho giới trẻ lập gia đình, cần phải dạy cho chúng yêu thương. Tình yêu không phải là một cái gì đó cần phải học hỏi, tuy nhiên cũng không còn điều gì khác quan trọng hơn cần phải học biết! Là một vị linh mục trẻ tôi đã học yêu quí tình yêu của con người. Đó từng là một trong những đề tài chính yếu cho vai trò làm linh mục của tôi – cho thừa tác vụ của tôi trên tòa giảng, trong tòa giải tội cũng như nơi những gì tôi viết lách. Nếu người ta yêu quí tình yêu của con người thì tự nhiên nẩy lên nhu cầu cần phải dấn thân hoàn toàn cho việc phục vụ “tình yêu tuyệt mỹ”, vì tình yêu kiều diễm, tình yêu mỹ lệ.

 

Dù sao thì giới trẻ bao giờ cũng tìm kiếm vẻ đẹp nơi yêu thương. Họ muốn tình yêu của họ phải là những gì đẹp đẽ. Nếu họ có chiều theo yếu đuối, theo đuổi những mẫu mực tác hành có lý được coi là “một thứ gương mù trong thế giới đương thời” (mà bất hạnh thay lại là những mẫu tác hành được thịnh hành), thì tận đáy lòng của họ, họ vẫn ước muốn một tình yêu diễm lệ và tinh tuyền. Điều này đúng cho cả trai lẫn gái. Nói cho cùng thì họ biết rằng chỉ có duy một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho họ thứ tình yêu này thôi. Bởi thế, họ sẵn sàng theo Chúa Kitô, bất chấp những hy sinh gây ra bởi đó.

 

Là một vị linh mục trẻ và là một mục tử, tôi đã có cái nhìn như thế về giới trẻ và về tuổi trẻ, một cái nhìn vẫn còn liên tục như thế qua những tháng năm đây. Nó là một cái nhìn cũng cho tôi có thể gặp gỡ giới trẻ ở bất cứ nơi nào tôi đến thăm. Hết mọi vị linh mục ở Rôma đều biết rằng các cuộc viếng thăm giáo xứ của tôi cần phải được kết thúc bằng cuộc gặp gỡ giữa Vị Giám Mục Rôma với giới trẻ của giáo xứ ấy. Chẳng những ở Rôma mà còn ở bất cứ nơi nào Vị Giáo Hoàng này đi tới nữa, ngài tìm kiếm giới trẻ và giới trẻ tìm kiếm ngài. Thực tế mà nói thì thật ra không phải là vị Giáo Hoàng này đang được giới trẻ tìm kiếm đâu. Vị đang được họ kiếm tìm là Chúa Kitô, Đấng biết “những gì nơi mỗi người” (x. Jn 2:25), nhất là nơi giới trẻ, và là Đấng có thể ứng đáp thực sự cho các vấn nạn của họ! Và cho dù chúng là những đáp ứng gắt gao, giới trẻ vẫn không sợ; trái lại, họ còn đợi chờ những lời ứng đáp ấy nữa.

 

Đó cũng là những gì cho thấy được lý do tổ chức các Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ngay từ đầu, trong Năm Mừng Ơn Cứu Chuộc (1983-1984), và rồi một lần nữa trong Năm Giới Trẻ Quốc Tế do Liên Hiệp Quốc tổ chức (1985), giới trẻ đã được mời về Rôma. Đó là thuở ban đầu. Không ai đã sáng tạo ra các Ngày Giới Trẻ Thế Giới cả. Chính giới trẻ đã thiết lập nên  những ngày này. Thế rồi những Ngày ấy, những cuộc hội ngộ ấy, trở thành một điều được giới trẻ khắp thế giới ước mong. Hầu hết những Ngày này là một điều gí đó khiến cho các vị linh mục, thậm chí cả các vị giám mục, lấy làm ngạc nhiên, ở chỗ chúng vượt trên tất cả những gì họ mong đợi nữa. 

 

Các Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã trở thành một chứng từ cao cả và thu hút được chính giới trẻ thực hiện. Những ngày ấy đã trở thành một phương tiện mãnh liệt cho việc truyền bá phúc âm hóa. Thật vậy, nơi giới trẻ có một tiềm lực mãnh liệt về thiện hảo cũng như về khả năng sáng tạo. Bất cứ nơi đâu tôi gặp gỡ họ trong các cuộc tông du khắp thế giới của tôi, trước hết tôi đợi chờ để nghe họ nói với tôi về họ, về xã hội của họ, về Giáo Hội của họ. Tôi bao giờ cũng vạch cho họ biết rằng: “Những gì tôi sắp nói với các bạn không quan trọng bằng những gì các bạn nói với tôi. Các bạn không cần phải nói với tôi bằng ngôn từ; các bạn nói với tôi bằng sự hiện diện của các bạn, bằng việc các bạn ca hát, có lẽ bằng cả việc các bạn nhẩy múa, bằng những màn trào phúng, và sau hết bằng lòng nhiệt thành của các bạn.

 

Chúng ta cần lòng nhiệt thành của giới trẻ. Chúng ta cần niềm vui sống joie de vivre của họ. Nơi niềm vui sống này của họ phản ảnh một cái gì đó nơi niềm vui nguyên khôi Thiên Chúa có được trong việc tạo dựng nên con người. Giới trẻ cảm nghiệm được cũng niềm vui này nơi bản thân họ. Niềm vui này là niềm vui ở khắp mọi nơi, thế nhưng nó đồng thời mãi mới mẻ và nguyên khôi. Giới trẻ biết cách diễn tả niềm vui này ra bằng cách thức riêng biệt của mình.

 

Không phải là Vị Giáo Hoàng này qui tụ giới trẻ từ khắp thế giới. Mà chính họ đã mang ngài lại với họ. Cho dù ngài có già đời hơn, họ vẫn muốn ngài trẻ trung, họ không để cho ngài quên đi kinh nghiệm của ngài, quên đi việc ngài khám phá về tuổi trẻ cũng như về tầm mức rất quan trọng của tuổi trẻ đối với đời sống của mỗi người. Tôi tin rằng điều này nói lên rất nhiều.

 

Chính ngày đăng quang của thừa tác vụ giáo hoàng của tôi hôm 22/10/1978, vào lúc kết thúc phụng vụ này, tôi đã nói với giới trẻ tập trung ở Quảng Trường Thánh Phêrô rằng: “Các bạn là hy vọng của Giáo Hội và của thế giới. Các bạn là hy vọng của tôi”. Tôi đã thường lập lại những lời này.

 

Tôi muốn tóm tắt lại bằng việc nhấn mạnh là giới trẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa, họ đang tìm kiếm ý nghĩa của đời sống, họ đang tìm kiếm những giải đáp tối hậu: “Tôi cần phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Lk 10:25). Trong cuộc tìm kiếm này, họ không thể nào không gặp gỡ Giáo Hội. Và Giáo Hội không thể nào không gặp gỡ giới trẻ. Chỉ có một điều cần duy nhất đó là Giáo Hội có được một kiến thức sâu xa về ý nghĩa trẻ trung, về tầm quan trọng của tuổi trẻ đối với mỗi người. Cũng cần giới trẻ biết Giáo Hội nữa, để họ thấy được Chúa Kitô nơi Giáo Hội. Chúa Kitô là Đấng bước đi qua các thế hệ với mỗi một thế hệ, với mỗi người. Người bước đi bên mỗi người như một người bạn đường. Một ngày quan trọng trong đời của một con người trẻ đó là ngày họ thâm tín rằng Người là Vị Thân Hữu duy nhất không làm họ bị thất vọng và là Đấng họ bao giờ cũng có thể tin tưởng cậy nhờ.

 

(Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ cuốn “Vượt qua Ngưỡng Cửa Hy Vọngcủa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Alfred A. Knopf, New York 1994, trang 118-126) 

TOP

 

? Giáo Hội Hoàn Vũ – Giáo Hội Việt Nam: Một Ngày 3 Biến Cố… Tại Sao Tòa Thánh bang giao với Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam?

 

Ngày Thứ Ba 29/11/2005 vừa qua đã xẩy ra hai biến cố ở Tòa Thánh Vatican: biến cố thứ nhất là Tông Tòa Ân Giải của Tòa Thánh ban hành một sắc lệnh về việc Đức Thánh Cha ban Ơn Toàn Xá đặc biệt cho dịp Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 2005 này, và biến cố thứ hai  là Thánh Bộ Giáo Dục Kitô Giáo cũng ban hành một bản Hướng Dẫn mang tựa đề “Về các Tiêu Chuẩn để Nhận Thức các Ơn Gọi liên quan tới Những Người có Khuynh Hướng Đồng Tính Luyến Ái đối với Việc Chấp Nhận Họ vào Chủng Viện và truyền Thánh Chức”. Ngoài ra, cũng trong chính ngày Thứ Ba 29/11/2005 đặc biệt này, Giáo Hội Việt Nam được thêm 57 tân linh mục do Vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa là Đức Hồng Y Crescenzio Sepe truyền chức tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Là Kitô hữu Công Giáo Việt Nam tha hương, chúng ta cùng nhau  chúc mừng Giáo Hội Mẹ và cùng Giáo Hội Me cảm tạ Thiên Chúa và Tòa Thánh.

 

Trước hết là việc Đức Thánh Cha ban Ơn Toàn Xá đặc biệt cho dịp Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 2005 này.

 

Trước hết, chúng ta nên biết lý do tại sao Ngày Lễ Trọng Kính Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12 năm 2005 này, chứ không phải ngày Đại Lễ Giáng Sinh sắp tới, lại được Đức Thánh Cha ban ơn đại xá. Đó là vì ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm năm nay là ngày kỷ niệm đúng 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, một biến cố như chúng tôi đã nhấn mạnh đến lời của ĐTC GPII là Mùa Vọng dọn mừng Đại Năm Thánh 2000 và Thiên Kỷ Thứ Ba Kitô Giáo. Sắc lệnh đã nói đến lý do này như sau:

 

“Ngày 8/12 sẽ là ngày đánh dấu 40 năm từ khi Người Tôi Tớ Chúa là Giáo Hoàng Phaolô VI, vị đã công bố Trinh Nữ Maria là Mẹ Giáo Hội, khi bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II đã hết lời chúc tụng Đức Nữ Trinh này, với tư cách là Mẹ Đức Kitô, là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ thiêng liêng của tất cả chúng ta”.

Về cách thức lãnh nhận Ơn Tòan Xá cũng gọi là Đại Xá này, sắc lệnh cho biết, Đức Thánh Cha “đã nhân từ ban Ơn Tòa Xá là ơn có thể lãnh nhận theo các điều kiện thông thường (xưng tội, hiệp lễ và cầu nguyện theo các ý chỉ của Đức Thánh Cha), bằng  một tâm hồn hoàn toàn xa lánh việc gắn bó với bất cứ hình thức tội lỗi nào, trong dịp Lễ Trọng Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho tín hữu nào tham dự một việc thánh để tôn kính Đức Nữ Trinh, hay ít là thực hiện cách công khai một việc tôn sùng Thánh Mẫu nào đó trước ảnh tượng Mẹ Vô Nhiễm được trưng bày để tôn kính chung, cùng đọc thêm Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính, và một lời cầu nào đó với Đức Trinh Nữ”.

Bản sắc lệnh kết thúc bằng việc nhắc nhở là tín hữu “bị bệnh hay có lý do chính đáng khác” không thể tham dự vào một nghi thức công khai hay tôn kính hình ảnh của Đức Trinh Nữ, “có thể được Ơn Đại Xá tại nhà của mình, hay ở bất cứ chỗ nào, nếu, bằng một linh hồn hoàn toàn xa lánh bất cứ một hình thức tội lỗi nào, và có ý giữ những điều kiện đã được nói đến trên đây sớm bao nhiêu có thể, họ liên kết bản thân mình trong tinh thần và ước muốn với các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng để cầu cùng Mẹ Maria Vô Nhiễm, và đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính”.

Sau nữa là việc Thánh Bộ Giáo Dục Kitô Giáo ban hành bản Hướng Dẫn “Về các Tiêu Chuẩn để Nhận Thức các Ơn Gọi liên quan tới Những Người có Khuynh Hướng Đồng Tính Luyến Ái đối với Việc Chấp Nhận Họ vào Chủng Viện và truyền Thánh Chức”.

 

Bản văn kiện hướng dẫn đề ngày 4/11/2005 và đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI phê chuẩn hôm 31/8/2005. Bản văn kiện này không có gì là mới mẻ mà chỉ lập lại những gì vẫn được Giáo Hội Công Giáo chủ trương về thiên chức linh mục nói chung và việc truyền chức linh mục nói riêng, cũng như về thành phần mắc chứng đồng tính luyến ái.

 

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Bản văn kiện vẫn tỏ ra tôn trọng những ai mắc chứng đồng tính luyến ái, nhưng phân biệt giữa hành động đồng tính luyến ái (bất khả chấp) và khuynh hướng đồng tính luyến ái (cần thông cảm nhưng phải chế ngự).

 

Bản văn kiện khẳng định ba hạng người không được nhận vào chủng viện hay được lãnh chức linh mục là những nam nhân đang sống theo khuynh hướng đồng tính luyến ái, có khuynh hướng sâu nặng về vấn đề đồng tính luyến ái hay ủng hộ văn hóa đồng nam tính luyến ái. Còn những ai rõ ràng đã chế ngự được khuynh hướng này ít là 3 năm trước khi lãnh chức phó tế thì được.

 

Bản văn kiện cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các vị giám mục, của các vị bề trên các dòng tu, các huấn luyện viên trong các chủng viện và các vị linh hướng trong chủng viện cần phải nhận thức được tính cách xứng đáng của thành phần ứng viên được chọn làm linh mục.

 

Bản văn kiện cảnh giác là trong trường hợp hồ nghi một cách nghiêm trọng về một ứng viên linh mục nào đó thì không được truyền chức linh mục cho họ hay chính bản thân họ cũng phải ý thức về việc được đào luyện làm linh mục của mình.

 

Sau hêát là biến cố Giáo Hội Việt Nam được thêm 57 tân linh mục do Vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa là Đức Hồng Y Crescenzio Sepe người Balan 66 tuổi truyền chức tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội.

 

Vào lúc 9 giờ sáng Thứ Ba 29/11/2005, Thánh lễ bắt đầu được cử hành bằng hai thứ tiếng Latinh và Việt Nam. Tất cả có hai Đức Hồng Y, 9 Giám mục và hơn 300 linh mục hiệp dâng Thánh lễ.

 

Trong bài giảng của mình, ngỏ lời với các vị phó tế sắp lĩnh chức linh mục, Đức Hồng Y chủ tế nhắn nhủ như sau: “ít phút nữa thôi, các con sẽ được long trọng lặp lại lời truyền phép Thánh Thể của Chúa Giêsu: Này là Mình Ta, Này là Máu Ta. Các con sẽ sống một đời sống mới, sẽ trở nên giống Chúa Kitô, sẽ tiếp tục làm những việc Chúa Giêsu đã làm khi Ngài ở trần gian như chữa lành, tha tội, xức dầu... để cho đòan chiên được sống và sống dồi dào. Các con là những người được kêu mời mạnh mẽ thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu là hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Các con sẽ làm linh mục cho những người Việt Nam trên đất nước hơn 80 triệu dân này. Rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứng tá linh mục, các con phải có Chúa Giêsu trong lòng. Không có Chúa trong lòng, thì chúng ta không thể trao ban Ngài cho ai được”.

 

Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, thay mặt toàn thể dân Chúa, cảm ơn Đức Hồng Y và Đức ông Barnabê Nguyễn văn Phương đã viếng thăm Giáo hội Việt Nam, với những lời lẽ như sau: “Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: ‘Việt Nam ở trong trái tim của tôi’. Trong Thánh lễ hôm nay, Đức Hồng Y không chỉ truyền chức linh mục cho 57 Thày Phó tế, mà còn gieo niềm vui và hi vọng vào tâm hồn mọi người. Chúng con xin Đức Hồng Y chuyển tới Đức Thánh Cha niềm tin yêu, tôn kính, vâng ohục của chúng con. Chúng con mong ước một ngày không xa, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm đất nước chúng con. Kính chúc Đức Hồng Y và Đức Ông dồi dào ơn Chúa; chúng con ước mong chuyến đi lần này thu được nhiều kết quả tốt đẹp và mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính Phủ Việt Nam sẽ tiến triển tốt đẹp”.

 

Kính thưa quí vị, biến cố 57 tân linh mục Việt Nam ngày 29/11, cũng như biến cố Giáo Hội Việt Nam có thêm giáo phận Bà Rịa hôm 20/11, và cả biến cố giáo phận Bùi Chu có thêm vị giám mục phụ tá là Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ dòng Don Bosco đang dạy ở Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội được ĐTC bổ nhiệm vào chính ngày 29/11/2005, một bổ nhiệm được Đức Hồng Y chủ tế Thánh Lễ truyền chức cho 57 tân linh mục công bố, là những gì liên quan tới “mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính Phủ Việt Nam. Thế nhưng, tại sao Tòa Thánh lại bang giao với Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam là một chế độ bình thường cần phải tỏ ra cực lực chống phá hơn là tỏ ra thân thiện, xin chúng ta hãy lắng nghe chính Tòa Thánh nói.

Thật vậy, ĐTGM Giovanni Lajolo, Bí Thư Văn Phòng Liên Hệ Chư Quốc của Tòa Thánh, hôm Thứ Ba 15/11/2005, đã đọc một bài diễn văn ở một hội nghị do tòa lãnh sự Balan ở Tòa Thánh tổ chức về đề tài “Vấn Đề Ngoại Giao của Tòa Thánh trong Thế Kỷ 20: Những Loại Hiệp Ước”, đã làm sáng tỏ vấn đề là:

 

“Những Hiệp Ước cũng như những thỏa ước khác được ký kết với các quốc gia được cai trị bởi những hình thức chính quyền khác nhau, không trừ một hình thức chính quyền nào. Bởi thế, đôi khi Tòa Thánh bị chỉ trích vì ký kết nhuưng thỏa hiệp ngay cả với các chế độ độc tài chuyên chế, để bằng cách nào đó cung cấp cho các chế độ ấy việc nâng đỡ về luân lý và làm thuận tiện cho việc hiện diện của họ trên khấu trường quốc tế. Tuy nhiên, trước hết, cần phải nhớ rằng, với những thỏa hiệp này, Tòa Thánh không bao giờ nhìn nhận bất cứ chế độ chuyên biệt nào. Theo qui chuẩn của luật lệ quốc tế thì chính Quốc Gia (là những gì tồn tại) ký kết hiệp ước, chứ không phải là những chính quyền hay chế độ (là những gì xuất biến). Cũng đừng quên rằng, trong việc ký kết các hiệp ước của mình, Toò Thánh nhắm đến việc bảo vệ quyền tự do của Giáo Hội ở nước đó, cũng như quyền lợi tự do tôn giáo của từng tín hữu và công dân, và điều này càng tỏ ra thật là cần thiết khi có những thành phần cai trị đất nước mà không hoàn toàn tôn trọng các quyền lợi căn bản”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ