GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 3/12/2005 |
? HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN LỢI CỦA GIA ĐÌNH: Lời Mở Đầu
Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Công Đồng Chung Vaticanô II
? Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết
HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN LỢI CỦA GIA ĐÌNH
Văn Kiện của Tòa Thánh ngày 22/10/1983 gửi đến tất cả mọi người, mọi cơ cấu tổ chức và thẩm quyền còn quan tâm tới sứ vụ của gia đình trong thế giới ngày nay
Lời Mở Đầu
Xét rằng:
A. Các quyền lợi của con người, cho dù chúng được diễn tả như là quyền lợi của cá nhân, có một chiều kích xã hội sâu xa là chiều kích được thể hiện một cách bẩm sinh và trọng yếu nơi gia đình (x. "Rerum novarum", no. 9; "Gaudium et spes", no. 24.);
B. Gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân là cuộc hợp nhất thân mật của một đời sống hỗ tương giữa một người nam và một người nữ, một cuộc hợp nhất được làm nên bởi việc tự nguyện giao kết, bởi việc công khai thể hiện mối liên kết hôn nhân bất khả phân ly, và bởi việc hướng về vấn đề truyền đạt sự sống (x. "Pacem in terris", Part 1; "Gaudium et spes", nos. 48 and 50; "Familiaris consortio", no. 19; "Codex Iuris Canonici", no. 1056);
C. Hôn nhân là cơ cấu tự nhiên duy nhất được ký thác cho sứ vụ truyền đạt sự sống (x. "Gaudium et spes", no. 50; "Humanae vitae", no. 12; "Familiaris consortio", no. 28);
D. Gia đình, một xã hội tự nhiên, hiện hữu trước Quốc Gia hay bất cứ cộng đồng nào khác, có những quyền hạn cố hữu bất khả chuyển nhượng (x. "Rerum novarum", nos. 9 and 10; "Familiaris consortio", no. 45);
E. Gia đình, không phải chỉ là một đơn vị thuần pháp lý, xã hội và kinh tế, mà là một cộng đồng yêu thương và đoàn kết, một cộng đồng xứng hợp chuyên biệt để dạy dỗ và truyền đạt những giá trị về văn hóa, chủng tộc, xã hội, thiêng liêng và tôn giáo, thiết yếu cho việc phát triển và phúc hạnh của phần tử gia đình mình cũng như của xã hội (x. "Familiaris consortio", no. 43);
F. Gia đình là nơi các thế hệ khác nhau gặp nhau và giúp nhau phát triển theo tầm mức khôn ngoan nhân bản và hòa hợp quyền lợi của cá nhân với các đòi hỏi khác của đời sống xã hội (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Familiaris consortio", no. 21);
G. Gia đình và xã hội, những gì liên hệ với nhau bởi những mối giây quan thiết và theo cơ cấu, có phận sự bổ túc nhau để bênh vực và phát triển thiện ích của mọi người và của nhân loại (x. "Gaudium et spes", no. 52; "Familiaris consortio", nos. 42 and 45);
H. Kinh nghiệm của các nền văn hóa khác nhau suốt giòng lịch sử cho thấy xã hội cần phải nhìn nhận và bênh vực cơ cấu gia đình;
I. Xã hội, và nhất là Quốc Gia và các Tổ Chức Quốc Tế, cần phải bảo vệ gia đình bằng các biện pháp có tính cách chính trị, kinh tế, xã hội và pháp lý, nhằm củng cố mối hiệp nhất và bền vững của gia đình nhờ đó gia đình có thể thi hành phận sự đặc biệt của mình (x. "Familiaris consortio", no. 45);
J. Các quyền lợi, các thứ nhu cầu trọng yếu, tình trạng phúc hạnh và những giá trị của gia đình, cho dù đang được bảo toàn mỗi ngày một hơn ở một số trường hợp, cũng thường bị bỏ qua và không phải là hiếm thấy xẩy ra trường hợp bị các thứ luật lệ, cơ cấu và chương trình kinh tế xã hội làm suy yếu đi (x. "Familiaris consortio", nos. 46);
K. Nhiều gia đình bị bắt buộc phải sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ làm cho họ không thể thi hành vai trò của họ một cách xứng đáng (x. "Familiaris consortio", nos. 6 and 77);
L. Giáo Hội Công giáo, ý thức được sự thiện hảo của con người, của xã hội và của chính Giáo Hội qua đường lối gia đình, đã luôn coi gia đình là một phần trong sứ vụ của Giáo Hội trong việc loan báo cho tất cả mọi người biết dự án của Thiên Chúa được in ấn nơi bản tính con người liên quan tới hôn nhân và gia đình, để cổ võ và bênh vực hai cơ cấu ấy đối với tất cả những ai phạm đến chúng (x. "Familiaris consortio", nos. 3 and 46);
M. Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới năm 1980 đã minh nhiên đề nghị phác họa một Bản Hiến Chương về Quyền Lợi của Gia Đình và phổ biến cho tất cả những ai liên hệ (x. "Familiaris consortio", no. 46);
Tòa Thánh, sau khi tham vấn với các Hội Đồng Giám Mục, giờ đây ban hành “Bản Hiến
Chương về Quyền Lợi của Gia Đình”, và tha thiết xin tất cả mọi Quốc Gia, mọi Tổ Chức
Quốc Tế, cùng tất cả mọi Cơ Cấu và con người quan tâm hãy cổ võ việc tôn trọng các thứ
quyền lợi này, và hãy bảo đảm cho việc thực sự nhìn nhận và tuân giữ chúng.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/family/documents/rc_pc_family_doc_19831022_family-rights_en.html
Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Công Đồng Chung Vaticanô II
Vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ban Ơn Toàn Xá cho Ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2005, ngày kỷ niệm đúng 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, một biến cố rất quan trọng đối với cả Giáo Hội lẫn thế giới. Sau đây là một số cảm nhận của ngài về biến cố hết sức trọng đại này:
Khi còn là hồng y Tổng
Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ngài cũng đã nhận định về tình trạng hậu công
đồng và đề nghị những áp dụng thực hành cụ thể trong tác phẩm “The Ratzinger
Report”, ấn bản Anh ngữ, do Ignatius Press xuất bản năm 1985, trang 30-31,
42-43, như sau:
“Công Đồng Chung Vaticanô II, với những chính thức ban bố của mình, với những
văn kiện chân thực của mình, không thể bị cho rằng phải chịu trách nhiệm về cuộc
biến chuyển này, một cuộc biến chuyển, trái lại, hoàn toàn nghịch lại về cả
phương diện văn từ lẫn tinh thần của các Vị Nghị Phụ Công Đồng.
“Tôi tin rằng tình trạng thiệt hại này mà chúng ta thấy xẩy ra trong 20 năm qua
(tác phẩm xuất bản sau Công Đồng này bế mạc 20 năm) không phải là do Công Đồng
‘thực sự’, mà là bởi tình trạng bung tỏa của những lực lượng ngấm ngầm tranh cãi
và xa lìa trong Giáo Hội; và ngoài Giáo Hội, bởi việc đụng độ với một cuộc cách
mạng về văn hóa ở Tây phương…
“Để bênh vực truyền thống thực sự của Giáo Hội ngày nay có nghĩa là bênh vực
Công Đồng này. Chúng ta cũng có lỗi nữa nếu có những lúc chúng ta viện lý (dù
khuynh ‘hữu’ hay khuynh ‘tả’ cũng thế) coi Công Đồng Chung Vaticanô II như là
một thứ ‘ly khai’ và loại bỏ truyền thống. Trái lại, đó là một sự liên tục không
cho phép trở về với quá khứ hay thừa thắng xông lên, cũng không được có những
trông mong lầm lẫn hay được tỏ ra bất nhẫn vô lý. Chúng ta cần phải trung thành
với cái hôm nay của Giáo Hội, chứ không phải cái hôm qua hay cái ngày mai. Và
cái hôm nay của Giáo Hội là những văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II,
không cố thủ kẻo làm chúng bị cắn xén, cũng không độc đoán kẻo làm méo mó chúng
đi”.
“Không được quên rằng, hết mọi công đồng, trước hết, là một cuộc canh tân từ
‘thượng đỉnh’, một cuộc canh tân rồi phải được lan xuống đáy tín hữu. Có nghĩa
là hết mọi công đồng, để thực sự sinh hoa kết trái, cần phải được tiếp diễn bởi
một triều sóng thánh đức nữa. Điều này đã xẩy ra sau Công Đồng Chung Triđentinô,
và công đồng này đã thực sự đạt được mục đích của mình vì lý do ấy. Ơn cứu độ
đối với Giáo Hội xuất phát từ bên trong lòng Giáo Hội, thế nhưng như thế không
có nghĩa là xuất phát từ các sắc lệnh của hàng giáo phẩm. Công Đồng Chung
Vaticanô II cùng với các thành quả của công đồng này có được coi như là một giai
đoạn rạng ngời của lịch sử Giáo Hội hay chăng sẽ lệ thuộc vào tất cả mọi người
Công giáo là thành phần được kêu gọi để hiến cho Công Đồng sức sống. Như Đức
Gioan Phaolô II đã nói trong việc ngài tưởng nhớ về Thánh Borromeo ở Milan thì
‘Giáo Hội ngày nay không cần bất cứ một tân cánh mạng gia nào. Giáo Hội cần đến
những vị thánh’”.
Ngày khi bắt đầu làm giáo hoàng, ngài đã chính thức công khai tuyên bố là ngài sẽ dấn thân theo đường hướng của Công Đồng theo gương của vị tiền nhiệm ngài là Đức Gioan Phaolô II, như ngài đã nói trong bài giảng với hồng y đoàn ngày 20/4/2005 tại nguyện đường Sistine, nơi vừa xẩy ra biến cố mật nghị hồng y bầu giáo hoàng kế vị Đức Gioan Phaolô II:
“Đặc biệt
trước mặt của tôi là chứng từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài để lại cho
chúng ta một Giáo Hội cường tráng hơn, tư do hơn và trẻ trung hơn. Một Giáo Hội
mà, theo giáo huấn và gương mẫu của ngài, bình tâm nhìn lại quá khứ và không sợ
hướng đến tương lai. Qua Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội đã được dẫn vào ngàn năm
mới, nắm trong tay Phúc Âm, Phúc Âm được áp dụng cho thế giới qua việc đọc lại
một cách tường tận Công Đồng Chung Vaticanô II. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
có lý để nhấn mạnh rằng Công Đồng này như là một ‘la bàn’ được sử dụng để chúng
ta lèo lái trên đại dương bao la của ngàn năm thứ ba. Trong di chúc thư thiêng
liêng của mình, ngài còn nhận định là: ‘Tôi tin rằng, cho đến một thời gian rất
dài, các thế hệ mới sẽ kín múc lấy từ kho tàng được công đồng của thế kỷ 20 ấy
để cống hiến cho chúng ta’.
“Cả tôi nữa, để bắt đầu việc phục vụ xứng hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, cũng
muốn mạnh mẽ xác định ý muốn cương quyết của tôi trong việc theo đuổi cuộc dấn
thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II, theo các vị tiền nhiệm của tôi và
trung thành tiếp nối truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội. Năm nay chính là
năm kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng này (8/12/1965). Qua giòng thời gian, các
văn kiện của công đồng đã không mất đi tính cách hợp thời của mình; giáo huấn
của các văn kiện ấy vẫn cho thấy đặc biệt thích hợp với các nhu cầu cấp bách mới
của Giáo Hội cũng như với xã hội đang được toàn cầu hóa hiện nay".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết
Ông Donald DeMarco, đồng tác giả với ông Benjamin Wiker, viết tác phẩm “Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết” do Ignatius xuất bản, một tác phẩm trình bày về cuộc sống và lý thuyết của một số tư tưởng gia góp phần gieo mầm văn hóa sự chết. Ông này là phụ giáo sư triết học ở Đại Học và Chủng Viện Các Thánh Tông Đồ Connecticut, và là giáo sư hồi hưu ở Đại Học Thánh Jerome, Ontario. Sau đây là những vấn đề được ông trả lời trong cuộc phỏng vấn với Zenit.
Vấn: Tại sao ông quyết định tổng hợp vào tác phẩm này “Những Kiến Trúc Sư Xây Dựng Nền Văn Hóa Sự Chết”?
Đáp: Đầu đề này là tư tưởng đầu tiên của Benjamin Wiker, người cùng viết với tôi. Khi tôi mới đọc thấy đầu đề liên quan của ông ấy trong một bài viết cho tờ National Catholic Register, tôi đã cảm thấy rất mạnh mẽ là tôi có theê viết một loạt những bài về đề tài này và ông Ben với tôi có thể hợp tác viết một cuốn sách mang tựa đề “Các Kiến Trúc Sư Xây Dựng Nền Văn Hóa Sự Chết”.
Tôi nghĩ rằng chún g tôi có một cái gì đó giống nhau khiến chúng tôi có thể chia sẻ quan điểm này, tức là chia sẻ một niềm xác tín được cảm nhận một cách sâu xa rằng có một điều gì đó hết sức sai trái đã xẩy ra trong thế giới tân tiến này mà người ta cần phải biết nó đã xẩy ra thế nào cũng như cần có một câu giải đáp cho những thứ nan giải hiện tại của chúng ta.
Tôi đã từng dạy về triết học luân lý và lịch sử triết lý hiện đại ở Đại Học Thánh Giêrônimô ở Waterloo, Ontario, rất nhiều năm. Bởi thế, đây là việc làm dễ dàng đối với tôi để đúc kết 15 vị trong số những kiến trúc sư này và giải thích làm thế nào tư tưởng hết sức ảnh hưởng của họ đã góp phaân một cách mạnh mẽ vào việc hình thành nền văn hóa sự chết hiện nay.
Tôi đã viết 5 cuốn sách về đề tài đức hạnh. Con người ta thường nói về tầm quan trọng của yêu thương, thế nhưng không có đức hạnh thì cũng chẳng có thứ giây chuyền điện để yêu thương có thể được diễn đạt một cách hiệu nghiệm hay thỏa đáng.
Tôi cho rằng những gì tôi nghĩ tưởng không thể nào trách khỏi việc biến từ một điều gì đó tích cực sang cái phản lại nó. Người ta chỉ bênh vực sự thật nửa vời nếu họ không phơi bày những thứ gian mang xảo quyệt tấn công sự thật và che đậy sự thật.
Như tôi đã nói, tôi không gặp khó khăn gì trong việc nêu lên 15 “kiến trúc sư”, và mặc dù còn có thể đưa ra hơn thế nữa, tôi cũng lấy làm mãn nguyện với những kiến trúc sư tôi đã lựa ra. Ngoài ra, những kiến trúc sư này thuộc vào những phân loại ngoạn mục, đó là những người tôn thờ ý muốn, những hiện sinh vô thần, những lý tưởng gia trần thế, những kẻ tìm cầu khoái lạc và những tay rao vặt chết chóc. Vị đồng tác giả của tôi là ông Ben trình bày về 8 tư tưởng gia sáng giá khác trong tác phẩm của chúng tôi.
Vấn: Đời sống của những cá nhân này ra sao mà lại được nói tới nhiều như thế?
Đáp: Là một triết gia theo nghề nghiệp, tôi thường viết về những kiến trúc sư này liên quan đến những gì “nói” về họ nhiều nhất, đó là những gì họ nghĩ cho thấy bất khả vững chắc. Quan niệm của họ về đời sống và thế giới không đứng vững trước bất cứ hình thức phân tích hữu lý nào. Không có một kiến trúc sư nào đã từng cho rằng họ có một quan niệm quân bình về những gì tạo nên một con người.
Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche và Ayn Rand đã quá đề cao ý muốn đến nỗi chỉ giành cho lý trí một chút xíu thôi. Các sử gia đã nói đến bộ ba này như là”những tay nhiệt sinh phi lý trí”.
Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir và Elisabeth Badinter lại tuyệt đối hóa tự do đến độ không còn một chút gì là trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cộng đồng.
Chủ nghĩa mộng tưởng của Karl Marx, Auguste Comte và Judith Jarvis Thomson là một thứ lẩn lánh trong mơ màng.
Sigmund Freud, Wilhelm Reich và Helen Gurley Brown đặt khoái lạc, chứ không phải yêu thương, làm trọng tâm nơi đời sống của con người.
Sau hết, Jack Kevorkian, Derek Humphry và Peter Singer hoàn toàn không còn thấy được phẩm vị của con người và tính chất linh thánh của sự sống.
Một đặc tính khác nói về những cá nhân này đó là đời sống của họ bị xáo trộn. Ít là 3 người trong số họ - Auguste Comte, Wilhelm Reich và Friedrich Nietzsche, theo những sử gia khác nhau về triết học, là những người khùng. Một số khác cho thấy những dấu hiệu rõ ràng là bị chứng loạn thần kinh chức năng. Trong nhiều trường hợp, và điều này cũng đúng đối với các kiến trúc sư được người cùng viết tác phẩm này với tôi đề cập tới, họ tham gia những hoạt động thực là rùng mình.
Có lần Thánh Âu Quốc Tinh đã nói rằng việc biện minh thực sự duy nhất đối với triết lý đó là nó có thể làm cho con người ta hạnh phúc. Cần phải có một thứ hòa hợp giữa triết lý về đời sống của một con người với những thỏa mãn của đời sống do việc áp dụng nó mang lại. Những tư tưởng đều có những thành quả của chúng. Những tư tưởng thực tiễn phải là dự án chính cho một đời sống hạnh phúc. Những tư tưởng không thực tiễn không thể nào dẫn đến hạnh phúc được. Triết lý được cho rằng đó là lòng mến yêu sự khôn ngoan, chứ không phải là một thứ thuốc an thần cho nỗi khốn cùng.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 11-12,14/11/2004