GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 1/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.
__________________
NGÀY 12 THỨ TƯ |
ĐTC GPII với phái đoàn lãnh sự chư quốc thế giới bang giao với Tòa Thánh về hiện tình thế giới (tiếp)
4. Trong Sứ Điệp tôi gửi cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, tôi đã kêu gọi tín hữu Công giáo cũng như tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm hãy chú trọng tới lời kêu gọi của Vị Tông Đồ Phaolô là “Đừng để chế ngự bởi sự dữ, nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”: “vince in bono malum” (Rm 12:21). Những lời này chất chứa một sự thật sâu xa, ở chỗ, nơi lãnh vực luân lý và xã hội, sự dữ mang bộ mặt vị kỷ và hận thù, một bộ mặt có tinh chất tiêu cực; nó chỉ có thể chế ngự bằng yêu thương là những gì có tính cách tích cực của việc ban phát quảng đại và bất vụ lợi, thậm chí cho tới độ tự hy hiến bản thân mình. Đó là tâm điểm của mầu nhiệm Chúa Kitô hạ sinh: Để cứu loài người khỏi cái vị kỷ của tội lỗi và hệ quả sự chết của nó, chính Thiên Chúa, nơi Đức Kitô, đã ưu ái trọn vẹn đi vào cuộc đời, đi vào lịch sử của loài người, hầu thăng hóa nhân loại tới một chân trời của một sự sống còn cao cả hơn nữa.
Đó là sứ điệp, sứ điệp “hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”, hôm nay tôi muốn ngỏ cùng quí vị Lãnh Sự, và qua quí vị, ngỏ cùng nhân dân thân yêu được quí vị đại diện và cùng Chính Quyền của quí vị. Sứ điệp này cũng đặc biệt áp dụng cho các mối liên hệ quốc tế nữa, và nó có thể là chỉ nam cho tất cả mọi người trong việc đương đầu với những thách đố to lớn trước mắt nhân loại hôm nay đây. Ở đây tôi xin nêu lên một số những thách đố đáng kể hơn:
5. Thách đố thứ nhất là thách đố về sự sống. Sự sống là tặng ân đầu tiên Thiên Chúa ban cho chúng ta, nó là nguyên tố đầu tiên con người có thể hoan hưởng. Giáo Hội được kêu gọi để loan truyền “Phúc Âm Sự Sống”. Và nhiệm vụ trọng yếu của Quốc Gia chính là việc bảo toàn và đề cao sự sống con người.
Thách đố xẩy ra cho sự sống vẫn đang leo thang và khẩn trương trong những năm gần đây. Nó đặc biệt liên quan tới lúc bắt đầu của sự sống, khi mà con người ta đang yếu đuối nhất và cần được bảo vệ nhất. Những quan điểm đối nghịch đã từng được đề ra liên quan tới vấn đề phá thai, vấn đề trợ truyền sinh, vấn đề sử dụng các thân bào từ phôi bào để nghiên cứu khoa học, và vấn đề tạo sinh sao bản. Chủ trương của Giáo Hội đã rõ ràng, một chủ trương hợp với lý trí và khoa học. Phôi bào con người là một chủ thể được đồng hóa với một con người sẽ được sinh ra theo tiến trình phát triển của mình. Bởi thế, bất cứ vi phạm nào xẩy đến cho nguyên tính và phẩm vị của phôi bào này đều là những gì bất khả chấp về luân thường đạo lý. Cũng thế, bất cứ hình thức nghiên cứu khoa học nào sử dụng phôi bào thuần túy như là một thứ mẫu chất thí nghiệm đều bất xứng với con người. Việc nghiên cứu khoa học nơi ngành di giống cần phải được khích lệ và cổ võ, thế nhưng, cũng như mọi hoạt động khác của loài người, nó không thể nào được miễn chước khỏi những qui lệnh của luân lý; ngoài ra, việc nghiên cứu sử dụng các thân bào tăng trưởng là những gì đang mang lại hứa hẹn thành đạt đáng kể.
Thách đố xẩy ra cho sự sống cũng xuất phát liên quan đến chính cung thánh của sự sống là gia đình. Ngày nay, gia đình thường bị đe dọa bởi những áp lực về xã hội và văn hóa là những gì có khuynh hướng làm suy yếu đi tính chất bền vững của nó; thế nhưng, ở một số quốc gia, gia đình còn bị đe dọa bởi việc lập pháp nữa, một thứ lập pháp có những lúc trực tiếp làm khó dễ cấu trúc tự nhiên của gia đình, một cấu trúc là và cần phải là cấu trúc của mối hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ bắt nguồn từ hôn nhân. Gia đình, nguồn mạch phong phú của sự sống và là điều kiện nống cốt bất khả thay thế cho hạnh phúc của các đôi phối ngẫu, cho việc nuôi dưỡng con cái cũng như cho tình trạng phúc hạnh của xã hội, và thực sự cho vấn đề thịnh vượng về vật chất của quốc gia, không bao giờ bị suy yếu đi bởi những thứ luật lệ phát xuất từ một nhãn quan thiện cận và bất bình thường về con người. Cần phải làm cho kiến thức chính đáng, nguyên vẹn và cao thượng về tình yêu con người được ưu thắng, một tình yêu thể hiện một cách nguyên thủy và ngời sáng nơi gia đình. “Vince in bono malum”.
6. Thách đố thứ hai đó là thách đố về lương thực. Thế giới này, một thế giới được Đấng Hóa Công của nó làm cho phì nhiêu phong phú, có một số lượng đầy đủ cùng với những thực phẩm khác nhau cho tất cả mọi dân cư của nó, hiện nay cũng như mai hậu. Tuy nhiên, thống kê về tình trạng đói khổ trên thế giới lại thê thảm: cả hằng trăm triệu con người đang trải qua cảnh mạo dưỡng trầm trọng, và mỗi năm có cả hằng triệu trẻ em chết vì đói hay bởi ảnh hưởng của đói.
Thật vậy, tình trạng báo động hiện nay có lúc đã tăng lên, và các tổ chức lãnh đạo quốc tế đã đề ra những mục tiêu quan trọng, ít là nhắm đến việc giảm bớt tình trạng khẩn cấp. Những dự án cụ thể cũng đã được tiến hành, chẳng hạn như những dự án được bàn đến tại Cuộc Họp ở Nữu Ước về tình trạng đói khổ và nghèo khổ hôm 20/9/2004. Tôi đã xin ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, đại diện tôi ở cuộc họp này, như cách bày tỏ việc Giáo Hội hết sức quan tâm tới vấn đề thảm thương ấy. Nhiều hiệp hội không phải của chính quyền cũng đã quảng đại dấn thân trợ giúp. Tuy nhiên, tất cả những việc làm ấy cũng chưa đủ. Việc đáp ứng tương xứng cho nhu cầu này, một nhu cầu đang leo thang và khẩn trương, cần đến một cuộc vận động hóa ý thức quần chúng rộng lớn về luân lý; điều này cũng được áp dụng nhất là cho các nhà lãnh đạo chính trị, đặc biệt ở những quốc gia đang hoan hưởng một tiêu chuẩn sống đầy đủ hay thậm chí giầu thịnh.
Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại một nguyên tắc quan trọng trong giáo huấn về xã hội của Giáo Hội, một nguyên tắc đã được tôi lập lại trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, cũng như được chất chứa trong Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn về Xã Hội của Giáo Hội vừa mới được phát hành, đó là nguyên tắc về mục đích phổ quát của các sán vật trên trái đất này. Nguyên tắc này không được sử dụng để biện minh cho những hình thức cộng hợp nơi chính sách về kinh tế, mà phải giúp vào việc đẩy mạnh việc dấn thân thực sự cho công lý cũng như việc bày tỏ tình đoàn kết tận tình và quyết liệt hơn nữa. Đó là sự thiện có thể chế ngự sự dữ đói khổ và nghèo khổ bất chính. “Vince in bono malum”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/index_spe-dip-corps.htm
(còn tiếp)
“Tôi ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức”: Giáo Huấn của ĐTC GPII và Cuộc Hội Luận về Đạo Lý Sinh Vật Học ở Canada về Vấn Đề Dinh Dưỡng và Thủy Dưỡng Nhân Tạo
Vào mùa xuân năm 2004, ĐTC GPII đã nói đến vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo theo truyền thống luân lý của Công Giáo và các phương pháp bảo trì sự sống khác. Thật vậy, hôm Thứ Bảy 20/3/2004, tại Sảnh Đường Clementine, ĐTC đã tiếp 400 tham dự viên của Hội Nghị Thế Giới về chủ đề “Trạng Thái Thực Vật”, do Liên Hiệp Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo (FIAMC: World Federation of Catholic Medical Associations) và Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống tổ chức tại Augustinianum Patristic Institute ở Rôma từ Thứ Tư 17 đến hết Thứ Bảy 20/3/2004. Cuộc hội nghị quốc tế này diễn tiến với sự tham dự của 40 ký giả khoa học và 370 vị khác đến từ 49 quốc gia, kể cả từ Saudi Arabia, Israel và Kazakhstan. Có 40 bài nói chuyện của các chuyên viên khoa học và 30 bản tường trình. ĐTC đã khẳng định rằng: “Giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất của những người khác”.
Vào mùa hè cùng năm, tại Canada, 30 đạo lý sinh vật gia và chuyên gia về việc chăm sóc sức khỏe đã thực hiện một cuộc hội luận tại Viện Đạo Lý Sinh Vật Học Công Giáo Gia Nã Đại để cùng nhau bàn đến những ý hướng của ĐTC trong việc áp dụng thực hành những gì cần phải làm cho thành phần cần đến vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo.
Tiến sĩ William Sullivan, vị giám đốc thành lập viện này, qua cuộc phỏng vấn, đã chiasẻ với Zenit về những đúc kết của cuộc hội luận này liên quan tới việc áp dụng những huấn dụ của Đức Thánh Cha cho trường hợp của các bệnh nhân trong tình trạng sống như thực vật cỏ cây.
Vấn: Cuộc hội luận này đã tập trung vào những vấn đề gì?
Đáp: Bài huấn từ của Đức Thánh Cha nói về trường hợp đặc biệt liên quan đến trạng thái thực vật dai dẳng (PVS: persistent vegetative state) hay trạng thái bất ứng động hậu hôn mê (PCU: post-coma unresponsiveness).
Chúng tôi đã bàn đến những ngụ ý của các nguyên tắc luân lý chung được xác định trong bài nói của ĐGH để đem áp dụng vào việc dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo (ANH: artificial nutrition and hydration) ở vào trường hợp PVS hay PCU. Chúng tôi tập trung vào những bệnh trạng thông thường nhất ảnh hưởng tới người già, như bệnh đột quị (stroke), bệnh ngớ ngẩn (Alzheimer), bệnh lẩy bẩy (Parkinson) và bệnh ung thư đến giai đoạn cuối cùng.
Theo phương pháp của Viện Đạo Lý Sinh Vật Học Công Giáo Gia Nã Đại trong việc tái tìm hiểu những vấn đề đạo lý sinh vật học, chúng tôi cứu xét, trước hết, những gì khác nhau giữa PVS hay PCU với những bệnh trạng khác ấy để có thể thẩm định được cả lợi ích lẫn gánh nặng của ANH.
Chúng tôi cũng bàn đến một lãnh vực chưa được đề cập đến trong bài nói của ĐGH, tức là phải quyết định như thế nào về ANH cho thành phần không có khả năng để tự quyết định? Cuộc bàn luận của chúng tôi được bắt đầu với những trường hợp nghiên cứu dựa vào lịch sử của những bệnh nhân có thực.
Sau nữa, chúng tôi đã cứu xét đến cả những giả tưởng có thể nằm trong vòng tranh luận về ANH, chẳng hạn như đâu là những gì tạo nên “lợi ích” hay “gánh nặng”?
Sau hết, chúng tôi bàn đến những quyết định về ANH trong trường hợp khan hiếm các phương tiện về gia đình và xã hội.
Vấn: Ông đã đề cập đến bài nói của ĐTC về vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo trong trường hợp PVS hay PCU. Bệnh trạng này xẩy ra như thế nào?
Đáp: Hôn mê xẩy ra sau những loại thương tích khác nhau làm ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ, chẳng hạn như đầu bị chấn thương, gần chết đuối, bị đột quị, bị nghẹt tim hay uống quá liều lượng thuốc. PCU là một tình trạng con người bị hôn mê dường như tỉnh thức và trải qua tình trạng được gọi là nửa tỉnh nửa mơ. Tuy nhiên, họ vẫn hoàn toàn không biết gì và không phản ứng gì với hoàn cảnh chung quanh họ.
Có bất cứ hoạt động nào ở não bộ còn chi phối đến tri thức hay chăng? Y khoa căn cứ vào những gì quan sát thấy, bao gồm cả những thứ đo lường của việc điện động cũng như việc sinh hóa của não bộ.
Căn cứ vào những gì mình biết được cho tới nay, chúng tôi có thể nói rằng việc sinh hóa ở não bộ bị thấp trong trường hợp PVS hay trường hợp những bệnh nhân không còn biết phản ứng gì cả. Tuy nhiên, chúng tôi không biết sự kiện ấy có nghĩa là vấn đề bị hư hại tổng quát ấy đã xẩy ra cho những tế bào thần kinh của não bộ, hay chỉ cho một số vùng não bộ trọng yếu cũng như cho những liên hệ giữa các vùng ấy với nhau mà thôi.
Theo tôi, khoc y học không thể dứt khoát khẳng định là sự sống tâm linh vẫn còn nơi trường hợp PVS hay nơi những bệnh nhân không còn biết phản ứng gì, thành phần vẫn còn có chứng cớ cho thấy một số hoạt động ở não bộ, cho dù mức độ hoạt động ấy không được hay biết.
Khoa y học cũng không thể khẳng định hay chối bỏ có đúng hay chăng những gì được thánh kinh diễn tả trong Sách Diễm Tình Ca ở đoạn 5 câu 2: “Tôi ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức”.
Vấn: Trạng thái thực vật “dai dẳng” và “vĩnh viễn” khác nhau như thế nào?
Đáp: Nếu thời gian kéo dài tăng lên nơi một trạng thái không còn biết phản ứng sau khi bị hôn mê thì việc hồi tỉnh lại càng khó có thể xẩy ra. Ở vào mức độ, thường là 12 tháng, các chuyên viên thần kinh học sẽ kết luận là trạng thái không còn biết phản ứng này rất có thể sẽ tiếp tục kéo dài mà không hồi tỉnh.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể xẩy ra vấn đề hồi tỉnh ở một mức độ nào đó nếu có những thứ hỗ trợ phục hồi xứng hợp. Trong một số ít trường hợp tường trình cũng cho thấy xẩy ra việc phục hồi bình thường hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, ở hầu hết các trường hợp thì nếu xẩy ra việc hồi tỉnh thì con người ấy sẽ bị khuyết tật trầm trọng về cảm thức và tri thức.
Theo bản tường trình năm 1994 của ban đặc nhiệm đa xã hội thì việc tiên lượng bệnh cho rằng trạng thái thực vật hay trạng thái bất phản ứng hậu hôn mê là “vĩnh viễn” có nghĩa là nếu tri thức có được phục hồi đi nữa bệnh nhân cũng hầu như bị tàn tật trầm trọng. Vấn đề ở đây là giả định cho rằng sự sống của một con người có ý thức nhưng lại bị tàn tật trầm trọng thì cũng chẳng có giá trị gì hết.
Vấn: Vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo nghĩa là gì?
Đáp: ANH không phải chỉ là việc dinh dưỡng bằng ống mà còn là những cách thức giúp cho cá nhân bị trục trặc về vấn đề nuốt có thể thu nhập đồ ăn và nước uống bằng miệng. Tuy nhiên, việc cố gắng cho một bệnh nhân không còn biết phản ứng ăn bằng miệng thì chẳng khác gì như đang cố gắng cho một người đang ngủ ăn vậy.
Để giúp cho một người có đầy đủ dưỡng chất một cách an toàn như thế, người ta cần phải tìm cách thay thế khả năng không thể nhai và nuốt của họ, hầu cung cấp cho dạ dầy của họ dưỡng chất thích hợp.
Vấn: Phải chăng ANH cũng giống như các hình thức kỹ thuật bảo trì hoặc gìn giữ sự sống khác, như kỹ thuật thẩm tách thận hay máy hô hấp nhân tạo?
Đáp: Một số nhà đạo lý lập luận rằng có một ý nghĩa về xã hội dính liền với việc nuôi dưỡng thành phần yếu nhược và lệ thuộc vào việc chăm sóc của chúng ta. Ý nghĩa ấy khiến cho ANH rất khác với những tác động y khoa khác liên qaun đến các thứ kỹ thuật bảo trì sự sống. Trao tặng của ăn của uống cho những ai đói khát là một thể hiện tiêu biểu cho tình liên đới của con người cũng như cho việc phục vụ chăm sóc.
Đối với những tư tưởng gia như Daniel Callahan thì qui tắc của việc chăm sóc người khác bằng cách cung cấp của ăn thức uống sẽ mất hết ý nghĩa nếu chỉ sử dụng ANH cho một số người này mà không với những người khác.
Ngược lại, hầu hết các tư tưởng gia về y học, pháp luật và đạo lý đều coi ANH giống như các hình thức kỹ thuật bảo trì sự sống khác. Nếu ANH có liên quan đến những gánh nặng đáng kể đối với cá nhân và gia đình so với các lợi ích đạt được thì nó có thể được coi như tùy ý chọn lựa.
Theo quan điểm này thì ANH cần phải được cứu xét ở từng trường hợp, căn cứ vào vấn đề phân tích lợi hại của việc can thiệp ấy. Điều này cũng giống như đối với các việc can thiệp khác thôi, như máy hô hấp nhân tạo hay kỹ thuật thẩm tách thận. Thí dụ, mặc dù việc cung cấp đồ ăn và thức uống bằng miệng thuộc về việc chăm sóc bình thường, việc cung cấp dinh dưỡng và thủy dưỡng bằng ống cho một bệnh nhân không cần đến nó thì không nên làm.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 27+29/8/2004