GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 15 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội khai mở một Tân Kỷ Nguyên

Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với ông Vincenzo Sansonetti, người đã làm việc cho tờ nhật báo Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý quốc từ năm 1976 đến 1989, người vừa xuất bản tác phẩm "L'Immacolata Concezione. Dal Dogma di Pio IX a Medjugorje" - “Vô Nhiễm Nguyên Tội. Từ Khi Đức Piô IX Tuyên Tín đến Medjugorje”, do Piemme xuất bản. Từ năm 1989, ông đã từng là đặc sứ và chịu trách nhiệm những trang về văn hóa cho tuần san Oggi; ông cũng cộng tác duyệt bài vở cho các tờ Mass Media, Studi Cattolici và Timone. Ông cho rằng việc công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội là một biến cố quan phòng đã tái củng cố “một Giáo Hội bị kiệt quệ”, bằng việc nhắc nhở tín hữu về “sự hiện hữu của nguyên tội và ơn cứu chuộc của Chúa Kitô”.

 

Vấn:    Vào lúc nào và tại sao Tòa Thánh đã đột ngột thay đổi chủ trương của mình về mầu nhiệm đức tin này, một đối tượng của lòng sùng kính ngay từ những năm đầu tiên của Giáo Hội?

 

Đáp:    Thay vì là một sự thay đổi thì người ta có thể nói đó là một tiến trình chín mùi qua các thế kỷ đã khiến cho các Vị Giáo Hoàng, một cách khôn ngoan nhưng chú trọng, “ủng hộ” việc tôn sùng phổ thông và phụng vụ thánh lễ, vì các thế kỷ đã hiện diện nơi Giáo Hội.

 

Các Vị Giáo Hoàng như là những vị phân giải các cuộc tranh luận, thường là gay go, giữa “thành phần bị nhiễm” và “thành phần vô nhiễm” xẩy ra giữa tu sĩ dòng Đaminh và Phanxicô.

 

Tuy nhiên, nếu người ta muốn nhận thấy được vấn đề hệ trọng ra sao, họ cần phải thấy được vấn đề này nơi việc Đức Giáo Hoàng Piô IX bắt buộc phải đi lưu đầy, buộc lòng phải thoát thân tới Gaeta, một pháo đài thuộc Vương Quốc của Hai Sicilies, để thoát khỏi một cuộc bắt bớ dữ dội của Cộng Hòa Rôma chống Công Giáo và chống Giáo Hoàng do tay Tam Điểm Giuseppe Mazzini thực hiện.

 

Cuốn sách này được bắt đầu bằng một cảnh tượng hầu như trong phim ảnh, vào một buổi sáng lạnh trời của Tháng Giêng năm 1849, vào lúc Đức Giáo Hoàng Mastai Ferretti đi ra ngoài bao lơn của cái dinh thự tiếp đãi ngài và trông thấy một biển cả bão bùng. Ngài cảm thấy lo âu. ĐHY Lambruschini đang ở bên ngài bấy giờ thưa cùng ngài rằng: “Tâu Đức Thánh Cha, thế giới này chỉ được chữa khỏi những thứ sự dữ đang đàn áp nó… bằng việc công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Việc tuyên tín này mới là những gì có thể tái thiết được cảm quan về các chân lý Kitô giáo mà thôi”.

 

Một ít ngày sau, từ Gaeta, Đức IX đã ban hành thông điệp “Ubi Primum” để xin tất cả mọi vị giám mục trên thế giới hãy cho ngài biết ý kiến của các vị về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội.

 

Thành quả thực sự là một cuộc trưng cầu dân ý, và vào ngày 8/12/1854, vị Giáo Hoàng này đã long trọng tuyên bố rằng “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được hoài thai của mình, nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa cũng như bởi công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô đã được gìn giữ không bị nhiễm lây mọi tì vết của nguyên tội”.


Vấn:    Việc công bố tín điều này đã xẩy ra trong một giai đoạn kế thừa của Thời Minh Tri, một giai đoạn ở Ý quốc đã khiến cho Giuseppe Maoãini có thể nói rằng: “Một tân kỷ nguyên đang vươn lên không chấp nhận Kitô giáo”, và là một giai đoạn, như quí vị đã đề cập tới, được đánh dấu bằng một tình trạng bại hoại trong đời sống của Giáo Hội. Quí vị có tin rằng biến cố có tính cách lịch sử và của giáo hội này có một cái gì đó liên hệ với những sự đã xẩy ra hay chăng, chẳng hạn như với việc hiện ra của Trinh Nữ Guadalupe, nên bởi thế, nó cần phải được hiểu như là việc ân sủng đáp ứng tình trạng bất lực của loài người?

 

Đáp:    Biến cố hiện ra ở Guadalupe Mễ Tây Cơ đã làm trọn việc truyền bá phúc âm hóa của Mỹ Châu Latinh trong thế kỷ thứ 16. Việc công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội đã mang lại nghị lực ở vào giữa thế kỷ 19 cho một Giáo Hội bị kiệt quệ đến độ co thắt, bằng cách nhắc nhở sự hiện hữu của nguyên tội và ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

 

Chúng là những biến cố quan phòng tương ứng với dự án thần linh huyền nhiệm. Lạ lùng thay, bốn năm sau khi tín điều này được công bố, thì vào ngày 11/2/1858, Đức Mẹ đã hiện ra ở Lộ Đức, xưng mình là Vị Hoài Thai Vô Nhiễm, để xác nhận tín điều ấy.

 

Mẹ có thể thực hiện điều này sớm hơn, đã có cả chục nếu không muốn nói là cả trăm cuộc hiện ra của Mẹ trước Lộ Đức, nhưng vị Trinh Nữ đã tôn trọng đường lối của loài người, tôn trọng những bước đi của Giáo Hội. Nên Mẹ đã nhận mình là “vô nhiễm” chỉ “sau” Sắc Chỉ của Đức Piô IX ngày 8/12/1854.

 

Vấn:    Ông có thể nói cho chúng tôi biết những gì về các biến cố siêu nhiên ấy, những biến cố đã được các tường trình viên bấy giờ viết ra liên quan tới việc ban hành tông sắc “Ineffabilis Deus”?

 

Đáp:    Vào sáng ngày 8/12/1854, tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican, có một tia sáng chiếu trên Đức Piộ IX khi ngài đọc tông sắc “Ineffabilis Deus”. Đó là một hiện tượng lạ lùng, vì chẳng có một mùa nào, lại càng không thể xẩy ra trước mùa đông, và cũng chẳng lọt qua từ một cửa sổ nào của đền thờ Vatican này, một tia sáng lại có thể chiếu tới hậu cung chỗ Vị Giáo Hoàng này đang ngồi lúc bấy giờ. Nó được coi như là một thứ ưng chuẩn của trời cao, niềm hy vọng cho một tương lai vui mừng giữa đời sống quằn quại của Giáo Hội lúc ấy.

 

Mấy tháng sau, vào ngày 12/4/1855, Đức Piô IX đã đến viếng thăm Trường “Truyền Bá Đức Tin” ở Rôma. Đột nhiên con đường được mở ra. Lúc ấy, Đức Giáo Hoàng đã kêu lên rằng: “Hỡi Trinh Nữ Vô Nhiễm, xin hộ giúp chúng con!” Lạ lùng thay, không ai cảm thấy bị xúc phạm cả. Vì cả một thế kỷ ở trường này vẫn có thói quen nơi sinh viên là khi tan học để nghỉ ngơi đều lập lại câu than thở “Hỡi Trinh Nữ Vô Nhiễm, xin hộ giúp chúng con!”

 

Vấn:    Trong tông sắc “Ineffabilis Deus”, Đức Piô IX, khi tuyên bố tín lý Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã nói rằng mục đích là để “đề cao đức tin Công giáo và tăng bổ lòng đạo của Kitô hữu”. Vậy đâu là những ích lợi bởi việc tuyên tín này?

 

Đáp:    Chính một vị Giáo Hoàng khác đã diễn tả những ích lợi cho đời sống của Giáo Hội, đó là Thánh Giáo Hoàng Piô X, trong thông điệp “Ad Diem Illum Laetissimum”, ban hành năm 1904, 50 năm sau khi tín điều này được công bố.

 

Ngoài “những tặng ân kín đáo của các  ân sủng” Thiên Chúa ban cho Giáo Hội qua lời chuyển cầu của Đức Maria, Đức Giáo Hoàng Sarto còn nhắc lại những sự kiện như việc triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô I năm 1870, với việc định tín vấn đề vô ngộ của giáo hoàng; “lòng sốt sắng đạo hạnh mới mẻ chưa từng có trước đó nơi thành phần tín hữu ở mọi tầng lớp và quốc gia đã diễn ra một thời gian dài trong việc tôn kính Vị Đại Diện Chúa Kitô”; những giáo triều lâu dài của Đức Piô IX và Lêô XIII, những vị hoa tiêu khôn ngoan thượng hạng của Giáo Hội; “những cuộc hiện ra của Đấng Vô Nhiễm ở Lộ Đức cùng với việc phát hiện các thứ phép lạ và lòng đạo đức”.

 

Những cuộc truyền giáo, lòng bác ái và văn hóa tái phát triển, và sự hiện diện cùng tính cách hữu hình của thành phần Công giáo trở về với đời sống xã hội. Một trường hợp lạ lùng là vào ngày Lễ Mông Triệu năm 1895, sau tấm gương can trường của những người Công giáo ở Roubaix, các cuộc kiệu Thánh Thể vốn đã bị cấm đoán đã tái diễn ở khắp Pháp quốc.

 

Vấn:    Trong cuộc viếng thăm Lộ Đức của Đức Gioan Phaolô II năm vừa rồi vào ngày Lễ Mẹ Mông Triệu, vị phát ngôn viên của ngài là Navarro Valls đã nói rằng “Đức Giáo Hoàng đã đến để xin chữa lành chẳng những bệnh tật về thể lý mà còn những bệnh hoạn trầm trọng đang hành hạ thế giới tân tiến, đó là việc quên đi nguyên tội”.

 

Đáp:    Thật ra, bằng việc nhắc nhở về nguyên tội, Đức Gioan Phaolô II đã không làm gì khác ngoài việc lập lại một điều đã hiển nhiên ở vào cuối thế kỷ 19, thế kỷ của Đức Piô IX cũng như của tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mà còn hơn thế nữa, một điều đã hiển nhiên ở những hoàn cảnh thực sự không thuộc về hàng giáo sĩ.

 

Vào cuối thế kỷ 19, thi sĩ Baudelaire, chắc chắn không phải là một kẻ xu nịnh, đã nói rằng “Cái rối đạo thượng thặng của thời đại chúng ta đó là việc phủ nhận nguyên tội!” Cái rối đạo này hiện vẫn còn sống và hoạt động.

 

Chỉ cần nghĩ đến cuộc vận động chống lại vị nguyên Bộ Trưởng Ý quốc Rocco Buttiglione, một người Công giáo, buộc ông này phải bỏ vai trò ứng cử viên Ủy Viên Âu Châu Đặc Trách Công Lý và Tự Do, vì ông đã sử dụng chữ “tội lỗi” trong một cuộc điều trần.

 

Tội và nguyên tội đều bị chối bỏ vì có một ý định muốn công nhận ý nghĩ về con người hoàn toàn được giải phóng khỏi một thứ lệ thuộc siêu nhiên, khỏi một Đấng Hóa Công, một con người không nhìn nhận những giới hạn của mình và đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa.

 

Thế nhưng con người, được thoát khỏi mối liên hệ này, không có một qui chiếu về tôn giáo, trở thành một tay bạo chúa đối với bản thân họ, mồi ngon cho các thứ mộng tưởng cũng như cho những chủ nghĩa độc tài. Phát xuất từ một con người thiếu mất Thiên Chúa là đảng Nazi, đảng Cộng Sản và tình trạng khủng bố hiện nay sử dụng tiếng “thiên chúa” để đạt tới những đích điểm đẫm máu.

 

Mẹ Maria Vô Nhiễm, bằng nụ cười dịu dàng và từ ái, như Mẹ được phác họa, đã đạp dập đầu con rắn và cầm tay dẫn chúng ta về Thiên đàng, hướng tới một thân phận vô nhiễm là đặc ân của Mẹ nhưng được hứa hẹn cho tất cả chúng ta.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 7/1/2005


ĐTC GPII ban ơn đại xá cho Năm Thánh Thể

Văn Phòng Ân Xá của Tòa Thánh vừa ban một Sắc Lệnh về vấn đề ơn đại xá cho Năm Thánh Thể. Văn thư này được đề ngày 25/12/2004 và được ban hành hôm Thứ Sáu 14/1/2005. Theo sắc lệnh này thì vào ngày 17/12/2004, trong cuộc triều kiến của ĐHY James Francis Stafford và Cha John Francis Girotti, OFM.Conv., những vị đặc trách văn phòng này, “ĐTC muốn ban các ân xá cho một số tác động được ấn định (và đề cập đến dưới đây) về việc tôn thờ và sùng kính Bí Tích Rất Thánh… Bản Sắc Lệnh sẽ có hiệu lực trong Năm Thánh Thể, bắt đầu từ ngày nó được phổ biến trên tờ L’Osservatore Romano”. Sau đây là một đoạn được trích dẫn:

“Ơn Đại Xá được ban cho tất cả mọi tín hữu cũng như cho từng tín hữu theo những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý chỉ của ĐTC, bằng một linh hồn hoàn toàn không bị vướng mắc bất cứ hình thức tội lỗi nào), mỗi lần và mọi lần tham dự một cách chuyên chú và sốt sắng vào một phận vụ linh thánh hay một việc thực hành tôn thờ để tôn kính Bí Tích Thánh một cách long trọng được đặt ở ngoài nhà tạm hay được giữ trong nhà tạm.

“Ơn Đại Xá cũng được ban cho theo các điệu kiện đã được đề cập đến trên đây cho hàng giáo sĩ, cho các phần tử thuộc Tu Hội Sống Đời Tận Hiến và các Dân Hội Sống Đời Tông Đồ, cũng như cho thành phần tín hữu khác là những người buộc phải đọc Phụng Vụ Giờ Kinh theo luật định, và cho những ai có thói quen Nguyện Kinh Thần Vụ thuần túy theo lòng sùng mộ, mỗi lần và mọi lần họ thực hiện – vào cuối ngày, chung hay riêng, Giờ Kinh Tối và Kinh Đêm trước Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm.

“Thành phần tín hữu, bì bị bệnh hay có lý do chính đáng khác, không thể viếng Bí Tích Thánh Thể trong nhà thờ hay trong một nguyện đường, cũng có thể lãnh được Ơn Đại Xá ở nhà mình, hay ở bất cứ nơi nào họ ở bởi bệnh tật của họ, nếu, … với chủ ý tuân giữ 3 điều kiện thông dụng sớm bao nhiêu có thể, thực hiện việc viếng Chúa thiêng liêng bằng một tấm lòng khao khát, … và đọc Kinh Lạy Cha và Tin Tin Kính, kèm theo lời sốt sắng kêu cầu Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh.

“Thậm chí cũng không thể làm điều ấy, họ cũng sẽ nhận được một ơn Đại Xá nếu họ liên kết mình với ước muốn nội tâm của những ai thực thi 3 điều kiện thông thường để lãnh nhận các ân xá, cùng hiến dâng cho Thiên Chúa xót thương các thứ bệnh hoạn và khó chịu trong đời sống của họ”.
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ