GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 1/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.
__________________
NGÀY 15 CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN |
ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa
“Giữ thánh hảo” bằng “việc tưởng nhớ”
16. Mệnh lệnh trong Thập Giới được Thiên Chúa truyền giữ Ngày Hưu Lễ được viết ra một cách đặc biệt ở trong Sách Xuất Hành: “Hãy tưởng nhớ Ngày Hưu Lễ để giữ cho ngày này thánh hảo” (20:8). Thế rồi bản văn này tiếp tục cho biết ly do tại sao như thế, khi nhắc lại vì nó là công việc của Thiên Chúa: “Vì trong sáu ngày Chúa đã tạo dựng nên trời đất, biển khơi cùng với tất cả những gì ở trong đó, rồi nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy; thế nên Chúa chúc lành cho ngày Hưu Lễ và làm cho ngày này là ngày thánh” (câu 11). Trước khi truyền phải thực hiện một điều gì ấy, mệnh lệnh này khuyên rằng hãy tưởng nhớ đến điều ấy. Nó là một lời mời gọi hãy thức tưởng đến công cuộc cao cả và thiết yếu của Thiên Chúa là việc tạo dựng, một thức tưởng cần phải tác động toàn thể đời sống đạo của con người để rồi tràn đầy vào chính ngày con người được kêu gọi nghỉ ngơi. Bởi thế, nghỉ ngơi có một giá trị linh thánh, ở chỗ, thành phần tín hữu được kêu gọi để nghỉ ngơi chẳng những như Thiên Chúa nghỉ ngơi mà còn nghỉ ngơi trong Chúa nữa, mang toàn thể tạo vật đến với Ngài, để chúc tụng và tạ ơn, thân mật như một đứa con và thân tình như một người bạn đời.
17. Mối liên hệ giữa ngày Hưu Lễ và đề tài “tưởng nhớ” đến các kỳ công của Thiên Chúa được thấy trong Sách Nhị Luật (5:12-15), là nơi chỉ thị này được căn cứ ít vào công việc tạo dựng hơn là vào công cuộc giải phóng được Thiên Chúa hoàn thành trong cuộc Xuất hành: “Các ngươi cần phải nhớ rằng các người là nô lệ ở đất Ai Cập, và Chúa là Thiên Chúa của các người đã mang các người ra khỏi đó bằng cánh tay uy quyền và mãnh liệt; thế nên Chúa là Thiên Chúa đã truyền các người phải giữ ngày Hưu Lễ” (Deut 5:15).
Công thức này bổ túc cho công thức chúng ta đã thấy; nấu gom lại với nhau, cả hai cho thấy ý nghĩa về “Ngày Của Chúa” trong một nhãn quan thần học duy nhất phối nhập việc tạo dựng và việc cứu độ. Do đó, vấn đề chính yếu của mệnh thị này không phải chỉ là một thứ ngưng nghỉ làm việc, mà là việc cử hành những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện.
Vì “việc tưởng nhớ” này tồn tại, một tưởng nhớ đầy lòng tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa, mà việc nghỉ ngơi của con người vào Ngày Của Chúa mới được đầy đủ ý nghĩa. Bấy giờ con người mới đi sâu vào việc “nghỉ ngơi” của Thiên Chúa và mới cảm nghiệm được nỗi phấn động nơi niềm hân hoan của Đấng Hóa Công, Đấng mà, sau khi tạo thành, đã thấy tất cả những gì Ngài làm đều “rất tốt đẹp” (Gn 1:31).
Từ Ngày Hưu Lễ đến Chúa Nhật
18. Vì Giới Răn Thứ Ba lệ thuộc vào việc tưởng nhớ đến những công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, và vì Kitô hữu thấy thời điểm cuối cùng được Chúa Kitô khai mở như là một khởi đầu mới, mà họ làm cho ngày đầu tiên này sau ngày Hưu Lễ thành một ngày hội lễ, vì đó là ngày Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết. Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô là tất cả mạc khải về mầu nhiệm nguồn gốc của thế giới, về tột đỉnh lịch sử cứu độ cũng như về niềm ngưỡng vọng việc trọn vẹn cánh chung của thế giới. Những gì Thiên Chúa hoàn thành nơi Việc Tạo Dựng và thực hiện cho Dân của Ngài trong cuộc Xuất Hành đều được hoàn toàn thể hiện nơi Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, cho dù việc hoàn tất cuối cùng của những việc ấy chưa kết thúc cho tới thời điểm Parousia là lúc Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Nơi Người, ý nghĩa “thiêng liêng” của ngày Hưu Lễ được trọn vẹn hiện thực, như Thánh Grêgôry Cả tuyên bố: “Đối với chúng ta, việc Hưu Nghỉ thực sự là con người Đấng Cứu Thế của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô” (14). Đó là lý do tại sao niềm vui được Thiên Chúa, vào ngày Hưu Nghỉ đầu tiên của con người, cảm thấy khi chiêm ngưỡng tất cả những gì được tạo dựng nên từ hư không, giờ đây được thể hiện nơi niềm vui được Chúa Kitô, vào Chúa Nhật Phục Sinh, tỏ lộ khi hiện ra với các môn đệ, với tặng ân bình an và tặng ân Thần Linh (x Jn 20:19-23). Chính nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua mà nhân loại, cùng với toàn thể tạo vật “đang quằn quại rên xiết cho tới nay” (Rm 8:22), nhận ra “cuộc xuất hành” mới của mình tiến vào niềm tự do của con cái Thiên Chúa, thành phần có thể cùng với Chúa Kitô kêu lên “Abba, Lạy Cha!” (Rm 8:15; Gal 4:6). Theo ý nghĩa của mầu nhiệm này, ý nghĩa của chỉ thị Cựu Ước liên quan tới Ngày Của Chúa được phục hồi, hoàn hảo và hoàn toàn tỏ hiện trong vinh quang phát tỏa trên dung nhan của Chúa Kitô Phục Sinh (x 2Cor 4:6). Chúng ta tiến từ “Ngày Hữu Lễ” đến “ngày thứ nhất sau ngày Hưu Lễ”, từ ngày thứ bảy sang ngày thứ nhất: ngày của Chúa deis Domini thành ngày của Chúa Kitô dies Christi!
Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu: nặng kinh tế nhẹ nhân quyềnĐức ông Aldo Giordano, tổng bí thư của Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE: Council of European Bishops' Conferences) đã tỏ ra lo ngại là trong việc cứu xét đến vấn đề chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Khối Hiệp Nhất Âu Châu đặt nặng vấn đề sách lược và chính trị hơn là vấn đề nhân quyền.
Thật thế, vị tổng bí thư này đã bày tỏ mối quan tâm của mình với Đài Phát Thanh Vatican, sau khi cuộc họp ở Brussels quyết định hôm 17/12/2004 về vấn đề bắt đầu vào Tháng 10/2005 thảo luận tới việc gia nhập từ từ của quốc gia Hồi giáo duy nhất ở Âu Châu này.
Tuy nhiên, trước đó, tờ nhật báo Avvenire đã gây chú ý về những gì đã xẩy ra ở Quốc Hội Âu Châu tại Strasbourg, Pháp quốc hôm 15/12/2004, liên quan đến cuộc bỏ phiếu thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ đối với vần đề có thể trở thành phần tử của khối này. Một nhóm đại biểu, vì quan tâm tới việc nước này cần phải tôn trọng nhân quyền, đã nêu lên một bản tu chính yêu cầu nước ấy ban pháp quyền tức khắc cho các nhà thờ Kitô giáo trong xứ sở này; hủy bỏ Văn Phòng Tôn Giáo Vụ, một cơ cấu ngặt nghèo kiểm soát việc thờ phượng; và cho phép kiến thiết các cơ sở mới. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu của Quốc Hội Âu Châu đã loại bỏ bản tu chính này.
Theo tờ nhật báo Avvenire thì thành phần cuối cùng bị kỳ thị tôn giáo ở nước này là Chính Thống giáo. Bởi vì nước Hồi giáo này không cho phép Chính Thống giáo lấy lại Nhà thờ Trinh Nữ Dâng Mình ở Istanbul là nhà thờ bị thiệt hại trong cuộc tấn công Sứ Quán Hiệp Vương Quốc năm 2004. Hôm 21/11/2004, Đức Thượng Phụ toàn cầu Bartholomew I giáo chủ Contantinople đã nói rằng: “Chúng tôi thấy mình trở thành nạn nhân chẳng những của thành phần khủng bố mà còn của các thẩm quyền nơi thành phố này và xứ sở này. Chúng tôi chỉ xin những gì là quyền lợi được đối xử bình đẳng như hết mọi người công dân”.
Mấy ngày sau, chẳng một lời cắt nghĩa, vị giám mục ở Mira không được phép cử hành Giờ Kinh Thần Vụ hằng năm diễn ra vào ngày 6/12 nơi cảnh đổ nát của nhà thờ Thánh Nicholas ở Mira, Tiểu Á. Và một phán quyết hầu như đồng thời của Tối Cao Pháp Viện không cho vị thượng phụ này các quyền sở hữu đối với một cô nhi viện thuộc các hải đảo Chư Hoàng Tử. Tòa án này, hai tháng trước đó, cũng đã phủ quyết việc tái thiết Chủng Viện Thần Học ở Halki.
ĐHY Roberto Tucci đã nhận định trên Đài Phát Thanh Vatican rằng Khối Hiệp Nhất Âu Châu đặt nặng “các yếu tố khác, kinh tế, chính trị, quân sự v.v. mà coi thường những giá trị về tự do tôn giáo”, một coi thường “rất ư là nguy hiểm”, “như thể Âu Châu không tìm thấy những giá trị nào cao cả hơn” là những giá trị được đề cập đến trong lãnh vực trần thế.
Đức Ông tổng thư ký cho rằng vấn đề này liên quan đến việc Bản Hiến Pháp Âu Châu không dám minh nhiên nói rõ đến các căn gốc Kitô giáo: “Vấn đề rắc rối thật sự có lẽ là vấn đề về chính chúng ta. Một thực tại mà không có căn tính hiển nhân đang gặp nguy cơ thảm bại”.
Thổ Nhĩ Kỳ có 68 triệu dân hầu như toàn tòng Hồi giáo. Các cộng đồng tôn giáo không phải Hồi giáo không được pháp luật chính thức nhìn nhận.
Đức Piô XII bị tấn công đợt thứ haiCách đây mấy năm, cuộc cáo buộc Đức Piô XII không công khai lên tiếng chống lại Đảng Nazi Đức Quốc sát hại người Do Thái bị phản công kịch liệt bởi nhiều bài viết và sách vở từ mọi phía. Cuối năm 2004, một cuôc tấn công khác lại xẩy ra cho vị giáo hoàng thời thế chiến thứ hai này, qua nhận định cho rằng ngài đã ra lệnh đừng trả trẻ em Do Thái đã được rửa tội về cho gia đình của các em sau thế chiến thứ hai.
Thật vậy, vào ngày 28/12/2004, tờ IL Corriere della Sera đã phổ biến một bài báo tựa đề “Đức Piô XII với Khâm Sứ Roncalli: Đừng Trao Trả Trẻ Em Do Thái”, của tác giả Alberto Melloni, giám đốc Thư Viện G. Dossetti của Tổ Chức Đức Gioan XXIII Về Các Khoa Tôn Giáo Ở Bologna. Bài viết này, theo tác giả, được căn cứ vào văn liệu của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đề ngày 20/10/1946.
Tác giả đã cả quyết rằng Đức Piô XII chuyển đến “cho Đức Khâm Sứ Roncalli”, qua Thánh Bộ này, “những lệnh ớn lạnh” là đừng gửi những trẻ em Do Thái được cứu cho các tổ chức Do Thái và đừng trả chúng về cho cha mẹ còn sống của chúng nếu chúng đã được rửa tội. Vị khâm sứ đây là Angelo Roncalli, tức Giáo Hoàng Gioan XXIII sau này. Tác giả còn cho biết “Đức Gioan XXIII tương lai đã không nghe những lệnh truyền xuất phát từ Rôma này và thiên về việc trả lại các em vị thành niên đang trú ẩn ở các viện tu Pháp quốc”.
Bài báo này đã gây nên một phản ứng bất lợi dữ dội. Trong một bài báo được phổ biến trong II Corriere hôm 29/12/2004, Amos Luzzatto, chủ tịch cộng đồng Do Thái Ý quốc nói rằng “sẽ có những rắc rối trong mối liên hệ với Do Thái, nếu tiếp tục tiến hành việc phong chân phước cho Đức Piô XII”. Hôm 4/1/2005, cũng trong cùng tờ báo, Daniel Goldhagen đã kêu gọi thiết lập một ủy ban quốc tế để điều tra Giáo Hội Công Giáo.
Tuy nhiên, trong số những nhận định khách quan đặt vấn đề về tính cách trung thực và chính xác của bài báo hay thế giá của chính Đức Piô XII, có cả những sử gia Do Thái, như Anna Foa và Michael Tagliacozzo, những người lên tiếng phản đối những gì họ cho rằng sai lầm nơi bài viết của Melloni.
Hôm 4/1/2005, Tagliacozzo, người được coi là thẩm quyền cao nhất liên quan tối cộng đồng Do Thái ở thủ đô trong cuộc chiếm đóng của Nazi, đã viết trong tờ Avvenire rằng: “Đức Piô XII Người Bắt Cóc Trẻ Em? Thế nhưng chúng hãy chấm dứt cái ngớ ngẫn như thế!” và đã xác nhận rằng “các em đã được trả về cho cha mẹ của chúng sớm bao nhiêu có thể. Ngay trong cuộc chiến đã có một số hiệp hội Do Thái và những tình nguyện viên Palestine đang chiến đấu chống Đồng Minh đi khắp các tổ chức tu trì ở Rôma để tìm kiếm các trẻ em Do Thái đang được chứa chấp. Họ không tìm thấy chúng, chỉ vì chúng không còn ở đó nữa”.
Riêng mạng điện toán toàn cầu Zenit đã khám phá ra rằng văn kiện được bài báo trưng dẫn không phải từ Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và không có chứng cớ về ngày tường trình, cũng không nói những gì bài báo căn cứ.
Văn kiện này, nguyên ngữ bằng tiếng Pháp, được viết theo ý của Đức Gioan XXIII tương lai bấy giờ đang làm khâm sứ ở Ba Lê. Mục đích là để cắt nghĩa cho hàng giáo sĩ Pháp quốc biết về những hướng dẫn ngài nhận được từ Tòa Thánh.
Thật vậy, văn kiện này đã được ký giả Andrea Tornielli của tờ nhật báo ở Milan là IL Giornale phổ biến trọn vẹn vào hôm Thứ Ba 11/1/2005 vừa rồi. Người ký giả này cho biết bản gốc được giữ ở Các Văn Khố Trung Tâm Quốc Gia của Giáo Hội Pháp, văn khố của văn phòng hội đồng giám mục Pháp.
Zenit đã nhận được bản viễn phóng ảnh và thấy rằng văn kiện được niêm ấn bởi tòa khâm sứ Pháp chứ không phải của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đề ngày 23/10/1946, chứ không phải 20/10 cùng năm, và bản văn kiện nói rằng trẻ em phải trả về cho cha mẹ chúng.
Lịch sử của bản văn kiện này được bắt đầu vào Tháng 3/1946, khi Isaac Herzog, tôn sư trưởng ở Giêrusalem, viết 1 bức thư cho Đức Piô XII rằng: “Dân chúng Do Thái hết lòng tri ân nhớ đến sự giúp đỡ của Tòa Thánh tỏ ra với dân chúng chịu đau thương trong cuộc bách hại của Nazi”. Vị này cũng cám ơn về “hằng ngàn trẻ em được ẩn nấp trong các tổ chức Công giáo” và ông yêu cầu chúng được trả về cho dân chúng Do Thái. Ông nhấn mạnh rằng Đức Piô XII “đã hoạt động để bác bỏ việc bài Do Thái ở nhiều quốc gia”, và kết luận rằng: “Chớ gì lịch sử hãy nhớ rằng khi mà mọi sự đang tăm tối đối với dân tộc của chúng tôi thì Đức Thánh Cha đã khêu lên một tia sáng hy vọng cho họ”.
Đức Piô XII đã chuyên chú tới số mệnh của trẻ em Do Thái và trong cùng Tháng 3 năm đó đã yêu cầu Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin nghiên cứu về vấn đề ấy. Sauk hi nghe tham vấn của một số vị, Thánh Bộ này đã soạn một văn kiện để đáp ứng lời yêu cầu của ĐTC.
Vào Tháng 8/1946, một số giám mục Pháp, nhất là phó giám mục của TGM Emily Guerry ở Cambrai và ĐHY Pierre Gerlier ở Lyon, đã xin đức khâm sứ Roncalli hướng dẫn giải quyết vấn đề trẻ em Do Thái được cứu trong cuộc bách hại của Nazi. Vị khâm sứ tòa thánh thu thập tài liệu và cuối tháng 9/1946 đã gửi 1 bức thư về văn phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh xin hướng dẫn, và ngài đã được trả lời bởi Đức Ông Tardini, bí thư của Thánh Bộ Giáo Vụ Ngoại Lệ không phải như bài báo viết mà là những gì đã được Zenit khám phá trên đây.