GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 26 THỨ TƯ

 

Sắc Lệnh của Tòa Ân Xá của Tòa Thánh về Việc Ban Ân Xá trong “Năm Thánh Thể”

 

Phép lạ trọng đại nhất trong các phép lạ (x Lễ Trọng Mình Máu Chúa Kitô, Phụng Vụ Bài Đọc, Bài Thứ Hai) và việc tưởng nhớ cao cả Ơn Cứu Độ do Chúa Giêsu Kitô của chúng ta lập được bằng Máu của Người, Thánh Thể, một hy tế và là bí tích, làm phát sinh đẹp đẽ mối hiệp nhất của Giáo Hội, bảo trì Giáo Hội bằng quyền năng ân sủng siêu nhiên, làm cho Giáo Hội tràn đầy niềm vui khôn tả và ban ơn trợ giúp siêu nhiên để nuôi dưỡng lòng đạo đức của tín hữu cùng thúc đẩy họ gia tăng và thực sự hoàn hảo hóa đời sống Kitô giáo của họ.

 

Chú ý tới điều ấy, bởi quan tâm tới Giáo Hội và để phấn khích cả việc tôn sùng chung riêng đối với Bí Tích Cực Linh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã truyền chỉ trong Tông Thư “Xin Chúa Ở Với Chúng Con” ngày 7/10/2004 rằng phải cử hành một “Năm” đặc biệt trong toàn thể Giáo Hội, được gọi là “Năm Thánh Thể”.

 

Ngoài ra, để khuyến khích nơi tín hữu trong suốt năm nay một kiến thức sâu xa hơn và một tình yêu thiết tha hơn đối với “Mầu Nhiệm Đức Tin” khôn thấu cũng như để họ được hưởng muơn vàn hoa trái thiêng liêng hơn nữa, vào Buổi Triều Kiến được Đức Thánh Cha ban phép ngày 17/12/2004, chính ĐTC muốn ban các ân xá cho một số tác động đặc biệt về việc tôn thờ và sùng kính Bí Tích Cực Linh như sau:
 

1.             Ơn Đại Xá được ban cho tất cả mọi tín hữu cũng như cho từng tín hữu theo những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý chỉ của ĐTC, bằng một linh hồn hoàn toàn không bị vướng mắc bất cứ hình thức tội lỗi nào), mỗi lần họ tham dự một cách chuyên chú và sốt sắng vào một phụng vụ thánh hay một việc thực hành đạo đức để tôn kính Bí Tích Cực Linh được long trọng đặt ở ngoài nhà tạm hay được giữ trong nhà tạm.


2.            
Ơn Đại Xá cũng được ban cho theo các điệu kiện đã được đề cập đến trên đây cho hàng giáo sĩ, cho các phần tử thuộc Tu Hội Sống Đời Tận Hiến và các Dân Hội Sống Đời Tông Đồ, cũng như cho thành phần tín hữu khác là những người buộc phải đọc Phụng Vụ Giờ Kinh theo luật định, và cho những ai có thói quen Nguyện Kinh Thần Vụ thuần túy theo lòng sùng mộ, mỗi lần và mọi lần họ thực hiện – vào cuối ngày, chung hay riêng, Giờ Kinh Tối và Kinh Đêm trước Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm.


Thành phần tín hữu, vì bị bệnh hay có lý do chính đáng khác, không thể viếng Bí Tích Thánh Thể Cực Linh trong nhà thờ hay ở một nguyện đường, cũng có thể lãnh được Ơn Đại Xá ở nhà mình, hay ở bất cứ nơi vì hoàn cảnh trở ngại buộc họ phải ở, miễn là họ hoàn toàn không vương vấn với bất cứ một ước muốn tái phạm tội lỗi, như được nói đến trên đây, và có chủ ý tuân giữ 3 điều kiện thông lệ ngay lúc có thể; họ sẽ thực hiện việc viếng Chúa thiêng liêng, nếu họ hết sức muốn làm điều này, bằng lòng tin tưởng vào Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Bàn Thờ, và đọc “Kinh Lạy Cha” cùng Tin Tin Kính, kèm theo lời than thở sốt sắng cùng Chúa Giêsu trong Phép Bí Tích này (chẳng hạn, “Con liên lỉ chúc tụng và tạ ơn Phép Bí Tích Thánh”).

 

Thậm chí không thể làm điều ấy, họ cũng sẽ nhận được một ơn Đại Xá nếu họ lòng họ muốn hợp với những ai thực thi một cách bình thường những việc làm được qui định bởi Ân Xá và hiến dâng cho Thiên Chúa xót thương các thứ bệnh hoạn và khốn khó phải chịu trong đời sống của mình, với quyết tâm hoàn tất ba điều kiện thường lệ sớm bao nhiêu có thể”.

 

Các vị linh mục thi hành việc thừa tác mục vụ, nhất là các vị linh mục coi xứ, theo Những Gợi Ý và Phác Họa’ được Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích nói đến vào ngày 15/10/2004, cần phải chỉ dẫn cho thành phần tín hữu của mình biết việc ban phát lợi ích này của Giáo Hội cách nào thích thuận nhất; những vị linh mục ấy phải sẵn sàng cùng dễ dàng ngồi tòa giải tội, và vào những ngày được cho là ‘thuận tiện’ cho tín hữu, phải long trọng chủ sự việc đọc các kinh nguyện chung dâng lên Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

 

Sau hết, khi truyền đạt giáo lý, các vị hãy thôi thúc tín hữu thường xuyên công khai thể hiện những chứng từ đức tin và việc tôn kính Bí Tích Cực Linh, như được phác họa trong phần Tổng Nhượng IV của Cuốn Tóm Lược Ân Xá, cũng như chú ý tới những trao nhượng khác trong cùng cuốn tóm lược này: khoản số 7 về việc Tôn Thờ và kiệu Thánh Thể; khoản 8 về Viện Hiệp Thông Thánh Thể và Thiêng Liêng; khoản 27, về Thánh Lễ Mở Tay của những tân linh mục và những ngày kỷ niệm mừng chịu chức linh mục và giám mục.

 

Sắc Lệnh này có hiệu lực trong “Năm Thánh Thể” vào ngày nó được phổ biến trên tờ L’Osservatore Romano (15/1/2005).

 

Tại Văn Phòng Tòa Ân Xá Tòa Thánh, Rôma ngày 25/12/2004, Lễ Trọng Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô.

 

ĐHY James Francis Stafford

Trưởng Tòa Ân Xá

 

Gianfranco Girotti, OFM Conv,

Nhiếp Chính

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 25/1/2005

 

Morocco là nơi Kitô hữu và Hồi hữu có thể thuận hòa chung sống với nhau

Qua cuộc phỏng vấn của cơ quan Chân Lý, ĐTGM Vincent Landel TGP Rabat Tây Ban Nha đã nói về việc ngài nỗ lực giúp cho 30 ngàn Kitô hữu thuộc giáo phận của ngài sống hợp hòa với những anh chị em Hồi giáo.

Vấn:    Có thể nào xẩy ra được việc hiệp thông giữa Kitô hữu với tín đồ Hồi giáo hay chăng?

 

Đáp:    Có. Chúng ta có thể chia sẻ nhân tính của mình, dù không chia sẻ đức tin của chúng ta. Chúng ta không nói nhiều đến vấn đề đối thoại liên tôn như là vấn đề hội họp, bởi vì, trước khi nói người ta cần phải gặp gỡ, cần phải cảm nghiệm được việc cùng nhau chung sống mang lại tình thân hữu và huynh đệ.

 

Sau đó chúng ta mới nói về đức tin của mình. Giáo Hội cần phải giúp vào việc tạo nên việc chung sống và tình thân hữu này, nhờ đó một ngày nào đó chúng ta thấy được một con đường mới mở ra.

 

Ở Âu Châu người ta nói nhiều về những người Hồi giáo, thế nhưng ai biết được họ là người thế nào và họ tin tưởng những gì? Ở Pháp và Ý chẳng hạn, người ta cảm thấy sợ hãi bất cứ điều gì về người Hồi giáo. Cần phải thay đổi ý nghĩ này. Không phải tất cả mọi người Hồi giáo đều là thủ cựu; họ đa số tỏ ra trung hòa.

 

Không có vấn đề đụng độ về tôn giáo mà là đụng độ vì không triệt thấu, một thứ đụng độ về chính trị và truyền thông. Nếu một vị giám mục Công giáo bị bắt cóc ở Iraq mọi người đều nói về sự kiện ấy. Thế nhưng, chính trị và tôn giáo bị lẫn lộn, ngay cả ở Hoa Kỳ đi nữa, chẳng hạn, khi George Bush nói về việc bắt đầu cuộc chiến tranh nhân danh Thiên Chúa. Đôi khi những gì nói lên phạm tới những tín đồ Hồi giáo mà Kitô hữu cũng nói, người ta không thể nào vơ đũa cả nắm.

 

Người ta cũng rất cần phải hiểu biết đức tin của mình để có thể hiểu biết đức tin của người khác. Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm phải hiểu biết sâu xa về căn tính của mình và chấp nhận những người Hồi giáo. Tín đồ Hồi giáo chính thức là các tín đồ, thế nhưng, ở Âu Châu, nhiều người đã bỏ mất đức tin của họ. 


Vấn:    Giờ đây chúng ta hãy nói đến một số sáng kiến trong giáo phận của ngài đã được thực hiện để có thể làm phát triển mối hiệp thông này?

 

Đáp:    Ở Morocco chúng tôi có một dự án giáo dục hỗn hợp Công giáo Hồi giáo bao gồm 15 trường học với con số 12 ngàn học sinh Hồi giáo, nơi giảng dạy Kinh Coran. Tôi, vị giám mục Công giáo, có thẩm quyền trên hết. Tình trạng hiệp thông vẫn diễn tiến ở đó chẳng có vấn đề gì hết.

 

Chúng tôi cũng có những trung tâm văn hóa, được điều hành bởi các vị linh mục và tu sĩ, những trung tâm được tín đồ Hồi giáo sử dụng. Nhờ đó, Giáo Hội giúp đỡ tín đồ Hồi giáo; chúng tôi cởi mở với thế giới Hồi giáo, một thế giới chấp nhận chúng tôi, vì tất cả tín đồ Công giáo chúng ta đều là những người ngoại quốc.

 

Ngoài ra, nhiều Kitô hữu hợp tác, học hỏi hay làm việc với các hiệp hội, với các thương vụ v.v. do người Hồi giáo điều hành. Đó là những kinh nghiệm rất tốt đẹp giúp chúng ta có thể hiểu biết những người Hồi giáo trong việc sinh hoạt thường nhật và thấy rằng có thể sống vui vẻ ở thế giới Hồi giáo.

 

Kinh nghiệm của chúng tôi là một Giáo Hội Công giáo ở Morocco không phải là những gì khuôn mẫu hay mô phạm. Nó thật ra cũng tương tự như Giáo Hội ở Âu Châu thôi, vì lãnh giới Hồi giáo có thể được so sánh với thế giới trần thế là nơi Giáo Hội cần phải hiện diện một cách dễ dàng, bằng việc cho họ thấy được đường lối chân thật, để giúp họ khám phá ra Thiên Chúa và tính cách quan trọng của tôn giáo trong đời sống của họ.


Vấn:    Giáo Hội ở Rabat ra sao?

 

Đáp:    Chúng tôi gồm có 30 ngàn Kitô hữu, trong đó có 40 linh mục và 150 tu sĩ. Tất cả chúng tôi đều là người ngoại quốc, vì một người Morroco không thể là một tín đồ Kitô giáo nơi một nước mà Hồi giáo là quốc giáo này. Thế nhưng, các nhà thờ của chúng tôi vẫn mở cửa và chúng tôi không gặp trục trặc gì cả, miễn là chúng tôi không dụ giáo. Chúng tôi sống đức tin của mình một cách tự do thoải mái.

 

Giáo Hội của chúng tôi ở đây có tính cách công giáo khá nhiều, vì nó bao gồm thành phần dân chúng thuộc 80 quốc tịch khác nhau.

 

Trước khi được độc lập thì có nhiều người Công giáo hơn, đa số là người Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hiện nay có nhiều người Phi Châu, Hoa Kỳ và Á Châu, làm nên cả một thách đố khó khăn. Việc hiệp thông nơi Kitô hữu không phải là chuyện dễ, nhất là vì họ đến từ các nơi khác nhau như thế.

 

Một đặc tính khác của cộng đồng Kitô hữu chúng tôi ở đây đó là luôn luôn thay đổi. Hằng năm có khoảng 20% đổi thay, vì nhiều Kitô hữu, như sinh viên và lao động nhân, chỉ sống ở  Rabat một thời gian thôi. Bởi thế, vấn đề rất quan trọng ở đây là chương trình mục vụ để đón nhận các Kitô hữu, để giúp họ sống đức tin của họ, cũng như để hiểu biết thế giới Hồi giáo là thế giới cần phải được hiểu biết để có thể cùng chung sống với họ.

 

Vấn:    Có vấn đề kỳ thị ở đó hay chăng?

 

Đáp:    Có những loại kỳ thị khác nhau. Ở Morocco chẳng hạn, một số người khó lòng chấp nhận được vấn đề bình đẳng của những người Phi Châu, trong khi đó họ đối xử với thành phần di dân Tây Ban Nha chỉ là một thiếu số lại bình đẳng.

 

Trái lại, những người Morocco di dân đến Tây Ban Nha sống ở một hoàn cảnh xã hội khác hẳn. Họ có một cảm quan mạnh mẽ thuộc về gia đình và cộng đồng văn hóa của họ hơn, và có nguy cơ hình thành một thứ hạ tầng văn hóa. Âu Châu không được để cho những người Hồi giáo hình thành nên “những khu biệt lập”.


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 21/1/2005

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ