GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 1/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.
__________________
NGÀY 30 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN TRONG NĂM THÁNH THỂ |
Không Có Thánh Thể cũng Chẳng Có Giáo Hội?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nếu Giáo Hội là Gia Đình Thiên Chúa (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 6, 28, 50; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 1; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes 32, 40, 92), là Nhiệm Thể Chúa Kitô (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 7, 14, 17, 30, 33, 39, 43, 48, 52; Sắc Lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio 2; Sắc Lệnh về Canh Tân Đời Sống Tu Trì Perfectae Caritatis 1; Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem 2; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 5, 7, 16, 38, 39; Sắc Lệnh về Linh Mục Presbyterorum Ordinis 1-2, 5, 6, 8, 15, 22; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes 32), là Dân Chúa Lữ Hành (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 9-17; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 13-14), thì Giáo Hội hiện hữu sẽ không đầy đủ, phát triển và vững tiến nếu không có Thánh Thể. Vì Thánh Thể là Bữa Tiệc cho Gia Đình Thiên Chúa, là Máu Huyết tràn đầy Thần Linh nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô, và là Sinh Lực cho Dân Chúa Lữ Hành.
Thánh Thể là Bữa Tiệc cho Gia Đình Thiên Chúa: “Hiệu năng cứu độ của hiến tế này được hoàn toàn hiện thực khi lãnh nhận mình máu Chúa lúc hiệp lễ. Hiến Tế Thánh Thể tự bản chất nhắm đến việc hiệp nhất nội tâm của tín hữu với Chúa Kitô qua việc hiệp lễ; chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta lãnh nhận thân thể Người đã trao nộp cho chúng ta trên Thập Giá cũng như lãnh nhận máu Người ‘đã đổ ra cho nhiều người được tha tội’ (Mt 26:28). Chúng ta được lời Người nhắc nhớ rằng: ‘Như Cha hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống bởi Cha thế nào, thì ai ăn Tôi cũng sẽ sống bởi Tôi như vậy’ (Jn 6:57). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng việc hiệp nhất này, một thứ hiệp nhất được Người so sánh với việc hiệp nhất sự sống Ba Ngôi, được thực sự thể hiện. Thánh Thể thực sự là một bữa tiệc Chúa Kitô đã tự hiến mình làm của dưỡng nuôi chúng ta”. (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 16);
Thánh Thể là Máu Huyết tràn đầy tặng ân Thần Linh nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô: “Trong Sách Lễ Rôma, vị chủ tế nguyện rằng: ‘Xin ban cho chúng con là những kẻ được nuôi dưỡng bởi mình máu Người được tràn đầy Thánh Thần của Người, và được trở nên một thân thể, một tinh thần duy nhất trong Chúa Kitô’ (Kinh Nguyện Thánh Thể III). Như thế, nhờ tặng ân mình máu của Người, Chúa Kitô làm tăng lên trong chúng ta tặng ân Thần Linh của Người đã được tuôn đổ xuống trên chúng ta qua Phép Rửa cũng như đã được ban xuống cho chúng ta như “dấu ấn” qua bí tích Thêm Sức” (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 17).
Thánh Thể là Sinh Lực cho Dân Chúa Lữ Hành: “Thành quả đáng kể của chiều kích cánh chung chất chứa nơi Thánh Thể còn ở sự kiện là Thánh Thể thúc đẩy chúng ta tiến bước lữ hành qua giòng lịch sử và gieo một mầm mống hy vọng sống động nơi việc dấn thân hằng ngày của chúng ta đối với công việc trước mắt. Nhãn quan Kitô giáo bao giờ cũng dẫn đến niềm trông đợi ‘trời mới’ và ‘đất mới’ (Rev 21:1), thế nhưng nhãn quan này thay vì làm suy yếu lại làm tăng thêm cảm quan trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay (Cf. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes, 39)”. (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 20).Chính vì Chúa Giêsu đã thiết lập Thánh Thể là vì sự tồn tại của Giáo Hội và cho sự phát triển của Giáo Hội như thế mà Giáo Hội ý thức được rằng Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội: “Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý công bố rằng hy tế Thánh Thể là ‘nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo’ (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11). ‘Vì Bí Tích Thánh Thể tuyệt hảo chất chứa tất cả nguồn phong phú linh thiêng của Giáo Hội đó là chính Chúa Kitô, cuộc vượt qua và là bánh sự sống của chúng ta. Bằng xác thịt của mình, một xác thịt giờ đây được Thánh Linh làm cho sống động và ban sự sống, Người cống hiến sự sống cho con người’ (Sắc Lệnh về Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 5)” (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 1).
Tuy nhiên, nếu Giáo Hội là Đền Thờ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 2; Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 6; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 9), tức là Nơi Chúa Ngự Giữa Loài Người (x. Rev 21:3), mà Thánh Thể là Hiện Diện Thần Linh Thực Sự trong Giáo Hội trên thế gian này, thì không có Thánh Thể cũng không có Giáo Hội. Vì nếu Giáo Hội được thiết lập để trở thành nơi cho Chúa ngự một cách đích thực và thực sự trong Bí Tích Thánh Thể thì nếu không có Thánh Thể, tức không có sự Hiện Diện Thần Linh Thực Sự thì cũng không cần Giáo Hội. Tóm lại, nếu Giáo Hội được thiết lập là để cho Thánh Thể thì nếu không có Thánh Thể cũng không có Giáo Hội, hay Giáo Hội sẽ không được thiết lập nếu không có Thánh Thể.
Dù các vị Tông Đồ không phải là tất cả những gì làm nên Giáo Hội mà chỉ là nền tảng của Giáo Hội (x Eph 2:20), nhưng nếu không có Thánh Thể cũng không cần đến các vị. Không phải hay sao, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể bằng lời toàn năng thánh hiến bánh rượu: “Này là Mình Thày…, là chén Máu Thày…” (x Lk 22:19-20; 1Cor 11:24-25), trước khi chính thức truyền chức thánh cho các vị: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (x Lk 22:19; 1Cor 11:24-25). Tức là các vị được truyền chức thánh, có tư cách và khả năng là một Alter Christus, làm được việc biến thể bánh rượu như thế là để cho Thánh Thể. Đó là lý do Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã xác quyết rằng Giáo Hội nào không có hàng giáo phẩm và từ đó cũng không có Thánh Thể thì không phải là hay thực sự là Giáo Hội: “Các cộng đồng giáo hội nào không bảo tồn Hàng Ngũ Giám Mục được công nhận cũng như bản chất đích thực trọn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 22) thì không phải là những Giáo Hội đúng nghĩa” (Tuyên Ngôn “Vai Trò Chuyên Nhất Của Chúa Kitô Và Giáo Hội”, 7).
Tuy nhiên, cho dù không có Thánh Thể không có Giáo Hội, nhưng nếu “con người ở một mình không tốt” (Gen 2:18), đến nỗi cần phải có “một đồng bạn xứng hợp” (cùng nguồn vừa dẫn) thế nào, thì Chúa Kitô là Đầu sẽ không thể thiếu Giáo Hội là thân thể của Người (x Eph 5:23), và là một Phu Quân sẽ không thiếu Giáo Hội là Hiền Thê của Người (x Rev 21:2). Đó là lý do cả Mầu Nhiệm Thánh Thể lẫn Mầu Nhiệm Giáo Hội đều liên hệ mật thiết với Sự Sống Hiệp Thông, đến nỗi, một khi có Thánh Thể thì phải có Giáo Hội, và một khi có Giáo Hội thì không thể thiếu Thánh Thể, vì Thánh Thể là để cho Giáo Hội và Giáo Hội phải sống bởi Thánh Thể: “Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô: chúng ta tiến bước ‘với Chúa Kitô’ ở chỗ chúng ta liên kết ‘với thân thể của Người’. Chúa Kitô đã thiết lập và làm phát triển mối hiệp nhất này bằng việc tuôn đổ Thánh Linh của Người xuống. Và chính Người liên lỉ xây dựng mối hiệp nhất ấy bằng sự hiện diện Thánh Thể của Người. Chính tấm bánh Thánh Thể duy nhất làm cho chúng ta nên một thân thể duy nhất, vì chúng ta tất cả cùng tham phần vào một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17). Nơi mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn xây dựng Giáo Hội như là một mối hiệp thông, theo khuôn mẫu tối hậu đã được Người nói lên trong lời nguyên tư tế của Người: ‘Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Jn 17:21)” (Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, 20).
Ngày Lịch Sử cho một Tân Iraq Dân Chủ 30/1/2005
Tình Hình Iraq: trước ngày tuyển cử
Theo lịch trình tiến đến một Tân Iraq theo chế độ tự do dân chủ, sau khi bản hiến pháp đã được soạn thảo và ban hành vào ngày 8/3/2004, và sau khi một chính phủ lâm thời tuyên thệ nhậm chức và ra mắt vào ngày 1/6/2004, nhân dân Iraq sẽ thực hiện một cuộc tuyển cử vào ngày 30/1/2005 để lập một hội đồng quốc gia chuyển tiếp 275 vị. Cơ Quan Tín Liệu Á Châu đã phỏng vấn ĐGM Louis Sako giáo phận Kirkuk để tìm hiểu tình hình Iraq ngay trước biến cố tuyển cử, và vị giám mục tuyên bố “Trong bài giảng Thánh Lễ, chúng tôi kêu gọi dân chúng đi bỏ phiếu” này đã cho biết như sau:
Vấn: Những cuộc tuyển cử vào ngày 30/1/2005 có mang lại ý nghĩa hay chăng, cho dù có xẩy ra những hạn chế gây ra bởi tình trạng bạo động đang diễn tiến?
Đáp: Có chứ, vì chính phủ hiện tại là chính phủ lâm thời, thế nhưng sau những cuộc tuyển cử này, chính phủ sẽ là thành quả của việc dân cử. Nhân dân Iraq có cơ hội để chọn các vị lãnh đạo của mình, những vị họ ưa thích.
Những cuộc tuyển cử này là điều cả thể và mới mẻ. Không hề có chuyện như thế này xẩy ra trong 50 năm qua: trước hết, là vì những cuộc đụng độ và nổi loạn, rồi sau đó là 35 năm độc tài trị.
Chưa hề có vấn đề tự do ngôn luận. Thế nhưng giờ đây điều gì cũng có thể: Nếu có những con người và những đảng phái tỏ ra tranh cãi và đụng độ là vì họ được tự do làm điều ấy.
Giờ đây nhân dân Iraq cần phải biết bàn luận theo cung cách dân sự. Thế nhưng, nhân dân Iraq chưa bao giờ được huấn luyện để đồng chung sống cả; họ luôn sống giữa bạo động: ba cuộc chiến tranh, 1 chế độ độc tài, 13 năm cấm vận. Đó là lý do tại sao tự do không được sử dụng một cách hữu trách và đã gây ra những thứ rắc rối trục trặc.
Vấn: Có bao nhiều người sẽ đi bầu vào Chúa Nhật tới đây?
Đáp: Truyền hình cho biết là 80%. Dĩ nhiên, có những người run sợ vì những đe dọa, thế nhưng, tôi xin nói rằng để chiếm được tình trạng bình thường hóa thì cần phải đáp ứng điều kiện của nó, và điều kiện này là tiến trình tuyển cử vậy. Tôi có thể nói rằng nhiều người sẽ đi bầu vào Chúa Nhật này.
Vấn: Những cuộc tuyển cử ở Iraq không có gì là hào hứng lắm ở Tây phương và với truyền thông Tây phương. Đức Cha nghĩ về việc ngờ vực này ra sao?Đáp: Mới hôm qua đây Đức Giáo Hoàng đã xin truyền thông giúp dân chúng hiểu được thực tại của các sự vật. Truyền thông là cả một vấn đề lớn ở Iraq: rất nhiều điều gian dối và khiêu khích đang được soạn thảo và tung ra phổ biến.
Chỉ cần nghĩ đến dài al-Jazeera và al-Arabiya là những đài đang xuyên tạc rất nhiều đến độ hoàn toàn cuồng tín, thậm chí cả đến chính các vị lãnh đạo Hồi giáo Iraq cũng phải lên án.
Những đài truyền hình này đang tiếp tục làm bừng lên bạo động tấn công những người Hoa Kỳ, thậm chí cả những người Iraq. Họ đang trộn lẫn khủng bố và chống cưỡng lại với nhau, thế nhưng, đối với tôi hai hành động này hoàn toàn khác nhau.
Chống cưỡng là một điều gì đó cao quí; song 2 ngày trước đây có một chiếc xe hơi nổ tung ở một đám cưới làm 20 người chết. Bởi vậy tôi mới đặt vấn đề: phải chăng đó là chống cưỡng? 20 nạn nhân đó là người Iraq, những con người nam nữ vô tội: Phải chăng đó là hành động chống cưỡng? Phải chăng việc tấn công một nhà thờ hay một đền thờ là hành động chống cưỡng?
Vấn: ĐTGM Casmoussa TGP Mosul đã bị bắt cóc tuần vừa rồi, và khi được thả ra, ngài đã yêu cầu Hoa Kỳ rút lui. Đức Cha nghĩ sao về điều này?Đáp: Tôi nghĩ rằng ĐTGM Casmoussa đã nói những gì ngài đã làm vì ngài nghĩ đến trường hợp của ngài ở Mosul là nơi phần đông theo Hồi giáo phái Sunni, một thành phố hầu như hoàn toàn chống lại người Hoa Kỳ.
Thế nhưng, nếu người Hoa Kỳ ra khỏi Iraq hôm nay thì sẽ xẩy ra một cuộc nội chiến giữa những người Kurds, Ả Rập, phái Hồi giáo Sunnis, phái Hồi giáo Shiites, những người Hồi giáo, những người Kitô giáo. Đây là điều rõ ràng.
Vì lý do đó, tốt hơn người Hoa Kỳ đừng rời Iraq bay giờ. Chẳng mấy chốc sẽ có một tân chính phủ cho đất nước này; một lực lượng quân đội và cảnh sát đang được thành hình. Một dự án canh tân đang được tiến hành từng bước chứ không phải là thành quả của một thứ ma thuật.
Hoa Kỳ cần phải ở lại cho đến khi nhân dân Iraq có thể điều khiển quốc gia này. Hiện nay, họ không thể làm điều này được, vì chưa có được những cơ cấu cần thiết đâu vào đó.
Vấn: Đâu là những điều thuận lợi cho Kitô hữu Iraq?Đáp: Tình hình khác nhau nơi mỗi thành phố. Tình hình rất ư là khó khăn ở Mosul vì những người Hồi giáo phái Sunni chiếm đa số quần chúng. Và chống lại các cuộc tuyển cử, vì họ đã bị mất quyền lực sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ.
Ở Mosul ai cũng có thể bắt cóc để đòi tiền hay để trả đũa. Không có cảnh sát hay an ninh. Thế nhưng, ở Baghdad, ở Basra, ở miền nam, cũng như ở Kirkuk đây, ở Kurdistan, tình hình lại bình thường.
Những vấn đề chính yếu xẩy ra những những miền giáo phái Sunny. Toàn thể nhân dân Iraq đều biết rằng Kitô hữu là một phần thiết yếu của xã hội Iraq. Họ là một phần thuộc gia sản Iraq và lịch sử của quốc gia này.
Vấn: Kitô hữu đang sửa soạn cho cuộc tuyển cử này ra sao?
Đáp: Chúng tôi đã nói về cuộc tuyển cử này trong Lễ và xin Kitô hữu hãy đi bầu phiếu.
Hôm trước ở Kirkuk đây, các vị đại diện thuộc các giáo hội khác nhau đã đồng ký vào một bản tuyên cáo chung khuyến khích Kitô hữu bầu cử. Chúng tôi đã gửi bản tuyên cáo này cho vị thị trưởng và những vị đại diện lâm thời; bản tuyên cáo ấy đã được nồng nhiệt đón nhận.
Bản tuyên cáo ấy là lời kêu gọi nhân dân Iraq hãy đến các trạm bầu phiếu, vì việc bầu phiếu là “một nhiệm vụ quốc gia và tôn giáo để góp phần vào việc hạ sinh một tân Iraq cho mọi người: một Iraq có thể phát triển một cách sinh động”.
Bản tuyên cáo không đề cập đến vấn đề ứng cử viên này hay ứng cử viên khác. Chúng tôi nói với dân chúng hãy đi bầu phiếu vì cho dù tình hình không được vẹn toàn cho lắm, cuộc tuyển cử vẫn là việc quan trọng tiến đến một nền dân chủ và tự do.
Việc tuyển cử là con đường chính đáng cho một xã hội có khả năng tiến bộ. Có những phần tử Kitô giáo ứng cử cho cả cuộc tuyển cử ở miền và Hội Đồng Quốc Gia. Các chính trị gia Kitô giáo cũng là thành phần của các đảng phái khác, chẳng hạn như các đảng phái người Kurd
Vấn: Kitô hữu sẽ bầu phiếu cho ai?Đáp: Chúng tôi nói rằng hãy bầu phiếu cho những ai có khả năng điều hành xứ sở một cách chính trực và dân chủ. Kitô hữu sẽ bầu phiếu theo lương tâm của họ.
Điều mới mẻ là ở chỗ Kitô hữu sẽ không vắng mặt, họ sẽ ở đó, và điều này làm vươn lên một niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Giáo Hội cần phải giúp dân chúng hãy ở lại, thúc đẩy họ hãy tham gia vào việc tái thiết, khuyến khích cuộc đối thoại về sắc tộc và văn hóa.
Vấn: Đức Cha có muốn nói với độc giả của cơ quan Tín Vụ Á Châu về một Iraq phải như thế nào hay chăng?Đáp: Hiện nay có nhiều tự do. Nhiều tờ nhật báo được phát hành và nhiều cuộc bàn luận về chính trị diễn ra. Nhà cửa đang được xây cất; việc làm cũng có đó.
Ở Kirkuk đây, cũng như ở Baghdad, dân chúng đi ra ngoài đến nửa đêm. Đúng thế: Người ta bị giết vì tiền bạc hay bởi những lý do chính trị.
Thế nhưng, quí vị biết rằng trước đây (dưới thời Saddam), các gia đình không thể mua được một chiếc xe hơi, vì nó quá ư là mắc mỏ mà chỉ có một số ít mới kham nổi thôi? Hiện nay thì mọi người đều có một chiếc, cho đến độ chúng tôi phải giữ ở các nhà chứa xe vì quá nhiều xe trên đường lộ!
Vấn: Tây phương có thể làm gì để bảo đảm việc tuyển cử được xứng hợp?Đáp: Hãy khuyến khích dân chúng đi bầu và bỏ ngoài tai tất cả những thứ tin tức xấu chỉ gây tai hại. Truyền hình loan tin nhanh chóng về những cuộc tấn công hay một cuộc sát hại nào đó, thế nhưng khi xẩy ra những điều tốt lành, những điều này xẩy ra rất nhiều, họ lại chẳng đề cập đến gì cả.
Những sự việc ở mọi nơi trong nước Iraq không xẩy ra xấu như ở Mosul là quê quán của tôi: các sự việc xẩy ra hầu như bình thường ở 80% xứ sở này.
Ngoài ra những người Hồi giáo thuộc phái Sunni cũng cần phải được khuyến khích đi bầu phiếu, vì phó mặc cho tiến trình chính trị là những gì chỉ làm tăng thêm mất mát thua thiệt mà thôi. Điều quan trọng là họ tiếp tục tranh đấu, theo cung cách về chính trị và dân chủ, cho một xã hội dân sự mang lại cho nhân dân Iraq được hoan hưởng tự do hơn.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch cuộc phỏng vấn trên đây từ tài liệu của Zenit phổ biến ngày 26/1/2005)Người Iraq đầu tiên trên thế giới đi bầu là Shimon Haddad, vào Thứ Năm 27/1/2005 tại Úc Đại Lợi, nơi có 11 ngàn người Iraq ghi danh đi bầu trong số 280 ngàn người Iraq xuất ngoại ở 14 quốc gia trên thế giới. Con số dân chúng Iraq hải ngoại ghi danh đi bầu nhiều nhất là ở Iran, lên tới 50 ngàn người. Sở dĩ Haddad, một ngoại kiều sống ở Úc Đại Lợi 33 năm, có thể trở thành người Iraq đầu tiên đi bầu trên thế giới là vì múi giờ ở Úc Đại Lợi và vì ông là người điều hành trạm phiếu mở cửa lúc 7 giờ sáng (ông cần phải bầu trước giờ mở cửa để còn lo cho trạm phiếu sau đó).
Trong khi đó, tại Iraq, tình hình an ninh càng căng thẳng bởi những lời đe dọa của các nhóm nổi loạn, thành phần đang đe dọa tính mạng các nhân viên cảnh sát, những ứng cử viên hoặc cử tri viên.
Về việc kiểm soát và giữ an ninh cho cuộc bầu phiếu quan trọng này ở Iraq, bộ trưởng nội vụ Kasim Daoud hôm Thứ Năm 27/1/2005 đã cho các ký giả qua cuộc họp báo bằng hệ thống vệ tinh biết rằng từ Thứ Sáu 28 đến hết Thứ Hai 31/1/2005 sẽ có những cuộc giới nghiêm và hạn chế việc di chuyển xe cộ:
“Chúng tôi sẽ không cho phép các xe cộ trực tiếp tiến đến các trạm bầu phiếu. Xe cộ phải đậu cách xa những trạm phiếu”.
Thành phần dân sự cũng không được di chuyển từ tỉnh này đến thành khác, và cử tri không được mang vũ khí, cho dù được phép võ trang. Theo vị bộ trưởng nội vụ này thì thành phần phản loạn chính thức hoạt động ở 2 trong 18 vùng, đó là vùng Anbar và Nineveh, còn ngoài ra hầu như các nơi đều được an toàn. Ông cũng cho biết có hai nhóm phản động chính, đó là “nhóm Saddamists bao gồm những kẻ trung thành với chế độ Saddam; và nhóm những kẻ bảo thủ Hồi giáo”.
Ông bộ trưởng này cũng trách hai quốc gia láng giếng là Syria và Iran đã không rat ay hết sức để ngăn chặn các tay phản động sử dụng hai quốc gia này làm bàn đạp tấn công Iraq. Ông hy vọng rằng về lâu về dài nạn phản động này sẽ được dẹp yên bằng “việc cải tiến nền kinh tế, cống hiến cho các gia đình nguồn lợi tức bình thường… phục vụ về sức khỏe tốt đẹp, tình trạng an sinh xã hội, các thứ công ăn việc làm… một hệ thống giáo dục tốt đẹp”. Theo ông, sau cuộc bầu cử này, vấn đề cần phải làm ngay đó là huấn luyện các nhân viên an ninh và quân đội. Hiện nay lực lượng cảnh sát lên đến 90 ngàn và quân đội ở con số 55 ngàn, nhưng cần phải tăng số quân nhân lên 150 ngàn vào năm 2006.
Vị cố vấn an ninh quốc gia là Mowaffak al Rubaie nói rằng lực lượng đầu tiên bảo vệ thành phần cử tri bầu phiếu là quân đội và an ninh quốc gia, được hỗ trợ bởi lực lượng quân đội liên minh do Hoa Kỳ chỉ huy:
“Những tay khủng bố và thành phần (Abu Musab al-) Zarqawi cùng với những tay trung thành với Saddam sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những điều được họ gọi là ‘các cuộc tấn công ngoạn mục’ vào các lực lượng an ninh hay vào tiến trình chính trị của chúng tôi. Mục đích chính của họ là để trì hoãn việc tuyển cử, là hủy bỏ việc bầu phiếu, là phá đám tiến trình chính trị. Điều này sẽ không xẩy ra được đâu”.
Tình Hình Iraq: trong ngày tuyển cử
Ngày lịch sử ở Iraq đã điểm. Cuộc tuyển cử đầu tiên hơn 50 năm qua đã được bắt đầu tại Iraq vào 7 giờ sáng ngày Chúa Nhật 30/1/2005 (tức 11 giờ đêm Thứ Bảy giờ Nữu Ước ở Hoa Kỳ), với 30 ngàn trạm phiếu trên toàn quốc. Ngày hôm trước, tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở thủ đô Baghdad bị phi đạn tấn công, làm hai người Mỹ vong mạng và 5 người khác bị thương. Ba trạm phiếu và 1 trạm cảnh sát ở bắc thủ đô Baghdad bị tấn công bằng súng, gây thương tích cho 5 thường dân và 3 cảnh sát viên. Theo tình báo Hoa Kỳ thì thành phần phản loạn có 150 chiếc xe bom và 250 bom tự sát đã được sẵn sàng bùng nổ.
Tổng Thống lâm thời Ghazi al-Yawer là một trong những người đầu tiên bỏ phiếu: “Tận đáy lòng, tôi cảm thấy rằng nhân dân Iraq xứng đáng có những cuộc tuyển cử tự do. Điều này sẽ là bước đầu tiên của chúng tôi tiến đến chỗ tham dự vào thế giới tự do cũng như tiến đến chỗ dân chủ mà nhân dân Iraq hãnh diện”.
Nguyên ở thủ đô Baghdad thôi có tới 15 ngàn quân nhân Mỹ đi tuần để canh chừng việc bỏ phiếu (chấm dứt vào lúc 5 giờ chiều địa phương (hay 9 giờ sáng ở Nữu Ước hoặc 12 giờ trưa ở California). Iraq có 12.4 triệu dân, sẽ bầu chọn 275 vị vào Hội Đồng Quốc Gia với phận sự chuyển tiếp, ở chỗ soạn thảo một bản tân hiến pháp và chọn 1 tân tổng thống cùng hai phó tổng thống, vị tổng thống sẽ chọn thủ tướng. Ngoài ra, dân chúng cũng chọn bầu các phần tử cho 18 hội đồng miền.
Đêm hôm Thứ Bảy, vấn đề an ninh được thực hiện một cách nghiêm ngặt, với việc hạn chế di chuyển và cấm xe cộ đi lại. Biên giới và không phận được đóng lại và giới nghiêm ban đêm.
Tổng kết cuộc bầu phiếu của kiều dân Iraq ở hải ngoại nơi 14 quốc gia, chỉ có 30% trong 280.300 người ghi danh đi bỏ phiếu, tức chỉ có 84.400 người. Trong ba ngày bỏ phiếu (từ Thứ Năm tới hết Thứ Bảy) ở hải ngoại này, tại Hoa Kỳ, ngày đầu tiên có 22% đi bỏ phiếu.