GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 31 THỨ HAI

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Thường Niên 30/1/2005 về Việc Giáo Dục Hòa Bình Cho Trẻ Em

 

1.         Hôm nay, Quảng Trường Thánh Phêrô hân hoan vì sự hiện diện của rất nhiều giới trẻ thuộc Phong Trào Tông Đồ Giáo Dân, thành phần kết thúc “tháng hòa bình”. Tôi chào các em nhỏ và giới trẻ thuộc Phong Trào Tông Đồ Giáo Dân thân mến!

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng: “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình” (Mt 5:9). Cho dù các em nhỏ cũng có thể làm điều này! Các em cũng phải thực hành việc đối thoại và học biết “chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21), như tôi đã nhắc nhở mọi người trong Sứ Điệp Cho Ngày Hòa Bình Thế Giới mới đây. Tình trạng bất chính phải được chế ngự bằng công chính, gian dối bằng sự thật, trả đũa bằng thứ tha, hận thù bằng yêu thương.

 

2.         Lối sống này không phải ngẫu nhiên mà có, trái lại, nó đòi phải được dạy dỗ từ nhỏ. Một thứ giáo dục được làm nên bởi những giáo huấn khôn ngoan, nhất là bởi những mô phạm sáng giá trong gia đình, nơi học đường cũng như ở hết mọi lãnh vực của xã hội.

 

3.         Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, để xin Mẹ giúp cho giới trẻ, thành phần rất mong muốn hòa bình, trở thành những người xây dựng hòa bình can trường và kiên cường.



(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin:)

 

Hôm nay cử hành Ngày Thế Giới Những Người Phong Cùi. Ở những miền nghèo nhất thế giới, chứng bệnh này, mặc dù có thể chữa được, cũng tiếp tục hành hạ hằng triệu người, trong số đó có nhiều trẻ em. Tôi xin gửi lời chào đặc biệt đến tất cả những người anh chị em này và hứa cầu nguyện cho họ, lời nguyện cầu bao gồm tất cả những ai trợ giúp họ bằng các hình thức khác nhau. Tôi hy vọng rằng việc dấn thân của cộng đồng quốc tế sẽ thành đạt trong việc hoàn toàn loại trừ tai họa xã hội này.

 

 

ĐTC GPII: sứ điệp gửi những người gặp nạn biển động sóng thần

 

Cùng với việc đặc phái ĐTGM Paul Cordes, chủ tịch Hội Đồng ‘Đồng Tâm  - Cor Unum’ của Tòa Thánh đã thay ngài đến thăm vùng gặp nạn này, ĐTC GPII đã qua vị hồng y này gửi cho những người gặp nạn ở đây một sứ điệp như sau:

 

Kính gửi ĐHY Paul Josef Cordes

Chủ Tịch Hội Đồng “Cor Unum” của Tòa Thánh.

 

Sự tàn phá khủng khiếp và việc mất mát mạng sống bởi trận động đất và sóng biển mới đây ở Đông Nam Á đã được tiếp nối bằng một cảnh ngập tràn cảm thông đặc biệt khắp thế giới, cùng với cuộc vận động cứu trợ nhân đạo ào ạt. Tôi hết sức cám ơn về những nỗ lực của Hội Đồng “Cor Unum” của Tòa Thánh cũng như của các cơ quan bác ái Công giáo quốc tế trong việc góp phần vào vấn đề hỗ trợ các dân tộc gặp tại họa thiên nhiên to tát này.

 

Đức Hồng Y lên đường đến viếng thăm vùng này, xin chuyển mối quan tâm và tình liên kết nguyện cầu của tôi tới tất cả những ai gặp thảm cảnh này cùng hậu quả tai hại của nó. Đặc biệt là tôi hợp với những người Công giáo đồng đạo cũng như với tất cả mọi tín đồ phó dâng các nạn nhân của tai họa kinh hoàng này cho tình thương vô biên của Thiên Chúa Toàn Năng, và xin ơn an ủi thần linh đổ xuống trên những ai bị thương tích, sầu khổ và vô gia cư.

 

Tôi nguyện cầu để tình đoàn kết của anh chị em chúng ta khắp thế giới sẽ trở thành một mạch nguồn phấn khởi, kiên tâm và hy vọng cho hết mọi người trong đại cuộc tái thiết trước mắt. Tôi cũng xin các tín đồ thuộc các đạo khác nhau hãy cùng hoạt động để mang lại ủi an và trợ giúp cho những ai đang cần. Chớ gì tai ương này, nhờ ơn Chúa, dẫn cá nhân, các dân tộc và các quốc gia đến mộït tương lai quảng đại hơn, hợp tác với nhau hơn và hiệp nhất hơn trong việc phục vụ công ích.

 

Trong khi tôi nêu cao ánh sáng Phúc Âm cho tất cả mọi người, tôi cũng muốn bày tỏ niềm hy vọng thiết tha của tôi là cộng đồng Kitô hữu sẽ được dẫn đến chỗ tin tưởng sâu xa hơn nữa vào sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa và hiệp nhất gắn bó hơn nữa với Chúa Giêsu Kitô trong mầu nhiệm khổ đau và phục sinh của Người.

 

Tôi kêu xin các tặng ân khôn ngoan và sức mạnh thần linh ban xuống cho các vị thẩm quyền dân sự cùng tất cả những ai tham gia vào nỗ lực hỗ trợ. Tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như bảo chứng ân sủng và bình an trong Chúa cho Huynh yêu dấu và cho tất cả hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân ở những cộng đồng huynh sẽ viếng thăm.

 

Tại Vatican ngày 22/1/2005

 

Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 30/1/2005

 

Một nữ tu viện ở Ấn Độ bị tấn công

 

Một nữ tu viện Dòng Kín Carmêlô Têrêsa ở Ambermath gần Bombay đã bị xâm chiếm bởi một nhóm tấn công, thành phần đã phạm đến cây thánh giá và để lại những lời đe dọa.

 

Thật vậy, hôm Thứ Hai, 24/1/2005, sau ngày xẩy ra biến loạn, vị phó chủ tịch của Khối Hiệp Nhất Toàn Thể Công Giáo Ấn Độ và là phát ngôn viên cho tổ chức Sabha Công Giáo Bombay, đã lên án hành động này bằng lời phát biểu được phổ biến bởi hội đồng giám mục xứ sở này.

 

Một số lời đe dọa viết nguệch ngoạc như sau: “Hãy chạy đi, chúng tôi sẽ trở lại”; “Hãy đi chỗ khác, xứ sở này là của chúng tôi”; “lần này là cây thập giá, lần tới sẽ tới thủ cấp của các người”.

 

Bà bề trên của nữ tu viện này, chỉ được gọi là Sơ Diana, đã nói với SAR News rằng cuộc tấn công đánh dấu việc nữ tu lần đầu tiên bị đe dọa.

 

“Chúng tôi không biết thành phần tội ác là ai ngoại trừ việc họ xưng mình thuộc về một nhóm Ấn giáo. Chúng tôi không sợ vì chúng tôi hiến đời sống của chúng tôi cho việc phục vụ người nghèo khổ và túng bấn”.

 

Bà bề trên này cũng cho biết thêm là cảnh sát hứa sẽ tuần tiểu về đêm để ngăn ngừa những biến động khác.

 

Các nữ tu Carmêlô Têrêsa điều hành 3 nhà phục vụ người già ở Bombay. Các sơ thành lập nhà thứ tư ở Ambernath vào năm 2001.

 

 

Một Tân Iraq mở màn: "Hôm nay đây tôi bỏ phiếu cho hòa bình”.

 

Trong cuộc tuyển cử lịch sử này, khi đến trạm phiếu, cử tri phải chọn trong bản danh sách 111 liên minh, đảng phái và cá nhân, đại diện cho 8 ngàn ứng cử viên cho Hội Đồng Quốc Gia chuyển tiếp gồm 275 vị. Danh sách ứng cử viên mãi tới sát ngày bỏ phiếu mới được tiết lộ vì lý do an ninh cho họ trong những ngày trước đó.

Thành phần phản loạn đã thực hiện hơn một chục cuộc tấn công khắp Iraq vào chính ngày Chúa Nhật bầu phiếu, sát hại ít là 25 người và gây thương tích cho 71 người. Có ít là 8 vụ ôm bom tự sát. Riêng ở thủ đô Baghdad có 8 vụ 6m bom tự sát tấn công khiến 11 người chết và ít là 47 bị thương. Thành phần phản loạn ở thủ đô đã tung ra những tờ truyền đơn trước đây tuyên bố rằng họ sẽ “rửa đường phố Baghdad bằng máu của những người cử tri”. Có một lời tuyên bố trên các mạng điện toán toàn cầu Hồi giáo, được công khai thừa nhận bởi nhóm do Abu Musab al-Zarqawi lãnh đạo về những cuộc tấn công trong ngày bầu cử này ở thủ đô Baghdad cũng như ở các nơi khác, với mục đích để “trêu ngươi những ai đòi hỏi dân chủ”.

Tại tỉnh quê của cựu lãnh tụ Saddam Hussein là Tikrit các trạm phiếu hầu như trống trơn không người. Còn trong toàn quốc chỗ nào cũng đông người chờ chực để tới phiên bầu, dù bị kiểm soát ngặt nghèo phiền toái. Ở phía đông bắc tỉnh Baquba, trong khi đứng xếp hàng dài để bỏ phiếu các cử tri còn vỗ tay ca hát vui vẻ trước ống kính chụp ảnh nữa. Ở tỉnh miền nam Basra có tới 90 phần trăm cử tri đầu phiếu.

Ở thành phố lớn thứ hai Iraq là Shi’ite Basra, hằng trăm cử tri nhẫn nại đứng xếp hàng ở các trung tâm bầu phiếu. Một nam cử tri trẻ tuổi là Samir Khalil lbrahim cho biết “Tôi không sợ. Đây giống như một ngày hội của toàn thể nhân dân Iraq vậy”.

Samir Hassan, 32 tuổi, người bị mất 1 cẳng trong cuộc nổ bom xe vào Tháng 10/2004, đã nhất quyết đi bầu: “Tôi sẽ bò đến đây nếu cần. Tôi không muốn những tay khủng bố sát hại những người Iraq khác như họ đã cố gắng giết chết tôi. Hôm nay đây tôi bỏ phiếu cho hòa bình”.

Cũng tại đây, cô Jaida Hamza, trong bộ ý phục truyền thống kín người chùm cả mặt đã lên tiếng cho biết: “Đây là một đám cưới đối với tất cả mọi người Iraq. Tôi chúc mừng tất cả mọi người Iraq về quyền tự do và dân chủ mới lập của họ”.

Một trong những bất ngờ nhất là ở Mosul, một thành phố lẫn lộn người Ả Rập Hồi giáo phái Sunniu và người Kurt, theo một viên chức quân đội Hoa Kỳ thì “cho đến nay mọi sự diễn tiến thật là tốt đẹp, hơn dự tưởng rất nhiều”.

Thị trưởng thủ đô Baghdad là Alaa al-Tamimi đã nói với hãng thông tấn Reuters bằng những lời phấn khởi hết sức cảm kích như sau: “Tôi không thể diễn tả được những gì tôi thấy. Thật là không thể tưởng tượng nổi. Đây là một cuộc bầu phiếu cho tương lai, cho con cháu, cho qui luật, cho nhân loại, cho yêu thương”.

Ông Sabah Kadim, một cố vấn cao cấp của Bộ Nội Vụ Iraq đã cho CNN biết về thành phần khủng bố như thế này: “Chúng tôi đang có họ hôm nay đây, chúng tôi đã có họ hôm qua và chúng tôi sẽ có họ mai này. Vấn đề khác nhau đó là nhân dân Iraq đã tuyển chọn một một chính quyền hợp pháp còn mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết vấn đề với họ”.

Có hai đảng được cho là dẫn đầu cuoôc đầu phiếu này là Đảng Liên Minh Iraq Hiệp Nhất và Đảng Liệt Danh Những Người Iraq. Đảng thứ nhất các ứng cử viên hầu hết thuộc phái Hồi giáo Shiite được đỡ đầu bởi vị giáo sĩ thế giá Grand Ayatollah Ali al-Sistani, và đảng thứ hai được cầm đầu bởi Allawi, nhân vật đã trở thành bộ mặt của chính quyền Iraq sau khi chủ quyền được phục hồi vào Tháng 6/2004 vừa rồi.

Sau đây là phản ứng của thế giới Ả Rập trước cuộc bầu cử dân chủ ở Iraq, một tiến trình hầu như đi ngược lại với các chế độ độc quyền hiện hữu trong thế giới từ trước đến nay. Hiện tượng này hình như tái diễn những gì đã xẩy ra sau cuộc Cách Mạng Pháp 1789, một biến cố chính trị cũng là một cuộc cách mạnh chính trị làm lung lay nền tảng và hệ thống cai trị theo chế độ quân chủ ở Âu Châu bấy giờ. Sau đây là phản ứng từ các báo chí:

Tờ nhật báo Asharq Al-Awsat ở Luân Đôn đã gọi cuộc tuyển cử này là “một biến cố lịch sử chưa từng có… Một cảnh tượng Iraq không giống như bất cứ một nơi nào khác trong vùng này… Cuộc tuyển cử này sẽ trở thành một bài học cho các quốc gia láng giềng trong vấn đề nắm quyền hành bằng việc bầu phiếu chứ không phải là việc lật đổ”. Tờ báo này cũng phổ biến một bài có nhan đề “Dưới một con mắt sợ hãi và dưới một con mắt hy vọng”.

Tờ nhật trình Al-Hayat cũng ở Luân Đôn có bài “Những Cuộc Tuyển Cử Vượt Ra Ngoài Biên Cương Iraq”: “Dưới thời Saddam, những cuộc bầu cử chẳng có nghĩa gì đối với người Iraq… Những thùng phiếu được sử dụng để lập lại lòng trung thành với nhà lãnh đạo này… Từ ngữ ‘không’ chẳng thấy hiện hữu trong ngữ vựng Iraq. Ai dám lên tiếng nói tiếng này sẽ bị tru diệt cùng với họ hàng và toàn gia tộc của họ… Thật là không quá đáng khi nói hôm nay là ngày quyết liệt cho đất nước Iraq và nhân dân Iraq. Bất chấp việc tẩy chay của phái Hồi giáo Sunni và tình trạng liên tục bạo động, hôm nay là ngày đánh dấu nơi lịch sử Iraq”.

Tờ nhật báo Al-Ittihad ở Tiểu Vương Quốc Ả Rập Hiệp Nhất đăng bài có nhan đề “Một Tân Iraq được sinh vào đời hôm nay đây”.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ