GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 6 THỨ NĂM

 

Sách Lược Gây Lẫn Lộn của Satan

Cha Pedro Mendoza Pantoja là một trong thành phần ban tổ chức Cuộc Họp Tiên Khởi Tòan Quốc Mễ Tây Cơ của Những Nhà Trừ Quỉ và Những Người Phụ Tá Giải Phóng, vào thời khoảng 31/8-2/9/2004 ở trung tâm của hội đồng giám mục nước này. Cuộc họp đã thu hút được 500 tham dự viên. Vị linh mục này điều hợp công việc của 8 vị trừ quỉ theo vùng trong tổng giáo phận Mexicô City. Sau đây là những gì ngài trả lời cho Zenit qua một cuộc phỏng vấn.

Vấn:     Vị trừ quỉ là ai?

Đáp:     Vị ấy có thể là giám mục hay linh mục được ngài chỉ định, vị, theo lệnh của Chúa Giêsu Kitô và nhân danh Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, đọc một lời nguyện cách truyền khiến trong trường hợp bị quỉ ám, để lệnh cho Satan phải ra khỏi người bị ám cho họ được hoàn toàn tự do, hay bằng một hình thức khẩn nài, tức chuyển cầu hay van nài, kêu xin để, nhờ máu châu báu của Chúa Kitô và lời cầu bầu của Trinh Nữ Maria, một người, nơi chốn hay đồ vật được giải thoát khỏi bị ma quỉ làm chủ, quấy phá, ám ảnh hay áp bức.

Vấn:     Phải chăng ai cũng có thể trở thành người trừ quỉ?

Đáp:     Theo Phúc Âm, Chúa Kitô đã ban cho các vị tông đồ những đoàn sủng khi Người sai các vị đi truyền giáo.

Ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 10 câu 1 có viết: “Và Người gọi tới với mình 12 người  môn đệ và ban cho họ quyền trên các thần ô uế, khu trừ chúng và chữa lành hết mọi bệnh hoạn yếu đau”. Xin xem cả Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 16 câu 17 và 18.

Quyền năng này xứng hợp với các vị giám mục là các vị thừa kế của các thánh tông đồ trong việc thực thi thừa tác vụ trừ quỉ. Thế nhưng, theo Giáo Luật khoản 1172, các vị có thể chỉ định thi hành thừa tác vụ này một cách vững vàng hay trong một trường hợp đặc biệt, “một vị linh mục đạo hạnh, hiểu biết, khôn ngoan sống đời liêm chính”. Thừa tác vụ này có thật đối với những vụ bị quỉ ám, và bởi thế mà đối với chính việc trừ quỉ còn được gọi là việc long trọng trừ quỉ.

Thế nhưng hết mọi vị linh mục, nhờ việc truyền chức thành của mình, đều tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, nên cùng với Người, có sứ vụ giải phóng tín hữu khỏi tất cả mọi ám ảnh, áp đảo hay ảnh hưởng của quỉ ma, bằng việc những lời nguyện chuyển cầu và thỉnh cầu, bằng việc truyền bá phúc âm và ban các phép bí tích, nhất là bí tích thống hối và Thánh Thể.

Cũng thế, tất cả mọi vị linh mục đều là những nhà trừ quỉ bởi nỗ lực mục vụ giải thoát theo sứ vụ truyền bá phúc âm của các vị, và điều này thật sự là thế theo lệnh truyền của Chúa Kitô; ngài không cần phải được chỉ định để thi hành việc trừ quỉ nhẹ. Giáo dân không thể là những nhà trừ quỉ.

Vấn:     Cuộc họp cha tổ chức cũng bao gồm cả thành phần “Phụ Tá Giải Phóng”. Những người này là ai và việc họ làm là gì?

Đáp:       Thành phần phụ tác giải phóng là những vị linh mục không có đặc tính của những nhà trừ quỉ chính thức; các vị bác sĩ, các bác sĩ tâm thần, tu sĩ và giáo dân giúp vị linh mục trừ quỉ để vị linh mục ấy nhận thức rõ được thừa tác vụ của mình hay thi hành thừa tác vụ của mình, hoặc bằng lời cầu nguyện chuyển cầu hay ở những tình huống khác nhau.

Các vị linh mục thì giúp bằng lời nguyện cầu giải phóng và giáo dân bằng lời nguyện chuyển cầu. Vị linh mục không phải là nhà trừ quỉ chính thức vẫn có thể thi hành một cuoộc trừ quỉ nhẹ, cũng được gọi là lời nguyện giải phóng, được hỗ trợ bởi tất cả mọi giáo dân nâng đỡ ngài trong việc nhận thức cũng như bằng những lời nguyện chuyển cầu. Thành phần giáo dân không thể đọc những lời nguyện cầu giải phóng.

Vấn: Nếu tôi không nhầm thì đây là Cuộc Họp đầu tiên ở Mễ Tây Cơ của những vị trừ quỉ và là một cuộc họp đầu tiên có những đặc tính ấy trên thế giới. Dường như trong vòng 40 năm qua hình ảnh của nhà trừ quỉ đã biến mất. Đó có phải là một ấn tượng am hợp với thực tế hay chăng?

Đáp:      Thật vậy, quả là như thế. Các nguyên nhân của nó thì khác nhau, song chúng ta có thể nói rằng chúng được bao gồm trong cái thách đố lớn lao của Giáo Hội ở hậu bán thế kỷ vừa qua nơi công việc truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội.

Ở tiền bán thế kỷ Satan đã tấn công nhân loại ở lãnh vực tư tưởng và ý nghĩ: như duy lý chủ nghĩa, duy vật chủ nghĩa, Bất Khả Tri thuyết, Tam Điểm hội, Rosicrucianism hội, giáo phái chủ nghĩa, Xã Hội chủ nghĩa, Marxít-Lenin chủ nghĩa v.v. là những gì tách biệt con người khỏi Thiên Chúa. Một mặt, phủ nhận Vị Thiên Chúa bản vị đồng thời cũng phủ nhận việc hiện hữu của Satan như là một hữu thể bản vị, thay Vị Thiên Chúa chân thực bằng một thứ thần linh vô bản ngã là vị thần linh đồng hóa mình với thế giới vật chất và biến Satan thành một biểu hiệu thuần túy.

Cái ảnh hưởng này cũng chi phối cả các thần học gia của chúng ta nữa, thành phần ở những thời gian gần đây không còn nói về ma quỉ và thần thiêng nữa.

Thế nhưng, như một thứ tương phản cân bằng, con người lại cảm thấy nhớ nhung Thiên Chúa. Việc họ tìm kiếm những gì là siêu nhiên để giải quyết cho các vấn đề làm họ khốn khó vì họ tách mình khỏi Thiên Chúa, là việc khiến họ rơi vào tay của phong trào Thời Mới, một chủ nghĩa, bằng các thứ linh đạo gian trá cùng với các thứ giải quyết ma thuật và bí hiểm hư cấu, đã mở cửa cho những thứ hiện hình của quỉ ma nơi nhiều người chạy theo những thứ thực hành bí hiểm và ma thuật.  

Đó là lý do, theo sứ vụ liên tục Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, Giáo Hội đã thấy rằng cần phải làm sống lại những gì Giáo Hội cảm thấy thuộc về quá khứ những lại là những gì khẩn trương trong thời đại của chúng ta đây, đó là việc loan báo cho những ai đã lạc xa ơn cứu chuộc của Chúa Kitô là Đấng đã đến để giải thoát chúng ta khỏi các thứ đe dọa của Satan.

Vấn:     Người ta nói rằng ở một số quốc gia tình trạng phát triển của các thứ giáo phái Satan chưa được Giáo Hội giải quyết cách đầy đủ bởi thiếu các vị trừ quỉ. Cha có nghĩ vấn đề này phần nào đúng là như thế hay chăng?

Đáp:     Câu trả lời cho vấn đề này có liên hệ tới câu trả lời trước đây.

Thật vậy, thành phần tín hữu và linh mục của chúng ta đã bị nhận chìm vào biển cả của sự lẫn lộn do phong trào Thời Mới gây ra khiến chúng ta bị hỏa mù bởi những gì nó hỗn hợp, những lừa đảo và gian trá, khi mạo dụng các thứ linh đạo Đông phương pha phối với thuyết phiếm thần, cũng như với các thứ y học cổ truyền là những gì tự chúng là tặng ân Chúa ban hoàn toàn không liên quan gì tới quỉ thần, song hiệu quả của chúng lại được sử dụng bởi những tay cổ võ phong trào Thời Mới để lấy điểm cho họ và làm cho người ta tin rằng những gì họ nói đều là chân thực. 

Nó cũng khiến cho các giám mục và linh mục chúng tôi ngỡ ngàng, không biết phải làm sao và hành động thế nào trong biển cả của sự lẫn lộn này. Một số người hết sức lo sợ trước hiện tượng học được tỏ ra nơi những ai bị ảnh hưởng của ma quỉ này. Hoặc nó khiến họ tự vệ bằng một thứ ngờ vực dầy đặc trước những thực tại này, gán ghép những thực tại ấy cho những vấn đề về tâm lý hay cho những thứ bệnh nạn khó chữa và bởi thế không chăm sóc những thứ vấn đề tâm lý và bệnh nạn ấy.

Ngoài ra, các chủng viện đã không thực hiện việc sửa soạn cho việc giải quyết những vấn đề này. Vì tất cả những lý do đó, bằng những cuộc hội họp và hội nghị, cả ở cấp quốc gia lẫn quốc tế, chúng tôi đang tìm cách huấn luyện cho chính mình, thành phần chính thức trừ quỉ, cũng như cho tất cả mọi vị linh mục và thành phần giáo dân dính dáng đến nỗ lực mục vụ giải phóng.

Vấn:     Nhiều người, có lẽ ngay cả những tín hữu, không công nhận là có những con người bị quỉ ám. Trái lại, họ nghĩ rằng đó là một trong những vấn đề về tâm lý hay tâm thần. Làm sao một nhà trừ quỉ có thể phân biệt giữa những trường hợp bị quỉ ám với những tình trạng có tính chất bị khủng hoảng khác?


Đáp:     Giáo Luật và chính tân nghi thức trừ quỉ, cũng như Giáo Lý của Giáo Hội hoàn vũ, ấn định rằng, trước khi thi hành một việc trừ quỉ chính, cần phải nhận thức xem đó có phải là vấn đề bị quỉ ám thực sự hay chăng, hoặc chỉ là một thứ ám ảnh hay áp lực ma quái, bằng việc căn cứ vào các lời tham vấn về định bệnh của các vị bác sĩ y khoa và bác sĩ tâm thần, vị linh mục bao giờ cũng là người cần phải quyết định tối hậu, vì, ngoài ra, nghi thức trừ quỉ cũng cho biết đâu là những dấu hiệu có thể nói cho chúng ta hay hoặc dẫn chúng ta tới chỗ nghi rằng đó là một thứ bị quỉ ám thực sự: đó là họ nói hay hiểu được những ngôn từ lạ như thể là của họ; họ tỏ cho biết những điều kín ẩn hay xa xôi; họ tỏ ra có một sức mạnh vượt tuổi tác hay khả năng về thể lý, họ tách mình một cách dữ dội khỏi Thiên Chúa, có ác cảm với thánh danh Chúa Giêsu, Trinh Nữ Maria và các thánh, cũng như với các ảnh tượng thánh, các nơi thánh và vật thánh.


Vấn:     Tuy nhiên, đối với nhiều người, những trường hợp bị quỉ ám này có vể giống như những câu truyện phim ảnh ở Hồ Ly Vọng. Hình như sách lược của ma quỉ là muốn làm cho người ta cho rằng hắn không hiện hữu. Là một nhà trừ quỉ cha có nghĩ điều này đúng hay chăng?


Đáp:     Thật vậy, đúng như tôi đã thấy, Satan sử dụng một số những sách lược để tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa.


Những gì ma quỉ chuyên chú đó là làm cho chúng ta bị lẫn lộn, hoặc bằng cách làm cho chúng ta tin rằng hắn không hiện hữu và nếu hắn không hiện hữu thì cũng chẳng có hỏa ngục hay thiên đàng, nên chúng ta cũng chẳng cần phải sợ bị xa lìa Thiên Chúa.


Ngoài ra, thay vào đó, hắn hiện hình bằng những thứ áp đảo và ám ảnh để dữ dội hành hạ những ai mở cửa tiếp đón hắn, làm cho họ sợ hãi hắn và không cố gắng đóng cửa lại mà cứ tin tưởng vào hắn.


Đó là cách chúng ta có thể giải thích về việc tôn thờ Satan cũng như về cái chết lành thánh để chiếm được quyền năng, về ân huệ của hắn cũng như về việc bảo vệ của hắn. Satan là cha của những thứ dối trá và lừa đảo.


Vấn:     Tất cả mọi thừa tác vụ trong Giáo Hội đều là ân sủng của Thiên Chúa và là một thứ dịch vụ phục vụ anh chị em. Chính cha có nhận thấy thừa tác vụ trừ quỉ là một ân huệ đối với đời sống của mình hay chăng?


Đáp:     Cả đời sống của tôi là ân sủng Chúa ban: việc tôi lãnh nhận phép rửa là một tặng ân làm cho tôi trở thành con cái Thiên Chúa, làm phần tử của Giáo Hội và làm người đồng thừa tự vinh hiển với Chúa Kitô; thừa tác vụ linh mục của tôi, một tặng ân khiến tôi chó thể tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Người cũng như công cuộc cứu độ và việc phục vụ anh chị em tôi.


Thừa tác vụ trừ quỉ cũng là một tặng ân của ân sủng và tình thương của Người, mà trong cái ti tiểu của mình, cái chẳng là gì và hạn hữu của mình, làm cho tôi có thể cảm nghiệm được, như dụng cụ của Người, quyền năng giải phóng và cứu độ của Người nơi việc phục vụ anh chị em mình, một thứ quyền năng thôi thúc tôi và thúc đẩy tôi gắn bó với Ngài hơn nữa để tham dự vào cuộc chiến thắng của Người và nhờ đó với vinh hiển của Người.


Vấn:     Việc phục vụ của một nhà trừ quỉ đối với Giáo Hội cũng như đối với anh chị em mình ra sao? Nói cách khác, có trường hợp nào cha có thể nói cho chúng tôi biết về nó cho thấy thừa tác vụ của một nhà trừ quỉ như cha khiến cha có thể cảm nghiệm hoàn toàn ơn gọi của cha như là một con người và là một vị linh mục?


Đáp: Có nhiều trường hợp, khi thực hiện việc nguyện cầu giải phóng trên 24 năm qua, lúc mà tôi vẫn chưa trở thành một nhà trừ quỉ, tôi đã thấy được quyền năng Thiên Chúa ban cho thành phần linh mục chúng tôi được tham dự vào việc phục vụ anh chị em khốn khổ của mình. Phương pháp trị liệu của đức tin bằng việc cầu nguyện chữa lành, giải phóng và thứ tha là những gì người ta thành đạt mà khoa y học và tâm lý học không thể làm nổi.


Hiện nay, là một nhà trừ quỉ trong 6 năm qua, tôi đã thực hiện một số trường hợp bị quỉ áp đảo và ám ảnh. Những con người bị khốn khó và tuyệt vọng, thành phần sau khi đã tìm đến với đủ loại chuyên gia, với đủ vị lang băm và thày thuốc lại càng làm cho tình trạng của mình trở nên traâm trọng hơn.


Họ nghĩ rằng họ bị quỉ ám và tha thiết xin được khu trừ đi. Ở một số trường hợp, có những dấu hiệu khiến tôi nghi ngờ về sự hiện diện của quỉ ma hay bị quỉ ám, nên mặc dù không chắc chắn, cũng thực hiện một cuộc được gọi là chuẩn định trừ quỉ, tức là thực hiện việc nguyện cầu truyền khiến, để làm cho họ được bình an và yên ổn không cần phải thực hiện việc trừ quỉ một cách hết sức long trọng, mà chỉ cần tiếp tục bằng việc nguyện cầu giải phóng là đủ.


Thật là hết sức mãn nguyện khi giải phóng được những người anh chị em của tôi, bằng việc làm của thừa tác vụ khiêm tốn của mình, nhờ quyền lực của lời nguyện cầu, cũng như thấy được việc họ phát triển đức tin, qua việc truyền bá phúc âm và dạy giáo lý để làm cho họ hoán cải, canh tân đức tin và sống gắn bó với Chúa hơn, và thấy được họ tiếp tục sống đời hết sức yêu mến cùng tin tưởng vào Thiên Chúa.


Vấn:     Người ta cần phải làm gì khi họ nghĩ rằng họ là nạn nhận bị quỉ ám hay khi biết rằng có người ở trong trường hợp bị quỉ ám như thế?


Đáp:     Họ phải đến với vị linh mục coi xứ của họ và thực tình xưng thú để nhờ đó, ngay từ giây phút đầu vị linh mục có thể giúp họ.


Nếu vị linh mục coi xứ khám phá ra rằng có vấn đề bị ảnh hưởng bởi ma quỉ nhưng không có dấu hiệu bị quỉ ám, ngài cần phải cầu nguyện với họ với một nhóm giải phóng và đưa họ vào một nhóm truyền bá phúc âm hay phát triển đức tin hoặc vào một thừa tác vụ nào đó của giáo xứ.


Nếu vị linh mục coi xứ này nhận thấy có những dấu hiệu họ có thể bị quỉ ám hay cảm thấy mình không thể giải quyết được sự vụ thì ngài phải giới thiệu đến với vị trừ quỉ thuộc giáo phận của ngài hay vị trừ quỉ nào gần nhất. Họ không bao giờ được đi tìm thày tìm thuốc hay sử dụng bất cứ một thứ chữa trị ma thuật nào.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 16-17/9/2004
 

TỪ THÁNH THỂ ĐẾN HIỆN THẾ CÁNH CHUNG (tiếp Thứ 5 tuần trước)


Bởi vì, chất liệu được trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô chính là “hoa mầu ruộng đất” và “rượu bởi cây nho”. Nghĩa là, bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, qua lời vị chủ tế khẩn cầu trước mỗi lần Truyền Phép Thánh Hiến Bánh Rượu, những chất liệu thiên nhiên, tiêu biểu cho “toàn thể tạo vật” thuộc thế giới tự nhiên, sẽ được hoàn toàn biến đổi tận bản chất của mình, để trở thành thần linh và sự sống. Mỗi lần việc biến thể (transubstantiation), việc bánh trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu và rượu trở nên Máu Thánh Chúa Giêsu xẩy ra trên bàn thờ trong Thánh Lễ là mỗi lần nhắc nhở cho Kitô hữu Công Giáo chúng ta chân lý cánh chung này, đó là chính thân xác tầm thường, hèn hạ và chết chóc của chúng ta sau cùng cũng sẽ được biến đổi nên giống như thân xác linh thiêng, hiển vinh và bất tử của Chúa Giêsu Kitô: “Người sẽ ban cho thân xác thấp hèn của chúng ta một thể thức mới và tái tạo nó theo như khuôn mẫu của thân xác hiển vinh Người, bằng quyền năng Người bắt mọi sự suy phục Người” (Phil 3:21).

Vẫn biết, trong ngày sau hết “tất cả mọi kẻ chết sẽ sống lại nơi thân thể như họ đang có hiện nay” (Công Đồng Chung Lataranô IV năm 1215: DS 801), thế nhưng, chỉ có “những ai làm lành thì phục sinh để được sống, còn ai hành ác thì phục sinh để chịu luận phạt” (Jn 5:29; x Dan 12:2; Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 998). Tức là thân xác của kẻ lành mới được biến đổi nên giống như thân xác vinh hiển của Chúa Kitô Phục Sinh, còn thân xác của thành phần hư đi tuy cũng được biến đổi thành linh thiêng nhưng lại là một tình trạng linh thiêng giống như ma quỉ trong hỏa ngục. Yếu tố chính yếu làm cho thân xác của kẻ lành được biến đổi trở thành vinh hiển giống như thân xác của Chúa Kitô Phục Sinh, hoàn toàn khác với thân xác của thành phần đời đời hư đi trong hỏa ngục chính là Sự Sống nơi kẻ lành khi còn sống trên trần gian trước khi chết, một Sự Sống họ đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa: “Nhờ phép rửa trong sự chết của Người, chúng ta đã được mai táng với Người, để như Đức Kitô nhờ vinh quang của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, chúng ta cũng được sống một sự sống mới như vậy” (Rm 6:4).

“Sự sống mới” đây là gì, nếu không phải, về phương diện thần học, là chính sự sống “tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:21), sự sống toàn thể tạo vật mong đợi nơi họ để được giải phóng và thông phần vào, sự sống được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với toàn thể thiên nhiên tạo vật như ngay từ khi con người còn ở trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy (x Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 399-400). Về phương diện tu đức, “sự sống mới” “tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa”, chính là “sống không theo xác thịt song theo thần trí” (Rm 8:4; x Col 5:16), vì “xác thịt hướng về sự chết còn thần trí hướng về sự sống và bình an” (Rm 8:6): “Nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết; nhưng nếu bởi thần trí anh em tiêu diệt những việc xấu xa của thân xác anh em sẽ sống” (Rm 8:13). “Những việc xấu xa của thân xác” hay của “xác thịt là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Col 5:19-21); còn những việc hay “hoa trái của thần trí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Col 5:22-23).

“Người ta chỉ gặt gái những gì họ đã gieo vãi. Nếu họ gieo vãi nơi thửa ruộng xác thịt, họ sẽ gặt hái được mùa màng băng hoại; nhưng nếu hạt giống gieo xuống của họ là thần trí thì họ sẽ gặt được sự sống trường sinh” (Gal 6:8). Đúng thế, “mùa gặt đây là tận thế” (Mt 13:39), lúc mà “Đấng ngự trên ngai phán phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự... Xong cả rồi! Ta là Alpha và Ômega, là Khởi Nguyên và là Cùng Tận. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta. Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ dối trá điêu ngoa, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh ngùn ngụt cháy: đó là cái chết lần thứ hai’” (Rev 21:5-8).

Thiên Chúa chỉ hứa cứu chuộc con người tạo vật khỏi cái chết lần thứ nhất mà thôi, như lời Ngài hứa với hai nguyên tổ sau khi sa phạm đó là Ngài sẽ cho “miêu duệ người nữ... đạp nát đầu” (Gen 3:15), “con cựu xà, tức Satan, tên cám dỗ cả thế gian” (Rev 12:9). Đức Giêsu Kitô, con của Đức Maria, “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc giòng dõi Đavít” (Lk 1:27), thực sự đã “đạp nát đầu” (Gen 3:15) con cựu xà Satan bằng tử giá cứu độ của mình: “Chính vì để phá hủy các việc làm của ma quỉ mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra” (1Jn 3:8); “Một khi Tôi bị treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Đúng thế, nhờ cuộc tử giá của Chúa Kitô, “Vị Mục Tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên” (Jn 10:11), mà đàn chiên Kitô hữu môn đệ của Người, qua Bí Tích Rửa Tội đã “được sự sống” (Jn 10:10), và qua Bí Tích Thánh Thể, còn được hưởng “một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10), một sự sống phát xuất từ chính huyết nhục của Mẹ Maria được “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) mặc lấy: “Thịt Tôi là của ăn thật, máu Tôi là của uống thật. Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ” (Jn 6:55-56).

Thật vậy, Thiên Chúa nhập thể làm người không phải chỉ để trở thành một Vị “Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Mt 1:23; Is 7:14) một cách tổng quát chung chung vậy thôi, mà Người còn muốn ở với và ở trong mỗi người chúng ta nữa, vì Người thương từng con chiên của Người, dù là con chiên lạc đàn duy nhất (x. Mt 18:10-14). Bởi thế, Người không chỉ muốn ở trong hồn thiêng bất tử của chúng ta bằng Ơn Thánh của Người mà thôi, Người còn muốn thực sự ở trong thân xác tro bụi hèn hạ tầm thường của chúng ta nữa bằng chính Thánh Thể của Người, vì Người chẳng những muốn cứu linh hồn chúng ta khỏi tội lỗi bằng Thánh Giá của mình, Người còn muốn cứu cả thân xác hữu hình và hữu hạn của chúng ta khỏi sự chết bằng Thánh Thể của Người nữa, nghĩa là Người muốn cả thân xác của chúng ta cũng sẽ được sống lại như thân xác hiển vinh của Người trong ngày sau hết.

Như thế, quả thật Thánh Thể có liên quan hết sức mật thiết đến “việc cứu độ của thân xác chúng ta” (Rm 8:23): “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, phần Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:54). Tuy nhiên, tác nhân làm cho thân xác của những ai ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô sống lại trong ngày sau hết giống như thân xác vinh hiển của Người đây là ai, nếu không phải là chính Thánh Linh, Đấng bao giờ cũng được Giáo Hội cầu khẩn trước khi thánh hiến bánh rượu trên bàn thờ, để nhờ Ngài bánh rượu được trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô: “Nếu Thần Linh của Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em thì Đấng đã phục sinh Chúa Kitô từ trong kẻ chết sẽ mang sự sống đến cho thân xác chết chóc của anh em, bằng Thần Linh của Ngài ở trong anh em” (Rm 8:11).

Tuy nhiên, không phải cho đến khi thân xác con người ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh Chúa Kitô khi còn sống sắp phục sinh từ trong cõi chết Thần Linh của Thiên Chúa mới “mang sự sống đến cho thân xác chết chóc” của họ, mà là ngay từ khi họ còn sống trong thân xác của họ trên thế gian này. Ở chỗ, “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” (Kinh Tin Kính) làm cho họ càng ngày càng nhận biết Chúa Kitô hơn (x Jn 16:13), để rồi, nhờ nhận biết Chúa Kitô, một nhận biết chính là sự sống trường sinh (x Jn 17:3), họ sẽ sống Chúa Kitô, tức sẽ tác hành như Chúa Kitô, đến nỗi, không phải họ sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong họ (x Gal 2:20), một sự sống khiến cho những ai thấy họ là nhận ra Chúa Kitô (x Jn 13:15).

Sự sống Chúa Thánh Thần làm cho thế gian nhận ra Chúa Kitô nơi những ai lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô đây chính là sự sống “yêu thương như Thày yêu” (Jn 15:12, x 13:34), một tình yêu cao cả đã hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x Jn 15:13). Như thế, khi Kitô hữu sống tình yêu cao cả này của Chúa Kitô và như Chúa Kitô là họ chẳng những thực sự “cử hành mầu nhiệm thánh” (theo lời kêu gọi thống hối mở đầu mỗi Thánh Lễ), cử hành Mầu Nhiệm Yêu Thương của Thiên Chúa được lập lại trong Hiến Tế Thánh Thể, một mầu nhiệm đòi con người phải biết yêu thương tha thứ cho nhau mới hội đủ điều kiện xứng đáng để dâng tiến (x Mt 5:23-24), mà họ còn thực sự “làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19; 1Cor 11:24) ngay trong cuộc sống của họ nữa, chứ không phải chỉ ở trên bàn thờ khi dâng lễ thôi, vì họ làm cho biến cố Tử Giá Cứu Độ có tác dụng “một lần là vĩnh viễn” (Heb 7:27, 10:10; 1Pet 3:18) của Chúa Kitô tái diễn “cho tới khi Chúa lại đến” (như lời tung hô sau truyền phép), một cách hiển nhiên và sống động trên thế gian, chứ không phải một cách bí tích và mầu nhiệm chỉ có ở trong phụng vụ và nội bộ cộng đồng Dân Chúa mà thôi.

Nếu cuộc đời của những người lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô sống Tình Yêu cao cả của Người thực sự cử hành một Thánh Lễ sống động như thế, thì bản thân họ, nhân tính của họ nói chung và thân xác của họ nói riêng, như Chúa Kitô, cũng đã trở thành một “con chiên bị đem đi sát tế” (Is 53:7), một “con chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Jn 1:29). Vì “theo Con Chiên đi đến bất cứ nơi nào Con Chiên đến” (Rev 14:4) như vậy mà “khi Con Người đến trong vinh quang, ngự trên ngai, có tất cả các thiên thần hầu chực và muôn dân tụ họp trước nhan Người” (Mt 25:31-32), họ mới là thành phần “chiên ở bên phải Người” (Mt 25:33), thành phần được Người nhận biết và tưởng thưởng hết sức xứng đáng vì những việc họ làm “khi họ còn sống ở trong thân xác” (2Cor 5:10) để đáp ứng những nhu cầu cụ thể hầu như liên quan trực tiếp đến thể lý của tha nhân là những con người vô cùng cao quí đã được chính Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô đồng hóa với Người: “Hãy đến. Các con được Cha Ta chúc phúc! Hãy hưởng vương quốc đã sắm sẵn cho các con từ khi tạo thành thế gian. Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống. Khi Ta là khách lạ các con đã đón nhận Ta, trần truồng các con đã cho Ta mặc. Khi Ta đau yếu các con đã an ủi Ta, tù ngục các con đã đến viếng thăm Ta... vì bao lâu các con làm như thế cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các con làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:35- 36, 40).

Nếu con người lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô thực sự có thể sống Chúa Kitô, có thể yêu thương như Người đã yêu thương, thì không phải là thân xác của họ đang được Thần Linh của Người biến đổi làm cho nên giống thân xác vinh hiển của Người ngay ở đời này rồi hay sao? Ở chỗ, xác thịt vốn là một thực thể hướng chiều về sự chết (x Rm 8:6): “Cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt” (Jn 3:6), lại có thể sinh hoa trái sự sống yêu thương. Vậy để biết mình đã hơn một lần hay vẫn thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô có thực sự sống sự sống của Người hay chưa, tức đã được Thần Linh của Người biến đổi hay chưa, chúng ta hãy thực tâm xét mình lại xem, về phần tiêu cực, chúng ta có còn dùng miệng lưỡi vẫn há ra rước lấy Thánh Thể vô cùng cao trọng của Người để nói hành, nói xấu, chê bai, hành tỏi nhau, hoặc có còn tự nhiên ham thích khoái lạc xác thịt thấp hèn cả về tình dục và cảm quan, cả về việc đua đòi tiện nghi và say sưa chè chén, trái lại, về mặt tích cực, chúng ta có biến thân xác của mình trở thành khí cụ cho đức chính trực (x Rm 6:13) trong việc phục vụ tha nhân, tức trở thành bánh nuôi sống nhân gian chăng? Nếu chưa hay rồi, chúng ta cũng hãy Sống Thánh Thể hơn nữa, bằng cách “liên lỉ mang trong mình cái chết của Chúa Giêsu để sự sống của Chúa Giêsu được tỏ hiện trong thân xác của chúng ta” (2Cor 4:10).


Tổng Giáo Phận Los Angeles Tam Nhật Thánh, 20-22/4 Năm Thánh 2000
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ