GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 2/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.
__________________
NGÀY 13 CHÚA NHẬT I MÙA CHAY TRONG NĂM THÁNH THỂ |
ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa
Chương II (tiếp)
Ngày của Đức Kitô – Dies Christi
Ngày của Chúa Phục Sinh và của Tặng Ân Thánh Linh
Ngày của Chúa Kitô Ánh Sáng
27. Nhãn quan lấy Chúa Kitô làm tâm điểm này chiếu tỏa ánh sáng trên một biểu hiệu khác nữa cũng được suy tưởng của Kitô giáo và việc thực hiện mục vụ ghép cho là Ngày Của Chúa. Trực giác khôn ngoan về mục vụ đã gợi ý cho Giáo Hội việc kitô hữu hóa quan niệm về Chúa Nhật như “ngày của mặt trời”, tên gọi theo người Rôma bấy giờ và vẫn còn tồn tại nơi một số ngôn ngữ hiện đại (29). Việc làm này là để kéo tín hữu khỏi bị thu hút bởi những thứ sùng bái tôn thờ mặt trời, cũng như để qui việc cử hành của ngày này về Chúa Kitô là “mặt trời” đích thực của nhân loại. Khi viết cho các dân ngoại, Thánh Justinô đã sử dụng ngôn ngữ của thời ấy để ghi nhận rằng Kitô hữu qui tụ nhau “vào ngày được gọi theo danh xưng mặt trời” (30), thế nhưng, đối với tín hữu, lối diễn tả này đã mặc lấy một ý nghĩa mới thực sự được bắt nguồn từ Phúc Âm (31). Chúa Kitô là ánh sáng thế gian (x Jn 9:5; và cả 1:4-5,9), và trong việc tính ngày hằng tuần, ngày tưởng niệm việc Phục Sinh của Người là phản ảnh kéo dài của việc hiển linh vinh hiển của Người. Đề tài Chúa Nhật là ngày được chiếu sáng bởi cuộc chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh cũng được thấy trong Phụng Vụ Giờ Kinh (32) và được đề cao trong Pannichida là các phụng vụ lễ vọng Đông phương sửa soạn cho Chúa Nhật. Từ đời nọ đến đời kia khi qui tụ lại vào ngày này, Giáo Hội cảm nhận được nỗi ngỡ ngàng như của tư tế Zacaria khi ông hướng về Chúa Kitô, thấy được nơi Người rạng đông “chiếu soi cho những ai ngồi trong tăm tối và bóng sự chết” (Lk 1:78-79), và Giáo Hội cũng làm âm vang cả niềm vui của ông già Simêon khi ông ẵm trong tay Con Trẻ thần linh đã xuất hiện như “ánh sáng chiếu soi các Dân Ngoại” (Lk 2:32).
Ngày của tặng ân Thần Linh
28- Chúa Nhật, ngày ánh sáng, còn có thể được gọi là ngày “lửa”, một ngày liên quan tới Thánh Linh. Ánh sáng Chúa Kitô có liên hệ mật thiết với “lửa” Thần Linh, và cả hai hình ảnh này cùng nhau nói lên ý nghĩa của Chúa Nhật Kitô giáo (33). Khi hiện ra với các vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thở hơi trên các vị mà nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội của họ được thứ tha; các con cầm tội ai thì tội của họ bị cầm buộc” (Jn 20:22-23). Việc tuôn đổ Thần Linh xuống là tặng ân cao cả của Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người vào Chúa Nhật Phục Sinh. Cũng vào Chúa Nhật, năm mươi ngày sau Phục Sinh, Thần Linh đã ngự xuống trong quyền năng, như “một luồng gió mạnh” và như “lửa” (Acts 2:2-3) trên các vị Tông Đồ quay quần bên Mẹ Maria. Hiện Xuống chẳng những là biến cố khai sinh của Giáo Hội mà còn là một mầu nhiệm vĩnh viễn ban sự sống cho Giáo Hội nữa (34). Biến cố này có thời điểm phụng vụ quyết liệt riêng của mình trong việc cử hành hằng năm để kết thúc “Đại Chúa Nhật” (35), nó còn là một phần làm nên ý nghĩa sâu xa của mỗi Chúa Nhật, vì mối liên hệ mật thiết của nó với Mầu Nhiệm Vượt Qua. Bởi thế, “Ngày Phục Sinh hằng tuần”, ở một nghĩa nào đó, trở thành “Ngày Hiện Xuống hằng tuần”, khi Kitô hữu sống lại cuộc hội ngộ hân hoan của các vị Tông Đồ với Chúa Kitô Phục Sinh và lãnh nhận hơi thở ban sự sống Thần Linh của Người.
Ngày của đức tin
29. Nếu những chiều kích khác nhau này làm cho nó nên đặc biệt thì Chúa Nhật trở thành như là một ngày đức tin cao cả. Nó là ngày mà, bởi quyền lực Thánh Linh, Đấng là “ký ức” sống động của Giáo Hội (x Jn 14:26), việc hiện ra lần đầu tiên của Chúa Kitô Phục Sinh trở thành một biến cố được tái diễn vào “ngày hôm nay” của mỗi người môn đệ Chúa Kitô. Qui tụ lại thành cộng đoàn Chúa Nhật trước sự hiện diện của Người, tín hữu cảm thấy mình được kêu gọi giống như Tông Đồ Tôma là: “Con hãy đặt ngón tay của con vào đây và hãy nhìn xem tay của Thày. Con hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thày. Đừng ngờ vực nữa song hãy tin tưởng” (Jn 20:27). Phải, Chúa Nhật là ngày đức tin. Điều này được nhấn mạnh ở sự kiện là phụng vụ Thánh Thể Chúa Nhật, như phụng vụ của các ngày lễ trọng khác, đều bao gồm việc Tuyên Xưng Đức Tin. Kinh Tin Kính, được đọc hay hát, nói lên cho thấy tính chất thanh tẩy và Vượt Qua của Chúa Nhật, làm cho nó thành một ngày thành phần đã lãnh nhận phép rửa đặc biệt lập lại việc gắn bó của họ với Chúa Kitô cũng như với Phúc Âm của Người một cách ý thức mới mẻ về các lời hứa rửa tội của họ. Khi lắng nghe lời Chúa và lãnh nhận Mình Chúa, thành phần lãnh nhận phép rửa chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện nơi “các dấu thánh” và cùng với Tông Đồ Tôma tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi!” (Jn 20:28).
Một ngày bất khả châm chước!
30. Bởi thế, đó là lý do rõ ràng cho thấy, thậm chí ngay cả trong những lúc khó khăn của chúng ta, cần phải bảo vệ cái căn tính của ngày này, nhất là cần phải sống sâu xa căn tính ấy. Một văn sĩ Đông phương vào đầu thế kỷ thứ ba đã thuật lại rằng ngay từ thời ấy tín hữu ở hết mọi miền đã thường xuyên giữ Chúa Nhật là ngày thánh (36). Những gì bắt đầu được thực hiện một cách tự động sau này trở thành một qui tắc buộc giữ theo luật định. Ngày Của Chúa đã cấu tạo nên lịch sử của Giáo Hội qua hai ngàn năm trường: làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Nhật sẽ không tiếp tục hình thành tương lai của Giáo Hội chứ? Những thứ áp đảo của ngày hôm nay có thể làm cho nó trở thành khó khăn hơn trong việc giữ trọn luật buộc Chúa Nhật; và, bằng một cảm quan của một người mẹ, Giáo Hội xét đến các hoàn cảnh của từng người con cái của mình. Giáo Hội đặc biệt cảm thấy mình được kêu gọi để tái dấn thân vào việc giảng dạy giáo lý và mục vụ để bảo đảm là, trong sinh hoạt bình thường của cuộc sống, không một người con nào của mình bị mất mát nguồn ân sủng phong phú tuôn tràn do việc cử hành Ngày Của Chúa mang lại. Chính trong tinh thần này mà Công Đồng Chung Vaticanô II, khi loan báo về việc có thể canh tân lịch Giáo Hội để ăn khớp với các ngày lễ dân sự khác nhau, đã tuyên bố rằng Giáo Hội “chỉ sẵn sàng chấp nhận những sắp xếp nào bảo tồn một tuần lễ có 7 ngày bao gồm cả Chúa Nhật” (37). Với nhiều ý nghĩa và khía cạnh của mình, cùng với việc nó liên hệ với chính những nền tảng đức tin, việc cử hành Chúa Kitô Kitô giáo vẫn là một yếu tố bất khả châm chước của căn tính Kitô hữu chúng ta trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba.
Cuộc Họp Thượng Đỉnh lịch sử giữa Do Thái và Palestine với thành quả: thỏa hiệp Ngưng Chiến
Đúng như đã được dự định, hai vị lãnh đạo cao cấp của hai bên Do Thái là Thủ Tướng Ariel Sharon và Tân Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Mahmound Abbas đã gặp nhau hôm Thứ Ba 8/2/2005, tại Sharm El-Sheikh Ai Cập, và kết quả đã đi đến chỗ quyết định ngưng chiến.
Tân Tổng Thống Abbas cho biết sau cuộc họp thượng đỉnh này rằng: “Chúng tôi đã đồng ý với Thủ Tướng Sharon ngưng tất cả mọi thứ bạo lực phạm đến nhân dân Do Thái cũng như nhân dân Palestines ở bất cứ nơi nào”.
Ngay sau lời tuyên bố này của vị tân tổng thống phe Palestine, nhóm khủng bố Hamas bảo thủ Hồi giáo đã phổ biến một bản văn cho biết đó không phải là một đảng phái đồng ý mà chỉ là chủ trương của Thẩm Quyền Palestine mà thôi.
Cuộc họp thượng đỉnh lịch sử, sau hơn 4 năm này, đã diễn ra tại khu nghỉ mát Biển Đỏ Sharm el-Aheikh, một cuộc họp được điều hành bởi chính Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak và Quốc Vương Jordan Abdullh II.
Thủ Tướng Sharon cho biết: “Chúng tôi thực sự hy vọng hôm nay sẽ là ngày đánh dấu một cuộc tái bắt đầu tiến trình hướng về một tương lai tốt đẹp hơn giúp chúng ta tới chỗ tương kính và sống bình an ở Trung Đông”.
Vị Tân Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Abbas cũng có cùng một nhận định: “Một cơ hội mới cho hòa bình được phát hiện”.
Hai nước Jordan và Ai Cập, theo các viên chức ngoại giao cho biết, đã tuyên bố là chính phủ của họ sẽ tái thiết lập các vị lãnh sự với Do Thái sau 4 năm rút lui. Cả hai quốc gia này đều giữ bản hiệp ước hòa bình với nước Do Thái, song đã rút các vị lãnh sự của họ về sau khi xẩy ra cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestine gia tăng vào tháng 9/2000.
Chính tại địa điểm của cuộc họp thượng đỉnh lần này cũng là cuộc họp thượng đỉnh của hai khối này vào tháng 10/2000. Bấy giờ có khoảng 100 người, hầu hết là Palestine đã bỏ mạng trong 3 tuần lễ bạo động chung quanh cuộc họp thượng đỉnh lần ấy, lần được Tổng Thống Bill Clinton làm trung gian và diễn tiến giữa Thủ Tướng Do Thái Ehud Barak và cố lãnh đạo gia Palestine Yasser Arafat, với thành quả là “một bản văn cố ý” chấm dứt chiến tranh không chữ ký, và các cuộc đụng độ giữa hai bên ở Gaza và Tây Ngạn cứ tiếp tục càng ngày càng kinh hoàng dường như không lối thoát.
Tổng Thống George Bush cũng đã gặp các vị lãnh đạo Khối Ả Rập vào tháng 6/2003 trong chuyến đi bao gồm cả cuộc gặp gỡ ở Jordan hai vị thủ tướng hai bên là Sharon và Abbas (bấy giờ đang làm thủ tướng). Tổng Thống Bush, trong cuộc họp Nội Các hằng tuần hôm Thứ Hai 7/2/2005 vừa rồi tỏ ra mong gặp gỡ riêng từng vị lãnh tụ của hai khối này vào mùa xuân tới đây, (như nội trưởng Rica đã cho biết sau khi bà gặp riêng từng vị này hôm Chúa Nhật và Thứ Hai vừa qua), và bày tỏ nhận định của mình về hai nhà lãnh tụ này như sau:
“Tôi đã lấy làm cảm phục việc Thủ Tướng Abbas từng dấn thân dẹp bỏ nạn khủng bố. Tôi cũng lấy làm cảm phục về sự kiện Do Thái giúp cho những người Palestine thực hiện việc bầu cử, thực hiện đường lối để bảo đảm dân chúng có thể đến các trạm phiếu”.
Cuộc họp hôm Thứ Ba 8/2/2005 lần này là lần đầu tiên giữa Thủ Tướng Sharon và Tân Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Abbas từ sau khi vị này trúng cử thay thế cố lãnh tụ Arafat.
Sau cuộc bấu cử cho Abbas, hai bên đã tin tưởng thực hiện những gì có thể liên quan đến tình hình an ninh, đến tù nhân Palestine cũng như đến việc rút quân của Do Thái khỏi các vùng của Palestine. Trong khi tân Tổng Thống Abbas đã dàn lực lượng an ninh trong các lãnh thổ của Palestine để ngăn chặn các cuộc khủng bố tấn công của bên ông thì các viên chức Do Thái đã chấp thuận việc thả một số tù nhân Palestine. Tuần vừa rồi, tiểu ban Nội Các Do Thái đã chấp thuận chấm dứt việc sát hại những tay hiếu chiến Palestine đáng ngờ vực cũng như việc rút quân khỏi 5 thành phố ở Tây Ngạn.
Những nỗ lực của đôi bên sau thỏa hiệp ngưng chiến
Sau thỏa hiệp ngưng chiến là thành quả của cuộc họp thượng đỉnh hôm Thứ Ba 8/2/2005 giữa Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon và Tân Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Mahmoud Abbas, đôi bên đã bắt đầu thực hiện những gì mình hứa quyết.
Bên phía Palestine, một cuộc gặp gỡ giữa vị tân tổng thống và các lãnh tụ thuộc hai nhóm chiến đấu quân của Palestine, là những nhóm nhất định không đội trời chung với Do Thái, đã diễn ra ở Gaza vào đầu tuần lễ xẩy ra cuộc họp thượng đỉnh. Đó là Nhóm Hamas, một tổ chức bảo thủ Hồi giáo Palestine, bị Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách khủng bố, và
Nhóm Thánh Chiến Hồi giáo Palestine, dưới quyền lãnh đạo hiện nay của Nafez Azam (hình bên), là nhóm chiến đấu quân dấn thân kiến tạo một quốc gia Palestine Hồi giáo và hủy diệt Do Thái.
Nhóm Hamas đã hứa ngưng việc bạo động chống người Do Thái như là một phần ngừng chiến chung của tất cả mọi nhóm chiến đấu quân, bao gồm cả nhóm quân lực thuộc phong trào Fatah của Tổng Thống Abbas, một phong trào ái quốc Palestine chính thức của Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO: Palestine Liberation Organization) dấn thân để hình thành một quốc gia Palestine độc lập.
Nhóm Hamas cũng đồng ý thôi những hành động trả đũa nếu những người Palestine bị người Do Thái tấn công, và sẽ tham vấn với Thẩm Quyền Palestine trước khi rat ay hành động. Nhóm này cũng muốn Do Thái ngưng lại các cuộc tấn công thành phần lãnh đạo cao cấp của mình và không xâm lấn vào các lãnh thổ của Palestine. Vị tân lãnh đạo của nhóm này là Mahmoud Zahar (hình bên) đã tuyên bố rằng: “Nếu (những người Do Thái) thôi việc tấn công của họ bằng mọi cách, nhắm người, phá hủy, chiếm cứ và những cách thức khác, chúng tôi sẽ tuyên bố chúng tôi nhất định im hơi lặng tiếng”.
Hôm Thứ Năm 10/2/2005, Tổng Thống Abbas đã bãi nhiệm 3 viên chức an ninh chính của mình sau khi các chiến đấu quân Palestine bắn súng cối vào các cộng đồng Do Thái ở Gaza. Ba viên chức an ninh này là Omar Ashur, tư lệnh an ninh vùng nam Gaza cùng với một số nhân viên của vị tư lệnh này, cũng như Maj. Gen. Abdel Razek Majaidem, vị thủ lãnh lực lượng Phòng Vệ An Ninh Quốc Gia, và Saeb al-Ajis, tư lệnh lực lượng cảnh sát.
Còn bên Do Thái, hôm Thứ Bảy 12/2/2005, đã loan báo rằng họ sẽ thả 56 người Palestine bị trục xuất khỏi nhà của mình ở Tây Ngạn về, kể cả những tay chiến đấu quân Palestine, trong đó có Ganem Swelem (hình bên) là phát ngôn viên của nhóm dính dáng đến vụ Nhà Thờ Giáng Sinh ở Bêlem gần ba năm trước. Vụ Nhà Thờ Giáng Sinh ở Bêlem vào mùa xuân năm 2002 này đã được giải quyết bằng việc đầy 13 tay “khủng bố có hạng” của Palestine bị lực lượng Do Thái công hãm từ ngày 2/4 đến 10/5/2002 ở ngôi thánh đường này sang Âu Châu đến các quốc gia Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, Canada, Áo và Luxembourg.
Sau đây là những lời phát biểu của hai vị lãnh tụ hai bên trong cuộc họp Thượng Định lịch sử hướng về một tương lai hòa bình ở Thánh Địa và Trung Đông này.
(còn tiếp)