GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 17 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

“Con phải ở lại thế gian lâu hơn…để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”

 (TIẾP và HẾT)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Lucia: Vai Chính trong Lược Sử Fatima Biên Niên

 

Mùa Hè 1915: Lucia thấy 3 lần khác nhau cùng một hiện tượng là có một hình người bằng mây lơ lửng trên thung lũng ở sườn phía nam Cabeco.

 

Mùa Xuân 1916: Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với Lucia, Phanxicô và Giaxinta lần thứ nhất, ở Loca do Cabeco, dạy ba trẻ cầu nguyện đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

Mùa Hè 1916: Thiên Thần Bảo Hộ Bồ Đào Nha cũng là Thiên Thần Hòa Bình trên lại hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima lần thứ hai, ở Arneiro, dạy ba trẻ hy sinh đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

Mùa Thu 1916: Thiên Thần trên hiện ra với ba trẻ lần thứ ba, ở Pregueira, sau trưa, cho ba trẻ rước Thánh Thể đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể và cầu cho tội nhân.

 

13/5/1917: Đức Mẹ hiện ra trên cây sồi ở Cova da Iria lần thứ nhất với 3 trẻ, muốn các em đến chỗ Mẹ hiện ra vào ngày 13 trong 6 tháng liền và muốn các em tự dâng mình làm vật hy sinh đền tạ Chúa cầu cho các tội nhân. Vào chính ngày hôm nay, ĐTC Piô XII được thụ phong giám mục. Cũng trong năm này,

một tháng trước, 16/4, Lenin về nước bắt đầu cuộc cách mạng Vô Sản gọi là Cách Mạng Tháng Mười.  

 

13/6/1917: Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ lần thứ hai, cho các em biết về số phận của mỗi em, hai em nhỏ Phanxicô và Giaxinta được về trời sớm còn Lucia lớn nhất phải ở lại thế gian lâu hơn để làm cho Mẹ Maria được nhận biết và yêu mến theo ý của Chúa Giêsu muốn dùng em.

 

13/7/1917: Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ lần thứ ba, cho các em thấy hỏa ngục và tỏ cho các em biết toàn bộ Bí Mật Fatima 3 phần: phần nhất là thị kiến về bí mật hỏa ngục với những linh hồn bị hư đi vô cùng khốn nạn; phần hai là bí mật về lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là phương thế cứu rỗi tội nhân và mang lại hòa bình cho thế giới; và phần ba là thị kiến về bí mật đã được Mẹ nói đến ở phần bí mật thứ hai, đó là sự kiện “Nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc khắp thế giới, gây ra những trận chiến tranh và các cuộc bắt bớ Giáo Hội. Kẻ lành sẽ bị tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ, một số quốc gia sẽ bị hủy diệt”.

 

19/8/1917: Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ lần thứ 4. Lần này ở một nơi khác, đó là Valinhos, và vào ngày khác (vì vào chính ngày 13 các em bị chính quyền địa phương giam giữ, hạch hỏi về Bí Mật Fatima, nh77ng các em dù có bị dọa cho vào vạc dầu sôi cũng nhất định thà chết chứ không nói ra như Mẹ căn dặn), và cũng chính vào lần này Mẹ đã hứa vào tháng cuối cùng Mẹ sẽ làm một phép lạ để mọi người tin, và Mẹ cho biết các linh hồn hư đi vì không ai chịu hy sinh cầu cho họ.

 

13/9/1917: Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ lần thứ 5, tại địa điểm cũ là Cova da Iria. Lần này Mẹ cho các em biết Thiên Chúa hài lòng về những hy sinh của các em và Mẹ cũng lập lại lời hứa làm phép lạ vào tháng

cuối cùng.

 

13/10/1917: Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ lần thứ 6 để tỏ cho các em biết Mẹ là ai và Mẹ muốn gì, như đã  hứa với các em ngay lần hiện ra đầu tiên. Mẹ cũng thực hiện lời hứa làm cho mọi người tin bằng phép lạ mặt trời nhảy múa. Riêng Lucia được thị kiến thánh Giuse và Chúa Hài Đồng ban phép lành cho thế

giới. Một tháng sau khi kết thúc 6 lần hiện ra tại Fatima của Đức Mẹ, ngày 7/11, cách mạng Vô Sản ở Nga do Lenin lãnh đạo thành công.

 

6/8/1918: Bắt đầu khởi công xây nhà thờ theo như Đức Mẹ muốn.

 

4/4/1919: Phanxicô được Đức Mẹ đem về trời sớm, đúng như Người đã cho 3 trẻ biết vào lần hiện ra thứ hai, hưởng thọ gần 11 tuổi. Phanxicô vào đời ngày 11/6/1918.

 

20/2/1920: Giaxinta cũng được Đức Mẹ đem về trời sớm như anh Phanxicô, hưởng thọ 10 tuổi. Giaxinta được sinh ra ngày 11/3/1910.

 

5/8/1920: Địa phận Liera, một địa phận bao gồm cả phần đất Fatima, được thành lập, với vị giám mục đầu tiên là José Alves Correi da Silva được Toà Thánh bổ nhiệm cai quản địa phận vào ngày này, cho đến khi ngài qua đời ngày 4/12/1957.

 

13/6/1921: Đức Giám Mục địa phận Liera bắt đầu phỏng vấn Lucia về hiện tượng Fatima.

 

17/6/1921: Lucia phải rời Fatima để việc điều tra về hiện tượng Fatima của giáo quyền địa phương được dễ dàng hơn, theo ý của đức giám mục sở tại.

 

13/10/1921: Thánh lễ đầu tiên được dâng tại Nguyện Đường Hiện Ra ở Cova da Iria.

 

6/3/1922: Ngôi nhà thờ đầu tiên được khởi công xây dựng từ ngày 6/8/1918 bị hai trái bom tàn phá. Nhưng, theo bức thư mục vụ của đức giám mục da Silva phổ biến ngày 3/5/1922, người ta lại càng đến đông hơn khi tái thiết một nhà thờ khác ở đó.

 

24/10/1925: Lucia nhập dòng thánh Đôrôthêô và khấn dòng ngày 3/10/1934 với tên dòng là Maria Das Dores.

 

10/12/1925: Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng hiện ra với Lucia ở Pontevedra, Tây Ban Nha, để kêu gọi đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bằng cách giữ những việc làm như Mẹ muốn trong 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liền.

 

15/2/1926: Chúa Hài Đồng hiện ra với Lucia nhắc hỏi Lucia về việc phổ biến lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ.

 

17/12/1927: Chúa Giêsu cho Lucia biết phải làm thế nào để chu toàn đức vâng lời về việc viết ra bí mật Fatima thứ hai liên quan đến Trái Tim Mẹ.

 

13/6/1929: Đức Mẹ cùng với Chúa Kitô tử giá có chén thánh và bánh thánh hiện ra với Lucia ở Tuy, Tây Ban Nha, để báo cho Lucia biết đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hợp cùng với các giám mục trên thế giới dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Lần hiện ra này, cùng với lần 10/12/1925, Mẹ đã hoàn tất đúng như những gì Mẹ đã báo trước vào ngày 13/7/1917, khi tiết lộ Bí Mật Fatima phần 2, đó là: “Mẹ sẽ trở lại để xin hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và Rước Lễ Đền Tạ vào các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng”.

                                                         

1/10/1930: Đức giám mục địa phận Liera, dựa vào tường trình của ủy ban điều tra của giáo phận được kết thúc vào ngày 14/4/1929, đã ra một bức thư mục vụ tựa đề “Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa” xác nhận việc Mẹ hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima là thật và cho phép tôn sùng Mẹ Fatima.

 

12/9/1935: Cải mồ Giaxinta lần thứ nhất. Một bức hình chụp Giaxinta với xác còn nguyên không bị mục rữa, đã gợi hứng để chị Lucia bắt đầu viết hồi ký vì tuân phục đức giám mục điạ phận Liera.

 

25/12/1935: Lucia hoàn tất tập hồi ký thứ nhất, viết vào trung tuần tháng 12 cùng năm, về Giaxinta.

 

7/11/1937: Chị Lucia cũng vì vâng lời đức giám mục bắt đầu viết tập hồi ký thứ hai và hoàn tất vào ngày 21 cùng tháng, về chính bản thân của chị, trước khi, đang khi và sau khi xẩy ra việc Thiên Thần và Đức Mẹ hiện ra.

 

Tháng 5 và 10/1938: Hai lần xuất bản phần hồi ký của chị Lucia viết về Giaxinta.

                                                                       

13/9/1939: Đức giám mục Da Silva cai quản giáo phận bao gòm cả linh điạ Fatima công bố về việc giữ 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng.

 

24/10/1940: Chị Lucia viết thư kính trình Đức Thánh Cha Piô XII về việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và xin Đức Thánh Cha cho giáo hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Mẹ

như một lễ chính của Giáo Hội.

 

31/8/1941: Chị Lucia vì đức vâng lời hoàn tất tập hồi ký thứ ba, thêm về Giaxinta, cho kịp phổ biến vào dịp mừng ngân khánh Đức Mẹ hiện ra ở Fatima sẽ được tổ chức vào năm 1942, để đáp lại lòng hâm mộ của các linh hồn sau khi đọc về Giaxinta ở hai lần xuất bản trước.

 

8/12/1941: Chị Lucia hoàn tất tập hồi ký 4, viết về Phanxicô và về chi tiết các lần Thiên Thần và Đức Mẹ hiện ra.

 

13/5/1942: Đức Thánh Cha Piô XII cử đại diện đến Fatima để đội triều thiên cho thánh tượng Mẹ Fatima,

dịp ngân khánh 25 năm Mẹ hiện ra ở Fatima và tuyên tụng Mẹ là “Nữ Vương của thế giới”.

 

31/10/1942: Đức Thánh Cha Piô XII ở Rôma hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, vào ngày hôm nay là ngày kết thúc mừng năm ngân khánh Mẹ hiện ra ở Fatima.

 

9/1/1944: Chị Lucia viết xong Bí Mật Fatima thứ ba theo lời yêu cầu của đức giám mục Da Silva, địa phận Lieria.

 

4/5/1944: Đức Thánh Cha Piô XII thiết lập Lễ Trái Tim Đức Mẹ để nhắc nhớ việc Ngài hiến dâng thế giới cho Trái Tim Mẹ ngày 31/10/1942.

 

17/6/1944: Đức giám mục Da Silva giáo phận Lieria nhận được bản viết Bí Mật Fatima của chị Lucia gửi.

 

Cuối tháng 5/1946: Chị Lucia trở về Fatima sau 25 năm xa cách, để chỉ điểm chính xác chỗ Đức Mẹ hiện ra với chị cũng như với Phanxicô và Giaxinta vào năm 1917.

 

13/5/1947: Phong trào tượng Mẹ Fatima bắt đầu thánh du khắp thế giới, đầu tiên từ Âu Châu. Cũng trong năm này, Phong Trào Đạo Binh Xanh thế giới được khởi xướng bởi linh mục Harold Colgan, giáo xứ Thánh Maria ở Plainfield tiểu bang New Jersey, khi tượng Mẹ Fatima thánh du Hoa Kỳ.

 

25/3/1948: Chị Lucia, được phép Đức Thánh Cha Piô XII, chuyển từ dòng Đôrôthêô sang dòng kín Carmêlô.

 

1951: Cải mộ Giaxinta lần thứ hai, lần này, một ngón tay của Giaxinta đã bị mục rữa, nhưng mặt mũi vẫn còn nguyên vẹn.

 

7/7/1952: Đức Thánh Cha Piô XII hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Hai năm trước, vào dịp công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác mông triệu, Ngài như đã được thấy 4 lần, trong 4 ngày, hiện tượng mặt trời quay như ở Fatima ngày 13/10/1917. Cũng trong năm này, hồ sơ phong thánh cho Phanxicô và Giaxinta cũng được bắt đầu mở tại giáo phận địa phương Leiria-Fatima. Thế nhưng, tiến trình phong thánh này đã bị trì hoãn là vì vấn đề phong thánh cho các em là trẻ em liên quan đến tín lý và giáo luật, ở chỗ, các em chưa ở vào tuổi thiếu niên (pre-adolescent) hay tuổi dậy thì, tức tuổi “tiên”, tuổi theo tiếng Anh là “teen”, tuổi từ 13 thirteen tới hết 19 nineteen, (không như trường hợp Maria Goretti vừa tử đạo vừa là con gái ở vào tuổi dậy thì 12).

 

12/11/1954: Nguyện Đường Hiện Ra ở Fatima được Đức Giáo Hoàng Piô XII nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường.

 

16/4/1957: Bản văn Bí Mật Fatima thứ ba do chị Lucia viết và được đức giám mục địa phận Liera giữ trong công hàm của giáo phận, theo ý muốn của Tòa Thánh, được gửi đến Rôma hôm nay.

 

17/8/1959: Đức Thánh Cha Gioan XXIII nhận bản văn Bí Mật Fatima thứ ba và mở ra đọc sau đó mấy ngày khi có mặt cha giải tội của Ngài.

 

8/2/1960: Tòa Thánh tuyên bố không tiết lộ Bí Mật Fatima. Mùa hè 1963: Đức Thánh Cha Phaolô VI, sau khi lên ngôi ngày 21/6/1963, đã ngỏ ý muốn xem Bí Mật Fatima thứ ba này và sau khi đọc xong, Ngài cũng không tiết lộ gì cả.

 

21/11/1964: Nhân ngày công bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn dân, trước hơn 2000 Giám Mục Nghị Phụ tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II, ĐTC Phaolô VI đã xưng tụng Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội và đã hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. 

 

13/5/1967: Đức Thánh Cha Phaolô VI gửi đại diện đến dâng Bông Hồng Vàng cho Đức Mẹ ở Fatima nhân dịp kim khánh 50 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, và chính Ngài cũng đến “như một người hành hương cầu cho hòa bình” tại đây. Trong dịp này, Ngài cũng muốn có mặt của chị Lucia, nữ tu Carmêlô ở Coimbra.

 

1973: Cuốn Hồi Ký của Chị Lucia lần đầu tiên được cha A.M. Martins cho phát hành bằng ba thứ tiếng chính là Bồ Đào Nha, Pháp và Anh.

 

2/7/1979: Hồ sơ phong thánh cho hai “đầy tớ Chúa” là Giaxinta và Phanxicô bắt đầu được gửi trình Toà Thánh Rôma.

                                                                    

13/5/1981: Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II bị ám sát hụt tại quảng trường thánh Phêrô nhưng phải điều trị trong bệnh viện. Trong thời gian này, Đức Thánh Cha đã tâm sự với Đức Giám Mục Paolo Maria Hnilica, S.J. là: "Trong ba tháng này, Ta đã hiểu được là chỉ có một giải quyết duy nhất cho tất cả mọi vấn đề trên thế giới, cho khỏi chiến tranh, cho khỏi vô thần, cho khỏi lạc xa Thiên Chúa, đó là sự trở lại của Nước Nga. Sự trở lại của Nước Nga là nội dung và ý nghĩa của sứ điệp Fatima. Cho đến lúc đó Đức Mẹ mới chiến thắng" (Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger số tháng 7-9/92).

 

13/5/1982: Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đến hành hương tại Fatima để tạ ơn Mẹ đã cứu mạng Ngài đúng một năm trước tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đi hành hương, Đức Thánh Cha đã đọc Bí Mật Fatima thứ ba và đã gửi thư cho các giám mục để kêu gọi hiệp dâng thế giới và Nước Nga với Ngài khi Ngài thực hiện việc này tại Fatima.

 

25/3/1984: Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cùng với toàn thể các giám mục trên thế giới (mà Ngài đã gửi thư kêu gọi từ ngày 8/12/1983) tái dâng thế giới và Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Trong ngày này, đức giám mục Paolo Maria Hnilica đã lọt được vào nội địa của Nước Nga, và tại nhà thờ thánh Micae ở ngay thủ đô Cẩm Linh, như để đại diện cho toàn thể hàng giáo phẩm Nga đang bị cầm giữ, ngài đã cùng ĐTC hiệp dâng Nước Nga cho TTVNNT Mẹ.

 

13/5/1989: Sau khi hồ sơ phong thánh được mở từ năm 1952 bị trì hoãn vì vấn đề tuổi tác, Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh lại nhận được 180 khẩn nguyện thư thuộc 44 quốc gia trên thế giới, từ các vị hồng y, giám mục, đặc sứ tòa thánh và linh mục coi xứ trình bày cho thấy những lợi điểm của việc phong thánh cho hai em đối với giới trẻ trong thế giới hiện đại. Cuối cùng, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rút ngắn tiến trình phong thánh cho hai em, bằng việc công nhận nhân đức anh hùng của hai Đấng Đáng Kính (venerable) này ngày 13/5/1989, một biến cố không ngờ đã xẩy ra như điềm báo trước biến động Đông Âu sau đó ở Balan ngày 19/8/1989 (cũng là ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần thứ 4 tại Valinhos, chứ không phải ở cây sồi như các lần khác trên đồi Cova da Iria vào ngày 13 như Mẹ muốn ngay từ đầu, vì việc nhúng tay can thiệp của chính quyền địa phương).

 

7/1989: Chị Lucia tuyên bố việc hiến dâng của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II thực hiện ngày 25/3/1984 đã làm đúng như ý muốn của Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài (Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger, tháng 10-12/1989, trang 9, 13; tháng 10-12/1991, trang 6-7, 24). Quả nhiên, chỉ một tháng sau, vào ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ bốn 72 năm trước, tức ngày 19/8, biến cố Đông Âu bắt đầu xẩy ra, khởi nguồn từ Ba-Lan, quê hương của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II.

 

13/5/1991: Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đến Fatima hành hương lần thứ hai, (sau khi gặp Mikhail Gorbachev, tổng thống Liên Sô, ngày 18/11/1990), với lời cầu: “Lạy Mẹ Maria, xin ban cho thế giới Chúa Kitô, hòa bình của chúng con”. Chị Lucia cũng có mặt tại Fatima lần này.

                                                             

25/12/1991: Tổng thống Liên Bang Sô Viết Gorbachev từ chức. Chủ thuyết và chế độ cộng sản hoàn toàn chấm dứt tại Nga. Tờ "Thời báo" (Time), một tờ báo quốc tế, số ra ngày 30/12/1991, đã phát biểu: "Vào một lúc thích thuận, thế giới sẽ nhận biết rằng việc chiến thắng cộng sản là nhờ ở sự can thiệp của Mẹ Chúa Giêsu" (Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger số tháng 7-9/9).

 

28/6/1999: Hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban bố một sắc lệnh công nhận phép lạ của hai Đấng Đáng Kính này làm, để hai vị có thể được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh.

 

19/4/2000: ĐTC GPII gửi thư cho chị về việc ngài sẽ sai phái hai vị đại diện ngài đến để chị xác quyết về Bí Mật Fatima phần thứ 3.

 

27/4/2000: Chị Lucia gặp hai vị đại diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Bí Mật Fatima phần thứ 3, đó là ĐTGM Tarcisio Bertone, Bí Thư Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, và Đức Cha Serafim de Sousa, Giám Mục giáo phận Leiria-Fatima.

 

13/5/2000: Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đến hành hương Fatima lần thứ ba, để phong Á Thánh cho Phanxicô và Giaxinta. Chị Lucia cũng có mặt trong biến cố trọng đại này.

 

26/6/2000: Tòa Thánh tiết lộ phần Bí Mật Fatima thứ ba. Văn kiện chính thức công bố phần Bí Mật Fatima còn lại này là của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, với chữ ký của cả vị Tổng Trưởng Thánh Bộ là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lẫn của vị Tổng Thư Ký Thánh Bộ là Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, SDB. Văn kiện dầy 40 trang này đã được phổ biến bằng 7 thứ tiếng là Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha và Balan, trong đó có: 1. Lời giới thiệu tổng quát của Đức Tổng Giám Mục Bertone; 2. Bí Mật Fatima thứ nhất và thứ hai; 3. Bí Mật Fatima thứ ba (có cả phóng ảnh của nguyên bản do chính tay chị Lucia viết); 4. Bức thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi chị Lucia đề ngày 19/4/2000; 5. Cuộc trao đổi gặp gỡ giữa hai vị đại diện của ĐTC và chị Lucia ngày 27/4/2000; 6. Lời Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano cuối lễ phong Á Thánh 13/5/2000; 7. Dẫn giải thần học của Đức Hồng Y Tổng Trưởng về Bí Mật Fatima phần thứ ba.

 

7/2004: Đạo diễn kiêm diễn viên Mel Gibson của cuốn phim Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô nổi tiếng trong năm này đã là một trong những người khách cuối cùng được gặp chị và đã trao tặng chị cuốn DVD về cuốn phim của ông.

 

13/2/2005: Sau mấy tuần liền yếu bệnh liệt giường không ra khỏi phòng, trước thời điểm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào bệnh viện, chị đã an lành thánh đức qua đời tại nữ đan viện Carmêlô của chị ở Coimbra thuộc trung phần nước Bồ Đào Nha, chung quanh có chị em dòng, ĐGM Albino Cleto giáo phận Coimbra, các vị bác sĩ và y tá. Khi nghe tin chị bị liệt bệnh càng ngày càng trầm trọng, ĐTC GPII cũng đã gửi cho chị những lời an ủi vào Thứ Bảy 12/2/2005, ngài hứa cầu cho chị để chị có thể sống “giây phút đau đớn và đau khổ” và ban phép lành cho chị. Như ĐGM Cleto cho biết chị Lucia đã nghe những lời của ĐTC vào chính ngày chị qua đời và tỏ ra rất cảm động, cử chỉ cuối cùng trước khi chị mãn phần. Khi còn là một trong ba thiếu nhi Fatima, chị đã cùng hai Á Thánh Phanxicô và Giaxinta thiết tha cầu nguyện cho Đức Thánh Cha nên trong giờ lâm chung đã được nghe thấy những lời an ủi của vị Đại Diện Chúa Kitô trên thế gian. Nghe tin chị qua đời, ĐTC GPII, mới vào tuần phòng Mùa Chay với giáo triều Rôma ở Vatican, đã tỏ ra rất buồn thương chị. Nếu Mùa Chay là Mùa Fatima, vì mệnh lệnh chính yếu của Sứ Điệp Fatima là cải thiện đời sống, và ngày 13 là Ngày Fatima thế nào, thì sự kiện chị Lucia tạ thế vào Ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 13/2/2005 là thời điểm thật sự mang đầy ý nghĩa và đáng nhớ lắm vậy!

 

 

Sứ Điệp của ĐTC GPII về Chị Lucia trong Lễ An Táng của Chị

Kính gửi Huynh Khả Kính
Albino Mamede Cleto,
Giám Mục giáo phận Coimbra

Tôi rất xúc động khi nghe tin Chị Maria Lucia của Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm, vào tuổi 97, đã được Cha trên trời gọi về nơi trường sinh thiên đình. Như thế là chị đã đạt đến cùng đích chị luôn mong mỏi trong nguyện cầu và trong tĩnh lặng của viện tu.

Phụng vụ đã nhắc nhở chúng ta trong những ngày này rằng sự chết là gia sản chung của con cái Adong, thế nhưng đồng thời nó cũng bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu, bằng hy tế thập giá, đã mở ra cho chúng ta cửa sự sống bất tử. Chúng ta nhớ lại những niềm xác tín này của đức tin vào lúc chúng ta vĩnh biệt con người nữ tu Carmêlô khiêm hạ và sốt mến này, con người đã tận hiến cuộc đời của mình cho Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế.

Việc Trinh Nữ Maria hiện ra mà nhỏ Lucia đã được thị kiến thấy ở Fatima cùng với các người em họ của mình là Phanxicô và Giaxinta năm 1917, đối với chị, là khởi điểm của một sứ vụ đặc thù được chị trung thành cho tới cuối đời của mình. Chị đã để lại cho chúng ta một tấm gương trung thành cao cả đối với Chúa cũng là tấm gương hân hoan gắn bó với ý muốn thần linh của Ngài.

Tôi cảm động nhớ đến những lần gặp gỡ chị và những liên hệ thân hữu thiêng liêng mỗi ngày một gia tăng. Tôi luôn luôn cảm thấy mình được nâng đỡ bởi việc chị nguyện cầu hằng ngày cho tôi, nhất là trong những giây phút gay go thử thách và khổ đau. Xin Chúa thưởng công cho nỗ lực của chị trong việc phục vụ cao cả và âm thầm chị làm cho Giáo Hội.

Tôi thích nghĩ rằng vị đón nhận Chị Lucia trong cuộc vượt qua từ trần gian đến thiên đình cũng chính là Đấng chị đã thấy ở Fatima rất nhiều năm trước đây. Chớ gì Vị Trinh Nữ Thánh này dìu linh hồn của người còn gái dấu yêu của Người đây đến cuộc hội ngộ diễm phúc với Vị Phu Quân thần linh.

Tôi xin ủy thác cho Huynh Đáng Kính công việc bày tỏ với các nữ đan sĩ Carmêlô ở Coimbra việc tôi chắc chắn gắn bó thiêng liêng với họ, và để họ được an ủi nội tâm trong giây phút chia lìa này, tôi ưu ái muốn ban một phép lành được gửi đến cho cả các gia đình, cho Huynh Khả Kính, cho ĐHY Tarcisio Bertone, đặc sứ của tôi, cũng như cho tất cả mọi người tham dự nghi thức an táng linh thánh này.

Vatican ngày 14/2/2005

Gioan Phaolô II

Những lời ĐTC GPII viết gửi cho đức giám mục giáo phận Coimbra, Bồ Đào Nha, và được đọc vào hôm Thứ Ba, 15/2/2004, trong lễ an táng chị Lucia, đã được tín hữu chật ngôi vương cung thánh đường Coimbra và các vùng phụ cần đáp ứng bằng một tràng pháo tay dài. ĐHY đại diện ĐTC là Tarcisio Bertone, TGM Genoa, đã chủ sự Lễ an táng tại vương cung thánh đường Coimbra, vị hồng y đã nhận từ chị chiếc gậy chống của chị để biếu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi vị hồng y này gặp chị lần cuối cùng vào năm 2003.

Hằng ngàn người từ khắp Bồ Đào Nha và các quốc gia khác đã đến khu vực vương cung thánh đường giáo phận Combria từ sáng sớm, sắp hàng thật dài, để vĩnh biệt Chị Lucia và tham dự lễ an táng cho người nữ đan sĩ Carmêlô này. Nhật báo Ý Avvenire tường trình là hầu hết dân chúng theo dõi lễ nghi từ quảng trường và các đường phố gần vương cung thánh đường. Họ đã vẫy những chiếc khăn tay trắng để vĩnh biệt chị khi quan tài của chị đi ngang qua từ vương cung thánh đường về đan viện của chị, nơi chị đã sống 57 năm trường cho tới khi qua đời. Trong vòng 1 năm, hài cốt của chị sẽ được chuyển về đền thánh mẫu Fatima như lòng chị mong ước được ở cùng một nơi với hai em họ của chị là Á Thánh Phanxicô và Giaxinta.

Vào ngày áp lìa trần của mình, chị đã nhận được tờ viễn phóng ảnh thư có những lời an ủi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị hứa kề cận và cầu nguyện cho chị để chị có thể “sống giây phút đớn đau, khổ sở và hiến dâng này trong tinh thần Phục Sinh, của việc vượt qua”.

Tham dự lễ an táng của chị gồm có 35 vị giám mục ở Bồ Đào Nha, 17 nữ đan sĩ thuộc dòng của chị, các phần tử thuộc gia đình chị, và nhân dân Bồ Đào Nha. Ngoài ra, các vị đại diện chính trị đã đình chỉ cuộc vận động tranh cử của mình như dấu chỉ họ tỏ lòng tiếc thương chị.

ĐHY José da Cruz Policarpo, thượng phụ Lisbon, đã nói trong bài giảng ngắn của ngài về chị Lucia rằng chị là “một con người trải qua một cảm nghiệm ngoại thường, thế nhưng lại là một con người có thể hiện thực cảm nghiệm này trong cuộc sống bình thường”.

Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu cho biết ĐHY Bertone đã cho biết: “Đời sống của Chị Lucia sẽ được cứu xét. Dĩ nhiên trường hợp của chị không dễ như của Giaxinta và Phanxicô, vì Chị Lucia đã viết nhiều. Một số bản văn vẫn chưa được biết đến. Thế nhưng, tôi tin rằng chẳng mấy chốc chị cũng sẽ được chung phần với hai đứa em họ nhỏ bé của mình đã được Giáo Hội tôn kính trên bàn thờ”.

Một linh mục cháu của chị là cha José dos Santos Valinho đã nói với tờ nhật báo Ý Avvenire rằng bác của mình “đã nguyện cầu cho tới giây phút cuối cùng cho Đức Giáo Hoàng cũng như cho sức khỏe của ngài”. Và “khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi một viễn phóng ảnh thư cám ơn” về những lời cầu nguyện của chị trong thời gian nằm bệnh viện của ngài, bác đã muốn cầm lấy những tờ giấy ấy. Cho dù bác gần như mù không thấy gì bác vẫn nói với chị em dòng của bác là: “Cho em đọc đi, chính Đức Giáo Hoàng viết gửi cho em”.

Vị linh mục cháu này là vị đã được đan viện Carmêlô của bác mình mời đến chủ tế Thánh Lễ đầu tiên cầu cho linh hồn bác của ngài. Vị linh mục còn nói tiếp: “Khi thấy mẹ bề trên cho thấy sứ điệp của Đức Giáo Hoàng gửi đến, đối với bác, đó mãi mãi là giây phút hết sức xúc động. Còn gì cảm kích hơn khi nhận được sứ điệp cuối cùng này. Trong những giây phút lâm chung ấy bác đột nhiên như lấy lại được sức mạnh đã mất, qua đôi mắt nhỏ bé bừng sáng của mình“.

 

 

THÁNH THỂ, “MỘT NẾM HƯỞNG VĨNH CỬU TRONG THỜI GIAN”

 ĐTCGPII giảng dạy Giáo Lý trong Đại Năm Thánh 2000, bài 28, Thứ Tư      25/10/2000

1.         “Nơi phụng vụ trần gian, chúng ta được nếm trước việc thông phần vào phụng vụ thiên quốc” (Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, 8; Hiến Chế Gaudium et Spes, 38). Những lời tỏ tường và thiết yếu này của Công Đồng Chung Vaticanô II đã cho chúng ta thấy chiều kích sâu xa của Bí Tích Thánh Thể, ở chỗ Thánh Thể là một “futurae gloriae pignus”, một bảo chứng của vinh quang mai hậu, như đã được truyền thống Kitô giáo tuyệt vời diễn đạt (x Hiến Chế Sacrodanctum Concilium, 47). Thánh Tôma Aquinas nhận định là “Bí tích này không làm cho chúng ta tham dự tức thời vào cuộc hiển vinh, nhưng ban cho chúng ta quyền năng để tiến tới vinh quang, bởi thế mới được gọi là viaticum” (Summa Theol., III, 79, 2, ad 1). Việc chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô hiện nay, trong khi còn là những người hành hương và lữ thữ trên các nẻo đường lịch sử, hướng chúng ta về cuộc gặp gỡ sau cùng vào ngày “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì chúng ta sẽ thấy Người như Người là” (1Jn 3:2). Việc Elia, vị tiên tri đã hoàn toàn lả người đi dưới chùm cây trong cuộc hành trình băng qua sa mạc và đã được tăng sức nhờ bánh lạ cho đến khi ông tiến đến chóp đỉnh của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa (x 1Kgs 19:1-8), là một biểu hiệu truyền thống tượng trưng cho cuộc hành trình của Kitô hữu, thành phần tìm thấy sức mạnh nơi bánh Thánh Thể để tiến tới mục tiêu thành thánh sáng ngời.

2.         Đó cũng là ý nghĩa sâu xa về manna được Thiên Chúa ban xuống tại các bình nguyên núi Sinai, một thứ “lương thực của các thiên thần”, ngon lành và hợp với mọi khẩu vị, một biểu lộ ngọt ngào của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài (x Wis 16:20-21). Chính Chúa Kitô sẽ là Đấng làm sáng tỏ ý nghĩa thiêng liêng của biến cố Xuất Hành. Ngài là Đấng làm cho chúng ta nếm hưởng nơi Bí Tích Thánh Thể một mùi lưỡng vị vừa của lương thực cho cuộc hành hương vừa của lương thực viên trọn cứu độ trong cõi vĩnh cửu (x Is 25:6). Dựa theo lời phụng vụ của Ngày Hưu Lễ Do Thái, Thánh Thể là một “nếm hưởng vĩnh cửu trong thời gian” (A. J. Heschel). Như Chúa Kitô đã sống trong xác thịt song vẫn ở trong vinh quang của Con Thiên Chúa thế nào, thì Thánh Thể cũng là việc hiện diện thần linh và siêu việt, một hiệp thông với cõi trường sinh, một dấu hiệu cho thấy “thành đô trần thế và thành đô thiên đình thấu nhập lẫn nhau” (Hiến Chế Gaudium et Spes, 40). Bí Tích Thánh Thể, việc tưởng niệm Vượt Qua của Chúa Kitô, tự bản chất của mình, chứa ẩn cõi trường sinh và bất tận nơi lịch sử loài người.

3.         Khía cạnh này, một khía cạnh hướng Thánh Thể về tương lai của Thiên Chúa trong khi vẫn gắn liền Thánh Thể với thực tại hiện thời, được sáng tỏ bởi những lời Chúa Giêsu phán trên chén rượu trong Bữa Tiệc Ly (x Lk 22:20; 1Cor 11:25). Với những lời ấy, Thánh Marcô và Mathêu gợi lên cho thấy giao ước bằng máu của các tế vật trên núi Sinai (x Mk 14:24; Mt 26:28; Ex 24:8). Tuy nhiên, Thánh Luca và Phaolô lại tỏ cho thấy việc nên trọn của một “tân ước” được tiên tri Giêrêmia báo trước: “Này đây, Chúa phán, vào những ngày tới, Ta sẽ thiết lập một giao ước mới với nhà Yến Duyên và nhà Giuđa, không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông họ” (Jer 31:31-32). Đúng thế, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng: “Chén này là tân ước trong máu của Thày”. Theo ngôn từ kinh thánh “mới” đây thường có nghĩa là tiến bộ, là mức kiện toàn cuối cùng. Thánh Luca và Phaolô cũng nhấn mạnh rằng Thánh Thể là việc ngưỡng vọng về chân trời ánh sáng vinh quang của vương quốc Thiên Chúa. Trước Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu phán: “Thày mong ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thày chịu khổ nạn, vì Thày cho các con hay, Thày sẽ không ăn lễ ấy nữa cho tới khi nó được hoàn tất trong vương quốc của Thiên Chúa. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn mà nói: ‘Các con hãy cầm lấy chén này mà chia nhau; vì Thày cho các con biết, từ nay trở đi Thày sẽ không uống trái nho nữa cho tới khi vương quốc của Thiên Chúa trị đến’” (Lk 22:15-18). Thánh Phaolô còn rõ ràng nhắc đến bữa tiệc Thánh Thể có tính cách hướng đến việc Chúa đến lần cuối nữa: “Bao lâu anh em ăn bánh này và uống chén ấy là anh em loan báo việc Chúa tử nạn cho tới khi Người lại đến” (1Cor 11:26).

4.         Thánh Gioan, Thánh Ký thứ bốn, đề cao chiều hướng Thánh Thể đối với việc nên trọn của vương quốc Thiên Chúa qua bài diễn từ nổi tiếng Chúa Giêsu nói tại hội đường Caphanaum về “bánh sự sống”. Biểu hiệu Người dùng, như một đối chiếu thánh theo kinh đã được chúng ta nhắc đến, là manna do Thiên Chúa ban cho dân Yến Duyên trong cuộc hành trình qua sa mạc của họ. Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố về Bí Tích Thánh Thể là: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời... Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi sẽ được sự sống trường sinh, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết... Đây là bánh từ trời xuống, không phải như thứ bánh cha ông quí vị đã ăn và đã chết; ai ăn bánh này sẽ muôn đời được sống” (Jn 6:51, 54, 58). Theo ngôn từ của Phúc Âm thứ bốn, “sự sống trường sinh” là chính sự sống thần linh vượt trên giới hạn của thời gian. Như thế, được hiệp thông với Chúa Kitô, Thánh Thể là việc thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, một sự sống trường sinh và chế ngự sự chết. Thế nên Chúa Giêsu mới nói: “Ý của Đấng đã sai Tôi đó là Tôi không được làm mất đi một sự gì Ngài đã ban cho Tôi, song phải làm cho nó sống lại trong ngày sau hết. Vì ý Cha Tôi muốn là ai thấy Con và tin vào Người thì được sự sống trường sinh; và Tôi sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Jn 6:39-40).

5.         Theo ý nghĩa ấy, như nhà thần học người Nga, Sergei Bulgakov, đã nói một cách gợi hình, “phụng vụ là trời cao trên đất”. Vì lý do này, trong Tông Thư Dies Domini, Tôi đã trích lại những lời của Đức Phaolô VI, để thúc giục Kitô hữu đừng xao lãng với “việc gặp gỡ này, với bữa tiệc Chúa Kitô đã ưu ái dọn ra cho chúng ta. Chớ gì việc chúng ta thông phần vào bữa tiệc này phải hết sức xứng đáng và hân hoan! Chính Chúa Kitô tử giá và vinh quang, Đấng đã đến giữa các môn đệ của Người, để dẫn mọi người họ cùng nhau tiến vào Cuộc Phục Sinh mới mẻ của Người. Trên thế gian này, đó là tuyệt đỉnh của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa với dân của Ngài, là dấu chỉ và là nguồn mạch của niềm vui Kitô hữu, là đoạn đường tiến đến lễ hội trường sinh” (số 58; x Gaudete in Domino, đoạn kết). 

 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 1/11/2000)


 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ