GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 22 THỨ BA

 

Ơn Toàn Xá: điều kiện lãnh nhận trong Năm Thánh Thể và các dịp có thể lãnh nhận khác

Mạng điện toán toàn cầu Zenit hôm Thứ Ba 15/2/2005 đã phổ biến câu vấn đáp liên quan đến Ơn Toàn Xá, được cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ ở Giáo Hoàng Học Viện Regina Apostolorum, giải đáp với những chi tiết có thể tóm lược như sau.

Mỗi ngày chỉ được lĩnh một Ơn Toàn Xá. Vị giáo sư này không trích lại chỗ nào, Giáo Lý hay Giáo Luật, ấn định rõ mỗi ngày chỉ được một Ơn Toàn Xá, mà chỉ trích hai klhoản Giáo Lý liên quan đến Ơn Toàn Xá có thể lĩnh cho mình (khoản 1471) hay cho các đẳng (khoản 1479) mà thôi.

 

Tuy nhiên, theo người phổ biến bài này, để chắc ăn, vì không biết được mình có hoàn toàn sạch tội trọn ngày, nhất là vì không biết được mình đã thực sự hợp lệ để được hưởng Ơn Toàn Xá quá ư là cao cả hay chưa, chúng ta vẫn có thể làm nhiều lần những việc được qui định để được hưởng Ơn Toàn Xá, hy vọng, trong mấy lần đó thế nào cũng có lần thực sự được hưởng trọn Ơn Toàn Xá trong ngày hôm ấy. Làm như thế chúng ta cũng chỉ cố ý làm sao để mỗi ngày được hưởng 1 Ơn Toàn Xá, vì thực ra cũng chỉ cần 1 Ơn Toàn Xá là đủ, không cần 2, cho mình hay cho các đẳng, trong việc được tha thứ hết mọi hình phạt tạm (tức không phải hình phạt đời đời trong hỏa ngục).

Về điều kiện để được hưởng Ơn Toàn Xá. Theo sắc lệnh Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Thể (2004-2005), thì có 4 chứ không phải 3, đó là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐTC và tâm hồn trong sạch.

 

Về điều kiện Xưng Tội, vị linh mục giáo sư phụng vụ cho biết: “Thường trong 1 tuần trước hay sau khi được ơn xá. Một lần xưng tội đủ áp dụng cho một số ân xá”.

 

Về điều kiện Hiệp Lễ: “Không giống như xưng tội, chỉ có một ân xá cho mỗi lần Hiệp Lễ mà thôi. Mặc dù lần Hiệp Lễ này có thể được chu tất mấy ngày trước hay sau khi hưởng ân xá, nhưng vẫn nên làm trong cùng ngày lĩnh ân xá”.

 

Về điều kiện cầu theo ý ĐTC: “Như vấn đề Hiệp Lễ, việc cầu nguyện theo các ý chỉ của ĐGH cần phải được lập lại từng lần mỗi lần muốn hưởng ơn toàn xá. Không có kinh nguyện nào được ấn định để thực hiện điều kiện này, chỉ cần đọc 1 Kinh Lạy Cha và 1 Kinh Kính Mừng là đủ”. Tuy nhiên, theo người viết bài này thì Sắc Lệnh của Tòa Thánh ban Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Thể đã xác định rõ hai kinh cần đọc để cầu nguyện theo ý ĐTC đó là Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha.

 

Về điều kiện tâm hồn trong sạch, một điều kiện ngoại lệ được Sắc Lệnh ban Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Thể nhắc đến, theo vị linh mục giáo sư phụng vụ này thì “việc giữ tâm hồn hoàn toàn không dính bén với bất cứ hình thức tội lỗi nào là điều kiện khó nhất, như thể việc dính bén với tội nhẹ cũng loại trừ cơ hội có thể lĩnh ân xá. Tuy nhiên, hãy lưu ý là điều kiện này không phải là tình trạng thoát khỏi tất cả mọi tội nhẹ, mà là tình trạng dính bén với tội lỗi; tức là không có tội nào mà linh hồn lại không muốn từ bỏ”.

Ngoài ra, ngoài những việc được Sắc Lệnh ban Ơn Toàn Xá của Tòa Thánh trong Năm Thánh Thể, chẳng hạn như viếng Chúa Giêsu trong Nhà Tạm, hay Chầu Thánh Thể lộ thiên, hoặc nguyện Kinh Thần Vụ Tối hay Đêm trước Nhà Tạm, vị linh mục giáo sư phụng vụ này còn liệt kê những trường hợp người Công giáo có thể lĩnh Ơn Toàn Xá, dĩ nhiên phải hội đủ điều kiện, vốn Giáo Hội ban cho, đó là:


1. Tôn thờ Thánh Thể ít là nửa tiếng đồng hồ.

2. Tham dự việc Tôn Thờ Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

3. Tĩnh tâm ít là 3 ngày.

4. Rước Lễ lần đầu hay người giúp vào việc Rước Lễ lần đầu của người khác.

5. Cầu Kinh Mân Côi ít là 50 chục trong một nhà thờ hay nguyện đường hoặc trong gia đình, ở cộng đồng tu trì hay ở một hội đoàn đạo đức. 5 chục kinh này không được gián đoạn; việc suy niệm các mầu nhiệm mân côi cần phải được kèm theo bằng việc ngắm thành lời; và trong việc lần hạt chung cần phải công bố các ngắm theo tục lệ địa phương đã được chuẩn nhận.

6. Cử hành hay giúp vào việc linh mục cử hành Thánh Lễ trọng mở tay, hay Thánh Lễ mừng kỷ niệm 25 năm, 50 năm hoặc 60 năm mừng thụ phong linh mục của các vị. Vị linh mục này cũng cần phải lập lại trước Thiên Chúa ước muốn của mình trong việc trung thành hoàn tất những gì ơn gọi của ngài đòi buộc.

7. Việc một nhà thờ hay một bàn thờ vào ngày được thánh hiến và đọc 1 Kinh Lạy Cha và 1 Kinh Tin Kính.

8. Lập lại lời hứa rửa tội của mình trong Lễ Vọng Phục Sinh hay vào dịp kỷ niệm lãnh nhận bí tích thánh tẩy.

9. Đọc Sách Thánh như là sách thiêng liêng theo lòng mộ mến Lời Chúa, ít là nửa tiếng.

10. Sốt sắng Đi Đường Thánh Giá. Điều này phải được thực hiện ở những chặng được kiến thiết hợp lệ với 14 cây thánh giá có thể được kèm theo các hình ảnh khác. Vì chính yếu của việc Đi Đường Thánh Giá là vấn đề suy gẫm về cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô, nên không cần phải chú ý đặc biệt đến từng chặng. Người ta có thể suy gẫm về những cảnh Khổ Nạn khác với 14 chặng đường thánh giá cổ truyền. Việc Đi Đường Thánh Giá đòi phải di chuyển từ chặng này sang chặng khác. Tuy nhiên, nếu khó di chuyển bởi vị thế hay đông đảo, chỉ cần người hướng dẫn cuộc đi đường Thánh Giá di chuyển là đủ. Trường hợp người bị ngăn trở không thực hiện được việc đi đường Thánh Giá, họ có thể được hưởng ân xá bằng việc sốt sắng đọc và suy niệm cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa khoảng chừng 15 phút.

11. Sốt sắng lãnh nhận phép lành của ĐTC, bao gồm cả các phép lành được ban “urbi et orbi” cho thành Rôma và cho thế giới vào Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh, dù nhận qua các phương tiện truyền thông sống động là truyền thanh, truyền hình hay điện toán toàn cầu. Vị giám mục địa phương cũng có thể ban phép lành tòa thánh 3 lần trong năm vào những ngày nào tùy nghi, vào cuối một Thánh Lễ đặc biệt trọng thể.

12. Vào mỗi Thứ Sáu Mùa Chay sốt sắng đọc kinh “Xin Thương Con, Lạy Chúa Giêsu Nhân Ái Dịu Hiền” (Look down Upon Me, Good and Gentle Jesus) sau Hiệp Lễ, trước một ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Kinh nguyện này có thể được tìm thấy trong sách lễ trong số các kinh gợi ý cám ơn sau Hiệp Lễ.

13. Theo Sách Tóm Lược Các Ân Xá (Enchiridion of Indulgences), “Tín hữu đang lâm cơn nguy tử, không thể được một vị linh mục ban các phép bí tích và ban Phép Lành Tòa Thánh với ơn toàn xá, Mẹ Thánh Giáo Hội cũng ban một ơn toàn xá trong giờ lâm chung nếu họ hội đủ điều kiện xứng hợp và trong đời từng có thói quen đọc một số kinh nguyện. Việc sử dụng một tượng chuộc tội hay một cây thập để được ân xá này là điều đáng khen ngợi. Nếu có thói quen đọc một số kinh nguyện trong đời của mình thì trong những trường hợp nguy tử này đã đáp ứng ba điều kiện thông thường cần phải có để được lãnh nhận một ơn toàn xá. Tín hữu có thể lãnh ơn toàn xá trong giây phút lâm chung, cho dù họ đã được một ơn toàn xá khác trong cùng một ngày”.

Ngoài những ơn toàn xá ra, người Công giáo quá biết rằng hầu hết các kinh nguyện quen thuộc của họ, những hy sinh hãm mình của họ và việc họ quen phục vụ người khác, từ cử chỉ làm dấu thánh giá đến Kinh Kính Mừng, đều được hưởng các ơn tiểu xá là những gì làm tăng thêm công nghiệp của họ trước nhan Thiên Chúa, và cho họ được dịp thực hành việc bác ái vô tư khi nguyện cầu cho lợi ích các linh hồn trong luyện ngục.

 

 

Do Thái chính thực trả tự do cho 500 tù nhân Palestine

 

Hôm Thứ Hai 21/2/2005, ngay sau ngày Bộ Nội Các chấp thuận dự án giải tỏa các vùng dân cư Do Thái ở trên phần đất Palestine Gaza và Tây Ngạn từ năm 1967, Do Thái đã thực sự chính thức trả tự do cho 500 tù nhân Palestine. Những vị thủ lãnh cư dân Do Thái các vùng này đã hứa quyết không tự nguyện bỏ đi, và các nhân viên an ninh đang phải tăng cường sửa soạn cho những cuộc đối đầu dữ dội xẩy ra.

Cuộc trao trả tù nhân này đã được thực hiện đúng như những gì Do Thái thỏa hiệp với Palestine trong cuộc họp thượng đỉnh mới đây ở Ai Cập. Các đoàn xe buýt chở đầy tù nhân rời nhà tù Ketziot ở sa mạc vào khoảng bình minh ngày Thứ Hai này, và đến 5 địa điểm thả người khác nhau gần biên giới Tây Ngạn và Gaza trước trưa một chút. Họ đã được hân hoan chào đón bởi đám đông thân thuộc họ hàng bạn hữu.

Thành phần được thả đợt này hoàn toàn không dính dáng gì tới những cuộc khủng bố tấn công Do Thái. Do Thái hứa sẽ thả thêm 400 tù nhân nữa trong vòng 3 tháng tới. Tiểu ban hỗn hợp Do Thái và Palestine sẽ quyết định thành phần nào sẽ được thả ra sau đợt đầu tiên này. Do Thái không đồng ý với Palestine về việc Palestine đòi phải thả ra những tù nhân bị án lâu năm, bao gồm cả thành phần khủng bố tấn công Do Thái.

Trong khi đó, cũng vào cùng ngày thứ hai này, bên Palestine ở Tây Ngạn các nhà lập pháp thuộc phong trào Fatah của Tổng Thống Abbas đã đồng ý chấp thuận một Bộ Nội Các 24 vị mới sau khi tranh luận rất lâu đòi phải có nhiều thay đổi. Một trong những bộ mặt mới trong Bộ Nội Các được chấp thuận này là Nasser Yousef nắm vai trò bộ trưởng nội vụ đặc trách các lực lượng an ninh. Cố Tổng Thống Arafat trước đây, khi Tổng Thống Abbas còn là Thủ Tướng cho ông, đã phản đối việc bổ nhiệm vị này, một cựu tướng lãnh, vì cố tổng thống này muốn giành quyền kiểm soát các lực lượng an ninh. Yousef đã thay thế cho Hakam Bilawi là người bạn nối khố của cố tổng thống Arafat. Một bộ mặt mới nữa trong Bộ Nội Các là Nasser al-Kidwa, cháu của cố tổng thống Arafat, vốn đóng vai trò đại diện Palestine ở Liên Hiệp Quốc, sẽ giữ vai trò bộ trưởng ngoại kiều thay cho Nabil Shaath, vị giữ chức phó thủ tướng.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ