GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 25 THỨ SÁU

        

ĐTC GPII: Đã thở được tự nhiên


Hôm qua, sau khi được cấp thời đưa trở vào bệnh viện vì bị tái phát những triệu chứng cúm khó thở, ĐTC GPII, vào buổi chiều tối, đã được đặt ống thở sau cuộc giải phẫu an toàn 30 phút.


Vì bệnh tình trở chứng bất thường và tái nhập viện này, lần đầu tiên ngài đã không chủ sự được buổi tuyên nghị phong thánh cho 5 vị chân phước, đến nỗi ĐHY quốc vụ khanh Angelo Sodano đã phải thay thế ngài làm việc này.


Hôm Thứ Sáu 25/2/2005, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã cho thành phần ký giả biết rằng: “Ngài đang hít thở tự nhiên và tình trạng mạch tim của ngài vẫn tốt”.


Vị giám đốc này cũng đính chính tin tức truyền thông về việc ĐTC được đặt ống thở trợ phổi sau khi bị mổ rằng ngài “không cần đến vấn đề trợ hít thở. Máy móc trợ hít thở không được sử dụng đến cả hôm qua, đêm vừa rồi hay sáng nay. Việc này không cần thiết”.


Các vị bác sĩ cho biết ngài đã qua một đêm “yên nghỉ” mặc dù chỉ ngủ được có mấy tiếng đồng hồ. Đó là lý do vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh đã nói thêm: “Có lẽ vì được nhẹ đi mà ngài đã có thể thở lại”.


Vị giám đốc này còn cho biết việc đặt ống trợ phổi tùy nghi chứ không phải là một cuộc giải phẫu cấp cứu: “Nó là vấn đề làm sao để bảo đảm được việc hít thở hoàn toàn cho một bệnh nhân”.


Các vị bác sĩ đã khuyên ĐGH không nói năng gì trong vòng mấy ngày để thanh quản của ngài lành lại. Theo vị giám đốc này thì bữa điểm tâm sáng Thứ Sáu cửa ngài gồm có yogurt, 10 miếng bánh biscuits nhỏ cùng với ly cà phê sữa, và thêm rằng ngài “ăn ngon” và ăn hết.


Văn phòng báo chí tòa thánh cũng cho biết sẽ thông báo về tình trạng sức khỏe của ĐTC vào Thứ Hai tới, và việc ngài ban huấn từ truyền tin hằng tuần vào Chúa Nhật tới đây chưa thể cho biết trước được.


Ngài không có triệu chứng bị nhiễm trùng phổi như trường hợp vị viêm phổi. Hôm Thứ Năm, ngài đã viết mấy chữ cho các trợ tá của ngài rằng: “Họ đã làm gì cho tôi vậy?” Rồi ngài viết thêm: “totus tuus”, khẩu hiệu giáo hoàng của ngài, tức ngài tỏ ý phó thác mọi sự xẩy ra cho Mẹ Maria của ngài.


Tổng Thống Bush, trong cuộc công du Âu Châu, khi nghe tin ĐTC GPII tái nhập bệnh viện đã nói: “Chúng tôi nghĩ đến và nguyện cầu cho đức thánh cha. Chúng tôi mong ngài chóng khỏi để trở về phục vụ giáo hội của ngài và toàn thể nhân loại”.

 

 

Linh Mục Lạm Dụng Tình Dục Thiếu Niên:

Kiểm Kê Năm 2004 về Các Vụ Kiện Tụng và

về Vấn Đề Tuân Hợp Bản Hiến Chương Bảo Vệ Thiếu Niên

Theo mạng điện toán toàn cầu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ngày 18/2/2005 thì trong năm 2004 có hơn 600 vị giáo sĩ triều bị tố cáo tội lạm dụng tình dục thiếu niên, trong số những vị này hầu hết (71%) đã chết, không còn thi hành thừa tác vụ linh mục, hay đã hồi tục, và những sự việc này đã xẩy ra cả hằng mấy thập niên trước đây (thường vào giữa những năm 1970-1974).

Khoảng 19.785.325 triệu Mỹ kim đã được sử dụng vào việc bảo vệ trẻ em, như các chương trình huấn luyện và điều tra lý lịch. Những chi phí trong năm 2004 về những vụ cư trú, trị liệu cho thành phần nạn nhân cũng như thành phần vi phạm cùng tiền thù lao cho luật sư lên đến 139.582.157 triệu Mỹ kim.

Những con số trên đây được tường trình bởi Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Về Tông Đồ Vụ CARA (Center for Applied Research in the Apostolate) là cơ quan được hội đồng giám mục Hoa Kỳ ủy thác để làm việc họ đang làm. Trụ sở đặt ở Georgetown, cơ quan CARA này đã thu thập các dữ kiện trong tháng 12/2004 và 1/2005. Những dữ kiện này là tổng hợp những đáp ứng từ 93%, hay từ 181/195 giáo phận ở Hoa Kỳ. Những dữ kiện này cũng là một phần của Bản Tường Trình Thường Niên Năm 2004 của Văn Phòng Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ OCYP (Office of Child and Youth Protection), có vị giám đốc điều hành là tiến sĩ Kathleen McChesney, được phổ biến tại cuộc họp báo ở Washington ngày 18/2/2005.

Sở dĩ có sự hiện diện của cơ quan CARA này là vì vào phiên họp tháng 11/2004 của mình, hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã quyết định thực hiện đường lối thu thập dữ kiện để các giáo phận hằng năm tường trình tín liệu liên quan tới những vụ giáo sĩ bị tố giác lạm dụng tình dục thiếu niên cũng như các tốn phí liên quan đến những vụ lạm dụng tình dục này.

Theo cơ quan CARA thì trong năm 2004, các vị thẩm quyền giáo hội đã nhận được ít là 898 tố giác khả tín mới về các nố giáo sĩ triều lạm dụng tình dục thiếu niên. Các vụ tố giác này được thực hiện bởi 889 người về 622 vị giáo sĩ. Trong số tố giác ấy có 876 từ những người nam nữ trưởng thành đã bị lạm dụng khi còn là thiếu niên. Ngoài ra, có 22 vụ, hay 2%, do các thiếu niên nam nữ dưới 18 tuổi trong năm 1004. Trong số 898 vụ, có 9 nố, hay 1%, chỉ liên quan tới vấn đề khiêu dâm trẻ em. Hầu hết các vụ tố giác này phát xuất từ nạn nhân (53%) hay từ luật sư (33%).

Hầu hết nạn nhân là nam nhân (78%) và hơn một nửa (56%) ở vào tuổi giữa 10 đến 14 khi việc lạm dụng tình dục xẩy ra.

Trong số các vụ tố giác trong năm 1004, có 57 vụ hay 6% được thấy rằng không đúng. Trong năm 2004 có 59 vụ tố giác trước ngày 1/1/2004 cũng được khám phá là không đúng.

Hiện nay có 256 linh mục triều và phó tế vẫn đang bị tạm ngưng thi hành thừa tác vụ trong khi đang được điều tra, và 35 vị vẫn đang thi hành thừa tác vụ dù đang bị điều tra sơ khởi.

Chi phí trong năm 2004, bao gồm cả những số chi dùng cho các vụ tố giác ở các năm trước, như sau: 93.364.172 Mỹ kim cho việc cư trú của thành phần nạn nhân, 6.613.283 Mỹ kim cho việc trị liệu cho nạn nhân nếu tách khỏi số chi phí cho việc cư trú. Chi phí trị liệu cho thành phần vi phạm là 1.413.093 Mỹ kim, và chi phí cho luật sư là 32.706.598 Mỹ kim. Bảo hiểm chịu cho 32% tổng số chi phí trên đây.

1/3 số linh mục ở Hoa Kỳ là linh mục dòng. 71% hay 158 các dòng tu làm linh mục hay vừa làm thày vừa làm linh mục. Có 194 vụ tố giác khả tín mới về 134 vị linh mục dòng và phó tế dòng. Khoảng 43% thuộc về các vụ tố giác trước năm 2004. 78% nạn nhân là nam nhân, trong đó 53% ở vào tuổi giữa 10 và 14 khi bị lạm dụng tình dục, hầu hết xẩy ra vào thời khoảng 1965-1969. Có 27 vị linh mục và phó tế tạm vẫn còn bị ngưng thi hành thừa tác vụ trong khi đang bị điều tra, và 7 vị vẫn còn thi hành thừa tác vụ dù đang được điều tra sơ khởi.

Tất cả chi phí cho các vụ linh mục dòng là 18.220.654 Mỹ kim cho cả năm 2004 lẫn trước đó, chưa kể 414.984 Mỹ kim cho vấn đề bảo vệ trẻ em, như việc huấn luyện và điều tra lý lịch.

Cho tới ngày 31/12/2004, có 1987 hay 96.3% tổng số giáo phận tuân hợp tất cả mọi điều khoản của Hiến Chương Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ được hội đồng giám mục Hoa Kỳ chấp thuận trong cuộc họp bán niên của mình vào tháng 6/2002 tại Dallas, sau khi vụ này bùng nổ ở TGP Boston vào tháng 2/2002.

Đây là bản tường trình thứ hai, sau bản tường trình thứ nhất đã được phổ biến vào ngày 6/1/2004, cả hai đều được Văn Phòng Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phổ biến, nhưng được thực hiện bởi Gavin Group, Inc, ở Boston Massachusetts do ông William Gavin chỉ huy, một viên chức cũ của Văn Phòng Điều Tra Liên Bang FBI (Federal Bureau of Investigation), người đã từng phục vụ tại các văn phòng FBI ở Nữu Ước, Miami và Denver.

Có 56 nhân viên kiểm tra sổ sách hành sự giữa thời khoảng 26/7 đến 17/12/2004. trong số 195 giáo phận có 194 được tra xét. 144 giáo phận hay 74.2% được công nhận là tuân hợp và trong số 50 giáo phận đã nhận được giấy báo về Những Hoạt Động Đòi Hỏi Phải Làm, có 43 (86%) đã chữa hết các vấn đề bất tuân hợp tính đến ngày 31/12/2004.

Có tất cả 91 việc cần phải tuân hợp được gửi đến cho 50 giáo phận trong năm 2004. Hầu hết các việc cần phải tuân hợp này liên quan đến Khoản 12 (về các chương trình môi sinh an toàn) và Khoản 13 (về những việc thẩm định lý lịch). Những Khoản số 3 (về những thỏa thuận kín mật), 14 (về việc thuyên chuyển giáo sĩ), 16 (về việc hợp tác nghiên cứu) và 17 (về những chương trình huấn luyện) đều được các giáo phận tuân hành nên không có vấn đề gì cần phải nhận được giấy cảnh báo.

Tóm lại, tính đến ngày 31/12/2004, có 187 hay 96.3% các giáo phận được kiểm tra đã tuân hợp với tất cả mọi điều khoản của Bản Hiến Chương, chỉ còn 7 giáo phận hay 3.6% là không hoàn tất những cảnh giác của văn phòng phụ trách việc thanh tra này. Trong cuộc thanh tra năm 2003 có 19 giáo phận không hoàn toàn tuân hợp với 1 hay một số khoản của Bản Hiến Chương. Trong 19 giáo phận này, chỉ có 1 giáo phận vẫn không tuân hợp đầy đủ trong cả năm 2004 nữa. Bản tường trình sẽ được Hội Đồng Kiểm Điểm Toàn Quốc NRB (National Review Board), có bác sĩ Nicholas Cafardi lãnh đạo, bao gồm những người Công giáo có uy thế chuẩn nhận nữa.


 

“Phát Triển Nhanh”
Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
gửi Thành Phần Hữu Trách Các Ngành Truyền Thông
(TIẾP)


IV. Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng, Giao Điểm của Những Đại vấn Đề Xã Hội

10.     Giáo Hội, theo chiều hướng sứ điệp cứu độ được Chúa Kitô ký thác cho là thày dạy nhân loại, nhận thấy nhiệm vụ cần phải đóng góp vào việc hiểu biết hơn nữa về những quan niệm và trách nhiệm liên quan tới những phát triển hiện nay nơi ngành truyền thông. Đặc biệt vì những phương tiện truyền thông này ảnh hưởng đến lương tâm con người, hình thành tâm thức của họ và khuôn đúc quan niệm của họ về các sự vật, cần phải nhấn mạnh một cách mãnh liệt và rõ ràng là các phương tiện truyền thông đại chúng tạo nên một gia sản cần phải được bảo toàn và cổ võ. Những phương tiện truyền thông đại chúng cần phải đi sâu vào chiều kích của các thứ quyền lợi và nghĩa vụ căn bản, cần phải là chiều kích này theo quan điểm huấn luyện và trách nhiệm về luân thường đạo lý, hay theo sự liên hệ với luật lệ cũng như với các điều lệ về cơ cấu.

Việc phát triển tích cực của các phương tiện truyền thông cho việc phục vụ công ích là một trách nhiệm của mỗi người và mọi người (12). Vì mối liên hệ chặt chẽ giữa các phương tiện truyền thông với kinh tế, chính trị và văn hóa, cần phải có một hệ thống điều hành cần thiết có thể bảo đảm được vai trò chính yếu và phẩm vị của con người, tính cách nền tảng của gia đình như một đơn vị căn bản của xã hội cùng mối liên hệ xứng hợp giữa các lãnh vực này với nhau.

11.     Chúng ta đang phải đối diện với ba giải pháp là việc huấn luyện, việc tham dự và việc đối thoại.

Trước hết, việc huấn luyện rộng lớn là việc cần phải có để bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông đại chúng được hiểu biết và sử dụng một cách sáng suốt và thích hợp. Ngữ vựng mới được các phương tiện này đưa vào xã hội đang điều chỉnh cả tiến trình học hỏi lẫn phẩm chất của các mối liên hệ nhân bản, do đó, nếu không được huấn luyện thích hợp, những phương tiện truyền thông này có nguy cơ mạo dụng và hạn chế sâu nặng hơn là phục vụ dân chúng. Điều này đặc biệt đúng nơi giới trẻ, thành phần tỏ ra tự nhiên hào hứng với những cái mới mẻ về kỹ thuật, do đó lại càng cần phải được giáo dục về việc sử dụng một cách hữu trách và ý thức các phương tiện truyền thông.

Sau nữa, tôi xin nhắc lại việc chúng ta chú trọng tới vấn đề khả dụng các phương tiện truyền thông cũng như đến vấn đề đồng trách nhiệm tham dự vào việc quản trị những phương tiện truyền thông này. Nếu các phương tiện truyền thông là một sự thiện giành cho toàn thể nhân loại thì những phương tiện hằng mới mẻ này cần phải, kể cả việc sử dụng đến những phương sách lập pháp thích thuận, được làm sao để tất cả mọi người đều thực sự tham phần vào việc điều hành chúng. Cần phải nuôi dưỡng thứ văn hóa đồng trách nhiệm.

Sau hết, không thể bỏ qua những trách nhiệm lớn lao của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc cổ võ đối thoại, trong việc trở thành những phương tiện tương kiến, kết đoàn và hòa bình. Chúng trở thành một phương tiện mãnh liệt cho thiện ích, nếu chúng được sử dụng để nuôi dưỡng sự hiểu biết giữa các dân tộc; nhưng chúng sẽ trở thành một “thứ vũ khí” tiêu diệt, nếu chúng được sử dụng để nuôi dưỡng bất công cùng các thứ xung khắc. Vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Chân Phước Gioan XXIII đã cảnh giác có tính cách tiên tri về một nhân loại với những nguy cơ trầm trọng như thế trong Thông Điệp Bình An Dưới Thể (13).

12.     Việc suy tư về vai trò “của ý kiến quần chúng trong Giáo Hội”, cũng như “về Giáo Hội theo ý kiến quần chúng” là những gì được chú trọng rất nhiều. Trong một cuộc gặp gỡ các vị chủ bút các báo chí Công giáo, vị tiền nhiệm Piô XII đáng kính của tôi đã nói rằng có một cái gì đó thiêu thiếu nơi đời sống của Giáo Hội nếu Giáo Hội không chú ý tới ý kiến quần chúng. Tư tưởng này từ đó đã được lập lại vào những dịp khác (14), và Bộ Giáo Luật nhìn nhận, với một số điều kiện, quyền được bày tỏ ý nghĩ riêng của con người (15). Cho dù thật sự là các sự thật của đức tin không được tự do dẫn giải một cách độc đoán, và việc tôn trọng quyền lợi của người khác giới hạn việc bày tỏ phán đoán của con người, thì cũng đúng nữa đó là vẫn còn chỗ nơi tín hữu Công giáo cho việc trao đổi ý kiến bằng một cuộc đối thoại tôn trọng công lý và thận trọng.

Việc truyền đạt cả trong cộng đồng Giáo Hội lẫn giữa Giáo Hội với chung thế giới đòi phải cởi mở và một đường lối mới đối với những vấn đề đang cần phải đương đầu đối với thế giới truyền thông. Việc truyền đạt này cần phải hướng về một cuộc đối thoại xây dựng, hầu phát động một thứ ý kiến quần chúng được hiểu biết và ý thức một cách xác đáng trong cộng đồng Kitô hữu. Giáo Hội, như các tổ chức và nhóm hội khác, có nhu cầu và quyền được làm cho các sinh hoạt của mình được biết tới. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh đòi hỏi, Giáo Hội cần phải làm sao để có thể bảo đảm được tính cách trọn vẹn bảo mật, mà lại bởi đó không gây tổn hại cho việc truyền đạt hợp thời và đầy đủ các biến cố của Giáo Hội. Đây là một trong những lãnh vực mà việc hợp tác giữa tín hữu giáo dân và các vị Chủ Chiên cần đến nhất, như Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh một cách thích đáng là “hy vọng rằng sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: ở chỗ, giáo dân ý thức ttrách nhiệm của mình một cách vững chắc hơn, lòng hăng say của họ được phát triển và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các vị chủ chăn, nhờ sự hỗ trợ kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và xác đáng hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế. Nhờ vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh bởi tất cả mọi chi thể sẽ có thể chu toàn một cách hữu hiệu hơn sứ mệnh của Giáo Hội là mang lại sự sống cho thế gian” (16).

Còn Tiếp

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20050124_il-rapido-sviluppo_en.html

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ