GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 27 CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

TRONG NĂM THÁNH THỂ

        

ĐTC GPII: Tông Thư về Ngày Của Chúa

 

Chương III (TIẾP)

 

Ngày của Giáo Hội – Dies Ecclesiae

Cộng Đồng Thánh Thể: Tâm Điểm của Chúa Nhật

Một dân lữ hành

37.           Vì Giáo Hội lữ hành qua giòng thời gian nên việc qui chiếu về Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô cũng như việc tái diễn hằng tuần cuộc tưởng niệm long trọng này là những gì nhắc nhở chúng ta về cuộc lữ hành có tính cách cánh chung của Dân Chúa. Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật kia, Giáo Hội tiến về “Ngày Của Chúa” sau hết, một Chúa Nhật không cùng. Niềm trông mong Chúa Kitô đến được ghi khắc trong chính mầu nhiệm Giáo Hội (55) và được sáng tỏ nơi hết mọi cuộc cử hành Thánh Thể. Thế nhưng, vì đặc biệt tưởng nhớ đến vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh mà Ngày Của Chúa gợi lên một cách mãnh liệt hơn vinh quang mai này khi Người “trở lại”. Điều này làm cho Chúa Nhật trở thành một ngày Giáo Hội, ở một nghĩa nào đó, khi chiếu tỏ hơn nữa căn tính là “Hiền Thê” của mình, ngưỡng vọng về thực tại cánh chung Giêsusalem thiên quốc này. Khi qui tụ con cái mình lại thành cộng đồng Thánh Thể và dạy cho họ biết chờ đợi “Vị Phu Quân thần linh”, Giáo Hội đang thực hiện một thứ “thao luyện lòng ước mong” (56), vì được tiên hưởng niềm vui trời đất mới, lúc mà thành thánh là tân Gia Liêm từ nơi Thiên Chúa mà xuống “sẵn sàng như cô dâu trang điểm để nghênh đón phu quân của mình” (Rev 21:2).

Một ngày hy vọng

38.           Được quan niệm như thế, Chúa Nhật không phải chỉ là ngày đức tin mà còn là ngày của niềm hy vọng Kitô giáo nữa. Việc thông phần vào “Bữa Tiệc Ly của Chúa” là việc ngưỡng vọng đến cuộc cánh chung “hôn lễ của Con Chiên” (Rev 19:9). Khi cử hành việc tưởng niệm Chúa Kitô này, một Chúa Kitô phục sinh và lên trời, cộng đồng Kitô hữu đợi chờ “trong niềm hy vọng hân hoan về việc Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô tới” (57). Được canh tân và nuôi dưỡng bằng nhịp điều hằng tuần tha thiết này, niềm hy vọng Kitô giáo trở thành men và ánh sáng cho niềm hy vọng của nhân loại. Đó là lý do tại sao Lời Nguyện Cộng Đồng chẳng những cầu xin cho các nhu cầu của cộng đồng Giáo Hội riêng mà còn cho những nhu cầu của toàn thể nhân loại nữa; và Giáo Hội, khi qui tụ lại với nhau để cử hành Thánh Thể, tỏ cho thế giới thấy rằng Giáo Hội cảm thấy như là của mình “các niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo âu của con người ngày nay, nhất là của thành phần nghèo cũng như của tất cả những ai khổ đau” (58). Bằng việc hiến dâng Thánh Thể Chúa Nhật, Giáo Hội tôn vinh chứng từ được con cái mình nỗ lực dâng hiến mỗi ngày trong tuần khi loan truyền Phúc Âm và thực thi bác ái nơi thế giới hoạt động cũng như nơi tất cả những công việc của đời sống; nhờ đó Giáo Hội chiếu tỏ hơn nữa căn tính của mình” như là một bí tích, hay là dấu hiệu và là dụng cụ cho mối hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với toàn thể nhân loại” (59)

Bàn tiệc lời Chúa

39.           Trong mỗi việc cử hành Thánh Thể, Chúa Kitô Phục Sinh được gặp gỡ nơi cộng đồng Chúa Nhật ở bàn tiệc Lời Chúa và Bánh Sự Sống. Bàn tiệc Lời Chúa cống hiến cùng một kiến thức về lịch sử cứu độ, nhất là Mầu Nhiệm Vượt Qua, được chính Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ cho các môn đệ của Người biết: chính Chúa Kitô phán dạy, hiện diện nơi lời của Người “khi Thánh Kinh được đọc trong Giáo Hội” (60). Ở bàn tiệc Bánh Sự Sống, Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện một cách thực sự, về bản thể và lâu dài suốt cuộc tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, và Bánh Sự Sống được cống hiến như là một bảo chứng cho vinh quang mai hậu. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở rằng “Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi cả hai hợp thành một tác động tôn thờ duy nhất” (61). Công Đồng này cũng chủ trương rằng “bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra dồi dào hơn nữa cho tín hữu, mở ra cho họ tràn đầy các kho tàng Thánh Kinh hơn nữa” (62). Rồi Công Đồng truyền rằng, trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, không được bỏ bài giảng trừ khi có lý do quan trọng (63). Những điều truyền dạy hợp thời này đã được trung thành thể hiện nơi việc canh tân phụng vụ, một canh tân được Đức Phaolô VI, khi dẫn giải về việc cống hiến dồi dào hơn các bài đọc Thánh Kinh vào Chúa Nhật cũng như các ngày lễ trọng, viết rằng: “Tất cả những điều ấy đã được truyền dạy để nuôi dưỡng mỗi ngày một hơn nơi tín hữu ‘nỗi đói khát nghe lời Chúa’ (Am 8:11), một nỗi đói khát, theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thúc đẩy Dân Tân Ước hướng về mối hiệp nhất trọn vẹn của Giáo Hội” (64).

40.           Khi xét đến Thánh Thể Chúa Nhật hơn 30 năm sau Công Đồng này, chúng ta cần thẩm định xem Lời Chúa được loan báo tốt đẹp biết bao và Dân Chúa gia tăng một cách hiệu quả biết là chừng nào về kiến thức cùng lòng mến yêu Thánh Kinh (65). Có hai khía cạnh về vấn đề này, đó là khía cạnh cử hành và khía cạnh tiếp thu riêng, hai khía cạnh rất liên hệ chặt chẽ với nhau. Ở lãnh vực cử hành, sự kiện Công Đồng cho phép công bố Lời Chúa bằng ngôn ngữ của cộng đồng tham dự việc cử hành là những gì cần phải làm bừng lên một cảm thức trách nhiệm mới đối với Lời Chúa, để “tính chất chuyên biệt của sách thánh” chiểu tỏ “ngay trong cách đọc hay hát” (66). Ở lãnh vực tiếp thu riêng, việc nghe lời Chúa được công bố cần phải được sửa soạn kỹ lưỡng nơi linh hồn tín hữu bằng một khả thức về Thánh Kinh, và khi mục vụ cho phép, bằng những sáng kiến đặc biệt để hiểu biết sâu xa hơn các bài đọc thánh kinh, nhất là những bài đọc được sử dụng cho Chúa Nhật và các lễ trọng. Nếu cá nhân và gia đình Kitô hữu không thường xuyên kín múc sự sống mới từ việc đọc sách thánh bằng tinh thần cầu nguyện và lắng nghe Giáo Hoôi dẫn giải (67), thì nguyên việc loan báo phụng vụ Lời Chúa khó có thể làm trổ sinh hoa trái theo lòng chúng ta mong đợi. Đây là giá trị của những hoạt động nơi các cộng đồng giáo xứ có thể qui tụ lại trong tuần những ai dự phần vào Thánh Thể là linh mục, các thừa tác viên và tín hữu (68), để sửa soạn phụng vụ Chúa Nhật, suy niệm trước Lời Chúa sẽ được công bố. Mục tiêu được nhắm đến ở đây là để cho toàn thể việc cử hành, cầu nguyện, ca hát, lắng nghe, chứ không phải chỉ có vấn đề giảng giải, thể hiện một cách nào đó đề tài của phụng vụ Chúa Nhật, hầu tất cả mọi người dự phần có thể mãnh liệt thấm nhuần việc cử hành này. Hiển nhiên là tùy thuộc nhiều vào những ai thi hành tác vụ Lời Chúa. Họ có nhiệm vụ cần phải sửa soạn việc suy niệm Lời Chúa bằng cách nguyện cầu và học hỏi sách thánh, hầu họ có thể nhờ đó diễn tả nội dung của sách thánh một cách trung thực và áp dụng nội dung này vào các mối quan tâm của dân chúng cũng như vào cuộc sống hằng ngày của họ.

41.           Cũng cần phải nhớ rằng việc loan báo phụng vụ Lời Chúa, nhất là trong cộng đồng Thánh Thể, không phải là dùng quá nhiều giờ cho việc suy niệm và dạy giáo lý như là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với Dân của Ngài, một cuộc đối thoại bao gồm việc loan báo các kỳ công của ơn cứu độ cùng những đòi hỏi của Giao Ước được liên tục lập lại. Về phần mình, Dân Chúa được kêu gọi đáp ứng cuộc đối thoại yêu thương này bằng việc dâng lời tạ ơn và chúc tụng, cũng như bằng việc bày tỏ lòng trung thành của mình đối với công việc liên tục “hoán cải”. Bởi thế cộng đồng Chúa Nhật ủy thác cho chúng ta vấn đề thực hiện việc lập lại một cách ý thức những lời hứa quyết rửa tội của chúng ta, một việc ý thức lập lại, ở một nghĩa nào đó, được bao gồm nơi việc đọc Kinh Tin Kính, và là một phần chuyên biệt của phụng vụ Lễ Vọng Phục Sinh cũng như của việc ban phép rửa trong Thánh Lễ. Trong bối cảnh ấy, việc loan báo Lời Chúa trong việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật mặc lấy một cung điệu trọng thể như trong Cựu Ước vào những lúc lập lại Giao Ước, lúc Lề Luật được công bố và cộng đồng Do Thái được kêu gọi – như một Dân Tộc trong sa mạc ở chân núi Sinai (x Ex 19:7-8; 24:3-7) – lập lại tiếng “xin vâng” của mình, lập lại quyết tâm của họ tỏ ra muốn trung thành với Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài. Khi tuyên phán lời của mình, Thiên Chúa đợi chờ việc đáp ứng của chúng ta: một đáp ứng đã được Chúa Kitô thực hiện cho chúng ta bằng lời “Amen” của Người (x cf. 2Cor 1:20-22), và là một đáp ứng vang vọng nơi chúng ta bởi Thánh Linh, để những gì chúng ta nghe có thể làm cho chúng ta được thấm nhuần sâu xa hơn (69).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

ĐTC GPII với Giáo Hoàng Học Viện Đặc Trách Sự Sống về đề tài “Phẩm Chất của Sự Sống và Đạo Lý về Sinh Lực”

ĐTC GPII đã viết một sứ điệp gửi cho ĐGM Elio Sgreccia, chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống cũng như cho thành phần tham dự viên cuộc hội nghị nghiên cứu được tổ chức ở Vatican trong thời khoảng 21-23/2/2005, về đề tài “Phẩm Chất của Sự Sống và Đạo Lý về Sinh Lực”. Sau đây là những điểm chính yếu tiêu biểu ĐTC muốn nhắn nhủ hội nghị về sự sống này.

“Trước hết, cần phải nhìn nhận phẩm chất thiết yếu làm cho mỗi một người trở thành đặc biệt ở sự kiện là họ được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như chính Đấng Hóa Công…. Tầm mức phẩm vị và phẩm chất này thuộc về lãnh vực bản thể học và là những gì làm nên con người, nó kéo dài suốt cuộc sống, từ giây phút đầu tiên được thụ thai cho đến khi tự nhiên chết đi, và nó được hoàn toàn hiện thực nơi chiều kích sự sống siêu nhiên. Bởi thế mà con người cần phải được nhìn nhận và tôn trọng ở bất cứ tình trạng sức khỏe, yếu bệnh hay tật nguyền nào.

“Bị áp đảo bởi những xã hội thịnh đạt, quan niệm về phẩm chất của sự sống vừa được yêu chuộng lại đồng thời bị suy giảm và lựa lọc, một quan niệm được thể hiện nơi khả năng hoan hưởng và cảm khoái, thậm chí nơi cả khả năng tự thức và tham gia vào sinh hoạt xã hội. Bởi thế, không có một phẩm chất của sự sống nào được giành cho con người chưa biết hay không còn khả năng bày tỏ lý trí và lòng muốn của họ, cũng như cho những người không còn khả năng hoan hưởng sự sống như là một chuỗi cảm xúc và liên hệ”.

Ở phần sau của sứ điệp, ĐGH đã đề cập đến chiều kích luân lý của quan niệm sinh lực, “một quan niệm không thể sơ xuất”. Sau khi nhắc lại tình trạng lan tràn của việc nghiện rượu, nghiện hút và hội chứng liệt kháng, ngài nói thêm:

“Có bao nhiêu năng lực của sự sống, và có bao nhiêu mạng sống của giới trẻ, có thể được cứu vớt và giữ gìn cho tình trạng khỏe mạnh nếu mỗi một cá nhân con người lãnh nhận trách nhiệm về luân lý trong việc biết cách cổ võ vấn đề ngăn ngừa tốt đẹp hơn cũng như việc bảo trì sự thiện quí hóa được chúng ta gọi là sinh lực!

“Dĩ nhiên, sinh lực không phải là một sự thiện tuyệt đối, nhất là khi nó được thấy như là một thứ phúc hạnh thể lý thuần túy, một thứ phúc hạnh được thần thoại hóa đến độ nó giới hạn hóa hay coi thường những đích điểm cao cả hơn, thậm chí đưa ra những lý do về sức khỏe để chối bỏ sự sống phôi dựng. Đó là những gì đang xẩy ra nơi thứ sinh lực được gọi là ‘sinh lực sản sinh’. Làm sao chúng ta lại không thể nhận thấy nơi vấn đề này một thứ quan niệm suy kém và lệch lạc về sinh lực chứ?”

Theo ĐTC nhấn mạnh thì sinh lực “chỉ có thể hy sinh đi cho những mục đích cao cả hơn mà thôi, như đôi khi được đòi hỏi trong việc phục vụ đối với Thiên Chúa, đối với gia đình, đối với anh chị em chúng ta hay đối với toàn thể xã hội. Sinh lực cần phải được canh giữ và chữa trị như là một thứ quân bình về tâm sinh lý và tâm thần nơi con người. Phung phí sức khỏe vì những thứ lệch lạc khác nhau, nhất là những thứ liên quan tới vấn đề bại luân nơi cá nhân, là những gì phải chịu trách nhiệm nặng nề về luân thường đạo lý và xã hội”.

 

ĐTC GPII: Lại Tác Phẩm Triết Lý – Lại Bị Chống Đối

Nếu tác phẩm đầu tiên của ĐTC GPII “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, một tác phẩm là thành quả của cuộc phỏng vấn về tình hình thế giới, bị một số Phật tử chống đối về chi tiết liên quan đến đạo giáo của họ nói chung và vị giáo tổ của họ nói riêng thế nào, thì tác phẩm thứ năm “Hồi Niệm và Căn Tính”, cũng là thành quả của các cuộc đàm thoại về triết lý thời cuộc, vào cùng một thời điểm (1993) với tác phẩm thứ nhất (1994), cũng bị một số Do Thái giáo phản đối như vậy về chi tiết liên quan đến nạn diệt chủng của họ.

Trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, ở chương về Đức Phật (Buddha?), ĐTC GPII, với tư cách là một triết gia, chứ không phải là một vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công giáo, đã nhận định về Phật giáo nói chung như sau:

“Tín điều cứu độ của Phật giáo là điểm chính yếu, hay là một điểm duy nhất của đạo giáo này. Tuy nhiên, cả truyền thống Phật giáo lẫn các phương pháp phát xuất từ truyền thống của đạo giáo này đều có một tính cách cứu độ hoàn toàn tiêu cực.

“’Việc giác ngộ’ được Đức Phật cảm thấy đã biến thành niềm xác tín rằng thế giới này là những gì xấu xa, là nguồn của sự dữ và khổ đau cho con người. Để giải thoát mình khỏi sự dữ ấy, con người cần phải giải thoát mình khỏi thế giới này, cần phải dứt bỏ những liên hệ làm cho chúng ta gắn bó với thực tại bên ngoài, những liên hệ hiện hữu nơi bản tính của chúng ta, nơi tâm thần của chúng ta, nơi thân thể của chúng ta. Chúng ta càng ly thoát khỏi những liên hệ ấy chúng ta càng trở thành dửng dưng với những gì thuộc về thế giới này, và chúng ta càng thoát khỏi khổ đau, khỏi sự dữ là nguồn mạch của khổ đau trên thế giới đây.

“Chúng ta có đến gần Thiên Chúa theo đường lối này hay chăng? Điều ấy không được nói đến trong ‘việc giác ngộ’ được Đức Phật truyền đạt. Phật giáo nói chung là một ý hệ ‘vô thần’. Chúng ta không giải thoát mình khỏi sự dữ bằng sự thiện từ Thiên Chúa mà ra; chúng ta giải thoát mình chỉ nhờ ở việc không dính bén với thế gian là những gì xấu xa. Tầm mức viên trọn của một thứ không dính bén ấy không phải là tình trạng hiệp nhất với Thiên Chúa mà là tình trạng được gọi là niết bàn, một tình trạng hoàn toàn dửng dưng với thế giới. Để cứu độ mình, trước hết, là giải thoát mình khỏi sự dữ bằng cách trở nên dửng dưng với thế giới là nguồn sự dữ. Đó là tột đỉnh của tiến trình đạo lý này”.

Chưa hết, ở Chương “Chúa Giêsu có phải là Con Thiên Chúa hay chăng?”, vị triết gia tác giả Giáo Hoàng còn nói đến riêng bản thân của vị giáo tổ Phật giáo như sau: “Người (Chúa Giêsu) càng không giống như Đức Phật là vị chối bỏ tất cả những gì được tạo dựng. Đức Phật đúng khi ngài không thấy khả thể cứu độ của loài người nơi tạo sinh, nhưng ngài sai lầm khi ngài, vì lý do ấy, lại không công nhận tạo sinh có một giá trị nào đó đối với nhân loại”.

Trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính”, vị giáo sư triết ở Balan ngày xưa này cũng đã thẳng thắn nhận định vấn đề sự dữ luân lý liên quan đến vấn đề hôn nhân đồng tính và phá thai phát xuất từ thành phần lập pháp như sau.

“Thật là hợp lý và cần thiết để hỏi mình rằng đây hẳn không phải là những gì thuộc về một thứ tân ý hệ sự dữ mà có lẽ còn quỉ quyệt và bí ẩn hơn, một thứ ý hệ phạm đến gia đình và con người đang cố gắng chôn vùi đi các thứ nhân quyền”.

Ở Đức và một số nơi khác đã bừng lên một cuộc tranh luận sau khi các nhóm dân Do Thái tỏ ra chống đối những đoạn được trích dẫn so sánh nạn diệt chủng Do Thái với nạn phá thai. Vị lãnh đạo Hội Đồng Trung Ương Do Thái ở Đức đã cho việc so sánh này là điều không thể chấp nhận được. Sau đây là những đoạn ngài nói rằng các quốc hội được tuyển chọn hợp pháp trong các xứ sở chuyên chế trước đây đã cho phép những gì mà ngày nay ngài gọi là những hình thức mới của sự dữ và của các thứ diệt chủng mới.

“Tuy nhiên, cũng có một thứ diệt chủng về pháp lý những con người được thụ thai song chưa được sinh ra”.

“Lần này chúng ta nói đến một thứ diệt chủng đã được cho phép bởi chính những quốc hội được tuyển bầu theo dân chủ là nơi con người thường nghe thấy những lời kêu gọi cho sự tiến bộ về dân sự của xã hội cũng như của toàn thể loài người”.

 

Biến Động đối kháng nỗ lực hòa bình, nhưng đôi bên vẫn thiện chí cương quyết tiến lên

Mới hôm mùng 8/2/2005, đôi bên đã ký kết với nhau ở Ai Cập về thỏa hiệp ngưng chiến, và đã tiên báo rằng sẽ có những thứ chống đối xẩy ra. Thật thế, hôm Thứ Sáu 25/2/2005, vào lúc 11:30 giờ đêm ở địa phương (tức 4:30 chiều ở Nữu Ước), ngay khi những hộp đêm bắt đầu mở thì xẩy ra cuộc tự sát khủng bố đầu tiên trong 4 tháng vừa rồi, xẩy ra ở gần hộp đêm The Stage. Chủ tiệm là Tzahi Cohen đã cho CNN biết rằng có khoảng từ 7 đến 10 người và 4 nhân viên an ninh canh gác ở ngoài hộp đêm này khi kẻ ôm bom cho nổ bom. Nhân viên an ninh thường kiểm soát thành phần tiến vào hộp đêm, nhưng vì hộp đêm chưa mở cửa nên những ai đứng xếp hàng chưa được kiểm xét. Hậu quả của cuộc khủng bố tự sát này gây có 4 người thiệt mạng và ít là 65 người bị thương.

Vào sáng sớm Thứ Bảy, Thủ Tướng Sharon tham vấn với bộ trưởng quốc phòng và lực lượng an ninh, nhưng Do Thái “vẫn dấn thân” thỏa hiệp ngưng chiến đã ký kết với Thẩm Quyền Palestine, như phát ngôn viên của Sharon là Ra’annan Gissin cho biết.

Bên Palestine, Tổng Thống Abbas triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các nhân viên an ninh của mình ở Ramallah. Ông cũng phổ biến một công văn hứa quyết là Thẩm Quyền Palestine sẽ làm hết sức có thể để truy lùng những kẻ gánh trách nhiệm về vụ tấn công này.

Phát ngôn viên của Thủ Tướng Sharon là Gissin nói tiếp là cuộc khủng bố hôm Thứ Sáu cho thấy Thẩm Quyền Palestine cần phải nỗ lực hơn nữa để kiềm chế những tay chiến đấu và chiến đấu với nạn khủng bố hơn là cố gắng điều đình:

“Đối với những tên khủng bố anh không thể nào tiến đến chỗ dung hòa. Anh không thể thực hiện những thứ thỏa hiệp. Nỗ lực của Thẩm Quyền Palestine để cố gắng tiến tới việc hiểu biết hay thỏa hiệp với tổ chức khủng bố đã không thành công. Đêm nay họ đã bất thành. Nó đã bất thành trước đây rồi. Không cần phải lên án nếu Thẩm Quyền Palestine đã thực sự thực hiện những việc giải tán các tổ chức khủng bố, giam giữ những tay khủng bố, tịch thu tất cả mọi thứ khí giới bất hợp pháp, làm tất cả những gì cần theo những đòi hỏi của lộ trình hòa bình”.

Phát ngôn viên bên Palestine là Erakat, trước những nhận định của bên Do Thái, cũng đã lên tiếng cho biết các lực lượng Do Thái vẫn có trách nhiệm an ninh ở nhiều thành phố Tây Ngạn. Tân chính phủ Palestine mới tuyên thể nhận chức hôm Thứ Năm 24/2/2005, sẽ “không thể dung nhượng” đối với những tay chiến đấu quân và sẽ thực hiện “tất cả mọi nỗ lực” để chiến đấu với nạn bạo động. Vị này cũng cho biết lực lượng an ninh Palestine đã liên lạc với lực lượng an ninh Do Thái để phối hợp nỗ lực với nhau.

Các lực lượng an ninh của cả Do Thái lẫn Palestine đã bắt giữ 7 người tình nghi liên quan đến nội vụ khủng bố tự sát này, sau khi người sinh viên đại học 22 tuổi tên Abdallah Badran ở làng Deir al-Ghusun phía bắc Tây Ngạn, gây ra cuộc khủng bố này. Trong số 7 người này có 2 anh em của phạm nhân và 3 người cùng làng do lực lượng an ninh Do Thái vây bắt sau khi nhận diện được kẻ khủng bố. Còn 2 người khác do lực lượng Palestine bắt cũng ở Tây Ngạn có liên quan đến vụ nổ bom khủng bố này. Không một nhóm khủng bố nào lên tiếng nhận trách nhiệm như các lần trước. Tổng Thống Abbas của Palestine đã tuyên bố:

“Chúng tôi sẽ mang họ ra trước công lý. Chúng tôi sẽ không để cho bất cứ ai phá hoại những tham vọng của nhân dân chúng tôi… những ai thực hiện cuộc tấn công này là các kẻ khủng bố. Có một nhóm thứ ba muốn phá hoại tiến trình hòa bình này”.

Bên Palestine, một tân chính phủ vừa chính thức tuyên thệ nhận chức. Bộ nội các này gồm có 24 vị, đa số là thành phần chuyên nghiệp (10 tiến sĩ, 1 bác sĩ, 1 luật sư, một số kỹ sư và một số với cấp bằng cao học, 2 nữ giới), một bộ nội các đã được quốc hội công nhận với đa số phiếu (54-12 với 4 phiếu trống) theo chiều hướng thực hiện việc canh tân chính quyền được hứa hẹn lâu dài. Bộ nội các đã tuyên thệ tại tổng hành dinh của Tổng Thống Mahmound Abbas tại tỉnh Ramallah ở Tây Ngạn, mấy tiếng đồng hồ sau khi quốc hội chuẩn nhận. Bộ Nội Các này được lãnh đạo bởi Thủ Tướng Ahmed Qorei, vị đang làm thủ tướng dưới thời cố tổng thống Arafat thay Thủ Tướng Abbas xin từ chức trước đó, cũng là vị khởi xướng việc giữ lại những người bạn chí thân từ thời cố tổng thống Arafat.

Tổng Thống Abbas đã nhận định về 17 phần tử mới trong Nội Các như sau: “Họ là thành phần trẻ trung và chuyên nghiệp, nên tôi nghĩ rằng họ có khả năng thi hành nhiệm vụ của họ. Chúng tôi đã chọn lựa họ rất kỹ lưỡng”.

Những lời này của tổng thống Abbas nhấn mạnh đến tính cách chuyên nghiệp của thành phần mới (trong cả 100 chuyên gia thượng hạng được chọn từng người một) hơn là về vấn đề chính trị đã thuyết phục được thành phần lập pháp thuộc đảng Fatah của ông trong cuộc tranh luận giữa quốc hội và thủ tướng Qorei.

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ