GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 2/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.
__________________
NGÀY 3 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG, NGÀY THÁNH THỂ TRONG NĂM THÁNH THỂ |
ĐTCGPII giảng dạy Giáo Lý trong Đại Năm Thánh 2000, bài 26, Thứ Tư 11/10/2000
1. “Nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng cùng với Chúa Thánh Thần”. Lời tuyên tụng Ba Ngôi này kết thúc lời cầu của Kinh Nguyện Thánh Thể mỗi lần cử hành Thánh Lễ. Thật vậy, Thánh Thể là “hy tế chúc tụng” tuyệt hảo, là việc tôn vinh cao cả nhất từ đất dâng lên trời, là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, thành phần hiến dâng tế vật thần linh nơi Thánh Thể (lên Chúa Cha) cùng với chính bản thân mình nữa” (Hiến Chế Lumen Gentium, 11). Trong Tân Ước, Thư gửi giáo đoàn Do Thái dạy chúng ta rằng phụng vụ Kitô Giáo được hiến dâng bởi “một thượng tế thánh thiện, liêm chính, vẹn tuyền, không dính dáng với tội nhân, vượt trên các tầng trời”, Đấng thực hiện một hy tế chuyên nhất một lần vĩnh viễn bằng “việc dâng hiến bản thân mình” (x Heb 7:26-27). Bức Thư viết: “Thế nên, nhờ Người, chúng ta hãy tiếp tục hiến dâng lên Thiên Chúa hy tế chúc tụng” (Heb 13:15). Hôm nay, chúng ta hãy vắn tắt nhắc lại hai đề tài hy tế và chúc tụng, sacrificium laudis, nơi Thánh Thể.
2. Trước hết, hy tế của Chúa Kitô hiện diện nơi Thánh Thể. Chúa Giêsu thực sự hiện diện dưới hình bánh và rượu, như chính Người đã bảo đảm với chúng ta rằng: “Đây là mình Thày... đây là máu Thày” (Mt 26:26, 28). Thế nhưng, Chúa Kitô hiện diện nơi Thánh Thể là một Chúa Kitô hiện đang được vinh quang, Đấng đã hiến mình trên thập giá vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là những gì được nhấn mạnh bởi những lời Người phán trên chén rượu: “Đây là máu giao ước đổ ra cho nhiều người” (Mt 26:28; x Mk 14:24; Lk 22:20). Nếu những lời này được khảo sát theo chiều hướng xuất phát từ Thánh Kinh thì có hai liên quan đáng chú ý. Liên quan thứ nhất là kiểu nói “máu đổ ra”, một kiểu nói, như ngôn ngữ Thánh Kinh chứng thực, cho thấy đồng nghĩa với cái chết dữ dằn (x Gen 9:6). Liên quan thứ hai là ở nơi câu phát biểu đích xác “cho nhiều người”, ám chỉ thành phần được máu này đổ ra cho. Việc gián tiếp ám chỉ ở đây đưa chúng ta về với đoạn văn nền tảng đối với việc giải thích Thánh Kinh của Kitô Giáo, đó là bài ca thứ bốn của tiên tri Isaia: bằng hy tế của mình, Người Tôi Tớ Chúa “đã thí mạng sống mình” và “mang lấy tội lỗi của nhiều người” (Is 53:12; x Heb 9:28; 1Pt 2:24).
3. Khía cạnh vừa hy tế lẫn cứu chuộc của Thánh Thể được thể hiện nơi những lời Chúa Giêsu phán trên bánh trong Bữa Tiệc Ly, những lời theo truyền thống được Thánh Luca và Phaolô thuật lại: “Đây là mình Thày sẽ bị nộp vì các con” (Lk 22:19; x 1Cor 11:24). Cả ở đây nữa cũng liên quan đến việc tự hy hiến bản thân mình của Người Tôi Tớ Chúa, hợp với đoạn sách tiên tri Isaia vừa được đề cập đến (53:12). “Người đã thí mạng sống mình...; Người đã mang lấy tội lỗi của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân”. “Thánh Thể không phải là gì khác ngoài chính hy tế. Chính hy tế Cứu Chuộc cũng là hy tế Tân Ước, như chúng ta tin tưởng và Giáo Hội Đông Phương minh nhiên tuyên xưng. “Hy tế của ngày hôm nay, Giáo Hội Hy Lạp đã nói từ nhiều thế kỷ trước đây (ở Công Đồng Contantinôpôli phi bác Sotericus vào năm 1156-1157), giống như hy tế được hiến dâng một lần bởi Lời Nhập Thể; hy tế đó được Người dâng hiến (hiện nay cũng như bấy giờ), vì hy tế ấy cũng là một hy tế duy nhất” (Tông Thư Dominicae Cenae, 9).
4. Thánh Thể, như một hy tế của Tân Ước, là việc phát triển và hoàn tất giao ước được cử hành trên núi Sinai, khi Moisen đổ một nửa máu của các tế vật hy sinh trên bàn thờ, biểu hiệu cho Thiên Chúa, và một nửa trên cộng đồng con cái Yến Duyên (x Ex 24:5-8). “Máu giao ước” này gắn bó Thiên Chúa với loài người lại với nhau một cách chặt chẽ bằng một mối giây liên kết. Mối thân mật trở nên trọn vẹn nơi Thánh Thể; việc Thiên Chúa và loài người gắn bó với nhau đạt đến tột đỉnh của mình. Đó là việc hoàn tất của “tân ước” được tiên tri Giêrêmia tiên báo (x 31:31-34): một giao ước trong tinh thần và trong tâm can, một giao ước được Thư gửi giáo đoàn Do Thái hết sức ca ngợi, khi trích lại lời của vị tiên tri này mà đem ghép nó với hy tế tối hậu duy nhất của Chúa Kitô (x Heb 10:14-17).
5. Đến đây, chúng ta có thể dẫn chứng một xác nhận khác về Thánh Thể là một hy tế chúc tụng. Thực sự hướng đến việc hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa và con người, “hy tế Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh cho tất cả việc phụng thờ của Giáo Hội cũng như của đời sống Kitô hữu. Tín hữu tham dự trọn vẹn hơn vào bí tích tạ ơn, đền bồi, nguyện xin và chúc tụng, chẳng những lúc họ cùng với vị linh mục hết lòng hiến dâng tế vật linh thánh cũng như chính mình với tế vật này lên Chúa Cha, mà còn cả lúc họ lãnh nhận tế vật này trong bí tích nữa” (Thánh Bộ Lễ Nghi, Eucharisticum Mysterium, 3e).
Như chính nguyên ngữ Hy Lạp thì Thánh Thể nghĩa là “tạ ơn”; nơi Thánh Thể Con của Thiên Chúa liên kết nhân loại được cứu chuộc với chính mình trong bản thánh ca tạ ơn và chúc tụng. Chúng ta hãy nhớ rằng tiếng todah của Do Thái, được phiên dịch là “chúc tụng”, cũng có nghĩa là “tạ ơn” nữa. Hy tế chúc tụng là một hy tế tạ ơn (x Ps 50 [49]: 14, 23). Trong Bữa Tiệc Ly, để thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã tạ ơn Cha Người (x Mt 26:26-27 và những đoạn Phúc Âm Nhất Lãm tương đương); đó là nguồn gốc cho tên gọi của bí tích này.
6. “Nơi hy tế Thánh Thể, toàn thể tạo vật Thiên Chúa yêu thương được hiến dâng lên Chúa Cha qua cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô” (Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1359). Hiệp nhất mình với hy tế của Chúa Kitô, Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể, vang lên lời chúc tụng của tất cả mọi tạo vật. Việc mọi tín hữu quyết tâm hiến dâng cuộc sống của mình, “thân xác” của mình, như Thánh Phaolô nói, như một “hy tế sống động, thánh hảo, đáng Thiên Chúa chấp nhận” (Rm 12:1), trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô, phải hợp với điều này. Như thế, chỉ có một sự sống duy nhất hiệp nhất Thiên Chúa với con người, đó là Chúa Kitô tử giá và phục sinh vì tất cả chúng ta với người môn đệ được kêu gọi hoàn toàn hiến mình cho Người.
Thi sĩ người Pháp Paul Claudel đã ca lên bản hát về mối hiệp thông yêu thương, khi đặt những lời sau đây vào môi miệng của Chúa Kitô: “Hãy đến với Ta, nơi Ta Hiện Hữu, ở trong bản thân con,/ và Ta sẽ trao cho con chìa khóa vào sự sống./ Nơi nào Ta Hiện Hữu, ở nơi đó có bí mật đời đời về nguồn gốc của con.../ ... Đôi tay của con ở đâu mà không phải là của Ta? Và đôi chân của con lại không bị đóng đanh vào cùng một thập giá với Ta hay sao? Ta đã chết và sống lại một lần vĩnh viễn! Chúng ta rất gần gũi với nhau/... Con làm sao lại có thể tách lìa khỏi Ta/ mà không làm tan nát trái tim Ta?” (La Messe là-bas).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 11/10/2000)
ĐTC GPII với Pháp Đình Rôma hằng năm vào dịp khai mạc tân pháp niên
2005 về Chiều Kính Luân Lý nơi Hoạt Động của Các Vị Thẩm Phán
Theo truyền thống hằng năm cách đây hai năm, ĐTC GPII gặp những vị thuộc pháp đình Rôma trong dịp khai mạc tân niên pháp đình Thứ Bảy 29/1/2005.
Năm nay, ĐTC chia sẻ về khía cạnh luân lý nơi hoạt động của các vị thẩm phán ở các pháp đình giáo hội, “nhất là liên quan đến nhiệm vụ của họ phải trung thành với sự thật về hôn nhân như được Giáo Hội truyền dạy”.
“Những khuynh hướng cá nhân và đoàn thể thực sự có thể dụ dỗ đôi bên sử dụng đến những thứ sai lạc, thậm chí bại hoại, khác nhau để đạt được một án lệnh thỏa hợp. Không có vấn đề miễn trừ nơi cái nguy cơ này, cho dù là những cuộc điều trần theo giáo luật để tìm kiếm sự thật liên quan đến sự hiện hữu hay bất thành của hôn phối”.
ĐTC nhấn mạnh đến sự kiện là “nhân danh một số những nhu cầu đòi hỏi của mục vụ, có những người đã nêu vấn đề có thể công bố hủy hôn cho những cuộc hôn nhân đã hoàn toàn thất bại. Để đạt được kết quả này, người ta đề nghị sử dụng những thủ đoạn bảo tồn những hình thức về phương thức bề ngoài và giấu diếm đi cái thiếu vắng của một tiến trình pháp luật thực sự. Như thế, mới có khuynh hướng áp đặt và tìm chứng cớ cho một sắc lệnh hủy hôn ngược lại với những nguyên tắc căn bản nhất nơi các qui chuẩn và Huấn Quyền của Giáo Hội.
“Cái nguy hiểm khách quan về pháp lý và luân lý của hành động như thế là những gì hiển nhiên, và nó hoàn toàn không tạo nên một giải quyết hiệu thành về mục vụ cho những vấn đề phát xuất từ những cuộc khủng hoảng của hôn nhân”.
ĐTC nhấn mạnh rằng vị thẩm phán cần phải thâm tín rằng có sự thật”, họ phải “chống lại nỗi lo sợ sự thật”, và đừng để mình bị “chi phối bởi những cảm tình cảm thương giả tạo hay bởi những chiều hướng suy nghĩ lầm lạc, dù chúng có phổ thông chăng nữa. Họ biết rằng những án lệnh bất công không bao giờ trở thành một thứ giải quyết đích thực về mục vụ, và Thiên Chúa sẽ phân xử các hành động của họ là những gì liên hệ đến số phận đời đời”.
Theo ĐTC, một vị thẩm phán cần phải “tuân giữ các luật lệ của giáo luật được giải thích một cách xác đáng”, mà không “phân ly các luận lệ của Giáo Hội với các giáo huấn của Giáo Hội, như thế chúng thuộc về hai lãnh vực khác nhau, trong đó, giáo luật là luật duy nhất có hiệu lực theo pháp lý, còn giáo huấn của Giáo Hội chỉ là những gì hướng dẫn và khích lệ mà thôi. Phương sách như thế cho thấy một thứ tâm thức lạc quan.
“Giây phút quan trọng duy nhất trong việc tìm kiếm sự thật đó là giây phút điều tra và điều trình sơ khởi”. Về vấn đề này, ĐTC đã nói thêm rằng, mặc dù những diễn tiến về pháp luật nhanh chóng là “quyền của con người, tuy nhiên, một cái nhanh giả tạo, bất chấp chân lý, thậm chí lại còn bất công một cách nghiêm trọng hơn nữa vậy”.
2004 về vấn đề hủy hôn với sự thật của hôn nhân
Thứ Năm 29/1/2004, để khai mạc năm pháp viện, ĐTC GPII ban huấn từ cho các vị thẩm phán, các vị luật sư, các viên chức liên hệ thuộc lãnh vực này, về đề tài: “‘ân huệ về pháp luật’ giành cho hôn nhân và việc thiết tưởng sau đó về tính cách thành hiệu trong trường hợp nghi hoặc theo Khoản 1060 trong Bộ Giáo Luật và Khoản 779 trong Bộ Giáo Luật Các Giáo Hội Đông Phương”.
ĐTC nói: “’ân huệ về pháp luật’ của hôn nhân bao hàm cả việc thiết tưởng thành hiệu cho đến khi phát hiện những gì tương khắc”. Việc thiết tưởng này, ĐTC cảnh giác, “không thể được giải thích như là một thứ thuần túy bảo vệ những dấu hiệu bề ngoài hay bảo vệ tình trạng, vì nó có thể sẽ đi đến chỗ bác bỏ tác động bảo vệ ấy trong những giới hạn hợp lý”.
ĐTC đã đặt vấn đề như sau: “Vậy chúng ta nói thế nào về thứ lý thuyết cho rằng chính việc thất bại của đời sống hôn nhân đã cho thấy tính cách bất hiệu thành của hôn nhân?” Rồi Ngài khuyên dẫn thế này: “Việc tuyên bố thực sự hủy hôn cần phải dẫn đến chỗ trân trọng nắm chắc được là, vào giây phút thành hôn, những điều kiện tiên quyết cần thiết để lập gia đình, nhất là những điều kiện liên quan đến việc đồng ý cùng với những tâm trạng đích đáng của đôi vợ chồng. Các vị chủ chăn và những ai hợp tác với các vị trong lãnh vực này nhất định không được chiều theo một thứ nhãn quan thuần túy quan liêu nơi cuộc điều tra tiền hôn phối (x Khoản 1067)”.
ĐTC nhận định: “Vấn đề thực sự thường không phải là việc thiết tưởng theo ngôn từ cho bằng nhãn quan toàn diện về chính hôn nhân, và vì thế, về tiến trình nắm chắc được tính cách thành hiệu của việc cử hành hôn nhân. Một tiến trình như vậy thật ra không thể nào hiểu được ngoài chân trời của việc thấu triệt chân lý”.
“Khuynh hướng gia tăng con số hủy hôn qua việc tháo thứ, quên đi khía cạnh sự thật khách quan, chất chứa một thứ lệch lạc nội tại của toàn thể tiến trình này. Chiều kích nồng cốt của công lý nơi hôn nhân, một chiều kích hiện hữu bởi thực tại có một bản chất pháp lý, được thay thế bằng những thứ lý thuyết nghiệm thực có bản chất xã hội học, tâm lý học v.v., cũng như được thay thế bằng những đường lối khác của một thứ chủ nghĩa lạc quan về pháp lý. Chúng ta không được quên rằng việc cứu xét hôn nhân thực sự về pháp lý đòi phải có một cái nhìn siêu hình về nhân vị cũng như về mối liên hệ giữa những người làm chồng làm vợ. Thiếu cái nền tảng bản thể học này, cơ cấu hôn nhân trở thành một siêu cấu hình thức, hoa trái của luật lệ và của điều kiện về xã hội làm con người bị giới hạn trong việc tự do hiện thực của mình”.
ĐTC kết luận như sau: “Cần phải tái nhận thức được sự thật, sự thiện và sự mỹ của cơ cấu hôn nhân, một cơ cấu, một việc Chính Thiên Chúa làm nơi bản tính con người cùng với việc tự do ưng thuận của các cặp nam nữ, tiếp tục là một thực tại bất khả phân ly, như mối giây liên kết giữa công lý và hòa bình, một thực tại được liên kết ngay từ ban đầu với dự án cứu độ và được thăng hóa khi thời gian nên trọn với phẩm giá của bí tích Kitô giáo. Đây là một thực tại Giáo Hội và thế giới cần phải cổ võ! Đó mới là ‘ân huệ hôn nhân’ thực sự!”
2003 về cuộc khủng hoảng hôn nhân
Khi gặp gỡ các vị thẩm phán của Tòa Hôn Phối Rôma Thứ Năm 30/1/2003, ĐTC đã nhận định cuộc khủng hoảng của hôn nhân gia đình là cuộc khủng hoảng liên quan đến ý nghĩa về Thiên Chúa, đến vấn đề yêu thương.
“Tâm thức ngày nay, bị tục hóa nặng nề, có khuynh hướng công nhận những giá trị nhân bản của cơ cấu gia đình bằng việc tách lìa những giá trị nhân bản này khỏi những giá trị tôn giáo và tuyên bố tất cả những giá trị ấy đều biệt lập khỏi Thiên Chúa.
"Được thu hút bởi những lối sống rất thường hay được các phương tiện truyền thông xã hội đề ra, vấn đề được đặt ra là: ‘Tại sao người ta phải luôn luôn trung thành với người phối ngẫu của mình chứ?’ Và câu hỏi này trở thành một mối ngờ vực về cuộc sống trong những trường hợp nghiêm trọng.
"Những khó khăn của đời sống vợ chồng có thể do nhiều loại khác nhau, nhưng tất cả cuối cùng đều phát xuất bởi vấn đề yêu thương. Bởi thế, vấn đề được đặt ra vừa rồi cần phải được đặt lại như sau: Tại sao người ta luôn luôn phải yêu người khác, ngay cả khi có nhiều động lực, dường như có lý, thúc đẩy con người lìa bỏ người khác?
"Có nhiều câu trả lời, trong đó chắc chắn sự thiện ích của con cái cũng như thiện ích của toàn thể xã hội là những lý do rất mạnh. Thế nhưng, câu trả lời sâu xa nhất trước hết là nhờ ở việc nhận biết tính cách khách quan của vai trò làm vợ làm chồng, một vai trò thể hiện qua việc hiến thân cho nhau, một vai trò được trở thành khả dĩ và bảo đảm bởi chính Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao lý do tối hậu cho phận sự phải trung thành yêu thương nhau không là gì khác hơn là căn cứ vào nền tảng Giao Ước Thiên Chúa ký kết với con người, ở chỗ Thiên Chúa thủy chung!
"Bởi thế, để hết lòng trung thành với người phối ngẫu của mình, cho dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, con người phải kêu xin Thiên Chúa, tin tưởng sẽ lãnh nhận ơn trợ giúp của Ngài. Cuộc khủng hoảng liên quan đến ý nghĩa về Thiên Chúa cũng như đến ý nghĩa của sự dữ và sự thiện luân lý đã có tác dụng làm mờ ám đi kiến thức về những nền tảng của chính hôn nhân cũng như của gia đình được xây dựng trên hôn nhân".
2002 về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân
Sáng hôm nay, 28/1/2002, Thứ Hai, theo truyền thống, nhân dịp mở màn cho một năm tư pháp của Tòa Thánh, ĐTC đã nói với qúi viên chức phục vụ tại Pháp Đình của Tòa Thánh về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân liên quan đến chính đôi phối ngẫu, đến con cái, đến Giáo Hội cũng như đến toàn thể nhân loại như sau:
“Sự thiện của tính cách bất khả phân lý là sự thiện của chính hôn nhân, và nếu không hiểu được bản chất bất khả phân ly này cũng không hiểu được yếu tính của hôn nhân. Người ta không được chiều theo chiều hướng chủ trương ly dị, cho rằng cái ngăn trở chúng ta là ở chỗ chúng ta tin tưởng vào những ơn tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa ban cho con người”.
Trước hết, ĐTC cho thấy chiều hướng hiện đại đối với tính cách bất khả phân ly của hôn nhân: “Việc trình bày một cách tích cực về mối hiệp nhất bất khả phân ly để tái nhận thức được sự thiện hảo và tốt đẹp của tính cách này là một điều quan trọng. Trước hết, cần phải thắng được quan niệm về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, coi nó như những gì giới hạn quyền tự do của đôi phối ngẫu và là những gì nặng nề có những lúc không thể nào gánh vác nổi… Đối với vấn đề này cũng cần phải nói thêm về quan niệm cho rằng vấn đề hôn nhân bất khả phân ly chỉ dành cho thành phần những tín đồ mà thôi, bởi thế, họ không thể nào ‘áp đặt’ nó trên toàn khối xã hội dân sự được”.
Sau đó, ĐTC đã bác bỏ luận điệu chống lại tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, bằng cách nhấn mạnh đến “khía cạnh khách quan” nơi tính cách bất khả phân ly của hôn nhân: “Tính cách này không phải chỉ là một sự kiện chủ quan. Bởi đó, sự thiện của tính cách bất khả phân lý là sự thiện của chính hôn nhân, và nếu không hiểu được bản chất bất khả phân ly này cũng không hiểu được yếu tính của hôn nhân. Người ta không được chiều theo chiều hướng chủ trương ly dị, cho rằng cái ngăn trở chúng ta là ở chỗ chúng ta tin tưởng vào những ơn tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa ban cho con người”.
Tiếp đến, ĐTC đề ra những cách thức để bảo vệ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân: “Mục vụ phải hoạt động để bảo trì và cổ võ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân… Mọi phán quyết đích đáng về tính cách thành hiệu hay bất thành hiệu nơi hôn nhân đều là những gì đóng góp xây dựng văn hóa của tính cách bất khả phân ly này, chẳng những trong Giáo Hội mà cả trên thế giới nữa… Việc đôi phối ngẫu bằng lòng chấp nhận quyền tự do của mình để cương quyết tôn trọng những nhu cầu khách quan của thực tại hôn nhân là những gì bất khả đổi thay theo tự do của con người không phải là việc phản nghịch lại với mối liên hệ phối ngẫu. Vấn đề ly dị hầu như cắm rễ quá sâu vào một số lãnh vực xã hội, và việc đi ngược lại với nó bằng cách biện bênh cho chủ trương nắm giữ tính cách bất khả phân ly nơi cả tục lệ xã hội cũng như nơi ngành lập pháp dân sự không phải là việc làm uổng công vô ích. Nó thật sự là việc đáng làm! Chứng từ thiết yếu cho giá trị của tính cách bất khả phân ly được tỏ hiện nơi đời sống hôn nhân của các đôi phối ngẫu, nơi việc họ trung thành gắn bó với nhau trong những lúc vui sướng cũng như trong những lúc thử thách của cuộc đời. Giá trị của tính cách bất khả phân ly không được nghĩ đó chỉ là đối tượng của việc chọn lựa cá nhân, giá trị này liên quan đến một trong những nền tảng của toàn thể xã hội. Để mạnh mẽ chống lại tất cả những phương sách về pháp lý cũng như về hành pháp dẫn đến vấn đề ly dị, hay biến những thứ hiệp nhất được thừa nhận như thật, thậm chí như thứ hiệp nhất đồng tính, ngang hàng với hôn nhân, cần phải đẩy mạnh đường lối, ở mọi phương sách tài phán, thiên về việc cải tiến giúp cho xã hội nhìn nhận thực tại hôn nhân chân chính trong lãnh vực hệ thống pháp lý, một hệ thống tiếc thay lại chấp nhận vấn đề ly dị…”
Sau hết, ĐTC đề cập đến vai trò hành nghề và xử lý tư pháp, như vai trò luật sư và thẩm phán. ĐTC cũng lưu ý những vị luật sư dân sự là “phải tránh không được nhúng tay vào những gì có thể bao hàm việc cộng tác giúp thực hiện vấn đề ly dị. Đối với các vị thẩm phán điều này có thể là khó khăn, vì hệ thống pháp lý không nhìn nhận tính cách phản kháng của lương tâm để có thể châm chước cho họ khỏi việc áp đặt phán quyết. Cho dù có những lý do hệ trọng và vững chắc đến thế nào chăng nữa, các vị thẩm phán vẫn có thể tác hành theo những nguyên tắc truyền thống về sự cộng tác tích cực với điều xấu. Thế nhưng, họ cũng phải tìm những phương thế hiệu nghiệm để hỗ trợ cho vấn đề hiệp nhất hôn nhân nữa, trước hết bằng việc khôn khéo đưa đến vấn đề hòa giải. Những vị luật sư hành nghề độc lập bao giờ cũng phải từ khước sử dụng nghề nghiệp của mình vào mục đích phản lại công lý, như vào việc ly dị. Theo ý nghĩa này, họ chỉ được cộng tác hành động khi hành động của họ giúp cho thân chủ của họ đạt tới những mục đích hợp lý khác chứ không phải là ý định hủy bỏ hôn nhân”.