GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 7 THỨ HAI

 

ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Thường Niên 6/2/2005 - về Niềm Tri Ân Cảm Tạ của mình và về Ngày Phò Sự Sống ở Ý

story.pope.blessing.ap.jpg

1.         Hôm nay tôi ngỏ cùng anh chị em từ Bệnh Viện Gemelli, nơi trong mấy ngày qua tôi đã được ưu ái chăm sóc bởi các vị y sĩ, y tá và nhân viên sức khỏe là thành phần tôi hết lòng cám ơn.

 

Anh chi em thân mến, tôi gửi đến tất cả mọi anh chị em, cũng như đến tất cả những ai ở mọi phần đất trên thế giới đã gắn bó với tôi, lòng tri ân cảm mến chân tình và thành tâm của tôi, một lòng cảm mến tôi cảm thấy một cách đặc biệt trong những ngày vừa qua. 

 

Tôi xin tất cả và từng anh chị em biết rằng tôi cảm tạ anh chị em, một lời cảm tạ được chuyển thành lời khẩn cầu liên lỉ cùng Chúa cho những ý chỉ của anh chị em cũng như cho các nhu cầu của Giáo Hội cùng các vấn đề lớn lao trên thế giới. Như thế, cũng trong bệnh viện này, giữa những bệnh nhân khác là những người tôi cảm mến hướng về, tôi có thể tiếp tục phục vụ Giáo Hội và toàn thể nhân loại.

 

2.-        Hôm nay là ngày Phò Sự Sống ở Ý quốc. Trong sứ điệp được phổ biến cho dịp này, các vị giám mục Ý nhấn mạnh đến mầu nhiệm sự sống như là một thực tại đòi phải tin tưởng. Người ta cần phải tin tưởng vào sự sống!

 

Việc tin tưởng vào sự sống được thành phần trẻ em chưa được vào đời âm thầm đòi hỏi. Việc tin tưởng vào sự sống cũng được rất nhiều trẻ em đòi hỏi, thành phần vì không có gia đình bởi những lý do khác nhau, cần một gia đình đón nhận chúng bằng việc thừa nhận hay tạm thời coi giữ. 

 

3.         Thế nên, bằng lòng đặc biệt quan tâm, tôi nghĩ đến nhân dân Ý đại lợi thân yêu cũng như đến tất cả những ai đang xông pha bảo vệ sự sống mới sinh. Tôi đặc biệt cùng với các vị giám mục Ý tiếp tục khuyến dụ người Công giáo và người thiện tâm bênh vực quyền lợi căn bản đối với sự sống, tỏ ra kính trọng phẩm giá của tất cả mọi người.

 

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Các Gia Đình, giúp chúng ta vượt qua những 'thách đố về sự sống', một thách đố đầu tiên trong số những thách đố cả thể của nhân loại ngày nay".

 

Trước khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban phép lành cho giáo lữ ở ngoài bệnh viện đang hướng lên cửa sổ phòng bệnh ở lầu thứ 10 của ngài, Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri đã đọc bài huấn từ của ngài thay ngài.  

 

Pope John Paul II blesses the faithful from a window of Rome's Agostino Gemelli hospital Sunday.

Ngài đã xuất hiện ở cửa sổ phòng bệnh của ngài 10 phút, mặc dù khí hậu lành lạnh bên ngoài. Ngài đã vẫy tay chào những người đang hướng lên ngài, khiến họ vỗ tay mừng rỡ. Lời nguyện ban phép lành kết thúc của ngài mặc dù khàn giọng những vẫn có thể nghe rõ.

 

Vị giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh đã tuyên bố là “vô lý” khi bác bỏ những đồn thổi trong giới truyền thông Ý cho rằng tòa thánh đã sử dụng băng cassette được thâu trước để che nay việc nói năng khó khăn của Đức Thánh Cha.

 

Nhiều người tụ tập ở Quảng Trường Thánh Phêrô đã nhắm mắt lại sốt sắng nguyện cầu khi nghe Huấn Từ Truyền Tin của ngài qua máy phóng thanh.

 

Việc ĐTC xuất hiện với Huấn Từ Truyền Tin và ban Phép Lành như thường lệ, dù ở bệnh viện, đã đánh tan những lo âu nơi nhiều người về bệnh tình của ngài liên quan đến việc cai quản Giáo Hội của ngài. Đức Giám Mục Fransesco Lambiasi ở Vatican đã nói ở ngoài bệnh viện của Đức Thánh Cha rằng:

 

“Sự kiện đức giáo hoàng xuất hiện hôm nay là dấu hiệu tốt đẹp cho tương lai. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể cảm thấy an lòng. Đó là một dấu hiệu tốt”.

 

Người Công giáo tên Leigh Allbrook đã đến Quảng Trường Thánh Phêrô vì nghe thấy đức giáo hoàng sẽ xuất hiện ở cửa sổ phòng ngài đã nhận định như sau: “Thân xác của ngài yếu đuối nhưng tinh thần của ngài vẫn mãnh liệt”.

 

 

Những Tín Đồ Hồi giáo ở Ý cầu nguyện cho việc bình phục của ĐTC GPII

 

Tín đồ Hồi giáo tại một số đền thờ ở Ý quốc, kể cả 1 đền thờ ở Milan, theo sáng kiến của đạo trưởng Abdullah Amar ở Naples và việc phát động của Feras Jabareen, vị lãnh đạo của cộng đồng Hồi giáo ở tỉnh Sienna và là vị kêu gọi đồng đạo của mình “hãy bày tỏ việc chúng ta liên đới với con người cao cả này”.

 

Hôm Thứ Sáu 4/2/2005, đạo trưởng Zargar Zahoor, chủ tịch cộng đồng Hồi giáo ở miền Liguria Ý quốc đã giành mấy phút trong cuộc cử hành lễ nghi tôn giáo của mình để nhận định về tình trạng sức khỏe hiện nay của ĐTC và nhắc lại việc dấn thân cho hòa bình cũng như cho người nghèo của ngài: “Ngài luôn tranh đấu cho họ và chống lại chiến tranh”.

 

Gần đây vị đạo trưởng này đã viết một bức thư cảm tạ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về tất cả những gì ngài đã thực hiện để cổ võ việc đối thoại giữa những người Công giáo và Hồi giáo. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên đã ngỏ lời cùng các đám đông tín đồ Hồi giáo trong chuyến tông du đến Morocco của ngài vào năm 1985. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên kêu mời Hồi giáo đến Assisi để cùng với các vị lãnh đạo các tôn giáo chính trên thế giới tham dự Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Thế Giới. Đặc biệt ngài còn là vị giáo hoàng đầu tiên viếng thăm 1 đền thờ Hồi giáo vào tháng 5/2001 ở Damasco là nơi có các di tích được cho là của Thánh Tiền Hô Gioan Tẩy Giả.

 

Thánh Địa đang xoay chiều theo đường hướng của Tòa Thánh Rôma

Nhận định của thoidiemmaria (3 đoạn in nghiêng đầu): Trong bài diễn từ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với phái đoàn ngoại giao quốc tế dịp trao chúc tân niên theo thông lệ vào ngày 10/1/2005, ngài đã đề cập tới tình hình thế giới và nhận định về Thánh Địa là “Ở Trung Đông, mảnh đất rất thân thương và linh thánh đối với các tín hữu tin tưởng Vị Thiên Chúa của Abraham, tình trạng đụng độ võ trang dường như đang giảm bớt, hy vọng có một cuộc giải quyết về chính trị theo chiều hướng đối thoại và thương thảo” (khoản số 7).

Thật thế, kể từ sau hai cái chết của hai nhà lãnh tụ của khối Palestine là Sheikh Ahmed Yassin (3/2004), nhà sáng lập đảng Hamas là đảng nổi tiếng về những cuộc khủng bố tấn công Do Thái nhất, nên đã bị Do Thái sát hại vào sáng ngày 22/3/2004, và Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Yasser Arafat 75 tuổi hôm 11/11/2004 vị bệnh, tình hình Thánh Địa tự nhiên dịu hẳn xuống. Tại sao có sự trùng hợp này, hai nhân vật đầu não bên Palestine vừa nằm xuống thì mọi sự trở nên lắng dịu hơn?!?

Thế rồi, biến cố cựu Thủ Tướng Palestine Mahmoud Abbas được tín nhiệm bầu (9/1/2005) làm tổng thống kế nhiệm vị vừa qua đời cũng cho thấy chiều hướng và lòng mong muốn mới của chung nhân dân Palestine. Bởi vì, vị tân tổng thống này đã đụng độ với cựu tổng thống Sharon về đường lối chống khủng bố của ông (đáng kể nhất là đảng Hamas), đến nỗi ông đã xin từ chức ngày 6/9/2003 và được thay thế bởi thủ tướng Ahmed Qorei. Cuộc đụng độ về quyền lực giữa cố tổng thống Arafat và cựu thủ tướng Abbas gay go đến nỗi, khối Do Thái, vào tháng 9/2004, đã có ý định triệt hạ đương kim tổng thống Arafat, vì phe Do Thái cho rằng vị tổng thống ấy ủng hộ và che chở cho các nhóm khủng bố tấn công Do Thái, bởi đó không thể nào thực hiện được lộ trình hòa bình mong muốn.

 

Tối Thứ Năm 27/1/2005, thời điểm của một ngày dân Iraq trên khắp thế giới (trừ ở nội địa) bắt đầu thực hiện cuộc tuyển cử cho một Tân Iraq tự do dân chủ, thì tại Do Thái, Thủ Tướng Sharon đã phát biểu trong một hội nghị ở Tel Aviv của các nhà thầu khoán và xây cất rằng:

 

“Chúng ta đang hết sức chú trọng theo dõi những diễn tiến mới đây ở Thẩm Quyền Palestine. Dường như có một đường hướng tích cực đang diễn tiến nơi thẩm quyền này liên quan tới vấn đề cuộc chiến về khủng bố và vấn đề tiến hành tiến trình ngoại giao.

 

“Nếu nhân dân Palestine thực hiện toàn diện việc ngưng nạn khủng bố, bạo động và xúi bẩy, chúng ta mới có thể tiến triển nơi những mối liên hệ để áp dụng lộ trình hòa bình. Thậm chí có thể cùng với họ điều hợp những hoạt động khác nhau liên quan tới dự án tháo gỡ”.

 

Vị thủ tướng này đang có ý định thực hiện dự án của mình một cách đơn phương trong việc rút người Do Thái khỏi giải Gaza và những phần đất ở Miền Tây Ngạn vào giữa năm nay, và hoạt động với người Palestine thực hiện lộ trình hòa bình do khối tứ tượng (Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Mỹ và Liên Hiệp Quốc) phác họa nhắm đến chỗ thiết lập một quốc gia Palestine tương lai.

 

Trong nỗ lực tiến hành tiến trình hòa bình này, tân Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine mới nhậm chức là Mahmoud Abbas đã bắt đầu dàn 2 ngàn lực lượng an ninh chung quanh vùng bắc giải Gaza vào hôm Thứ Sáu 21/1/2005 để ngăn chặn các cuộc tấn công Do Thái.

 

Tổng Thống Abbas cũng làm áp lực nhóm Hamas và các nhóm háo chiến Palestine khác tham dự vào một cuộc ngừng chiến, với lập luận rằng Do Thái sẽ không tiến đến chỗ thực hiện dự án tháo gỡ khỏi giải Gaza nếu bị thành phần háo chiến Palestine tấn công.

 

Thủ Tướng Do Thái Sharon nhận định tiếp: “Tôi tin rằng những điều kiện đã được kiến tạo là những gì khiến chúng ta có thể tiến đến chỗ vượt thoát đi làm lịch sử nơi những mối liên hệ giữa chúng ta, một cuộc vượt thoát dẫn chúng ta tiến tới chỗ yên lặng và an ninh”.

 

Phát ngôn viên của tân tổng thống Palestine là Hassan Abu Libdeh, hôm Thứ Bảy 29/1/2005, đã cho biết Thủ Tướng Do Thái Sharon và tân Tổng Thống Palestine sẽ gặp nhau vào ngày 8/2/2005. Tuy nhiên, phát ngôn viên này thêm rằng ngày hẹn này còn tùy thuộc vào thành quả của những cuộc nói chuyện giữa các viên chức đại diện cho hai vị lãnh đạo này.

Thủ Tướng Sharon và tân Tổng Thống Abbas đã gặp nhau vào năm 2003 khi đó Abbas còn làm Thủ Tướng của chính phủ Arafat, để đẩy mạnh dự án hòa bình nhưng không thành.

Hai vị bộ trưởng quốc phòng hai bên là Shaul Mofaz của Do Thái và Mohammed Dahlan của Palestine sẽ gặp nhau vào chiều Thứ Bảy để bàn về vấn đề rút quân của Do Thái khỏi những trung tâm dân cư Palestine.

 

Hôm Chúa Nhật 30/1/2005, ngày chính thức bầu cử cho một Tân Iraq dân chủ, vị bộ trưởng quốc phòng của Do Thái là Shaul Mofaz, sau khi gặp trưởng ban an ninh Palestine đã nói trên đài phát thanh Do Thái rằng vấn đề rút quân khỏi các thành phố ở Tây Ngạn là Ramallah, Tulkarem, Qalqilya và Jericho vào Thứ Tư 2/2/2005 này: “Đó là vấn đề của ngày giờ. Chúng tôi chưa đi đến chỗ kết luận xem các tỉnh nào hay khi nào. Rất có thể là ở một số tỉnh Palestine, việc trao trả trách nhiệm sẽ xẩy ra trong vòng những ngày tới đây. Chúng tôi cần phải gặp nhau một lần nữa để đúc kết các vấn đề này”.

Ngoài ra, hai vị này cũng bàn đến cả những vấn đề thiết lập niềm tin tưởng lẫn nhau, như việc có thể thả các tù nhân Palestine và chấm dứt những cuộc lùng bắt và sát hại những người Palestine của phe Do Thái. Họ còn bàn đến cả cuộc gặp gỡ được dự trù vào ngày 8/2/2005 giữa Thủ Tướng Sharon và tân Tổng Thống Palestine Abbas.

 

Trong khi ở Iraq việc kiểm phiếu đang diễn tiến thì tình hình Thánh Địa cũng đang được biến chuyển có vẻ thuận lợi cho hòa bình của đôi bên ở đây. Tân Bộ Trưởng Nội Vụ Condoleeoãa Rice đã đến Do Thái hôm Chúa Nhật 6/2/2005 trước cuộc họp thượng đỉnh Do Thái – Palestine trong tuần. Bà sẽ gặp Thủ Tướng Do Thái Sharon hôm Chúa Nhật và Tân Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Abbas hôm sau. Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên này, vị nữ tân bộ trưởng nội vụ thay ông Colin Powell đây sẽ gặp cả các vị lãnh đạo ở Âu Châu nữa, trong đó có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào Thứ Ba 8/2/2005, vị vẫn đang đang được điều dưỡng ở bệnh viện, nên bà chỉ được gặp Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và ĐTGM Giovanni Lajolo để bàn về vấn đề hòa bình ở Trung Đông và tự do tôn giáo ở Iraq.

 

Chính phủ Bush tỏ ra tích cực hơn trong vai trò thực hiện tiến trình hòa bình Trung Đông sau cái chết của nhà lãnh tụ Palestine Yasser Arafat cũng như sau cuộc bầu Abbas làm tổng thống thay cho nhà lãnh tụ ấy.

 

Trong Bài Diễn Văn ngỏ cùng quốc dân tuần trước, Tổng Thống Bush đã xin Quốc Hội tài trợ cho 350 triệu Mỹ kim để hỗ trợ cho các cuộc cải cách về chính trị, kinh tế và an ninh của Palestine, cùng bày tỏ niềm hy vọng thấy được “hai quốc gia độc lập, Do Thái và Palestine, sống hòa thuận bên nhau”.


Tóm lại, hai bên Do Thái và Palestine đã bắt đầu ngồi lại nói chuyện với nhau được là điều rất tốt, đúng như đường lối hòa giải và kết đoàn của Giáo Hội nói chung và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói riêng mong muốn các phe đối lập trong cuộc giải quyết những thứ xung khắc với nhau bằng thương thảo hơn là bằng võ lực.

"Việc thiếu nhất tâm nơi vấn đề của Do Thái và Palestine tiếp tục là một yếu tố thường xuyên bất ổn cho toàn vùng đất này, chưa kể đến những đau khổ khôn xiết giáng xuống trên nhân chúng Do Thái và Palestine. Tôi sẽ không thôi lập lại với các vị lãnh đạo hai quốc gia này là giải pháp võ lực, việc bên này sử dụng nạn khủng bố còn bên kia thì trả đũa, việc hạ nhục đối phương, việc tuyên truyền thù hận chẳng dẫn đi đến đâu cả. Chỉ khi nào biết tôn trọng những ước vọng hợp lý của nhau, khi nào ngồi lại thương thảo với nhau, và khi nào cộng đồng thế giới thực hiện việc dấn thân cụ thể mới có thể bắt đầu giải quyết được vấn đề. Một thứ hòa bình chân thực và bền vững không thể nào trở thành một thứ thuần quân bằng giữa các lực lượng trong cuộc; hoà bình trước hết là hoa trái của hành động luân lý và pháp lý" (ĐTC GPII với phái đoàn lãnh sự chư quốc thế giới trong dịp trao chúc tân niên hằng năm ở Vatican ngày 12/1/2004).

"Khi suy tư về việc thứ tha, tâm trí chúng ta tự nhiên nghĩ đến một số trường hợp xung khắc không ngừng nuôi dưỡng những mối hận thù sâu đậm và chia rẽ, cùng với thảm cảnh cá nhân cũng như đoàn thể liên tục diễn ra hầu như không thể chấm dứt được. Tôi muốn đặc biệt nói đến những gì đang xẩy ra ở Thánh Địa, nơi ân phúc cho việc Thiên Chúa gặp gỡ loài người ấy là nơi Chúa Giêsu, Vua Bình An, đã sinh sống, tử nạn và phục sinh từ trong cõi chết. Tình hình quốc tế rắc rối hiện nay lại càng thúc đẩy việc cần phải giải quyết vấn đề xung khắc giữa Ả Rập và Yến Duyên, một tình trạng xung khắc xẩy ra cho tới nay đã trên 50 năm… Quyền lợi và đòi hỏi của mỗi bên có thể được cứu xét một cách xứng hợp và phân xử một cách quân bình, trừ phi họ muốn chấp nhận công lý và hòa giải" (Sứ Điệp Hòa Bình 2002, khoản số 11).

"Có lẽ ngày nay không đâu có một nhu cầu hiển nhiên về việc sử dụng xác đáng thẩm quyền chính trị cho bằng ở tình hình thê thảm của Trung Đông và Thánh Địa. Từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác, hậu quả chồng chất của việc loại trừ nhau một cách gay cấn, cùng với một chuỗi không ngừng tình trạng bạo loạn và trả đũa đã làm tiêu tán hết mọi nỗ lực cho đến nay trong việc dấn thân đối thoại nghiêm cẩn về những vấn đề thực sự xẩy ra. Tính cách mỏng manh của tình hình này còn được lồng vào một cuộc đụng độ về lợi lộc giữa những phần tử của cộng đồng quốc tế. Cho đến khi những ai hữu trách biết thực hiện một cuộc cách mạng thực sự nơi đường lối họ sử dụng quyền lực của mình và quan tâm tới nền an ninh của phúc hạnh dân chúng, thì khó mà nghĩ được làm sao có thể tiến đến vấn đề hòa bình. Cuộc đối chọi sát hại nhau khiến cho Thánh Địa hằng ngày biến động và gây ra cuộc xung đột nơi những lực lượng hình thành tương lai tức thời của Trung Đông rõ ràng cho thấy rằng những con người nam nữ bằng một niềm xác tin cần phải áp dụng những chính sách một cách mạnh mẽ theo nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền. Những chính sách này có lợi khôn sánh cho hết mọi người hơn là tình trạng tiếp tục xung đột nhau. Có thể bắt đầu thực hiện chính sách ấy dựa trên căn bản của một sự thật chắc chắn giải thoát hơn là tuyên truyền, nhất là khi việc tuyên truyền này góp phần che đậy những ý hướng bất khả chấp nhận" (Sứ Điệp Hòa Bình 2003, khoản số 7).

"Hòa bình không thể nào có nếu thiếu thứ tha! Tôi xin lập lại điều này một lần nữa ở đây, khi Tôi đặc biệt nghĩ đến tình trạng khủng hoảng liên miên ở Palestine và Trung Đông: sẽ không thể nào tìm được một giải pháp cho các thứ vấn đề rắc rối nghiêm trọng gây khổ đau dai dẳng cho các dân ở vùng này cho tới khi thực hiện một quyết định vượt trên lý lẽ của một thứ công lý căn bản và hướng về lý lẽ của lòng thứ tha" (Sứ Điệp Hòa Bình 2004, khoản số 10)
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ