GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa”.
__________________
NGÀY 16 THỨ TƯ |
Hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh Vatican: Mục tiêu
ĐTGM Giovanni Lajolo, Bí Thư Tòa Thánh Vatican đặc trách liên hệ với các quốc gia, trong chương trình truyền hình “Các Bản Tường Trình Rôma”, khi nói về vấn đề cải cách tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã cho biết là Tòa Thánh Vatican hoạt động ngoại giao là để trở thành “một hạt giống bé nhỏ của hòa bình”, hơn là đóng vai trò lãnh đạo trên cầu trường quốc tế.
Đối với tổ chức LHQ, vị TGM này nhận định là cần phải làm sáng tỏ nơi các dự thảo của LHQ về việc làm sao cho tổ chức này dễ dàng hơn “ra tay hành động để ngăn ngừa những cuộc xung đột” trên thế giới, nhất là việc “can thiệp về nhân đạo” khi cần phải “giải giới thành phần tấn công bất chính”.
Vị tổng giám mục này nói đến việc ĐTC Gioan Phaolô II đã góp phần vào vấn đề ngoại giao trong giáo triều của ngài, ở chỗ, con số lãnh sự các quốc gia trên thế giới chính thức liên hệ ngoại giao với tòa thánh tăng từ 107 đến 174, không kể 17 vị đại diện cho các tổ chức quốc tế.
Vị này cũng công nhận là có những trường hợp hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh không thành công, như vào thời Đức Bênêđíctô XV và Piô XII trước hai thế chiến, và gần đây trong việc không thể ngăn ngừa chiến tranh Iraq.
“Thế nhưng, lịch sử đã chứng thực là các vị giáo hoàng đã đúng. Tiếc thay, khi vấn đề ngoại giao bị làm cho câm nín đi thì vũ khí lên tiếng. Tôi muốn được nói thêm là, ngoài những trường hợp đã rõ ràng trong việc thành công hay thất bại nơi vấn đề ngoại giao của tòa thánh Vatican, còn nhiều hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, được thực hiện bởi những gì dự bị cần thiết, nhắm đến chỗ khắc phục những khác biệt, đến chỗ dẫn giải những lý lẽ và mong đợi của đôi bên, đến chỗ đưa ra những điểm khả dĩ thỏa thuận”.
“Ơn gọi ngoại giao của chúng ta đặc biệt Kitô giáo này” ở ở chỗ trở thành “một mầm mống hoà bình nhỏ bé” hơn là “đóng vai trò lãnh đạo trên đại cầu trường chính trị thế giới”.
Về vấn đề tiến trình hòa bình ở Thánh Địa và Iraq, vị TGM cho biết nhận định ra bước thứ nhất “là chấm dứt tất cả mọi hành động bạo lực. Sau đó, cần phải bắt đầu thực hiện một cuộc thương thảo nghiêm chỉnh giữa thẩm quyền Do Thái và Palestine, tức là một cuộc đối thoại mỗi bên chẳng những cho thấy những gì mình yêu cầu mà còn quyết tâm tìm hiểu những lý lẽ tốt đẹp của nhau nữa”.
Thành phần Kitô hữu ở những miền đất này là vấn đề quan tâm của tòa thành, vì họ có thể rời bỏ miền đất ấy vì bị hất hủi. Đó là lý do “Giáo Hội và Tòa Thánh không thể bị tách lìa khỏi những cuộc thương thảo đang diễn tiến”.
Về vấn đề Lebanon, vị TGM này cho biết “nước này cần phải lấy lại hoàn toàn quyền độc lập của họ và một lần nữa trở thành, như đã xẩy ra trong những thế kỷ đã qua, một mảnh đất đồng chung sống một cách mẫu mực và thân tình giữa những thành phần đối ngược niềm tin tôn giáo khác nhau”.
ĐTC và Tòa Thánh cũng rất quan tâm tới Phi Châu, nhất là tình hình ở một số quốc gia như ở vùng Đại Hồ là “nơi tình hình chính trị xã hội không thể nào chịu đựng nổi về nhân bản”.
Vị bí thư văn phòng liên hệ các quốc gia này hoan hô tình đoàn kết xuất phát đáp ứng nạn biển động sóng thần Nam Á 26/12/2004, nhưng yêu cầu “việc cứu trợ dân chúng và tái thiết” cần phải được tiếp tục “dài hạn”.
ĐTC GPII: sứ điệp gửi các vị giám mục nước Tanzania về việc chăm sóc cho các gia đình, hàng giáo sĩ và công ích
Hôm Thứ Sáu, 11/3/2005, sau khi đồng tế tại nhà thương với hai vị giám mục của nước Tanzania là ĐHY Polycarp Pengo ở Dar-es-Saleem và ĐGM Severine Niwemugizi ở Rulenge, chủ tịch hội đồng giám mục nước này, ĐTC đã trao cho các vị một sứ điệp về 3 vấn đề chính yếu liên quan đến tình hình xứ sở của các vị nói chung và giáo hội địa phương của các vị nói riêng.
Quí Huynh Giám Mục thân mến,
1. Trong khi tôi lấy làm tiếc không thể tiếp chư huynh ở Vatican vào lúc này, nhưng tôi hân hạnh chào đón chư huynh, những Vị Mục Tử của Giáo Hội Tanzania, vào dịp chư huynh “thăm Tòa Thánh ngữ niên”. Tôi chào chư huynh tất cả từ Bệnh Viện Gemelli, nơi tôi đang dâng những lời nguyện cầu của tôi cùng những sự khổ đau của tôi cho chư huynh: trong những ngày này tôi đặc biệt cảm thấy gần gũi chư huynh. Để ngỏ lời cùng chư huynh lần đầu tiên trong tân thiên kỷ này, căn cứ vào các bản Tường Trình Ngũ Niên của chư huynh, tôi muốn nói với chư huynh về 3 phần làm nên thức tác mục vụ của chư huynh, đó là việc chăm sóc cho đời sống gia đình, việc chăm sóc hàng giáo sĩ và việc chăm sóc cho công ích xã hội ở miền của chư huynh.
2. Thế giới có thể biết nhiều về giá trị cao cả được đề cao nơi gia đình như là một nền tảng xây dựng xã hội Phi Châu. Ngày nay Giáo Hội được kêu gọi đặc biệt ưu tiên cho việc chăm sóc mục vụ gia đình, vì những thay đổi lớn lao về văn hóa đang diễn ra trong thế giới tân tiến này. Những tư tưởng mới và những lối sống đang được tung ra cần phải cẩn thận thẩm định theo chiều hướng Phúc Âm, nhờ đó mới có thể bảo trì được những giá trị thiết yếu về sức khỏe và phúc hạnh của xã hội (x Tông Huấn “Giáo Hội Tại Phi Châu”, 80). Chẳng hạn, việc thực hành bất công của những chương trình liên hệ về trợ giúp kinh tế cho vấn đề phát động việc triệt sản và ngừa thai là những gì can phải cực lực chống lại. Những chương trình ấy là “những gì làm nhục phẩm giá của con người và gia đình” (Compendium of the Social Doctrine of the Church, 234), và trở thành mối đe dọa làm lung lạc kiến thức Kitô giáo đích thực về bản chất và mục đích của hôn nhân.
Theo dự án của Đấng Hóa Công thì mối liên hệ thánh hảo về hôn nhân là những gì tiêu biểu cho Giao Ước mới đời đời được thể hiện nơi Máu Chúa Kitô (cf. "Familiaris Consortio," 13). Là một giao ước duy nhất bất khả phân ly theo bản chất của mình, nó cần phải hướng đến một thế hệ sự sống mới là những gì đôi phối ngẫu được cộng tác vào việc tạo dựng của Thiên Chúa. Là bậc thày chân thực về đức tin, chư huynh hãy tiếp tục loan truyền những nguyên tắc này để xây dựng Giáo Hội nơi xứ sở của chư huynh như là Gia Đình của Thiên Chúa (cf. "Ecclesia in Africa," 92). Chỉ có thế mới có thể đặt nền tảng vững chắc cho tương lai của xã hội Phi Châu và thực sự cho cả tương lai của Giáo Hội địa phương nữa.
Việc phát động những giá trị gia đình chân thực là tất cả những gì khẩn trương hơn nữa vì nạn liệt kháng khủng khiếp đang hành hạ xứ sở của chư huynh cũng như nhiều xứ sở ở Địa Lục Phi Châu. Việc thủy chung trong đời sống hôn nhân và chế dục ngoài đời sống hôn nhân là đường lối chắc chắn duy nhất để hạn chế tình trạng làn tràn hơn nữa của thứ lây lan này. Việc truyền đạt sứ điệp này phải là yếu tố chính yếu nơi vấn đề Giáo Hội đáp ứng nạn dịch ấy. Tôi cảm thấy rất buồn khi nghĩ tới nhiều ngàn trẻ em bị mồ côi bởi thứ vi khuẩn tàn ác này. Giáo Hội đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và cảm thương cần thiết cho những nạn nhân vô tội ấy, những nạn nhân bị mất đi một cách thảm thương tình yêu thương của cha mẹ họ.
3. Những người cộng tác viên chính yếu của Giám Mục trong việc thi hành sứ vụ của ngài là những vị linh mục trong giáo phận, thành phần vị Giám Mục này được kêu gọi trở thành một người cha, người anh và người bạn (cf. Directory for the Pastoral Ministry of Bishops, 76). Trong khi chư huynh giúp cho họ tăng trưởng thánh đức cũng như một lòng dấn thân sống vai trò làm môn đệ Chúa Kitô, chư huynh hãy làm sao để khơi lên trong họ một ước vọng chân thực trong việc xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa. Chư huynh hãy tiếp tục phấn khích họ gìn giữ các tặng ân của họ, nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn của họ và giúp họ biết đương đầu với những đòi hỏi của đời sống linh mục ngày nay. Tôi biết rằng chư huynh hiểu được tầm quan trọng của việc huấn luyện chủng sinh cũng như nhu cầu cần phải bổ nhiệm những vị linh mục khá nhất vào việc làm này. Không coi nhẹ những khía cạnh về trí thức và mục vụ của việc đào luyện chủng sinh, tôi xin chư huynh hãy luôn đặc biệt chú trọng tới vấn đề huấn luyện tu đức nữa. Chỉ thực hiện việc dấn thân nguyện cầu, đi sâu vào vấn đề hiểu biết chín chắn vấn đề bản thân vị linh mục nên giống Chúa Kitô, mới giúp cho họ có thể thực hiện việc quảng đại hiến thân cho đức ái mục vụ họ được kêu gọi thi hành (cf. "Pastores Dabo Vobis," 23). Cũng thế, bằng việc bảo đảm là tất cả hàng giáo sĩ có được việc đào luyện xứng hợp, chư huynh hãy giúp cho họ “bừng lên tặng ân của Thiên Chúa chư huynh có được qua việc đặt tay của tôi” (2Tim 1:6).
4. Là một hội đồng giám mục, chư huynh đã thực hiện những việc làm quan trọng để chiến đấu với tình trạng thiếu hụt về vật chất đang hành hạ rất nhiều người trong thành phần dân chúng của chư huynh. Việc thành công của việc chư huynh có sáng kiến tổ chức cuộc Diễn Đàn Quốc Tế năm 2002 đã được hiển nhiên thấy được nơi ý hướng được chính quyền nói lên trong việc sử dụng những gì được đúc kết của cuộc diễn đàn này để hình thành chích sách công chúng. Một cuộc hợp tác như thế giữa Giáo Hội và Quốc Gia về các vấn đề quan tâm xã hội lớn lao đáng được khích lệ, hy vọng rằng những nơi khác cũng theo dẫn lộ được chư huynh thực hiện về lãnh vực này. Tôi tin tưởng rằng chư huynh sẽ tiếp tục chú trọng tới những phương sách cụ thể được đề ra để làm giảm thiểu tình trạng nghèo khổ và gia tăng vấn đề giáo dục, nhờ đó thành phần nghèo khổ mới có thể tự giúp được bản thân họ cũng như giúp lẫn nhau.
Xứ sở của chư huynh đã góp phần vào những đường lối đáng kể trong việc xây dựng hòa bình và tình trạng yên ổn bền vững ở Đông Phi. Trong quá khứ tôi đã nói về lòng quảng đại chư huynh đã thực hiện bằng việc cung cấp một ngôi nhà cho cả nhiều ngàn người tị nạn lánh nạn bắt bớ ở các xử sở của họ (cf. Address to the Ambassador of Tanzania to the Holy See, Jan. 11, 1997), và tôi cũng đã khích lệ chư huynh hãy tiếp tục mở rộng việc tiếp đón thành phần như Chúa Kitô này đối với anh chị em đau khổ của chư huynh. Nhờ đó chư huynh chứng tỏ mình thực sự là tha nhân của họ. Một trong những thách đố thực sự đối với tương lai sẽ là việc bảo tồn và củng cố những mối liên hệ tương kính với cộng đồng Hồi giáo, nhất là ở quần đảo Zanzibar. Việc nghiêm chỉnh dấn thân đối thoại liên tôn và cương quyết cùng nhau hoạt động để giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế nơi xứ sở của chư huynh sẽ cống hiến một mẫu gương sáng cho các quốc gia khác về tình trạng hòa hợp bao giờ cũng cần phải có giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau.
5. Chư huynh giám mục thân mến, trong khi chư huynh đang tin tưởng hướng tới tương lai, chư huynh hãy nguyện cầu sự hướng dẫn của Thánh Linh trong việc sửa soạn đang được thực hiện cho Thượng Hội Giám Mục Đặc Biệt Cho Phi Châu, nhờ đó các niềm vui lẫn nỗi buồn, những sầu thương lẫn hy vọng của nhân dân thuộc Lục Địa của chư huynh được vang vọng nơi tâm can của tất cả những ai theo Chúa Kitô (x Gaudium et Spes, 1). Chư huynh hãy luôn tìm cách truyền bá phúc âm hóa văn hóa của dân tộc chư huynh ở chỗ Chúa Kitô nói từ lòng của các giáo hội chư huynh bằng tiếng nói thực sự Phi Châu.
Tôi nguyện xin Năm Thánh Thể này đối với chư huynh là “một cơ hội quí báu để lớn lên trong việc nhận thức được kha tàng khôn sánh được Chúa Kitô ký thác cho Giáo Hội này” ("Mane Nobiscum Domine," 29). Phó dâng chư huynh cùng các linh mục của chư huynh, các phó tế, tu sĩ và thành phần giáo dân cho việc chuyển cầu của Mẹ Maria, Vị Tinh Tú Truyền Bá Phúc Âm Hóa, tôi thân ái ban phép lành Tòa Thánh của tôi cho tất cả như là một bảo chứng ân sủng và sức mạnh nơi Con của Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Đấng là Chúa và là Đấng Cứu Thế của chúng ta.
Tại Bệnh Viện Gemelli ngày 11/3/2005
Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn tồn cầu Zenit phổ biến ngày 11/3/2005