GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa”.
__________________
NGÀY 20 CHÚA NHẬT LỄ LÁ TRONG NĂM THÁNH THỂ |
Thánh Thể là Hy Tế Thập Giá nơi việc Cử Hành Thánh Lễ
Trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín Thánh Thể là một Hy Tế Thập Giá ở khoản số 11, 12 và 14 thứ tự sau đây:
• “Khi Giáo Hội cử hành Thánh Thể, cuộc tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại, thì biến cố cứu độ trọng yếu này trở nên hiện tại thực sự và ‘công cuộc cứu chuộc của chúng ta được thể hiện’ (Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 3). Hy tế này quyết liệt cho phần rỗi loài người đến nỗi Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng hy tế này và về cùng Cha chỉ sau khi Người đã để lại cho chúng ta phương tiện để chia sẻ vào hy tế ấy như thể chúng ta đã hiện diện ở đó bấy giờ. Mỗi một phần tử tín hữu đều có thể tham dự vào hy tế này và hái được vô tận hoa trái của hy tế ấy” (khoản số 11).
• “Trong việc thiết lập Hiến Tế Thánh Thể này, Người không chỉ nói: ‘Này là mình Thày’, ‘Này là máu Thày’, mà còn thêm: ‘hiến cho các con’, ‘đổ ra cho các con’ (Lk 22:19-20). Chúa Giêsu không chỉ nói rằng những gì Người bấy giờ đang ban cho họ để ăn và uống là mình Người và máu Người; Người còn cho thấy ý nghĩa hy sinh của Hiến Tế Thánh Thể và làm cho hiến tế của Người hiện diện một cách bí tích, một hiến tế sắp được hiến dâng trên Thập Giá cho phần rỗi của tất cả mọi người. ‘Thánh Lễ đồng thời không thể tách biệt với việc tưởng niệm hiến tế, một hiến tế Thập Giá được kéo dài và là một bữa tiệc thánh hiệp thông với mình máu Chúa Kitô’ (Catechism of the Catholic Church, 1382)”…. Thánh Lễ làm cho hiến tế Thập Giá hiện thực; Thánh Lễ không thêm vào hiến tế ấy cũng như không tăng thêm cho hiến tế ấy (Cf. Ecumenical Council of Trent, Session XXII, Doctrina de ss. Missae Sacrificio, Chapter 2: DS 1743: “It is one and the same victim here offering himself by the ministry of his priests, who then offered himself on the Cross; it is only the manner of offering that is different”). Những gì được lập lại là việc cử hành tưởng niệm của hiến tế ấy, ‘việc tưởng nhớ tái hiện thực’ của hiến tế này (memorialis demonstratio) (Pius XII, Encyclical Letter Mediator Dei [20 November 1947]: AAS 39 [1947], 548), việc làm cho hiến tế cứu chuộc tối hậu duy nhất của Chúa Kitô lúc nào cũng hiện thực qua thời gian. Bản chất hiến tế của mầu nhiệm Thánh Thể, bởi thế, không được hiểu như là một điều gì tách biệt, không dính dáng gì với Thập Giá hay chỉ gián tiếp liên quan đến hiến tế Canvê”.• “Cuộc vượt qua của Chúa Kitô chẳng những bao gồm cuộc khổ nạn và tử nạn của Người mà còn cả cuộc phục sinh của Người nữa. Điều này được nhắc nhớ qua lời cộng đồng tung hô sau phần truyền phép: ‘Chúng tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại’. Hy Tế Thánh Thể hiện thực chẳng những mầu nhiệm khổ nạn và tử nạn của Chúa Cứu Thế mà còn cả mầu nhiệm phục sinh làm hiển vinh hiến tế của Người nữa. Chính vì là Đấng hằng sống và phục sinh mà Chúa Kitô mới có thể trở thành “bánh ban sự sống” (Jn 6:35,48), ‘bánh sống’ (Jn 6:51) trong Bí Tích Thánh Thể”.
Việc Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bánh Thánh và Rượu Thánh sau lời truyền phép không phải là một hiện diện thần linh có thật song thụ động mà là chủ động: chủ động chẳng những nơi vai trò chủ tế của vị linh mục thay cho Chúa Giêsu hiến dâng Hy Tế Thập Giá một cách bí tích trên bàn thờ, mà còn nơi chủ đích của việc biến thể nữa, một việc biến thể từ một tấm bánh thành một Thân Thể (không phải một thân thể mới được sinh ra trong hang lừa máng cỏ ở Bêlem mà là) bị trao nộp ở Giêrusalem, và từ một chén rượu thành Máu Giao Ước (không phải máu của Lời mới nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria ở Nazarét mà là) đổ ra trên đồi tử giá Canvê.
Đó là lý do Chúa Giêsu không thiết lập Bí Tích Thánh Thể là để trở thành Hiện Diện Thực Sự của Người ở với Giáo Hội trên thế gian cho tới tận thế (x Mt 28:20), mà chính yếu là để hiện thực và tái diễn Hy Tế Thập Giá của Người. Bởi thế, ngay trong lời truyền phép, lời Chúa Giêsu đã tuyên bố thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Người còn truyền cho các tông đồ hiện diện bấy giờ nói riêng và thành phần thừa kế các vị nói chung rằng: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19). Lời truyền chức tư tế này của Chúa Giêsu cho các vị tông đồ không phải chỉ là những lời Người muốn bảo các tông đồ và thành phần thừa kế các vị là hãy (“làm việc này” là) đọc lại lời Người phán trên bánh và rượu để biến bánh và rượu nên Mình Thánh và Máu Thánh Người, mà là hãy cử hành, hãy tưởng nhớ đến Người, ở chỗ “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến” (Lời Tuyên Xưng “Mầu Nhiệm Đức Tin” sau truyền phép).
Vì Mầu Nhiệm Thánh Thể chính yếu là Hy Tế Tử Giá, một Hy Tế cần phải được liên lỉ tưởng niệm và cử hành như thế, mà phụng vụ của Giáo Hội rất lưu tâm đến địa điểm cử hành, hoàn cảnh cử hành và các đồ thánh để Hy Tế Tử Giá vô cùng cao trọng được cử hành một cách xứng đáng, như được tái xác nhận trong Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh” ở Chương 5 như sau:
• “’Việc cử hành Thánh Thể cần phải được thực hiện ở một nơi thánh, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết. Trong trường hợp cần thiết ấy, việc cử hành phải được thực hiện ở một nơi đứng đắn xứng hợp’ (Code of Canon Law, can. 932.1; S. Congregation for Divine Worship, Instruction, Liturgicae instaurationes, n. 9: AAS 62 (1970) p. 701). Vị Giám Mục giáo phận sẽ là vị phán quyết về tính cách cần thiết này, tùy theo từng trường hợp một”. (khoản số 108)
• “’Các vị Linh Mục phải thường xuyên cử hành Thánh Thể, luôn nhớ rằng công cuộc cứu chuộc nơi mầu nhiệm Hiến Tế Thánh Thể được liên lỉ thể hiện. Thật vậy, việc cử hành Thánh Thể hằng ngày là những gì hết sức đáng làm, vì, cho dù không có sự hiện diện của thành phần tín hữu, thì việc cử hành này cũng là một tác động của Chúa Kitô và của Giáo Hội, và khi thực hiện việc cử hành này là vị Linh Mục làm trọn vai trò chính yếu của các vị’ (Code of Canon Law, can. 904; cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church, Lumen gentium, n. 3; Decree on the Ministry and Life of Priests, Presbyterorum ordinis, n. 13; cf. also Ecumenical Council of Trent, Session XXII, 17 September 1562, On the Most Holy Sacrifice of the Mass, Chapter 6: DS 1747; Pope Paul Pp. VI, Encyclical Letter Mysterium fidei, 3 September 1965: AAS 57 [1965] pp. 753-774, here pp. 761-762; cf. Pope John Paul II, Encyclical Letter, Ecclesia de Eucharistia, n. 11: AAS 95 [2003] pp. 440-441; S. Congregation of Rites, Instruction, Eucharisticum mysterium, n. 44: AAS 59 [1967] p. 564; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 19)”. (khoản số 110)
• “Các chén thánh chứa đựng Mình và Máu Chúa phải được làm theo đúng các qui tắc truyền thống và của các sách phụng vụ (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 327-333). … Bởi thế, không thể chấp nhận cho sử dụng trong việc cử hành Thánh Lễ các thứ chén thông dụng, các thứ chén thiếu phẩm chất, hay không có tính cách nghệ thuật tí nào hoặc chỉ là những thứ để đựng, như những thứ chén được làm bằng thủy tinh, bằng sành, bằng đất sét hay bằng các thứ chất liệu dễ vỡ khác. Cần phải áp dụng qui tắc này với cả những thứ kim loại hay các thứ chất liệu sẽ bị xét dỉ hay hư hỏng (Cf. ibidem, n. 332; Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments,, Instruction, Inaestimabile donum, n. 16: AAS 72 [1980] p. 338)”. (khoản số 117)
• “Linh Mục, một khi đã trở lại bàn thờ sau phần cho Rước Lễ, thì đứng tại bàn thờ hay tại một bàn cân xứng, để lau đĩa thánh và tráng chén thánh theo các qui định của Sách Lễ rồi lau chén bằng khăn sạch. Nếu có Phó Tế bấy giờ thì vị này trở lại bàn thờ với Linh Mục để tráng chén. Tuy nhiên, đặc biệt trong trường hợp có một số chén thánh cần phải được tráng lau, thì được phép cứ để đó, đậy lại đàng hoàng, ở trên bàn thờ hay bàn phụ lễ, để vị Linh Mục hay Phó Tế tráng lau ngay sau khi tan Lễ. Ngoài ra, người được chính thức ủy nhiệm vai trò phụ tế cũng có thể giúp vị Linh Mục hay Phó Tế tráng lau và sắp xếp các chén thánh ở bàn thờ hay bàn phụ lễ. Nếu không có vị Phó Tế thì người được chính thức ủy nhiệm vai trò phụ tế này mang các chén thánh sang bàn phụ lễ rồi tráng chén, lau khô và sắp xếp các chén thánh ấy theo kiểu cách bình thường (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 163, 183, 192)”. (khoản số 119)
• “Các vị Mục Tử phải chú trọng đến những khăn được sử dụng cho bàn thánh, nhất là những khăn đụng chạm tới các hình Thánh Thể, cần phải luôn sạch sẽ cũng như cần phải được giặt sạch theo đường lối truyền thống. Để làm điều này, rất nên đổ nước sau lần giặt bằng tay đầu tiên vào cống máng đổ đồ thánh của nhà thờ hay đổ xuống đất ở một nơi xứng đáng. Sau đó, lần giặt thứ hai có thể được làm theo kiểu cách thông thường”. (khoản số 120)
• “Chiếc áo thụng dài trắng mặc ở bên trong áo lễ cần phải được cột lại bằng một giây thắt lưng, trừ khi chiếc áo này được làm theo kiểu thắt bụng không cần giây cột. Cần phải đeo chiếc khăn quàng vai trắng trước khi mặc chiếc áo dài trắng này, nếu chiếc áo thụng dài trắng không hoàn toàn che hết bộ y phục thường dân ở cổ (Cf. ibidem, n. 336)”. (khoản số 122)
• “Áo lễ xứng hợp với vị Linh Mục cho việc cử hành Thánh Lễ hay cho các tác động linh thánh khác trực tiếp liên quan đến Thánh Lễ, trừ khi có những qui định khác, là một chiếc áo lễ mặc ở bên ngoài chiếc áo thụng dài trắng và giây choàng ở bên trong” (Cf. ibidem, n. 337). Cũng thế, vị Linh Mục, khi mặc áo lễ theo qui định chữ đỏ thì không được bỏ đeo giây choàng ở bên trong”. (khoản số 123)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
ĐTC GPII: Sứ Điệp gửi Giới Trẻ họp mặt để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ ở Rôma Chúa Nhật Lễ Lá hằng năm
Qua hệ thống Truyền Hình viễn liên, ĐTC GPII từ phòng của ngài đã xuất hiện trên màn ảnh chào giới trẻ và ban phép lành cho họ, thành phần, hằng năm theo truyền thống trước Chúa Nhật Lễ Lá 3 ngày, đang tụ họp nhau ở Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Colone Đức Quốc vào tháng 8/2005, dưới sự chủ tọa và hướng dẫn của ĐHY Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma, vị đã đọc sứ điệp của ĐTC cho họ. Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ĐTC, sứ điệp ngài kêu gọi giới trẻ “hãy trở thành kiến trúc sư của nền văn minh yêu thương”.
“Adoro Te devote, lateens Deitas!”
1. Giới trẻ Rôma và thuộc các giáo phận miền Latium thân mến: Cuộc gặp gỡ của các bạn ở Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để tôn thờ Thánh Thể, trong năm được giành cho Thánh Thể này, là một cơ hội để dọn mình xứng đáng hơn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tôi muốn liên kết bản thân tôi trong tinh thần với các bạn cũng như muốn bày tỏ tất cả lòng cảm mến của tôi đối với các bạn. Tôi biết rằng các bạn bao giờ cũng ở bên tôi, và các bạn không ngừng nguyện cầu cho tôi. Tôi chào các bạn và xin chân thành cám ơn các bạn.
Tôi tri ân gửi lời chào vị hồng y đại diện tôi, các vị giám mục, linh mục và nữ tu là những người đang đi theo hỗ trợ các bạn, cũng như những ai tổ chức giây phút suy tư và nguyện cầu quan trọng này.
2. “Adoro Te devote, lateens Deitas!” Cùng nhau chúng ta hãy hướng ánh mắt của chúng ta về Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Người và cùng nhau lập lại những lời của Thánh Tôma Aquinas, những lời diễn tả tất cả đức tin và đức mến của chúng ta: Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Chúa đang ẩn thân nơi Bánh Thánh!
Ở vào lúc đầy những hận ghét, vị kỷ, đầy những ước muốn được hạnh phúc giả tạo, tình trạng băng hoại về các thứ tục lệ, tình trạng thiếu vắng hình ảnh của người cha người mẹ, tình trạng lung lay nơi rất nhiều những gia đình trẻ trung, và rất nhiều những yếu dại cùng khó khăn giới trẻ phải chịu đựng, chúng con nhìn lên Chúa, Ôi Chúa Giêsu Thánh Thể, bằng một niềm hy vọng mới. Cho dù chúng con tội lỗi, chúng con cũng tin tưởng vào tình thương thần linh của Chúa. Cùng với các môn đệ đi Emmau, chúng con xin lập lại với Chúa rằng “Xin Chúa hãy ở lại với chúng con – Mane nobiscum Domine!”
Nơi Thánh Thể, Chúa đã phục hồi cho Chúa Cha tất cả mọi sự xuất phát từ Ngài, nhờ đó, mầu nhiệm công lý sâu nhiệm của tạo vật đối với Đấng Hóa Công được thực hiện. Cha trên trời đã tạo dựng nên chúng con theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài. Từ Ngài chúng con đã được hưởng tặng ân sự sống là tặng ân chúng con càng nhìn nhận là cao quí từ giây phút ban đầu cho tới khi lâm chung thì nó lại càng bị đe dọa và khai thác.
Ôi Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa và tạ ơn Chúa vì nơi Thánh Thể, mầu nhiệm này được hiện thực của lễ duy nhất dâng lên Chúa Cha do Chúa thực hiện 2000 năm trước bằng hy tế thập giá, một hy tế đã cứu chuộc toàn thể nhân loại cùng toàn thể tạo vật.
3. “Adoro Te devote, lateens Deitas!”
Chúng con thờ lạy Chúa, Ôi Chúa Giêsu Thánh Thể! Chúng con thờ lạy Mình Chúa và Máu Chúa đã hy hiến cho chúng con, cho tất cả mọi người, để xóa bỏ tội lỗi: Ôi Bí Tích của Giao ước mới vĩnh hằng!
Trong khi chúng con thờ lạy Chúa thì làm sao chúng con lại không nghĩ đến tất cả những gì chúng con cần phải làm để tôn vinh Chúa? Tuy nhiên, đồng thời chúng con cũng công nhận rằng Thánh Gioan Thánh Giá đã đúng khi ngài nói: “Những ai hăng say hoạt động và những ai nghĩ rằng họ sẽ nắm giữ thế giới bằng việc giảng dạy và những việc làm bề ngoài của họ cần phải nhớ rằng Giáo Hội sẽ có lợi hơn nữa và Thiên Chúa thỏa lòng hơn nữa, chưa nói đến gương sáng tỏa ra từ họ, nếu họ ít là bỏ ra nửa số giờ ấy để cầu nguyện với Thiên Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu được rằng “làm” một cái gì đó trong Giáo Hội của Chúa, kể cả ở những miền rất khẩn trương cho việc tân truyền bá phúc âm hóa, trước hết cần phải “là” đã, tức cần phải ở với Chúa để tôn thờ Chúa trong mối thân tình với Chúa. Hoạt động tông đồ chân chính, hiệu năng và đích thực chỉ xuất phát từ mối hiệp thông sâu xa với Chúa mà thôi.
Một vị đại thánh nhập dòng Carmêlô ở Cologne là Thánh Benedicta Teresa Thánh Giá, Thánh Edith Stein, đã thích lập lại rằng: “Là những chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, được Thần Linh của Người tác động, chúng ta dâng mình chúng ta như tế vật cùng với Người, trong Người, và hiệp nhất chúng ta với lễ tạ ơn vĩnh cửu”.
4. “Adoro Te devote, lateens Deitas!” Lạy Chúa Giêsu, chúng con cầu xin Chúa để hết mọi giới trẻ hiện diện nơi đây muốn được hiệp nhất với Chúa trong một lễ tạ ơn muôn đời và dấn thân vào thế giới hôm nay và mai này để làm một kiến trúc gia xây dựng nền văn minh yêu thương.
Chớ gì họ biết đặt Chúa làm tâm điểm của đời sống họ, chớ gì họ biết tôn thờ và cử hành Chúa. Chớ gì họ gia tăng mối thân tình với Chúa. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Chớ gì họ lãnh nhận Chúa khi chăm chỉ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, và nếu có thể, tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Từ những giây phút sốt sắng và thường xuyên này, chớ gì họ biết quyết tâm tự nguyện trao phó cuộc đời của họ cho Chúa, Đấng là tất cả những gì là tự do chân thực. Chớ gì có những ơn gọi thánh hảo làm linh mục, vì không có thiên chức linh mục cũng không có Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội. Chớ gì ơn gọi làm tu sĩ tăng thêm nhiều hơn nữa. Chớ gì ơn gọi nên thánh nẩy nở một cách dồi dào, một thứ dồi dào là mức độ đo lường cao quí về cuộc sống thường nhật của Kitô hữu, nhất là nơi các gia đình. Ngày nay Giáo Hội và xã hội cần đến điều này hơn bao giờ hết.
5. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con xin ký thác cho Chúa giới trẻ Rôma, giới trẻ của miền Latium, và giới trẻ trên toàn thế giới: cảm thức của họ, tình cảm của họ cùng các dự phóng của họ. Con xin dâng họ cho Chúa, qua bàn tay của Mẹ Maria là Mẹ của Chúa cũng là Mẹ của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã phó mình cho Chúa Cha, xin hãy yêu thương họ!
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã phó mình cho Chúa Cha, xin hãy chữa lành các vết thương tinh thần của họ!
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã phó mình cho Chúa Cha, xin hãy giúp họ biết tôn thờ Chúa trong chân lý và chúc lành họ. Giờ đây và mãi mãi.
Amen!
Tôi thân ái ban phép lành cho tất cả các bạn
Tại Vatican ngày 15/3/2005
Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn tồn cầu Zenit phổ biến ngày 18/3/2005
Ngày Kỷ Niệm Đệ Nhị Chu Niên Chiến Tranh Iraq
Vào ngày 19/3/2003, lực lượng Hoa Kỳ, sau khi gạt Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sang một bên, đã đơn phương tấn công Iraq, lấy lý để tước đoạt các thứ vũ khí đại công phá của nước này, những gì rất nguy hiểm nếu ở trong tay nhà lãnh đạo độc tài tàn ác Saddam Hussein. Thế nhưng, dù có lật được nhà lãnh tụ và bắt được ông ta đi nữa, vấn đề là chẳng thấy các thứ vũ khí đại công phá đâu, cho dù đã hết sức lùng kiếm.
Hôm Thứ Bảy, 19/3/2005, ngày kỷ niệm đúng hai năm Hoa Kỳ đơn phương tấn công Iraq, trong khi tại Iraq những cuộc khủng bố tấn công vẫn đang tiếp diễn càng ngày càng bạo loạn và chết chóc, thì nhiều cuộc xuống đường chống chiến tranh đã diễn ra tại Âu Châu cũng như tại chính Hoa Kỳ.
Tổng Thống Bush đã lên tiếng qua bài phát thanh hằng tuần của ông để bênh vực lập trường xâm chiếm nhằm để lật đổ Saddam Hussein và đang nỗ lực thiết lập một nền dân chủ cho quốc gia này: “Hiện nay, nhờ chúng ta hành động mà chính phủ Iraq không còn là một mối đe dọa cho thế giới hay cho dân chúng của họ nữa”.
Thế nhưng, trên khắp thế giới, nhiều cuộc xuống đường chống lại cuộc xâm chiếm của Hoa Kỳ một cuộc xâm chiếm theo họ đã gây ra máu đổ vô ích và là một cuộc xâm chiếm cũng không tìm thấy những thứ vũ khí đại công phá (một lý do chính cho cuộc xâm chiếm ấy). Những cuộc xuống đường này xẩy ra ở những nơi như Tokyo Nhật Bản, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, Athens Hy Lạp, Stockholm Thụy Điển và Luân Đôn Anh quốc.
Ở Hiệp Vương Quốc (United Kingdoms), cảnh sát nói có khoảng 45 ngàn người xuống đường tham dự cuộc diễn hành từ Công Viên Hyde ở Luân Đôn, băng ngang qua Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ và đến Công Trường Trafalgar: “Chúng ta đã đẩy nhân dân Iraq vào tình trạng hỗn loạn này, chúng ta cần phải giúp họ thoát khỏi tình trạng ấy”, một người xuống đường 29 tuổi tên Kit MacLean đã cho biết như thế.
Lực lượng an ninh đã xiết chặt ở ngoài tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Luân Đôn. Hai cựu quân nhân Hiệp Vương Quốc đã đặt ở ngoài tòa lãnh sự một cái quan tài bằng giấy bồi mang những hàng chữ “100 ngàn người chết”. Thành phần diễn hành hát rằng “George Bush, Chú Sam, Iraq sẽ trở thành một Việt Nam khác của ông đó”.
Một số người lại lo rằng Bush có thể đang có dự án thực hiện một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông hay ở một nơi nào đó. Bên cạnh một tấm bảng có hình ông Bush có hai xừng ma quỉ, có những tấm bảng khác với hàng chữ như “Sau Iraq tới Iran? Syria? Cuba?” “Hãy Ngăn Chặn Con Người này lại”.
Ở thành phố Adana miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, địa điểm cho một căn cứ quân sự Thổ nhường cho các lực lượng Hoa Kỳ sử dụng, thành phần xuống đường đã đặt một vòng hoa mầu đen ở trước tòa lãnh sự Hoa Kỳ để tỏ dấu chống chiến tranh. Ở Istanbul, cũng nước Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 15 ngàn người diễn hành ở quanh vùng Kadikoy để chống loại việc hiện diện Hoa Kỳ ở Iraq: “Bush Tên Giết Người hãy cút đi”, một tấm biển viết như thế. Có hai người mặc y phục quân nhân Hoa Kỳ đang giả vờ đối xử tàn bạo với một người khác ăn mặc kiểu tù binh, một cảnh tượng biêu giễu các vụ bạo hành tù nhân của quân nhân Hoa Kỳ.
Ở Thụy Điển, khoảng 300 người chống chiến tranh đến đầy công trường Sergel trong khu phố Stockholm, hát hò: “Hoa Kỳ, hãy ra khỏi Iraq!” Một em thiếu nữ 15 tuổi là Linn Majuri, một phần tử của tổ chức môi sinh Trẻ Xanh đã nói ở Stockholm rằng “Tôi nghĩ là cần phải tỏ ra cho thấy rằng chúng ta vẫn quan tâm đến vấn đề này”. Em thiếu nữ này cầm một bảng chữ “Bỏ Bush chứ đừng bỏ bom”. Em nói: “Dân chúng đã trở nên ơ hờ về vấn đề này rồi, nó không còn là những gì họ vừa đi vừa nghĩ tới mỗi ngày nữa”.
Những người diễn hành ở Rôma, với ca nhạc cùng với các biển ngữ, đã kêu gọi rút quân đội Ý khỏi Iraq. Một biểu ngữ mang hàng chữ: “Iraq cho nhân dân Iraq!”
Ở Oslo, Na Uy, có khoảng 400 người tụ họp nhau ở công trường Jernbane để yêu cầu 10 viên chức Na Uy đang ở Baghdad phải được hồi hương. Trước đây Na Uy cũng đã rút 150 lính của mình về nước. Ingrid Fiskaa, người làm đầu của nhóm Fredsinitiativet hoạt động cho hòa bình tổ chức biến cố này cho biết “Càng ngày chúng ta càng cảm thấy bối rối vì chúng ta đang thuộc về ‘khối liên minh của thành phần chí nguyện’ trong khi nhiều quốc gia khác đang rút lui.
Ở Tây Ban Nha các cuộc xuống đường cũng đã xẩy ra ở 9 thành phố khác nhau, bao gồm cả Ma Ní, Barcelona và khu trù mật Basque bên bờ biển San Sebastian
Tuy nhiên, không ở đâu có những cuộc xuống đường lớn bằng những cuộc xuống đường vào Tháng 2/2003, trước khi cuộc chiến xẩy ra, lúc có cả hằng triệu người diễn hành ở các thành phố trên khắp thế giới để yêu cầu Tổng Thống George Bush và đồng minh của ông ta đừng tấn công Iraq.