GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 21 THỨ HAI TUẦN THÁNH

        

Tòa Thánh Rôma cử hành Lễ Lá tại Quảng Trường Thánh Phêrô và huấn từ truyền tin của ĐTC GPII về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX

Chúa Nhật Lễ Lá 20/3/2005, như văn phòng cử hành phụng vụ của ĐTC phác họa cho hợp với tình trạng sức khỏe của ĐTC, trong Tuần Thánh, bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá, các vị cao cấp trong Tòa Thánh Rôma thay nhau chủ sự các nghi thức và Thánh Lễ trong Tuần Thánh. Mở đầu là ĐHY Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma chủ tế và giảng thuyết cho Lễ Lá tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trong khi đó ĐTC theo dõi Thánh Lễ từ phòng của ngài. Trong thời gian cử hành này, cửa sổ phòng của ngài để mở, với màn gió lay động theo gió thoảng với một cành cây dừa trên mành cửa.

Trong bài giảng của mình, vị hồng y chủ tế thay ĐTC đã nói rằng thập giá của Chúa Kitô bao giờ cũng cống hiến một biểu hiệu mới cho tín hữu và năm nay biểu hiệu mới nơi cuộc khổ đau này là chính bản thân của vị giáo hoàng: “Thập giá của Chúa Kitô không làm chán chường hay yếu nhược. Trái lại, thập giá này làm phát sinh nghị lực mới, một thứ nghị lực phản ảnh nơi các vị thánh làm cho lịch sử của Giáo Hội sinh hoa kết trái, và là một thứ nghị lực hôm nay đây đang phản ảnh một cách hết sức rõ ràng nơi nét mệt mỏi trên gương mặt của ĐTC”.

Vị hồng y này nói rằng thật là sai lầm khi cho rằng đau khổ là những gì “vô dụng và tác hại”: “Đó là điều sai lầm khiến chúng ta chẳng những không hiểu được tầm quan trọng của khổ đau mà còn cả ý nghĩa của đời sống nữa”.

Trong Thánh Lễ được cử hành trong bầu trời sáng sủa, một trong những lời cầu cộng đồng, lời cầu bằng tiếng Bồ Đào Nha, đã được chỉ cho ĐTC, vị đã nhập bệnh viện hai lần tổng cộng tất cả 28 ngày, như sau: “Chúng ta hãy cầu xin cho người cha thân yêu của chúng ta là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để Thánh Thần soi sáng và bảo trì ngài hầu chứng từ trung thành với Chúa Kitô của ngài trở thành mẫu gương cho tất cả giới trẻ trên thế giới”.

 

Cũng hôm nay, sau Thánh Lễ, ĐTC GPII đã xuất hiện không nói một lời nào ở cửa sổ trên lầu ba phòng của ngài, trong vòng mấy phút và ban phép lành bằng cành lá dừa cho con cái của mình. Truyền hình của Tòa Thánh lẫn này không thu lớn hình ảnh của ngài như những lần trước ở Vatican hay ở Bệnh Viện.

Như ba tuần trước, huấn từ truyền tin Chúa Nhật tuần này của ngài đã được vị TGM Leonardo Sandri đọc với nội dung nguyên văn như sau:

Anh Chị Em thân mến,

1. Tôi hết sức vui mừng gửi lời chào anh chị em vào lúc kết thúc việc long trọng cử hành Chúa Nhật Lễ Lá này, và tôi xin cám ơn ĐHY Camillo Ruini đã thay tôi chủ sự việc cử hành ấy.

Cách đây 20 năm, chính tại quảng trường này, Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã được bắt đầu. Vì lý do ấy, hôm nay tôi muốn đặc biệt ngỏ lời cùng giới trẻ, hỡi các bạn trẻ thân mến đang hiện diện tại nơi đây cũng những những bạn trẻ trên toàn thế giới.

2. Giới trẻ thân mến! Vào tháng Tám tới đây, Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được diễn tiến tại Cologne, tâm điểm của Đức quốc cũng như của Âu Châu. Tại vương cung thánh đường uy nghi của thành phố này các di tích của Những Nhà Đạo Sĩ được tôn kính, những vị bởi thế đã trở thành theo một nghĩa nào đó những vị hướng đạo của các bạn đến cuộc hẹn này. Các vị đến từ Đông phương để bái thờ Chúa Giêsu: “Chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2:2). Những lời này, thật dồi dào ý nghĩa, làm nên chủ đề cho cuộc hành trình thiêng liêng và giáo lý của các bạn hướng về Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Hôm nay các bạn tôn thờ thập giá của Chúa Kitô, cây thập giá được các bạn mang đi khắp thế giới, vì các bạn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu được hoàn toàn tỏ hiện nơi Chúa Kitô tử giá.

3. Giới trẻ thân mến! Tôi càng nhận thấy thật là thích thuận và xứng đáng ngày Chúa Nhật Lễ Lá và Chúa Nhật Thương Khó của Chúa Kitô đã trở nên ngày của các bạn. Lễ này chất chứa một ân sủng đặc biệt của vui mừng liên kết với thập giá là những gì tóm kết mầu nhiệm Kitô giáo.

Hôm nay tôi muốn nói cùng các bạn là các bạn hãy không ngừng tiếp tục con đường đã dấn thân làm nhân chứng ở mọi nơi cho thập giá hiển vinh của Chúa Kitô. Các bạn đừng sợ! Chớ gì niềm vui của Chúa Kitô tử giá và phục sinh trở thành sức mạnh của các bạn, và xin Mẹ Maria Rất Thánh luôn ở bên các bạn.

 

 

Giáo Hội Công giáo tại Hoa Kỳ có thêm hơn 150 ngàn tân tòng vào Lễ Vọng Phục Sinh 2005

Văn phòng của hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã cho biết như thế, căn cứ vào tường trình từ 87% các giáo phận. Con số năm 2005 này đã vượt hơn 2004. Có cái lạ là cho dù Giáo Hội Công giáo vừa và đang bị tai tiếng về vụ các linh mục lạm dụng tình dục vị thành niên từ đầu năm 2002 tới nay mà con số trở lại càng ngày càng đông hơn trước!

Con số trở lại này bao gồm cả thành phần mới gia nhập Giáo Hội bằng Phép Rửa hay trở lại từ các giáo phái Tin Lành qua việc tái tuyên xưng Đức Tin theo Giáo Hội Công giáo và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và/hay Bí Tích Thêm Sức.

Trong số thành phần trở lại năm 2005 này, có một số giới trẻ hay độc thân, hoặc có một số cả gia đình, và một người đã từng tham dự Thánh Lễ trên 30 năm.

Người đã đoạt giải huy chương vàng môn quyền anh năm 1996 là David Reid cũng sẽ gia nhập Giáo Hội ở Michigan. Người tân tòng này được lớn lên bên giáo phái Tin Lành Baptist, rồi theo đạo Hồi trước khi tìm thấy Giáo Hội Công giáo.


Ngày Tôn Kính Các Vị Thừa Sai Bị Thảm Sát

Như vốn được tổ chức, ngày 24 tháng 3 hằng năm là ngày được cử hành như là một Ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh để tưởng nhớ tới các vị thừa sai bị sát hại vì Phúc Âm.

Việc này được khởi xướng ở Ý quốc từ Phong Trào Giới Trẻ của Chư Hội Truyền Giáo của Tòa Thánh vào năm 1993, và đã được phổ biến tới những quốc gia khác. Sở dĩ ngày 24/3 được chọn là vì ngày này là ngày kỷ niệm cuộc ám sát ĐTGM Oscar Romero ở San Salvador năm 1980.

Đề tài năm nay cho ngày này, như được cơ quan truyền giáo Vatican là Fides cho biết, đó là “Tấm Bánh được bẻ ra cho người khác”. Năm nay, ngày 24/3 trùng vào Thứ Năm Tuần Thánh và là ngày đặc biệt tưởng nhớ tới 15 vị thừa sai bị sát hại năm 2004.

Bản công báo của hiệp hội truyền giáo này của Tòa Thánh kêu gọi các giáo xứ, các cộng đồng tu trì, các chủng viện, các nhóm truyền giáo, các nhóm giới trẻ và tất cả mọi người thiện tâm hãy cùng nhau cử hành ngày này. Thành phần bệnh nhân được kêu gọi hiến dâng khổ đau của mình để nhớ đến các vị tử đạo cũng như để truyền bá Phúc Âm. Mọi người được khuyến khích viếng thăm một nơi khổ đau, như nhà thương, dưỡng lão viện, và an ủi thành phần đang gặp khổ đau.


”Ngày Thai Nhi” đang trở thành một ngày theo truyền thống.

Các quốc gia Mỹ Châu Latinh đang sửa soạn cử hành “Ngày Thai Nhi”, một số ở tầm cấp quốc gia, một số chỉ ở lãnh vực Giáo Hội địa phương.

Sáng kiến này được cử hành vào ngày 25/3, Lễ Thai Lời. El Salvador là quốc gia đầu tiên ban sắc lệnh cử hành ngày này vào năm 1993, được gọi là “Ngày Quyền Được Vào Đời”. Sắc lệnh này được Hội Đồng lập pháp công bố qua cuộc vận động của phong trào phò sự sống.

Vào Tháng 12/1998, Á Căn Đình công bố ngày 25/3 là “Ngày của Thai Nhi”. ĐTC GPII đã gửi một sứ điệp vào dịp này, một dịp có sự tham dự của các đại diện tôn giáo Chính Thống giáo và Kitô giáo, cũng như Do Thái giáo và Hồi giáo. Các tham dự viên đã kêu gọi nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phi Luật tân cùng các quốc gia ở Mỹ Châu Latinh hãy theo sáng kiến ấy.

Cuộc vận động ở Chí Lợi, với hằng ngàn chữ ký và được hỗ trợ bởi một số vị thị trưởng, đã được Thượng Viện nhất loạt chấp thuận vào tháng 5/1999 dự án yêu cầu tổng thống công bố ngày 25/3 là “Ngày của Con Trẻ được thụ thai chưa vào đời”.

Vào Tháng 5/1999, Quốc Hội nước Guatemala tuyên bố ngày 25/3 là “Ngày Toàn Quốc Thai Nhi” để “cổ võ văn hóa sự sống và bênh vực sự sống từ giây phút được thụ thai”.

Cũng trong năm 1999, tổng thống nước Costa Rica là Miguel Rodríguez tuyên bố ngày 27/7 là “Ngày Toàn Quốc về Sự Sống chưa Sinh”.

Ở Nicaragua, tổng thống Arnold Alemán ban hành một sắc lệnh vào năm 2000 tuyên bố ngày 25/3 là “Ngày Thai Nhi”.

Năm 2001, Cộng Hòa Dominican đã chấp thuận đạo luật thiết lập Ngày này, để nuôi dưỡng “việc suy nghĩ về vai trò quan trọng mà một người phụ nữ mang thai cho thấy nơi định mệnh của nhân loại, và giá trị của sự sống con người được họ cưu mang trong lòng”.

Năm 2002, Quốc Hội Peru đã tuyên bố ngày 25/3 là “Ngày Thai Nhi”. Ủy Ban Gia Đình của Hội Đồng Giám Mục Peru vừa phổ biến một sứ điệp kêu gọi dấn thân hơn nữa trong việc bênh vực sự sống và phẩm giá của thai nhi.

Năm 2003, nước Paraguay ấn định ngày 25/3 chính thức là Ngày Thai Nhi, với sắc lệnh của tổng thống Luis González Macchi.

Ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha khác, Ngày Thai Nhi không được quốc gia công nhận nhưng được Giáo Hội Công giáo cổ võ cử hành.

Năm nay, ngày nay trùng với Thứ Sáu Tuần Thánh, hội đồng giám mục Colombia sẽ cử hành Ngày Thai Nhi vào ngày 4/4 thay thế, với đề tài là “Chúng ta đang Mong có được một Đứa Con”.


Tòa Thánh Vatican cảnh giác Á Căn Đình vi phạm quyền tự do tôn giáo

Tòa Thánh Vatican, qua vị giám đốc văn phòng báo chí của mình là Joaquín Navarro Valls đã phổ biến một văn thư hôm Thứ Bảy 19/3/2005 để tỏ ra phản ứng về những hành động được tường trình về tổng thống nước này đã chống lại ĐGM Antonio Juan Baseotto liên quan tới vấn đề một vị bộ trưởng phò việc hợp thức hóa vấn đề phá thai.

Theo tường trình thì chính quyền nước này đã ban một sắc lệnh vào hôm Thứ Sáu 18/3/2005 về việc thôi ủng hộ vị giám mục này, loại bỏ lương bổng của ngài và chính thức đẩy ngài đi chỗ khác chơi. Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao nói rằng sắc lệnh chính quyền sẽ chính thức trình bày quyết định này cho Tòa Thánh Vatican vào Thứ Hai 21/3.

Vị giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh cho biết Tòa Thánh vẫn chờ đợi “một bản thông báo chính thức tới ĐGH là vị đã bổ nhiệm vị bản quyền quân đội này. Hiển nhiên là nếu một vị giám mục được Tòa Thánh bổ nhiệm hợp lệ theo qui tắc giáo luật và những thỏa hiệp hiện hành, bị ngăn cản không cho thi hành thừa tác mục vụ của ngài, là những gì vi phạm tới quyền tự do tôn giáo cũng như đến những thỏa hiệp được đề cập đến trên đây”.

Vấn đề xẩy ra từ ngày 12/2 khi bộ trưởng Sức Khỏe là Ginés González García công khai tuyên bố mình phò việc hợp thức hóa vấn đề phá thai, trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan thông tin Página 12.

3 ngày sau, ĐGM Baseotto, 72 tuổi, đã viết 1 bức thư cho vị bộ trưởng này, cảnh báo ông rằng ông có thể mắc tội về việc cổ võ việc làm ấy bằng cách phân phát “những thứ thuốc được cho rằng là những thứ phá thai”. Vị giám mục này cũng nói rằng, vì thấy ông bộ trưởng công khai phân phát các bọc cao su làm tình an toàn cho giới trẻ nên ngài đã nhắc lại lời Phúc Âm “Chúa chúng ta đã khẳng định là ‘những ai làm gương mù cho những kẻ bé mọn sẽ bị cột tảng đá vào cổ mà quăng xuống biển’”.

Câu Phúc Âm được trích dẫn này đã khiến xẩy ra vô khối lời dẫn giải của báo chí. Một số liên kết câu ấy với những cuộc được gọi là săn bắt tử thần, một việc ném con người xuống biển, một việc được gán ghép cho quân đội Á Căn Đình thực hiện vào thập niên 1970.

Để phản ứng, vị tổng trưởng này đã nói về vị giám mục ấy “như là một kẻ gian trá được Giáo Hội bao che” và cho rằng ngài đã “có những liên hệ sâu đậm với chế độ độc tài quân phiệt trước đây”.

ĐGM Baseotto đã được ủng hộ từ Tòa Thánh qua ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý và Hòa Bình, cũng như ĐHY Alfonso Lopéz Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình, về bức thư ngài gửi cho vị bộ trưởng sức khỏe Á Căn Đình.


 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ