GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa”.
__________________
NGÀY 22 THỨ BA TUẦN THÁNH |
Hội Nghị về “Tiếng Gọi Công Lý. Di Sản của Hiến Chế ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ 40 Năm Sau”
Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Công Lý và Hòa Bình tổ chức một hội nghị 3 ngày, bắt đầu từ chiều Thứ Ba 16/3/2005 cho tới hết Thứ Sáu, tại Sảnh Đường Tân Hội ở Vatican về đề tài “Tiếng Gọi Công Lý. Di Sản của Hiến Chế ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ 40 Năm Sau”. Cuộc hội nghị được mở màn bằng lời chào mừng của ĐHY Renato Martino, chủ tịch của hội đồng này, và sau đó là bài khai mạc của ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano.
Trong chính hiến chế này của Công Đồng Chung Vaticanô II, các vị nghị phụ đã đề nghị với ĐTC Phaolô VI thiết lập những gì được gọi là Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình. Theo tông hiến “Pator Bonus” ban hành năm 1988 thì sứ vụ của hội đồng này là “để cổ võ công lý và hòa bình trên thế giới theo Phúc Âm và giáo huấn về xã hội của Giáo Hội”.
Hội nghị được chia làm nhiều phiên họp chung và các phiên họp chuyên đề. Có 5 diễn viên trình bày về 5 khía cạnh khác nhau của hiến chế mục vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II này. ĐHY Claudio Hummes, TGM Sao Paolo, Ba Tây, về nền tảng thần học và giáo hội học của văn kiện; ông Andrea Riccardi, vị sáng lập Cộng Đồng Sant’Egidio trình bày về quan điểm lịch sử; ông Rubens Ricupero, nguyên tổng giám đốc Hội Nghị LHQ về Thương Mại và Phát Triển nói về “Tiếng Gọi Công Lý trong Lãnh Vực Chính Trị”; ông Guy Pognon ở Benin sẽ trình bày về đề tài “Tiếng Gọi Công Lý trong Lãnh Vực Kinh Tế”; và bà Helen Alvare, một giáo sư ở Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ, chia sẻ về vai trò của gia đình trong lãnh vực xã hội.
Thành phần tham dự hội nghị khảo sát phạm vi Huấn Quyền vủa Công Đồng Chung Vaticanô II qua một cuộc suy từ tam diện: về nền tảng triết lý và thần học của truyền thống xã hội của Công giáo, về sứ vụ của Giáo Hội nơi lãnh vực xã hội, cũng như về việc đáp ứng của Giáo Hội trước những dấu chỉ thời đại và phân tích những vấn đề lớn hiện đại có tính chất kinh tế, chính trị và xã hội (như vấn đề toàn cầu hóa, tình trạng nghèo khổ, chủ nghĩa hưởng thụ, hoa bình thế giới, tình trạng di dân, thảm nạn khủng bố). Việc phân tích các vấn đề này được đi kèm với những mẫu thức cụ thể của hành động hiệu nghiệm trong việc chống nạn nghèo khổ, tội lỗi xã hội và tình trạng khổ đau dưới nhiều hình thức khác nhau.
Vào chính chiều ngày khai mạc hội nghị này, ĐTC GPII đã gửi cho thành phần tham dự viên một sứ điệp với những điểm chính yếu tiêu biểu như sau:
“Thách đố mà Giáo Hội liên lỉ phải đương đầu” là ở chỗ “nhắc nhở tất cả mọi tín hữu về nhu cầu cần phải giải thích các thực tại xã hội theo chiều hướng Phúc Âm”.
“Có những lúc, tình trạng tiến bộ vượt bực của khoa học và kỹ thuật có thể dẫn đến chỗ làm cho con người quên đi những vấn đề nồng cốt về công lý, bất chấp nỗi khát vọng chung mong muốn thấy được tình đoàn kết hơn nữa nơi các dân tộc, cũng như mong muốn thấy được việc tái thiết các mối liên hệ về xã hội nhân bản hơn”.
“Tình trạng dai dẳng buồn thảm nơi các cuộc xung đột cùng với những diễn tiến của bạo lực ở rất nhiều phần đất trên thế giới là chứng cớ ngược lại cho thấy mối liên hệ bất khả phân ly giữa công lý và hòa bình, theo giáo huấn nồng cốt được nêu lên một cách rõ ràng cương quyết trong hiến chế ‘Vui Mừng và Hy Vọng’”.
“Bởi thế, tôi muốn tái khẳng định là hòa bình là cộng việc của công lý. Nền hòa bình chân thực trên thế giới bao gồm việc cương quyết tôn trọng người khác, cá nhân cũng như các dân tộc, theo phẩm giá của họ, cũng như nhất quyết gia tăng tình huynh đệ nơi các phần tử thuộc gia đình nhân loại”.
Tuy nhiên, ĐTC nhấn mạnh rằng Giáo Hội “không giảm thiểu giáo huấn của mình vào tầm mức ấy”. Hơn thế nữa, Công Đồng Chung Vaticanô II đã khẳng định rằng “hòa bình cũng là hoa trái của yêu thương nữa, một thứ yêu thương vượt lên trên những gì công lý có thể thực hiện”.
Không bao giờ được bỏ quên “nhân đức yêu thương, một nhân đức dẫn đến chỗ thứ tha và hòa giải, cũng như phấn khích việc dấn thân của Kitô hữu cổ võ công lý”.
Terri Schiavo: lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cho tái xét nội vụ ở Tòa án Liên Bang
Sáng Chúa Nhật 20/3/2005, Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng loạt thông qua đạo luật nhằm kéo dài sự sống của nữ nạn nhân Terri Schiavo. Tuy nhiên, Hạ viện đã không đồng nhất vào buổi sáng Chúa Nhật, nên phải tái họp vào 9 giờ tối cùng ngày, và sau hơn 3 tiếng đồng hồ tranh luận, tới 12:45 sáng ngày Thứ Hai 21/3/2005 mới thông qua đạo luật với số phiếu 203 thuận và 58 chống, cho phép vụ của nữ nạn nhân bị triệt sinh an tử hôm Thứ Sáu này theo án quyết của tòa địa phương được thẩm quyền pháp đình liên bang tái xét.
Tổng Thống Bush từ nông trại của mình ở Crawford Texas trở lại Tòa Bạch Ốc vào chiều Chúa Nhật để có thể ký những đạo luật cần thiết như đạo luật liên quan đến sự sống của người nữ đã bị rút ống dinh dưỡng từ chiều thứ sáu để chờ chết đói.
Ngay sau khi Hạ Viện thông qua đạo luật, Suzanne Vitadamo, chị của nữ nạn nhân đã nói: “Chúng tôi rất hy vọng là các tòa án liên bang sẽ theo ý muốn của Quốc Hội để cứu lấy mạng sống của người chị em tôi”.
Luật sư của cha mẹ nữ nạn nhân Terri Schiavo là David Gibbs đã nói trước khi đạo luật được thông qua là nữ nạn nhân Terri có thể bắt đầu lại được dinh dưỡng và thủy dưỡng sau khi tổng thống ký mấy tiếng. Gia đình nạn nhân hy vọng nộp đơn kiện ở tòa án liên bang tại Tampa vào Thứ Hai, khoảng giữa 1 đến 2 giờ sáng. Vị luật sư cho biết: “Chúng tôi đã nghe thấy rằng những vị thẩm phán sẵn sàng muốn hành sử nhanh chóng”.
Sáng Chúa Nhật, mẹ của nạn nhân đã xuất hiện trước thành phần phóng viên ký giả để xin những ai chống đối đạo luật hãy cho nó thông qua: “Hỡi các ngài, xin đừng sử dụng đạo luật này như chương trình hành động riêng tư của qúi vị. Tôi van xin các bà mẹ và các ông bố hãy kêu gọi những vị đại diện trong quốc hội của họ. Xin hãy giúp họ thông qua đạo luật này. Nó rất ư là hệ trọng”.
Còn ông bố thì nói “Chúng tôi muốn bảo vệ cả thành phần tật nguyền và già yếu nữa”. Vào tối Chúa Nhật, ông bố này cho biết “tất cả những gì chúng tôi đang cố gắng làm đó là làm sao để con gái chúng tôi được xét xử công bằng”.
Thành phần ủng hộ gia đình nạn nhân có dự định đi một chuyến xe buýt du lịch đến thủ đô Florida là Tallahassee là nơi họ sẽ vận động Thống Đốc Jeb Bush và các nhà lập pháp đến viếng thăm Terri Schiavo ở bệnh viện.
Phần người chồng của nạn nhân là Michael Schiavo, người đã khăng khăng đòi rút ống dinh dưỡng của vợ ra cho bằng được, dù cha mẹ của nạn nhân có muốn nuôi con của họ cũng là vợ của anh ta thay cho anh ta mà không đụng gì đến số tiền còn lại của bà vợ tật nguyền anh ta đang giữ, hôm Chúa Nhật đã tỏ ra giận dữ đối với hành động của Quốc Hội Hoa Kỳ: “Tôi nghĩ rằng hết mọi người Hoa Kỳ ở xứ sở này cũng uất hận là chính phủ đang dẵm đạp lên một vấn đề tư riêng gia đình đã được xét xử ở các tòa án 7 năm trời”.
Vào chiều Chúa Nhật, có lúc gia đình cha mẹ của nạn nhân đã bị ngăn cản không cho vào dưỡng viện là nơi nữ nạn nhân đang nằm chờ chết đói. Bởi vì, theo tình hình bấy giờ cho biết ông chồng đang viếng thăm vợ và không muốn cha mẹ của vợ ở trong phòng cùng một lúc với ông ta.
Ở Quốc Hội, trong khi Đảng Cộng Hòa phò sự sống thì Đảng Dân Chủ, một số đã tỏ ra chống đối với những luận điệu như Quốc Hội không có quyền can dự gì vào một vấn đề tế nhị của gia đình:
“Chúng ta là phần tử của Quốc Hội. Chúng ta không phải là y sĩ. Chúng ta không phải là những chuyên gia về y khoa. Chúng ta không phải là những nhà đạo lý sinh học” (Debbie Wasserman Schultz, Đảng Dân Chủ ở Florida); “Những tòa án ở Florida đã có chứng cớ chuyên môn của các chuyên gia thần kinh và các phẫu thuật gia thần kinh. Chứng cớ được cung cấp bởi một tiêu chuẩn từ chứng cớ rõ ràng và khả tín đó là bà Schiavo muốn rằng bà không muốn tiếp tục ở trong trạng thái thực vật miên trường” (một vị Dân Chủ khác cũng ở Florida là Robert Wexler), vị này còn nói việc chấp thuận đạo luật này sẽ “làm suy yếu trên 200 năm vấn đề khoa luật pháp học”.
Bên Cộng Hòa có ông James Sensenbrenner ở Wisconsin cho biết rằng: “các tòa án ở Florida đã mang gia đình của Terri và quốc gia này đến một giao lộ kinh rợn khi ra lệnh cho các vị chuyên gia về y khoa đã thề bảo vệ sự sống chấm dứt sự sống của bà Terri”. Một vị Cộng Hòa khác là Rick Renzi thuộc bang Arizona cũng cho biết: “Việc phân tích pháp lý gì mà cân nhắc vấn đề của bà Terri không cho phép thực hiện một CAT scan và việc thẩm định chẩn bệnh khác? Việc bỏ phiếu đêm hôm nay muốn nói lên rằng chúng tôi muốn có một cái nhìn thứ hai vào trướng hợp đặc biệt này. Chúng tôi muốn tình thương”.
Terri Schiavo: Tòa Án Liên Bang tái xét vụ triệt sinh an tử nhưng vẫn chưa có phán quyết gì
Tổng Thống Bush, vào sáng Thứ Hai 21/3/2005, đã phê chuẩn đạo luật của Quốc Hội Hoa Kỳ liên quan đến việc cứu sống người nữ nạn nhân bị triệt sinh an tử hôm Thứ Sáu vừa rồi đang nằm tại dưỡng viện chờ chết đói này. Khi ký chuẩn đạo luật này, ông Bush đã nói:
“Hôm nay, tôi ký thành luật một dự luật cho phép các tòa án liên bang xét xử việc khiếu nại của hay cho bà Terri Schiavo về việc vi phạm đến các quyền lợi của bà liên quan tới vấn đề không cho hay lấy đi đồ ăn, chất lỏng hay trị liệu y khoa cần thiết để bảo trì sự sống của bà. Trong những trường hợp tương t75 như trường hợp này, bao giờ có những vấn đề nghiêm trọng và những nghi hoặc thực sự, xã hội của chúng ta, luật pháp của chúng ta và pháp tòa của chúng ta cần phải đặt vấn đề thiên về sự sống”.
Cũng chính vì phải gấp rút mới có thể kịp cứu sống một mạng người, đúng hơn, cứu cả một nền văn hóa nhân bản cũng như cứu lấy danh dự của một quốc gia vốn cho mình là tôn trọng quyền lợi của con người, trong đó quyền tối quan trọng và nồng cốt nhất là quyền sống, Quốc Hội Hoa Kỳ đã phải làm việc phá lệ và trội giờ vào cuối tuần lễ nghỉ 19-20/3/2005 vừa qua.
Vị luật sư của bố mẹ nạn nhân là David Gibbs đã phải nộp đơn ngay đêm hôm Chúa Nhật 20 rạng sáng Thứ Hai 21/3 đến tòa án liên bang ở Tampa Florida, và cả đôi bên đã ra hầu tòa trước vị thẩm phán liên bang là James Whittemore.
Các vị luật sư thuộc Bộ Công Lý cũng nộp các văn kiện ở tòa án liên bang hôm Thứ Hai để ủng hộ những nỗ lực về pháp lý trong vấn đề cứu sống Schiavo.
Ông bố của nạn nhân cho biết ông đã đến thăm người con gái của ông hôm Thứ Hai tại dưỡng viện ở Pinellas Park: “Tôi đã hỏi cháu là cháu có muốn đi xe một chút hay chăng, và tôi nói với cháu là chúng tôi đã muốn đưa cháu đi chơi một chút, đem cháu ra ngoài, cho cháu ăn điểm tâm, và tôi đã thấy cháu nở một nụ cười tươi trên gương mặt của cháu, bởi thế lạy Chúa xin giúp con. Như thế là cháu tỏ ra rất sung sướng và chúng tôi cũng lấy làm sung sướng, chúng tôi rất cám ơn cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đã thông qua dự luật này để cứu lấy mạng sống của cháu Terri bằng giấy tờ”.
Thống Đốc Florida là Jeb Bush, an hem của tổng thống Bush, đã phổ biến một văn thư ngay sau khi Hạ Viện bỏ phiếu thông qua dự luật là: “Tôi cám ơn Quốc Hội về hành động nhanh chóng của họ giúp cho cha mẹ của Terri có thể được tòa án liên bang tái xét vụ này. Chắc chắn là một con người bất lực cũng ít ra xứng đáng được bảo vệ giống như thành phần phạm nhân bị kết án tử hình có được”.
Thẩm phán của tòa án liên bang ở Tampa Florida là James Whittemore, sau khi tái xét nội vụ vẫn chưa có phán quyết gì: “Tôi sẽ có phán quyết, thế nhưng tôi sẽ không cho quí vị biết là khi nào”.
Trong cuộc tái xét tại toàn án liên bang hôm Thứ Hai, 21/3/2005, hai bên được trình bày trong vòng 45 phút. Luật sư của cha mẹ nạn nhân là Gibbs luôn lập đi lập lại rằng xin mau mau hành động vì nạn nhân đang chết đói chết khát “khi chúng ta đang nói đây”. Vị luật sư này nói quyền được cứu xét của nạn nhân liên lỉ bị bác bỏ bởi các tòa án cấp dưới, một câu phát biểu làm vị thẩm phán đặt vấn đề và yêu cầu ông trưng dẫn trường hợp thì vị luật sư thú nhận là không thể nghĩ được trường hợp nào cả.
Còn vị luật sư của ông chồng lập luận rằng chồng của nạn nhân mới là giám hộ theo pháp lý của nạn nhân, chứ không phải cha mẹ của nạn nhân, bởi thế, cha mẹ của nạn nhân không có quyền đại diện thưa kiện. Vị luật sư này còn cho biết thêm là nạn nhân đã nói với người bạn thân của cô, với người em trai của chồng và với ông cậu/chú rằng cô ta không bao giờ muốn sinh tồn theo kiểu thê thảm này. Ở ngoài tòa án, vị luật sư này nói với các phóng viên báo chí rằng nạn nhân trước đây đã lâu nói rõ những ước muốn của mình rằng ‘tôi không muốn được tồn sinh một cách nhân tạo’ – ‘không có vấn đề ống dinh dưỡng đối với tôi. Tôi muốn ra đi khi giờ của tôi đến. Xin hãy lấy đi các thứ ống và mọi sự đi’”.
Vị luật sư của bố mẹ nạn nhân tìn rằng ông thẩm phán sẽ có quyết định nhanh chóng: “Chúng tôi đã cố gắng nhấn mạnh đến tình trạng khẩn trương cần phải làm việc mau chóng. Tôi chắc chắn là tòa án này đã quá biết rằng Terri không còn nhiều ngày nữa trước khi chết bởi thiếu dinh dưỡng hay thủy dưỡng”.
Sau đây là lược trình diễn tiến vụ án của nữ nạn nhân triệt sinh an tử Terri Schiavo:
1990: vào ngày 25/2, Terri Schiavo, bấy giờ 26 tuổi, bị ngất xỉu tại nhà của mình gây ra bởi điều được các bác sĩ cho là tình trạng mất quân bằng chất potassium trong thân thể. Dưỡng khí cho não bộ bị tắc nghẽn 5 phút đồng hồ, làm cho não bộ vĩnh viễn bị hư hại. Tòa phán quyết là cô bị bất lực nên chồng của cô được chỉ định làm giám hộ viên cho cô theo pháp lý.
1992: Bồi thẩm đoàn ở Hạt Pinellas, Florida, đã quyết định ban cho vụ của cô 1 triệu Mỹ kim vì vấn đề mạo trị bệnh tình của cô: trong đó, 7 trăm ngàn được đặt trong quĩ ký thác hầu lo cho việc chăm sóc cho cô, còn 3 trăm ngàn giành riêng cho chôàg của cô.
1993: Vào Tháng 2, cha mẹ của cô là ông bà Schindler Bob và Mary tranh cãi với chống cô là Michael Schiavo và bắt đầu sắp xếp việc viếng thăm cô vào những ngày khác nhau. Gia đình cha mẹ cô sau đó đã cố gắng nhưng thất bại trong việc loại trừ việc làm giám hộ pháp lý cho người con gái ông bà.
1998: Chồng của cô nộp đơn xin tòa loại bỏ ống dinh dưỡng của vợ mình đi.
2000: Vào tháng 2, Thẩm Phán George W. Greer đã truyền lấy đi ống dinh dưỡng của cô.
2001: Ống dinh dưỡng của cô bị lấy đi vào ngày 24/4, nhưng đã được gắn lại sau đó 2 ngày theo lệnh của Thẩm Phán Frank Quesada thuộc Circuit Court.
2002: Trong 1 tuần lễ liên quan đến các vấn đề khiếu nại và tòa phân giải, 3 vị bác sĩ, trong đó có hai do chồng của cô chọn và 1 do tòa chọn, chứng nhận là cô ở trong trạng thái thực vật miên trường (persistent vegetative state), không có hy vọng phục hồi. Hai vị bác sĩ do cha mẹ của cô chọn nói rằng cô có thể phục hồi. Vào Tháng 11 cùng năm, thẩm phán Greer phán quyết là ống dinh dưỡng có thể lấy đi vào tháng 1/2003, những lệnh này bị trì hoãn vào tháng 12 vì một khiếu nại khác chưa giải quyết xong.
2003: Theo lệnh của thẩm phán Greer, sau khi lệnh trước đây của ông được chấp thuận, cô đã bị cất đi ống dinh dưỡng lần thứ hai vào ngày 15/10. Thế nhưng, 6 ngày sau, Ngành Lập Pháp của tiểu bang này đã thông qua “Đạo Luật về Terri”, cho phép Thống Đốc Jeb Bush ngăn chặn lệnh của vị thẩm phán này và truyền phải tái gắn lại ống dinh dưỡng cho cô. Vị Thống Đốc ấy đã ban hành việc ngăn chặn này sau đó 2 tiếng đồng hồ.
2004: Tối Cao Pháp Viện Florida đã tuyên bố là “Đạo Luật về Terri” là vi hiến. Thống Đốc Bush đã khiếu nại lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
2005: Ngày 24/1, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bác bỏ việc khiếu nại của Thống Đốc Bush về phán quyết của tòa án Florida. Bởi thế, vị thẩm phán của tòa án Florida là Greer đã ấn định ngày 18/3 là ngày lấy ống dinh dưỡng của cô đi. Ngày 18/3, Ủy ban Hạ Viện Hoa Kỳ ban hành một trát hầu tòa đòi chồng của cô cùng với những người khác phải ra điều trần, nhưng vị thẩm phán xử vụ này là ông Greer đã ngăn chặn trát đòi hầu tòa ấy. Cô đã bị lấy đi ống dinh dưỡng vào lúc 1 giờ 45 chiều ngày được tòa ấn định. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bác bỏ việc cấp thời khiếu nại của Hạ Viện yêu cầu các vị Thẩm Phán của Tối Cao Pháp Viện can thiệp. Ngày 20/3, Quốc Hội, cả Thượng viện lẫn Hạ viện, đã thông qua dự luật cho phép cha mẹ của cô được đưa nội vụ ra các tòa án liên bang tái xét. Ngày 21/3, Tổng Thống Bush đã ký chuẩn dự luật này thành đạo luật áp dụng cho riêng trường hợp của cô.