GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa”.
__________________
NGÀY 24 THỨ NĂM TUẦN THÁNH TRONG NĂM THÁNH THỂ |
"Tôi muốn chia sẻ với anh em một số khía cạnh về linh đạo linh mục của chúng ta"
Thư của ĐTC GPII gửi
CÁC LINH MỤC
Cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2005
Các Linh Mục thân mến!
1. Trong Năm Thánh Thể này, tôi đặc biệt tiếp nhận cuộc hội ngộ thiêng liêng hằng năm của chúng ta vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tình yêu Chúa Kitô bộc lộ “cho tới cùng” (Jn 13:1), ngày Thánh Thể, ngày thiên chức linh mục của chúng ta.
Hỡi các linh mục thân mến, tôi nghĩ đến an hem, khi tôi đang phục hồi trong bệnh viện, một bệnh nhân bên cạnh các bệnh nhân khác, liên kết với Thánh Thể những khổ đau của tôi với các khổ đau của Chúa Kitô. Theo tinh thần này, tôi muốn chia sẻ với anh em một số khía cạnh về linh đạo linh mục của chúng ta.
Tôi lấy cảm hứng từ những lời thánh hiến Thánh Thể, những lời chúng ta hằng ngày đọc với tư cách Chúa Kitô để làm hiện thực trên bàn thờ của chúng ta hy tế được hiến dâng một lẫn vĩnh viễn trên đồi Canvê. Những lời này cống hiến cho linh đạo linh mục của chúng ta những minh thức rạng ngời, đó là, nếu toàn thể Giáo Hội kín múc sự sống từ Thánh Thể thì đời sống của linh mục lại càng phải được “khuôn đúc” bởi Thánh Thể. Bởi thế mà đối với chúng ta, những lời thiết lập Thánh Thể này còn hơn là một công thức thánh hiến nữa: chúng phải là “một công thức sống”.
Một sự sống hết lòng “tri ân cảm tạ”
2. “Tibi gratias agens benedixit”. Nơi mỗi một Thánh Lễ chúng ta đều nhớ đến và sống lại cảm thức đầu tiên được Chúa Giêsu thể hiện khi Người bẻ bánh, đó là cảm tình tạ ơn. Tri ân cảm tạ là những gì ở ngay cốt lõi của chính từ ngữ “Thánh Thể”. Lời bày tỏ niềm tạ ơn này chất chứa toàn thể linh đạo ngợi khen chúc tụng của Thánh Kinh về những kỳ công của Thiên Chúa mirabilia Dei. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài đi trước chúng ta nơi Việc Quan Phòng của Ngài, Ngài nâng đỡ chúng ta bằng những tác động cứu độ liên tục của Ngài.
Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu tạ ơn Cha với chúng ta và cho chúng ta. Làm sao lại có thể xẩy ra được là việc tạ ơn này của Chúa Giêsu không khuôn đúc đời sống của một vị linh mục chứ? Họ biết rằng họ cần phải vun trồng một cảm thức liên lỉ tri ân cảm tạ về nhiều tặng ân họ đã nhận lãnh trong cuộc sống của mình: đặc biệt là tặng ân đức tin, tặng ân mà họ có nhiệm vụ phải loan báo, và tặng ân linh mục, một tặng ân hoàn toàn thánh hiến họ cho việc phục vụ Vương quốc của Thiên Chúa. Chúng ta có những thập giá riêng để mang vác, - chắc chắn chúng ta không phải là những người duy nhất vác thập giá! - thế nhưng các tặng ân chúng ta đã lãnh nhận cao cả đến nỗi chúng ta không thể không xướng lên tận đáy lòng mình Ca Vịnh Ngợi Khen của chúng ta.
Một sự sống được “ban tặng”
3. "Accipite et manducate. Accipite et bibite". Việc tự hiến của Chúa Kitô, một việc tự hiến được bắt đầu từ sự sống Ba Ngôi của Thiên Chúa là tình yêu, tiến đến tuyệt đỉnh của mình nơi hy tế thập giá, một hy tế thập giá đã được tiên báo một cách bí tích trong Bữa Tiệc Ly. Không thể nào lập lại những lời thánh hiến mà lại không cảm thấy mình bị thu hút vào tác động linh thiêng ấy. Ở một nghĩa nào đó, khi đọc lời “các con hãy nhận lấy mà ăn”, vị linh mục cần phải biết áp dụng những lời ấy vào chính bản thân mình nữa, và nói những lời ấy một cách chân thực và quảng đại. Nếu họ có thể tự hiến bản thân mình như là một tặng vật, trao tặng bản thân cho việc sử dụng của cộng đồng và phục vụ bất cứ ai cần đến mình, thì cuộc sống của họ có một ý nghĩa đích thực.
Đó chính là những gì Chúa Giêsu mong đợi nơi thành phần tông đồ của Người, như Thánh Ký Gioan đã nhấn mạnh trong trình thuật về việc rửa chân. Đó cũng là những gì Dân Chúa trông đợi nơi một vị linh mục. Nếu chúng ta nghĩ về điều ấy một cách trọn vẹn hơn nữa, thì lời hứa tuân phục của linh mục, lời hứa họ thực hiện vào ngày Truyền Chức và cần được lập lại vào Lễ Truyền Dầu, là điều được sáng tỏ nơi mối liên hệ với Thánh Thể này. Vâng lời vì yêu mến, hy sinh ngay cả một thứ tự do hợp lý nào đó khi ý thức được thẩm quyền của vị Giám Mục đòi hỏi như thế, là vị linh mục sống trọn nơi xác thịt của mình điều “các con hãy nhận lấy mà ăn”, những lời cho thấy Chúa Kitô, trong Bữa Tiệc Ly, đã hiến mình cho Giáo Hội.
Một sự sống được “cứu độ” để cứu độ
4. "Hoc est enim corpus meum quod pro vobis tradetur.” Mình và máu của Chúa Kitô được ban tặng cho phần rỗi của con người, của toàn diện con người cũng như của toàn thể loài người. Ơn cứu độ này là một ơn cứu độ nguyên nhất và đồng thời cũng là một ơn cứu độ phổ quát, vì không có ai, trừ phi họ tự ý muốn, bị loại trừ khỏi quyền lực cứu độ của máu Chúa Kitô: "qui pro vobis et pro multis effundetur". Đó là một hy tế được hiến dâng cho “nhiều người”, như văn bản Thánh Kinh đã viết (Mk 14:24; Mt 26:28; cf. Is 53:11-12), theo lỗi diễn tả của hỗn dân Do Thái và Ả Rập, ám chỉ một số đông được Chúa Kitô cứu độ, Vị Cứu Chuộc duy nhất, đồng thời cũng bao gồm toàn thể nhân loại là thành phần ơn cứu độ được cống hiến cho: máu của Chúa Kitô được “đổ ra cho an hem và cho tất cả mọi người”, như một số bản dịch đã nói rõ một cách hợp tình hợp lý như thế. Xác thịt của Chúa Kitô thực sự được ban tặng “cho sự sống của thế gian” (Jn 6:52; x. 1Jn 2:2).
Khi lập lại những lời khả kính của Chúa Kitô trước sự thinh lặng suy tư của cộng đồng phụng vụ, linh mục chúng ta trở nên thành phần diễm phúc rao giảng mầu nhiệm cứu độ này. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cảm thức được rằng chính chúng ta được cứu độ, thì làm sao chúng ta có thể trở nên thành phần rao giảng thu phục lòng người được? Chúng ta là thành phần đầu tiên nội tâm được ân sủng chạm tới, một ân sủng nâng bản chất yếu hèn của chúng ta lên làm cho chúng ta thân thưa rằng “Lạy Cha, Abba” bằng tấm lòng tin tưởng cậy trông của thành phần làm con cái Thiên Chúa (x Gal 4:6; Rm 8:15). Điều này sẽ làm cho chúng ta tiến bước trên đường nên trọn lành. Thánh Thiện thật sự là tình trạng thể hiện trọn vẹn ơn cứu độ. Chỉ khi nào đời sống của chúng ta cho thấy sự thật là chúng ta được cứu độ chúng ta mới trở nên thành phần khả tín rao giảng ơn cứu độ mà thôi. Ngoài ra, việc liên lỉ nhận thức ý của Chúa Kitô muốn cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người không thể nào lại không tác động nơi chúng ta một nhiệt tình truyền giáo mới, một nhiệt tình thúc đẩy mỗi một người trong chúng ta trở nên “mọi sự cho mọi người, để cứu độ ít là một số nào đó trong họ” (1Cor 9:22).
Một sự sống “tưởng nhớ”
5. "Hoc facite in meam commemorationem." Những lời này của Chúa Giêsu đã được giành riêng cho chúng ta chẳng những từ Thánh Luca (22:19) mà còn từ cả Thánh Phaolô nữa (1Cor 11:24). Chúng ta cần phải nhớ rằng những lời ấy được vang lên trong khung cảnh của bữa Vượt Qua, một bữa đối với người Do Thái thực sự là một “việc tưởng niệm” (theo tiếng Do Thái là zikkarôn). Trong dịp này, những người Do Thái sống lại Cuộc Xuất Hành đầu tiên và trên hết, nhưng cũng bao gồm cả các biến cố lịch sử quan trọng khác của họ nữa, như biến cố Abraham được kêu gọi, biến cố sát tế Isaac, biến cố Giao Ước ở Núi Sinai, cùng nhiều tác động khác của Thiên Chúa trong việc Ngài bệnh vực dân của Ngài. Cả với Kitô hữu nữa, Thánh Thể là “một tưởng niệm”, thế nhưng là một loại tưởng niệm chuyên nhất đặc thù, ở chỗ chẳng những tưởng niệm mà còn làm hiện thực một cách bí tích cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu phán: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thày”. Thánh Thể không phải chỉ là việc tưởng nhớ đến một sự kiện; mà là tưởng nhớ đến Người! Qua việc hằng ngày thay cho Chúa Kitô lập lại những lời “tưởng nhớ” ấy, vị linh mục được mời gọi để phát triển “một thứ linh đạo tưởng nhớ”. Ở vào một thời điểm mà các đổi thay nhanh chóng về xã hội và văn hóa đang làm suy kém cảm thức về truyền thống và đưa riêng thế hệ trẻ tới nguy cơ mất đi mối liên hệ với gốc gác của chúng, vị linh mục được kêu gọi để trở thành, trong cộng đồng được ủy thác cho ngài, con người trung thành tưởng nhớ tất cả mầu nhiệm Chúa Kitô, một mầu nhiệm được tiền thân nơi Cựu Ước, nên trọn nơi Tân Ước, và được hiểu biết một cách sâu xa mỗi ngày một hơn ơn soi động của Vị Thần Linh là Đấng đã được Chúa Giêsu tỏ tường hứa hẹn: “Ngài sẽ dạy cho các con tất cả mọi sự và làm cho các con nhớ tất cả những gì Thày đã nói với các con” (Jn 14:26).
Một sự sống “thánh hiến”
6. "Mysterium fidei!" Mỗi lần công bố những lời này sau khi truyền phép bánh và rượu, vị linh mục bày tỏ nỗi ngỡ ngàng luôn hiện hữu trước phép lạ phi thường xẩy ra trên tay của mình. Đó là một phép lạ chỉ có con mắt đức tin mới thấy được. Những yếu tố tự nhiên không mất đi những tính chất ngoại diện của chúng, vì “những hình tượng” vẫn là hình bánh và hình rượu; thế nhưng, “bản thể” của chúng, bởi quyền lực lời Chúa Kitô cũng như bởi tác động của Chúa Thánh Thần, được biến đổi thành bản thể mình và máu Chúa Kitô. Bấy giờ, trên bàn thờ, Chúa Kitô tử giá và phục sinh hiện diện “một cách đích thực, có thật và theo bản thể” với tất cả nhân tính và thần tính của Người. Ôi một thực tại linh thánh siêu vời biết bao! Đó là lý do tại sao Giáo Hội đã tỏ ra hết sức tôn kính mầu nhiệm này, và chú trọng tới việc tuân giữ các qui tắc phụng vụ được ấn định để bảo toàn tính cách linh thánh của một bí tích cao cả như thế.
Linh mục chúng ta là thành phần cử hành, đồng thời cũng là thành phần giám hộ của mầu nhiệm tuyệt linh thánh này. Chính vì chúng ta có liên hệ với Thánh Thể như thế mà những thách đố rõ ràng cả thể nhất đối với chúng ta đó là việc chúng ta cần phải sống một đời sống “linh thánh”. Điều này cần phải được sáng tỏ từ tất cả cách thức hiện hữu của chúng ta, nhất là từ cách thức chúng ta cử hành. Chúng ta hãy học nơi các vị thánh! Năm Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy tái khám phá ra những vị thánh đã từng hăng say quảng bá lòng tôn sùng Thánh Thể (cf. Mane Nobiscum Domine, 31). Nhiều vị linh mục đã được phong chân phước và hiển thánh đã cống hiến những chứng từ rạng ngời về vấn đề này, khuêu lên lòng sốt sắng nơi thành phần tín hữu khi các vị cử hành Thánh Lễ. Nhiều vị đã có tiếng là thực hiện việc tôn thờ Thánh Thể lâu giờ. Đặt mình trước Chúa Giêsu trong Thánh Thể, lợi dụng “những giây phút thầm lặng” của chúng ta và làm cho những giây phút ấy được tràn đầy bởi sự Hiện Diện này, là làm bừng lên việc thánh hiến của chúng ta bằng mối liên hệ tư riêng với Chúa Kitô là Đấng đời sống chúng ta có được niềm vui và ý nghĩa của nó từ nơi Người.
Một sự sống tập trung vào Chúa Kitô
7. “Mortem tuam annuntiamus, Domine, et tuam resurrectionem confitemur, donec venias.'' Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể, việc tưởng niệm Chúa Kitô nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người dẫn chúng ta tới chỗ ước mong được trọn vẹn và vĩnh viễn hội ngộ với Người. Chúng ta sống trong niềm ước mong Người đến! Nơi linh đạo linh mục, niềm ước mong này cần phải sống bằng đức ái mục vụ, một đức ái thôi thúc chúng ta sống giữa Dân Chúa, để hướng dẫn đường đi nước bước của họ cũng như để dưỡng nuôi niềm hy vọng cho họ. Công việc này đòi vị linh mục có một thái độ nội tâm giống như thái độ của Thánh Phaolô “Bỏ quên những gì ở phía sau mà hướng tới những gì trước mặt, tôi tiến bước về đích điểm” (Phil 3:13-14). Vị linh mục là con người, bất chấp năm tháng qua đi, tiếp tục chiếu rạng tính chất trẻ trung, tỏa nó ra “một cách lây lan” nơi những ai họ gặp trong cuộc hành trình. Bí mật của các vị là ở chỗ họ “say mê” Chúa Kitô. Như Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Phil 1:21).
Đặc biệt theo chiều hướng tân truyền bá phúc âm hóa, con người ta có quyền hướng về các vị linh mục với niềm hy vọng “thấy” được Chúa Kitô nơi các vị (x Jn 12:21). Giới trẻ cảm thấy nhu cầu cần đến điều này cách riêng; Chúa Kitô tiếp tục kêu gọi chúng, làm cho chúng trở thành bạn hữu của Người và thách đố một số trong họ hoàn toàn hiến mình vì Nước Trời. Chắc chắn sẽ không thiếu ơn gọi nếu cách thức sống của chúng ta thực sự có tính cách linh mục, nếu chúng ta trở nên thánh thiện hơn, hân hoan hơn, thiết tha hơn với việc thi hành thừa tác vụ của chúng ta. Một linh mục được Chúa Kitô “chiếm đoạt” (x Phil 3:12) là vị linh mục dễ dàng “chinh phục” được người khác, nhờ đó, cả những người ấy cũng bắt đầu tiến bước cùng một cuộc phiêu lưu với các vị.
Một sự sống “Thánh Thể” nơi học đường Mẹ Maria
8. Mối liên hệ giữa Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Thể là một mối liên hệ rất chặt chẽ, như tôi đã vạch ra trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể “Ecclesia De Eucharistia” (x các khoản số 53-58). Nơi ngôn từ về phụng vụ dịu dàng của mình, mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể đều nói lên điều ấy. Vậy ở Lễ Nghi Rôma chúng ta đọc là: “Hiệp nhất với toàn thể Giáo Hội, chúng con tôn kính Đức Maria là Người Mẹ trinh nguyên của Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa của chúng con”. Ở những Kinh Nguyện Thánh Thể khác, việc tôn kính dẫn tới việc nguyện cầu, như trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, “Xin hãy làm cho chúng con xứng đáng chia sẻ sự sống đời đời với Đức Maria là Người Mẹ đồng trinh của Thiên Chúa’.
Trong những năm gần đây, tôi đã tha thiết kêu gọi việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô, nhất là trong Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ Novo Millennio Ineunte (x các khoản số 23 và sau đó), cũng như trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae (x các khoản số 9 và sau đó), và tôi đã chỉ cho thấy Mẹ Maria là vị đại sư của chúng ta. Trong Thông Điệp về Thánh Thể tôi đã nói về Mẹ như là “Người Nữ Thánh Thể” (x khoản số 53). Còn ai hơn Mẹ Maria có thể giúp chúng ta nếm hưởng được cái cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể chứ? Hơn ai hết, Mẹ có thể dạy chúng ta cách cử hành những mầu nhiệm linh thánh một cách sốt sắng và hiệp thông với Con Mẹ là Đấng ẩn thân nơi Thánh Thể. Bởi thế mà tôi nguyện xin cùng Mẹ cho tất cả an hem, và tôi ký thác cho Mẹ đặc biệt là những linh mục già yếu, bệnh tật và những vị đang gặp khốn khó. Lễ Phục Sinh này, trong Năm Thánh Thể đây, tôi hân hoan lập lại cùng mỗi một người trong anh em những lời êm ái ủi an của Chúa Giêsu: “Đây là Mẹ của con” (Jn 19:27).
Với những niềm cảm mến này tôi gửi đến anh em phép lành thánh ái của tôi, và tôi chúc anh em tràn đầy niềm vui Phục Sinh.
Tại Bệnh Viện Gemelli Rôma ngày 13/3, Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay trong năm 2005, năm thứ 27 của Giáo Triều tôi.
Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ mạng điện tốn tồn cầu của Tịa Thánh
Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể và Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’Thánh Thể là Sự Sống Hiệp Thông nơi việc Cử Hành Thánh Lễ
Trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín Thánh Thể là một Sự Sống Hiệp Thông qua việc Kitô hữu Hiệp Lễ cũng như bằng Tặng Ân Thánh Thần Người ban cho những ai lãnh nhận Mình Máu Thánh của Người, ở khoản số 16 và 17 thứ tự sau đây:
• “Hiệu năng cứu độ của hiến tế này được hoàn toàn hiện thực khi lãnh nhận mình máu Chúa lúc hiệp lễ. Hiến Tế Thánh Thể tự bản chất nhắm đến việc hiệp nhất nội tâm của tín hữu với Chúa Kitô qua việc hiệp lễ; chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta lãnh nhận thân thể Người đã trao nộp cho chúng ta trên Thập Giá cũng như lãnh nhận máu Người ‘đã đổ ra cho nhiều người được tha tội’ (Mt 26:28). Chúng ta được lời Người nhắc nhớ rằng: ‘Như Cha hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống bởi Cha thế nào, thì ai ăn Tôi cũng sẽ sống bởi Tôi như vậy’ (Jn 6:57). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng việc hiệp nhất này, một thứ hiệp nhất được Người so sánh với việc hiệp nhất sự sống Ba Ngôi, được thực sự thể hiện. Thánh Thể thực sự là một bữa tiệc Chúa Kitô đã tự hiến mình làm của dưỡng nuôi chúng ta. Vào lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về thứ dưỡng nuôi này, thành phần nghe Người bấy giờ lấy làm lạ lùng và bối rối khiến Vị Thày này bắt buộc phải nhấn mạnh đến chân lý khách quan của những lời Người nói: ‘Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho quí vị hay, trừ phi quí vị ăn thịt Con Người và uống máu của Người, bằng không quí vị sẽ không có sự sống nơi bản thân quí vị’ (Jn 6:53). Đây không phải là thứ lương thực bóng bẩy mỹ từ, bởi vì ‘Thịỉt Tôi thực sự là của ăn và máu Tôi thực sự là của uống’ (Jn 6:55)”.• “Qua việc chúng ta được hiệp thông với mình máu của Người, Chúa Kitô cũng ban cho chúng ta Thần Linh của Người nữa. Thánh Ephrem viết: ‘Người đã gọi thứ bánh này là thân mình của Người và Người đã làm cho bánh ấy tràn đầy Người cùng với Thần Linh của Người… Ai lấy đức tin mà ăn bánh ấy là ăn Lửa và Thần Linh… Hãy nhận lấy mà ăn, tất cả anh chị em, và hãy ăn Thánh Linh nơi bánh này. Vì đó thật là mình của Tôi nên ai ăn bánh ấy sẽ được sự sống đời đời’ (Sermo IV in Hebdomadam Sanctam: CSCO 413/Syr. 182, 55). … Trong Sách Lễ Rôma, vị chủ tế nguyện rằng: ‘Xin ban cho chúng con là những kẻ được nuôi dưỡng bởi mình máu Người được tràn đầy Thánh Thần của Người, và được trở nên một thân thể, một tinh thần duy nhất trong Chúa Kitô’ (Eucharistic Prayer III). Như thế, nhờ tặng ân Mình Máu của Người, Chúa Kitô làm tăng lên trong chúng ta tặng ân Thần Linh Người đã được tuôn đổ xuống trên chúng ta qua Phép Rửa cũng như đã được ban xuống cho chúng ta như ‘dấu ấn’ qua bí tích Thêm Sức”.
Phụng Vụ Thánh Thể, sau Phụng Vụ Lời Chúa, trong mỗi Thánh Lễ được chia ra làm ba phần, phần dâng lễ, phần hiến lễ và phần hiệp lễ. Nếu phần Hiến Lễ là phần của Mầu Nhiệm Thánh Thể liên quan đến Hy Tế Thập Giá được Giáo Hội, qua vị chủ tế, hiến dâng lên Chúa Cha, thì phần Hiệp Lễ là phần của Mầu Nhiệm Thánh Thể liên quan đến Sự Sống Hiệp Thông, được Giáo Hội, qua vị chủ tế, cũng như qua các thừa tác viên Thánh Thể hay thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ, ban phát cho những tín hữu xứng đáng và tin tưởng lãnh nhận Hy Tế Thập Giá, lãnh nhận Chiên Thiên Chúa.
Đúng thế, Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể không phải chỉ để làm cơ sở cho Người có thể Hiện Diện Thực Sự, hay để hiện thực hóa Hy Tế Thập Giá của Người vậy thôi, mà còn để trở thành Sự Sống Hiệp Thông cho chung Giáo Hội cũng như cho riêng các phần thể của mình mầu nhiệm của Người nữa. Đó là lý do, ngay mấy chữ đầu của lời truyền phép, lời Người phán để thiết lập bí tích Thánh Thể, Người đã kêu gọi các tông đồ nói riêng và Giáo Hội nói chung là “các con hãy cầm lấy mà ăn” và “các con hãy nhận lấy mà uống”.
Dĩ nhiên, về phương diện phụng vụ, phần Thánh Lễ quan trọng nhất là phần Hiến Lễ, qua tác động chủ tế hiến dâng Thánh Thể lên Chúa Cha ngay sau khi chủ tế truyền phép Thánh Thể. Thế nhưng, nếu Hy Tế Thập Giá đã vĩnh viễn hiệu thành (x Heb 7:27, 9:12) thì việc hiện thực và tái diễn hy tế này trên bàn thờ không phải chỉ là việc để làm cho hy tế ấy nên trọn, mà là việc làm cho hy tế ấy trở thành viên mãn hơn, đúng như ý định Chúa Giêsu muốn, đó là việc Người là Vị “Chủ Chiên nhân lành thí mạng sống vì chiên cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10).
Như thế, phần Hiệp Lễ cũng là phần rất quan trọng và cần thiết đối với cả Chúa Giêsu Thánh Thể lẫn thành phần môn đệ của Người. Đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, Hiệp Lễ là phần rất quan trọng và cần thiết, bởi vì Người muốn thông ban “Sự Sống viên mãn” phát xuất từ Hy Tế Thập Giá của Người cho thành phần đã tin nhận Người qua Phép Rửa và đã nhận được “sự sống” từ Người, một sự sống cần phải được bảo trì và tăng trưởng cho tới khi đạt đến tầm vóc viên mãn của mình trong Chúa Kitô (x Eph 4:13,15). Đối với Kitô hữu, Hiệp Lễ là phần rất quan trọng và cần thiết, bởi vì, có tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã tự hiến để Giáo Hội được thánh hóa trong chân lý (x Jn 17:19), con người và hoạt động của họ mới có thể được biến đổi một cách mầu nhiệm, như rượu bánh trên bàn thờ “là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người” (lời dâng lễ vật) được biến thể Mình Thánh và Máu Thánh của Người.
Vì được đón nhận Chúa Giêsu Hiện Diện Thực Sự trong Mình Thánh và Máu Thánh cực linh của Người mà, theo Chương 4 của Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”, thành phần thừa tác viên trao ban Thánh Thể cũng như thành phần lãnh nhận Thánh Thể cần phải để ý đến những điều kiện và tác động xứng đáng sau đây:
• “Theo thông lệ của Giáo Hội thì mỗi người cần phải xét mình kỹ lưỡng và ai ý thức được trọng tội của mình thì không được cử hành hay lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô trước khi lãnh nhận bí tích giải tội, trừ khi có lý do quan trọng như trường hợp không có cha giải tội; trong trường hợp ấy họ phải nhớ rằng họ buộc phải ăn năn tội cách trọn, và phải có ý hướng đi xưng tội sớm bao nhiêu có thể”. (khoản số 81)
• “Các vị thừa tác viên Công Giáo chỉ được ban các Phép Bí Tích cho tín hữu Công Giáo mà thôi, thành phần cũng chỉ được phép lãnh nhận các phép bí tích này từ các vị thừa tác viên Công Giáo, trừ những trường hợp được đề cập đến ở khoản Giáo Luật 844.2-4 và 861.2 (Cf. Code of Canon Law, n. 844.1; Pope John Paul II, Encyclical Letter Ecclesia de Eucharistia, nn. 45-46: AAS 95 [2003] pp. 463-464; cf. also Pontifical Council for the Promotion of Christian Unity, Directory for the application of the principles and norms on ecumenism, La recherche de l’unité, nn. 130-131: AAS 85 [1993] 1039-1119, here p. 1089). Ngoài ra, không được tách biệt những điều kiện bao hàm khoản Giáo Luật 844.4, những điều kiện không thể miễn trừ (Cf. Pope John Paul II, Encyclical Letter Ecclesia de Eucharistia, n. 46: AAS 95 [2003] pp. 463-464); bởi thế mà cần phải hội đủ tất cả mọi điều kiện này”. (khoản số 85)
• “’Để cho dấu hiệu Hiệp Lễ được nổi bật tỏ tường hơn nữa như là một việc tham dự vào Hiến Tế đang được cử hành’ (Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 85), tín hữu tốt nhất lãnh nhận bánh thánh được truyền phép ngay trong cùng Thánh Lễ được cử hành (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on the Sacred Liturgy, Sacrosanctum Concilium, n. 55; S. Congregation of Rites, Instruction, Eucharisticum mysterium, n. 31: AAS 59 [1967] p. 558; Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 85, 157, 243)”. (khoản số 89)
• “’Tín hữu phải quì hay đứng khi Rước Lễ, tùy theo Hội Đồng Giám Mục ấn định’, những ấn định như được Tòa Thánh chuẩn nhận. ‘Tuy nhiên, nếu đứng mà Rước Lễ thì cần phải tỏ ra cung kính trước khi lãnh nhận Bí Tích này, theo các qui tắc tương tự qui định’ (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 160)”. (khoản số 90)
• “Mặc dù mỗi người tín hữu bao giờ cũng có quyền lãnh nhận Thánh Thể bằng lưỡi tùy ý (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 161), song nếu có người nào muốn lãnh nhận Bí Tích này bằng tay, ở những miền Hội Đồng Giám Mục được phép Tòa Thánh cho thực hiện cử chỉ ấy, thì họ có thể lãnh nhận bánh thánh như thế. Tuy nhiên, phải cẩn thận bảo đảm là bánh thánh được người lãnh nhận rước chịu trước mặt vị thừa tác viên, không để một ai cầm hình bánh mà đi. Nếu thấy có nguy cơ bị tục hóa thì không được cho tín hữu Rước Lễ bằng tay (Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments, Dubium: Notitiae 35 [1999] pp. 160-161)”. (khoản số 92)
• “Cần phải bảo trì vấn đề cầm đĩa hứng khi cho tín hữu Rước Lễ hầu tránh tình trạng bánh thánh hay vụn bánh thánh có thể bị rơi xuống (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 118)”. (khoản số 93)
• “Không được phép cho tín hữu ‘tự mình… cầm…, tệ hơn nữa, trao… cho nhau’ bánh thánh hay chén thánh (Ibidem, n. 160). Ngoài ra, về vấn đề này, cần phải loại trừ việc lạm dụng cho nhau Rước Lễ giữa đôi tân hôn trong Lễ Hôn Phối”. (khoản số 94).• “Một tín hữu giáo dân ‘đã lãnh nhận Thánh Thể Cực Linh cũng được phép chịu một lần nữa cùng ngày khi tham dự Cử Hành Thánh Thể, như được qui định ở khoản Giáo Luật 921.2’ (Cf. Code of Canon Law, can. 917; Pontifical Commission for the Authentic Interpretation of the Code of Canon Law, Response to Dubium, 11 July 1984: AAS 76 (1984) p. 746)”. (khoản số 95)
• “Không thể chấp nhận được việc phân phát những tấm bánh không được truyền phép hoặc các thứ ăn được cũng như không ăn được trong khi cử hành Thánh Lễ hay trước đó theo cách thức Hiệp Lễ, trái với những qui định của các sách phụng vụ. Việc làm này không thích hợp với truyền thống của Lễ Nghi Rôma và gây ra lộn xộn nơi thành phần tín hữu Chúa Kitô liên quan tới tín điều về Thánh Thể của Giáo Hội. Ở một số nơi nào được phép thực hiện việc ban phép lành cho bánh sau Thánh Lễ để phân phát thì ở đó cần phải cẩn thận hướng dẫn giáo lý đàng hoàng về việc làm ấy. Thật vậy, không được tạo ra những việc làm tương tự khác giống như vậy hay không được sử dụng những bánh bất thánh hiến vào mục đích này”. (khoản số 96)
• “Để thể hiện trước tín hữu một cách rõ ràng hơn nữa dấu hiệu trọn vẹn về việc tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, thì kể cả các phần tử giáo dân thuộc thành phần tín hữu của Chúa Kitô cũng được Rước Lễ dưới hai hình, ở những trường hợp được qui định trong các sách phụng vụ, một việc rước lễ hai hình được dẫn tiến và tiếp tục hỗ trợ bằng việc dạy giáo lý xứng hợp liên quan tới những nguyên tắc tín lý về vấn đề này là những gì được Công Đồng Chung Triđentinô phác định (Cf. Ecumenical Council of Trent, Session XXI, 16 July 1562, Decree on Eucharistic Communion, Chapters 1-3: DS 1725-1729; Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on the Sacred Liturgy, Sacrosanctum Concilium, n. 55; Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 282-283)”. (khoản số 100)
• “Người rước lễ không được phép tự mình nhúng bánh thánh vào rượu thánh, hay không được rước bằng tay bánh thánh được nhúng rượu thánh. Bánh thánh được dùng để nhúng vào rượu thánh cần phải được làm bằng chất thể cứng chắc cũng như phải được truyền phép; triệt để cấm sử dụng bánh bất thánh hiến hay các chất thể khác”. (khoản số 104)
• “Căn cứ vào những gì được qui định bởi giáo luật, ‘ai ném bỏ những hình Thánh Thể hay lấy đi hoặc giữ để phạm thánh thì vạ tuyệt thông tiền kết latae sententiae chỉ có Tòa Thánh mới giải được; ngoài ra, nếu là một giáo sĩ thì chịu hình phạt khác nữa, kể cả việc bị loại khỏi hàng ngũ giáo sĩ’ (Cf. Code of Canon Law, can. 1367). Bất cứ hành động nào tự ý và trầm trọng bất kính phạm đến các hình Thánh Thể đều được coi là thuộc về trường hợp này. Bởi thế, bất cứ ai tác hành ngược lại những qui tắc ấy, chẳng hạn như vứt bỏ những hình Thánh Thể vào cống máng đổ đồ thánh, hay vào một nơi bất xứng, hoặc trên đất, đều phải bị trừng phạt được qui định (Cf. Pontifical Council for the Interpretation of Legislative Texts, Response to dubium, 3 July 1999: AAS 91 [1999] p. 918). Ngoài ra, tất cả đều phải nhớ rằng một khi đã hoàn tất việc cho Rước Lễ trong Thánh Lễ, cần phải giữ những qui định của Sách Lễ Rôma, nhất là những gì thuộc Máu Chúa còn sót lại, theo qui tắc, phải lập tức được vị Linh Mục hay thừa tác viên khác uống hết, còn các bánh thánh dư cũng phải được vị Linh Mục rước ở bàn thờ hay được mang đến chỗ cất giữ Thánh Thể (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 163, 284)”. (khoản số 107)
• “Thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ có thể cho Rước Lễ chỉ khi nào thiếu Linh Mục và Phó Tế, chỉ khi nào vị Linh Mục bị ngăn trở vì yếu sức hay tuổi già hoặc một lý do nào chính đáng khác, hay chỉ khi nào con số tín hữu lên Rước Lễ đông đến nỗi chính việc cử hành Thánh Lễ sẽ bị kéo dài một cách không nhất thiết (Cf. S. Congregation for the Discipline of the Sacraments, Instruction, Immensae caritatis, n. 1: AAS 65 [1973] pp. 264-271, here pp. 265-266; Pontifical Commission for the Authentic Interpretation of the Code of Canon Law, Responsio ad propositum dubium, 1 June 1988: AAS 80 [1988] p. 1373; Congregation for the Clergy et al., Instruction, Ecclesiae de mysterio, Practical Provisions, art. 8 ậ 2: AAS 89 [1997] p. 871). Tuy nhiên, điều này phải được hiểu là việc kéo dài chút xíu, đối với hoàn cảnh và văn hóa địa phương, vẫn không phải là trường hợp có đủ lý do”. (khoản số 158)
Thánh Thể là Bảo Chứng Cánh Chung nơi việc Cử Hành Thánh Lễ
Trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín Thánh Thể là một Bảo Chứng Cánh Chung ở khoản số 18 như sau:
• “Lời tung hô của cộng đồng sau phần truyền phép được chấm dứt một cách rất thích đáng với câu diễn tả cái trục cánh chung là yếu tố làm nên đặc tính của việc cử hành Thánh Thể (x 1Cor 11:26), đó là câu ‘cho đến khi Chúa lại đến’. Thánh Thể là một vươn rộng kéo dài tới đích điểm, là một tiên hưởng niềm vui trọn vẹn như Chúa Kitô hứa hẹn (x Jn 15:11); Thánh Thể là tiên vọng được thừa hưởng nước trời một cách nào đó, là ‘một bảo chứng cho vinh quang mai hậu’ (Solemnity of the Body and Blood of Christ, Second Vespers, Antiphon to the Magnificat). Thánh Thể chất chứa tất cả những gì là tin tưởng đợi trông ‘với một niềm hân hoan hy vọng về việc tái giáng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta’ (Missale Romanum, Embolism following the Lord's Prayer). Những ai được Chúa Kitô dưỡng nuôi bằng Thánh Thể không cần phải đời chờ cho đến đời sau mới thừa hưởng sự sống trường sinh, vì họ đã chiếm hữu được sự sống này ngay trên trần gian, như là những hoa trái đầu mùa của một tình trạng toàn mãn mai hậu, một tình trạng sẽ làm cho con người nên thành toàn trọn vẹn. Vì nơi Thánh Thể, chúng ta cũng có cả bảo chứng về việc phục sinh của thân xác vào ngày tận thế: ‘Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết’ (Jn 6:54). Lời bảo chứng cho việc sống lại sau này ấy phát xuất từ sự kiện là xác thịt của Con Người được ban hiến như lương thực, là thân thể của Người ở trong tình trạng vinh hiển sau cuộc phục sinh. Lãnh nhận Thánh Thể là chúng ta thực sự tiêu hóa ‘cái bí mật’ của việc phục sinh vậy”.
Cũng trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, ở khoản số 58, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn lập lại chiều kích cánh chung của Mầu Nhiệm Thánh Thể liên quan đến Mẹ Maria nói chung và Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ nói riêng như sau:
• “Ca Vịnh Ngợi Khen còn phản ảnh cả chiều kích cánh chung của Thánh Thể nữa. Mọi lần Con Thiên Chúa lại đến với chúng ta nơi ‘cảnh bần cùng’ của các hình thể bí tích là bánh và rượu thì các hạt giống của một giòng lịch sử mới lại được đâm rễ vào thế giới này, một lịch sử mà kẻ quyền năng ‘bị hạ xuống khỏi ngai tòa của mình’ và ‘những ai thấp hèn được nâng lên’ (cf. Lk 1:52). Mẹ Maria hát lên bài ca vịnh về ‘trời mới’ và ‘đất mới’ là những gì thể hiện nơi Thánh Thể việc trông ngóng của chúng, và ở một nghĩa nào đó, cả chương trình và dự án của chúng nữa”.
Chiều Kích Cánh Chung của Mầu Nhiệm Thánh Thể nơi Thánh Lễ được thể hiện và báo trước ngay nơi việc truyền phép, ngay khi Thánh Thần xuống thánh hóa lễ vật bằng lời truyền phép của vị chủ tế. Bởi vì, ngay lúc ấy, ngay lúc bánh và rượu là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người được biến thể thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô Phục Sinh.
Đúng thế, Chúa Giêsu Thánh Thể thông ban Sự Sống Hiệp Thông cho Kitô hữu chi thể của Người để họ được “sự sống viên mãn hơn”, một sự sống trường sinh của thành phần sống cho Vị “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lk 20:38).
Thế nhưng, Sự Sống Hiệp Thông đây không phải chỉ là sự sống giữa cá nhân Kitô hữu với Chúa Giêsu Thánh Thể họ Hiệp Lễ, mà là Sự Sống Hiệp Thông với Chúa Giêsu trong Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người, cả Giáo Hội trần thế, lẫn Giáo Hội hiển vinh trên trời với Giáo Hội thanh tẩy trong luyện hình. Đó là lý do trong Phần Hiến Lễ, ở đoạn cuối, Kinh Nguyện Thánh Thể đã bao gồm cả Giáo Hội tam diện này, thứ tự (theo Kinh Nguyện Thánh Thể III) là Giáo Hội thiên quốc (qua việc xin Thánh Mẫu và các thánh chuyển cầu), rồi tới Giáo Hội lữ hành (qua việc cầu cho đích danh Đức Thánh Cha và vị Giám Mục địa phương cũng như hàng giáo phẩm toàn cầu), và Giáo Hội thanh luyện (qua việc cầu cho các linh hồn đã ra đi).
Ngoài ra, Sự Sống Hiệp Thông Kitô hữu nhận lãnh trong Thánh Lễ qua việc Hiệp Lễ là một sự sống viên mãn, tức sự sống đầy những hoa trái cứu độ của Chúa Kitô, một sự sống nơi Thân Nho Chúa Kitô cần phải làm sao để cũng trổ sinh muôn vàn hoa trái nơi từng Cành Nho Kitô hữu. Bởi thế, Sự Sống Hiệp Thông Thánh Thể đây liên quan đến cả việc tông đồ truyền giáo nữa, tức liên quan đến việc để làm sao cho thế gian nhận biết Chúa Kitô, và nhờ đó cũng được thông dự vào Sự Sống Hiệp Thông này, đúng như ước nguyện của Chúa Giêsu trong Lời Nguyện Hiến Tế kết Bữa Tiệc Ly: “Con sống trong họ, Cha sống trong Con, để sự hiệp nhất của họ được trọn vẹn. Nhờ đó thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như đã thương yêu Con” (Jn 17:23).
Hai khía cạnh hiệp thông Giáo Hội và tông đồ truyền giáo trên đây của Mầu Nhiệm Thánh Thể nơi việc Cử Hành Thánh Lêã đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đề cập đến trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con” ở Chương III (Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Biểu Hiện của Hiệp Thông, đặc biệt ở khoản số 19 và 20) và ở Chương IV (Thánh Thể là Nguyên Lý và là Dự Án ‘Truyền Giáo’, đặc biệt ở khoản số 24 và 25).
Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Biểu Hiện của Hiệp Thông
• “Khi các môn đệ đi Emmau xin Chúa Giêsu hãy ở ‘với’ các vị, Người đã đáp lại bằng việc ban cho họ một tặng ân còn cao trọng hơn thế nữa, đó là, nhờ Bí Tích Thánh Thể, Người tìm được cách để ở ‘trong’ các vị. Nhận lãnh Thánh Thể tức là đi vào mối hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu. ‘Các con hãy ở trong Thày như Thày ở trong các con’ (Jn 15:4). Mối liên hệ về việc ‘ở’ với nhau một cách sâu xa này cho chúng ta được nếm hưởng trước thiên đường ngay trên trần gian này. Đó không phải là điều ước mong lớn lao nhất của con người hay sao? Đó không phải là những gì Thiên Chúa đã nghĩ đến khi Ngài thực hiện trong lịch sử dự án cứu độ của Ngài hay sao? Thiên Chúa đã gieo vào tâm can con người một ‘nỗi đói khát’ Lời của của Ngài (x Am 8:11), một nỗi đói khát chỉ được thỏa nguyện chỉ khi nào được hoàn toàn hiệp nhất với Ngài mà thôi. Chúng ta có thể ‘thỏa mãn’ Thiên Chúa ngay trên trái đất này nơi mối hiệp thông Thánh Thể được ban cho chúng ta đây, với niềm khát vọng được hoàn toàn mãn nguyện trên cõi thiên cung”. (khoản số 19)
• “Sự liên kết đặc biệt này nơi ‘mối hiệp thông’ Thánh Thể không thể hiểu được một cách đầy đủ hay cảm nghiệm thấy một cách trọn vẹn ngoài mối hiệp thông Giáo Hội. Tôi đã nhấn mạnh đến điều này nhiều lần trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia. Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô: chúng ta tiến bước ‘với Chúa Kitô’ ở chỗ chúng ta liên kết ‘với thân thể của Người’. Chúa Kitô đã thiết lập và làm phát triển mối hiệp nhất này bằng việc tuôn đổ Thánh Linh của Người xuống. Và chính Người liên lỉ xây dựng mối hiệp nhất ấy bằng sự hiện diện Thánh Thể của Người. Chính tấm bánh Thánh Thể duy nhất làm cho chúng ta nên một thân thể duy nhất, vì ‘chúng ta tất cả cùng tham phần vào một tấm bánh duy nhất’ (1Cor 10:17). Nơi mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn xây dựng Giáo Hội như là một mối hiệp thông, theo khuôn mẫu tối hậu đã được Người nói lên trong lời nguyên tư tế của Người: ‘Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Jn 17:21)”. (khoản số 20)
Thánh Thể là Nguyên Lý và là Dự Án ‘Truyền Giáo’• “Hai môn đệ đi Emmau, khi nhận ra Chúa, ‘liền lập tức lên đường’ (x Lk 24:33), để tường trình những gì các vị đã thấy và đã nghe. Một khi chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh bằng việc tham phần vào mình máu của Người thì chúng ta không thể giữ lấy cho mình niềm vui chúng ta cảm nghiệm thấy. Việc gặp gỡ Chúa Kitô, liên lỉ được tăng phát và vững mạnh qua Thánh Thể, làm phát sinh trong Giáo Hội cũng như nơi mỗi Kitô hữu lời hiệu triệu thúc bách thực hiện việc làm chứng từ và truyền bá phúc âm hóa. Tôi đã nhấn mạnh đến điều này trong bài giảng loan báo Năm Thánh Thể, dựa theo lời của Thánh Phaolô: ‘Mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén ấy là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Người lại đến’ (1Cor 11:26). Vị Tông Đồ này chặt chẽ liên kết bữa ăn với việc loan báo, vì việc tham dự vào mối hiệp thông với Chúa Kitô để tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của Người cũng có nghĩa là cảm thức được nhiệm vụ cần phải trở nên một thừa sai truyền giáo cho biến cố được hiện thực theo lễ nghi này (Cf. Homily for the Solemnity of the Body and Blood of Christ [10 June 2004]: L'Osservatore Romano, 11-12 June 2004, p.6). Việc giải tán ở cuối mỗi Thánh Lễ là việc ủy thác trách nhiệm cho Kitô hữu, kêu gọi hãy hoạt động để truyền bá Phúc Âm và làm cho xã hội thấm nhiễm các giá trị Kitô giáo”. (khoản số 24)
• “Thánh Thể chẳng những cung ứng sức mạnh nội tâm cần thiết cho sứ vụ truyền giáo này, mà còn, ở một nghĩa nào đó, chính là dự án của sứ vụ truyền giáo nữa. Vì Thánh Thể là một kiểu cách hiện hữu được truyền từ Chúa Giêsu đến mỗi Kitô hữu là thành phần nhờ chứng từ của họ mà việc hiện hữu ấy được tràn lan khắp xã hội và văn hóa. Để điều này được thực hiện, mỗi một phần tử thuộc thành phần tín hữu, bằng việc suy niệm chung riêng, cần phải hòa hợp với những giá trị được Thánh Thể diễn đạt, với những thái độ được Thánh Thể soi động, với những quyết định được Thánh Thể tác động”. (khoản số 25)
Thế nhưng, cũng chính vì Mầu Nhiệm Thánh Thể là Sự Sống Hiệp Thông liên quan đến Giáo Hội nên cũng liên quan tới cả vấn đề Đại Kết Kitô Giáo, một vấn đề đang nhắm đến mục tiêu hiệp nhất một cách trọn vẹn, ở chỗ tất cả Kitô hữu được chung dự cùng một bàn tiệc Thánh Thể và một cách hữu hình, ở chỗ chỉ có một chủ chiên duy nhất đại diện Chúa Kitô thừa kế Thánh Phêrô. Về vấn đề Mầu Nhiệm Thánh Thể với vấn đề Đại Kết Kitô Giáo liên quan tới việc cử hành phụng vụ nói chung và Thánh Lễ nói riêng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác định những vấn đề cần phải tuân giữ về phụng vụ, ở khoản số 44, 45 và 46 trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thế thứ tự sau đây:
• “Chính vì mối hiệp nhất ấy của Giáo Hội, một mối hiệp nhất được Thánh Thể thể hiện bằng hiến tế của Chúa cũng như bằng việc rước lấy mình máu Người, mà nhất định cần phải hoàn toàn hiệp thông nơi những liên hệ về việc tuyên xưng đức tin, về các bí tích cũng như về việc quản trị giáo hội, chứ không thể cùng nhau cử hành cùng một phụng vụ Thánh Thể cho đến khi các liên hệ ấy được hoàn toàn tái thiết lập. Bất cứ việc đồng cử hành nào như thế đều không phải là phương tiện tác hiệu, mà còn trở thành một ngãng trở, cho việc đạt đến mối hiệp thông trọn vẹn, vì hành động ấy làm suy yếu đi cảm quan về khoảng cách chúng ta đang ở trước mục tiêu này, cũng như vì hành động ấy gây ra hay tăng thêm những mập mờ liên quan đến một trong những sự thật của đức tin. Con đường tiến đến mối hiệp nhất trọn vẹn chỉ có thể được thực hiện trong chân lý mà thôi. Về phương diện này, những vấn đề cấm đoán theo luật lệ Giáo Hội không hề có gì là mập mờ cả (Cf. Code of Canon Law, Canon 908; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 702; Pontifical Council for the Promotion of Christian Unity, Ecumenical Directory, 25 March 1993, 122-125, 129-131: AAS 85 [1993], 1086-1089; Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter Ad Exsequendam, 18 May 2001: AAS 93 [2001], 786), mà hoàn toàn hợp với qui tắc về luân lý đã được Công Đồng Chung Vaticanô II phác họa (“Divine law forbids any common worship which would damage the unity of the Church, or involve formal acceptance of falsehood or the danger of deviation in the faith, of scandal, or of indifferentism”: Decree on the Eastern Catholic Churches Orientalium Ecclesiarum, 26)”.
• “Tuy không bao giờ được phép đồng cử hành trong tình trạng chưa hiệp thông trọn vẹn, nhưng vẫn được phép ban Thánh Thể ở các trường hợp đặc biệt cho những người thuộc về các Giáo Hội hay các Cộng Đồng Giáo Hội chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Thật vậy, trong trường hợp này, mục đích là để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng hệ trọng liên quan đến phần rỗi đời đời của cá nhân người tín hữu, chứ không phải là để thể hiện một thứ liên hiệp thông là những gì vẫn còn bất khả cho đến khi những mối liên hệ hữu hình thuộc mối hiệp thông giáo hội hoàn toàn được tái thiết. Đó là phương sách của Công Đồng Chung Vaticanô II, khi công đồng này nêu lên những hướng dẫn để đáp ứng các Kitô Hữu Đông Phương vì lòng ngay phân ly với Giáo Hội Công Giáo, thành phần tự ý muốn xin lãnh nhận Thánh Thể từ một thừa tác viên Công Giáo và đã dọn mình xứng đáng (Decree on the Eastern Catholic Churches Orientalium Ecclesiarum, 27). Phương sách này sau đó đã được chuẩn nhận bởi cả hai bộ Giáo Luật là những bộ luật cũng để ý tới, với những điều chỉnh cần thiết, trường hợp các Kitô Hữu không phải là Kitô Hữu Đông Phương chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo nữa (Cf. Code of Canon Law, Canon 844, 3-4; Code of Canons of the Eastern Churches, Canon 671, 3-4)”.
• “Trong Thông Điệp Ut Unum Sint, Tôi đã bày tỏ cảm nhận riêng của Tôi đối với những qui tắc ấy, những qui tắc đã có thể góp phần vào việc ban phát ơn cứu độ cho những linh hồn có một nhận thức xứng hợp: ‘Thật là vui mừng khi nhận thấy rằng các vị thừa tác viên Công Giáo, trong những trường hợp đặc biệt, có thể ban bí tích Thánh Thể, Thống Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân cho các Kitô hữu chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo nhưng lại là những người hết sức muốn lãnh nhận các bí tích ấy, tự động xin lãnh nhận các bí tích này và bày tỏ đức tin như Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng liên quan đến các bí tích ấy. Ngược lại, trong các trường hợp đặc biệt và trong các hoàn cảnh riêng biệt, những người Công Giáo cũng có thể xin lãnh nhận các bí tích ấy từ những vị thừa tác viên thuộc các Giáo Hội thật sự có những bí tích này’ (No. 46: AAS 87 [1995], 948). Những điều kiện ấy, những điều kiện bất khả châm chước, cần phải được cẩn thận tôn trọng, cho dù được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt riêng, vì nếu chối bỏ một hay những sự thật đức tin liên quan đến các bí tích này, trong đó, có cả sự thật liên quan tới nhu cầu thuộc chức linh mục thừa tác trong việc ban phát thành hiệu các bí tích này, khiến cho người xin lãnh nhận các bí tích ấy không hội đủ điều kiện xứng hợp để được phép lãnh nhận. Ngược lại cũng thế, những người Công Giáo không được rước lễ nơi những cộng đồng không có bí tích Truyền Chức Thánh thật sự (Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 22)”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, diễn giải và chuyển dịch