GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 2 THỨ TƯ

        

ĐTC GPII: bệnh tình diễn tiến khả quan và chịu đựng khổ đau như việc giảng dạy

 

Mặc dù đã cho biết là Thứ Năm 3/3/2005 mới thông báo cho biết về tình trạng sức khỏe của ĐTC trong bệnh viện, hôm nay, 1/3, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh, trước 9 giờ sáng, khi ông tiến vào bệnh viện, cũng đã cho phóng viên báo chí biết rằng hôm nay “ĐGH cảm thấy khá và bệnh tình của ngài đang khả quan, như tôi đã nói với quí vị hôm qua”.

 

Một tiếng đồng hồ sau, sau khi đã viếng thăm ĐTC hằng ngày, vị giám đốc này đã xác nhận với các ký giả rằng: “mọi sự bình thường”. Ông cho biết đêm thứ năm của ĐTC trong bệnh viện thì “bình lặng”, ngài “là một bệnh nhân tốt lành và đang tiếp tục các việc thực tập phát âm của mình”. Ông nói thêm, khi ông rời phòng ngài thì ngài đang sửa soạn cử hành Thánh Lễ”.

 

Ngoài vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh ra còn có ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger.

 

Sau cuộc gặp gỡ của mình với ĐTC, ĐHY đã bày tỏ cảm nhận của mình trên Đài Phát Thánh Vatican trong phần chương trình Đức ngữ như sau:

 

“Mẫu gương của một vị Giáo Hoàng khổ đau là những gì rất quan trọng và chúng ta đã chứng kiến thấy nó trong những năm qua: Chịu đựng khổ đau là một đường lối đặc biệt của việc rao giảng.

 

“Vì có nhiều bức thư đã gửi đến cho tôi, cũng như có nhiều chứng từ trực tiếp mà tôi đã hiểu được rằng nhiều người đang chịu khổ hiện nay cảm thấy cuối cùng họ đã được chấp nhận.

 

“Hiệp hội thành phần bị bệnh lẩy bẩy đã viết cho tôi để cám ơn ĐGH, vì nó giúp các bệnh nhân phục hồi thực sự hình ảnh của họ, khi ĐTC công khai can đảm tỏ ra là một con người chịu đựng khổ đau mà vẫn tiếp tục làm việc.

 

“Đức Gioan Phaolô II đã thông đạt cho chúng ta nhiều điều qua việc chịu đựng khổ đau của Người, một thứ đau khổ như là một đoạn đường hành trình của cuộc sống và là một thứ khổ đau ngài thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.

 

“Khi chúng ta chia sẻ khổ đau với Chúa và sống khổ đau với tất cả những ai đau khổ trên thế giới, khổ đau có một giá trị cao cả và có thể là một cái gì tích cực.

 

“Nếu chúng ta chú ý tới hoạt động và đời sống của vị Giáo Hoàng này, chúng ta hiểu rằng đó là một sứ điệp quan trọng, nhất là trong một thế giới đang có khuynh hướng phủ lấp hay tẩy chay khổ đau là những gì không thể loại trừ nổi.

 

Theo vị hồng y này thì Đức Gioan Phaolô II đã đặc biệt tỏ ra trong cuốn sách mới nhất “Hồi Niệm và Căn Tính” của mình về cách thức ngài thấy được ý nghĩa của sự dữ và khổ đau. Nhất là từ cuộc ám sát ngài năm 1981, ngài tin rằng người nữ tu Balan Faustina Kowalska (1905-1938), vị sứ giả của Lòng Chúa Xót Thương, đã cho thấy những lý do về thần học tại sao Thiên Chúa để xẩy ra sự dữ nơi việc đáp ứng của chị. 

 

Theo vị hồng y tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin này thì Thiên Chúa “không chống lại sự dữ một cách bạo lực; Ngài hạn chế nó bằng lòng thương xót của mình, Ngài không thực hiện sự dữ nhưng lãnh nhận con người và thế giới nơi đau khổ của họ”.

 

Vị hồng y này cho các phóng viên lý giả biết rằng “Đức giáo hoàng đã nói với tôi bằng tiếng Đức và tiếng Ý. Tôi hân hoan cho biết là Đức Thánh Cha hoàn toàn tỉnh táo về tâm thần và cũng có thể lên tiếng nói được những điều thiết yếu”.

 

Có một nhóm chừng 55 người Balan ở Olsztyn đến cầu nguyện bên dưới phòng bệnh của ngài hôm Thứ Ba 1/3, và mang đến cho ngài những quà tặng từ quê hương của ngài là mật ong Balan cho cuống họng của ngài và một số hình ảnh do trẻ em nằm bệnh viện ở Olsztyn vẽ.

 

ĐHY Cormac Murphy O'Connor, TGM Westminster, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh quốc, cũng đã đến thăm ĐTC hôm Thứ Ba, 1/3, nhưng không gặp được vì ngài đang đồng tế. Sáng Thứ Tư, 2/3, ĐHY đã trở lại thăm, sau đó đã nói với báo chí rằng:

 

"Đức Giáo Hoàng, dù khỏe mạnh hay yếu đau, dù sung sức hay suy nhược, vẫn đang dâng lên Chúa một chứng từ đức tin cũng như cho sứ vụ đặc biệt của ngài trong thế giới ngày nay".

 


 

Cuộc Hội Nghị Quốc Tế với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas về tình hình Palestine

 

Hôm Thứ Ba 1/3/2005, tại Anh quốc, trong cuộc họp quốc tế về Palestine, vị tân tổng thống Abbas đã nói rằng:

 

“Điều quan trọng nhất đó là vấn đề chúng tôi sẵn sàng, vấn đề chúng tôi hoàn toàn muốn thực hiện việc an ninh nội bộ. Chúng tôi đã dàn trải các lực lượng và chúng tôi đã đi đến quyết định cuối cùng về việc hiệp nhất các khối an ninh lại với nhau, và chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng quyết định này”.

 

Thật vậy, cố tổng thống Palestine Yasser Arafat đã thiết lập một số tổ chức an ninh, từ cảnh sát tới lực lượng phòng vệ riêng của ông. Thế nhưng không có một bộ chỉ huy liên kết các tổ chức này nên vấn đề an ninh không được mạnh mẽ và chặt chẽ. Ngoài ra còn có cả vấn đề khác biệt giữa hai lực lượng an ninh ở Gaza và Tây Ngạn nữa, chưa kể đến tình trạng các lực lượng an ninh khác biệt tranh giành nhau.

 

Ngoài ra, vị tân lãnh đạo Palestine còn nhấn mạnh đến việc quyết tâm của người Palestine muốn cải cách việc phát triển kinh tế nữa. Thêm vào đó, ông cũng lập lại việc ông lên án vụ khủng bố tự sát mới đây ở thủ đô Do Thái Tel Aviv:

 

“Mấy ngày trước đây có những thường dân Do Thái đã trở thành nạn nhân của một cuộc tự vẫn tấn công. Chúng tôi lên án hành động này và xin lập lại rằng những lực lượng quá khích vẫn còn có ý định hủy hoại bất cứ nỗ lực hướng tới hòa bình nào. Họ loại bỏ đường lối dân chủ đang được nhân dân Palestine cương quyết theo đuổi”. Ông gọi những tay nổ bom là “những kẻ phá hoại hòa bình” và hứa sẽ mang họ ra trước công lý.

 

Ông Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan cũng có mặt trong phiên họp này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết lập an ninh ở vùng này: “Tóm lại, việc thiếu tình trạng an ninh sẽ là những gì làm suy yếu hết mọi sự”.

 

Thế nhưng ông cũng nhấn mạnh đến việc rút quân và giải tỏa của bên Do Thái là những gì cần thiết cho hoạt động kinh tế của Palestine, và quốc tế cần phải làm việc với Do Thái để thực hiện điều này. Ông nói: “Thái độ nổi bật hiện nay là thái độ lạc quan. Đôi bên đã tuyên bố… quyết tâm của mình trong việc cùng nhau hoạt động. Cuối cùng rồi tất cả chúng ta có thể cảm thấy được một làn sóng phong trào mới”.

 

 

Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Phát Triển

 

Sau đây là bài diễn văn của ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, trình bày tại LHQ ở Nữu Ước hôm Thứ Ba 22/2/2005 liên quan đến bản tường trình của Ủy Ban Cao Cấp về Bản Tường Trình về Các Mối Đe Dọa, Các Thứ Thách Đố và Việc Đổi Thay cũng như về bản tường trình về Dự Án Ngàn Năm 2005 của Liên Hiệp Quốc.

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Hai Bản Tường Trình về Các Mối Đe Dọa, Các Thứ Thách Đố và Việc Đổi Thay cũng như về Dự Án Cụ Thể Để Đạt Đến Các Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm (MDGs: Millennium Development Goals) bổ khuyết cho nhau, trong đó chúng lưu ý chúng ta đừng phác họa những qui chế phát triển một cách thiển cận hay chỉ căn cứ vào viễn tượng an ninh mà bỏ qua những mối đe dọa nhỏ thuộc tầm mức rộng lớn hơn cùng với những thứ cấp thiết âm thầm.

 

Đối với chính Dự Án Cụ Thể, nó đã có nhiều điều khuyên dụ và cho thấy nhiều nỗ lực dấn thân cho thành phần nghèo khổ trên thế giới là những gì tôi hết sức vui mừng ca ngợi.

 

Về 10 điều khuyến dụ chính, Tòa Thánh xin bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt của mình về điều khuyến dụ thứ 7, đó là điều khuyến dụ chính thức hỗ trợ việc phát triển ODA (official development assistance) cần phải được căn cứ vào các nhu cầu thực sự, hơn là vào những mục tiêu được ấn định. Việc thôi thúc gần đây đối với vấn đề thực hiện phân phối vốn được thỏa thuận lâu dài về 7% tổng sản lượng quốc gia cho tình trạng phát triển là những gì rất phấn khởi. Thật là hy vọng khi vấn đề tiền bạc mới mẻ thực sự này sẽ được nhắm vào mục đích phát triển.

 

Nhiều chuyên gia tán thành là tình trạng cực bần cùng và đói khổ xuất phát phần lớn từ mức độ bất quân bình một đàng về vấn đề phân phối lợi tức và một đàng về vấn đề hiển nhiên hưởng thụ quá trớn. Nhiều nơi cảm thấy bất an về tính cách sinh tồn của các mẫu thức phát triển. Những giải quyết về kỹ thuật đang củng cố những thứ mẫu thức này, thay vì kích thích tăng trưởng thì đôi khi lại làm tăng thêm nghèo khổ và chênh lệch. Mặc dù như thế, nhiều giải quyết được phác họa vẫn có khuynh hướng trở thành một thể chế kỹ thuật cao độ.

 

Đó là lý do vai trò đại biểu tôi đây mạnh mẽ tin tưởng rằng toàn thể hệ thống của tình liên kết cần phải được tái hình thành; ODA cần phải được tăng thêm, chứ không phải chỉ chi tiêu khá hơn; và nhất là cần phải tiếp tục các chính sách nhổ tận gốc rễ tình trạng nghèo khổ để tập trung chẳng những vào “cái gì” hay “cách nào” mà trước hết vào “ai đó”. Ý tưởng rõ ràng về ai là người nghèo, được thể hiện bằng việc trợ giúp cụ thể, trực tiếp và riêng tư cho họ bằng các chính sách nhắm vào con người bao giờ cũng cần phải được ôm ấp trong lòng. Chỉ khi nào biết chú trọng như thế mới có thể nâng đỡ người nghèo như là một con người thục sự, vì nó là một thứ chú trọng được phát xuất từ phẩm vị của hết mọi con người nam, nữ và trẻ em, hơn là dựa vào các thứ chính sách có khuynh hướng coi thường giá trị làm người của họ.

 

Tòa Thánh vui mừng nghiêng về những vị đại biểu ủng hộ một chính sách xã hội hàm chứa việc công bằng phân phối. Những chính sách này cần phải được trở thành một phần trọn vẹn cho cuộc thảo luận về vấn đề phát triển, nhờ đó chúng trở thành thước đo tầm mức phẩm chất và mức độ phát triển.

 

Như tôi đã nói, thưa Ông Chủ Tịch, “người nào” cần hơn là “cái gì”. “Người nào” đầu tiên chính là thành phần nghèo khổ: họ có quyền được hưởng sự trợ giúp cũng như trách nhiệm giành cho họ. “Người nào” thứ hai đó là tất cả những ai mang trách nhiệm đối với tình trạng nghèo khổ và chênh lệch gia tăng cũng như đối với việc từ từ giải quyết tình trạng này. Liên Hiệp Quốc, một tổ chức cần phải được tác động bởi công ích chung, không được sợ thực hiện một cuộc thẳng thắn đối thoại, để giải quyết điểm quan trọng nhất của vấn đề trong công lý, hơn là qui trách.

 

Để Dự Án Cụ Thể được thành công, chúng tôi tin rằng cần phải nhấn mạnh đến những thứ đầu tư vào việc làm tăng quyền lực thêm cho thành phần nghèo khổ, nhất là cho nữ giới, bằng những cách thức tôn trọng ý muốn cá nhân và đừng đặt những điều kiện bất khả chấp trên tự do của những ai lãnh nhận việc trợ giúp. Như thế chính thành phần nghèo khổ mới được phục vụ, thay vì những vấn đề khác chẳng hạn như những cách thức bất khả chấp trong việc kiểm soát dân số thế giới. Chính sách dân số khôn ngoan và nhân bản là chính sách tỏ ra tôn trọng thành phần nó phục vụ để xây dựng một nhân loại tốt đẹp hơn. Chính sách này cũng chú trọng cả tới vấn đề phát triển thực sự và dự phóng của nhân loại nữa.

 

Tóm lại, thưa Ông Chủ Tịch, chúng tôi tin tưởng là MDGs, và vì vấn đề này, những quyết tâm thực hiện ở hội nghị Copenhagen, chỉ có thể đạt thành nếu những chính sách nhổ tận gốc rễ nghèo khổ nhắm thẳng tới thành phần nghèo khổ như là những con người có giá trị bình đẳng; nếu sự tiến bộ thật sự được thực hiện bằng việc quản trị tốt đẹp và chiấn đấu chống lại tình trạng bại hoại; nếu hoàn toàn thực hiện việc cải cách về tài chính và mậu dịch để làm cho các thị trường hoạt động thuận lợi cho các quốc gia đang phát triển; nếu những lời hứa quyết về 0.7% tổng sản lượng quốc gia thực sự được tôn trọng trong công chính và kết đoàn; và nếu nợ nần được hủy bỏ nơi tất cả những trường hợp có thể áp dụng được.

 

Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

Từ tài liệu được phổ biến bởi mạng điện toán toàn cầu Zenit ngày 24/2/2005

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ