GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 3/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa”.
__________________
NGÀY 8 THỨ BA |
ĐTC GPII: Bệnh Trạng khả quan và có thể sống Tuần Thánh ở Vatican
Đúng như đã hẹn, hôm nay, Thứ Hai 7/3/2005, vị giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh đã chính thức phổ biến tình hình bệnh trạng hiện nay của Đức Thánh Cha, nguyên văn như sau:
“Bệnh trạng của ĐTC nói chung tiến triển khả quan làm cho Đức Giáo Hoàng ngồi được nhiều lần lâu giờ ở ghế.
“Không có những biến chứng gây ra bởi việc giải phẫu khí quản.
“Vấn đề nói năng của ngài cũng tiếp tục tiến triển nhờ những buổi phục hồi hằng ngày.
“Ngoài ra, các vị bác sĩ đã khuyên ngài sử dụng ngôn tử một cách hạn chế khôn ngoan để giúp cho việc phục hồi hoạt động của thanh quản hơn.
“Vào Thứ Năm, 10/3, vào lúc 12 giờ 30 sẽ phổ biến một thông báo khác”.
Để trả lời cho các câu hỏi của thành phần phóng viên báo chí, vị giám đốc này cho biết “rất có thể Đức Giáo Hoàng sẽ sống Tuần Thánh ở Vatican. Khi ĐGH về ngài sẽ quyết định về việc ngài tham dự vào các lễ nghi phụng vụ đang được phác họa”.
Sinh hoạt điện thư gửi đến Đức Thánh Cha nhân dịp ngài bị bệnh
Từ khi mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh phổ biến cho 6 ngôn ngữ khác nhau (Anh, Pháp, Ý, Đức, TBN - Tây Ban Nha và BĐN - Bồ Đào Nha) địa chỉ điện thư của ĐTC là john_paul_ii@vatican.va, thì muôn vàn điện thư đã gửi về hằng ngày cho ĐTC, chúc ngài mạnh khỏe, mau lành và sớm trở về với thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của ngài.
Từ 1/3 đến trưa 3/3, theo thống kê và những mẫu thư được phổ biến hôm nay, có trên 20 ngàn điện thư được gửi đến cho ĐGH: 10 ngàn bằng Anh ngữ, 6.077 bằng tiếng TBN, 2.012 bằng tiếng BĐN, 1.134 bằng tiếng Ý, 850 bằng tiếng Đức và 800 bằng tiếng Pháp. Nhiều điện thư bằng tiếng Balan cũng được gửi đến ngài hằng ngày. Ngoài ra, còn nhiều điện thư, lá thư và viễn phóng ảnh thư (fax) cũng được gửi ĐTC qua các Văn Phòng Quốc Vụ Khanh và các phân bộ khác của Tòa Thánh nữa.
Đây không phải là lần đầu tiên Tòa Thánh phổ biến địa chỉ điện thư của ĐTC. Vào dịp mừng kỷ niệm 25 năm ngân khánh giáo hoàng của ngài vào tháng 10/2003 cũng đã được thực hiện lần đầu tiên.
Những bức thư được gửi đến từ các vị bác sĩ, những vị lãnh đạo các tổ chức tự nguyện, những bà nội trợ và những bà mẹ, các sinh viên, các dòng tu, nhân viên phục vụ trong các bệnh viện, các vị chủ chiên và các giáo dân trong các giáo xứ. Hầu hết các điện thư được gửi đến từ thành phần tín hữu bình thường trên khắp thế giới, và có một ít từ thành phần xa lìa đức tin nay đã trở lại.
Đa số là những bức thư tương đối ngắn chúc ĐTC khỏe mạnh, cho ngài biết ngài được mộ mến và ca ngợi đến đâu với vai trò làm vị lãnh đạo của Giáo Hội Công giáo, việc chịu khổ của ngài làm gương cho tất cả mọi người ra sao, hay chỉ cám ơn ngài về tất cả những gì ngài đã thực hiện và tiếp tục làm cho Giáo Hội, nhất là trong việc cổ võ giá trị của sự sống con người và phẩm vị con người. Một số công văn dài hơn và kể lại những cảm nghiệm riêng tư về yếu bệnh, về nỗi khổ đau về thể lý và tâm thần hay về những cuộc hoàn cải bản thân.
Tín hữu hứa “cầu nguyện và hy sinh”, lần hạt, dự lễ hằng ngày và chầu Thánh Thể cho ĐTC.
Một người viết: “ĐTC đã phấn khích chúng con biết bao khi chúng con phải chiến đấu trong cuộc sống từng ngày để mãi trung thành với Thiên Chúa”.
Một người khác viết: “Tôi cầu xin để khi chịu khổ đau nhiều ĐTC cũng sẽ cảm thấy sự hiện diện rất mãnh liệt của Thiên Chúa ở với ĐTC”.
Một bức thư từ Ý viết cho ĐTC rằng: “ĐTC là cha của chúng con trên thế gian này. Chúng con cần ĐTC! Chúng con cần đến chứng từ của ĐTC vì nó tăng sức cho mỗi một người trong chúng con”.
Một người ở Ba Tây viết cho ĐTC rằng “trong Năm Thánh Thể này, … Thánh Thể sẽ làm vững mạnh cuộc sống nhiều trục trặc của ĐTC”.
Một người trẻ ở Ba Tây việt cho ĐTC rằng em hy vọng ĐTC sẽ sớm mạnh khỏe hơn để “ĐTC có thể đến với giới trẻ chúng con ở Cologne (cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới) và có thể tiếp tục dẫn dắt Hội Thánh nhiều năm nữa”.
Tín hữu từ Panama viết cho ĐTC rằng: “Những người Công giáo chúng con rất quan tâm đến sức khỏe của ĐTC. Chúng con đã dâng các Thánh Lễ và kinh nguyện để cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng cho sức khỏe của ĐTC”.
Một bức thư bằng tiếng Tây Ban Nha viết cho ĐGH như thế này: “Chúng con hy vọng ĐTC sẽ sớm khỏe mạnh và tiếp tục làm gương mạnh bạo và lành thánh cho toàn thế giới”.
Một người viết bằng tiếng Pháp nói là sẽ thêm ĐTC vào các ý chỉ lần hạt mân côi của mình: “Chớ gì ĐTC ở với chúng con lâu bao nhiêu có thể bằng một sức khỏe tốt nhất trời cao ban cho ĐTC”.
Một điện thư bằng tiếng Pháp khác viết: “ĐTC yêu mến, ĐTC đang dẫn dắt Giáo Hội bằng sự chịu khổ của ĐTC: Chúa Kitô, qua ĐTC, đang dạy cho cả người khôn ngoan lẫn kẻ thận trọng trên thế giới này một bài học”.
Truyền thông với vấn đề sức khỏe của ĐTC
Vị cố vấn cho Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội là Norberto Gaitano đã cho mạng điện toán toàn cầu Zenit biết về cách thức truyền thông phổ biến tin tức liên quan tới các vấn đề sức khỏe của ĐTC. Vị này cho biết không lấy gì làm lạ đối với việc phổ biến của truyền thông về vấn đề ấy. Vị này là khoa trưởng của khoa truyền thông cơ cấu ở Đại Học Thánh Giá Rôma, và là tác giả cuốn “Phận Sự Tôn Trọng Quyền Tư Biệt” và cuốn “Việc Giải Thích và Trình Thuật của Phóng Viên Báo Chí”, cả hai đều được nhà xuất bản Eunsa của Đại Học Navarra ở Tây Ban Nha phát hành.
Vấn: Phải chăng truyền thông đã phổ biến tin tức thái quá về sức khỏe của ĐTC?
Đáp: Vào Năm Thánh 2000, ĐTC đã cám ơn các ký giả về công việc phổ biến rất nhiều về việc ý thức và kiến thức của những biến cố đặc biệt nơi đời sống Giáo Hội. Đó không phải là lần đầu tiên và là lần duy nhất ngài đã làm như thế.
Hiện nay có một số, bao gồm cả chính thành phần tường trình viên, có thể nghĩ rằng việc truyền thông chú trọng tới vấn đề sức khỏe của ĐTC là quá đáng, vì không hiểu nhiều người cảm thông với việc chịu khổ của ngài, vì ngài vẫn không thôi là một con người và chính vì thế mới được nhiều mến chuộng.
ĐHY Ratzinger đã cảm nhận được sự kiện này cùng với những tác dụng của nó một cách xác đáng như sau: “Trong một xã hội muốn che lấp đi cái đớn đau và việc cận kề sự chết thì chứng từ của ĐGH vẫn là những gì rao giảng”, ngài đã nói đại khái như thế sau khi viếng thăm ĐTC mới đây.
Vấn: ĐTC này hiển nhiên là vị giáo hoàng đầu tiên có một mối liên hệ mật thiết với truyền thông. Ông có nghĩ rằng ngài bị làm phiền hà bởi sự kiện đời sống của ngài hằng bị ánh mắt của thế giới theo dõi hay chăng?
Đáp: Đối với tôi thì chính vị Giáo Hoàng này, ngay từ đầu giáo triều của ngài, đã rõ ràng nhất định không muốn tránh né truyền thông dù nó có thể gây bực bội, và sử dụng truyền thông để giúp vào việc truyền đạt sứ vụ của ngài là chủ chăn hoàn vũ và là hình ảnh của Chúa Kitô đối với nhân loại.
Ngài vẫn coi nó là những gì bình thường trong những lúc người ta cho nó là tốt hay những lúc họ gọi nó là xấu. Tóm lại, ngài vượt lên trên truyền thông và trực tiếp vươn tới con người, trong đó có cả thành phần phóng viên ký giả nữa.
Vấn: Tòa Thánh đang tung ra một hình ảnh êm dịu không có gì là báo động cả. Ông có nghĩ rằng đó là một chính sách hay về truyền thông hay chăng?
Đáp: Sau khi biết được những gì vội vã và những gì giao động về sự kiện khiến ngài phải nhập bệnh viện Gemelli lần đầu thì chẳng những Tòa Thánh mà tất cả chúng ta đều phải công nhận rằng Đức Giáo Hoàng đang trải qua một giai đoạn bệnh trọng mới có thể tới độ không còn trở lại tình trạng như trước nữa.
Tòa Thánh có lý để thích ứng chính sách truyền thông của mình cho hợp với thực tại của các sự kiện, những sự kiện không có cả tính cách duy lạc quan lẫn duy náo động là những gì phát xuất từ việc mong thấy được những cái mới mẻ nơi việc tường trình hơn là từ những tình trạng mới mẻ rõ ràng về sức khỏe.
Nơi lãnh vực truyền thông vẫn nói đến vấn đề thiếu tín liệu thích đáng, một suy đoán có thể là đúng.
Vấn đề có thể hiểu được là những vị quyết định đưa ĐGH vào bệnh viện gấp vào lúc sáng sớm ấy không lấy truyền thông làm ưu tiên. Có thể hiểu được vấn đề tin tức không được tung ra trước lúc ĐTC nhập bệnh viện Gemelli.
Truyền thông đã theo dõi kỹ lưỡng sức khỏe của ĐTC trong những năm gần đây. Một tường trình viên thuộc cơ quan ngôn luận nào đó đã thấy ngài nhập bệnh viện để rồi theo tự nhiên tung ra tin tức, làm bùng lên dư luận. Đó là những gì kiểu tếu táo loại hàn lâm chuyên nghiệp gọi là gây tác dụng “giật gân” (‘shotgun’ effect).
Văn phòng báo chí tòa thánh Vatican biết được mấy giờ sau đó, nhưng làm chủ được tình thế chưa đầy 12 tiếng đồng hồ bằng một bàn tay sắt cần phải thích hợp với những trường hợp khủng hoảng.
Tôi đọc thấy những phàn nàn của các phóng viên báo chí than rằng họ không thể nào có được những bản tường trình của bác sĩ, hay có thể phỏng vấn các vị này như xẩy ra trong quá khứ. Tôi không biết nguyên do của những lời than phiền này hay của trường hợp cần phải được giải quyết bằng mổ xẻ trong quá khứ.
Tuy nhiên, tôi biết được những gì là nguyên tắc thuộc cẩm nang của vấn đề truyền thông về cơ cấu, đó là người nói chuyện với truyền thông trong những trường hợp khủng hoảng phải là một người duy nhất mà thôi. Như thế hết mọi người đều được lợi, tổ chức, thành phần ký giả, và dĩ nhiên cả quần chúng nữa.
Vấn: Phân khoa của ông có giúp cho Giáo Hội về vấn đề khủng hoảng truyền thông hay chăng? Tình trạng hiện nay có thể được gán là một cuộc khủng hoảng hay chăng?
Đáp: Nếu phân khoa của chúng tôi cố gắng để giúp “Giáo Hội” giải quyết các cuộc khủng hoảng, bao gồm cả những cuộc khủng hoảng về truyền thông, thì xin lỗi, chúng tôi đã đóng cửa phân khoa này rồi hay sẽ làm việc cho một tổ chức khác có tương lai hơn lãnh vực này.
Giáo Hội có một kinh nghiệm dồi dào giá cội về các thứ khủng hoảng, song Giáo Hội vẫn chưa rút ra được mẹo mực để thắng vượt chúng.
Giáo Hội giải quyết những thứ khủng hoảng này một cách huyền nhiệm làm sao ấy, từ bên trong, với những xung khắc to tát, thế nhưng với sự hỗ trợ mãnh liệt xuất phát cũng từ bên trong và bên ngoài bằng một đường lối không thể ngờ được mà lại yên hàn; có những lúc Giáo Hội cần phải trải qua một hay hai thế hệ mới giải quyết được những thứ khủng hoảng ấy.
Chúng tôi cố gắng một cách trân trọng hơn trong việc giúp cho thành phần quản trị truyền thông thuộc các cơ cấu giáo hội biết cách giải quyết, theo quan điểm kiến thức, các thứ khủng hoảng xuất phát từ bên trong.
Chúng tôi cũng huấn luyện cho những con người gây ra những thứ khủng hoảng ở bên ngoài, trong xã hội, thành phần cần được sứ điệp Kitô giáo tạo nên và đang tạo nên, khi cần phải có một nỗ lực sống và trình bày sứ điệp này một cách trọn vẹn.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn tồn cầu Zenit phổ biến ngày 6/3/2005