GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 11 THỨ HAI,

NGÀY 4 TUẦN IX CẦU CHO ĐTC GPII

 

 

Bản Văn ‘Rogito’ về đời sống và hoạt động của ĐTC GPII được đặt trong quan tài của ngài

 

Sau đây là bản văn ‘Rogito’ về lịch sử và hoạt động của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, bản văn được ĐTGM Piero Marini, trưởng ban lễ nghi giáo hoàng, đọc trước khi hạ huyệt và sau đó được ký bởi tất cả những ai hiện diện bấy giờ trước khi đặt nó vào trong quan tài của vị giáo hoàng vừa quá cố.

OBITUS, DEPOSITO ET TUMULATO
IOANNIS PAULI PP II SANCTAE MEMORIAE

Trong ánh sáng của Chúa Phục Sinh từ trong kẻ chết, vào ngày 2 Tháng Tư năm 2005 của Chúa, vào lúc 9 giờ 37 phút tối, khi mà ngày Thứ Bảy đang qua đi và chúng ta đã bắt đầu sang ngày của Chúa, kết tuần Bát Nhật Phục Sinh và là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, vị mục tử thân yêu của Giáo Hội là Đức Gioan Phaolô II đã qua đời về cùng Cha. Bằng việc nguyện cầu, toàn thể Giáo Hội đã hỗ trợ cho cuộc ra đi của ngài.

Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng thứ 264. Hồi niệm về ngài vẫn còn tồn tại trong tâm khảm của Giáo Hội cũng như của toàn thể nhân loại.

Karol Wojtyla, vị đưoơc bầu làm Giáo Hoàng ngày 16/10/1978, đã vào đời ở Wadowice, một thành phố cách Krakow 50 cây số, vào ngày 18/5/1920, và được rửa tội hai ngày sau đó ở Nhà Thờ giáo xứ bởi linh mục Francis Zak.

Ngài đã rước lễ lần đầu khi lên 9 tuổi, và bí tích thêm sức khi được 18 tuổi. Việc học hành của ngài bị gián đoạn bởi việc các lực lượng Nazi chiếm đóng và đóng cửa đại học, ngài đã làm việc ở một mỏ đá, sau đó ở xưởng hóa chất Solway.

Vào năm 1942, biết mình co ơn gọi làm linh mục, ngài bắt đầu những khóa huấn luyện tại chủng viện chui ở Krakow. Ngài đã được thụ phong linh mục ngày 1/11/1946 bởi tay ĐHY Adam Sapieha. Thế rồi ngài được sai đi Rôma học và đã đạt được cấp bằng tiến sĩ về thần học, với luận án Giáo Huấn về Đức Tin nơi Thánh Gioan Thánh Giá "Doctrina de fide apud Sanctum Ioannem a Cruce."

Ngài đã trở lại Balan để thi hành một số nhiệm vụ mục vụ và dạy các khoa học thánh. Vào ngày 4/7/1958, ĐGH Piô XII đã bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá Krakow. Ngài được Đức Phaolô VI chỉ định làm tổng giám mục của cùng giáo phận này vào năm 1964. Với tư cách giáo phẩm của mình, ngài đã tham dự Công Đồng Chung Vatican II. Đức Phaolô VI đã phong ngài làm hồng y ngày 26/6/1967.

Ngài đã được bầu làm Giáo Hoàng bởi các vị hồng y trong mật nghị ngày 16/10/1978, và đã lấy tên Gioan Phaolô II. Vào ngày 22/10, ngày của Chúa, ngài đã long trọng mở màn cho thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô của ngài.

Giáo triều của Đức Gioan Phaolô II là một trong những giáo triều lịch sử Giáo Hội. Trong thời đoạn này, có nhiều sự thay đổi ở một số khía cạnh. Trong số đó được kể đến là việc sụp đổ của một số chế độ do chính ngài đã góp phần của ngài. Ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du đến các quốc gia khác nhau với mục đích để loan truyền Phúc Âm.

Đức Gioan Phaolô II đã thi hành thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô của mình với một tinh thần truyền giáo không biết mệt mỏi, tận dụng tất cả mọi nghị lực của mình vì mối quan tâm duy nhất đối với giáo hội “sollicitudo omnium ecclesiarum”, cũng như vì đức ái cởi mở đối với toàn thể nhân loại. Hơn bất cứ một vị tiền nhiệm nào của mình, ngài đã gặp gỡ dân Chúa cũng như các vị lãnh đạo quốc gia, trong các cuộc cử hành, những buổi triều kiến chung và đặc biệt, và trong các cuộc thăm viếng mục vụ.

Việc ngài yêu thương giới trẻ đã khiến ngài khởi xướng Ngày Giới Trẻ Thế Giới, triệu tập cả hằng triệu giời trẻ ở các phần đất khác nhau trên thế giới.

Ngài đã phát động một cách hiệu quả vấn đề đối thoại với những người Do Thái cũng như với những vị đại diện các tôn giáo khác, triệu tập họ mấy lần đến các cuộc gặp gỡ nguyện cầu cho hòa bình, nhất là ở Assisi.

Ngài đã nới rộng Hồng Y Đoàn, khi thiết lập tất cả 231 vị hồng y (chưa kể 1 ‘còn giữ kín’). Ngài đã triệu tập 15 Thượng Hội Giám Mục, 7 thường lệ và 8 đặc biệt. Ngài đã thiết lập nhiều giáo phận, và các chia giáo phận nhất là ở Đông Âu.

Ngài đã canh tân Bộ Giáo Luật Tây và Đông phương, và đã thiết lập thêm 9 cơ cấu cùng tái tổ chức lại Giáo Triều Rôma.

Với vai trò tư tế “sacerdos magnus”, ngài đã thi hành thừa tác vụ phụng vụ ở Giáo Phận Rôma cũng như trên toàn thế giới, hoàn toàn trung thành với Công Đồng Chung Vaticanô II. Ngài đã phát động, một cách gương mẫu, đời sống phụng vụ và thiêng liêng cùng việc cầu nguyện chiêm niệm, nhất là việc tôn thờ Thánh Thể và cầu Kinh Mân Côi (x tông thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria"Rosarium Virginis Mariae").

Giáo Hội đã tiến vào ngàn năm thứ ba dưới sự lãnh đạo của ngài và đã cử hành Đại Năm Thánh 2000, theo những điều hướng dẫn được đề ra trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến "Tertio Millennio Adveniente." Thế rồi đối diện với thời đại mới Giáo Hội nhận được những điều hướng dẫn trong tông thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ "Novo Millennio Ineunte" là những gì tín hữu thấy được đường đi nước bước của mình trong tương lai.

Với Năm Thánh Cứu Chuộc, Năm Thánh Mẫu và Năm Thánh Thể, ngài đã phát động việc canh tân thiêng liêng của Giáo Hội. Ngài đã đẩy rất mạnh việc phong hiển thánh và á thánh, cho thấy vô số những gương thánh đức ngày nay là những gì phấn khích cho con người ở thời đại chúng ta đây. Ngài đã công bố Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Tiến Sĩ Giáo Hội.

Giáo huấn về tín lý của Đức Gioan Phaolô II rất ư là phong phú. Là người bảo quản kho tàng đức tin, với đức khôn ngoan và lòng can đảm, ngài đã làm hết sức để phổ biến tín lý về thần học, luân lý và tu đức Công giáo, cũng như trong suốt giáo triều của mình chống lại những khuynh hướng phản lại truyền thống đích thực của Giáo Hội.

Trong số những văn kiện chính của ngài có 14 thông điệp, 15 tông huấn, 11 tông hiến, 45 tông thư, không kể đến những bài giáo lý được ngài chia sẻ vào các buổi triều kiến chung và những bài diễn từ ngỏ khắp thế giới. Bằng giáo huấn của mình, Đức Gioan Phaolô II đã làm vững mạnh và soi động dân Chúa về tín lý thần học (nhất là nơi 3 thông điệp đầu tiên là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis”, Giầu Lòng Xót Thương “Dives in Misericordia” và Là Chúa và là Đấng Ban Sự Sống “Dominum et Vivificantem’), về nhân loại học và về các vấn đề xã hội (về Việc Làm của Con Người "Laborem Exercens," về Mối Quan Tâm Xã Hội của Giáo Hội "Sollicitudo Rei Socialis", và Bách Niên Thông Điệp Tân Sự của Đức Lêô XIII "Centesimus Annus"), về luân lý (Rạng Ngời Chân Lý "Veritatis Splendor" và Phúc Âm Sự Sống "Evangelium Vitae"), về đại kết (Xin Cho Họ Được Hiệp Nhất Nên Một “Ut Unum Sint”), về truyền giáo (Sứ Vụ của Chúa Cứu Thế "Redemptoris Mission"), và về thánh mẫu học (Mẹ Đấng Cứu Chuộc “Redemptoris Mater”).

Ngài đã ban hành cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, theo chiều hướng truyền thống và được giải thích một cách đích thực theo Công Đồng Chung Vaticanô II. Ngài cũng đã phát hành một số sách với tư cách là một Tiến Sĩ.

Giáo huấn của ngài đã đạt đến tuyệt đỉnh, trong Năm Thánh Thể, nơi Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể “Ecclesia de Eucharistia” cũng như nơi Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con “Mane Nobiscum Domine”.

Đức Gioan Phaolô đã lưu lại cho tất cả mọi người một chứng từ đáng khâm phục về lòng đạo đức, thánh thiện và tình cha chung.

 

(Chữ ký của những người chứng dự vào nghi thức đóng quan tài…)

CORPUS IOANNIS PAULI II P.M.
VIXIT ANNOS LXXXIV, MENSES X DIES XV
ECCLESIAE UNIVERSAE PRAEFUIT
ANNOS XXVI MENSES V DIES XVII

Semper in Christo vivas, Pater Sancte!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo bản dịch Anh ngữ của Zenit ngày 9/4/2005.


Trong số những vị chứng dự nghi thức đóng quan tài này, sau khi bỏ bản văn trên vào bên trọng (như hình đầu cho thấy) và che mặt của vị cố giáo hoàng bằng tấm khăn lụa trắng (như hình cuối cho thấy), có các vị hồng y Martinez Somalo, tổng quản Hội Thánh Rôma, Angelo Sodano, nguyên quốc vụ khanh tòa thánh, Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma, Francesco Marchisano, Đền Thờ Vatican, và các vị TGM Stanislaw Dziwisz, bí thư riêng của ĐTC và James Harvey, trưởng ban Giáo Hoàng Gia.

 

Giới Nhân Bản và Tôn Giáo ca tụng vị Giáo Hoàng của Nhân Quyền và Đại Kết

 

Bác sĩ Gian Luigi Gigli, chủ tịch Liên Hiệp Thế Giới Chu Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo FIAMC (World Federation of Catholic Medical Associations):

 

Hơn 26 năm, ngài đã dẫn Giáo Hội đi giữa các biến cố không những đánh dấu lịch sử thế giới mà còn có trách nhiệm về những biến đổi sâu xa về khoa học và về việc hành sự y khoa. Trong thời gian dài này, lời của Đức Giáo Hoàng đã soi sáng tâm trí của thành phần chuyên môn về sức khỏe cũng như của dân Chúa về những vấn đề liên quan tới sức khỏe, sự sống, tới việc chăm sóc sức khỏe, tới những khoa sinh y, khoa đạo lý sinh học, cũng như tới nghề nghiệp đối với các bác sĩ cũng như với những cán sự chăm sóc sức khỏe khác….

 

Chúng tôi cảm ơn về tính cách dồi dào nơi giáo huấn của ngài về những vấn đề liên quan tới nghề nghiệp của chúng tôi, bắt đầu từ “Salvifici Doloris”, văn kiện đầu tiên của giáo hoàng về giá trị đau khổ theo thần học, cũng như từ đại thông điệp Phúc Âm Sự Sống “Evangelium Vitae”, một đại hiến chương thực sự cho tất cả những ai muốn mang nghề nghiệp của mình ra phục vụ sự sống con người…

 

Chúng tôi cảm phục tình ngài yêu thương thành phần bệnh nhân ở nhiều cuộc gặp gỡ ngài thực hiện với bệnh nhân và người bị khuyết tật, cũng như ở những cuộc viếng thăm tại các Bệnh Viện ở Rôma cùng nhiều phần đất trên thế giới, bắt đầu vào ngày đầu tiên sau khi được bầu làm giáo hoàng, khi ngài rời Vatican để viếng thăm một người bạn của mình là Đức Ông Deskur, tại một bệnh viện ở Rôma.

 

Chúng tôi đã vui mừng nhận được tự sắc “Dolentium Hominum” là tự sắc từ đó, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, một hoạt động có cơ cấu và được điều hành đã bắt đầu trên bình diện quốc tế về ngành chăm sóc mục vụ sức khỏe, và tự sắc “Vitae Mysterium” là tự sắc nhờ đó Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống được thiết lập…

 

Đối với chúng tôi, trên hết, Đức Thánh Cha từng là một Bậc Thày dạy về đau khổ, từ những ngày có kẻ cố sát ngài vào năm 1981, lúc mà, cùng với rất nhiều người trên khắp thế giới, chúng tôi đã cầu nguyện xin Lòng Thương Xót Chúa và sự chuyển cầu của Mẹ Maria cứu mạng của ngài cho thiện ích của Giáo Hội, và tạ ơn Chúa, những lời nguyện cầu của chúng tôi đã được nhận lời.

 

Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục Cộng Đồng Âu Châu COMECE (Commission of the Bishops' Conferences of the European Community)

 

Âu Châu chịu ơn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về nhãn quan và việc thúc động của ngài. Là một người con của Balan, ngài đã trải qua những cảnh kinh hoàng của chiến tranh và cuộc chia rẽ đau thương sau đó của Âu Châu. Việc ngài dính dáng tới cuộc đấu tranh tận gốc rễ cho tự do thoát khỏi những thứ gông cùm của việc đàn áp đã là những gì ảnh hưởng tới vai trò giáo hoàng của ngài từ ban đầu. Ngài đã thấy trước được một thứ Âu Châu thắng vượt những chia rẽ của Cuộc Chiến Tranh lạnh. Hoàn toàn nhận ra được tầm quan trọng của tiến trình thống nhất Âu Châu, ngài thường bày tỏ lòng ước muốn thấy được tổ chức tự do này của các dân tộc và của các quốc gia đoàn kết, như đã đạt được nơi Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một ngày kia sẽ bao gồm cả những quốc gia thuộc Trung Âu và Đông Âu, nhờ đó, Âu Châu mới có thể chiếm được “chiều kích liên quan đến nó về địa dư và còn hơn thế nữa về lịch sử” (Diễn từ ngỏ cùng Quốc Hội Âu Châu, 1989)…

 

Đối với Đức Gioan Phaolô II, thứ đất mùn của nền văn minh Kitô giáo, một nền văn minh được giữ cho sống còn và được nuôi dưỡng bởi thành phần công dân Kitô giáo, là nguồn mạch cho những chọn lựa đáng giá đối với tổ chức về sự sống trong xã hội, đối với nhân phẩm, nhân quyền, công lý và hòa bình, cũng như đối với qui tắc về luật lệ. Ngài liên tục phấn khích người Âu Châu hãy nhận ra “Kitô giáo đã có thể cống hiến cho lục địa Âu Châu một sự nâng đỡ quyết liệt và chính yếu ra sao trong việc cải tiến và hy vọng, khi đề ra việc loan báo Chúa Kitô Cứu Thế bằng một nhiệt tình mới” (COMECE Plenary meeting in Rome, 2001). ...

 

Để giải quyết những thách đố xẩy ra cho xã hội Âu Châu cũng như cho Giáo Hội tại Âu Châu ở ngõ quanh của ngàn năm này, Ngài đã kêu gọi một cuộc Thượng Hội Giám Mục đặc biệt lần thứ hai. Tông Huấn “Giáo Hội tại Âu Châu – Ecclesia in Europa”, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ký ngày 28/6/2003 sau thượng nghị lần hai này, đã công bố Chúa Giêsu Kitô là niềm hy vọng thực sự và tối hậucho Âu Châu. Đây là lần đầu tiên ĐTC đã sử dụng cụm từ “Giáo Hội tại Âu Châu” ("Ecclesia in Europa," Nos. 45, 65, 69, 105), như là một chủ thể và là một tác nhân, để kêu gọi các Giáo Hội địa phương và Kitô hữu hãy suy nghĩ và hãy tác hành theo châu lục, vượt lên trên những giới hạn về biên cương bờ cõi và vươn đến những chân trời mới của cộng đồng. Những nỗ lực không ngừng của ngài trong việc tái thiết một Âu Châu được xây dựng bằng tình đoàn kết sẽ trở thành một di chúc sống động cho vai trò giáo hoàng của ngài.

 

Claudette Habesch, tổng bí thư của Caritas Jerusalem:

 

Đối với chúng ta, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một gương mẫu đặc biệt về những nhân đức vượt thời gian của Kitô giáo là đức tin, đức cậy và đức mến. Đức tin vững mạnh và bất khả chuyển lay của ngài nơi quyền năng của Thiên Chúa đã chạm tới đời sống của tất cả mọi người trên khắp thế giới; đức cậy trông liên lỉ của ngài cho một tương lai tốt đẹp hơn đối với tất cả mọi thành phần con cái Chúa, và đức mến bất tử của ngài đối với toàn thể thế giới, đã cống hiến cho tất cả chúng ta, những người được diễm phúc trở thành một phần trong thừa tác vụ thánh của ngài, một mô phạm cho hành động của Kitô hữu, một mô phạm nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thực sự diễm phúc.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua gương của mình, cho chúng ta thấy rằng Kitô hữu cần phải “bước đi, thậm chí như Người (Chúa Kitô) đã bước đi” (1Jn 2:6). Gương sáng liên lỉ của ngài, qua các hành động của ngài trong việc “bước đi một cách xứng đáng với ơn gọi anh em được kêu gọi, bằng tất cả tấm lòng khiêm hạ và dịu hiền” (Eph 4:1,2) là những gì đánh động tất cả chúng ta. Ngài đã quyết “bước đi theo đức tin” (2Cor 5:7) “trong ánh sáng” (1Jn 1:7), “trong yêu thương” (Eph 5:2), và “trong tinh thần” (Gal 5:16). Chớ gì tất cả chúng ta học lấy từ người đầy tớ đặc biệt này của Thiên Chúa để nhờ đó thế giới của chúng ta có thể trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người con cái của Thiên Chúa.

 

ĐTGM Anh Giáo ở Canterbury Rowan Williams:

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một vị lãnh đạo hiển nhiên thánh đức và là một người bạn thành tâm nguyện cầu của Giáo Hội Anh giáo. Sẽ có lúc vào những ngày tới đây cần phải thực hiện những việc đền đáp xứng đáng; giờ đây chúng ta nhớ đến đời sống và thừa tác vụ của ngài với lòng biết ơn và suy nghĩ nguyện cầu cho Giáo Hội đã được ngài dẫn dắt.

 

Anti-Defamation League:

 

Với vai trò làm Giáo Hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã cách mạng các mối liên hệ giữa Công giáo và Người Do Thái. Có thể nói rằng nhiều thay đổi tốt đẹp hơn đã diễn ra trong 27 năm làm giáo hoàng của ngài hơn gần 2 ngàn năm trước đó.

 

Một dấu chỉ nhỏ cho thấy việc thay đổi này đó là chương trình ADL được gọi là chương trình Làm Chứng Tư, một chương trình mà các thày cô của trường học Công giáo cả nước giành ra cả 1 tuần lễ ở Washington DC với ADL, TGP Washington và nhân viên Bảo Tàng Viện Sát Chủng để học hiểu về Nạn Bài Do Thái, Việc Sát Chủng, và Dân Do Thái. Chương trình này và nhiều những hoạt động liên tôn tuyệt vời khác không thể nào xẩy ra nếu không có sự đóng góp đáng kể của vị Giáo Hoàng đã mở đường cho rất nhiều người Công giáo nhìn những người Do Thái một cách hoàn toàn mới mẻ.

 

Vị Giáo Hoàng này đã làm điều ấy bằng ngòi bút và ngôn từ về sự dữ của nạn Bài Do Thái. Ngài đã làm điều ấy bằng việc viếng thăm hội đường Rôma, vị giáo hoàng đầu tiên làm như thế. Ngài đã làm điều ấy 10 năm trước bằng việc thực hiện liên hệ trọn vẹn với Nước Do Thái, và rồi đã làm cho mối liên hệ này gia tăng bằng cuộc viếng thăm Do Thái lịch sử của mình, bao gồm cả việc dừng lại cảm kích ở bức tường Phía Tây. Ngài đã làm điều ấy bằng việc ban hành một bản tường trình về Nạn Sát Chủng và nêu lên những vấn đề về trách nhiệm của người Kitô hữu…

 

Các thành quả của cuộc cách mạng đáng kể này đến từ đỉnh của Giáo Hội Công giáo là những gì quan trọng. Nói như thế không có nghĩa là tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết, còn xa lắm…

 

Thế nhưng, vì viễn ảnh này, vì việc hiểu biết thông cảm với thành phần khổ đau liên hệ tới tín lý Công giáo đối với người Do Thái, mà vị Giáo Hoàng này đã có được cái lăng kính giúp cho các vấn đề được nhìn xem một cách hoàn toàn khác hẳn.  

 

Đối với tất cả chúng ta là thành phần cảm ơn về việc đóng góp của vị Giáo Hoàng này thì cái thách đố là ở chỗ phải làm sao bảo đảm được rằng cái nhãn quan của ngài được tiếp tục âm dội và ăn sâu cắm rễ. Đó là điều đền trả hay nhất cho vị lãnh đạo tôn giáo ngoại lệ này.   

 

Tổng thư ký của Liên Hiệp Thế Giới Lutherô Ishmael Noko:

 

Cái chết của ĐGH Gioan Phaolô II đã chấm dứt chẳng những cuộc sống con người thực sự trổi vượt mà còn cả một giáo triều rất quan trọng của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở một giai đoạn quan trọng của lịch sử loài người.

 

Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng ở vào một thời điểm chế độ Cộng sản ở Đông Âu vẫn còn vững mạnh. Vai trò của ngài trong việc làm đổi thay đã có thể phá đổ Bức Màn Sắt và mở rộng các biên giới của Âu Châu vẫn còn là một đóng góp quan trọng vào lịch sử của miền này cũng như của thế giới.

 

Chủ trương bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II đã là những gì được đặt ra liên quan đến việc vị giáo hoàng này dấn thân cho phong trào đại kết. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng Giáo Hội Công Giáo Rôma suốt giáo triều của ngài đã đóng góp thật nhiều cho các tiến trình đại kết chính, nhất là cho cơ cấu của các cuộc đối thoại song phương về tín lý, những cuộc đối thoại được Giáo Hội Công Giáo Rôma mạnh mẽ cổ võ từ Công Đồng Chung Vaticanô II.  

 Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được nhớ đến vì ngài rất chú trọng tới những mối liên hệ riêng tư cũng như vì đời sống nội tâm sâu xa của ngài trong việc thi hành những trách nhiệm khủng khiếp. Trong việc ngài liên lỉ tìm kiếm những đường lối thích hợp nhất đối với một vị Giáo Hoàng Rôma để phục vụ mối hiệp nhất của giáo hội, Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Xin Cho Họ Được Hiệp Nhất Nên Một – Ut Unum Sint”, đã mời gọi các vị giám mục thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau trên thế giới hãy tham dự vào cuộc bàn luận xem để làm sao vai trò giáo hoàng có thể hoàn trọn một cách tốt đẹp nhất thừa tác vụ hiệp nhất Kitô giáo. Trong khi đối với nhiều giáo hội, chính định chế về vai trò giáo hoàng vượt ra ngoài những gì họ có thể chấp nhận nổi, thì nhiều Kitô hữu đồng thời cũng nhìn nhận là Đức Gioan Phaolô II thực sự là một mẫu gương cho một thứ thừa tác vụ mục vụ về sự hiệp nhất.

 

Đối với Liên Hiệp Thế Giới Lutherô, một liên hiệp đã từng tham dự vào cuộc đối thoại quốc tế về thần học với Giáo Hội Công Giáo Rôma từ năm 1967, mối liên hệ song phương này giữa hai cơ cấu giáo hội thế giới của chúng ta đã tiếp tục phát triển một cách tốt đẹp trong thời điểm giáo triều của Đức Gioan Phaolô II.  

 

Việc đạt tới được một “Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa”, và việc cử hành ký kết ở Augsburg, Đức quốc vào ngày 31/10/1999, cho thấy mốc điểm trong mối liên hệ này. Bản Tuyên Ngôn Chung ấy là những gì nói lên sự đồng ý với những sự thật căn bản liên quan tới tín lý của thánh kinh về vấn đề công chính hóa, một vấn đề thuộc lãnh vực chính yếu trong cuộc tranh luận vào thời điểm Cải Cách. Bản tuyên ngôn ấy là những gì tiêu biểu cho một cuộc vượt qua quan trọng về đại kết, vượt ngoài cả mối liên hệ song phương của đôi bên ký kết trực tiếp ở trong cuộc.    

 

Ở giai đoạn hiện nay của phong trào đại kết, không dễ gì thấy được sự tiến bộ trọng yếu nào hơn nữa có thể đạt được trên lãnh vực toàn cầu, cũng như những mối liên hệ hiệp thông có thể thiết lập giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và các giáo hội khác. Về lãnh vực này, Giáo Hội Công Giáo Rôma cần phải có những khởi động mới trong tương lai.

 

Từ đầu giáo triều của mình, Đức Gioan Phaolô II hết sức dấn thân cho các vấn đề về công bằng xã hội, và đã chủ động cổ võ việc được tự do thực hành công khai đức tin tôn giáo như là một quyền lợi căn bản của con người. Trong khi những thách đố về xã hội lớn lao của vấn đề toàn cầu hóa càng ngày càng trở nên rõ nét, Đức Gioan Phaolô II đã thích đáng cảnh giác thế giới về những hậu quả nguy hiểm của những thứ quyền lực thao túng thị trường.

 

Giáo triều của Đức Gioan Phaolô II đã là một giáo triều liên lỉ tìm kiếm những đường lối giúp cho Giáo Hội Công Giáo Rôma, ở các miền đất khác nhau trên thế giới, có thể giúp vào việc làm giảm bớt tình trạng khổ đau gây ra bởi việc đàn áp về chính trị và kinh tế, bởi việc kỳ thị và chủng tộc và xã hội, và bởi bần cùng, đói khát và bệnh tật. Ngài đã không bao giờ tỏ ra muốn tránh né những thách đố khó khăn và đầy nguy hiểm, thường là những gì phản nghịch lại với lời khuyên can từ thành phần tùy tùng của ngài. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ngài vẫn đích thân cố gắng giải quyết những xung khắc đặc biệt gây ra bởi những nguyên do tôn giáo. Thật vậy, vị giáo hoàng này đã tỏ ra rất quan tâm đến những thứ căng thẳng hiện nay trên thế giới là những gì được một số người cho là cuộc xung khắc giữa thế giới Hồi giáo Ả Rập và Tây phương Kitô giáo.   

  

Nhìn nhận rằng hòa bình chỉ có thể xẩy ra bằng đường lối theo chiều hướng đức tin, Đức Gioan Phaolô II mới có thể, bằng những cách thức không ai khác có thể làm nổi, qui tụ lại các vị lãnh đạo tôn giáo khác nhau để cùng nhau suy nghĩ và dấn thân nguyện cầu cho hòa bình, công khai chú trọng tới tình trạng khổ đau đang dằn vặt thế giới gây ra bởi các cuộc chiến tranh và vô vàn thứ xung đột. 

 

Tổng Thư Ký Hội Đồng Các Giáo Hội Trên Thế Giới Samuel Kobia

 

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một trong số những nhân vật nổi nang nhất trong những thập niên vừa rồi, với một ảnh hưởng vượt hẳn ra ngoài Giáo Hội Công Giáo Rôma và cộng đồng Kitô giáo thế giới. Trong giáo triều của ngài, Giáo Hội Công Giáo Rôma đã tỏ ra vững mạnh về ơn gọi toàn cầu của mình và kiên cường tình trạng liên kết nội tại của mình.   

 

Việc ngài dấn thân cho vấn đề công bằng và hòa giải xã hội, cho nhân quyền và phẩm giá của con người, cũng như cho mối hiệp nhất Kitô giáo và thông cảm liên tôn, là những gì được tri ân tưởng nhớ.

 

Trong nửa phần đầu giáo triều của mình, Đức Gioan Phaolô đã chú trọng tới tình hình của dân chúng sống dưới chế độ cộng sản. Bằng một thứ tổng hợp giữa việc ngoại giao âm thầm với việc mạnh mẽ lên án, ngài đã phát triển một thứ ‘Ostpolitik’ (chính sách cởi mở với cộng sản Đông Âu) có tính cách giáo hội và chính trị, và phấn khích những ai đấu tranh chống lại ý hệ Marxist, nhất là ở quê hương Balan của ngài.  

 

Trong giai đoạn này, việc ngài muốn chú trọng đến nhân quyền (nhất là theo thông điệp “Redemptor Hominis”) và tự do tôn giáo đã trở thành nền tảng vững mạnh gây nhức nhối cho ý hệ Marxist và chế độ cộng sản.

 

Trong nửa phần sau của giáo triều mình, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tìm cách thách đố những giá trị chi phối văn hóa Tây phương, tìm cách giải quyết những gì ngài thấy như là những chiều hướng bi quan nơi vấn đề tính dục của con người, và củng cố “nền văn hóa sự sống” trên và ngược lại với “nền văn hóa sự chết”. Điều này là những gì rõ ràng nhất nơi các bức thông điệp về xã hội khác nhau được ban hành trong thời của ngài – như thông điệp Việc Làm của Con Người "Laborem Exercens," Mối Quan Tâm Xã Hội của Giáo Hội "Solicitudo Rei Socialis" và Thông Điệp Tân Sự của Đức Lêô XIII Trăm Năm Sau "Centesimus Annus.". Bằng việc lập lại và phát triển tư tưởng về xã hội của Giáo Hội Công Giáo Rôma, ngài đã khơi động một cuộc đối thoại theo những cấu trúc và nền tảng thích hợp về sự sống của con người trong xã hội…

 

Đặc biệt được chú trọng đến nữa là việc ngài nỗ lực cống hiến một nhãn quan về sự hiệp nhất; bức thông điệp “Cho Họ Được Hiệp Nhất Nên Một – Ut Unum Sint” đã là nguồn minh thức và kinh nghiệm cho việc dấn thân của Giáo Hội Công Giáo Rôma trong phong trào đại kết, và đồng thời cũng cống hiến những suy tư trọng yếu về bản chất của việc đối thoại cũng như của mối hiệp nhất. Thật vậy, bức thông điệp này là những gì ngoại thường qua việc trích dẫn những bản tường trình từ phong trào đại kết bao rộng – đặc biệt là từ WCC Faith và Order Commission…

 

Những lời rao giảng và hoạt động mãnh liệt của ngài cho hòa bình, đặc biệt ở hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh cũng như ở cuộc xung đột giữa Palestine với Do Thái đã là những gì thật sự quan trọng. Bằng việc nâng cao mối quan tâm chung này của các giáo hội trên thế giới cũng như của phong trào đại kết nói chung, ngài đã làm vững mạnh tiếng nói của Kitô hữu khắp nơi đang hoạt động để thắng vượt tình trạng bất công và cổ võ hòa bình bền vững.

 

Giáo triều của Đức Gioan Phaolô II đã nối kết một cách can trường một giai đoạn có những thay đổi và biến đổi sâu xa trong giáo hội cũng như trên thế giới. Một kỷ nguyên mới và một thiên niên mới đã bắt đầu, thời điểm cần phải có những đáp ứng mới nơi Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng như nơi phong trào đại kết.

 

Giám đốc quốc gia John Smeaton Hội Bảo Vệ Trẻ Em Chưa Sinh SPUC (Society for the Protection of Unborn Children):

 

Chúng tôi quí trọng di sản của Đức Gioan Phaolô II lưu lại cho thế giới, một di sản được ngài nhấn mạnh đến là “Phúc Âm của tình Chúa yêu thương con người, Phúc Âm của phẩm giá con người và Phúc Âm của sự sống là một Phúc Âm duy nhất bất khả phân chia” (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống Evangelium Vitae, 2). Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người thiện tâm hãy tôn kính tưởng nhớ đến ngài bằng việc đáp ứng lời kêu gọi khẩn trương của ngài đối với “một cuộc động viên lương tâm con người và một nỗ lực liên kết về đạo lý để thực hiện một cuộc đại vận động cho việc ủng hộ sự sống” (cùng nguồn vừa dẫn, 95).

 

Đệ Nhất Hiệp Sĩ thuộc tổ chức Hiệp Sĩ Columbus Carl Anderson:

 

Có ít vị giáo hoàng trong 2000 năm lích sử của Giáo Hội Công giáo có được một ảnh hưởng quá vĩ đại trên Giáo Hội và trên thế giới nói chung như con người giờ đây chúng ta có thể thích đáng gọi là Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II….

 

Đức Gioan Phaolô II, vị thừa kế Thánh Phêrô làm đầu giáo hội hoàn vũ, đã làm cho Giáo Hội thực sự trở thành một Giáo Hội hoàn vũ, khi đi đến hầu như hết mọi quốc gia trên trái đất này, và tiến đến với 5 tỉ người của thế giới bằng những cách thức chưa từng có. Chúng ta hãnh diện được ở bên ngài, trong các cuộc du hành của ngài khắp thế giới, và là một tổ chức làm cho ngài có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tiến đến với hằng tỉ con người ta.

 

Nỗ lực phi thường của ngài tiến đến với dân chúng thuộc hết mọi tôn giáo đã thực hiện một trong những giáo huấn quan trọng nhất của Công Đồng Chung Vaticanô II và làm cho giáo huấn ấy sống động. Và những giáo huấn của ngài về phẩm giá con người cũng như về tính cách linh thánh của sự sống con người là những đóng góp khôn sánh cho thế giới tân tiến này, khi chúng ta thấy được những đường lối tán sát và tiêu diệt của thế kỷ 20 cần phải bị chúng ta vĩnh viễn loại trừ. Ngài thực sự là một Giáo Hoàng của Hòa Bình, vị đã dấn thân cho hòa bình không ai địch nổi trong thời đại của chúng ta đây.

 

Chúng ta thật sự là mất ngài. Thế nhưng Giáo Hội Công giáo – và thế giới – sẽ được lợi ích từ di sản của ngài giành cho các thế hế tương lai.

 

Đức Giám Mục William Skylstad giáo phận Spokane, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ:

 

“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiến vào chốn viên mãn sự sống đời đời, là dân đức tin, chúng ta cử hành cuộc sống thật là nổi bật của ngài…. Ở ngay cốt lõi đời mình, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một linh mục và là một vị mục tử.

 

Trong lời phát biểu của mình, vị giám mục chủ tịch này nhấn mạnh đến việc vị giáo hoàng vừa quá cố này đã đóng góp vào việc áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II; ảnh hưởng của ngài đối với sinh hoạt thế giới, bao gồm cả việc sụp đổ của Đông Âu; và những nỗ lực của ngài về vấn đề đại kết và liên tôn, nhất là về mối liên hệ giữa Giáo Hội Công giáo và những người Do Thái. Vị giám mục này cũng đề cao việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rao giảng về “tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống con người từ khi thụ thai đến khi tự nhiên qua đời”, việc ngài chống lại án tử hình, việc ngài bênh vực các quyền lợi của nhân công và người nghèo.

 

Vị giám mục gọi ngài là “tiếng nói cho thành phần không có tiếng nói và thành phần yếu thế” và là “người bạn của nhân loại”. Giám mục Skylstad ca ngợi vị giáo hoàng này như là “một vị đại sư phụ”, vị đã viết “một loạt ngoại thường các bức thông điệp”, và là vị đã chú trọng đến diễn tiến hình thành cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, vì quan tâm đến việc làm sao để “tất cả mọi người trong Giáo Hội có một kiến thức rõ ràng về đức tin”. Ngoài ra, vị giám mục chủ tịch này cũng không quên nhắc đến đức cố giáo hoàng đã chăm sóc giới trẻ cũng như giới già và bệnh nạn.

 

(Riêng nhận định cuối cùng này được lấy từ Zenit ngày 3/4/2005)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit, “Pope Recalled as a Man of Unity, Peace -- and More - Accolades From Lutherans, Anglicans, Jews and Others”, ngày 4/4/2005.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ