GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo”.
__________________
NGÀY 12 THỨ BA, NGÀY 5 TUẦN IX CẦU CHO ĐTC GPII |
Thánh Lễ thứ 3 trong tuần cửu nhật cầu cho
Cố Giáo Hoàng GPII: "Đó là thứ Giáo Hội ngài muốn và hôm nay đây ngài tiếp tục
xin chúng ta hãy trở nên và hãy sống"
Theo lịch trình tuần cửu nhật kể từ ngày an táng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Thứ Sáu 8/4/2005, hôm Chúa Nhật, vào lúc 5 giờ chiều, tại Đền Thờ Vatican, ĐHY
Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma đã chủ tế Thánh Lễ ‘novendiali’, với
nhiều vị hồng y, giám mục và linh mục đồng tế.
Trong bài giảng của mình, ngỏ lời cùng tín hữu thuộc giáo phận Rôma (vì thánh lễ
này là thánh lễ giành riêng cho họ), đã tự hỏi rằng làm sao Đức GPII đã có thể
“quá gần gũi với chúng ta và đã đi sâu vào lòng người dân Rôma như thế, cũng như
vào tâm hồn của người dân Ý cùng rất nhiều người dân trên thế giới. Câu trả lời
dễ dàng và đầy ý nghĩa đó là vì ngài đã và vẫn còn là một người anh và một người
cha đối với hết mọi người, vì ngài là một con người của Thiên Chúa, vì ngài đã
sống liên lỉ trước nhan Thiên Chúa, thân mật hiệp nhất với Ngài và hoàn toàn phó
mình cho tình thương vô biên của Ngài”.
Tuy nhiên, vị hồng y chủ tế nói tiếp, “sự gần gũi thân mật ngoại thường với
Thiên Chúa ấy vẫn không làm cho ngài tách biệt khỏi chúng ta… Trái lại, Đức GPII
thật sự là một con người, một con người hoàn toàn biết thưởng thức hương hoa của
đời sống, từ cái đẹp của nghệ thuật, của thi ca và của thiên nhiên, đến cái
tráng kiện của thể thao cũng như đến lòng can đảm trước những quyết định khó
khăn nhất.
Vị hồng y tổng quản giáo phẩn Rôma này đã nhắc lại việc đức cố GH đã viếng thăm
301 trong 333 giáo xứ ở Rôma, thánh lễ hằng năm cho sinh viên đại học ngay trước
Lễ Giáng Sinh, và cuộc gặp gỡ giới trẻ trước Chúa Nhật Lễ Lá. Vị hồng y này cũng
đề cập tới cả những phát động về mục vụ của ngài, như triệu tập công đồng giáo
phận năm 1986, và tổ chức Sứ Vụ Công Dân năm 1995 để sửa soạn cho Năm Thánh
2000.
“Đó là thứ Giáo Hội ngài muốn và hôm nay đây ngài tiếp tục xin chúng ta hãy trở
nên và hãy sống, chứ không phải là một Giáo Hội khép kín, một giáo hội nhút nhát
rụt rè, một giáo hội thiếu nhuệ khí; mà là một Giáo Hội bừng cháy tình yêu Chúa
Kitô cho phần rỗi của tất cả mọi con người nam nữ”.
Cách duy nhất để có thể tỏ ra gắn bó với vị GH này, vị hồng y khẳng định, “không
phải một cách cảm xúc hay nông nổi, mà là, mỗi người chúng ta và cả Giáo Hội
Rôma cùng với nhau, ở lại trong tình yêu Chúa, một tình yêu được nuôi dưỡng bằng
đức tin và vâng phục Ý muốn của Ngườii hằng ngày, nhất là lệnh truyền của Người
là các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con”.
Vị hồng y chủ tế tiếp “Đức Gioan Phaolô II, trong đau khổ và trong sự chết của
mình, cũng như trong đời sống của ngài, là một chứng nhân và là một người rao
giảng đặc biệt hiệu lực cho Chúa Giêsu Kitô tử giá và phục sinh, như hai Tông Đồ
Phêrô và Phaolô là những vị nhờ đó ngài có được một di sản Kitô giáo và nhân bản”.
“Khi chúng ta lập lại lòng tri ân cảm tạ của mình với Thiên Chúa về vì Giáo
Hoàng đã 26 năm bẻ bánh Thánh Thể với chúng ta và cho chúng ta, chúng ta cũng
cám ơn, tận đáy lòng mình, Giáo Hội chị em Krakow và toàn quốc Balan thân yêu là
nơi Karol Woytjla đã lãnh nhận sự sống, đức tin và kho tàng Kitô giáo và nhân
bản đáng ca tụng của ngài, những gì để rồi ngài đã cống hiến cho Rôma và toàn
thế giới”.
Thông Báo về cuộc Tổng Nghị Hồng Y
lần 7 liên quan tới việc thăm mộ đức cố Giáo Hoàng GPII
|
Thứ Hai 11/4, sau tổng nghị hồng y lần thứ 7,
vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh Joaquín Navarro-Valls đã phổ biến tin
tức cho phóng viên báo chí như sau:
“134 vị hồng y hiện diện, sau lời nguyện khai mạc và sau khi 3 vị hồng y mới tới
tuyên thệ, đã tiến đến việc chỉ định, bằng việc bỏ phiếu, 3 vị phụ tá mới để
cùng với vị hồng y tổng quản lập thành một Ban Đặc Biệt (cf. Universi Dominici
gregis, no 7). Ba vị mới được chỉ định này là ĐHY Angelo Sodano đặc trách Hàng
Giám Mục, ĐHY Polycarp Pengo đặc trách Hàng Linh Mục và ĐHY Walter Kasper đặc
tránh Hàng Phó Tế.
“Các vị hồng y khuyên những vị giám mục và linh mục của Giáo Hội hãy sử dụng
công thức Thánh Lễ ‘pro eligendo Summo Pontifice’ trong bản Latinh edizione
tipica của Sách Lễ Rôma. Theo chiều hướng này, các vị hồng y đã tha thiết lập
lại lời khuyên giục tất cả mọi thành phần Dân Chúa hãy hợp lời nguyện hơn nữa
trong những ngày sửa soạn cho cuộc Mật Nghị bầu giáo hoàng này để Thánh Thần
giúp đỡ cho các vị hồng y tuyển bầu.
“Một số vị hồng y sẽ chủ sự những buổi cầu nguyện đặc biệt và những cuộc cử hành
Thánh Thể ở các nhà thờ được chỉ định theo chức vị của mình ở Rôma.
“Tổng Nghị hồng y bắt đầu xét đến những tiêu xài cần phải thực hiện trong thời
gian trống ngôi giáo hoàng cũng như cứu xét đến thời điểm của các cuộc Tổng Nghị
hồng y từ nay trở đi được bắt đầu từ 9 giờ sáng.
“Tôi có thể thêm là Hang Động Vatican ở Vatican sẽ được mở ra cho tín hữu viếng
thăm bắt đầu từ Thứ Tư 13/4 vào lúc 7 giờ sáng.
“Thành phần ký giả muốn viếng thăm mộ của ĐTC GPII phải có mặt tại lối vào Tháp
Chuông ngày mai, Thứ Ba 12/4, lúc 3 giờ chiều.
“Các vị hồng y, sau khi cử hành Lễ Cappella Papale mai, sẽ xuống Hang Động
Vatican một chút để cầu nguyện trước mộ của Đức Gioan Phaolô II”
Trong vòng nửa tháng ở vào thời điểm giữa Mùa Xuân của Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong ba vị thụ khải là Nữ Tu Faustina cùng với hai anh em Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta. Nữ Tu Faustina được phong Thánh ngày 30-4, Chúa Nhật thứ hai sau Chúa Nhật Phục Sinh, vì Chúa Nhật này là ngày chính Chúa Giêsu muốn chị vận động để xin Giáo Hội lấy làm lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, một lễ đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên nhận trong bài giảng phong thánh cho chị như sau: “Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh này từ nay trở đi khắp Giáo Hội sẽ được gọi là ‘Chúa Nhật của Lòng Chúa Xót Thương’” (Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/5/2000, trang 1, đoạn 4). Còn hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta được ngài phong Á Thánh ngày 13-5, ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên (trong sáu lần từng tháng liền) 83 năm trước (1917) cũng là ngày kỷ niệm ngài bị ám sát chết hụt tại quảng trường Thánh Phêrô 19 năm trước (1981), ngày 18 năm trước (13/5/1982) ngài sang Fatima lần thứ nhất để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu sống Ngài, và là ngày 10 năm sau đó (13/5/1991) ngài lại sang Fatima lần thứ hai để tạ ơn Mẹ về ơn cứu mạng sống của Ngài cũng như Mẹ đã cứu Đông Âu khỏi nạn cộng sản (từ cuối năm 1989).
Việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đại diện Giáo Hội lấy thẩm quyền tối cao của mình để tôn phong ba vị thụ khải như thế không phải là một lần nữa đã mặc nhiên công nhận những mạc khải tư của các vị là thật, là do chính Chúa Giêsu hay Đức Mẹ thực sự hiện ra nói với các vị. Trong bài giảng phong Thánh cho Nữ Tu Faustina, chính ngài đã trích lại một số câu trong toàn bộ mạc khải tư của chị, chẳng hạn những câu sau đây: “Lòng Thương Xót Chúa chạm đến nhân loại nơi trái tim Chúa Kitô tử giá: ‘Hỡi con gái của Cha, con hãy nói đi Cha là hiện thân của tình yêu và của lòng thương xót’ (Diary trang 374), Chúa Giêsu xin Sơ Faustina”; “Chúa Giêsu nói với Sơ Faustina: ‘Nhân loại sẽ không tìm thấy bình an cho đến khi họ tin tưởng quay về với lòng Chúa xót thương’ (Diary, trang 132)” (Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/5/2000, trang 1, đoạn 2).
Nếu tất cả những gì Thánh Nữ Faustina viết trong cuốn Nhật Ký (Diary) của mình, như những lời được Đức Thánh Cha trích lại trên đây, thật sự là do Chúa Giêsu mạc khải tư cho chị, thì chúng ta phải hiểu sao về lời tiên báo sau đây trong cuốn “Lòng Chúa Thương Xót trong Hồn Tôi” (số 1732) của chị: “Khi tôi đang cầu nguyện thì tôi nghe thấy những lời của Chúa Giêsu như sau: ‘Cha đặc biệt yêu thương Balan, mà nếu Balan tuân theo ý muốn của Cha thì Cha sẽ nâng Balan lên trong quyền năng và thánh thiện. Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha (From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming)”. Phải chăng “tia sáng phát ra từ Balan” đây chính là Đức Gioan Phaolô II, một vị giáo hoàng xuất hiện (đúng là “phát ra” bất ngờ) từ một thế giới cộng sản, vị Giáo Hoàng đã mở màn Giáo Triều của mình bằng bức thông điệp ban hành ngày 4/3/1979 mang tựa đề: Redemptor Hominis, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, trong đó, ngay ở đoạn mở đầu, ngài đã đề cập đến “năm 2000”, nhất là đến việc “chúng ta, một cách nào đó, đang ở trong một mùa vọng mới, một mùa đợi trông… mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và sẽ đến”, một thời điểm đã được ngài nói rõ hơn tại Lebanon ngày 11/5/1997: “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa mà Người đã loan báo (We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed)” (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).
Liên quan đến vấn đề “lần đến cuối cùng của Cha”, cũng trong cùng đoạn mạc khải được Đức Thánh Cha trích dẫn trên đây, Chúa Giêsu còn tỏ cho Thánh Nữ Faustina như thế này: “Trước khi Cha đến như một Quan Án công minh, thì Cha đến như Đức Vua của Tình Thương. Trước ngày công thẳng, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này: Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bầu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế sẽ phát ra những ánh sáng cả thể chiếu soi mặt đất trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không lâu trước ngày cùng tận” (đoạn 83).
Chưa hết, trước khi vị giáo hoàng xuất hiện như “một tia sáng phát ra từ Balan” này được sinh vào trần gian năm 1920, thì 3 năm trước đó, tức vào năm 1917, Bí Mật Fatima phần thứ ba cũng đã nói đến ngài rồi, qua hình ảnh được diễn tả là “một vị giám mục mặc áo trắng… ngã xuống đất, dường như chết trước một phát súng nổ (a bishop clothed in white… falls to the ground, apparently dead under a burst of gunfire”. Đức Hồng Y Angelo Sodano, đương kim Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, theo ý Đức Thánh Cha, đã chính thức tuyên bố một trong những chi tiết liên quan đến Bí Mật Fatima phần thứ ba này như thế vào chính ngày 13/5/2000, ngày hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta được phong Á Thánh. Đức Gioan Phaolô thực sự là vị Giám Mục Rôma mặc chiếc áo trắng đã bị ám sát hụt tại Công Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981.
Đối với việc thoát chết này nói chung và việc Nước Nga trở lại bằng việc giải thể cả lý thuyết lẫn chế độ Cộng Sản nói riêng, trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, (ấn bản Anh ngữ, xuất bản năm 1994, trang 130, 131-132), để trả lời cho câu hỏi “Thiên Chúa có nhúng tay vào việc sụp đổ của Cộng Sản hay không? Was God at Work in the Fall of Communism?”, Đức Thánh Cha đã qui hết mọi sự về cho Mẹ Fatima như sau: “Chúng ta phải nói sao về 3 trẻ ở Fatima, những em nhỏ, ngay trước cuộc bùng nổ của Cách Mạng Tháng Mười, đột nhiên nghe thấy rằng: ‘Nước Nga sẽ trở lại’ và ‘Cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ thắng’…? Chúng không thể nào tạo ra những lời tiên đoán này. Chúng không biết đầy đủ về lịch sử hay địa dư, cũng không biết về những biến chuyển trong xã hội cũng như những phát triển về ý thức hệ. Thế mà, việc đã xẩy ra đúng như chúng đã nói. Có thể đây cũng là lý do tại sao mà một vị Giáo Hoàng từ ‘một xứ sở xa xôi’ đã được kêu gọi đến, đó có thể là lý do tại sao cần phải có một cuộc cố sát xẩy ra tại Công Trường Thánh Phêrô ngay vào ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm biến cố hiện ra lần thứ nhất ở Fatima – để tất cả mọi sự được trở nên thông suốt và thấu đáo, nhờ đó tiếng của Thiên Chúa nói trong lịch sử loài người qua những ‘dấu chỉ thời đại’ có thể dễ nghe và dễ hiểu hơn”.
Người ta hay nói đến Bí Mật Fatima Thứ Ba. Thế nhưng, thực ra chỉ có một Bí Mật Fatima duy nhất mà thôi, song bí mật này đúng như chị Lucia, ở đầu phần ba (trong bốn phần) thuộc cuốn Hồi Ký của mình, đã viết: “Bí mật này được làm nên bởi ba phần riêng biệt” (the secret is made up of three distinct parts). Và chị đã tiết lộ hai phần đầu trong phần Hồi Ký thứ ba: “Giờ đây con sẽ tiết lộ hai trong ba phần này ra. Phần thứ nhất là thị kiến hỏa ngục... Phần thứ hai liên quan đến việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria”. Những gì còn lại trong phần thứ ba chưa được tiết lộ đây là gì, cũng theo nguồn tin trên, đức hồng y quốc vụ khanh nói phần bí mật này chứa đựng một “thị kiến tiên tri” giống như những thị kiến trong Thánh Kinh. Bởi thế, toàn thể bí mật sẽ được phổ biến sau khi Thánh Bộ Đức Tin hoàn tất việc “dẫn giải thích đáng” để làm cho tín hữu hiểu rõ hơn.
Trong cuốn “Fatima và Năm 2000” (Cao-Bùi 1997), để giải quyết vấn đề thứ ba (trong bảy vấn đề) là “Bí Mật Fatima thứ ba hay phần thứ ba của Bí Mật Fatima đã được tiết lộ chưa? Nếu chưa: tại sao? Nếu rồi: là gì?”, tôi đã trích lại những gì tôi viết trong cuốn Hận Thù Quyết Thắng” (Cao-Bùi 1996, trang 326) như sau: “Nếu quả thật phần thứ ba của Bí Mật Fatima đề cập đến ‘một trận quyết chiến’ thiêng liêng khốc liệt, liên quan đến chung phần rỗi các linh hồn và đến riêng số phận của Giáo Hội, (mà nước Bồ Đào Nha, cho dù ở trong khối Âu Châu đang lâm vào thời kỳ phá sản Kitô giáo, như Bí Mật Fatima kết thúc phần hai tiết lộ, ‘tín điều về đức tin luôn luôn được bảo trì’), thì chắc chắn vị giáo hoàng có liên hệ đến phần bí mật này (theo tôi nghĩ và viết ra trong cuốn ‘Fatima và Năm 2000’, trang 34, ‘là chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II’) được trời cao chỉ cho biết phải làm một việc gì đó. Biết đâu việc làm có tính cách hoàn vũ, liên quan đến lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như tổ chức Ngày Toàn Thể Giáo Hội Đền Tạ Trái Tim Mẹ, chính là việc vị Giáo Hoàng này làm để thực hiện và đáp ứng điều yêu cầu trong phần còn lại của Bí Mật Fatima thì sao?”
Như thế, quả thực đúng như nhan đề của một bài viết để kỷ niệm 20 năm giáo hoàng của ngài, được phổ biến trên Nguyệt San Hiệp Nhất, Cộng Đồng Công Giáo Giáo Phận Orange, tháng 11/1998, tôi đã cảm nghiệm thấy rằng “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại”. Phải chăng việc ngài cho phép tiết lộ phần thứ ba của Bí Mật Fatima, phần bí mật mà hai vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI không muốn tiết lộ, là những gì trong số “những điều sẽ được thể hiện hoàn toàn hơn vào năm 2000”, như ngài đã có ý định từ khi viết Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (ban hành ngày 10/11/1994), trong đó, ở đoạn 26, Đức Thánh Cha viết như sau: “Năm Thánh Mẫu 1986-1987 thực sự là một ngưỡng vọng về cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000 này, nó cũng chất chứa nhiều điều sẽ được thể hiện hoàn toàn hơn vào năm 2000”. Thế nhưng, nếu nhân loại vẫn mong muốn biết Bí Mật Fatima phần thứ ba nói gì, mà bây giờ đã thực sự biết được một phần nào rồi và sẽ biết được hết (có thể trong Năm Thánh 2000 này), thì họ phải làm gì, hay là chỉ biết cho thỏa mãn tính tò mò của mình vậy thôi, chứ không phải để biết xem trời cao muốn gì trong thời điểm của mình hầu kịp thời đáp ứng?!? (Để hiểu rõ hơn về Bí Mật Fatima 2 phần đầu và nguyên lời hồng y Sodano nói về Bí Mật Fatima phần 3, xin xem 2 bài phụ sau đây)
Bài nói của Đức Hồng Y Sodano về “Bí Mật Fatima” Thứ Ba
Theo tin tức phát ra từ Vatican ngày 13/5/2000 thì sáng nay, vào lúc kết thúc Thánh Lễ ở Đền Thánh Fatima, Bồ Đào Nha, Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng phong chân phước cho các trẻ mục đồng Giaxinta và Phanxicô, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã đọc một bài bằng tiếng Bồ Đào Nha có liên quan đến bí mật Fatima thứ ba. Bản văn từ đầu đến cuối như sau:
“Để kết thúc cuộc cử hành long trọng này, tôi cảm thấy buộc phải thay mặt cho tất cả mọi người hiện diện nơi đây để dâng lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dấu yêu của chúng ta những lời chúc mừng tận đáy lòng hướng về ngày sinh nhật 80 tuổi sắp đến của ngài, cũng như để cám ơn ngài về sứ vụ chăn dắt quan trọng của ngài cho lợi ích của toàn thể Hội Thánh Chúa.
“Trong dịp trọng đại ngài đến Fatima này, Đức Thánh Cha đã chỉ thị cho tôi việc công bố cho anh chị em biết. Như anh chị em đã rõ, mục đích của việc ngài viếng thăm Fatima là để phong chân phước cho hai ‘mục đồng nhỏ’. Tuy nhiên, ngài cũng muốn cuộc hành hương của ngài đây là một cử chỉ lập lại lòng ngài tri ân cảm tạ Đức Mẹ về việc Mẹ đã phù trì giáo triều của ngài trong những năm qua. Việc phù trì này của Mẹ dường như được dính liền với chi tiết được gọi là ‘phần thứ ba’ của bí mật Fatima.
“Bản văn này chất chứa một thị kiến tiên tri tương tự như những thị kiến trong Thánh Kinh, những thị kiến ấy không diễn tả những chi tiết về các biến cố tương lai bằng hình ảnh rõ ràng, mà là tổng hợp và tóm gọn các biến cố có cùng một bối cảnh, những biến cố trải rộng qua một thời gian liên tục và kéo dài không được xác định. Bởi thế, bản văn ấy cần phải được giải thích bằng một mấu chốt biểu tượng.
“Thị kiến Fatima này trước hết liên quan đến cuộc chiến gây ra bởi chế độ vô thần chống lại Giáo Hội cũng như thành phần Kitô hữu, thị kiến cũng diễn tả cho thấy cuộc khổ đau khôn xiết của các chứng nhân đức tin trong thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai. Đó là một Con Đường Thập Giá gian nan khốn khó mà các Vị Giáo Hoàng của thế kỷ 20 phải trải qua.
“Theo ‘các mục đồng nhỏ’ giải thích, mới đây cũng đã được Nữ Tu Lucia xác nhận, thì vị ‘giám mục mặc áo trắng’, vị đang cầu nguyện cho tất cả mọi tín hữu là Đức Giáo Hoàng. Khi ngài đang tìm hết cách tiến đến Cây Thập Giá ở giữa các thi thể của những vị tử đạo (là các vị giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân), thì ngài cũng bị ngã xuống đất như chết trước một phát súng nổ.
“Sau cuộc cố sát ngày 13/5/1981, Đức Thánh Cha đã thấy rõ là chính nhờ ‘bàn tay từ mẫu đã điều khiển lằn đạn’, mà ‘Vị Giáo Hoàng hấp hối’ đứng khựng lại ‘trước ngưỡng cửa tử thần’ (Pope John Paul II, Meditation with the Italian Bishops from the Policlinico Gemelli, Insegnamenti, vol. XVII/1, 1994, p.106). Trong dịp vị giám mục cai quản giáo phận Leiria-Fatima vào lúc ấy viếng thăm Rôma, Đức Giáo Hoàng đã quyết định đưa cho vị này viên đạn còn ở chiếc xe díp sau cuộc cố sát, để mang về giữ ở Đền Thánh. Theo ý vị giám mục này, viên đạn ấy sau đó đã được đặt ở triều thiên tượng Mẹ Fatima.
“Những biến cố liên tục trong năm 1989, cả ở Liên Bang Sô Viết cũng như ở một số quốc gia Đông Âu, đã dẫn đến việc sụp đổ của chế độ Cộng Sản, một chế độ cổ võ chủ nghĩa vô thần. Bởi thế Đức Thánh Cha cũng hết lòng tạ ơn Rất Thánh Trinh Nữ về điều này nữa. Tuy nhiên, ở những phần đất khác trên thế giới, những cuốc tấn công Giáo Hội cũng như thành phần Kitô hữu, cùng với gánh nặng khổ đau họ phải chịu, vẫn tiếp tục xẩy ra một cách thê thảm. Cho dù những biến cố được phần thứ ba của Bí Mật Fatima nói đến giờ đây dường như đã qua đi, nhưng lời Mẹ kêu gọi cải thiện và thống hối, được vang lên từ đầu thế kỷ 20, cho đến nay vẫn còn hợp thời và khẩn trương. ‘Đức Mẹ của sứ điệp này như đọc được các dấu chỉ thời đại – các dấu chỉ của thời đại chúng ta đây – bằng một cái nhìn hết sức sáng tỏ... Việc Rất Thánh Maria tha thiết kêu gọi thống hối không là gì khác ngoài việc Mẹ muốn tỏ ra mối quan tâm từ mẫu của mình đối với vận mệnh của gia đình nhân loại cần phải cải thiện và ơn tha thứ’.
“Để tín hữu có thể nhận lãnh sứ điệp của Mẹ Fatima ích lợi hơn, Đức Giáo Hoàng đã giao trách nhiệm cho Thánh Bộ Tín Lý về Đức Tin trong việc phổ biến phần thứ ba của bí mật này, sau khi thánh bộ ấy hoàn tất việc soạn thảo phần dẫn giải sứ điệp ấy cho thích đáng.
“Chúng ta hãy cám ơn Mẹ Fatima về việc Mẹ phù trợ. Chúng ta hãy ký thác Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba cho việc cầu bầu từ mẫu của Mẹ". (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch theo VIS 13/5/2000
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL