GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  

__________________

 NGÀY 13 THỨ TƯ,

NGÀY 6 TUẦN IX CẦU CHO ĐTC GPII

 

 

Thánh Lễ Thứ Tư trong Tuần Chín Cầu cho ĐTC GPII: “Nơi đây, Đức Gioan Phaolô II cũng đã theo Chúa cho đến cùng”

Theo lịch trình thì Thánh Lễ Thứ Tư này được cử hành vào Thứ Hai 11/4 tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 5 giờ chiều cho thành phần viên chức của các đền thờ chính ở Rôma.

Trong bài giảng bằng tiếng Ý của mình, ĐHY chủ tế Bernard Law ghi nhận rằng: “Ngôi đền thờ này, Đền Thờ Thánh Phêrô, ghi dấu vết địa điểm của cái chết và an táng của Con Người Đánh Cá. Nơi đây, trên ngọn đồi này, Thánh Phêrô đã theo Chúa cho đến cùng, và nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua, đã vào vinh quang thiên quốc. Nơi đây, Đức Gioan Phaolô II cũng đã theo Chúa cho đến cùng… Nơi đây, trong ngôi đền thờ này, thân thể của Đức Thánh Cha đang đợi chờ phục sinh, dù chúng ta đang nguyện cầu để linh hồn của ngài được hoan hưởng sự nghỉ ngơi đời đời của thành phần thánh nhân.

“Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành ghi dấu chôn táng của sáng lập thứ hai của một tân Rôma, một Rôma được xây dựng trên máu các vị tử đạo. Con tim truyền giáo của Thánh Phaolô đã thúc đẩy ngài không ngừng rao giảng cho tất cả mọi dân tộc. Không ai bằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, theo gương Thánh Phaolô, ngài đã đi đến tận cùng trái đất để rao giảng Chúa Giêsu Kitô, Chúa Kitô chịu đóng đanh”. Vị hồng y chủ tế này còn ghi nhận rằng Đền Thờ Thánh Phaolô này còn là “nơi Đức Thánh Cha của chúng ta giảng dạy về mối hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, nơi đặc biệt của việc ngài dấn thân đại kết”.

“Đền thờ Thánh Gioan Latêranô là vương cung thánh đường của giáo hội Rôma”, giáo hội của vị giám mục Rôma là Đức Giáo Hoàng. “Trong những ngày vừa rồi, chúng ta đã thấy, rất là xúc động, chứng từ cảm kích nhất về lòng yêu mến của tín hữu giành cho vị mục tử của mình là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Một tình yêu vị Giáo Hoàng này đã nhận được gấp trăm”.

“Lần cuối cùng Đức Thánh Cha viếng thăm đền thờ Đức Bà Cả xẩy ra trong lần cử hành Lễ Thánh Thể năm vừa rồi, khi ngài đi theo đoàn kiệu Thánh Thể từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả”.

“Những ngày không thể ngờ được vừa rồi, đức tin và đức cậy của chúng ta được củng cố khi thấy một Karol Wojtyla trẻ trung phản ảnh trên gương mặt của hằng triệu phái đoàn hành hương trẻ từ Ý, Balan và vô số các quốc gia khác mà đến. Những năm trẻ trung nhất (của vì Giáo Hoàng này), khi tình ngài yêu thương nhân loại thắp lên ngọn lửa Thánh Linh nơi rất nhiều người, nhất là nơi những ai còn trẻ. Chúng ta cũng thấy điều ấy nơi những năm cuối đời của ngài, những năm gia tăng tình trạng yếu dần khi trong nỗi yếu đuối này Người được mạnh sức trong Chúa”.

ĐHY Law đã kết thúc bài giảng của mình bằng cách hướng về Thánh Stanislaw, “một đại giám mục ở Krakow, vị vào chính ngày này năm 1079, bị sát hại trong khi cử hành Thánh Lễ ở nhà thờ Thánh Michael. Mộ của ngài ở trong vương cung thánh đường Krakow và gần nơi ngôi mộ này Karol Wojtyla đã được tấn phong lên hàng giáo phẩm. Hôm nay phụng vụ tưởng kính Thánh Stanislaw, lòng chúng tahướng về Cha Stanislaw, TGM Dziwisz, vị thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II cả 4 thập niên, chúc cha trong lúc rất đau buồn này một ngày quan thày tốt đẹp”.


Tổng Nghị Hồng Y lần 8: về tình hình Giáo Hội hiện nay và niêm phong tư phòng của vị cố giáo hoàng

Thứ Ba 12/4, sau Tổng Hội Hồng Y lần thứ 8, vị giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh là Joáquin Navarro-Valls đã phổ biến tin tức cho thành phần ký giả phóng viên báo chí như sau:

“Tổng Nghị Hồng Y lần 8 được bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng hôm nay ở Sảnh Đường New Synod. Có 137 vị hồng y tham dự.

“Sau kinh khai mạc và việc tuyện thệ của ĐHY Jean Margeot vừa đến hôm nay, một vài quyết định đã được đả thông về vấn đề chi phí trong thời gian trống ngôi giáo hoàng, cũng như những ấn định về việc chuyên chở khứ hồi các vị hồng y từ Nhà Thánh Matta đến Nguyện Đường Sistine.

“ĐHY Sergio Sebastiani đã cho các vị hồng y biết về bản tường trình tài chính tổng kết của Tòa Thánh năm 2004, và về một số vấn đề đặc biệt liên quan tới ngân khoản được tóm kết cho năm 2005.

“Các vị hồng y đã bày tỏ một số quan tâm của mình về một số khoản trong Tông Hiến ‘Universi Dominici Gregis’.

“Các tham dự viên Tổng Nghị Hồng Y lần này bắt đầu trao đổi ý nghĩ của mình về tình hình chung của Giáo Hội trong thế giới và về Tòa Thánh.

“Sau khi ĐHY tổng quản báo cho Tổng Nghị về việc đóng hẳn tư phòng của vị cố giáo hoàng với ấn tín của văn phòng Apostolic Camera, cuộc họp đã kết thúc với lời nguyện Kinh Lạy Nữ Vương.

“Như đã được báo trước đây, sáng ngày mai, 13/4, vào lúc 10 giờ sáng, ở Sảnh Đường Phaolô VI, các vị hồng y sẽ tiếp nhận lời phân ưu của phái đoàn ngoại giao chư quốc với tòa thánh.

“Về việc viếng thăm các hang động Vatican là nơi sẽ được mở vào lúc 7 giờ sáng ngày mau, tín hữu được vào qua Đền Thờ Thánh Phêrô”.

 


Văn PhòngLễ Nghi Giáo Hoàng: về Phụng Vụ ngày khai mạc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng.


Văn Phòng Phụng Vụ Giáo Hoàng phổ biến thông báo về phụng vụ ngày khai mạc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng như sau:

Vào lúc 10 giờ sáng Thứ Hai, 18/4, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐHY Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, sẽ chủ tế một Thánh Lễ “cầu cho việc tuyển bầu vị Giáo Hoàng Rôma”, một thánh lễ cũng được các vị hồng y tuyển bầu đồng tế.

“Để toàn thể Giáo Hội hiệp thông nguyện cầu vào một thời điểm quan trọng như thế, các vị hồng y không hợp lệ tuyển bầu, các giám mục, các linh mục, các phó tế cùng các phần tử của hội dòng tận hiến và các hội sống đời tông đồ cũng được thiết tha mời đến tham dự vào việc cử hành này, cả thành phần tín hữu giáo dân thuộc toàn thể dân Chúa ở Rôma nữa”.

“Toàn thể Giáo Hội, hiệp nhất thiêng liêng với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, và được kêu gọi để kiên tâm nhất trí nguyện cầu theo gương của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, hãy dâng những lời nguyện cầu khiêm tốn và thiết tha lên Chúa, để xin Người hãy soi sáng trí lòng của các vị tuyển bầu và đưa các vị đến chỗ hợp nhau trong việc tuyển lựa được vị tân Giáo Hoàng một cách mau chóng và nhất loạt”.

Vào lúc 4 giờ 30 chiều Thứ Hai ngày 18/4, việc tiến vào mật nghị và tuyên thệ cho việc tuyển bầu tân Giáo Hoàng Rôma sẽ diễn ra đúng với những qui định được đặt ra trong Sắc Lệnh Về Nghi Thức Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng “Ordo Rituum Conclavis”. Các vị hồng y tuyển bầu, được dẫn đầu với Thánh Giá và Sách Phúc Âm, cũng như được phụ diễn bằng bài hát Kinh Cầu Các Thánh, sẽ tiến từ Sảnh Đường Chư Phúc đến Nguyện Đường Sistine là nơi, sau khi hát “Kinh Chúa Thánh Thần”, các vị bắt đầu lời tuyên thệ qui định.

Ngoài các vị hồng y tuyển bầu còn có những vị khác theo đoàn diễn hành này là vị bí thư của mật nghị, vị trưởng ban Lễ Nghi Giáo Hoàng, vị bí thư của hồng y trưởng, vị sẽ giảng suy niệm, các vị trưởng ban nghi thức, vị niên trưởng, các phục vụ viên và “Cappella Musicale Pontifícia”.

Vào lúc 4 giờ chiều, bản thông báo này kết thúc, những người sau đây có thể vào Nguyện Đường Sistine: đó là vị phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, vị thư ký văn phòng Liên Hệ Chư Quốc, vị trưởng ban Giáo Hoàng Gia, hai tu sĩ phụ trách phòng đồ thánh, những vị linh mục có trách nhiệm giải tội và vị lãnh đạo Vệ Binh Thụy Sĩ. Được phép vào còn có nhân viên thẩm quyển của Vệ Binh Thụy Sĩ, những vị thẩm quyền chăm sóc sức khỏe, văn phòng phụ trách cung cấp đồ dùng, các nhiếp ảnh gia, tờ L’Osservatore Romano, Trung Tâm Truyền Hình Vatican, và Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh.

 

 

ĐTC GPII: “Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y” và ước nguyện cuối cùng của ngài.

 

Có một chi tiết hay hay từ Vatican cho nguồn tin Zenit biết rằng, trong cuộc triều kiến với ĐTC của các vị Giám Mục Á Căn Đình thuộc nhóm thứ nhất hôm 12/2/2002, có vị đã nêu tên một hồng y xứng đáng kế vị giáo hoàng. ĐTC Gioan Phaolô II mỉm cười trả lời: “Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y”. Vậy ai sẽ là người thay ngài?
 

Sau Thánh Lễ An Táng vị cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, một lễ an táng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử loài người, cả thế giới bừng lên như một biến động để rồi đã lắng xuống âm thầm theo dõi tình hình xẩy ra trong tuần lễ trước mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng. Chắc chắn là hầu như ai cũng muốn biết được vị tân giáo hoàng có thể là đấng nào: trong Ý quốc hay là lại ngoài Ý quốc v.v. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn tiến lịch sử của Giáo Hội, (như ĐTC GPII đã cho biết sứ vụ của ngài là để áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II - đó là lý do ngài lấy tên Gioan Phaolô là vì giáo hoàng khai mạc và vị giáo hoàng hoàn tất công đồng này), chúng ta có thể mong đợi nơi vị tân giáo hoàng được Chúa sai đến vào thời điểm của Ngài để dẫn dắt Giáo Hội hiện thế cho tới khi Người lại đến. Muốn thế, chúng ta có thể căn cứ vào những gì đã được vị cố giáo hoàng hoàn tất và những gì còn dang dở như sau.

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Những gì đã hoàn tất và những gì còn dang dở… cho vị tân giáo hoàng

Trước hết, những gì đã được ĐTC GPII hoàn tất hết sức tốt đẹp đó là:

1.     Ban hành Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis ngày 4/3/1979, một thông điệp gồm tóm đường hướng của giáo triều của ngài;


2.     Tông du Balan lần nhất 2-10/6/1979, chuyến tông du quyết liệt cho Khối Công Đoàn Liên Đới quyết liệt tranh đấu bất bạo động cho tới biến cố sụp đổ của Cộng Sản Đông Âu 10 năm sau;


3.     Truyền bá Thần Học Thân Thể (theology of body) qua loạt bài giáo lý đầu tiên trong giáo triều của ngài, về tình yêu và trách nhiệm liên quan đến hôn nhân Kitô giáo, loạt bài kéo dài 5 năm trời, từ ngày 5/9/1979 đến 21/11/1984;


4.     Ban hành Bộ Tân Giáo Luật ngày 25/1/1983;


5.     Mừng Năm Thánh Cứu Chuộc từ ngày 25/3/1983-25/3/1984;


6.     Hiến Dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày kết thúc Năm Cứu Chuộc 25/3/1984, một biến cố đã làm cho Nước Nga trở lại ngày 25/12/1991;


7.     Lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào Chúa Nhật Lễ Lá năm 1985;


8.     Thành lập Tổ Chức Phát Triển Các Dân Tộc Populorum Progressio Foundation đặc trách Các Dân Bản Xứ ở Mỹ Châu Latinh vào Tháng 2/ 1992;


9.     Ban hành Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ngày 11/10/1992;


10.     Lập Ngày Thế Giới Bệnh Nhân vào Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2 hằng năm từ năm 1993;


11.     Lập Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Xã Hội Học 1/1/1994;


12.     Lập Giáo Hoàng Học Viện đặc trách Sự Sống 11/2/1994;


13.     Ban hành Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis ngày 22/5/1994 dứt khoát không có vấn đề linh mục nữ;


14.     Vận động thành công trong việc ngăn chặn trào lưu văn hóa sự chết tại Hội Nghị Dân Số Cairô 1994;


15.     Ban hành Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống ngày 25/3/1995 để chống lại văn hóa sự chết và chính thức lấy quyền tối cao của mình để lên án vấn đề phá thai và triệt sinh an tử;


16.     Mừng Đại Năm Thánh 2000 từ Lễ Giáng Sinh 25/12/1999 đến Lễ Hiển Linh 1/6/2001;


17.     Lập Lễ Kính Chúa Tình Thương ngày 30/4/2000, dịp phong thánh cho nữ tu Faustina;


18.     Cử Hành Ngày Xin Lỗi “Day of Pardon”, Chúa Nhật I Mùa Chay 12/3/2000, chính thức thay mặt Giáo Hội lên tiếng xin lỗi những lỗi lầm của con cái Giáo Hội;


19.     Tổ chức Ngày Liên Tôn Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới ở Assisi ngày 24/1/2002;


20.     Mở Năm Mân Côi từ ngày 16/10/2002 đến 19/10/2003, với Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, ban hành vào đúng ngày ngài được bầu làm giáo hoàng 24 năm trước, trong đó ngài thêm 5 mầu nhiệm ánh sáng cho Kinh Mân Côi trọn vẹn là tóm lược Phúc Âm;


21.     Tái ấn định một số vấn đề cần phải tuân giữ hay tránh lánh liên quan đến Bí Tích Cực Linh, qua Bản Hướng Dẫn của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích ban hành ngày 23/4/2004;


22.     Mở Năm Thánh Thể từ ngày 10/10/2004 đến 29/10/2005, để đem Giáo Hội, nhờ Mẹ Maria qua Năm Mân Côi, trở về với Nguồn Sống Thần Linh của mình là Thánh Thể, theo chiều hướng “duc in altum”.
 

Những gì còn dở dang:

1.     Chưa viếng thăm Iraq, vùng Đất Thánh của Cựu Ước liên quan đến tổ phụ Abraham, nơi Ngài mong đến như ngài diễn tả trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến ở khoản số 24 song đã hụt đến trong Năm Thánh 2000;


2.     Chưa viếng thăm Nga Sô, theo lời mời của Tổng Thống Putin hai lần;


3.     Chưa viếng thăm h
ết các giáo xứ Rôma, nơi ngài làm giám mục, (ngài mới thăm 301 trong 325 giáo xứ);


4.     Chưa hết Năm Thánh Thể, mới được một nửa năm;


5.     Chưa đến với  Ngày Giới Trẻ Thế Giới 20 tại Cologne Đức Quốc vào Tháng 8/2005, với chủ đề “Chúng tôi đến triều bái Người”;


6.     Chưa chủ sự Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI 2-29/10/2005 về
chủ đề Thánh Thể để kết Năm Thánh Thể;


7.     Chưa xong loạt bài Giáo Lý cầu nguyện bằng Thánh Vịnh bắt đầu từ ngày 28/3/2001, mới tới bài 131 cho Giờ Kinh Tối Thứ Sáu, tuần thứ hai trong 4 tuần Phụng Vụ Giờ Kinh, còn phải mất cả một năm nữa mới xong.

 

8.     Chưa đạt ước nguyện đại kết Kitô giáo, nhất là với Chính Thống giáo, vì theo ngài, Nhiệm Thể của Chúa Kitô cần phải được thở bằng cả hai buồng phổi.

 

9.     Chưa đạt ước nguyện đại kết liên tôn, nhất là với Do Thái giáo là thành phần Dân Chúa cần phải nhận biết Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai.

 

10.   Chưa thấy các quốc gia giầu thịnh tích cực đáp ứng lời đề nghị giảm nợ quốc tế, như ngài đề cập tới ở khoản số 51 trong Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba được ban hành ngày 10/11/1994.

 

11.   Chưa thấy Âu Châu hiệp nhất hay ít là thấy châu lục này công nhận căn tính Kitô giáo của họ trong bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu.

Tân Giáo Hoàng kế vị:

Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là “thả lưới ở chỗ nước sâu - duc in altum”, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như được đề cập tới trong Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt động, đau khổ nhiều hơn thành đạt.

 

Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem, thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có th đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo, theo lời nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô), vị giáo hoàng của Vườn Nhiệt (với những nhức nhối nội bộ) và của Khổ Nạn (gây ra bởi cả dân Chúa lẫn thế giới). Vị tân giáo hoàng có thể là vị hồng y trong mật nghị hồng y ngày 21/10/2003, một mật nghị chọn tuyển các tân hồng y sau khi ngài trả lời một vị giám mục Á Căn Đình ngày 12/2/2002 rằng "người kế vị ngài chưa làm hồng y".

 

Ước nguyện cuối cùng ĐTC GPII:

 

Suy đoán trên đây về vị tân giáo hoàng nội tâm hiệp nhất và khổ đau còn được dựa vào những gì được chất chứa nơi sứ điệp cuối cùng của ĐTC GPII đã dọn sẵn cho ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương 3/4/2005 để đọc vào giờ kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng sau Thánh Lễ Sáng tại Quảng Trường Thánh Phêrô, như mọi Chúa Nhật trong năm, và đây là sứ điệp cuối cùng từ một giáo triều trên 26 năm của vị giáo hoàng Lòng Thương Xót Chúa:


Anh Chị Em thân mến!


1.     Lời Alleluia Phục Sinh vui lên cũng âm vang vào ngày hôm nay nữa. Bài Phúc Âm của Thánh Gioan hôm nay nói lên rằng Đấng Phục Sinh, vào đêm hôm đó, đã hiện ra với các vị Tông Đồ và “đã tỏ cho các vị thấy đôi tay và cạnh sườn của Người” (Jn 20:20), tức là cho thấy những dấu hiệu của Cuộc Khổ Nạn đau thương còn hằn vết bất khả xóa mờ trên thân xác của Người cả sau khi Người Phục Sinh. Những thương tích hiển vinh này, những thương tích mà 8 ngày sau đó Người đã cho người tông đồ Tôma nghi ngờ chạm tới, đã cho thấy tình thương của Thiên Chúa “vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của mình” (Jn 3:16).


Mầu nhiệm yêu thương này là tâm điểm của phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật ‘in Albis’, được giành để tôn thờ Lòng Thương Xót Chúa.


2.     Chúa Kitô phục sinh đã hiến ban cho nhân loại, một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi, tặng ân tình ngài yêu thương, một tình yêu tha thứ, hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Đó là một tình yêu hoán cải tâm can và ban phát an bình. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!


Lạy Chúa, Đấng đã tỏ tình yêu thương của Chúa Cha qua Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa ra, chúng con tin tưởng vào Chúa và tin tưởng lập lại cùng Chúa hôm nay rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.


3.     Phụng vụ trọng thể của Lễ Truyền Tin là lễ sẽ được cử hành ngày mai, đưa chúng ta đến việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria. Nhờ Mẹ giúp đỡ, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của niềm vui phục sinh là niềm vui được căn cứ vào niềm tin tưởng rằng Đấng được Đức Trinh Nữ cưu mang trong lòng, Đấng đã khổ nạn và tử giá vì chúng ta, đã thực sự phục sinh. Alleluia Hãy Vui Lên

 

Tóm lại, theo người viết, di chúc hay ước nguyện cuối cùng ĐTC GPII, vị giáo hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis” (Thông Đi ệp mở màn cho giáo triều của ngài được ban hành vào Chúa Nhật I Mùa Chay ngày 4/3/1979) thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại,một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó làthế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể “chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa”, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờviệc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria”.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ