GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  

__________________

 NGÀY 14 THỨ NĂM,

NGÀY 7 TUẦN IX CẦU CHO ĐTC GPII

 

 

Tòa Thánh: Ngỏ Lời Cám Ơn và Phổ Biến Con Số Thống Kê liên quan đến biến cố của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Tối hôm Thứ Ba 12/4, vị giám đốc của văn phòng báo chí của tòa thánh là Joaquín Navarro-Valls đã phổ biến bản công báo sau đây:

“Chiều hôm nay, ĐTGM Leonardo Sandri, phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh đã tiếp ông Salvatore Festa, Trưởng Khu Cảnh Sát Ý đặc trách Quốc Đô Vatican.

“Vị phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh một lần nữa muốn cám ơn riêng ông Festa, và qua ông gửi lời cám ơn đến từng phần hành và nhân viên của Khu Vực của ông, về việc dấn thân phi thường của họ trong những ngày sau cái chết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, những ngày Vatican đã có một con số vượt bực thành phần tín hữu cũng như các vị thẩm quyền về dân sự lẫn tôn giáo.

“ĐTGM Sandri đã ca ngợi ý thức trách nhiệm cao độ của Nhân Viên An Ninh và việc không ngừng dấn thân của họ để bảo toàn cho giòng người hành hương được trật tự lớp lang, cũng như việc hợp tác tốt đẹp của họ với tất cả những lực lượng khác tham gia vào việc tổ chức biến cố ngoại thường này”.

Ngoài ra, sau khi thông tin về bản tường trình của vị giám đốc trên đây, VIS (Vatican Information Service) của Tòa Thánh cũng cho biết những con số thống kê cho thời khoảng 3-8/4/2005 liên quan tới số cơ quan truyền thông, đoàn người tham dự ở Rôma và thành phần tiếp đón do thành phố Rôma và Vatican phổ biến vào chiều hôm qua như sau:

Có trên 6000 phóng viên ký giả, bao gồm cả về báo chí lẫn truyền thông điện tử, được Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh và Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội chấp thuận… Trên 80 đài truyền hình được nối kết qua Mondovision và 137 hệ thống truyền hình ở 81 quốc gia quay chiếu lễ an táng và các sinh hoạt liên hệ đến cuộc lễ.

Mạng điện toán toàn cầu của Vatican tường trình là có đến 1.300.000 ghé thăm để tìm coi về Lễ an táng, có lúc đã lên đến 54 ngàn người vào cùng một lúc và chiếm cả 9 gigabyte mỗi giây đồng hồ.

Về Thánh Lễ An Táng có 157 vị hồng y đồng tế; 700 tổng giám mục và giám mục hiện diện, cũng như 3000 linh mục có mặt trong số đó có 300 vị cho rước lễ. Có 169 phái đoàn đại biểu hay đại diện của 23 Giáo Hội Chính Thống, các phái đoàn đại biểu Do Thái giáo và 17 phái đoàn đại biểu thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo cũng như các tổ chức về đối thoại liên tôn.

Trong số những con số thống kê được phổ biến hôm nay là những con số từ tổ chức Bảo Vệ Dân Sự Ý và thành phố Rôma: trên 3 triệu người hành hương đến Rôma; 21 ngàn người mỗi giờ tiến vào Đền Thờ Thánh Phêrô; thời giờ chờ đợi trung bình 13 tiếng đồng hồ và lâu nhất là 24 tiếng; vào ngày lễ an táng, có 500.000 người tại Quảng Trường Thánh Phêrô và tại con đường nối thẳng vào quảng trường này, Via della Conciliazione; 600.000 người ở các vùng có những đại màn ảnh truyền hình; có 400 người khuyết tật được ở gần bàn thờ.

Nhân viên tham gia việc giúp đỡ những người hành hướng gồm có 8.000 tình nguyện viên; 2.000 Hướng Đạo viên; 11.900 nhân viên an ninh; 1.000 nhân viên cứu hỏa; 6 trực thăng, 400 binh sĩ; 2.700 cảnh sát đô thị; 7.000 người từ guồng máy Đường Rầy Xe Lửa Quốc Gia; có 4 vị quản đốc đặc trách các vụ thảm họa cùng với hơn 20.000 nhân viên thành phố và tình nguyện viên dân sự của thành phố cộng tác giúp đỡ thành phần được kể trên.

Các con số thống kê khác là có 1.000 chuyến xe lửa cho 8.000 người du hành; 6 chuyến đặc biệt từ Balan cho 5.000 người; các chuyến xe lửa chở tổng số là 800.000 người; có 29 đại màn ảnh truyền hình ở rải rắc khắp Rôma; có 3.000.000 chai nước lạnh được phân phối; có 3.600 phòng vệ sinh hóa chất; có 21 đơn vị y tế lưu động và 100 xe cứu thương hỗ trợ các cơ quan ý tế đã sẵn có ở Rôma; có 1.150 lều được dựng lên ở Tor Vergata University cho 8.000 người; có 8 nhà bếp lộ thiên, 400 vòi nước; có 5.000 chiếc giường được bày ra ở những vùng đất ở Rôma.

Trung Tâm Điện Thoại ở Rôma thường nhận được 8.000 cú mỗi ngày bấy giờ lên đến 20.000 cú mỗi ngày và các nhân viên ở trung tâm này nói tiếng Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Trung Hoa và Ả Rập.

Có 400.000 tờ phổ biến, được viết bằng Ý và Anh ngữ, được phân phối cho khách hành hương về các chi tiết cần thiết cho việc chuyên chở, cho các địa điểm của những đền thờ và những nơi có đại màn ảnh truyền hình v.v.

Bản công báo cũng ghi nhận rằng vào sáng Chúa Nhật ớ, buổi sáng sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, ‘thành phố đã bừng lên với 3.500 bảng hiệu, và 2 giải biểu ngữ dài 22 rộng 10 thước mỗi giải, ở cả hai bên bờ sông Tiber, với hàng chữ ‘Tạ Ơn – Rôma khóc thương và tiễn biệt vị Giáo Hoàng của mình’.


Hồng Y Đoàn tiếp nhận lời phân ưu của Ngoại Giao Đoàn với Tòa Thánh
 

Thứ Tư 13/4/2005, tại Sảnh Đường Phaolô VI, ĐHY Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, đã đại diện các vị hồng y ngỏ lời cám ơn ông Giovanni Galassi, trưởng Ngoại Giao Đoàn, cũng như qúi vị lãnh sự về những lời phân ưu của họ về cái chết của Đức Gioan Phaolô II. Tòa Thánh đang có liên hệ ngoại giao với 174 quốc gia.

Vị hồng y đại diện xác nhận là Đức Gioan Phaolô II “đã hướng dẫn Giáo Hội trên 26 năm, làm sáng tỏ vấn đề, như đã được Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở, Giáo Hội là ‘một dấu hiệu và dụng cụ cho cả việc hiệp thông chặt chẽ với Thiên Chúa cũng như hiệp nhất với toàn thể nhân loại’. Ngài đã mang Giáo Hội tới niềm hy vọng đầy sức sống; ngài đã đưa Giáo Hội vào ngàn năm thứ ba, khi kêu mời Kitô hữu hãy mang Chúa Kitô cho thế giới cũng như kêu gọi tất cả mọi người thiện chí hãy sống tốt lành, an bình, đoàn kết và chia sẻ. Ngài đã mở lòng của con người, nhất là tâm hồn giới trẻ, để đón nhận sứ điệp của Tin Mừng.

“Chúng tôi đã thấy được những thành quả ấy trong những ngày này, khi mà vô số người đã đến kính viếng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng này đã hiến mình cho đến tận cùng sinh lực của mình trong việc loan báo Phúc Âm nơi tất cả mọi lục địa, nhất là trong nhiều cuộc hành trình của mình, những cuộc hành trình cho thấy gương mặt của một vị Giáo Hoàng giầu lòng xót thương, những cuộc hành trình dẫn đến Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân trần, những cuộc hành trình mời gọi hết mọi người hãy để cho Thánh Thần ngự trị trong họ”.

Vị hồng y này nói tiếp là nỗi buồn thương trong lúc này đây được pha lẫn với “niềm tri ân sâu xa đối với Thiên Chúa là Đấng đã ban cho chúng tôi một vị đại mục tử, cũng như với niềm cảm tạ thiết tha đối với Đức Gioan Phaolô II về những hành động và giáo huấn của ngài”.

“Quí vị đã từng là những chứng nhân đặc biệt thấy được các hoạt động của vị Giáo Hoàng này cũng như của Giáo Hội này trên khắp thế giới, cũng như thấy được việc phát triển của các mối liên hệ ngoại giao đã hơn gấp đôi vào giáo triều của ngài. Đã bao nhiêu lần Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên giục các quốc gia hãy tìm kiếm những giải pháp ôn hòa và theo đuổi việc đối thoại với nhau? Biết bao nhiêu lần ngài đã kêu gọi các vị lãnh đạo các quốc gia hãy chú trọng một cách cụ thể hơn nữa đến dân chúng được họ chăm sóc, nhất là thành phần yếu kém nhất, thành phần bé mọn nhất và thành phần bần cùng nhất? Biết bao nhiều lần ngài đã nhắc lại tính cách cao cả của sự sống con người?”

ĐHY Ratzinger nhắc đến vấn đề là làm thế nào để tất cả những huấn dụ của vị Giáo Hoàng này “vẫn còn âm vang đối với chúng ta ngày hôm nay đây như là một thôi thúc dấn thân cho con người, cho tất cả mọi người”. Những lời huấn dụ ấy tiêu biểu cho “một sứ điệp và một ơn gọi đối với chúng ta trong việc phục vụ hơn nữa cho hòa bình và tình đoàn kết giữa các cá nhân với nhau cũng như giữa các dân tộc với nhau, phục vụ tất cả mọi người thuộc mọi lục địa, để làm phát sinh ra một nhân loại hòa hợp hòa giải trong một thế giới mà tất cả mọi người đều được thông phần. Đó là đặc biệt những gì vị Giáo Hoàng này không ngừng nhắc nhở thành phần thẩm quyền dân sự cũng như các phần tử thuộc ngoại giao đoàn làm việc với Tòa Thánh vậy”.


Tổng Nghị Hồng Y lần 9: tiếp tục trao đổi ý nghĩ của mình về tình hình Giáo Hội và thế giới.
 

Hôm Thứ Tư 13/4, vào lúc kết thúc Tổng Nghị Hồng Y lần 9 trong giai đoạn trống ngôi giáo hoàng, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquín Navorro Valls đã phổ biến tin tức cho thành phần phóng viên báo chí như sau:

“Tổng Nghị Hồng Y lần 9 đưoọc bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng hôm nay ở Sảnh Đường New Synod với sự tham dự của 140 vị.

“Các vị hồng y đã bàn đến một số khoản của Chương IV trong Tông Hiến ‘Universi Dominici gregis’ (Chương về Các Năng Quyền của Những Phân Bộ của Tòa Thánh trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng).

“Tổng Nghị này tiếp tục trao đổi ý nghĩ của mình về tình hình Giáo Hội và thế giới.

“Các vị hồng y đã nhận lời phân ưu của ngoại giao đoàn làm việc với Tòa Thánh.

“Sau diễn từ của Lãnh Sự Giovanni Galassi thuộc Cộng Hòa San Marino, trưởng ngoại giao đoàn, ĐHY Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, đã ngỏ lời cám ơn những vị trưởng sứ vụ, xin họ hãy bày tỏ lòng biết ơn của Hồng Y Đoàn tới các vị thẩm quyền và nhân dân họ đại diện.

“Hợp với vị trưởng Hồng Y Đoàn, Joseph Ratzinger, để chào ngoại giao đoàn còn có ĐHY Eduardo Martinez Somalo, tổng quản Hội Thánh Rôma; phó hồng y đoàn, ĐHY Angelo Sodano; niên trưởng Hồng Y Hàng Linh Mục, ĐHY Eugenio de Araujo Sales, và ĐHY hàng phó tế Jorge Arturo Medina Estevez.

“Vào cuối cuộc Tổng Nghị Hồng Y thứ 9 sáng nay, các vị hồng y được trao cho một loạt các con tem ‘trống ngôi giáo hoàng’ do Văn Phòng Philatelic của Thành Vatican phát hành.

“Cuộc họp đã được kết thúc bằng kinh Lạy Nữ Vương”.

Cũng vào ngày hôm nay, Văn Phòng Lễ Nghi Giáo Hoàng đã cho biết vào ngày Thứ Sáu 15/4, các viên chức và phụ tá làm việc cho mật nghị hồng y sẽ phải tuyên thệ.


 

Tại Sao Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát?

Chúng ta đều biết rằng cái chết của ĐTC GPII là do bị bệnh, một bệnh tình bắt đầu bị suy kiệt từ khi ngài bị ám sát vào ngày 13/5/1981. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị một người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Agca ám sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô nhưng không chết, chỉ bị thương ở dạ dầy mà thôi. Về biến cố hay sự kiện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát, vấn đề cần được giải quyết ở đây là tại sao Ngài bị ám sát? Về lý do tại sao Ngài bị ám sát, cho tới nay, vẫn còn ở trong vòng bí mật, vì công lý, sau 25 năm, vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, dấu vết của lực lượng chủ mưu trong vụ này vẫn còn kín mít.

Trong Đại Năm Thánh 2000, ĐTC đã xin tổng thống Ý tha cho người sát hại Ngài, và Ali Agca sau 20 năm trong tù đã được Ý trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001, và tiếp tục ở tù ở quốc gia của mình vì tội sát hại một vị giám đốc nhật báo vào năm 1979. Ngày 24/5/2002, khi viếng thăm nước Bulgaria, ĐTC đã xác nhận là Ngài không bao giờ nghĩ đến chuyện “Bulgarian connection”, một vấn đề được tin tức tung ra từ tháng 9/1981 qua lời cung khai của Ali Agca. Sau cả trăm cuộc điều trần, Ali Agca thú nhận là vấn đề “móc nối với người Bulgaria” là chuyện anh ta bịa đặt, thế nhưng vào năm 1997 anh ta lại lập lại tư tưởng này.

Vấn đề tại sao Đức Thánh Gioan Phaolô II bị ám sát dù chưa tìm ra sự thật về khía cạnh kẻ chủ mưu, nhưng vẫn có thể được giải quyết về khía cạnh ngày giờ Ngài bị ám sát. Theo tôi, làm sáng tỏ vấn đề ngày giờ Ngài bị ám sát là có thể tìm ra căn nguyên tại sao Ngài bị ám sát. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Ngài lại bị ám sát vào ngày 13/5 mà không bị ám sát vào ngày nào khác? Phải chăng vì đó là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917? Nếu vậy thì việc Đức Thánh Cha bị ám sát có liên quan đến trời cao, nói cách khác, là vì trời cao muốn Ngài làm một việc gì đó…

Đúng thế, theo các văn bản được ghi lại từ thập niên 1940, (chứ không phải kiểu “tiên tri tri hậu”), ngoài ba Mệnh lệnh Fatima là cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Mẫu Tâm, thì điều được nhiều người biết đến nhất nơi Biến Cố Thánh Mẫu, điều mà người Công Giáo Việt Nam được nghe thấy từ trước năm 1975, đó là “cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng…. Nước Nga sẽ trở lại”. Thật ra, lời này là lời ở phần Bí Mật Fatima thứ hai, nguyên văn của lời nói có vẻ hay có tính cách tiên tri này như sau: “Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giữa sự kiện “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” và hiện tượng “Nước Nga trở lại” là cả một đường dài vô cùng khó khăn, ở chỗ điều kiện “Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga” cần phải thực hiện trước, bằng không, không bao giờ sẽ có chuyện lạ đời “Nước Nga trở lại”, một quốc gia đi tiên phong trong việc thiết lập chế độ cộng sản trong lịch sử loài người (từ 11/1917) và đã gieo rắc chủ nghĩa này khắp thế giới, đến nỗi, sau Thế Chiến Thứ Hai, thế giới đã trải qua một thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản, một cuộc chiến bất phân thắng bại giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Sô, một cuộc chiến tí nữa đã làm bùng lên một cuộc chiến tranh nóng, tức Thế Chiến Thứ Ba, vào đầu Tháng 10/1963, tức ngay trước khi Công Đồng Chung Vaticanô II khai mạc (11/10/1963), khi Liên Sô chĩa đầu đạn nguyên tử vào Hoa Kỳ ở Vịnh Cuba.

Để biết được cuộc hành trình khó khăn thế nào trong việc “Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga”, chúng ta hãy nghe chị Lucia, vào năm 1940, trong Thư gửi cho Cha Linh Hướng đề ngày 18/8, xác nhận như sau:

• "Con nghĩ rằng Chúa lấy làm hài lòng khi có ai cố gắng để làm cho Vị Đại Diện của Người trên thế gian làm hiện thực ý muốn của Người. Thế nhưng Đức Thánh Cha chưa làm điều này. Ngài hồ nghi về sự thật của nó và Ngài có lý của Người... Con rất thông cảm với với Đức Thánh Cha và con cầu nguyện rất nhiều cho Ngài” ("Documents on Fatima & the Memoirs of Sister Lucia", English Edition by Fatima Family Apostolate 1992, page 336).

Chị Lucia đã viết thư đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24/10/1940 về ý muốn của Thiên Chúa này… Thế rồi, kết quả là, 40 năm sau ý muốn của Thiên Chúa mới được thực sự và trọn vẹn hoàn tất. Các Đức Thánh Cha quả thực có thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, nhưng không hoàn toàn và trọn vẹn, như Đức Piô XII vào ngày 31/10/1942, dịp kỷ niệm Ngân Khánh 25 năm Biến Cố Fatima, và 7/7/1952, lễ hai thánh Cyrilô và Mêthôđiô, những vị tông đồ của sắc dân Slav là sắc dân bao gồm cả dân tộc Nga; Đức Phaolô VI vào ngày 21/11/1965 trước các nghị phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II; Đức Gioan Phaolô II vào ngày 13/5/1982 tại Fatima để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu mạng Ngài một năm trước, và ngày 25/3/1984 tại chính Giáo Đô Rôma.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là để các vị lãnh đạo Đức Tin Giáo Hội Chúa Kitô này thực hiện một điều theo mạc khải tư liên quan đến tình hình chính trị vô cùng tế nhị của thế giới này, trời cao đã phải chạm đến chính đời sống cá nhân của các vị, để các vị có thể nhận ra dấu chỉ thời đại. Chẳng hạn, sở dĩ Đức Thánh Cha Piô XII bắt đầu thực hiện cuộc hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một cuộc hiến dâng thế giới chứ không phải riêng Nước Nga, vào ngày 31/10/1942, một việc hiến dâng loài người đầu tiên cho Trái Tim Mẹ, Trời Cao đã cho Ngài thấy được đời sống cá nhân của Ngài có một liên hệ mật thiết với Biến Cố Thánh Mẫu Fatima. Đó là biến cố Ngài được thụ phong lên hàng giáo phẩm đã xẩy ra vào chính ngày giờ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917. Kể cả Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng thế, dù là một vị giáo hoàng rất tôn sùng Mẹ Maria, đến nỗi đã lấy khẩu hiệu “Tất cả của con là của Mẹ” và đã khắc chữ M hoa vào huy hiệu giáo hoàng của mình (một việc chưa từng có), song Ngài cũng đã phải được Trời Cao thúc động bằng chính viên đạn của Ali Agca vào chính ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima 13/5. Nhận ra dấu chỉ thời đại, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chẳng những đã thực hiện hoàn toàn và trọn vẹn những gì Chúa muốn, còn tiết lộ tất cả Bí Mật Fatima, tức phần thứ ba còn lại của bí mật này, phần mà trong khi chưa được tiết lộ nhiều người đã cho rằng liên quan đến Thế Chiến Thứ Ba hay đến tận thế, nhưng lại là phần Ngài cho rằng liên quan đến chính bản thân Ngài, Vị Giám Mục Rôma mặc áo trắng bị ám sát.

Như thế, chúng ta thấy, trong việc “Nước Nga trở lại” đúng như lời Mẹ Maria tiên báo ở Fatima ngày 13/7/1917, Thiên Chúa còn hiển nhiên thực hiện ý định của Ngài, ý định đã được Ngài tỏ cho thế giới biết qua Mẹ Maria cũng vào lần hiện ra này, đó là “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”. Ngài đã thiết lập bằng biến cố “Nước Nga trở lại” như thế nào, nếu không phải qua trung gian Giáo Hội, tức qua việc Đức Thánh Cha phải hợp cùng các giám mục trên thế giới “hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Thật vậy, trong Thư đề ngày 18/5/1936, chị Lucia đã viết cho cùng Cha Linh Hướng của chị về việc chị cảm thấy khó khăn trong vấn đề làm sao để Đức Thánh Cha tin tưởng mà làm theo ý muốn của Thiên Chúa, đến nổi chị đã đặt vấn đề thẳng với Chúa và được Người trả lời như sau:

• “Con đã thân tình nói với Chúa về vấn đề này, và cách đây không lâu con đã hỏi Người rằng tại sao Người không làm cho Nước Nga trở lại mà không cần đến việc Đức Thánh Cha phải hiến dâng? ‘Vì Cha muốn cho toàn thể Giáo Hội nhìn nhận rằng việc hiến dâng này là việc toàn thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để sau này Giáo Hội phổ biến lòng tôn sùng này và đặt lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria song song với lòng tôn sùng Thánh Tâm Cha” (cùng nguồn trích dẫn trên, trang 286).

Vậy vấn đề tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát đã được hoàn toàn sáng tỏ, dù chưa biết được lực lượng chủ mưu, hay không cần biết đến tay chủ mưu hay ý đồ chủ mưu, đó là vì Trời Cao muốn Ngài thực hiện ý định của mình khi thời điểm tới. Quả thực, sau biến cố hiến dâng vô cùng khó khăn này, Chúa đã thực hiện lời Người hứa là làm cho “Nước Nga trở lại”. Ở chỗ, ngay sau khi hàng giáo phẩm hiến dâng Nước Nga đúng một năm, vào tháng ba năm 1985, Gorbachev đã xuất hiện, một vị lãnh đạo trẻ nhất của Liên Bang Sô Viết, song cũng là một con người đã biến đổi cả Khối Cộng Sản Đông Âu lẫn Liên Bang Sô Viết. Khối Cộng Sản Đông Âu đã tự động theo nhau sụp đổ một cách bất ngờ và nhanh chóng vào cuối năm 1989, bắt đầu từ chính quên hương Balan của vị giáo hoàng Gioan Phaolô II, sau đó đến chính Nước Nga vào ngày vị lãnh đạo cuối cùng của khối này là Gorbachev chính thức từ chức vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991.

Thế nhưng, sau khi “Nước Nga trở lại”, phải chăng “thế giới đã được ban cho một thời gian hòa bình”, đúng như những gì Mẹ Maria đã tiết lộ trong Bí Mật Fatima, nhưng thời gian hòa bình này phải chăng chỉ kéo dài 10 năm, từ sau khi Nước Nga trở lại 25/12/1991 tới 11/9/2001, ngày Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công, và đã chẳng những tấn công khủng bố A Phú Hãn ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi 7/10/1991, mà còn tấn công giải giới Iraq vào ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2002?.....
 

Cho đến nay người ta vẫn cố gắng điều tra vụ ám sát ĐTC GPII, nhất là sau ngày ra mắt tác phẩm thứ 5 của ĐTC hôm 22/2/2005, ngày lễ ngai tòa thánh Phêrô, tác phẩm mang tựa đề “Hồi Niệm và Căn Tính”, trong đó, ở phần cuối, ĐTC có đề cập đến biến cố ngài bị ám sát.

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh còn nói: “Đức Giáo Hoàng tin rằng Ali Agca không hành động một cách tình cờ”. Theo vị giám đốc này thì ở lời kết, “tư ụkhi ở trong tù được nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, người ta thấy Ali Agca đã hoàn toàn bị ám ảnh ra sao với mầu nhiệm Fatima. Ở chỗ, anh ta không thể nào hiểu được có một cái gì đó đáng lẽ anh ta phải làm chủ về phương diện kỹ thuật trong cuộc tấn công Giáo Hoàng lại không xẩy ra như dự định. Ali Agca chỉ quan tâm tới những vấn đề về kỹ thuật mà thôi chứ không phải những vấn đề về luân lý”. Vị giám đốc này tiết lộ cho biết là kẻ ám sát này “không hề xin Đức Giáo Hoàng thứ tha”.

ĐHY Ratzinger đã cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói về Agca như là “nạn nhân của một thứ lý lẽ lỏng lẻo bất toàn xét về mọi khía cạnh. Anh ta là một người Hồi giáo, và có lẽ cũng vì thế mà anh ta đã rơi vào một cơn lốc sợ hãi làm cho anh ta không bao giờ thoát khỏi, vì anh ta tiếp tục tin rằng anh ta là một phần của điềm báo trong phần bí mật Fatima thứ ba. Thế nhưng, ngoài những suy đoán này ra, Agca đã không bao giờ tự hỏi mình về những gì anh ta làm, sự kiện rõ ràng về cuộc ám sát vị Giáo Hoàng này chưa hề làm cho anh ta cảm thấy phiền hà gì hết. Anh ta chỉ quan tâm có một điều duy nhất thực sự đó là anh ta đã bị hụt mất mục tiêu”.

Được các ký giả hỏi về việc có nhận được những bức thư của tay ám sát ĐTC hay chăng, ĐHY Ratzinger cho biết rằng ngài đã nhận được các bức thư của Mehmet Ali Agca:

“Anh ta cũng đã viết thư cho tôi mà nói rằng: ‘Xin nói cho tôi mầu nhiệm Fatima này là gì’. Ali Agca tin rằng nơi mầu nhiệm này anh ta sẽ tìm thấy câu giải đáp về kỹ thuật cho một mầu nhiệm không thể nào hiểu nổi, đó là cái lý do tại sao cuộc tấn công ĐGH không thành. Thế nhưng, như ai cũng đã quá biết, cái liên hệ duy nhất giữa Agca với Fatima là ngày 13/5, và những gì anh ta suy nghĩ chỉ hạn hẹp ở mức độ này thôi”.

Vào ngày 15/2, tức sau khi Nữ Tu Lucia, thụ khải Fatima cuối cùng qua đời 2 ngày, anh ta đã gửi cho một tờ nhật báo một bản văn mang tựa đề “Bức Thư Ngỏ với Vatican”. Trong bản văn này, anh ta bày tỏ niềm cảm thông với việc qua đời của vị nữ tu này, và nhấn mạnh rằng bí mật Fatima có liên quan đến ngày tận thế, và yêu cầu Vatican vạch mặt tên Phản Kitô (Quỉ Vương).

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh, sau buổi ra mắt tác phẩm của ĐTC, đã cho các phóng viên truyền hình biết nhận định của mình về anh ta như sau: “Chúng là những cơn mê sảng, một thứ ám ảnh đã từng đeo đuổi Ali Agca nhiều năm trời”. Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh còn cho biết tay sát nhân này chưa hề lên tiếng xin lỗi ĐGH, dù có được ngài đến viếng thăm và xin chính phủ Ý ân xá cho, và yêu cầu của ngài đã được chấp nhận để rồi tay sát thủ này đã được chính phủ Ý ân xá vào chính Đại Năm Thánh 2000, nhưng anh tạ lại bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ 19 năm vì hai trọng tội phạm khác.

Trong lời kết của cuốn sách, ĐGH đã nhận định về giây phút bị ám sát như sau: “Tất cả đều là những gì chứng tỏ cho thấy ân sủng thần linh: Agca đã biết bắn ra sao và chắc chắn anh ta bắn là phải chết. Dường như có ai đã làm lệch đi viên đạn được bắn tới. Tôi có cảm giác rằng tôi sẽ sống sót: Tôi cảm thấy đớn đau, tôi đã có lý để lo sợ, nhưng tôi đã có cảm giác tin tưởng lạ lùng này. Tôi nói với Don Stanislaw là thư ký riêng của tôi rằng tôi tha thứ cho kẻ tấn công tôi”.

Cũng trong phần cuối sách này ĐTC cũng đề cập tới việc ngài viếng thăm Ali Agca trong tù vào dịp Giáng Sinh 1983, ngài viết: “Ali Agca, như mọi người nói, là một tay sát thủ lành nghề. Điều này có nghĩa là cuộc tấn công không phải do anh ta khởi xướng mà là một ai đó âm mưu, một ai đó truyền khiến. Trong suốt cuộc gặp gỡ này rõ ràng là Ali Agca cứ tiếp tục ngẫm nghĩ tại sao cuộc tấn công lại có thể bất thành được chứ. Có lẽ Ali Agca trực giác thấy rằng, ngoài quyền lực của mình, ngoài khả năng bắn hạ, còn có một quyền lực cao tay hơn thế nữa. Để rồi anh ta bắt đầu tìm kiếm quyền năng này. Tôi hy vọng rằng anh ta đã tìm thấy quyền năng ấy”.

Căn cứ vào những chi tiết mới nhất từ tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” của ĐTC GPII về vụ ngài bị ám sát, một ủy ban của quốc hội Ý đã quyết định mở lại hồ sơ vụ này. Vị chủ tịch của Ủy Ban Điều Tra của Quốc Hội này là ông Paolo Guoffanti đã cho các cơ quan Ý biết hôm Thứ Tư 23/2/2004 là “Chúng tôi sẽ lập tức mở lại vụ tấn công Đức Giáo Hoàng này”.

Ông này nói thêm là cuộc tái điều tra ấy sẽ được bắt đầu bằng “việc thu tích hồ sơ theo thủ tục liên quan đến tội ác ghê tởm ấy, bằng cách mở lại những gì liên quan tới Nga Sô, cả KGB lẫn GRU” là cơ quan tình báo quân sự của Nga. Vị chủ tịch này khẳng định là quyết định tái điều tra vụ này được thực hiện “sau những điều được chính Đức Giáo Hoàng chứng thực về nguồn gốc ý hệ của tội ác này”.

 

Mới đây, tờ nhật báo Corriere della Sera xuất bản ở Ý vào ngày 30/3/2005 đã cho biết người ta đã tìm phá thấy hồ sơ về vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1981, và căn cứ theo sở mật vụ của cộng sản Đông Đức ngày xưa thì hồ sơ cho thấy mật vụ KGB của cộng sản Nga đã ra lệnh lệnh cho nhân viên tình báo của Bulgaria thi hành âm mưu ám sát ĐGH.

Thế nhưng, dù loài người có chủ mưu và âm mưu sát hại người của Thiên Chúa, vẫn không ra khỏi việc quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan và toàn năng của Ngài, như việc Ngài đã dùng cộng sản để đưa ngài vào hàng giáo phẩm trước đây. Nếu vụ ám sát ĐTC GPII liên quan đến Bí Mật Fatima, như chính ĐTC đã thấy hình ảnh của mình nơi vị giám mục áo trắng bị sát hại trong phần thứ ba Bí Mật Fatima, thì nguyên do ngài bị ám sát là vì Thiên Chúa muốn làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, qua việc ngài bị ám sát không chết vào chính ngày kỷ niệm biến cố Fatima, nhờ đó, ngài đã nhận ra được dấu chỉ thời đại và mới dứt khoát đáp ứng điều trời cao chính thức yêu cầu từ ngày 13/6/1929 song vẫn chưa được thực hiện, đó là việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, việc hiến dâng của ngài đã thực sự làm cho Nước Nga trở lại!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ