GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 15 THỨ SÁU,

NGÀY 7 TUẦN IX CẦU CHO ĐTC GPII

 

 

Đức Gioan Phaolô II: Một Gương Mẫu Sống Giản Dị và Thoát Ly

Tối Thứ Tư 13/4, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐTGM Leonardo Sandri, phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh đã chủ tế thánh lễ thứ sáu trong tuần cửu nhật cầu cho Đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô II, một Thánh Lễ được giành riêng cho giáo triều Rôma. Trong bài giảng của mình, vị TGM này đã chia sẻ cảm nhận của mình về vị giáo hoàng vừa quá cố như sau:

“Đối với chúng ta, công việc trước tiên của chúng ta đó là làm cho sinh hoa kết trái di sản được vị Giáo Hoàng phi thường này để lại cho Giáo Hội cũng như cho toàn thế giới trong suốt cuộc đời của ngài cũng như vào giây phút lâm chung của ngài.

“Trong Tông Thư ‘Vào Lúc Mở Màn cho Một Tân Thiên Kỷ’, được vị Giáo Hoàng này ký ban hành vào lúc kết thúc Đại Năm Thánh 2000, ngài đã vạch ra những đường hướng để bắt đầu cho đệ tam thiên niên Kitô giáo, khi khẳng định rằng Công Đồng Chung Vaticanô II là ‘địa bàn vững chắc’ hướng dẫn Giáo Hội hành trình tiến vào ngàn năm thứ ba… Bằng việc mở Năm Mân Côi, ngài lại muốn nhấn mạnh đến tầm vóc quan trọng của việc tôn sùng Trinh Nữ Maria. Với đặc biệt Năm Thánh Thể chúng ta hiện sống đây… vị Giáo Hoàng này muốn lập lại vai trọng trọng yếu của mầu nhiệm Thánh Thể trong Giáo Hội”.

Vị TGM chủ tế còn đề cao tình yêu cao cả của đức cố giáo hoàng “đối với Chúa Kitô, Đấng thực sự hiện diện trong Bí Tích trên bàn thờ. Tình yêu này đã trở thành như một lời kêu khẩn theo nhan đề của bức Tông Thư ‘Xin Chúa ở với chúng con’, văn kiện cuối cùng của ngài cho Năm Thánh Thể”.

“Những ai có thể theo dõi sinh hoạt hằng ngày của vị Giáo Hoàng này hầu như khít khao đều chứng kiến thấy tình yêu sâu xa này của ngài đối với Thánh Thể. Trước khi quyết định điều gì quan trọng, ngài đều bỏ nhiều giờ trước Bí Tích Cực Thánh, mang theo những giấy tờ để nghiên cứu vào nguyện đường riêng của ngài, và giành giờ suy tư nguyện cầu trước Nhà Tạm. Mỗi một quyết định bởi thế luôn là và chỉ là nhưữg gì xuất phát từ việc tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa và cho thiện ích thực sự của Giáo Hội”.

Vị TGM giảng thuyết còn đề cập tới “một yếu tố mới xuất phát từ nhân cách và linh đạo của vị Giáo Hoàng này, nhất là trong những tháng đánh dấu sức khỏe của ngài càng ngày càng suy kiệt, đó là tính cách giản dị và nghèo khó nơi đời sống của ngài. Những ai đã có dịp được gặp gỡ ngài trong một số trường hợp nào đó vào những tuần lễ cuối cùng đều không thể tránh được cái cảm giác cảm phục về tính cách sơ sài nơi đồ dùng chung quanh ngài, cũng như cảm phục về sự khiêm tốn cùng đơn sơ của ngài, về cảm thức ly thoát của ngài cũng như việc ngài hoàn toàn phó mình trong tay Chúa”.

Vị TGM kết luận: “Đây là một đại mô phạm và là một giáo huấn quí giá được vị cố giáo hoàng này để lại cho mỗi một người chúng ta là thành phần được kêu gọi để làm việc ở Giáo Triều Rôma, trung tâm điểm của thế giới Công giáo. Đó là một mẫu gương về tính cách đơn sơ giản dị và thoát ly, về việc trung thành phục vụ vô vị lợi cho vườn nho Chúa, về việc sẵn sàng và dễ dạy tuân hợp ý muốn của Thiên Chúa”.


Tổng Nghị Hồng Y lần 10 để nghe bài suy niệm về tình trạng Giáo Hội

Ngày Thứ Năm 14/4/2005, khi kết thúc Tổng Nghị Hồng Y lần 10, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh là Joaquín Navarro Valls đã phổ biến tin tức cho phóng viên báo chí như sau:

“Tổng Nghị Hồng Y lần thứ 10 được bắt đầu vào 9 giờ sáng nay tại Sảnh Đường New Synod. Có 142 vị hồng y tham dự.

“Sau kinh cầu xin Chúa Thánh Thần khai mạc, các vị hồng y đã lắng nghe bài suy niệm đầu tiên liên quan tới những vấn đề của Giáo Hội cùng với việc sáng suốt chọn vị tân giáo hoàng (Tông Hiến ‘Universi Dominici gregis, 13d), do Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap, vị giảng thuyết của Giáo Hoàng Gia trình bày.

“Vào cuối bài suy niệm, các vị hồng y đã thinh lặng nguyện cầu một lúc.

“Kể từ hôm nay, phần vụ đặc biệt của ban Đặc Nghị gồm có các vị hồng y Giovanni Battista Re đặc trách hàng Giám Mục, Oscar Andres Rodriguez Maradiaga hàng Linh Mục và Crescenzio Sepe hàng Phó Tế.

“Có một cuộc rút thăm để nhận chỗ trong cư trú của các vị hồng y tại Nhà Thánh Matta.

“Theo sau một số vấn đề được làm sáng tỏ liên quan tới việc dẫn giải về Tông Hiến Universi Dominici Gregis, các vị hồng y lại bắt đầu tái diễn việc trao đổi với nhau về ý nghĩ liên quan tới Giáo Hội và thế giới.

“Tổng Nghị này đã được kết thúc bằng Kinh Lạy Nữ Vương”.

 

 

Người đã tiên đoán ĐHY Woijtyla làm giáo hoàng

Một trong những người bạn của ĐTC đã tiên đoán Ngài sẽ làm giáo hoàng là linh mục Mieczyslaw Malinski. Thật vậy, trong Thánh Lễ được cử hành tại Đại Học Balan ở Rôma ngày 25/8/1978, ngay trước cuộc mật nghị bầu giáo hoàng lần thứ nhất ngày 26/8/1978. Vì ĐTC Phaolô VI qua đời ngày 6/8/1978 chưa có vị giáo hoàng nào thay thế ngài. Trong lời nguyện giáo dân, vị linh mục này đã xướng lên như sau: “Chúng ta hãy cầu xin để ĐHY Karol Wojtyla được bầu làm giáo hoàng”.

Hết mọi người thamdự thánh lễ bật ngửa ra. Sau giây phút lưỡng lự, cha Stanislaw Dxiwisz, bấy giờ là thư ký của ĐTGM Krakow, và Stanislaw Rylko, hiện là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân, đã đáp bằng một giọng ái ngại: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”. ĐHY Woityla chủ tế không thưa gì cả.

Vị linh mục tiên đoán này là bạn của ĐHY Wojtyla từ năm 1940 khi cả hai là phần tử nhóm “tràng kinh mân côi sống” của người thợ may Jan Tyranowski. Bấy giờ cả hai đã học ở chủng viện chui thời Nazi chiếm đóng Balan. Ngày nay, vị linh mục tiên đoán này đã 80 tuổi, thua vị giáo hoàng đương kim bạn của mình 3 tuổi, là cha sở Nhà Thờ Thánh Phanxicô Salêsiô ở Krakow, chuyên chú vào việc nghiên cứu học hỏi và ký sự. Vị linh mục này đã kể lại như sau.

Hôm ấy, khi được đi theo ĐHY Wojtyla đến dự một phiên họp ở Vatican, vị linh mục này đã nói với ĐHY rằng: “ĐHY sẽ làm giáo hoàng. Ai cũng biết rằng có ba vị ứng viên nổi tiếng người Ý là Sebastiano Baggio, Paolo Bertoli và Giovanni Benelli không thể nào được tuyển bầu làm giáo hoàng”.

ĐTGM Krakow đáp: “ĐHY Stephan Wyszynski đã bảo tôi rằng Đức Giáo Hoàng là người Rôma, bởi thế sẽ là một người Ý”.

Cha Malinski cự lại: “Tôi đã luôn nghĩ đến vị Giáo Hoàng đầu tiên là một người Do Thái”.

ĐTGM Wojtyla chiều ý mà rằng: “Đúng thế, cứ cho rằng ngài sẽ là một người ngoại quốc đi. Có thể là một người Mỹ, Pháp hay Đức”.

Vị linh mục vẫn chưa chịu: “Ngài không thể nào xuất thân từ một đại cường. Ngài phải xuất thân từ một quốc gia nhỏ bé, thậm chí một quốc gia chầu rìa”.

ĐHY Wojtyla liền đề nghị dứt khoát là “ĐHY Franz Kưnig người Áo chẳng hạn”.

Thế nhưng, câu chuyện không dễ chấm dứt ở đó, vị linh mục tiếp tục bày tỏ ý nghĩ của mình: “Ngài phải xuất thân từ một xứ sở nhỏ bé nhưng mạnh về Công giáo. Balan là xứ sở duy nhất không bị khủng hoảng sau Công Đồng Chung Vaticanô II mà thôi”.

Bấy giờ ĐHY Wojtyla không đỡ đòn nữa, vì chính ngài, theo tiểu sử của ngài cho thấy, đã phát động việc học hỏi và áp dụng giáo huấn Công Đồng Chung ở xứ sở Ngài nói chung và ở TGP Krakow của Ngài nói riêng.

Cha Malinski liền nói tiếp như nói với một người thứ ba nào đó: “Vả lại, ĐTGM Krakow không phải là người phong kiến, mà là một vị mục tử và trí thức, đã từng nổi tiếng trong Công Đồng Vaticanô II rồi ở cả các Cuộc Thượng Hội Giám Mục. ĐHY sẽ là vị giáo hoàng tới đây!”

Khi ĐHY Wojtyla bước ra khỏi cuộc mật nghị bầu giáo hoàng lần thứ nhất năm 1978, và vị trúng cử là ĐTC Gioan Phaolô I, ĐHY đã nói với cha Malinski rằng: “Sướng nhé. Người đã trêu ngươi tôi: ‘Ngài còn nói gì được nữa đây? Ngài còn lập luận gì nữa hay chăng?’”

Thế nhưng, cuộc mật nghị hồng y lần thứ hai năm 1978, vào tháng 10, sau cái chết bất ngờ của vị giáo hoàng 33 ngày với tên giáo hoàng kép đầu tiên, lần mật nghị, theo sử gia Weigel viết cuốn “Chứng Nhân Hy Vọng” cho biết, vị tân giáo hoàng đã tỏ ra hầu như bất bình thường trước biến cố bầu lần thứ hai này, cha Malinski không chịu đi Rôma nữa. Ngài đã vùi đầu vào sách vở của mình ở Munster, Đức quốc, nơi ngài đã nghe thấy lời cầu bất bình thường của mình đã được nhậm lời. Amen.
 

Giây Phút Ngỡ Ngàng Bừng Rộ trước vị tân giáo hoàng người Balan

Những giây phút ban đầu của chính ngày bầu cố giáo hoàng Gioan Phaolô II trên 26 năm trước đây đã được vị giám đốc văn phòng báo chí bấy giờ là Archangelo Paglilunga kể cho Delia Gallagher để ghi lại và được Zenit phổ biến ngày 16/10/2003 như sau.

Hôm ấy là Thứ Hai 16/10/1978, ngày thứ ba cho việc bầu giáo hoàng mà 110 vị hồng y vẫn chưa chọn xong. Vị hồng y bảo thủ Giuseppe Siri cũng như vị hồng y dung hòa Giovanni Benelli đều không chiếm được đủ số phiếu. ĐHY Franz Kưnig người Áo mới nói với ĐHY giáo chủ Balan Stefan Wyszynski rằng: “Có thể đã đến lúc chọn một vị không phải người Ý rồi”. Vị hồng y giáo chủ Balan tưởng nói về ngài liền phản ứng: “Không phải tôi rồi đó!”. ĐHY Konig liền nói: “Đúng, không phải là ngài đâu, mà là hồng y Wojtyla”. Bởi vì vị hồng y không phải Ý quốc này đã được đề cập đến trước đó như là một ứng viên có hạng, cho dù không ai dám chắc điều đó có thể xẩy ra, bởi trong vòng 455 năm toàn là giáo hoàng người Ý. ĐHY giáo chủ Balan liền tiến đến ĐHY Wojtyla nhắn nhở: “Nếu ngài được chọn thì đừng từ chối nhé, hãy chấp nhận nghe”.

Các ĐHY bắt đầu bỏ phiếu một lần nữa. Bên ngoài Công Trường Thánh Phêrô, 40 ngàn người không rời mắt khỏi ống khói Nguyện Đường Sistine để chờ mong khói trắng, sau lần khói đen bốc lên từ lúc 11 giờ sáng. Ở gần văn phòng báo chí, các ký giả bàn tán với nhau về đủ thứ chuyện có thể xẩy ra, như Gianfranco Svidercoschi người Ý viết cho tờ Il Tempo nói với đồng nghiệp của ông là Paglialunga rằng “các ngài đã không hướng về vị nào ngoài nước Ý”. Cuộc tranh luận bị đứt quãng bởi tiếng la hò của dân chúng khi họ thấy làn khói trắng bốc lên.

Vào lúc 6 giờ 45, trong buổi tối vào tháng 10 ở Rôma, ĐHY Pericle Felici tiến tới hành lang của Đền Thờ Thánh Phêrô. Hai giây trước đó vị hồng y này đã thúc vào ĐHY giáo chủ Balan Wyszynski hỏi: “Ngài đọc tên gọi này như thế nào vậy?”

ĐHY Felici bắt đầu dõng dạc tuyên bố: "Annuntio vobis, gaudium magnum. Habemus Papam, Carolum ...". “Carolum?”, ký giả Paglialunga nhìn phóng viên Svidercoschi thắc mắc, “Các vị đã chọn ĐHY Carlo Confalonieri rồi hay sao?” Vị ký giả này đang nghĩ đến một hồng y trên 80 tuổi cũng đang đứng nhìn từ hành lang của ngài ở bên trên văn phòng báo chí. “… Wojtyla”, ĐHY Felici phát âm tên Balan WOY-TEE-WA, như ngài đã được chỉ cho phát âm mấy phút trước đó, và kết thúc “Qui sibi nomen imposuit Joannem Paulum II”.

Đám đông dân chúng bỗng chốc im lặng quay sang ngớ ngẩn nhìn nhau hỏi: “WOY-TEE-WA?” – “Các ngài đã chọn một người Phi Châu!”, một phụ nữ Ý bật miệng hô lên không thể nào tin được như thế. Vị lý giả đứng bên cạnh liền cải chính: “Không phải đâu! Ngài là một người Balan!” Họ lại than lên không thể nào tin nổi nữa. Trong khi các ký giả liền chạy đi tìm tiểu sử của vị tân giáo hoàng thì dân chúng ồn ào nhốn nháo lên “Balan hả?” “Balan sao!”. Nửa tiếng sau, dân chúng bất ngờ yên lặng khi nhìn thấy đức Karol Wojtyla, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, xuất hiện ở hành lang Đền Thờ Thánh Phêrô. Không một vị giáo hoàng nào đã lên tiếng nói hơn là ban phép lành theo truyền thống ở chỗ này. Đức Gioan Phalô I, một tháng trước đó, đã muốn nói song Đức Ông Noè đã nói với Ngài đừng làm thế. Trái lại, bất kể có bị Đức Ông Noè ngăn cản, vào lúc 7 giờ 20 tối, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bắt đầu lên tiếng nói, những lời đã trích dẫn trên đây, những lời được dân chúng vỗ tay 4 lần. Trên 26 năm giáo triều của mình, những bài diễn từ của vị Giáo Hoàng ngoài Nước Ý này vẫn được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

 

Lời Nguyện Cầu Biến Đổi Thế Giới 21 Năm Trước của ĐTC GPII

Thứ Tư 24/3/2004, áp ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 hằng năm, ĐTC đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này, buổi triều kiến Ngài vẫn chia sẻ giáo lý từ năm 1979 đến bấy giờ, để nhắc lại mục đích của việc Ngài tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ 20 năm trước đây, vào dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc, 25/3/1984. Thật vậy, ĐTC GPII đã mở Năm Thánh Cứu Độ, kỷ niệm 1950 năm Chúa Kitô cứu chuộc loài người vào năm Người 33 tuổi, tức là, nếu lấy 1950 + 33 = 1983; ngày 25/3/1984 là ngày kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc được bắt đầu từ ngày 25/3/1983. Hai mươi năm sau ngày bế mạc Năm Thánh Cứu Chuộc này, Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì ngài đã làm như sau:

·        Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc. Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”. 

Tuy ở đây ĐTC không nói đặc biệt đến việc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, nhưng Ngài đã xác nhận là Ngài có ý làm điều ấy “để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”, tức đáp ứng việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đó là lý do trong lời hiến dâng của mình bấy giờ, tức vào ngày 25/3/1984, Đức Thánh Cha đã nói một cách khôn khéo như sau:

·        Chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay! Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.

Trong “Lời Nguyện Cầu Biến Đổi Thế Giới “ này, chúng ta thấy ĐTC GPII đã nhắc đến 4 sự kiện lịch sử như sau:

Sự kiện lịch sử thứ nhất, đó là sự kiện ĐTC GPII quả thực có hợp với các vị giám mục trên thế giới, đúng như cách thức Thiên Chúa muốn thực hiện được Mẹ Maria tỏ cho chị Lucia biết ngày 13/6/1929 và đã được chị đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII trong thư đề ngày 24/10/1940. ĐTC GPII đã xác nhận sự kiện hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công giáo hiệp dâng như chúng ta đã nghe là: “Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn…, Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng…”.

Sự kiện lịch sử thứ hai, đó là hai lần vị tiền nhiệm của ngài là Đức Piô XII đã hiến dâng loài người và thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, hai lần này đã được chúng tôi nhắc đến là ngày 31/10/1942 và ngày 7/7/1952, lần thứ nhất Đức Piô XII chỉ dâng chung loài người, lần thứ hai ngài mới có ý dâng Nước Nga.

Sự kiện lịch sử thứ ba, đó là trong lần hiến dâng thứ hai của ĐTC Piô XII, vị giáo hoàng thời thế chiến thứ II này đã quả thực có ý muốn hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria rồi, như ĐTC GPII lập lại trong Lời Nguyện Cầu Biến Đổi Thế Giới của ngài như chúng ta đã nghe: “rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng.

Sự kiện lịch sử thứ bốn, đó là việc chính ĐTC GPII cũng có ý hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, khi ngài khôn ngoan kín đáo nhắc riêng đến  Nước Nga bằng những lời lẽ chúng ta cũng đã nghe: “Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến”.

Chính vì Nước Nga đã được ĐTC GPII hiệp cùng với hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đúng ý muốn và cách thức của trời cao như thế, Thiên Chúa đã thực hiện những gì Ngài hứa, như chị Lucia được Đức Mẹ tỏ cho biết vào ngày 13/6/1929, đó là Ngài sẽ làm cho Nước Nga trở lại, một sự kiện lịch sử đã hoàn toàn xẩy ra được diễn tiến tuần tự như sau:

Trước hết là biến cố bất ngờ xuất hiện nhân vật lịch sử Gaborchev, bất ngờ xuất hiện như trường hợp của chính ĐTC GPII trong Giáo Hội Công giáo, một vị giáo hoàng đến từ một nước cộng sản và không phải là người Ý. Nhân vật lãnh tụ Khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết cuối cùng này đã xuất hiện cũng vào tháng 3 năm 1985, tức sau đúng 1 năm Nước Nga được hàng giáo phẩm Giáo Hội Công giáo hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Tiếp theo là Biến Cố Cộng Sản Đông Âu tự động sụp đổ một cách bất ngờ trước con mắt bàng hoàng sửng sốt của cả thế giới, nhất là thế giới tư bản, một khối tư bản chẳng những không thể làm gì nổi họ trong thời chiến tranh lạnh Cold War mà còn bị họ dần dần chiếm đất giành dân khắp nơi trên thế giới. Có cái lạ nữa là Biến Cố Đông Âu này được diễn tiến nói chung hoàn toàn bất bạo động theo đường hướng tranh đấu của Giáo Hội, chứ không phải theo kiểu tranh đấu giai cấp bạo động của cộng sản, và cuộc tranh đấu bất bạo động này đã được bắt nguồn ngay từ quê hương Balan của vị giáo hoàng đã đọc “Lời Nguyện Biến Đổi Thế Giới”.

Sau hết là Biến Cố Nước Nga trở lại vào chính Ngày Giáng Sinh 25/12/1991, khi vị lãnh tụ cuối cùng của khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết là Gorbachev từ chức, vị đã chủ trương đường hướng Cởi Mở được gọi là Glasnot và Cải Tổ được gọi là Parestroika là những gì thực sự đã mang lại một biến động hoàn toàn đổi thay cho Khối Cộng Sản Đông Âu, cũng là vị vào tháng 3/1992 đã tuyên bố về ĐTC GPII qua báo chí quốc tế bấy giờ làNhững biến cố ở Đông Âu sẽ không thể nào xẩy ra nếu không có vai trò chủ chốt mà ngài  tự biết phải làm sao trong hiện tình thế giới này”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ