GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2005
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo”.
__________________
NGÀY 19 THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH NGÀY 2 BẦU TÂN GIÁO HOÀNG 265 |
Bài Giảng Thánh Lễ Khai Mạc Mật Nghị Hồng Y Bầu Tân
Giáo Hoàng
Theo chương trình đã được phác họa, sáng nay, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐHY
trưởng hồng y đoàn là Joseph Ratzinger đã dâng Thánh Lễ khai mạc cho mật Nghị
Hồng Y bầu tân Giáo Hoàng, với sự đồng tế của tất cả mọi hồng y tuyển bầu, và sự
tham dự của các vị hồng y quá tuổi tuyển bầu, các vị giám mục, linh mục, tu sĩ
nam nữ và giáo dân. Trong bài giảng của mình, vị hồng y chủ tế, trước hết, đã
dẫn giải bài đọc thứ nhất liên quan đến lời Chúa Giêsu nói qua miệng tiên tri
Isaia là Người được sai đi “loan báo năm hồng ân của Chúa và ngày báo oán của
Thiên Chúa chúng ta”.
“Chúng ta được kêu gọi để loan báo, chẳng những bằng lời nói mà còn bằng đời
sống cũng như bằng những hoa trái hiệu nghiệm của các Bí Tích, năm hồng ân của
Chúa”. Đối với “ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta”, vị hồng y giảng thuyết
cảm nhận: “Chúa đã cống hiến một lời dẫn giải chân thực về những lời này bằng
cái chết của Người trên Thập Tự Giá”.
“Tình thương của Chúa Kitô không phải là một thứ ân sủng rẻ tiền, tình thương
của Người không phải là những gì cho rằng sự dữ là đồ vô vị. Chúa Giêsu mang lấy
tất cả gánh nặng của sự dữ, tất cả quyền lực hủy diệt của sự dữ, nơi thân thể
của Người và trong linh hồn của Người…. Ngày báo oán và năm hồng ân của Chúa
cùng hiện thực nơi mầu nhiệm Vượt Qua, nơi Chúa Kitô là Đấng đã chết và sống lại.
Đó là việc báo oán của Thiên Chúa, ở chỗ, Chính Bản Thân Ngài, nơi con người của
Con Ngài, chịu khổ vì chúng ta”.
Ở bài đọc thứ hai, trích từ Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô đề cập tới
“tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô” là tầm vóc “chúng ta được kêu gọi để thực sự
trưởng thành trong đức tin. Chúng ta không được là trẻ con trong đức tin, không
lớn khôn hơn. Sống đức tin trẻ con nghĩa là gì? Thánh Phaolô nói rằng đó là ‘bị
nghiêng ngả theo chiều gió chủ nghĩa’ Thật là một lời diễn tả rất ư là thích
đáng!”
“Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta đã từng biết đến trong mấy thập
niên qua! Biết bao nhiêu là trào lưu ý hệ! Biết bao nhiêu là trường phái tư
tưởng! Con tầu nhỏ bé mang các tư tưởng của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi
những cơn sóng này, hất từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít
đến chủ nghĩa tự do (liberalism), thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do
(libertarianism); từ chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến chủ nghĩa cá nhân cực
đoan (radical individualism); từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tôn giáo mập mờ
bí hiểm (vague religious mysticism); từ chủ nghĩa ngộ thức (agnosticism) đến chủ
nghĩa hòa đồng (syncretism) v.v. Ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến
cho những lời của Thánh Phaolô nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa
đảo và cái tinh quái làm cho con người bị lầm lạc. Có một đức tin minh tường,
theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội, thường được gán cho là chủ nghĩa thủ cựu
(fundamentalism). Khi chủ nghĩa tương đối (relativism), nói cách khác, khi để
cho mình ‘bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa’ được cho là thái độ duy nhất thích
hợp với thời đại tân tiến, thì đó là lúc cái độc đoán của chủ nghĩa tương đối
được hình thành, một chủ nghĩa cho rằng không có gì là tuyệt đối và là một chủ
nghĩa chỉ căn cứ vào duy bản thân kình và những gì nó ước muốn.
“Tuy nhiên, chúng ta có một cứ điểm khác, đó là Con Thiên Chúa, một con người
thật. Người là cứ điểm của nhân bản chủ nghĩa đích thực. Một đức tin ‘trưởng
thành’ là đức tin không chiều theo làn sóng thời trang cũng như những gì là tân
hiện đại nhất; một đức tin trưởng thành và chín chắn là một đức tin được cắm rễ
sâu xa trong mối thân tình với Chúa Kitô…. Chúng ta cần phải làm cho đức tin
trưởng thành này chín mùi, chúng ta cần phải dẫn đàn chiên của Chúa Kitô đến đức
tin này. Và chính đức tin này, chỉ đức tin mà thôi, mới là những gì kiến tạo
hiệp nhất và được hiện thực qua đức ái…. Nếu chúng ta đến với Chúa Kitô theo cứ
điểm ấy thế nào, thì sự thật và đức ái cũng nên một với nhau trong đời sống của
chúng ta như vậy nữa”.
Dẫn giải về lời Chúa nói trong bài Phúc Âm theo Thánh Gioan “Thày không còn gọi
các con là tôi tớ nữa,… mà gọi các con là bạn hữu”, vị trưởng hồng y đoàn nói
Chúa Kitô “đặt niềm tin tưởng của Người nơi chúng ta” và “trao phó thân thể của
Người là Giáo Hội cho chúng ta. Người ký thác sự thật của Người cho tâm trí yếu
đuối và bàn tay yếu hèn của chúng ta…. Người đã làm cho chúng ta nên bạn hữu của
Người. Chúng ta cần phải đáp lại như thế nào đây?”
Sauk hi nhắc lại đoạn Phúc Âm có lời Chúa Giêsu phán: “Thày đã chọn các con và
chỉ định để các con đi sinh hoa kết trái để hoa trái của các con được tồn tại”,
vị hồng y chủ tế nói: “Chúng ta cần phải cảm thấy được sinh động bởi cái day dứt
khôn nguôi; cái day dứt khôn nguôi muốn mang đến cho hết mọi người tặng ân đức
tin, tặng ân được làm bạn hữu với Chúa Kitô…. Chúng ta đã lãnh nhận đức tin là
để trao tặng cho kẻ khác. Chúng ta là những vị linh mục phục vụ kẻ khác, và
chúng ta cần phải sinh hoa kết trái vững bền”.
“Chỉ có một điều duy nhất còn tồn tại đến muôn đời đó là linh hồn của con người,
một con người được Thiên Chúa dựng nên để sống vĩnh hằng. Hoa trái tồn tại đây,
bởi thế, là những gì chúng ta đã gieo vào linh hồn con người ta, đó là yêu
thương và nhận thức; là cử chỉ có thể chạm tới tâm can; là lời nói hướng linh
hồn hướng về niềm vui của Chúa. Vậy chúng ta hãy đi và nguyện cầu cùng Chúa để
Ngài giúp cho chúng ta sinh hoa kết trái, một thứ hoa trái vững bền”.
“Giờ đây, trước hết, chúng ta hãy thiết tha nguyện cầu cùng Chúa rằng, sau đại
tặng ân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài lại ban cho chúng ta một vị mục tử theo
ý định của tâm can Ngài, một vị mục tử dẫn chúng ta đến chỗ nhận biết Chúa Kitô,
đến với tình yêu của Người, đến với niềm vui chân thực”.
Lai Lịch của Cái Lò Đốt ở Nguyện Đường Sistine
cho Mật Nghị Hồng Y Bầu Giáo Hoàng
Trong Nguyện Đường Sistine là nơi Mật Nghị Hồng Y bầu tân giáo hoàng 265 đã được
sắp xếp tất cả là 12 cái bàn, sáu cái ở mỗi bên; một cái kệ đặt Sách Phúc Âm bên
trên để các vị hồng ý đặt tay tuyên thệ; một cái bàn đặt những cái lư đựng các
lá phiếu, và một cái lò được dùng để đốt những lá phiếu ấy với một ống khói để
báo hiệu kết quả của các lần bỏ phiếu.
Riêng cái lò đã được sử dụng từ mật nghị hồng y bầu giáo hoàng năm 1939, lần Đức
Hồng Y Eugenio Pacelli được bầu làm giáo hoàng Piô XII. Cái lò này được làm bằng
sắt, cao một mét và có đường kính là 45 phân. Nó có hai cửa, một ở phía dưới để
châm lửa, và một ở phía trên để bỏ giấy tờ vào đốt.
Những tháng và năm của các mật nghị bầu giáo hoàng đã sử dụng cái lò đốt này đều
được ghi ấn ở trên nắp đậy, đó là 3/1939 bầu Đức Piô XII, 10/1958 bầu Đức Gioan
XXIII, 6/1963 bầu Đức Phaolô VI, 8/1978 bầu Đức Gioan Phaolô I và 10/1978 bầu
Đức Gioan Phaolô II.
Khói đen bốc lên có nghĩa là chưa bầu được giáo hoàng, vì chỉ có các lá phiếu
bầu được đốt đi mà thôi. Khói trắng bốc lên báo hiệu đã có giáo hoàng, làn khói
được đốt bởi cả phiếu lẫn rơm. Đây là lần đầu tiên cho mật nghị 2005 này sử dụng
thêm một lò phụ được kiểm soát bằng điện tử để tạo thêm khói và tăng thêm những
dấu báo một cách rõ ràng hơn nữa.
Vào lúc 8:04 phút tối Thứ Hai 18/4/2005, ngày thứ nhất bầu tân giáo hoàng, khói đen đã bốc lên báo hiệu việc bầu sẽ được tiếp vào ngày hôm sau.
Vị Tân Giáo Hoàng 265 có thể là một hồng y người Pháp
gốc Ba Lan Do Thái hay một hồng y thuộc dòng Phanxicô...
Hôm nay, Thứ Hai, 18/4/2005, 115 vị hồng y bắt đầu cuộc bầu tân giáo hoàng 265
cho Giáo Hội Công giáo. Tại Tòa Thánh Rôma, cả 6 ngàn phóng viên báo chí đang
chực chờ để biết tin tức về diễn tiến của cuộc mật bầu và kết quả của cuộc mật
bầu là vị tân giáo hoàng này. Kể cả trong thời gian Đức cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II nhập bệnh viện vào đầu tháng 2/2005, truyền thông đã bắt đầu nói đến
việc ngài về hưu, từ đó, bàn đến cả vị kế thừa ngài. Cho đến nay, dư luận vẫn
đang hồi hộp chờ đợi con người được Thiên Chúa chọn, như Ngài đã bất ngờ chọn
Đức Gioan Phaolô II.
Chính vì vị giáo hoàng 264 vừa quá cố này không phải là người Ý trong vòng 455
năm đã được chọn như thế mà lần này, dư luận cũng hướng về những vị hồng y nổi
tiếng ở các châu lục khác ngoài Âu Châu, chẳng hạn như Phi Châu với hồng y
Francis Arinze nước Nigeria, và Châu Mỹ Latinh với hồng y Claudio Hummes người
Ba Tây. Tuy nhiên, báo chí, hầu hết ở Âu Châu, vẫn quanh quẩn với những vị nổi
tiếng ở Âu Châu, cách riêng ở Ý. Chẳng hạn như vị hồng y Dionigi Tettamanzi, ở
TGP Milan, nơi đã có mấy đời giáo hoàng. Họ cũng đề cập đến 1 vị ngoài nước Ý là
vị hồng y người Pháp Jean-Marie Lustiger, và vị hồng y người Đức hết sức nổi
tiếng đang giữ vai trò trưởng hồng y đoàn kiêm tổng trưởng tín lý đức tin là
Joseph Ratzinger.
Riêng tôi, để có thể suy đoán về vị tân giáo hoàng, cần căn cứ vào diễn tiến
lịch sử của Giáo Hội. Chẳng hạn như trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, vị giáo
hoàng đã được Thiên Chúa chọn để đóng vai trò áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô
II, và đó là lý do ngài đã lấy danh hiệu giáo hoàng là Gioan Phaolô II, vì: Đức
Gioan XIII là vị giáo hoàng dẫn dắt Giáo Hội vỏn vẹn có 5 năm trời, vị giáo
hoàng 78 tuổi nhưng vẫn được Thiên Chúa chọn để khai mạc Công Đồng Chung
Vaticanô II với tinh thần cởi mở và đối thoại, và Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng
của Giáo Hội (với thông điệp đầu tiên về “Giáo Hội của Người” ban hành ngày
6/8/1964) tiếp tục và kết thúc Công Đồng Chung cho một Giáo Hội trong thế giới
tân tiến.
Bởi vậy, theo chiều hướng này, chúng ta cần phải lưu ý tới những gì Đức Gioan
Phaolô II đã làm, kể cả và nhất là những gì chưa hoàn tất, để phỏng đoán. Nếu
Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng xuất phát từ một nước Cộng Sản đã hiển
nhiên được Chúa dùng để làm sụp đổ Cộng Sản ở Âu Châu, và đang cố gắng hết sức
để giúp cho Âu Châu thực sự trở thành một Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo căn gốc
Kitô giáo của mình.
Thế nhưng, cho tới khi ngài qua đời, Khối Hiệp Nhất Âu Châu này, chủ chốt là
Pháp, nơi Giáo Hội vẫn được gọi là trưởng nữ của Giáo Hội, vẫn muốn phủ nhận căn
gốc Kitô giáo làm nên văn hóa Âu Châu và căn tính Âu Châu của mình, và cũng
chính vì không “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (x Mt 22:21),
bằng việc nhìn nhận căn tính Kitô giáo của mình như thế, châu lục này đã sống
như không có Thiên Chúa, và đang bị khủng hoảng đức tin rất ư là trầm trọng, nơi
đã cả hơn ngàn năm làm cho hạt giống Kitô giáo phát triển và truyền bá đi khắp
nơi trên thế giới, nhưng đồng thời lại là nơi có những phân rẽ trong nội bộ Kitô
giáo từ thế kỷ 16, với hai cuộc ly giáo liền vào tiền bán thế kỷ này là Thệ Phản
(1519) và Anh Giáo (1535).
Trong khi đó, theo chiều hướng tự do tôn giáo ở Âu Châu, làn sóng di dân của
những người Hồi giáo Ả Rập, trước tình hình càng ngày càng khủng hoảng ở Trung
Đông là vùng đất của họ, đã tràn vào Âu Châu và đã phát triển càng ngày càng
mạnh, nhất là ở Pháp. Nếu cứ đà này, Kitô giáo ở Âu Châu càng ngày càng xuống
dốc, trong khi Hồi giáo càng ngày càng thịnh, mà Hồi giáo, theo lịch sử cho thấy,
bao giờ cũng kị Kitô giáo, và đã từng triệt hạ Kitô giáo trước đây, thậm chí cho
tới nay ở các quốc gia Hồi giáo của họ, thì Giáo Hội Công giáo là tâm điểm của
Âu Châu về quyền lực tôn giáo này cần phải đứng vững hơn bao giờ hết, không phải
chỉ vì sợ Hồi giáo lấn át, cho bằng tái phúc âm hóa Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo
tinh thần Kitô giáo (chứ không phải chỉ bằng và nhờ nguyên kinh tế và chính trị
như khối này đang chủ trương).
Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thực sự trở về với căn gốc Kitô giáo của mình, cho đến
độ tiến đến chỗ Đại Kết Kitô giáo, Kitô giáo mới có thể là chứng nhân truyền bá
phúc âm hóa phần thế giới chưa nhận biết Chúa Kitô, nhất là ở Á Châu, mới có thể
tái phúc âm hóa cho cả thế giới Kitô giáo ở toàn Mỹ Châu, nhất là Bắc Mỹ, nơi
cũng đang quằn quại trong nền văn hóa sự chết, và mới có thể làm cho cả Do Thái
giáo đang càng ngày càng gần hơn với Kitô giáo qua Giáo Hội Công giáo từ thời
Đức Gioan Phaolô II, qua chứng từ hiệp nhất Kitô giáo như thế, nhận biết Đấng
Thiên Sai của họ chính là Đức Giêsu Kitô, giáo tổ Kitô giáo.
Với vai trò và vị thế quan trọng như thế của Âu Châu đối với vận mệnh và sứ mệnh
của Giáo Hội Công giáo trước mắt như thế, những gì đức cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II đã cố thực hiện mà chưa hoàn thành, thì vị giáo hoàng 265 cần phải là
vị giáo hoàng vẫn thuộc về Âu Châu. Vị giáo hoàng đó có thể là vị hồng y người
Pháp có gốc vừa Balan vừa Do Thái, vị hồng y 79 tuổi đã làm cho hàng giáo phẩm
Pháp phải bỡ ngỡ trước sự bổ nhiệm của Đức Gioan Phaolô II để ngài làm TGM Paris
ngày 2/2/1981, khi ngài mới làm Giám Mục giáo phận Orléans ngày 10/11/1979 chưa
được bao lâu. Đó là ĐHY Jean-Marie Lustiger.
Cho dù ngài đã 79 tuổi, và cũng chính vì còn 1 tuổi nữa (ngay trước khi không
còn hợp lệ để bầu giáo hoàng), đã cho thấy dấu hiệu ngài còn kịp làm giáo hoàng,
như trường hợp của Đức Gioan XXIII. Và cho dù thời gian làm giáo hoàng của ngài
có ngắn ngủi đi chăng nữa, (như Đức Gioan XXIII chỉ có 5 năm song đã làm được
một việc chuyển tiếp quan trọng đó là triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô II),
chỉ cần ngài hoàn tất sứ vụ của mình, như làm cho nước Pháp, cái then chốt về cả
chính trị lẫn tôn giáo ở Âu Châu, bừng lên tinh thần Kitô giáo, là sẽ làm cho cả
Khối Hiệp Nhất Âu Châu tái sinh, như đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm
cho quê hương Balan của ngài ngay vào lần về nước lần đầu tiên năm 1979, để rồi
10 năm sau vị giáo hoàng vừa quá cố này thấy được thành quả rực rỡ của nó ở cả
Đông Âu.
Ngoài ra, với dòng máu gốc Do Thái, vị hồng y này còn có thể được Thiên Chúa sử
dụng, như Ngài đã sử dụng mối quen biết và thân tình của Đức Gioan Phaolô II với
người Do Thái tại quê hương Balan của vị giáo hoàng này, để làm cho Giáo Hội
Công giáo với Do Thái giáo càng gắn bó với nhau hơn. Để rồi, sau khi vị giáo
hoàng có dòng máu gốc Do Thái này qua đi, vị giáo hoàng sau ngài, có thể là một
vị hồng y đến từ Đông phương ngoài Âu Châu, từ Á Châu chẳng hạn, xuất hiện, với
danh xưng Phêrô, (vị giáo hoàng cuối cùng theo sấm truyền của tiên tri
Nostradamus), được Thiên Chúa chọn để hoàn tất sứ vụ làm cho dân Do Thái trở lại,
đúng như những gì đã được Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô khẳng định: “Dân Do
Thái bị mù tối cho đến khi đủ số Dân Ngoại, rồi tất cả mọi người Do Thái sẽ được
cứu độ” (Rm 11:25-26).
Ngoài ra, cũng theo chiều hướng diễn tiến lịch sử, chúng ta cũng có thể suy đoán
như thế này. Nếu chiều hướng của vị giáo hoàng quá cố là “thả lưới ở chỗ nước
sâu - duc in altum”, một chiều hướng ngài phác họa cho cả Giáo Hội vào thời điểm
trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba Kitô giáo, như Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho
Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm
Thánh 2000, thì vị giáo hoàng thay ngài phải là vị giáo hoàng nội tâm hơn hoạt
động, đau khổ nhiều hơn thành đạt.
Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử
Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem,
thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý
do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo, theo lời
nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô), vị giáo hoàng của Vườn Nhiệt (với
những nhức nhối nội bộ) và của Khổ Nạn (gây ra bởi cả dân Chúa lẫn thế giới). Vị
tân giáo hoàng có thể là vị hồng y trong mật nghị hồng y ngày 21/10/2003, một
mật nghị chọn tuyển các tân hồng y sau khi ngài trả lời một vị giám mục Á Căn
Đình ngày 12/2/2002 rằng người kế vị ngài chưa làm hồng y.
Chính vì vị tân giáo hoàng có thể là vị giáo hoàng nội tâm, vị giáo hoàng hiệp
nhất, vị giáo hoàng khổ đau, mà Sứ Điệp Lễ Chúa Tình Thương ngày 3/4/2005, sứ
điệp cuối cùng của giáo triều dài 9664 ngay này chính là di chúc hay ước nguyện
cuối cùng ĐTC GPII thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại,
“một nhân loại”, như ngài nói trong sứ điệp, “có những lúc dường như bị lạc mất
và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó là, như ngài cũng
cảm nhận trong sứ điệp, “thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng
Thương Xót Chúa biết bao!” Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể “chấp
nhận Lòng Thương Xót Chúa”, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng,
phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ “việc” được ngài khẳng định
là “chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm
Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria”.
Nếu thực sự vị tân giáo hoàng là vị giáo hoàng của nội tâm, của hiệp nhất và khổ
đau, thì vị ấy có thể là một vị hồng y thuộc một dòng tu, như dòng Phanxicô, con
cái của Thánh Phanxicô khó khăn, vị thánh nội tâm sâu xa, vị thánh của hòa bình
và hiệp nhất, vị thánh đã được đức cố Gioan Phaolô II hết sức ngưỡng mộ, đến nỗi
vừa lên đăng quang giáo hoàng (22/10/1978) ngài đã đến thăm Assisi (5/11/1978)
và tổ chức những Cuộc Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giời ở đây vào những
ngày 27/10/1986, 9-10/1/1993, và 24/1/2004.
Trong 115 vị hồng y tuyển bầu, có 19 vị thuộc 11 dòng tu,
nhiều nhất là dòng Phanxicô 4 vị, Dòng Tên 3 vị, Dòng Don Bosco 3 vị, Dòng Chúa
Cứu Thế 2 vị, Đaminh 1 vị v.v. Bốn vị thuộc dòng Phanxicô là Paskai Card.
Laszlo, O.F.M., Napier Card. Wilfrid Fox, O.F.M., Hummes Card. Claudio, O.F.M.
và Amigo Vallejo Card. Carlos, O.F.M.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc mật nghị hồng y bầu tân
giáo hoàng và cầu nguyện cho vị được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để thay
Người dẫn dắt đàn chiên của Người cho đến khi Người lại đến.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Vị Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa
Đó là lý do, khi ngài nằm xuống, những vị thân cận ngài nhất đã thấy được mối liên hệ mật thiết giữa bản thân ngài nói riêng và giáo triều ngài nói chung với Lòng Thương Xót Chúa.
Trong bài giảng của mình vào sáng Chúa Nhật II Phục Sinh kính Chúa Tình Thương, 3/4/2005, cũng là lễ cầu hồn cho ngài tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trước 30 ngàn người tham dự, ĐHY Angelo Sodano, đã bày tỏ cảm nhận của mình về vị giáo hoàng mà đức hồng y này được làm quốc vụ khanh với những điểm chính yếu tiêu biểu như sau:
“Khi chúng ta khóc thương về cái chết của vị Giáo Hoàng đã lìa bỏ chúng ta ấy, chúng ta hướng lòng mình về viễn ảnh định mệnh đời đời của chúng ta… Chúng ta biết rằng, mặc dù chúng ta là những tội nhân, chúng ta được nâng đỡ bởi tình thương của Thiên Chúa Cha là Đấng đợi chờ chúng ta. Đó là ý nghĩa của Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, một lễ được thiết lập bởi chính vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu vừa ra đi, như là một trong những di sản của giáo triều ngài, để đề cao khía cạnh an ủi nhất của mầu nhiệm Kitô giáo.
“Chúa Nhật này, sẽ là những gì cảm kích khi đọc lại một trong những thông điệp tuyệt vời nhất của ngài, đó là thông điệp ‘Giầu Lòng Thương Xót’ – Dives in Misericordia’, được viết trong năm 1980, năm thứ ba của giáo triều ngài”.
Trong bức thông điệp này, vị hồng y quốc vụ khanh tòa thánh cho biết, Đức Gioan Phaolô II “mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Chúa Cha, Đấng ‘là tình thương và là Vị Thiên Chúa của mọi niềm ủi an, Đấng an ủi chúng ta trong tất cả mọi ưu phiền đớn đau của chúng ta’”, cũng như nhìn lên “Maria là Mẹ Tình Thương”.
Vị hồng y chủ tế nhấn mạnh rằng vị Giáo Hoàng này đã lập đi lập lại qua nhiều năm “rằng những mối tương liên giữa con người cũng như giữa các dân tộc không thể chỉ được dựa vào công lý mà còn phải được hoàn hảo bằng tình yêu nhân hậu nữa, một thứ tình yêu là tiêu biểu của sứ điệp Kitô giáo. Đó là lý do Đức Gioan Phaolô II đã dẫn dắt Giáo Hội của ngàn năm thứ ba Kitô giáo trở thành một người Samaritanô Nhân Lành mới trên các nẻo đường thế giới, trên các con đường của một thế giới vẫn bị rúng động bởi những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Như thế, vị Giáo Hoàng này đã trở thành một điều khiển viên văn minh yêu thương, khi thấy nơi từ ngữ này là một trong những định nghĩa tuyệt vời nhất về ‘văn minh Kitô giáo’. Phải, văn minh Kitô giáo là văn minh yêu thương, hoàn toàn khác hẳn với những thứ văn minh hận thù, những thứ văn minh trong thế kỷ 20 là hậu quả của rất nhiều ý hệ”.
Chớ gì vị Giáo Hoàng này, “từ trời cao, hãy luôn nhìn xuống trên chúng ta và giúp chúng ta ‘vượt qua ngưỡng cửa hy vọng’ là những gì ngài đã nói rất nhiều với chúng ta. Chớ gì sứ điệp của ngài luôn được ghi khắc trong tâm can của con người nam nữ hôm nay. Đức Gioan Phaolô II đã từng lập lại những lời của Chúa Kitô: ‘Con Người đến thế gian không phải để luận phạt thế gian mà để thế gian nhờ Người hầu được cứu độ’”.
Vị hồng y chủ tế nhặc lại rằng Đức Gioan Phaolô II “đã truyền bá Phúc Âm hy vọng này trên thế giới, khi kêu gọi tất cả Giáo Hội hãy ôm ấp con người ngày nay, nâng họ lên bằng tình yêu cứu độ. Chúng ta hãy lãnh nhận công việc tiếp tục sứ điệp của vị đã để lại cho chúng ta và làm cho nó sinh hoa kết trái vì phần rỗi của thế giới”.
Trong bài giảng Thánh Lễ An Táng Thứ Sáu 8/4/2005, tại quảng trường Thánh Phêrô, một lễ an táng lớn nhất lịch sử loài người, với cả mấy triệu người tại Rôma và cả tỉ người trên khắp thế giới theo dõi qua truyền hình, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, cũng đã chia sẻ nhận định của mình về vị giáo hoàng đã luôn muốn đức hồng y giữ vai trò là tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, như sau:
“Hãy theo Thày! Kèm theo lệnh truyền chăm sóc cho đàn chiên của Người, Chúa Kitô còn báo cho Phêrô rằng thánh nhân sẽ phải chịu một cái chết tử đạo. Bằng những lời này, những lời kết thúc và tóm tắt cuộc đối thoại về lòng mến yêu cũng như về lệnh truyền làm chủ chiên hoàn vũ, Chúa Kitô đã nhắc lại một cuộc đối thoại khác đã diễn ra trong Bữa Tiệc Ly. Bấy giờ Chúa Giêsu đã phán: ‘Nơi Thày đi các con không thể nào tới được’ Thánh Phêrô thưa Người rằng: ‘Lạy Thày, Thày đi đâu thế?’ Chúa Giêsu đáp: ‘Nơi Thày đi hiện nay con không thể nào theo Thày nổi đâu; nhưng sau này con sẽ theo Thày’ (Jn 13:33,36). Từ Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tiến tới Thập Giá, tiến tới cuộc phục sinh của Người – Người đã đi vào cuộc vượt qua của Người; và Thánh Phêrô chưa thể nào theo được Người. Giờ đây, sau cuộc phục sinh, thời giờ ấy đã đến, thời điểm ‘sau này’ đã đến. Bằng việc chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô, Thánh Phêrô đã đi vào mầu nhiệm vượt qua, thánh nhân đã tiến về phía thập tự giá và về cuộc phục sinh. Chúa Kitô đã nói về điều này bằng những lời: ‘… khi con còn trẻ, con thường tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý con muốn’ (Jn 21:18). Trong những năm đầu của giáo triều mình, những năm còn trẻ trung và đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha đã đi đến tận cùng trái đất theo sự dẫn dắt của Chúa Kitô. Thế nhưng sau đó, ngài càng ngày càng đi sâu vào cuộc hiệp thông khổ đau với Chúa Kitô; càng hiểu được sự thật của những lời này: ‘Người ta sẽ thắt lưng cho con’. Và trong chính cuộc hiệp thông đau khổ này với Chúa Kitô một cách liên tục và càng gia tăng hơn, ngài đã loan báo Phúc Âm, loan báo mầu nhiệm về một tình yêu thương cho đến cùng tận (x Jn 13:1).
“Ngài đã giải thích cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như là một mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, ngài đã viết: Cái giới hạn áp đặt trên sự dữ ‘tối hậu là Lòng Thương Xót Chúa’ (Hồi Niệm và Căn Tính, trang 60-61). Và khi suy nghĩ về biến cố mạng sống ngài bị cố sát, ngài đã nói: ‘Trong việc hy hiến mình cho tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một trật tự mới, đó là trật tự của yêu thương… Chính cái đau khổ này đốt cháy và thiêu rụi đi sự dữ bằng ngọn lửa yêu thương và rút ran gay từ tội lỗi cả một cuộc bừng nở đầy những thiện hảo’ (cùng nguồn, trang 189-190). Được thôi thúc bởi nhãn quan ấy, vị Giáo Hoàng này đã chịu đựng khổ đau và đã yêu qúi việc hiệp thông với Chúa Kitô, nên đó là lý do tại sao sứ điệp về khổ đau của ngài cùng việc thinh lặng của ngài là những gì thất là sống động và hiệu năng.
“Lòng Thương Xót Chúa: Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô”.
ĐGM Renato Boccardo, mới đây được bổ nhiệm làm tổng thư ký cho Quốc Đô Vatican, đã hướng dẫn tín hữu cầu nguyện ở Quảng Trường Thánh Phêrô sau lời loan báo về cái chết của Đức Giáo Hoàng. Vị giám mục này đã gọi Đức Gioan Phaolô II là “vị tông đồ của tình thương”. Trong cuộc phỏng vấn với Zenit, vị giám mục này đã chứng tỏ nhận định này của mình qua những câu vấn đáp sau đây:
“Vấn: Ở cuộc tĩnh tâm cho các linh mục trên thế giới (được dự trù vào ngày 20-24/6 ở Krakow Balan), đức cha đã được mời để nói về Đức Giáo Hoàng này như là một vị tông đồ của tình thương. Vị Giáo Hoàng này là một tông đồ tình thương ở chỗ nào?
“Đáp: Tôi nghĩ rằng trong gần 27 năm trời của giáo triều mình, vị Giáo Hoàng này đã là một vị tông đồ tình thương ở hai lãnh vực.
“Trước hết là qua giáo huấn của mình được ban bố qua những văn kiện khác nhau, nhất là qua thông điệp ‘Giầu Lòng Thương Xót – Dives in Misericordia’ của ngài. Thế nhưng, đồng thời cũng qua cả chiều kích thứ hai nơi các hành vi cử chỉ của ngài nữa. Chính hành vi cử chỉ của ngài mới là những gì tồn tại nơi ký ức và lương tâm của Giáo Hội hơn cả lời ngài nói nữa.
“Tôi nghĩ tới việc ngài tha thứ cho kẻ ám sát ngài rồi đến viếng thăm anh ta trong tù. Tôi nghĩ đến việc ngài gắn bó nhiều lần được tỏ ra với tất cả những ai đặc biệt cần đến Lòng Thương Xót Chúa. Tức là thành phần bị hội chứng liệt kháng, thành phần già lão bị bỏ rơi, thành phần bệnh nhân nói chung.
“Tôi nghĩ tới ngài vào Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, tiếp nhận những người hành hương nơi bí tích cáo giải, một dụng cụ cao cả nhất của tình thương Thiên Chúa.
“Đối với tôi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã liên kết lời nói và việc làm xót thương lại với nhau. Một tình thương được tỏ hiện ngay ở cử chỉ chăm sóc, lắng nghe, qua cách ngài chăm chú nhìn vào những ai khổ đau.
“Tôi nghĩ đến mẫu gương tình thương, một mẫu gương cống hiến cơ hội thứ tha trong Đại Năm Thánh 2000. Bởi thế, qua con người của mình cũng như qua giáo huấn của mình, Vị Giáo Hoàng này đã nhắc nhở Giáo Hội chiều kích sâu xa này của đời sống Kitô giáo.
“Vấn: Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tình Thương là hy vọng duy nhất cho thế giới này”. Tại sao ngài lại quá quan trọng Lòng Thương Xót Chúa đối với tương lai của thế giới này như thế?
“Đáp: Thế giới hậu tân tiến và tân tiến của chúng ta đây dường như đã hết sức cảm thấy được việc cố gắng cải tiến đời sống của mình nhờ tiến bộ khoa học và kỹ thuật, song vẫn tiếp tục trải qua một tình trạng bần cùng khổng khiếp. Chúng ta hãy nhớ lại những lời Phúc Âm: Có lợi ích gì cho con người trong việc chiếm được cả thế gian mà lại mất chính linh hồn mình?
“Mà thế giới tân tiến của chúng ta đây, rất phong phú về những khám phá khoa học và kỹ thuật, lại thấy mình bị bí tắc trong việc tìm kiếm ý nghĩa cho việc hiện hữu của chính mình. Nó cảm thấy bản thân mình bị phân rẽ nội tâm, bị chi phối bởi hận thù, chiến tranh và chết chóc, và chiến đấu để tìm được sức mạnh cùng với lý do để sống và hy vọng.
“Và Kitô hữu chúng ta tin rằng lý do của chúng ta và niềm hy vọng của chúng ta cho việc hiện hữu được tìm thấy nơi trái tim của Thiên Chúa mà thôi. Bởi thế mà thế giới hậu tân tiến của chúng ta, một thế giới bị chìm đắm trong cảnh bần cùng của mình, cần phải nghe hơn bao giờ hết việc loan báo ân sủng và tình thương từ trời cao.
”Vấn: Lễ Chúa Tình Thương đã tác dụng ra sao, nếu có, trên đời
sống của Giáo Hội?
“Đáp: Trước hết, tôi tin rằng lễ Chúa Tình Thương là một tặng vật Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cống hiến cho Giáo Hội, khi ngài thiết lập lễ này vào Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh, một tặng vật có lẽ để đáp ứng với nhu cầu của thế giới hơn bao giờ hết đang cảm thấy cần đến lòng xót thương và tình nhân ái.
“Và chúng ta biết rằng nguồn mạch, suối nguồn tình thương và lòng nhân ái ở nơi con tim của Thiên Chúa. Vấn đề cần là, như vị Giáo Hoàng này đã nói đến một số lần, Giáo Hội càng ngày càng phải trở thành thừa tác viên cho tình thương và lòng lành này của Thiên Chúa.
“Bởi vậy, giờ đây, bằng việc công bố một ngày đặc biệt giành cho việc cử hành và loan báo tình thương của Thiên Chúa, Đấng qua hy tế của Chúa Kitô đã vươn tới tất cả loài người, ngày nay đã trở thành một hoạt động truyền bá phúc âm hóa.
“Vấn: Tại sao Đức Thánh Cha đã đặt lễ Chúa Tình Thương quá sát với Lễ Phục Sinh như vậy?
“Đáp: Việc cử hành Tình Thương Chúa vào Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh, tôi có thể nói, là việc tái xác nhận tính cách cao cả của mầu nhiệm Phục Sinh. Thiên Chúa Cha muốn cứu độ nhân loại đã sai Con Ngài đến. Và Con của Ngài đã hiến mạng sống mình vì nhân loại. Bởi thế, điều ấy có nghĩa là gì nếu không phải là tình thương của Thiên Chúa?”
Chính vì ý thức được:
1. “‘Nhân loại sẽ không bao giờ tìm thấy hòa bình, cho đến khi họ tin tưởng quay về với Lòng Thương Xót Chúa’ (Diary, trang 132). Lòng Thương Xót Chúa! Đó là quà tặng Phục Sinh Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô phục sinh để cống hiến cho loài người vào lúc rạng động của một thiên kỷ” (bài giảng Lễ Chúa Tình Thương 2001, như được trích dẫn trên đây).
2. “Hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina. Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này” (bài giảng Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương Balan năm 2002, như được trích dẫn trên đây).
3. “Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương” (bài giảng Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương Balan năm 2002, như được trích dẫn trên đây).
Mà “tia sáng phát hiện từ Balan” Karol Wojtyla Gioan Phaolô II này, một tia sáng được Chúa Giêsu cho biết là “để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha”, mới trở thành vị giáo hoàng của “Giáo Hội trong thế giới tân tiến” (nội dung của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội ‘Gaudium et Spes’), mới là vị giáo hoàng của riêng Giáo Hội Công giáo song lại là vị giáo hoàng cho chung toàn thể nhân loại. Đó là lý do, sau khi vĩnh viễn nằm xuống, ngài đã trở thành một vĩ nhân của cả lịch sử Giáo Hội lẫn lịch sử thế giới trong thời hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 mở màn cho đệ tam thiên kỷ Kitô giáo. Lịch sử thế giới làm sao có thể bỏ qua không ghi nhận những gì ngài đã dấn thân hoạt động để xây dựng cho công lý và hòa bình trên thế giới trong suốt 26 năm rưỡi, với tư cách là vị lãnh đạo tối cao của riêng Giáo Hội Công giáo và của chung thế giới Kitô giáo. Chẳng hạn 4 việc xót thương điển hình ngài đã thực hiện sau đây:
1. Về chính trị: Góp phần vào việc làm sụp đổ khối Cộng Sản Đông Âu;
2. Về công lý: Vận động hòa bình thế giới, đặc biệt ở Trung Đông, nhất là ở Iraq;
3. Về kinh tế: Đề nghị bãi nợ quốc tế hay ít là giảm nợ quốc tế;
4. Về văn hóa: Tranh đấu bảo vệ sự sống con người và hủy bỏ án tử hình;
5. Về luân lý: Tranh đấu chống lại mưu đồ toàn cầu hóa chính sách phá thai ở Hội Nghị Dân Số 1994;
6. Về đạo lý: Công khai xin lỗi và thứ lỗi.