GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 20/4/2005 

 

1) Hồng Y Joseph Ratzinger, Tân Giáo Hoàng 265 - Đức Bênêđích XVI

2)  Vị Tân Giáo Hoàng Benedict XVI: Triết thuyết và  tâm thức thời đại trước con mắt của  nguyên HY Ratzinger

3) Đức Gioan Phaolô II: Người Hùng của Lịch Sử Đông Âu

 

 

 

1) Hồng Y Joseph Ratzinger, Tân Giáo Hoàng 265 - Đức Bênêđích XVI

Diễn tiến thành quả bầu tân Giáo Hoàng

 

8 giờ 04 tối Thứ Hai 18/4: Khói đen lần thứ nhất;
11 giờ 52 sáng Thứ Ba 19/4: Khói đen lần thứ hai;
5 giờ 50 chiều: khói trắng bốc lên;
6 giờ 43 chiều: thông báo có tân giáo hoàng;
6 giờ 48 chiều: ĐTC Bênêđích XVI xuất hiện chào và Ban Phép Lành Tòa Thánh

Lời Giới Thiệu tân Giáo Hoàng của ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez:

Annuntio vobis gaudium magnum;
habemus Papam;
Eminentissium ac Reverendissium Dominum,
Dominum Josephum
Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem Ratzinger
Qui sibi nomen imposuit Benedictum XVI

Tôi rất hân hoan loan báo cùng anh chị em;
Chúng ta đã có Giáo Hoàng;
Đức Hồng Y rất đáng kính Joseph Ratzinger của Hội Thánh Rôma,
Vị đã chọn danh hiệu là Bênêđích XVI.

Lời chào đầu tiên của vị tân giáo hoàng:

“Anh Chị em thân mến,

“Sau Vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị Hồng Y đã chọn tôi, một nhân công đơn mọn trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi ở chỗ Chúa biết phải làm như thế nào cho dù với nhưng thứ dụng cụ bất xứng, nhất là tôi xin cậy nhờ vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm hân hoan Chúa Phục Sinh, tin tưởng vào việc Người hằng ban ơn trợ giúp, xin Chúa giúp chúng ta tiến bước, và xin Mẹ của Người, Đức Maria Rất Thánh, ở bên chúng ta. Cám ơn anh chị em”.

Tiểu sử của tân Giáo Hoàng Bênêđích XVI:


ĐHY Joseph Ratzinger, nguyên tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh và Ủy Ban Thần Học Thế Giới, Trưởng Hồng Y Đoàn, được vào đời ngày 16/4/1927, ở Marktl am Inn, Đức quốc. Ngài được thụ phong linh mục ngày 29/6/1951.

Cha của ngài là một nhân viên cảnh sát, xuất thân từ một gia đình truyền thống nông dân ở vùng Hạ Thổ Bavaria. Ngài đã sống những năm thanh thiếu niên ở Traunstein, và được gọi phục vụ phụ giúp cho ngành phòng không vào những tháng cuối cùng của Thế Chiến Thứ II. Từ năm 1946 đến 1951, năm ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy, ngài đã học triết lý và thần học ở Đại Học Munich và tại trường cao đẳng ở Freising. Vào năm 1953, ngài đậu tiến sĩ thần học với luận án “Dân Chúa và Nhà Chúa nơi giáo huấn của Thánh Âu Quốc Tinh về Giáo Hội”. Bốn năm sau đó, ngài hợp lệ để làm giáo sư dạy đại học. Bấy giờ ngài dạy khoa tín điều và cơ bản thần học tại trường cao đẳng triết lý và thần học Freising, ở Bonn từ năm 1959 đến 1969, ở Munster từ 1963 đến 1966, và ở Tubinga từ 1966 đến 1969. Từ năm 1969, ngài là giáo sư dạy khoa tín lý thần học và khoa tín điều sử ở Đại Học Regensburg và là phó chủ tịch của chính đại học này.

Ngài được nổi tiếng vào năm 1962, lúc ngài tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II năm 35 tuổi với tư cách là tham vấn cho Đức Hồng Y Joseph Frings, TGM Cologne. Trong nhiều tác phẩm của mình, những quyển đặc biệt là “Nhập Môn Kitô Giáo”, một tổng hợp các bài dạy ở đại học về việc tuyên xưng đức tin, được xuất bản năm 1968; và cuốn “Tín Điều và Mạc Khải”, một hợp tuyển các bài luận đề, giảng và suy tư giành cho thức tác vụ mục vụ, được xuất bản năm 1973.

Vào Tháng 3/1977, Đức Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm TGM Munich và Freising và vào ngày 28/5/1977 ngài được tấn phong, một vị linh mục giáo phận đầu tiên sau 80 năm được nắm trách nhiệm thừa tác mục vụ của giáo phận rộng lớn ở Bavarian này.

Ngài được Đức Phaolô VI thăng hồng y vào mật nghị 27/6/1977. Vào ngày 25/11/1981, ngài được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin; và là chủ tịch Ủy Ban Thánh Kinh và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh.

Ngài là cáo thỉnh viên Thượng Nghị Giám Mục lần thứ V năm 1980. Ngài là chủ tịch Thượng Nghị Giám Mục lần VI năm 1983. Được chọn làm phó Hồng Y Đoàn ngày 6/11/1998, và là trưởng Hồng Y Đoàn ngày 30/11/2002. Là chủ tịch Ủy Ban sửa soạn cho cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 6 năm (1986-1992).

Ngài được trao tặng bằng danh dự về luật khoa của Đại Học Free University of Maria Santissima Assunta ngày 10/11/1999. Ngài trở thành một phần tử danh dự của Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Học ngày 13/11/2000.

Thông báo về Lễ Đăng Quang tân Giáo Hoàng:

Vị giám đốc của văn phòng báo chí tòa thánh Joaquín Navarro Valls đã thông báo sau khi chọn được tân giáo hoàng như sau:

“Cuộc mật nghị đã chấm dứt, Đức Thánh Cha Bênêđích XVI đã quyết định dùng bữa tối với tất cả những vị hồng y khác ở Trú Viện Thánh Matta là nơi ngài cũng sẽ ngủ đêm tại đó.
“Ngày mai, vào lúc 9 giờ sáng Đức Giáo Hoàng sẽ chủ tế Thánh Lễ với các vị hồng y ở Nguyện Đường Sistine và sẽ thuyết giảng bằng tiếng Latinh.

“Thánh Lễ đăng quang trọng thể cho giáo triều này sẽ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Chúa Nhật, 24/4, vào lúc 10 giờ sáng”.

 

TOP

 

2) Vị Tân Giáo Hoàng Benedict XVI: Triết thuyết và  tâm thức thời đại trước con mắt của  nguyên HY Joseph Ratzinger

Tương Đối Thuyết là “Vấn Đề Lớn Nhất của Thời Đại Chúng Ta”

Trong tác phẩm gần 300 trang mới nhất của mình do Cantagalli Publishers xuất bản, một tác phẩm tổng hợp tất cả các bài diễn văn được ĐHY phổ biến trong thập niên qua và đã được ngài tái kiểm chính. Tuy nhiên, bài đầu tiên là một bài viết từ năm 1964 về hiện tượng tôn giáo để chứng tỏ cho thấy cái khác biệt nơi Kitô giáo. Tác phẩm mang tựa đề "Fede, verità, tolleranza -- Il cristianesimo e le religioni del mondo" (Đức Tin, Chân Lý, Khoan Nhượng – Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Thế Giới).

Theo vị hồng y tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh thì “vấn đề chính là vấn đề về sự thật”. Ngài nhận định rằng tương đối chủ nghĩa, một thuyết coi tất cả mọi ý nghĩ là đúng, cho dù chúng có mâu thuẫn với nhau, “là vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta”. Tự bản chất, công việc của ngài làm đó là tìm cách minh định cho thấy “một là tương đối thuyết thật sự là một giả thuyết cần thiết cho việc khoan nhượng; hai là các tôn giáo thật sự đều giống như nhau”, hay đúng là “sự thật thì khả tri”.

Trong chương về “Những Thiên Lệch về Đề Tài Đức Tin, Tôn Giáo và Văn Hóa”, vị hồng y tác giả nhận định là “việc khoan nhượng và tôn trọng kẻ khác hình như đã áp đặt ý nghĩ cho rằng các tôn giáo tương đương với nhau”. Thế nhưng, theo ánh sáng mạc Khải Kitô giáo, đức hồng ý xác nhận, “nơi Chúa Kitô, chúng ta đã được ban cho một tặng ân mới, một tặng ân chính yếu, đó là sự thật, và bởi đó, chúng ta có nhiệm vụ phải cống hiến sự thật này cho kẻ khác một cách nhưng không”.

“Việc nói rằng thật sự có một sự thật, một sự thật sâu xa và vững chắc trong lịch sử nơi con người Đức Giêsu Kitô cũng như nơi đức tin của Giáo Hội, đã bị coi là bảo thủ, hiện lên như là một thứ thực sự tấn công tinh thần văn minh tân tiến và như là một mối đe dọa về nhiều mặt cho sự thiện tối hậu đó là lòng khoan nhượng và quyền tự do”. Tuy nhiên, “việc chối bỏ sự thật lại không cứu được con người”. Trái lại, “đức tin Kitô giáo không ngừng thúc bách hướng tới vấn đề sự thật”, “một sự thật không phạm đến bất cứ ai”. “Nếu chỉ có đức tin Kitô giáo là sự thật thì nó thực sự có liên quan đến tất cả mọi người”, bằng không, nó chỉ là một thứ biểu hiện của văn hóa vậy thôi, theo nhận định lập luận của vị tác giả hồng y.

Trong một thế giới phi tín điều hay chỉ có một tín điều duy nhất là tương đối thuyết thì mối thách đố lớn lao là ở “cuộc gặp gỡ giữa đức tin và lý trí”. Nếu có thể tìm thấy sự thật thì đâu là những mối liên hệ giữa các tôn giáo đa dạng? Vị hồng y tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin trả lời bằng một nghi vấn: “Không phải là con người đang tìm kiếm, đang thực hiện nỗ lực để có được một lương tâm tinh tuyền nhờ đó đến gần hơn – ít là ở chỗ! - những hình thức thuần túy nhất của tôn giáo?”

Thế nên, Kitô hữu không được “chỉ thực hiện việc truyền đạt một cái tương tự về cấu trúc của các tổ chức và tư tưởng, mà là cái chiều kích sâu xa nhất của đức tin, đó là chiều kích thực sự liên hệ với Chúa Kitô”. Đức Hồng Y Ratzinger khẳng định: “Cái dẫn con người đến cùng Thiên Chúa đó là những gì năng động của lương tâm cũng như của việc Thiên Chúa hiện diện một cách thầm lặng nơi lương tâm, chứ không phải cái thần thánh hóa những gì ẩn ẩn hiện hiện khiến con người không thể thực hiện việc tìm hiểu sâu xa hơn”.

Có Kiêu Căng hay chăng khi tuyên xưng Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất?

ĐHY Ratzinger, đương kim Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin cũng là vị hồng y người Baravia vừa được ĐTC bổ nhiệm hôm 30/11/2002 vừa qua làm trưởng hồng y đoàn (thay cho ĐHY Bernardin Gantin người Benin Phi Châu về hưu 80 tuổi), một chức vụ, theo giáo luật khoản 352, không có quyền gì trên các vị hồng y khác, ngoài phận sự thông báo cho hồng y đoàn về việc qua đời của ĐTC, chủ sự hội đồng hồng y, triệu tập mật nghị hồng y, kể cả mật nghị bầu giáo hoàng, một mật nghị được vị này điều hành việc bầu cử và hỏi vị tân giáo hoàng xem có muốn chấp nhận việc được chọn bầu hay chăng.

Hôm Thứ Bảy 30/11/2002, ĐHY Ratzinger đã ngỏ lời cùng 3000 tham dự viên về chủ đề “Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, một hội nghị tập trung các thần học gia nổi tiếng trên thế giới tại Đại Học Công Giáo Thánh Antôn ở Murcia Tây Ban Nha.

“Có kiêu ngạo hay chăng khi nói đến một sự thật liên quan đến các vấn đề tôn giáo, đến nỗi đi đến chỗ khẳng định sự thật này, một sự thật duy nhất, đã được thấy nơi tôn giáo riêng của con người? Ngày nay, nó đã trở thành một thứ châm ngôn vừa giản dị lại nghêng ngang có một sức dội ghê gớm phủ nhận tất cả những ai có thể bị cáo giác là họ tin tưởng rằng họ ‘nắm bắt được’ sự thật. Những người này dường như không thể nào đối thoại với họ được; vì không ai có thể ‘chiếm hữu’ được sự thật nên không cần phải để ý đến họ cho lắm. Chúng ta chỉ có thể tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, người ta có thể phản đối việc khẳng định này, ở chỗ, nếu người ta không bao giờ đạt đến được mục đích thì việc tìm kiếm này nghĩa là gì? Những người này có quả thực tìm kiếm hay họ không muốn tìm sự thật, vì những gì họ tìm kiếm không có được?” Bình thường thì không thể nào nắm bắt được sự thật; đối với sự thật, tôi bao giờ cũng phải là một con người khiêm tốn chấp nhận, một con người ý thức được cái liều lĩnh của mình và chấp nhận kiến thức như là một tặng ân tôi không đáng lãnh nhận, một tặng ân tôi không thể huyênh hoang như thể nó do tôi chiếm đạt. Nếu tôi đã nhận được sự thật, tôi phải coi nó như là một trách nhiệm, một trách nhiệm cũng đóng vai trò phục vụ người khác. Đức tin cũng xác nhận là cái khác nhau giữa những gì chúng ta biết được với chính thực tại thì vô cùng lớn hơn cả cái giống nhau”.

Theo ĐHY này thì kẻ kiêu ngạo là người chủ trương tương đối thuyết: “Không phải kiêu căng hay sao khi nói rằng Thiên Chúa không thể ban cho chúng ta tặng ân sự thật? Không phải là khinh thường Thiên Chúa khi nói rằng chúng ta đã được sinh ra mù lòa nên sự thật không phải là những gì chúng ta cần quan tâm tới? Cái kiêu ngạo thật là ở tại việc muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa và muốn quyết định chúng ta là ai, những gì chúng ta làm, những gì chúng ta muốn làm nên chính mình và thế giới. Điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là khiêm nhượng nhận biết rằng chúng ta là những sứ giả bất xứng, thành phần không loan báo về bản thân mình, nhưng kính cẩn nói đến những gìkhông phải là mình, song về những gì bởi Thiên Chúa mà đến. Chỉ có như thế mới làm sáng tỏ công cuộc truyền giáo mà thôi, một công việc không nhắm vào mục đích áp đặt chế độ thực dân thiêng liêng, bắt kẻ khác phải lụy phục văn hóa và tư tưởng của mình. Trước hết, việc truyền giáo đòi phải sẵn sàng chịu tử đạo, một tình nguyện đánh mất bản thân mình vì yêu mến sự thật và tha nhân của mình. Chỉ có thế việc truyền giáo mới khả tín. Chân lý không thể và không được có bất cứ một thứ khí giới nào khác ngoài chính mình”.

 

TOP

 

 

3) Đức Gioan Phaolô II: Người Hùng của Lịch Sử Đông Âu

Thứ Tư 24/3/2004, áp ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 hằng năm, ĐTC đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này, buổi triều kiến Ngài vẫn chia sẻ giáo lý từ năm 1979 đến bấy giờ, để nhắc lại mục đích của việc Ngài tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ 20 năm trước đây, vào dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc, 25/3/1984. Thật vậy, ĐTC GPII đã mở Năm Thánh Cứu Độ, kỷ niệm 1950 năm Chúa Kitô cứu chuộc loài người vào năm Người 33 tuổi, tức là, nếu lấy 1950 + 33 = 1983; ngày 25/3/1984 là ngày kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc được bắt đầu từ ngày 25/3/1983. Hai mươi năm sau ngày bế mạc Năm Thánh Cứu Chuộc này, Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì ngài đã làm như sau:

• “Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc. Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”.

Tuy ở đây ĐTC không nói đặc biệt đến việc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, nhưng Ngài đã xác nhận là Ngài có ý làm điều ấy “để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”, tức đáp ứng việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đó là lý do trong lời hiến dâng của mình bấy giờ, tức vào ngày 25/3/1984, Đức Thánh Cha đã nói một cách khôn khéo như sau:

• “Chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay! Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.

Trong “Lời Nguyện Cầu Biến Đổi Thế Giới “ này, chúng ta thấy ĐTC GPII đã nhắc đến 4 sự kiện lịch sử như sau:

Sự kiện lịch sử thứ nhất, đó là sự kiện ĐTC GPII quả thực có hợp với các vị giám mục trên thế giới, đúng như cách thức Thiên Chúa muốn thực hiện được Mẹ Maria tỏ cho chị Lucia biết ngày 13/6/1929 và đã được chị đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII trong thư đề ngày 24/10/1940. ĐTC GPII đã xác nhận sự kiện hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công giáo hiệp dâng như chúng ta đã nghe là: “Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn…, Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng…”.

Sự kiện lịch sử thứ hai, đó là hai lần vị tiền nhiệm của ngài là Đức Piô XII đã hiến dâng loài người và thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, hai lần này đã được chúng tôi nhắc đến là ngày 31/10/1942 và ngày 7/7/1952, lần thứ nhất Đức Piô XII chỉ dâng chung loài người, lần thứ hai ngài mới có ý dâng Nước Nga.

Sự kiện lịch sử thứ ba, đó là trong lần hiến dâng thứ hai của ĐTC Piô XII, vị giáo hoàng thời thế chiến thứ II này đã quả thực có ý muốn hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria rồi, như ĐTC GPII lập lại trong Lời Nguyện Cầu Biến Đổi Thế Giới của ngài như chúng ta đã nghe: “rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng”.

Sự kiện lịch sử thứ bốn, đó là việc chính ĐTC GPII cũng có ý hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, khi ngài khôn ngoan kín đáo nhắc riêng đến Nước Nga bằng những lời lẽ chúng ta cũng đã nghe: “Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến”.

Chính vì Nước Nga đã được ĐTC GPII hiệp cùng với hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đúng ý muốn và cách thức của trời cao như thế, Thiên Chúa đã thực hiện những gì Ngài hứa, như chị Lucia được Đức Mẹ tỏ cho biết vào ngày 13/6/1929, đó là Ngài sẽ làm cho Nước Nga trở lại, một sự kiện lịch sử đã hoàn toàn xẩy ra được diễn tiến tuần tự như sau:

Trước hết là biến cố bất ngờ xuất hiện nhân vật lịch sử Gaborchev, bất ngờ xuất hiện như trường hợp của chính ĐTC GPII trong Giáo Hội Công giáo, một vị giáo hoàng đến từ một nước cộng sản và không phải là người Ý. Nhân vật lãnh tụ Khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết cuối cùng trẻ nhất trong số lãnh tụ trước đó ấy đã xuất hiện vào tháng 3 năm 1985, tức sau đúng 1 năm Nước Nga được hàng giáo phẩm Giáo Hội Công giáo hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Tiếp theo là Biến Cố Cộng Sản Đông Âu tự động sụp đổ một cách bất ngờ trước con mắt bàng hoàng sửng sốt của cả thế giới, nhất là thế giới tư bản, một khối tư bản chẳng những không thể làm gì nổi họ trong thời chiến tranh lạnh Cold War mà còn bị họ dần dần chiếm đất giành dân khắp nơi trên thế giới. Có cái lạ nữa là Biến Cố Đông Âu này được diễn tiến nói chung hoàn toàn bất bạo động theo đường hướng tranh đấu của Giáo Hội, chứ không phải theo kiểu tranh đấu giai cấp bạo động của cộng sản, và cuộc tranh đấu bất bạo động này đã được bắt nguồn ngay từ quê hương Balan của vị giáo hoàng đã đọc “Lời Nguyện Biến Đổi Thế Giới”.

Sau hết là Biến Cố Nước Nga trở lại vào chính Ngày Giáng Sinh 25/12/1991, khi vị lãnh tụ cuối cùng của khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết là Gorbachev từ chức, vị đã chủ trương đường hướng Cởi Mở được gọi là Glasnot và Cải Tổ được gọi là Parestroika là những gì thực sự đã mang lại một biến động hoàn toàn đổi thay cho Khối Cộng Sản Đông Âu.

Trong cuốn Trái Tim Mẹ Toàn Thắng, tác phẩm xuất bản nhân dịp kỷ niệm đúng 1 năm sau khi Nước Nga trở lại, ở trang 11-13, tôi đã viết như sau:

“Những diễn tiến về sự kiện sụp đổ chớp nhoáng đầy ngoạn mục của chế độ cộng sản ở Âu Châu vào cuối năm 1989 đã xẩy ra hoàn toàn ngoài mọi dự tưởng của những chính trị gia lỗi lạc nhất thế giới. Không phải hay sao, một chế độ độc tài đảng trị và sắt máu như cộng sản, hầu như, về phương diện loài người, không gì có thể tiêu diệt được nó và chống lại được sự bành trướng của nó. Thế mà, ngay trong lúc mà cả loài người đang lo sợ vì nó đang trở nên một hiểm họa vô cùng nguy hiểm đến vận mệnh cả loài
người ở thế kỷ 20 này, thì tự nó lại quay ra chết bất đắc kỳ tử.

“Thật ra, đã có ba điều lạ lùng xẩy ra, đúng hơn, ba yếu tố định đoạt trong biến cố qua đời của chế độ cộng sản ở Âu Châu này. Thứ nhất, năm 1978, vị Giáo Hoàng Rôma (Gioan-Phaolô II) được bầu lên xuất thân từ một nước cộng sản. Thứ hai, năm 1980, tổ chức Công Đoàn Liên Đới (Solidarity) được Lech Walesa hình thành ở Ba Lan. Thứ ba, năm 1985, chính sách Cởi Mở (Glasnost) và Cải Tổ (Perestroika) được tân lãnh tụ Mikhail Gorbachev phát động ở Nga Sô.

“Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô là yếu tố thứ nhất trong ba yếu tố định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

“Biến cố này bắt đầu từ khi Ngài về thăm quê hương của Ngài vào ngày 2-10/6/1979. Việc Ngài được phép chính quyền cộng sản Ba- Lan cho về thăm quê hương cũng không phải là chuyện thường. Đầu tiên chính quyền Ba Lan từ chối lời xin phép của Ngài. Sau đó, chính quyền đã tự nhượng bộ vào ngày 7/5/1979, ngày kết thúc bảy ngày và bảy đêm liên tục lần chuỗi trước Mình Thánh Chúa được tổ chức ở Đền Đức Mẹ Czestochowa để cầu nguyện cho việc được phép về thăm quê hương của Đức Giáo Hoàng. Để rồi, với ảnh hưởng của Ngài, Công Đoàn Liên Đới đã được hình thành.

“Timothy Garton Ash, một ký giả người Anh, năm 1990 đã viết: ‘Chính tháng Sáu năm 1979 là khởi điểm cho cuộc kết liễu của riêng lịch sử Đông Âu... Tôi tin rằng chuyến công du đầu tiên về Ba-Lan của Đức Thánh Cha là chốt điểm của nó. Chỉ hơn một năm sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là Công Đoàn Liên Đới ra đời, nếu không có cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha, chưa chắc đã có Công Đoàn Liên Đới. Gương của Công Đoàn Liên Đới là một khai triển tân kỳ. Nó đã đi tiên phong như là một hình thái chính trị mới mẻ ở Đông Âu (và không phải chỉ mới mẻ ở đó mà thôi): chính trị tự tổ hợp nhằm điều giải cho việc chuyển nhượng của cộng sản’ (Catholic International [Vol 3, No 1 & 2, January 1992], 57).

“Mikhail Gorbachev, nguyên lãnh tụ Cộng Sản Liên Sô, cho rằng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc Cộng Sản Đông Âu sụp đổ. Trong một bài báo được nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đăng tải vào tháng 3/1992, Gorbachev đã viết: ‘Những biến cố ở Đông Âu không thể nào xẩy ra nếu không có vai trò quan trọng mà ngài tự biết phải đóng vai trò như thế nào trong hiện tình thế giới... Tôi vẫn tin ở tầm mức quan trọng nơi những hành động của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong những năm ấy’” (Fatima Family Messenger [Apr-Jun 1992], trang 21).

Tổng Thống George Bush, trong bài diễn văn dịp Khánh Thành Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô II ở Washington DC ngày 22/3/2001, đã nhận định rằng: “Chúng ta hãy nhớ lại cuộc thăm viếng của vị Giáo Hoàng này lần đầu tiên ở Balan năm 1979, một thời điểm đức tin đã trở thành một lực lượng kháng cự và bắt đầu gây biến động đưa đến tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đế quốc”.

Chính ĐTC GPII, sau buổi triều kiến chung hằng tuần vào ngày Thứ Tư ngài chia sẻ Giáo Lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, nhân dịp kỷ niệm 25 năm chuyến tông du lịch sử về quê hương Balan này của mình cũng đã công nhận điều ấy như sau:

“Hôm nay là ngày kỷ niệm 25 năm lần đầu tiên với tư cách là Giáo Hoàng Tôi đã hôn đất Balan. Tâm tư của Tôi luôn luôn nghĩ lại những ngày này và Tôi tạ ơn Chúa về ngọn gió Thánh Linh đã thổi qua mảnh đất ấy tạo nên một cuộc thay đổi sâu xa. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho quê hương xứ sở của chúng ta cũng như cho toàn thể nhân dân Balan”.

Trong cuộc tông du 2-10/6/1979 của mình, Ngài đã đọc 36 bài diễn từ. Tối thiểu từ 10 trong số 35 triệu người dân đã được đích thân thấy Ngài, ở 9 thành phố, làng mạc và đền thánh Ngài đã đến thăm.

Bắt đầu năm 1979, ông Edward Gierek, bí thư đầu tiên của Đảng Lao Động Thống Nhất của Balan, đã nói chuyện điện thoại với lãnh tụ Nga Sô bấy giờ là Leonid Brezhnev, nhân vật đã khuyên can ông hãy cản trở việc viếng thăm của vị giáo hoàng này.

Trong tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II” của Tad Szulc, Gierek tiết lộ là, khi thấy vị bí thư này bất đồng ý kiến với mình, vị lãnh đạo khối liên bang Nga Cộng liền nói: “Vậy thì đồng chí cứ làm theo ý muốn của mình, miễn là đàng chí và Đảng của đồng chí sau này đừng có mà hối hận”.

Đúng thế, theo bài “Gorbachev: Pope was 'example to all of us'” của CNN, phổ biến ngày 3/4/2005, thì Gorbachev người từng nói rằng việc sụp đổ Bức Tường Sắt không thể nào xẩy ra được nếu không có Đức Gioan Phaolô II, đã cho biết vị giáo hoàng này lên án cộng sản ngay vào lần đầu tiên hai người gặp nhau năm 1989, ngay sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ.

Vị giáo hoàng này, vị bắt đầu vai trò giáo hoàng của mình vào năm 1978 khi Sô Viết Nga đô hộ quê hương Balan của ngài và Đông Âu, đã chỉ trích gắt gao chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ những ai chiến đấu đổi thay tình thế ấy từ bên trong. “Ngài đã nói với tôi rằng ngài… rất, rất kỵ chủ nghĩa cộng sản”.

Gorbachev cho biết vị giáo hoàng đã nêu lên vấn đề Bức Tường Bá Linh trong cuộc gặp gỡ của hai người: “Ngài muốn biết ý của tôi về viễn ảnh của một Âu Châu hiệp nhất. Bức Tường Bá Linh dĩ nhiên là một phần của viễn ảnh này, thế nhưng ngài thực sự đã muốn nói đến việc chấm dứt Cuộc Chiến Tranh Lạnh”.

Những việc cải cách về kinh tế của Gorbachev, được gọi là perestroika, đã góp phần vào việc giải phóng xã hội Sô Viết Nga trong thập niên 1980.

Vị nguyên lãnh đạo Sô Viết Nga này, vị bị ép buộc phải từ nhiệm khi quốc gia của ông bùng nổ vào năm 1991, đã nói rằng vị giáo hoàng cũng phê bình cả chủ nghĩa tư bản nữa trong cuộc gặp gỡ năm 1989.

“Ngài nói ‘tôi không phục vụ bất cứ một đảng phái chính trị nào hết, tôi phụng sự Thiên Chúa. Bởi thế tôi ủng hộ cũng những điều ông đang cố gắng chiếm đạt bằng chính sách cải tổ kinh tế perestroika của ông’”

Sau cuộc gặp gỡ này, Gorbachev nói, ông đã bay đến Malta để gặp tổng thống George H.W. Bush. Sau đó cả hai tuyên bố rằng Hiệp Chủng Quốc và Liên Bang Sô Viết không còn là kẻ thù của nhau nữa: “Bởi vậy, thấy không, tất cả đều có liên hệ với nhau”.


Cũng theo mạng điện toán toàn cầu CNN, trong bài “World mourns Pope John Paul II”, ngày 3/4/2005, người ta còn đọc thấy những cảm nhận của hai nhân vật quốc tế về vị giáo hoàng vừa nằm xuống như sau:


Trước hết là ông Lech Walesa, vị lãnh đạo phong trào Liên Đới Balan cũng là cựu Tổng Thống Balan đầu tiên nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã tác động việc kết thúc chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu. “Không có ngài sẽ không có vấn đề chấm dứt chủ nghĩa cộng sản, hay ít là mãi sau này và việc chấm dứt sẽ xẩy ra đẫm máu”.


Sau nữa là bà Margaret Thatcher, nguyên thủ tướng Hiệp Vương Quốc: “Hằng triệu người mắc nợ ngài về sự tự do và tự trọng của họ. Toàn thế giới được đánh động bởi gương lành của ngài. Đời sống của ngài là một cuộc chiến đấu lâu dài chống lại những thứ gian dối được lợi dụng để hành ác. Bằng việc chiến đấu với những thứ sai lạc của cộng sản và loan truyền phẩm giá thực sự của cá nhân con người, cuộc đời của ngài là một quyền lực luân lý bên trong cuộc chiến thắng ở Cuộc Chiến Tranh Lạnh”.

Ngay trước khi khối Cộng Sản Đông Aâu bắt đầu theo nhau sụp đổ một cách bất ngờ và tức tưởi ngoài dự tưởng của chính trị gia hay kinh tế gia lỗi lạc nhất thế giới, khởi đi từ chính quê hương Ba-Lan của vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào ngày 19-8-1989, thì chị Lucia đã chính thức lên tiếng tuyên bố vào ngày 1-8-1989 như sau: “Chúa chúng ta đã chấp nhận việc hiệp dâng năm 1984”, cũng trong ngày này, chị còn lập lại câu chị trả lời vị Sứ Thần Tòa Thánh ở Lisbon là “Vâng, giờ đây nước Nga đã được hiến dâng… Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”. Những lời của chị Lucia khẳng định ngay trước Biến Cố Đông Âu xẩy ra này được tờ Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger ở New Hope, tiểu bang Kentuckey, Hoa Kỳ, số tháng 10-12/1989, (trang 7 và 9), ghi nhận và phổ biến, là bằng chứng cho thấy việc tự động giải thể của khối Cộng Sản Đông Aâu hoàn toàn do việc can thiệp lạ lùng của Nữ Vương Toàn Thắng Mân Côi Fatima.

Trong nguyệt san The Catholic World Report, 10/1993, trang 45-46, chính Gorbachev, lãnh tụ cuối cùng của đảng Công Sản Liên Sô, và Lech Walesa, chủ tịch Công Đoàn Liên Kết Ba-Lan chống cộng cũng là vị tổng thống đầu tiên thời hậu Cộng Sản, đã phải công nhận vai trò then chốt của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong riêng Biến Cố Đông Âu và của chung lịch sử Âu Châu hiện đại này như sau. Gorbachev cảm nhận: “Tôi xin nói rằng mọi sự ở Đông Âu không thể nào xẩy ra nếu thiếu vị giáo hoàng này, thiếu tư tưởng của ngài – kể cả tư tưởng chính trị – và thiếu việc ngài nắm vững tình hình thế giới. Một cuộc thay đổi tận gốc rễ đã thực hiện nơi lịch sử Châu Âu, và Gioan Phaolô đã đóng một vai trò quyết liệt”. Walesa cũng xác nhận: “Năm 1979, Đức Giáo Hoàng đã nói ở Balan: ‘Không thể nào có một Châu Âu chân chính mà lại không có một Balan tự do’. Ngày nay đây, Âu Châu đã trở thành các quốc gia tự do, tôi nghĩ rằng nhiều người tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban Gioan Phaolô II cho thế giới”.

Về phần mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại qui mọi sự thay đổi phi thường ngoài sức tự nhiên, cả trong lãnh vực quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự này về cho Mẹ Fatima, như ngài đã không ngần ngại tỏ ra cảm nhận thần linh của mình trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của ngài, khi trả lời cho vấn đề “Thiên Chúa có nhúng tay vào việc sụp đổ của Cộng Sản hay không?” thế này: “Chúng ta nói thế nào về ba trẻ ở Fatima là những người, ngay trước cuộc bùng nổ Cách Mạng Tháng Mười, bỗng nhiên nghe thấy rằng: ‘Nước Nga sẽ trở lại’ và ‘Cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng’…? Chúng không thể nào tạo tĩnh ra được những tiên đoán này. Chúng không đủ hiểu biết về lịch sử hay địa dư, lại càng mù tịt về các biến động trong xã hội cũng như các phát triển về ý thức hệ. Thế mà, việc đã xẩy ra đúng như lời chúng nói. Có lẽ đó là lý do tại sao… cần phải có một cuộc ám sát ở Công Trường Thánh Phêrô vào đúng ngày 13-5-1981, ngày kỷ niệm lần hiện ra thứ nhất ở Fatima…”.

Trong bài “Bush: 'A hero for the ages'”, được CNN phổ biến ngày 2/4/2005, thì Tổng Thống Bush đã 3 lần gặp vị giáo hoàng này trong cuộc đời của ông. Vào tháng 6/2001, khi đến viếng thăm Vatican, Tổng Thống Bush đã kính tặng vị giáo hoàng Huy Chương Tự Do của Tổng Thống, vinh dự cao cả nhất của Hoa Kỳ ban tặng cho dân sự.

Sau đây là bản văn của tổng thống phát biểu vào buổi chiều Thứ Bảy 2/4:

“Giáo Hội Công giáo đã mất đi vị chủ chăn của mình. Thế giới đã mất đi một con người chiến đấu cho tự do của con người, và một người tôi tớ nhân lành và tín trung của Thiên Chúa đã được gọi về.

“Đức Gioan Phaolô II đã rời bỏ ngai tòa Phêrô cũng cùng một cách như ngài đã đăng quang, với tư cách là một chứng nhân cho phẩm giá của sự sống con người. Ở quê hương Balan của mình, vị chứng nhân này đã tung ra một cuộc cách mạng dân chủ làm rung chuyển cả Đông Âu và thay đổi giòng lịch sử.

“Ở khắp Tây Phương, chứng từ Đức Gioan Phaolô nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống, một nền văn hóa mà kẻ mạnh phải bảo vệ kẻ yếu.

“Và trong những năm cuối đời của vị Giáo Hoàng này, chứng từ của ngài thậm chí còn mãnh liệt hơn nữa bằng việc can đảm hằng ngày đương đầu với bệnh nạn và nhiều khổ đau.

“Tất cả mọi vị giáo hoàng đều thuộc về thế giới, thế nhưng những người Hoa Kỳ có lý do đặc biệt để yêu mến con người từ Krakow này. Trong những cuộc ngài viếng thăm quê hương của chúng ta, vị giáo hoàng này đã nói về Bản Hiến Pháp thiên định của chúng ta, đến các sự thật hiển nhiên về phẩm vị con người nơi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của chúng ta, và nói đến những phúc hạnh tự do xuất phát từ những sự thật này.

“Ngài nói, chính những sự thật này, những sự thật khiến tất cả mọi người trên thế giới hướng về Hoa Kỳ với niềm hy vọng và trọng kính. Bản thân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một nguồn cảm hứng cho hằng triệu người Hoa Kỳ cũng như cho nhiều người nữa trên khắp thế giới.

“Chúng ta sẽ luôn nhớ đến vị linh mục khiêm tốn, khôn ngoan và can đảm này, vị đã trở thành một trong những vị đại lãnh đạo về luân lý trong lịch sử. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về việc gửi đến một con người như thế, một người con của Balan trở thành vị giám mục Rôma và là anh hùng của các thời đại”.

Trong bài ‘Bush praises pope's 'profound impact', được CNN phổ biến ngày 9/4/2005, người ta còn đọc thấy những điều sau đây:

Tổng Thống Bush từ lễ an táng đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II về đêm Thứ Sáu, ông đã tỏ lòng trọng kính vị cố lãnh đạo của Giáo Hội Công giáo Rôma trong bài diễn văn phát thanh hằng tuần của mình.


Ông nói những việc cử hành đã lôi kéo các vị quốc vương, tổng thống và hành hương từ khắp nơi trên thế giới về Rôma là “một nhắc nhở mãnh liệt và tác động về cái ảnh hưởng sâu xa vị giáo hoàng này có được trên thế giới của chúng ta”.

“Hết mọi nơi ngài đến, vị giáo hoàng này đều rao giảng rằng tiếng gọi tự do là tiếng gọi giành cho hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại, vì tác giả của sự sống đã viết nó vào bản tính loài người chung của chúng ta. Nhiều người ở Tây phương đã đánh giá nhẹ tầm mức ảnh hưởng của vị giáo hoàng này. Thế nhưng, những ai ở sau Bức Màn Sắt đã biết rõ hơn, và sau cùng ngay cả Bức Tường Bá Linh cũng không đứng vững quyền lực mãnh liệt của vị giáo hoàng Balan này”.

Vị tổng thống này đang tìm cách phổ biến nền dân chủ cho các quốc gia khác, ông thường nói về tự do là tặng ân của Thiên Chúa. Ông nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã dấn thân cho lý tưởng này từ khi còn trẻ ở Balan, khi ngài tránh né cơ quan mật vụ Đức Quốc xã để tham dự chủng viện chui.

“Sau đó, khi ngài được bổ nhiệm là vị giám mục trẻ nhất Balan, ngài đã phải đối diện với một chế độ chuyên chế lớn khác của thế kỷ 20 là cộng sản. Và ngài đã sớm dạy cho các kẻ cầm quyền cộng sản ở Warsaw và Moscow rằng sự thật về luân lý có các đạo quân của nó và có một quyền lực còn lớn hơn cả những thứ quân đội và công an mật vụ của họ”.

Vị tổng thống này là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tham dự một lễ an táng giáo hoàng. Trong chuyến bay về nước, ông đã cho biết lễ an táng đã tác động ông hơn là ông tưởng và sẽ có ảnh hưởng đến vai trò làm tổng thống của ông.

“Cuộc cử hành hôm nay, tôi dám cá với anh chị em là đối với hằng triệu người, là một sự tái quyết tâm cho nhiều người”.


 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ